Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Trải nghiệm tình yêu



Tết năm đó chị cả về nhà, khi ấy cha đã mãn hạn tù và cũng xin vào làm công nhân ở mỏ quặng nên gia cảnh cũng có đôi phần cải thiện. Chuyên ngành mà khi xưa cha học bên Nhật chính là khai thác khoáng sản, vì thế chẳng bao lâu sau cha đã được thăng chức lên làm tổng công trình sư. Mẹ cũng không cần phải ra công trường bon chen làm việc nữa, em gái út lúc này cũng đã ba tuổi. Năm đó cả nhà sum họp, chúc tụng vui vẻ, tôi vẫn là đối tượng được mọi người nuông chiều và khiến cả nhà đau đầu nhiều nhất, vẫn là một thằng nhóc mà mỗi khi đánh bài nhất định phải chơi đến khi thắng mới chịu ngừng.

“Được rồi! Ván cuối nhé! Đã mười hai giờ rồi đấy!” “Kệ! Kệ! Phải chơi tiếp cơ! Chơi đến khi con ù mới được!” Mẹ đã giục mấy lần rồi, bình thường ở nơi vùng núi cô quạnh này, trước mười hai giờ mọi người đã say giấc nồng. Từ trước đến nay chưa ai thức đến tận mười hai giờ cả, thực ra mọi người đều đã mệt, chẳng qua chỉ vì chiều tôi nên mới đành thức cùng mà thôi.

“Lần nào cũng thế này! Từ sau không chơi cùng Vỹ nữa đâu, tiền lúc nãy chị thắng giờ lại thua sạch bong rồi!”

Tôi dương dương đắc ý ôm lấy ống tiền, hí hửng nhảy tới nhảy lui, còn chị cả trông bộ dạng rất bực bội.

“Em mới thua nhiều nhất! Lần sau em không chơi bài nữa đâu!” Chị hai quá xui, chơi bài gần như lần nào cũng thua.

“Đức Văn, em thắng hay thua?” Thấy anh ba chẳng nói năng gì, chị cả liền hỏi.

“Còn hỏi gì chứ, rõ ràng là thua rồi!”

Chị cả rất không phục, liền quay sang cằn nhằn với mẹ: “Bọn con thua một mình Vỹ thật không công bằng, bọn con phải chơi tiếp, Vỹ chơi bẩn quá! Cứ thua là ngoạc mồm ăn vạ! Thế là bọn con lại phải trả tiền. Còn thắng thì cũng vẫn phải đưa tiền cho nó!” “Được rồi được rồi! Mẹ đang ngủ, đừng làm ồn nữa, mau đi ngủ đi!” Mẹ đưa ra thông điệp cuối cùng, mấy đứa chúng tôi đành nhanh chóng dọn dẹp, lúc sau, cả nhà đều chen chúc trên giường rồi từ từ chìm vào giấc ngủ.

Tám giờ sáng hôm sau, mọi người đều lục tục dậy, chỉ mình tôi vẫn ngủ say.

“Vỹ! Dậy đi! ‘Đại phú ông’ dậy chơi bài tiếp nào!” Chị hai gọi không được, liền chạy qua lay tôi dậy, nhưng lay được một lúc, nhìn bộ dạng nửa tỉnh nửa mê vẫn ì ra không dậy của tôi, chị bèn thọc luôn bàn tay lạnh như băng của mình vào người tôi cù lấy cù để. Khi vừa chạm bàn tay vào người tôi, chị phát hiện ra hình như có gì đó không ổn, quay ra kêu to: “Mẹ ơi, Vỹ sốt rồi hay sao ấy!”

“Làm gì có chuyện đó! Đêm qua mặt tươi roi rói nghịch ngợm nô đùa, sao có thể sốt được?”

Mẹ bỏ dở việc dưới bếp lên xem tôi thế nào, nhẹ nhàng áp trán lên trán tôi, phát hiện ra đúng là tôi đang lên cơn sốt thật. Thế là mẹ trách chị hai: “Đều là do bọn con! Tối qua mẹ bảo mặc thêm áo vào thì không nghe, giờ Vỹ cảm rồi thấy chưa!”, rồi kéo tôi dậy để cho tôi ăn.

Mãi mới lờ đờ thức giấc, tôi chỉ cảm thấy rất đau đầu và buồn ngủ nhưng vẫn miễn cưỡng bò dậy, nuốt được một ít cháo xong lại muốn lăn ra ngủ.

Đây chính là gia đình của tôi, bất cứ chuyện gì xảy ra, kết quả đều là Vỹ không bị ăn mắng, mà người chịu tội chắc chắn là chị hai. Việc này mọi người đều đã quen rồi.

“Mỹ! Mang túi thuốc ra đây cho mẹ!” Thấy tôi đã húp xong bát cháo, mẹ bèn gọi chị hai lấy thuốc cho tôi uống.

“Mỹ” là tên gọi ở nhà của chị hai, thực ra, tên đầy đủ của chị là “Mỹ Anh”, khi còn nhỏ chẳng biết tại sao mọi người đều không gọi chị là “Mỹ Anh” hay là “Anh”. Không gọi “Mỹ” thì sẽ gọi là “Tố Mỹ”, vì chị cũng mang họ “Tố” giống như bà ngoại.

Uống thuốc xong một lúc, cơn sốt quả có thuyên giảm và tôi lại có thể chạy nhảy khắp nơi. Thế nhưng cũng chỉ cầm cự được đến bữa tối, khi mọi người bắt đầu đánh bài, tôi lại cảm thấy rất buồn ngủ và muốn đi nằm. Mẹ cảm thấy có điều gì đó là lạ, liền nhỏm qua sờ trán, quả nhiên là cơn sốt lại ập đến!

“Mỹ! Đi lấy thuốc qua đây!”

Cứ như vậy, mỗi ngày tôi đều uống thuốc hạ sốt rồi đi ngủ, ban ngày trừ việc cảm thấy hơi mệt ra, tôi cũng chẳng thấy gì khác lạ. Nhưng cứ đến tối là tôi lại sốt cao, cứ như vậy đến tận mùng ba Tết. Cha mẹ thấy thời gian tôi sốt càng ngày càng lâu, tình trạng càng lúc càng bất thường nên quyết định đưa tôi đến trạm xá khám bệnh.

Trạm xá nằm trên phố Tam Dân. Từ công trường đến phố này buộc phải đi một chặng đường rất xa, đã vậy còn phải vượt qua một ngọn núi để đến được tiệm tạp hóa trên quốc lộ, ở đó mới có xe đi đến phố Tam Dân. Vì nơi này ít người thưa dân, thông thường phải đứng chờ một đến hai tiếng mới có một chuyến xe. Tôi chỉ nhớ rằng, khi đó tiết trời băng giá, lại không ngớt mưa phùn, cha đội mưa cõng tôi lầm lũi bước đi trên dải đường dốc. Mặc dù mặt và lưng lạnh run lẩy bẩy, nhưng phía ngực tôi do thấm đẫm mồ hôi lưng cha nên chỉ thấy nóng ran một mảng.

Vì trời đang mưa nên cha không thể đặt tôi xuống để nghỉ. Khi mệt, cha chỉ có thể chống tay vào đầu gối, khom lưng thở dốc một chút. Thế nhưng chỉ cần cha khom lưng xuống là vũng nước mưa đọng trên áo mưa lại đổ tràn xuống cổ, hơi nước lạnh làm tôi giật mình tỉnh giấc. Khi tỉnh dậy tôi bắt đầu ưỡn người đòi xuống, vì đi bộ trong tình trạng như vậy thật sự không thoải mái, thế nên cha đành dừng lại một chút, đợi đến khi tôi lại hôn mê và gục xuống, cha mới lại đứng thẳng lưng, nặng nhọc đi tiếp. Trên người cha có một mùi hương rất lạ, là mùi thuốc lá lưu lại trên từng sợi áo, quện cùng mùi dầu tóc, mùi mồ hôi đan xen với tiếng cha thở dốc đều đều. Chính vào thời khắc này, khoảng cách tồn tại giữa hai cha con từ khi còn nhỏ bỗng dưng biến mất, thay vào đó là sự gần gũi chưa từng có của tình phụ tử. Là do cảm giác nóng lạnh đan xen, cùng với những mùi hương tỏa ra giữa tiết trời lạnh lẽo, hòa nhịp cùng hơi thở của cha đã mang tới cho tôi một cảm xúc không thể quên trong đời.

Vị bác sĩ trong trạm xá Tam Dân có biệt danh “bác sĩ man rợ”. Do trước đây từng du học ở Nhật, nơi mọi người luôn có thái độ cung kính với những y bác sĩ, thế nên khi vừa đến nơi, cha liền chụm chân, khom lưng cúi chào theo phản xạ rồi đứng sang một bên chờ đợi chỉ thị của bác sĩ. Nhờ căn bệnh của mình, tôi đã được quen biết và có một mối quan hệ tốt đẹp kéo dài hàng chục năm với vị “bác sĩ man rợ” hết sức thân thiện và yêu nghề này. Ấn tượng của tôi khi đó là ông dùng bông tẩm rượu chà xát khắp người tôi để hạ sốt, hết ấn huyệt rồi lại tiêm. Sau khi xử lý xong cha lại cõng tôi trở về, trời bên ngoài lúc này đã tối đen như mực, bà ngoại, mẹ, chị cả, chị hai, anh ba đều đứng chờ ngoài cửa, lo lắng muốn biết bệnh tình tôi ra sao. Lúc mẹ dang tay đỡ lấy tôi, cha mới đứng thẳng người vặn lưng vặn cổ răng rắc, rồi chầm chậm đáp: “Bác sĩ nói chắc là cảm cúm, ngày mai nếu vẫn chưa hạ sốt thì lại đưa đến trạm xá, có lẽ không sao đâu!”

Quả nhiên, đến tối tôi đã hạ sốt và thèm ăn vô cùng, liền một lúc chén sạch hai bát ô tô cháo, sau bữa ăn lại tiếp tục cãi cọ tranh nhau chơi bài với mọi người. Cha mẹ nhìn tôi có vẻ đỡ hơn nên cũng thấy an tâm phần nào, bắt chị cả, anh ba và chị hai chơi cùng tôi, cả nhà dường như cùng thở phào nhẹ nhõm.

Đêm hôm đó, hình như mẹ trằn trọc không ngủ, thỉnh thoảng quay ra xem tôi có lên cơn sốt lại hay không. Dưới sự chăm sóc cẩn thận của cả nhà, tôi đã trải qua một đêm bình an vô sự. Chỉ có điều chẳng kéo dài được bao lâu. Sáng hôm sau, ngay trước khi bà ngoại chuẩn bị đi làm, tiện tay sờ thử trán tôi, thấy hình như tôi bắt đầu sốt trở lại, bà lập tức gọi cha dậy. Cha vừa nghe thấy liền lồm cồm bò dậy, dùng nhiệt kế đo thử: “38,5 độ!”, sau đó cha lôi túi thuốc bác sĩ kê ra cho tôi uống.

Nghe thấy tôi sốt trở lại, dây thần kinh vừa được thả lỏng của mẹ giờ lại căng lên như dây đàn: “Có phải đưa xuống núi khám bác sĩ không anh?”

Cha cũng không biết làm thế nào, thở dài một tiếng: “Cứ uống nốt thuốc rồi để xem thế nào, không được thì lại đi khám vậy!” Cũng may là sau khi uống thuốc, cơn sốt lại bớt phần hung hãn. Đến chiều tôi lại bắt đầu nói cười, nhưng chưa kịp sẩm tối, có lẽ thuốc hạ sốt đã hết tác dụng, người tôi lại nóng như đổ lửa. Lần này cha cảm thấy không thể để chậm trễ hơn, liền bảo mẹ chuẩn bị gùi vải để cõng tôi xuống núi. Mẹ không đành lòng để cha vất vả một mình cõng tôi xuống núi, nên đòi đi cùng thay phiên. Vốn dĩ cha không an tâm khi để một mình bà ngoại ở nhà cùng đám trẻ, nên bảo mẹ ở nhà, nhưng mẹ kiên quyết đòi đi theo nên đành để bà ngoại và chị hai trông nhà, em gái chưa đầy ba tuổi cũng ngoan ngoãn nằm im, cha mẹ đội mưa gió cõng tôi xuống núi trong đêm tối mịt mùng.

Trời tối như mực, nhiệt độ cũng theo đó giảm sâu, tôi phủ phục trên lưng cha, chiếc chăn mỏng đắp trên người không đủ ngăn cơn run rẩy. Chưa đi được bao xa, mồ hôi của cha đã ướt đẫm lưng áo, mẹ đề nghị đổi lượt, cha vẫn kiên trì cõng tôi đến tận lưng chừng núi mới trao tay. Cả chặng đường cha mẹ không ai nói lời nào, nhưng đến khi phát hiện mẹ vừa đi đằng sau vừa lặng lẽ lau nước mắt, cha bèn quay lại an ủi. Lúc này, mẹ không kìm được bật khóc thành tiếng, vừa khóc vừa lẩm bẩm: “Tội nghiệp nó quá, lúc mang bầu em ngã lên ngã xuống, đến tháng đẻ cũng không yên ổn, sữa cũng chẳng có mà uống, chỉ ăn mỗi cháo…”

Cha muốn an ủi mẹ, nhưng lại không biết nói gì, đành im lặng trầm mặc.

Cha cõng tôi đến đúng đoạn nước chia dòng thì dừng lại, mẹ đưa tay ra đỡ rồi cõng tôi. Lưng cha nóng hầm hập, nhưng khi nằm trên lưng mẹ tôi lại cảm thấy từng đợt cóng lạnh, đầu nóng như lửa thiêu mà toàn thân lại như bị ngâm trong nước đá. Đường núi tối tăm, từng hạt mưa phùn rơi nghiêng hắt lên mặt, trước kia cứ mỗi lần đi trên đoạn đường này trong đêm tôi đều sợ đến phát run, vậy mà giờ đây, trong tim tôi chỉ ngập tràn cảm giác hạnh phúc và an toàn.

Cha mẹ đều đang ở cạnh, chưa bao giờ gần gũi đến thế. Tôi cảm nhận một cách sâu sắc hơi ấm của tình thương ruột thịt, nước mắt lăn dài vì cảm động, nghĩ rằng dù bây giờ mình có chết đi cũng chẳng có gì tiếc nuối.

Chặng đường núi như dài bất tận, gió tạt rừng cây xào xạc liên hồi, thế giới bên ngoài đang bị nhấn chìm trong mưa gió bão bùng. Tôi khép hờ đôi mắt, tim đột nhiên sáng lên, cả thế giới trở nên tĩnh mịch lạ thường.

Tình yêu là sự run rẩy mãnh liệt của nội tâm, là giây phút tĩnh lặng, chỉ có tiếng đập đều đều của những con tim, của mẹ, của cha, và của tôi…

Nhìn thấy chính mình:

Mỗi đứa trẻ đều từng có được tất cả tình yêu của bố mẹ, nhưng không hiểu sao chỉ tới khi lâm bệnh, chúng ta mới có thể cảm thấy rung động một cách sâu sắc trước thứ tình cảm thiêng liêng này. Tôi tin rằng, mỗi người trong chúng ta đều từng được yêu thương sâu đậm, chỉ là chúng ta đã mong đợi quá nhiều, nên tất cả những tình cảm đó đều đã bị che mờ đi!

Trong hành trình tìm kiếm của cuộc đời, điều chúng ta cần là gì? Chúng ta nỗ lực như vậy, khát vọng thực sự là gì? Chúng ta đã từng gặp nó! Đã từng trải qua nó! Chỉ là chúng ta không biết rằng điều chúng ta thực sự cần là những gì bản thân đã từng trải qua và đã từng có, đó chính là “tình yêu”!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.