Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng
Chương 17. Kết bạn và thông đồng
Trò chơi tình ái
Vào thế kỷ X trước Công Nguyên, nữ hoàng của vương quốc Sheba (gần Yemen hiện nay) độc quyền trong việc vận chuyển gia vị, nhựa cây mật và nhựa hương bằng đường biển đến Địa Trung Hải. Khi vua Solomon của Israel đe dọa lấn chiếm thị trường của bà, sách xưa ghi lại rằng “bà đến Jerusalem, với một đoàn người lớn, với đàn lạc đà chở đầy gia vị, và rất nhiều vàng và đá quý” nhằm mở đầu một cuộc thương lượng. 28 thế kỷ sau, nhà kinh tế học hiện đại đầu tiên, Adam Smith, nhận thấy rằng “những người bán cùng một mặt hàng ít khi gặp gỡ nhau, nhưng cuộc trò chuyện giữa họ thường nhằm mục đích chống lại cộng đồng, hoặc những kế sách nhằm tăng giá thành”.
Sự thông đồng, giống như tình dục, luôn có yếu tố cổ điển và có ở khắp mọi nơi. Nó xảy ra hiển nhiên khi hai công ty tiếng tăm cùng nhắm đến một mục đích.
Trong vấn đề tình dục và hôn nhân, đàn ông đấu tranh giành phụ nữ và phụ nữ đấu tranh giành đàn ông. Nhưng cách mà đàn ông đấu tranh khác phụ nữ ở chỗ đàn ông thường có xu hướng kiếm nhiều phụ nữ. Nguyên nhân sâu xa một phần có lẽ do đặc điểm sinh lý (đó có thể là chiến lược duy trì nòi giống tốt bằng cách phán tán giống rộng rãi nếu giống được tái tạo mỗi ngày, và cũng tốt khi chú tâm vào một người bạn đời nếu bạn có thể sinh con hơn một lần mỗi năm), và có lẽ do điều kiện xã hội. Dĩ nhiên có những người không theo quy luật đó, nhưng thường có chút sự thật trong nhận định rằng “một người đàn bà tìm một người đàn ông để lấp đầy tất cả các nhu cầu của họ, trong khi đó đàn ông tìm mỗi người đàn bà đáp ứng một nhu cầu duy nhất”.
Trong xã hội đa thê, hầu hết đàn ông đều lấy nhiều vợ. Đàn ông khi được kích thích mạnh, có thể sẽ tưởng tượng rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn khi ở trong xã hội như thế, nhưng nếu đối mặt với sự thật, nhiều kẻ hay mơ mộng sẽ thất vọng. Nếu một người đàn ông có 4 vợ, sẽ có 3 người đàn ông khác không có vợ. Bạn có thể đổi luật hôn nhân, nhưng bạn không thể đổi quy luật số học.
Trong thế giới mà một người đàn ông đấu tranh giành bốn người phụ nữ, cuộc chiến giành phụ nữ sẽ căng thẳng. Thậm chí, người thắng cuộc cũng phải trả giá đắt cho chiến thắng của mình. Phụ nữ sẽ may mắn gấp đôi: Họ có nhiều lựa chọn hơn, và những người cầu hôn họ, mỗi người đều cố gắng nổi bật trong đám đông, sẽ chu đáo và tôn trọng hơn. Trong buổi hẹn, phụ nữ thường sẽ chọn nhà hàng và đàn ông sẽ trả tiền. Đàn ông đã có vợ sẽ làm nhiều việc nhà hơn để giữ vợ.
Có lẽ, nếu chế độ đa thê là hợp pháp thì hầu hết mọi người kể cả phụ nữ sẽ vẫn khăng khăng muốn chế độ một vợ một chồng và chúng ta sẽ thành đôi như cách thức hiện tại. Hôm nay, khi vợ tôi và tôi tranh cãi xem ai sẽ là người phải rửa bát, chúng tôi khởi đầu với tư cách khá bình đẳng. Nếu chế độ đa thê là hợp pháp, vợ tôi có thể gợi ý rằng cô ấy muốn bỏ tôi để làm vợ Alan và Cindy ở cuối phố – và tôi có thể nhượng bộ và rửa bát cho cô ấy. Người vợ sẽ có quyền quyết định những vấn đề lớn nhỏ trong hôn nhân: có bao nhiêu con, sống ở thành phố nào, ai nấu bữa tối, và vào những buổi tối yên bình trước ti vi, ai là người giữ bộ điều khiển.
Đàn ông trong xã hội đa thê giống như người buôn gia vị luôn phải chống lại sự lấn chiếm của các đối thủ cạnh tranh. Những người đi buôn sẽ đồng ý thỏa thuận phân chia vùng. Trước kia ở nhiều vùng, đàn ông cũng làm như thế. Bằng phong tục và pháp luật, họ thực hiện giao ước chỉ dành sự ân cần của họ cho một người phụ nữ thôi. Có nhiều trường hợp gian lận trong hợp đồng đó, nhưng đó chỉ là dự đoán theo lý thuyết của kinh tế mà thôi.
Thực chất, bộ luật chống đa thê là ví dụ về lý thuyết cácten. Lúc đầu, nhà sản xuất cạnh tranh nhau, đồng mưu trong việc chống lại cộng đồng hoặc, cụ thể hơn, chống lại khách hàng của họ. Họ đồng ý rằng mỗi công ty sẽ giới hạn sản xuất để nâng giá bán. Nhưng giá cao sẽ tạo điều kiện cho gian lận, có nghĩa là mỗi công ty sẽ tìm cách sản xuất nhiều hơn số lượng cho phép trong thỏa thuận. Cuối cùng, giao ước bị phá bỏ và chỉ có thể duy trì nếu nó có hiệu lực pháp lý, và thậm chí như vậy vi phạm vẫn có thể xảy ra.
Câu chuyện được đề cập đến trong mọi cuốn sách kinh tế đó cũng chính là câu chuyện của đàn ông trong thị trường tình ái. Ban đầu là cạnh tranh quyết liệt, họ kết hợp với nhau nhằm chống lại “khách hàng” − những người phụ nữ họ sẽ hỏi cưới. Âm mưu bao gồm thỏa thuận trong đó mỗi người đàn ông sẽ giới hạn hoạt động tình ái của mình để nâng cao giá trị của cánh đàn ông nói chung. Nhưng địa vị được cải thiện của đàn ông sẽ lại tạo điều kiện cho gian lận, nghĩa là mỗi người đàn ông sẽ lại cố giành được nhiều phụ nữ hơn mức cho phép trong thỏa thuận. Giao ước chỉ tồn tại khi bị ràng buộc về pháp lý, và thậm chí khi đó vi phạm vẫn xảy ra.
Những thỏa thuận đó ít thay đổi trong suốt 3.000 năm nay, nhưng chúng được thay đổi và trở nên mánh khóe hơn trong quan hệ công chúng. Năm 1991, tập đoàn Overlap, bao gồm MIT và các trường đại học Ivy League bị phát hiện đã thông đồng với nhau để giữ giá học phí cao và hỗ trợ tài chính thấp. Tuy nhiên, lời biện minh của Overlap cũng khá sáng tạo, họ nói rằng mục đích của họ là không để việc hỗ trợ tài chính ảnh hưởng đến sinh viên trong quá trình chọn trường. Nếu ba công ty sản xuất xe hơi bị phát hiện thông đồng với nhau để giữ giá bán cao, có lẽ khi đó họ sẽ không nghĩ đến việc biện minh rằng họ làm như vậy để ngăn khách hàng bị vấn đề tài chính tác động đến quyết định chọn xe của mình.
Cũng giống như lời biện minh của Overlap rằng thỏa thuận sẽ vì lợi ích khách hàng của họ, đàn ông biện hộ rằng luật chống đa thê là để bảo vệ phụ nữ. Nhưng bộ luật cấm đàn ông cưới nhiều hơn một vợ cũng giống như bộ luật cấm công ty tuyển dụng nhiều hơn một công nhân. Tôi nghĩ nếu thật sự có luật như thế, các công ty sẽ biện minh rằng như thế là để bảo vệ nhân viên. Ai sẽ tin họ?
Lý thuyết cho thấy rằng khi một cơ cấu vận hành có sẵn, bất cứ nhóm đối thủ cạnh tranh nào cũng cố thông đồng với nhau. Quan sát cho thấy sự thông đồng không giới hạn trong bất kỳ giới tính nào. Vì đàn ông âm mưu chống lại phụ nữ, nên phụ nữ cũng làm thế.
Khi các công ty phát hiện ra một cách mới nhưng tốn kém để nâng cấp sản phẩm, họ có thể âm mưu giữ kín phát minh đó. Những âm mưu như thế thường dựa trên tham vọng của những công ty thấy lợi nhuận khổng lồ khi trở thành người phát minh duy nhất trên thị trường. Hy vọng lớn nhất để duy trì thỏa thuận ban đầu đó là ban hành luật cấm phát minh, và chúng ta cần nguồn lực đáng kể để vận động hành lang cho bộ luật này.
Công nghệ hiện đại cho phép phụ nữ có nhiều lựa chọn sáng tạo nhưng tốn kém để hấp dẫn đàn ông. Những phát minh đó bao gồm từ phương pháp tránh thai mới cho đến tạo ngực silicon. Cái giá phải trả không chỉ là tiền bạc mà còn là vấn đề rủi ro về sức khỏe.
Ngăn những sản phẩm đó tung ra thị trường sẽ có lợi cho phụ nữ. Nhưng việc đó cũng giống như Ford, General Motors (GM) và Chrysler đồng ý giấu kín công nghệ xe hơi mới để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong những trường hợp bình thường, một trong ba “đại gia” sẽ tự hỏi công ty nào sẽ phá vỡ thỏa thuận trước. Nhưng nếu họ có thể tìm ra được cách nào đó để cấm công nghệ đó được áp dụng, các công ty xe hơi sẽ ngủ ngon giấc hơn.
Cũng giống như thế, phụ nữ không thể thỏa thuận với nhau để cùng tránh những phương pháp tránh thai nguy hiểm hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Hy vọng duy nhất để có thể duy trì các thỏa thuận đó là cấm những sản phẩm đó, các tổ chức của phụ nữ đã cố gắng rất nhiều trong việc này.
Thật khó có thể lý giải tại sao ta đấu tranh cho phụ nữ quyền được phá thai mà lại cấm họ thay đổi kích thước bộ ngực của mình. Nếu phụ nữ đủ thông minh, sáng suốt để cân nhắc những rủi ro về sức khỏe (không kể đến những khía cạnh quan trọng khác) về phá thai, thì ta có thể hy vọng rằng họ đủ sức cân nhắc rủi ro về túi silicon hoặc công cụ ngừa thai sử dụng kích thích tố.
Lý thuyết về thỏa thuận cho thấy những nhà bảo vệ quyền phụ nữ nói đúng và sự phản đối hùng hồn của tôi là sai. Nhà sản xuất có thể hưởng lợi từ luật hạn chế sáng tạo. Hãng GM có thể tự quyết định sử dụng công nghệ ô tô mới hay không nhưng vẫn muốn công nghệ đó bị cấm – không phải để bảo vệ họ với chính họ mà là bảo vệ họ với đối thủ cạnh tranh. GM sẽ rất vui nếu họ là nhà sáng chế duy nhất; còn trong thực tại cạnh tranh, họ không phải là những nhà sáng chế duy nhất do đó, họ thà để các phát minh sáng chế biến mất còn hơn.
Và đối với phụ nữ cũng thế. Phụ nữ sẽ rất hài lòng nếu họ được cấy túi silicon với điều kiện việc cấy ngực chỉ được cho phép thực hiện tại Mỹ. Nếu việc cấy túi ngực hợp pháp thì khi đó các đối tác khác trong thỏa thuận cũng sẽ làm thế – và khi đó họ sẽ muốn thà cấm luôn việc đó còn hơn.
Lập luận hợp lý nhất để làm cho công nghệ mới trở nên hợp pháp là giải thích rằng việc áp dụng công nghệ mới không phải do chúng có lợi cho nhà sản xuất mà là vì chúng có ích cho người tiêu dùng. Tương tự, lập luận hợp lý nhất cho việc hợp pháp hóa công nghệ cấy túi ngực là giải thích rằng việc cấy túi ngực không phải là để giải thoát phụ nữ mà là để thỏa mãn đàn ông. Lập luận đúng theo thuyết kinh tế là lập luận sai nhất về mặt chính trị.
Có thể sau khi tiến hành một phân tích về chi phí và lợi ích, người ta sẽ kết luận rằng công nghệ cấy túi ngực nên được hợp pháp hóa bởi vì những lợi ích mà nó mang lại cho đàn ông nhiều hơn nhiều so với những phí tổn đối với phụ nữ. Thậm chí phân tích đó còn có thể kết luận rằng lợi ích đối với phụ nữ (ví dụ như sự tự tin và cơ hội tuyển dụng) vốn đã lớn hơn rất nhiều so với chi phí mà họ phải bỏ ra. Nhưng cũng sẽ có người lập luận hùng hồn rằng luật cấm công nghệ cấy túi ngực sẽ bảo vệ phụ nữ khỏi sự cạnh tranh có hại và cũng tốt hơn cho cả đàn ông.
Khi những người bán thịt ở Chicago muốn dành thời gian cho gia đình vào buổi tối, họ thuyết phục chính quyền ra luật cấm bán thịt sau 6 giờ tối. (Điều luật đó vừa được bãi bỏ.) Một thỏa thuận đơn giản giữa những người bán thịt sẽ mời gọi sự gian lận vì sự cám dỗ không cưỡng lại được khi trở thành tiệm thịt duy nhất mở cửa vào buổi tối.
Một người quan sát ngây thơ có thể nghĩ rằng những người bán thịt sẽ không được lợi từ luật hạn chế lựa chọn giờ mở cửa của họ – cũng như nghĩ rằng đàn ông sẽ không được lợi từ lệnh cấm cưới nhiều vợ, hoặc cấm phụ nữ quyền giải phẫu thẩm mỹ. Nhưng một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên thì cần được áp dụng.
Vào đầu thế kỷ XX ở Trung Quốc, hàng hóa được vận chuyển bằng xe kéo được điều khiển bởi một nhóm sáu người đàn ông; họ sẽ được trả hậu hĩnh nếu đưa hàng đến tận nơi. Vì mọi người đều nghĩ rằng sức kéo của năm người còn lại mới quyết định thành công của công việc nên họ bắt đầu lảng tránh công việc. Nếu tất cả mọi người còn lại trong nhóm đều kéo thật tình, thì dù thế nào cuối cùng cả đội cũng sẽ đến đích, vậy tại sao mình phải kéo mạnh làm gì? Nếu không ai kéo mạnh, dù thế nào cuối cùng cả đội cũng sẽ không thể đến đích, vậy tại sao mình phải kéo mạnh làm gì? Mỗi người trong nhóm đều tính toán thiệt hơn, họ trốn việc, do đó hàng đến muộn và không ai được trả lương.
Những người thợ kéo nhanh chóng rút ra một cơ chế khắc phục tình huống đáng tiếc trên. Sáu người thợ cùng thuê một người thứ bảy quất roi vào họ.
Việc buộc chính phủ trở thành người áp dụng luật không khác gì thuê một người quất roi vào mình. (Mặc dù vậy có sự khác nhau đáng kể giữa thợ kéo và người bán thịt: Khi người thợ kéo cùng hiệp lực kéo mạnh hơn, họ không làm ảnh hưởng đến ai nhưng khi người bán thịt thông đồng đóng cửa sớm, họ sẽ chống lại cộng đồng.)
Ai cũng có thể giành chiến thắng trong trò chơi kết bạn. Nhưng ngay cả khi đó, vẫn có bất đồng về việc phân chia quyền lợi. Khi có nhiều thứ trong tay, không gì ngạc nhiên khi ta liên minh, rồi lại chia rẽ, và lại dựa vào chính quyền để phục hồi nó. Những câu chuyện này nuôi dưỡng những hành vi chiến lược. Trong những câu chuyện đó có cả những câu chuyện mà nhiều người tin rằng trong đó mọi chiến lược đều là công bằng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.