Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 14. Sai lầm của chính sách



Chúng ta có cần thêm những người mù chữ không?

Đam mê lớn nhất của một nhà kinh tế học không phải là thay đổi thế giới mà là thấu hiểu nó. Dù vậy, mỗi trái tim con người vẫn ẩn giấu một khao khát bí mật muốn cải thiện môi trường xung quanh. Hãy tìm hiểu thật kỹ một nhà kinh tế học và bạn sẽ tìm thấy trong họ một nhà cải cách.

Đối với các nhà kinh tế, chính sách là một sai lầm, nhưng là một sai lầm “thơm ngon”, và chúng ta tận hưởng nó như thể ta đang đắm mình trong ly kem trái cây mát lịm hoặc một chuyện tình dại khờ, vẫy vùng trong hương vị quyến rũ và đầy nguy hiểm của chúng, nhưng lại không nhận ra mình đang ngập trong nguy hiểm và tỏ ra khinh bỉ các đồng nghiệp, những người rơi vào cám dỗ như thế. Chúng ta khẳng định chắc nịch rằng chính sách là thứ không đáng để chúng ta chú ý.

Mặc dù các nhà kinh tế học quan tâm đến tất cả mọi khía cạnh của các vấn đề, nhưng thực tế luôn có một số quan điểm mà chúng ta quan tâm nhất. Tư duy kinh tế tập trung vào tầm quan trọng của động cơ, lợi nhuận thương mại và sức mạnh của quyền sở hữu tài sản. Nó sủng ái cách tư duy rằng những thị trường hoàn hảo sẽ đem lại kết quả đáng mơ ước và đề cao khả năng tạo ra kết quả đáng mơ ước thông qua việc cải thiện để thị trường hoàn hảo hơn.

Khi có quan điểm cho rằng chúng ta nên trợ cấp cho những ngành công nghiệp liên quan đến quân sự để đề phòng trường hợp chiến tranh xảy ra, thì ngay lập tức các nhà kinh tế học sẽ cảm thấy hoài nghi quan điểm này. Trong những điều kiện bình thường, các doanh nhân cũng có khả năng dự đoán nguy cơ chiến tranh chính xác như các quan chức chính phủ. Nếu xác suất xảy ra chiến tranh trong 5 năm là 1/3, điều đó có nghĩa là khả năng một nhà máy trở thành một nhà máy sản xuất xe tăng là 1/3, và đó quả là một công việc mang lại lợi nhuận. Thế thì tại sao triển vọng đó không tạo ra được động cơ đủ mạnh để khuyến khích các nhà máy tiếp tục hoạt động?

Dĩ nhiên những nhà máy như thế sẽ ít hơn khi nguy cơ xảy ra chiến tranh chỉ là 1/3 so với khi nó là 1/2, và tất nhiên đó là kết quả mà một chính phủ khôn ngoan sẽ lựa chọn. Việc đầu tư sẽ chỉ hợp lý khi chúng ta chỉ dành một nguồn lực không đáng kể cho việc đề phòng một tình huống ít có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, động cơ về lợi nhuận của việc sản xuất xe tăng của các nhà máy chỉ có thể có được nếu chính phủ không làm theo tiền lệ và không áp đặt kiểm soát giá trong thời kỳ chiến tranh. Đối với vấn đề về sự sẵn sàng phòng thủ quốc phòng, các vấn đề phát sinh không phải từ sự can thiệp quá ít vào thị trường (hình thức trợ cấp) mà là từ việc can thiệp quá nhiều (hình thức kiểm soát). Phương thức hữu hiệu nhất để tạo ra sự sẵn sàng quân sự đó là thay đổi chính sách về bảo đảm quyền tự do đối với việc kiểm soát giá cả.

Khi các nhà phê bình chê bai chất lượng ô tô được sản xuất tại Mỹ, các nhà kinh tế học sẽ không hiểu tại sao các nhà phê bình lại phải làm ầm ĩ lên như thế. Trong ngành công nghiệp ô tô, chắc chắn sẽ có một ai đó giữ vị trí người chuyên sản xuất ô tô chất lượng thấp. Vậy thì tại sao đó lại không phải là người Mỹ?

Có nhiều thị trường ô tô khác nhau trên đồ thị giá cả/chất lượng. Không có thành công đặc biệt nào trên phía cao hơn của đồ thị cũng như không có sự xấu hổ nào trong thành công ở phần thấp của đồ thị. Tôi thà thành lập một chuỗi siêu thị Kmart còn hơn là xây dựng một cửa hàng thời trang cao cấp chỉ với một đại lý bán lẻ.

Chất lượng không nhất thiết phải tương quan với lợi nhuận. Để có được chất lượng cao đòi hỏi phải có chi phí sản xuất cao. Một số người tiêu dùng muốn trả nhiều hơn để có được những sản phẩm có chất lượng cao hơn với chi phí sản xuất tốn kém hơn; nhưng cũng có những người chỉ muốn mua những sản phẩm rẻ tiền hơn – chi phí sản xuất thấp hơn nên giá thành cũng dễ chịu hơn. Dù bạn kinh doanh, phục vụ nhu cầu của khách hàng ở bất kỳ thị trường nào cũng đều vinh quang cả.

Nếu chất lượng xe ô tô của Mỹ thật sự thấp hơn so với xe ô tô của các đối tác Nhật Bản, thì tất nhiên nó cũng có những lý do nhất định. Một là việc mỗi loại hình sản xuất tập trung tại một khu vực nhất định đều đem lại lợi nhuận, không quan trọng sản xuất ở đâu, và rằng sự cố trong lịch sử đã đặt các nhà máy chất lượng thấp tập trung ở Mỹ. Thứ hai là người Mỹ sản xuất ô tô chất lượng thấp vì công nhân chất lượng cao của họ đều đã làm việc trong những ngành công nghiệp khác có năng suất cao hơn; chất lượng ô tô Mỹ cao hơn có thể đồng nghĩa với dịch vụ ngân hàng sẽ nghèo nàn hơn. Thứ ba là công nhân Mỹ, vốn giàu có hơn đối tác Nhật, có lý do để ngần ngại khi bỏ ra nhiều công sức như vậy mà chỉ nhận cùng một mức lương. Việc điều chỉnh ưu tiên của bạn để mang lại thu nhập tốt hơn không có gì bất thường hay đáng hổ thẹn cả.

Phản ứng thông thường trước những điều này là mọi người sẽ cho rằng các nhà sản xuất có thể hy sinh chất lượng và sử dụng chi phí thấp, nhưng các nhà sản xuất Mỹ hy sinh chất lượng mà không giảm chi phí: Sản xuất một chiếc xe ô tô Mỹ sang trọng mất cùng một khoảng thời gian để sản xuất một chiếc xe Nhật tương tự với chất lượng bảo trì tốt hơn. Có hai luận điểm phản bác điều này. Thứ nhất, thời gian làm việc không phản ánh chính xác tổng chi phí. Nếu một giờ lao động của một nhân viên ở Detroit đem lại sản lượng thấp hơn một nhân viên ở Tokyo, điều này có thể là vì có thể do Detroit khôn ngoan giảm chi phí trong việc đào tạo hoặc lập ra các phương pháp phối hợp các mặt khác nhau của các hoạt động sản xuất. Thứ hai, thời gian làm việc được tính toán không phản ánh đúng số giờ làm thật sự. Nếu công nhân Detroit dành 15 phút mỗi giờ để uống cà phê thì chỉ còn ba phần tư thời gian được dành cho việc sản xuất xe như những đánh giá của các thống kê ngây thơ.

Các nhà kinh tế học không bị tác động bởi những điệp khúc về sự thất vọng của mọi người vì họ nhận ra lợi nhuận từ thương mại. Một sản phẩm sản xuất từ Detroit; một sản phẩm khác từ Tokyo. Khi bạn mua một chiếc Ford Escort hay Lexus, xuất xứ của chiếc xe không phải là điều bạn quan tâm hàng đầu. Thương mại tách rời lựa chọn tiêu dùng và lựa chọn sản xuất. Chúng ta có thể sản xuất những chiếc xe rẻ tiền và lái những chiếc xe đắt tiền, nếu sản xuất xe rẻ mang lại nhiều lợi nhuận cho chúng ta.

Khi “Chương trình David Brinkley” dành cả tiếng đồng hồ thuyết trình về “vấn đề” mù chữ, thì câu hỏi đầu tiên mà nhà kinh tế học đặt ra là: Vấn đề nào?

Dĩ nhiên, việc biết đọc, biết viết là điều quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có rất ít những người không biết đọc, biết viết. Tri thức rất tốn kém và càng tốn kém hơn khi ta phổ cập nó đến những bộ phận dân chúng không muốn tiếp thu. Sẽ đến lúc chúng ta phải đưa ra quyết định rằng nguồn chi phí đổ vào chương trình xóa mù chữ nên được sử dụng vào mục đích khác thì tốt hơn.

Bạn sẽ nghĩ − hoặc ít nhất tôi sẽ nghĩ – nếu một nhà báo cho rằng một con số về vấn đề nào đó là sai, ông ta sẽ nên tự thấy nghĩa vụ đưa ra con số mà mình cho là đúng. Không vị khách mời nào của Brinkley, và không ai trong số những khách mời thường xuyên, thấy mình cần nói lên điều đó. Giả sử nếu họ đã nói với chúng ta về lượng phổ cập đọc viết mà họ cho là hợp lý, họ có thể tiếp tục cho chúng ta biết điều gì khiến họ nghĩ rằng chúng ta có quá ít chứ không phải quá nhiều những người không biết đọc biết viết.

Một nhà kinh tế học có thể nghiêng về việc áp dụng tiêu chí hiệu quả: Chúng ta nên khuyến khích việc phổ cập giáo dục cho đến khi chi phí bổ sung bắt đầu vượt quá lợi ích bổ sung. Một nhà báo có quyền phản đối quan điểm đó nhưng nếu làm vậy, anh ta buộc phải đưa ra một nhận định khác. Nếu hiệu quả là kim chỉ nam của chúng ta, thì khi đó chúng ta có thể luôn trông mong rằng thị trường đã cung cấp gần đủ tri thức rồi. Những người biết đọc hưởng gần như toàn bộ lợi ích, qua mức lương cao hơn và sự thỏa mãn về khả năng được học tập ở trình độ cao hơn cả George F. Will và Sam Donaldson. Những lợi ích đó mang lại những động lực vàng khiến họ tham gia bất kỳ chương trình nâng cao trình độ bản thân với chi phí hợp lý nào.

Bây giờ, lập luận đó dễ dàng bị bác bỏ theo nhiều hướng. Thông thường người ta sẽ tranh luận rằng những công dân có học vấn cao sẽ bỏ phiếu bầu cử khôn ngoan hơn (mặc dù tôi chưa đọc bất cứ nghiên cứu nào về điều này) và do đó đem lại lợi ích cho những người xung quanh nhiều hơn những gì họ đem lại cho bản thân. Hoặc họ cũng có thể tranh luận rằng những người mù chữ, do không biết chữ, không nhận thức được những khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống và do đó thường có lựa chọn sai lầm mà chương trình xóa mù chữ có thể khắc phục một cách hữu hiệu. Hoặc họ sẽ phản biện tằng có thể do chương trình phúc lợi xã hội khiến nhiều người không thiết nghĩ đến việc xóa mù chữ nữa.

Để điều tra xem liệu chúng ta có vấp phải vấn đề về phổ cập giáo dục hay không, ông Brinkley có lẽ nên bắt đầu bằng việc hỏi xem có bằng chứng nào chứng minh rằng những nhận định trên hoặc có thể là những đánh giá khác bóp méo đáng kể xu hướng tự nhiên của thị trường là tìm ra kết luận hiệu quả nhất hay không. Nếu quả thật có những bằng chứng đó, chúng ta cần phải có phương pháp chữa trị phi thị trường. Bây giờ là điểm then chốt của toàn bộ vấn đề: Làm thế nào để biết khi nào những phương pháp đó đi quá đà? Làm thế nào chúng ta đong đếm được những lợi ích của việc phổ cập giáo dục, làm thế nào chúng ta xác định chi phí cung cấp tri thức, và làm thế nào chúng ta xác định liệu mình đang có quá nhiều hay quá ít những người không biết đọc, biết viết? Nhóm của Brinkley đã hoàn toàn né tránh câu hỏi chủ đạo đó. Nếu họ là người có học, tri thức của họ dùng để làm gì?

Cứ bốn năm một lần, Phản hồi trước nhu cầu truyền thông về mạng truyền hình miễn phí cho các ứng cử viên tổng thống, các nhà kinh tế học nhận thấy rằng có hai đề xuất khá riêng biệt được ghép lại thành một. Đề xuất đầu tiên là mạng truyền hình nên dành nhiều thời gian hơn cho các thông điệp chính trị và ít thời gian hơn cho các lựa chọn khác. Đề xuất thứ hai là nên đánh thuế các mạng truyền hình nặng hơn.

Tiền thuế thu nhập có thể dùng để mua thời lượng phát sóng. Nếu một ứng cử viên tổng thống có thể mua trước thời lượng một tập của chương trình “Kết hôn và Có Con”, thì chi phí xã hội sẽ là khán giả bị mất đi một tập của chương trình “Kết hôn và Có Con”. Chí phí đó không đổi dù được chi trả bởi công chúng hoặc do chủ sở hữu mạng truyền hình. “Chúng ta nên mua gì với số tiền thuế của mình?” không hề giống với với câu hỏi “Ai phải nộp thuế?”

Tôi xin giải thích việc này bằng một cách khác. Giả sử chúng ta đồng ý thiết lập mạng lưới phát sóng cung cấp thời lượng miễn phí có giá trị tương đương một triệu đô-la, sau đó đánh thuế một triệu đô-la và sử dụng khoản đó vào quảng cáo cho chiến dịch tranh cử. Bây giờ, chúng ta thay đổi ý định và quyết định rằng chúng ta thà xem chương trình “Kết hôn và Có Con” còn hơn, hoặc vì chúng ta biết rằng kế hoạch quảng cáo của các ứng cử viên chẳng có chút thông tin nào hoặc vì tập phim tuần này rất hấp dẫn với tình tiết khi Al bỏ rơi Peg vì chú chó của gia đình. Lý do khiến chúng ta ưa chuộng chiến dịch quảng cáo hơn Al và Peg có thể đã thay đổi, nhưng dù lý do khiến chúng ta muốn đánh thuế mạng truyền thông một triệu đô-la có lẽ vẫn nguyên vẹn. Tại sao chúng ta lại muốn quyết định việc đánh thuế dựa trên một việc không liên quan chẳng hạn như chương trình chúng ta ưa chuộng?

Các nhà kinh tế học sửng sốt khi các nhà phê bình trên báo gợi ý rằng chính phủ liên bang, những người nắm trong tay số lượng bất động sản lớn nhất sau khủng hoảng tiền gửi và cho vay, chỉ nên bán ra một số lượng hạn chế để duy trì mức giá cao. Mức giá cao dồn thu nhập người dân vào túi của chính phủ. Nhưng chính phủ không bao giờ thiếu những cơ chế để thực hiện những sự chuyển đổi trên. Vậy tại sao chính phủ lại áp dụng cơ chế mới với tác động chính là làm tồn đọng nguồn lực quý giá?

Các nhà kinh tế học rất nhạy cảm với hiệu quả của những khuyến khích ưu đãi. Khi Luật Quyền Công dân đánh thuế đối với những doanh nghiệp có 25 nhân viên trở lên, ta sẽ thấy rất nhiều doanh nghiệp thu nhỏ lại còn vừa đúng 24 người. Chúng ta rất nhạy cảm về vấn đề cân đối. Tại sao cùng một Luật Quyền Công dân cấm tôi phân biệt chủng tộc khi lựa chọn nhân viên nhưng lại cho phép tôi phân biệt chủng tộc khi chọn người chủ? Nếu tôi từ chối một lời mời làm việc, tôi có phải chứng minh rằng động cơ của tôi đối với việc đó không hề xuất phát từ sự phân biệt? Chúng ta cũng rất nhạy cảm với các lập luận. Tại sao tôi có quyền chọn vợ theo sắc tộc nhưng lại không được chọn thư ký theo cách tương tự?

Các nhà kinh tế học nhạy cảm với tầm quan trọng của những hợp đồng có tính khả thi. Chính một nhà kinh tế học đã nói với tôi rằng ông thà sống trong một thế giới nơi quyền lực xuất phát từ nòng súng hơn là sống trong thế giới nơi quyền lực xuất phát từ cơ bắp. Ta có thể đồng ý nộp súng, nhưng không thể nộp nắm đấm được.

Các nhà kinh tế học rất nhạy cảm với những vấn đề nảy sinh khi người ta không thể gặt hái thành quả từ sức lao động của mình. Bạn có thể bỏ ra hàng năm trời để phát triển một nỗ lực cải tiến, để rồi chứng kiến nhu cầu dành cho sản phẩm của bạn tụt xuống đến con số không tròn trĩnh chỉ vì đối thủ cạnh tranh đã nhanh chân cải tiến một chút xíu từ thiết kế của chính bạn. Hậu quả là, bạn sẽ không sẵn sàng đầu tư ngần ấy năm công sức từ điểm khởi đầu, và cả thiết kế của bạn lẫn cải tiến của đối thủ đều không bao giờ được phát triển. Thật trớ trêu khi giải pháp có thể là trợ cấp cho nhà sáng chế ngay từ đầu để không có nguy cơ bị hẫng tay trên, hoặc đánh thuế nhà sáng chế, sao cho bạn có ít đối thủ lăm le bên mình hơn.

Có rất nhiều cách nẫng tay trên công sức của bạn. Tôi bị hấp dẫn bởi cách xây dựng thị trường giống như hồi kết của các bộ phim. Người xem mong muốn hai điều: họ muốn một kết thúc có hậu và bất ngờ. Có một vài chi tiết buồn trong đoạn kết vẫn là sự tối ưu nhằm duy trì mức độ hấp dẫn. Dù thế, phim có kết thúc không có hậu vẫn chỉ chiếm thiểu số.

Bản thân người giám đốc sản xuất phim có kết thúc không có hậu lại có nguy cơ bị lỗ ngắn hạn vì tin đồn bộ phim “không làm vừa lòng khán giả”. Đúng là có những lợi ích dài hạn như người xem thường dễ tính đối với những bộ phim tiếp sau đó. Không may là thành quả lại rơi vào tay những giám đốc sản xuất phim khác, vì người xem phim thường chỉ nhớ rằng kẻ giết người có bắt kịp nữ anh hùng tại tầng hầm, mà không nhớ rằng những cảnh như vậy chỉ xảy ra trong những bộ phim của những đạo diễn nhất định. Chính vì thế, chẳng đạo diễn nào muốn chịu bỏ chi phí để rồi đối thủ lại được hưởng lợi.

Một giải pháp cho nhà làm phim là hiển thị tên họ thật nổi bật để người xem biết đến đạo diễn của bộ phim. Tuy nhiên, người xem có thể cố tình lơ là không để ý khi tên đạo diễn được chiếu trên màn hình.

Một đồng nghiệp của tôi tin rằng các công ty chở rác tốn rất nhiều tiền để xử lý những hạt xốp thường được sử dụng làm nguyên liệu đóng gói. Nếu đó là xe chở rác tư nhân (như những gì chúng ta có trong cộng đồng) thì chắc chắn các vấn đề xã hội như thế sẽ không nảy sinh. Công ty chở rác sẽ tính thêm tiền khi thu nhặt hạt xốp, và người ta sẽ chỉ vứt chúng khi thật cần thiết. (Họ cũng sẽ gây áp lực thích đáng để yêu cầu công ty vận chuyển tìm vật liệu đóng gói khác). Nhưng đồng nghiệp của tôi lại lập luận rằng giải pháp đó không thực tế vì bạn có thể dễ dàng giấu hạt xốp trong thùng rác và các công ty thu rác sẽ phải tốn rất nhiều chi phí nếu muốn phát hiện hành vi của bạn. Vì vậy, anh ta nghĩ cách tốt nhất giải quyết vần đề là đánh thuế hạt xốp.

Tôi không chắc đó là giải pháp đúng đắn vì một số lý do. Thứ nhất, dường như công ty thu rác có thể thúc đẩy sự trung thực bằng cách kiểm tra xác suất hạt xốp trong thùng rác của bạn mỗi năm một lần và phạt 100 nghìn đô-la nếu có vi phạm. Việc kiểm soát sẽ rẻ hơn và việc vi phạm cũng vì thế mà ít xảy ra hơn. Thứ hai, theo đề nghị của đồng nghiệp tôi, người dân sẽ phải trả hai lần chi phí bỏ rác – một lần cho thuế hạt xốp và một lần cho người thu rác – điều có thể dẫn tới kết quả là người ta quyết định xả rác ít hơn lượng rác tối đa mà người ta có thể xả. Đề nghị này có thể bị được thực hiện, với sự trợ cấp của chính phủ đối với các công ty thu rác, và và một phần thuế hạt xốp nếu bạn muốn.

Giống như mỗi chủ đề chúng tôi từng thảo luận, tôi và người đồng nghiệp đó đã đi đến kết luận khác nhau về hạt xốp. Nhưng chúng tôi lại có rất nhiều điểm chung. Chúng tôi thống nhất rằng nhận thức sai lầm về việc có quá nhiều hay quá ít hạt xốp đều tồn tại, và cả hai đều có thể rất tốn kém. Chúng tôi nhất trí rằng một thị trường hoạt động hoàn hảo sẽ mang lại kết quả tốt nhất có thể, và chúng tôi định nghĩa “tốt nhất có thể” bằng các tiêu chí về tính hiệu quả. Chúng tôi đồng ý rằng thị trường có thể thất bại khi một bên đối tác che giấu thông tin, hoặc khi hợp đồng không được thực thi. Tôi và đồng nghiệp chưa bao giờ bỏ phiếu cho cùng một ứng củ viên, nhưng tôi tin chắc rằng cốt lõi quan điểm của tôi giống với quan điểm của anh ấy hơn 99% những người có cùng ý kiến như tôi.

Chúng tôi đều tiếp cận thế giới quan với tư cách là nhà kinh tế, và khi từ bỏ tư cách đó, chúng tôi lại bị tính cách lôi kéo từ một khoa học thuần túy sang phân tích chính sách. Nhà kinh tế học nào dễ dãi với phân tích chính sách sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những sai lầm quyến rũ và nguy hiểm của việc thiết lập chính sách. Trong mỗi bữa trưa, tôi và các đồng nghiệp đều tự sáng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Và chúng tôi thường sẽ sàng lọc xong các đề xuất trước khi món tráng miệng được dọn ra. Trong chương tới, tôi sẽ đề cập đến vài đề xuất khiêm tốn đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.