Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 21. Mùa xe Iowa



Một điều về cái đẹp là niềm vui vĩnh hằng, và không gì đẹp bằng một luận điểm súc tích và không vết xước. Một vài cách lập luận có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới.

Tôi tìm được một trong những luận điểm tuyệt vời nhất mà tôi biết trong khi tôi đảo qua một cuốn sách giáo khoa do anh bạn David Friedman của tôi viết. Mặc dù luận điểm có thể chưa hẳn là nguyên gốc, nhưng phiên bản của David quá rõ ràng, quá chuẩn xác, không thể chối cãi được, và quá ngạc nhiên tới thú vị, đến nỗi tôi không thể cưỡng lại việc phải chia sẻ nó với các sinh viên, họ hàng, và những người quen biết tại các buổi tiệc cocktail trong bất cứ dịp nào. Luận điểm liên quan tới thương mại quốc tế, nhưng sự hấp dẫn của nó không nằm ở chủ đề chính mà ở sức cuốn hút không thể cưỡng lại của nó.

Theo quan sát của David thì có hai công nghệ sản xuất ô tô ở Mỹ. Một là sản xuất tại Detroit, và một công nghệ nữa là “trồng” tại Iowa. Chắc ai cũng đã biết về công nghệ đầu tiên, vì vậy, tôi xin được nói với bạn về công nghệ thứ hai.

Đầu tiên bạn “gieo hạt” − chính là những nguyên liệu cấu thành nên chiếc ô tô. Bạn chờ đợi vài tháng cho tới khi lúa mì chín vàng. Sau đó, bạn thu hoạch lúa mì, chất lên tàu, và lái tàu về hướng đông băng qua Thái Bình Dương. Sau vài tháng, con tàu xuất hiện trở lại và mang theo rất nhiều những chiếc Toyota.

Thương mại quốc tế không gì khác hơn là một dạng công nghệ. Thực tế có một nơi được gọi là Nhật Bản, có những con người và nhà máy, chẳng liên quan mấy tới sự tồn tại của người Mỹ. Để phân tích các chính sách thương mại, chúng ta cũng nên giả sử rằng Nhật Bản là một cỗ máy khổng lồ với cơ chế hoạt động đầy bí ẩn có thể biến lúa mì thành ô tô.

Bất cứ chính sách nào được thiết kế nhằm thiên vị công nghệ đầu tiên của Mỹ hơn công nghệ thứ hai là chính sách được thiết kế nhằm thiên vị những nhà sản xuất ô tô tại Detroit hơn những nhà sản xuất ô tô tại Iowa. Việc đánh thuế ô tô hay cấm “nhập khẩu” ô tô cũng chính là đánh thuế ô tô hay cấm ô tô được trồng tại Iowa. Nếu bạn muốn bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Detroit khỏi sự cạnh tranh, thì bạn phải gây tổn hại tới những nông dân Iowa, vì những nông dân Iowa chính là đối thủ cạnh tranh.

Nhiệm vụ sản xuất ra một đoàn xe nhất định có thể được phân bổ giữa Detroit và Iowa theo nhiều cách. Một hệ thống giá cả có tính cạnh tranh sẽ chọn lọc sự phân phối bằng cách tối thiểu hóa tổng chi phí sản xuất. Việc sản xuất tất cả ô tô chỉ ở Detroit sẽ tốn kém quá mức cần thiết, việc “trồng” tất cả ô tô chỉ ở Iowa cũng sẽ tốn kém quá mức cần thiết, và sẽ là tốn kém quá mức cần thiết nếu sử dụng cả hai quá trình sản xuất vào bất cứ thứ gì ngoài tỉ lệ tự nhiên được tạo nên nhờ kết quả của sự cạnh tranh.

Điều này có nghĩa là việc bảo trợ Detroit quan trọng hơn việc chỉ chuyển thu nhập từ những người nông dân sang những công nhân sản xuất ô tô. Nó cũng làm tăng tổng chi phí cung cấp cho người dân Mỹ một lượng ô tô nhất định. Năng suất mất đi mà không được bù lại bằng lợi lộc gì; nó làm cả quốc gia nghèo đi.

Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc cải thiện năng suất của ngành sản xuất ô tô tại Mỹ. Khi bạn có hai cách để sản xuất ô tô thì con đường dẫn tới năng suất là sử dụng cả hai với sự cân đối tối ưu. Điều cuối cùng bạn nên muốn làm là cố tình làm thui chột một trong những công nghệ sản xuất của bạn. Sẽ là hoàn toàn mê tín khi nghĩ rằng một chiếc Camry được “trồng” tại Iowa ít “mang vẻ Mỹ” hơn một chiếc Taurus sản xuất tại Detroit. Các chính sách có gốc rễ từ mê tín thường không đạt kết quả ngọt ngào.

Vào năm 1817, David Ricardo – nhà kinh tế học đầu tiên suy nghĩ một cách đúng đắn, cho dù không phải với ngôn ngữ của toán học thuần túy – đã đặt nền móng cho toàn bộ những suy nghĩ tương lai về thương mại quốc tế. Sau 150 năm bồi đắp, học thuyết của ông đã trở nên phức tạp hơn nhiều nhưng nền tảng của nó vẫn được thiết lập chắc chắn như bất cứ điều gì trong kinh tế học.

Lý thuyết thương mại dự đoán điều đầu tiên là nếu bạn bảo trợ cho các nhà sản xuất Mỹ trong một ngành công nghiệp khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài thì bạn phải gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ trong các ngành công nghiệp khác. Dự đoán thứ hai là nếu bạn bảo trợ cho các nhà sản xuất Mỹ trong một ngành công nghiệp khỏi sự cạnh tranh nước ngoài thì phải trả giá bằng hiệu quả kinh tế giảm sút. Thường thì các sách giáo khoa chứng minh vấn đề này thông qua các biểu đồ, công thức và một mớ lý luận rắc rối. Câu chuyện nhỏ mà tôi học được từ David Friedman khiến cho vấn đề như thế trở nên rõ như ban ngày bằng một phép ẩn dụ đầy sức thuyết phục. Đó chính là đỉnh cao của kinh tế học.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.