Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

PHẦN THỨ HAI: CHÚ CHIM LẠC LOÀI BAY CHẬM – Chị cả thi đỗ Đại học Sư phạm



Từ tiểu học cho đến trung học, vì thành tích học tập kém, tôi như một cánh chim lẻ loi phiêu bạt nơi chân trời, trong tim luôn cảm thấy cô đơn trống rỗng, khát khao được nhập cùng bầy nhạn học giỏi thi tốt kia, nhưng điều duy nhất luôn đón chờ tôi chỉ là một chuỗi những khổ đau và thất bại. Tôi cũng muốn được thông minh lanh lợi như các bạn; tôi cũng muốn được thầy cô biểu dương khen thưởng; tôi lại càng muốn người thân không phải muộn phiền vì mình. Cuối cùng cũng có một ngày mà tất cả những điều này bắt đầu có những thay đổi nhỏ.

Chị cả thi đỗ Đại học Sư phạm

Chị cả trong mắt lũ nhóc chúng tôi luôn là người được đặt nhiều kỳ vọng và mang đến nhiều ngạc nhiên. Từ nhỏ chị đã phải xa nhà, chuyển đến ở với chú dì để tiện cho việc học. Khi tôi bị bệnh, chị đang học lớp 12 trường Nữ sinh Bắc Nhị. Chị cả tính tình vốn hướng ngoại hoạt bát, ôm ấp hy vọng thi được vào chuyên ngành Ngoại văn – một chuyên ngành rất được ưa chuộng lúc bấy giờ, để tương lai có thể trở thành một nhà ngoại giao xuất sắc. Thế nhưng, khi trở về nhìn thấy cảnh cha mẹ sốt ruột lo lắng vì tôi, chị đã nguyện từ bỏ ước mơ này. Chị cảm thấy cha mẹ thương tôi như vậy, để hai người có thể yên tâm, và cũng để đền đáp tấm ân tình cha mẹ đã cho chị an tâm học hành bấy lâu nay, lại càng lo sợ khi nghĩ đến việc tương lai sẽ không ai dạy dỗ chăm sóc tôi nên khi điền hồ sơ dự thi đại học, chị đã không chọn chuyên ngành Ngoại văn, mà cuối cùng quyết định nộp hồ sơ vào khoa Giáo dục trường Đại học Sư phạm. Chị cả hứa với cha mẹ, và cũng hứa với tôi rằng sẽ chăm sóc tôi đến suốt đời! Và sự thực là chị cả đã giữ đúng lời hứa với cha mẹ, chị vẫn nhiệt tình dìu dắt tôi trên con đường trưởng thành cho đến tận bây giờ!

Chị cả là trưởng nữ trong nhà, thời thơ ấu của chị cũng là khoảng thời gian sự nghiệp của cha trong giai đoạn phát triển, vậy nên trong sáu đứa con, cha có một tình cảm đặc biệt với chị cả, ông không gọi chị là Mỹ Quý, mà chỉ toàn gọi là “Mai”. Còn anh ba, vì nguyên cớ bắt nguồn từ ông nội kế mà tình cảm giữa anh với bà ngoại, cha và mẹ không được gần gũi cho lắm. Còn tôi, mặc dù từng trải qua một trận sốt kịch liệt khiến não bị hỏng mất một phần, nhưng vẫn được cha mẹ hết mực cưng chiều. Nói nghiêm túc thì tâm điểm của cả nhà đều đặt vào tôi và chị cả. Vì vậy, khi đến ngày công bố danh sách thi đỗ đại học, mọi người không muốn tạo áp lực cho chị cả nên chẳng ai dám hỏi nhiều, nhưng trong lúc trò chuyện, có đôi lúc mẹ vẫn không kiềm chế nổi, buột miệng thổ lộ niềm kỳ vọng thầm kín:

“Nếu cái Mỹ Quý mà thi đỗ Đại học Sư phạm rồi sau này làm cô giáo, cũng đúng lúc thằng Vỹ lên trung học. Chị mà dạy em nhất định sẽ tốt hơn người khác!”

“Tốt thì tốt thật! Mỹ Quý vì em trai mà vứt bỏ giấc mơ học khoa Ngoại văn của mình, nếu bắt nó nhận gánh nặng dạy dỗ thằng Vỹ, liệu có nặng nề quá không? Tất nhiên anh cũng mong Mỹ Quý thi đỗ vào Đại học Sư phạm, nhưng đỗ cũng đồng nghĩa với việc con bé phải gánh trọng trách dạy dỗ em trai cả đời! Nếu nó không theo nghề giáo, có lẽ sẽ không phải vất vả đến vậy! Đều là con là cái cả, làm cha mẹ như chúng mình cũng thật khó xử!” Mặc dù cha cũng mang sự kỳ vọng như vậy, nhưng vẫn có đôi phần không nỡ khi thấy chị cả phải từ bỏ nguyện vọng của mình, trong lòng cũng ngập tràn mâu thuẫn.

Mẹ thấy cha nói vậy, bèn xích lại gần nhẹ nhàng nắm lấy vai cha:

“Vạn à! Chúng mình phiền não làm gì chứ! Đợi đến khi kết quả thi công bố rồi bàn tiếp cũng chưa muộn!”

Ngày công bố kết quả đúng vào đợt bão, mưa gió ngả nghiêng cả đêm, cả nhà ngồi túm tụm trước đài cát sét, nín thở lắng nghe tiếng cô phát thanh viên đều đều đọc bản danh sách học sinh thi đỗ đại học. Khi phát đến danh sách của khoa Ngoại văn trường Đại học Đài Loan, chị cả nghe thấy xướng lên tên của mấy người bạn ngày trước từng hứa với chị sau này sẽ cùng nhau trở thành nữ nhân viên ngoại giao. Trong giây phút đó, bỗng nhiên cảm giác nuối tiếc không nói thành lời đọng lại trong tim chị bật ra thành tiếng thở dài khe khẽ. Lúc đó mọi người chỉ quan tâm đến việc có nghe thấy tên chị hay không mà hoàn toàn không nghe thấy tiếng thở dài lặng lẽ của chị.

Bảng danh sách của trường Đại học Chính trị đã đọc xong, phát thanh viên bắt đầu đọc đến Đại học Sư phạm, khoa đầu tiên chính là khoa Giáo dục. Đọc qua vài cái tên, quả nhiên đã nghe thấy tên “Lư Mỹ Quý” được xướng lên, cả nhà vui đến mức ôm chầm lấy nhau chảy tràn nước mắt.

“Mỹ Quý thi đỗ Đại học Sư phạm rồi! Đỗ thật rồi!”

“Thằng Vỹ có hy vọng rồi!”

Niềm vui sướng của cha mẹ là vì chị cả thi đỗ Đại học Sư phạm thì sẽ có người kèm cặp tôi khi lên trung học. Từ đó, cha mẹ như nhìn thấy được niềm hy vọng của tôi!

Chuyên ngành của chị cả là giáo dục. Mấy lần về thăm nhà, chị đã phát hiện ra năng lực môn Ngữ văn của tôi không tốt chút nào, vì vậy chị đã quyết định chọn học chương trình giáo dục Ngữ văn và chương trình giáo dục đặc thù. Chị cả hy vọng những gì bản thân học được sẽ có thể giúp cho đứa em trai thiểu năng của mình trở thành một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Vậy mà chẳng ai biết được rằng, sự kỳ vọng và nỗ lực này đã khiến chị phải chịu biết bao nỗi cơ cực vất vả khi dìu tôi đi trên con đường trưởng thành trong tương lai. Sau này, khi tôi ngoảnh đầu nhìn lại chặng đường đã qua, sự cố gắng của cha mẹ và chị cả đều thực sự có ý nghĩa và giá trị, chỉ là trong hệ giáo dục chính quy, điều đó rõ ràng gặp phải một chút khó khăn.

Khả năng ghi nhớ của tôi không tốt như trước nên học đâu quên đó, việc nhớ các quy tắc, định lý, nguyên lý, dấu chữ và khả năng nhận biết từ cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Trong khi đó, thiết chế giáo dục của chúng ta sử dụng chung một loại tài liệu, một cách giáo dục, bắt mỗi học sinh phải học theo tiến độ học tập tịnh tiến, ai theo kịp sẽ được mọi người khẳng định là học sinh ưu tú, ai không theo kịp thì sẽ bị hy sinh cho cả một thiết chế. Trên chặng đường dìu tôi trưởng thành, chị cả năm lần bảy lượt nhọc tâm tìm kiếm những đáp án và lời giải thích, từ đó đào sâu nghiên cứu về các lĩnh vực như “Giáo dục mở cửa”, “Trí tuệ đa nguyên”, “Giáo dục bằng tình cảm7”. Chị thường nói đùa rằng, các nhà giáo dục thành công trên thế giới, đại đa số thành tựu của họ đều bắt nguồn từ việc quan sát và nghiên cứu một đứa trẻ đặc biệt nào đó, nếu trong tương lai chị ấy đạt được thành tựu giáo dục, chị sẽ phải cảm ơn ông trời đã ban tặng cho mình một đứa em trai khác người!

Những nhà giáo dục có thể thay đổi điều gì? Rốt cuộc nền giáo dục sẽ đưa đứa trẻ đi đâu về đâu? Phần lớn các nhà giáo dục đều có một cách nhìn chung, đó là hy vọng có thể thông qua giáo dục để kích hoạt tiềm năng và tài năng thiên bẩm, hướng trẻ đến sự phát triển tối đa. Chúng ta sẽ phát hiện ra rằng tiềm năng của mỗi người thật khác biệt và độc đáo đến nhường nào. Với những người may mắn, trong cuộc đời họ sẽ có một phần năng lực nào đó được phát hiện và tận dụng, nhưng phần lớn mọi người đều cả đời không biết năng lực và ưu thế của mình nằm ở đâu, những điều có thể ứng dụng được chẳng qua chỉ là một số kỹ năng sống và kỹ năng công việc cơ bản mà thôi! Cũng vì điểm đặc biệt của tôi mà chị cả đã phải nặng nhọc bước đi trên vách đá cheo leo của hành trình giáo dục.

Sau khi chị cả lên đại học, thời gian rảnh rỗi cũng nhiều hơn trước. Trước đây chỉ có nghỉ hè hay nghỉ đông chị mới được về thăm nhà, bây giờ cứ cách một thời gian chị lại về thăm cha mẹ, và tặng cho mỗi người trong nhà một món quà nhỏ. Trong số những món quà mà chị cả mang về, tôi ấn tượng nhất với hai tập truyện tranh Hoàng tử, đây là tập truyện tranh duy nhất mà tôi có khi còn nhỏ. Do trí nhớ kém nên lần nào đọc xong tôi cũng quên ngay, vì thế cứ rảnh rỗi là tôi lại ôm hai quyển truyện ngồi đọc say mê, mỗi lần đều cảm thấy thú vị hấp dẫn, đọc cả trăm lần cũng không biết chán. Mặc dù không đọc được nhiều chữ, nhưng truyện tranh thì có thể xem tranh thay cho đọc chữ, thế nên tôi cũng không tốn quá nhiều sức lực.

Chị cả thi đỗ Đại học Sư phạm là một tin vui lớn ở khu làng miền núi này, không chỉ có cha mẹ cảm thấy tự hào vì chị mà ngay cả hàng xóm láng giềng xung quanh khi nghe tin chị về thăm nhà cũng tự tay chuẩn bị ít bánh kẹo điểm tâm, hoặc ít rau củ mang đến tặng. Thậm chí một số người còn bồng con đứng ngoài công trường nhìn trộm chị cả, rồi dặn dò chúng sau này phải cố gắng học hành, để lớn lên thi đỗ vào Đại học Sư phạm. Có lẽ cũng nhờ bầu không khí hồ hởi này mà tôi nảy ra một ý nghĩ bột phát rồi nói với cha:

“Cha, sau này lớn lên con cũng muốn học Đại học Sư phạm để làm thầy giáo!”

Cha hút một hơi thuốc dài, trầm tư một hồi, rồi nhả ra làn khói trắng phảng phất, xoa đầu tôi nói một cách kiên định:

“Chỉ cần con quyết tâm, nhất định con sẽ làm được!”

Cả nhà chẳng ai tiếp lời, dường như mọi người đang trầm ngâm trong màn đối thoại với nội tâm của chính mình.

“Vỹ có thể lớn lên một cách bình an là tốt lắm rồi!” Đây có lẽ là điều mẹ nghĩ.

“Vỹ à! Nếu em muốn, chị cả nhất định sẽ giúp em đến cùng!”

“Chỉ cần có quyết tâm là được, mình cũng muốn thi vào Đại học Sư phạm giống chị cả!” Đây có lẽ là điều chị hai nghĩ trong lòng. Nếu bây giờ tôi gặp một đứa trẻ ngay đến vài chữ cái cũng không thuộc được, nghe nó nói rằng muốn thi vào trường đại học nào đó, tôi cũng sẽ nói với nó một cách kiên định rằng:

“Chỉ cần cháu quyết tâm, thì chẳng có gì là không thể!” Mặc dù trên đường đời của mình, tôi đã lỗi hẹn với Đại học Sư phạm, nhưng chí ít tôi cũng đã chọn được cho mình một công việc giống với nghề giáo.

Nhìn thấy chính mình:

Trong quá trình trưởng thành của mỗi người, ai cũng từng phải trải qua việc lựa chọn làm một đứa trẻ “hiểu chuyện” hoặc “không hiểu chuyện”. Phần lớn sẽ lựa chọn làm một đứa trẻ “hiểu chuyện” để được cha mẹ yêu quý, chia sẻ lo toan, buồn vui cùng gia đình, giống như chị cả của tôi đã vứt bỏ giấc mơ trở thành một nhà ngoại giao kiệt xuất để giúp đỡ em trai mình. Trong cả cuộc đời, chúng ta luôn ôm nỗi tiếc nuối vì không làm được những việc mà mình muốn làm, không có được những thứ mà mình muốn có.

Thực ra, nếu chị cả của tôi có thể thi đỗ vào khoa Ngoại văn, và cũng thuận lợi trở thành một nhà ngoại giao, thì liệu bây giờ cuộc sống của chị có tốt đẹp hơn không?

Đây không phải một bài toán so sánh, bởi dù thế nào chúng ta cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất mà thôi. Bất luận lựa chọn thế nào, chúng ta cũng đều phải trân trọng, những điều chưa thể hoàn thành không phải là sự tiếc nuối, mà là một khung cảnh lãng mạn! Và những niềm mơ ước không bao giờ được thực hiện mới luôn là đẹp nhất… Nếu như… Có thể… Giá mà…

Tất cả những mơ ước đẹp đẽ đó, hãy quyết tâm biến chúng thành hiện thực!

Kết quả nhận được có lẽ sẽ khác với kỳ vọng ban đầu của chúng ta, nhưng với sự nỗ lực của mình, dù kết quả là gì đi chăng nữa, chúng ta đều sẽ cảm thấy thật ngọt ngào!

Đừng bao giờ nuối tiếc! Đừng bận tâm đến hoàn cảnh hiện tại của bản thân, hãy bắt đầu vun xới nuôi trồng, những điều bạn nhận được sẽ không khác biệt là bao so với những gì bạn muốn! Hãy cố gắng lên!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.