Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

III. ĐỌC TIN TỨC NHƯ THẾ NÀO? – Chương 10. Chọn phe nào trong cuộc chiến chống ma túy?



Tờ Atlantic Monthly sai lầm như thế nào?

Richard J. Dennis là cố vấn cấp cao của Trung tâm Chính sách Ma túy tại Washington, D.C. Ông ta còn là thương nhân, chủ sở hữu một phần Chicago White Sox và tổng biên tập của một ấn phẩm được xuất bản hàng quý. Và ông ta chính là tác giả của quan điểm đối lập quan trọng về phân tích chi phí – lợi ích kém cỏi nhất từng xuất hiện trên báo chí. Tôi biết được tất cả những điều này qua số báo tháng 11 năm 1990 của tờ Atlantic Monthly, trong đó có bài viết của Dennis với tựa đề “Bài toán kinh tế cho việc hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy”. Những mối quan hệ và sự nghiệp của ông ta được đăng trên mục “Những người đóng góp” trên trang nhất của tạp chí. Triển lãm quán quân của sự mù quáng về kinh tế của ông ta được trưng bày trong chính bài báo đó.

Dennis kết luận rằng lợi ích của việc hợp pháp hóa sẽ lớn hơn rất nhiều chi phí, và tôi không hề nghi ngờ rằng kết luận của ông ta là đúng đắn. Nhưng ông tiến tới kết luận đó chỉ bằng cách tính chi phí như lợi ích, tính lợi ích như chi phí, bỏ qua một loạt các yếu tố quan trọng ở mỗi bên bảng kế toán, và tính trùng một số mà ông sực nhớ ra.

Sai lầm lớn tới mức này cần được biết tới một cách rộng rãi hơn. Chúng ta thường học hỏi từ lỗi lầm của người khác, vì vậy, việc phát hiện nhiều lỗi lầm đến vậy cùng một chỗ thật là may mắn. Còn cách nào để thông thạo các nguyên tắc phân tích chi phí – lợi ích tốt hơn việc phân tích một công trình mà chỉ một mình nó đã đi ngược lại tất cả các nguyên tắc đó?

Ví dụ:

Nguyên tắc 1: Doanh thu thuế không phải là lợi ích thực, và giảm doanh thu thuế không phải là lợi ích thực. Ngài Dennis ước tính rằng nếu ma túy được hợp pháp hóa và bị đánh thuế, chính phủ có thể kiếm được ít nhất là 12,5 tỉ đô-la doanh thu mỗi năm, và ông ta tính toán rằng doanh thu đó cũng tương đương như lợi ích của việc hợp pháp hóa. Nhưng doanh thu thuế thực chất chỉ là chuyển tiền từ túi người này vào túi người khác. Xét từ quan điểm của toàn xã hội – quan điểm mà phân tích chi phí – lợi ích đòi hỏi – chúng chẳng có lợi cũng chẳng có hại. Sẽ chẳng ích gì khi tính toán chúng, và chúng không bao giờ nên bị trừ hay cộng vào bất cứ bên nào của bảng kế toán.

Nếu doanh thu thuế đại diện cho lợi ích thực của xã hội, thì nó sẽ theo đuổi con đường đến với sự giàu có để cho chính phủ đánh thuế mỗi hoạt động ở mức cao nhất có thể. Sau khi doanh thu được phân phối lại, nó có thể được đánh thuế một lần nữa để vẫn đem lại nhiều của cải hơn nữa. Không ai từng đóng thuế sẽ gặp khó khăn trong việc moi móc bất cập trong chương trình này: Bất cứ thứ gì nhân viên thu thuế thu về cũng chính là những gì người đóng thuế mất đi.

Nếu chính phủ yêu cầu tất cả mọi người tại các số nhà chẵn trả một đô-la cho các số nhà lẻ, sẽ không ai tranh cãi rằng nguồn lực của xã hội có thêm một khoản tăng thực. Nếu chính phủ định ra mức thuế là một đô-la đối với mỗi người trong số 100 triệu người dân Mỹ sống tại số nhà chẵn và phân phối khoản tiền thu được, doanh thu của chính phủ sẽ tăng thêm 100 triệu đô-la mà không có thêm lợi ích thực nào cho xã hội.

Tất nhiên, điều này giả định rằng chính phủ có phân phối lại thu nhập – hoặc là trực tiếp (chẳng hạn như qua các khoản an sinh xã hội) hay gián tiếp (chẳng hạn như bằng cách xây dựng một bưu điện cung cấp những dịch vụ có giá trị). Nếu chính phủ chọn việc dùng 100 triệu đô-la đó trong doanh thu mới tìm được vào một dự án lãng phí nào đó thay vì phân phối nó, thì xã hội sẽ bị nghèo đi. Nhưng sự nghèo đi này nên thuộc về bản thân dự án lãng phí đó, chứ không phải chế độ thuế cung cấp vốn cho nó. Một mình doanh thu vốn không phải là lợi ích thực cũng không phải là chi phí thực.

Trường hợp của Dennis căn cứ vào nhiều quan sát là nếu ma tuý được hợp pháp hoá thì chúng ta có thể đánh thuế; có rất nhiều các hoạt động sẵn có khác để đánh thuế. Nếu tồn tại thứ gọi là lợi ích xã hội đối với việc hợp pháp hóa thì chắc hẳn nó phải nằm ở một chỗ nào đó.

Nguyên tắc 2: Một chi phí là chi phí, cho dù ai phải gánh nó đi nữa. Tại thời điểm này, ngài Dennis đã đếm 12,5 tỉ đô-la trong những lợi ích không tồn tại của hợp pháp hóa ma tuý. Ông còn nhét thêm 28 tỉ đô-la mỗi năm tiết kiệm được từ chi phí chính phủ trong việc bắt giữ, truy tố và bỏ tù những kẻ vi phạm luật buôn bán chất gây nghiện. Sau khi đã ước tính dôi thái quá những lợi ích của doanh thu thuế, (mà nếu được tính đúng, là 0, chứ không phải 12,5 tỉ đô-la), giờ ông đảo tay lái sang hướng mới bằng cách ước tính dôi thái quá chi phí của việc thi hành luật. 28 tỉ đô-la của ngài Dennis là chi phí trực tiếp bằng tiền mặt của chính phủ. Nhưng ông đã quên tính thêm chi phí của việc ngồi tù mà bản thân các tù nhân phải chịu. Vài trăm nghìn người trong số họ bị cướp đi cơ hội có công ăn việc làm, chăm sóc gia đình, hay thả bước trên bãi biển. Việc hợp pháp hóa sẽ không tước đi những cơ hội đó. Lợi ích đó ít nhất cũng đủ lớn bằng những gì ngài Dennis nghĩ rằng các cơ quan thi hành luật có thể tiết kiệm.

Bây giờ một số hoặc tất cả các lợi ích này có thể dồn về một vài đặc điểm khá vô vị hoặc những đặc điểm mà một vài người trong chúng ta có thể coi là không đáng. Nhưng dù gì chúng vẫn là lợi ích, và phải được tính là lợi ích. Phân tích chi phí – lợi ích không đưa ra sự khác biệt về mặt đạo đức nào cả; nó đơn giản là gộp tất cả những gì tốt đẹp nảy sinh từ một hành động và đối ngược nó với điều xấu. Nếu một kẻ buôn ma túy không vui hay trở nên vô dụng khi ở trong tù, thì những mất mát của anh ta ở phương diện đó cũng là những chi phí xã hội như mức lương của quản ngục và chi phí xây dựng nhà tù. Viễn cảnh loại trừ những chi phí đó là lợi ích chính đáng của việc hợp pháp hóa.

Làm thế nào để chúng ta có thể tính được giá trị tiền bạc so với sự tự do tiềm năng của tù nhân? Về nguyên tắc, cần một con số đúng để sử dụng, được quyết định bởi sự sẵn sàng trả tiền của tù nhân: Đó là lượng tiền anh ta sẽ sẵn sàng trả để tránh phải nhận án tù. Trên thực tế, chúng ta có thể ước chừng con số này bằng thu nhập của tù nhân nếu được tự do. (Đây có thể là cách ước chừng chưa thật hiệu quả nhưng là cách tốt nhất hiện nay). Thu nhập đó, nếu tính của tất cả các tù nhân liên quan tới ma túy, chắc chắn có thể lên tới hàng tỉ đô-la. Chúng ta nên thêm vào đó chi phí khi người sử dụng ma túy phải gánh chịu để tránh bị phát hiện, truy cứu và nhận tội, mà ngài Dennis cũng đã bỏ qua.

Nguyên tắc 3: Một hàng hóa là một hàng hóa, cho dù ai sở hữu nó đi chăng nữa. Ngài Dennis tin rằng việc sử dụng ma túy dẫn lối cho tội ác và cụ thể là phải chịu trách nhiệm với 6 tỉ đô-la thất thoát do trộm cắp hàng năm. Nhưng việc trộm cắp tài sản cũng không hề chấm dứt. Khi một chiếc tivi bị chuyển từ nhà này sang nhà khác, nó vẫn là một nguồn giải trí hữu ích như nó muôn đời như vậy. Điều này đúng ngay cả khi người hưởng thụ những dịch vụ ấy là kẻ trộm hay người buôn bán tài sản trộm cắp.

Nạn trộm cắp cũng có chi phí xã hội. Một là giá trị của thời gian và năng lượng của tên trộm, mà nếu không thì đã có thể được dùng vào một số công việc khác. (Nếu tôi dành cả buổi chiều nghĩ kế ăn cắp xe đạp của bạn, cuối cùng chúng ta chỉ có một chiếc xe đạp; nếu tôi dành cùng buổi chiều đó lắp ráp một cái xe đạp, cuối cùng chúng ta sẽ có hai chiếc.) Nhưng chi phí này có lẽ là ít hơn rất nhiều so với giá trị của tài sản bị ăn cắp.

Một tên trộm kém cỏi nhất tại Mỹ phải thêm công sức đáng giá 100 đô-la mỗi lần hắn ta ăn trộm 100 đô-la. Nếu chi phí của hắn ta dưới 100 đô-la, những người khác thậm chí còn kém hơn hắn ta sẽ thấy nghề ăn trộm có lãi, và quyết định bước vào nghề này. Khi đó, hắn ta sẽ không còn là tên trộm kém nhất nước Mỹ nữa. Nếu chi phí của hắn ta cao hơn 100 đô-la, hắn ta sẽ không làm kẻ trộm được bao lâu.

Nhưng đó chỉ mô tả về tên trộm kém nhất. Vì các tên trộm khác cừ hơn, nên chúng chắc hẳn phải ăn trộm được tài sản đáng giá 100 đô-la với công sức dưới 100 đô-la. Hậu quả là giá trị của tài sản bị trộm gần như lúc nào cũng vượt quá mức chi phí ăn trộm nó.

Mặt khác, chúng ta còn chưa tính toán tất cả các chi phí xã hội của nạn trộm cắp. Các chi phí khác nảy sinh từ nỗ lực của nạn nhân trong việc bảo vệ mình bằng cách mua chuông chống trộm, thuê cảnh sát và nhân viên an ninh, tránh đi lại trong những khu vực nguy hiểm. Khi những yếu tố này được tính tới, chi phí xã hội của tội ác có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị của tài sản bị trộm. Vì thế, 6 tỉ đô-la của Dennis có thể là ước tính quá cao hoặc quá thấp lợi ích của việc giảm tội ác nhờ hợp pháp hóa ma túy; dự đoán của riêng tôi là dự đoán đó quá cao. Trong bất cứ hiện tượng nào, con số 6 tỉ đô-la ngày hôm nay hoàn toàn không thích đáng trong tính toán chính xác.

Để tóm tắt trường hợp này từ đầu tới giờ, Dennis tính những khoản sau đây là lợi ích hàng năm của việc hợp pháp hóa ma túy: 12,5 tỉ đô-la doanh thu thuế (tính dư 12,5 tỉ đô-la), 28 tỉ đô-la tiết kiệm cho chi phí thi hành luật (tính dư lớn, vì nó bỏ qua giá trị tự do của tù nhân), và 6 tỉ đô-la phòng ngừa trộm cắp (ước lượng hoàn toàn ngẫu nhiên vì nó tính toán dựa trên giá trị của tài sản bị đánh cắp nhưng không liên quan gì tới chi phí thực sự của hành vi trộm cắp). Ông còn thêm vào 3,75 tỉ đô-la tiết kiệm từ chi phí quân sự để chống lại những trùm ma túy ở Colombia, với tổng lợi ích hàng năm lên tới 50,25 tỉ đô-la.

Sau khi hoàn thành khảo sát lợi ích, ngài Dennis chuyển hướng khả năng phân tích của mình sang việc tính toán chi phí. Tại đây, ngài ta mào đầu ngay bằng cách đi ngược lại nguyên tắc quan trọng nhất trên đời:

Nguyên tắc 4: Tiêu dùng tự nguyện là điều tốt. Ngài Dennis nhận ra rằng hợp pháp hóa sẽ dẫn tới giá ma túy thấp hơn và tăng sử dụng ma túy. Ông tính toán rằng đây là chi phí của hợp pháp hóa. Nhưng những tên nghiện có thể tăng mức tiêu thụ do giá giảm lại được hưởng lợi, chứ không hề phải chịu tổn thất.

Tất nhiên, điều này giả định rằng người ta biết cái gì là tốt nhất cho mình, và ai đó có thể tranh luận rằng trong trường hợp như ma túy, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng tất cả các cơ chế lý thuyết vốn được thiết lập để chứng minh cho những tính toán chi phí-lợi ích dựa nhiều vào giả định này; hậu quả là, phân tích là bất khả kháng nếu thiếu nó. Hoặc là chúng ta chấp nhận giả định này hoặc là chúng ta bị buộc phải đánh giá các chính sách dựa vào một cái gì đó ngoài cơ sở chi phí-lợi ích.

Vì ngài Dennis muốn thực hiện những tính toán chi phí-lợi ích, chúng ta hãy chấp nhận giả định được yêu cầu này và ước tính lợi ích của việc hợp pháp hóa.

Khi bạn đói bụng đến mức sẵn sàng trả 15 đô-la cho một chiếc bánh pizza và có thể mua một cái với giá thị trường là 10 đô-la, các nhà kinh tế học nói rằng thặng dư tiêu dùng của bạn là 5 đô-la. Bạn kiếm được thặng dư tiêu dùng với hầu như tất cả những thứ bạn mua; lượng tối đa bạn sẵn sàng trả hầu như lúc nào cũng vượt quá số tiền thực bạn trả trên thị trường. Trong một nền kinh tế cạnh tranh, tất cả các lợi ích do thị trường đem lại thường xuất hiện dưới dạng thặng dư tiêu dùng. Trong hầu như bất cứ phân tích chi phí-lợi ích nào, thặng dư tiêu dùng là một trong những nguồn lợi chính.

Khi giá pizza giảm từ 10 đô-la xuống còn 8 đô-la, thặng dư tiêu dùng của bạn tăng vì hai lý do. Thứ nhất, bạn có thêm thặng dư tiêu dùng trị giá 2 đô-la với mỗi chiếc pizza bạn mua, chỉ vì giá cả thấp hơn. Thứ hai, bạn có lẽ sẽ mua nhiều pizza hơn, và vì vậy, có thêm cơ hội kiếm thặng dư. (Một số người thậm chí có thể nhắm mắt nhắm mũi mà ăn để kiếm được thặng dư trong khi trước đó họ không có gì).

Điều đầu tiên – lợi thế của giá thấp hơn – không phải là lợi ích xã hội thực.

Việc trả 8 đô-la thay vì 10 đô-la cho một chiếc pizza là rất tốt cho người tiêu dùng, nhưng người làm pizza có lẽ có quan điểm khác. Những gì người tiêu dùng thu được từ giá cả thấp hơn sẽ bù vào lượng mất mát tương đương của người sản xuất. Giá cả thấp hơn và bản thân nó không ảnh hưởng tới sự cân bằng giữa chi phí và lợi ích khi lợi ích của cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất được tính tới.

Tuy nhiên, nguồn thứ hai của thặng dư tăng – thực tế là người ta ăn và thích ăn pizza hơn trước – là nguồn lợi xã hội thực và phải được tính là lợi ích. Nếu chính phủ thay đổi chính sách và khiến giá pizza giảm đi 2 đô-la, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phân tích chính sách sẽ là ước tính mức tăng trong thặng dư tiêu dùng từ việc tăng lượng tiêu thụ pizza.

Ma túy cũng như vậy. Vì mục đích của cuộc tranh luận, chúng ta hãy chấp nhận những con số trong bài viết của ông Dennis: 30 triệu người sử dụng hiện hành, tiêu tổng số 100 tỉ đô-la hàng năm, và thêm 7,5 triệu người sử dụng sau hợp pháp hóa khiến giá cả giảm xuống còn 1/8 mức hiện tại. Một phép tính số học nhỏ cũng cho thấy rằng những người sử dụng mới sẽ tiêu tổng cộng là khoảng 3 tỉ đô-la vào những loại ma túy mới với giá thấp. Cũng sẽ là hợp lý để suy luận từ những con số này rằng tổng giá trị của các loại thuốc này – lượng tiền những người sử dụng mới sẵn sàng trả nếu cần – là khoảng 10 tỉ đô-la.

Vì vậy, hợp pháp hóa sẽ đem lại lợi ích thực cho người sử dụng mới khoảng 7 tỉ đô-la mỗi năm. Thậm chí con số ước tính đó không bao gồm lợi ích cho người sử dụng hiện hành, những người chắc chắn sẽ tăng mức tiêu thụ của chính mình.

Thay vì 7 tỉ đô-la lợi ích mà những con số của chính ông hàm ý, ông Dennis tính lượng ma túy được sử dụng nhiều hơn là 25 tỉ đô-la chi phí. Tại sao là 25 tỉ đô-la? Đó là ước tính của ông về chi phí y tế tư nhân và thu nhập cá nhân mất đi do người sử dụng mới tiêu thụ ma túy. (Ít nhất giờ đây việc ông Dennis bắt đầu quan tâm tới thu nhập cá nhân bị mất mát là điều ấm lòng. Thời thu nhập cá nhân còn bị đánh thuế, điều này dường như chẳng làm ông mảy may đoái hoài.)

Trong bất cứ trường hợp nào, 7 tỉ đô-la gia tăng trong thặng dư tiêu dùng đã là tổng chi phí y tế và thất thu nhập. Bất cứ thiệt hại nào như thế lẽ ra sẽ được phản ánh trong sự sẵn sàng của người ta khi mua thuốc và cũng sẽ được tính tới trong phép tính ban đầu. Tuy nhiên, ông Dennis, sẽ để chúng ta liệt kê những chi phí cá nhân này vào một nhóm khác, vì vậy mà vi phạm thêm một nguyên tắc nữa:

Nguyên tắc 5: Đừng tính trùng lặp

“Kinh tế học của hợp pháp hóa ma túy” là một trong những môn học chi phí-lợi ích tồi nhất từ trước tới giờ. Tác giả của nó (chắc hẳn có nét tương đồng với các biên tập viên của tờ Atlantic) đã thất bại trong việc nắm vững hai siêu nguyên lý cơ bản mà từ đó tất cả các nguyên lý khác tuân theo:

Chỉ các cá nhân mới quan trọng

Tất cả các cá nhân có tầm quan trọng như nhau

Đây là những luật lệ của trò chơi chi phí-lợi ích. Bạn không cần phải tuân theo chúng, nhưng nếu bạn không làm như vậy, bạn đã chơi trò khác mất rồi.

Nếu ông Dennis nhớ rằng chỉ các cá nhân mới quan trọng, ông ta hẳn đã không mắc phải lỗi lầm sơ đẳng là coi doanh thu chính phủ là điều tốt. Chính phủ không phải là một cá thể, vì vậy không tính đến chính phủ. Doanh thu chính phủ phân phối tới các cá nhân là điều tốt nhưng nó bị bù trừ với lượng thuế thu từ các cá nhân, mà đây là điều tệ hại như thế. Bạn có thể tính cả hai (trong trường hợp chúng loại trừ lẫn nhau) hay, đơn giản hơn, bạn không tính được yếu tố nào hết.

Dù bạn có đã nghe được gì, các nhà kinh tế học hoàn toàn thờ ơ đối với những điều “có lợi cho đất nước”, “có lợi cho nền kinh tế” hay “có lợi cho General Motors”. Nếu lợi nhuận của General Motors tăng thêm 100 triệu đô-la, các nhà kinh tế học sẽ hài lòng vì bản thân các ông chủ của General Motors giàu hơn tới 100 triệu đô-la. Nếu General Motors đóng cửa trong khi các ông chủ mải mê ngồi thiền, tìm kiếm cõi tĩnh tâm siêu việt mà tổng giá trị của họ là 100 triệu đô-la, các nhà kinh tế học cũng hài lòng hệt như vậy.

Liệu người dân Mỹ có nên làm việc chăm chỉ hơn và đầu tư nhiều hơn vào sản lượng công nghiệp hay không? Câu trả lời của nhà kinh tế học là: Chỉ khi nó làm người ta hạnh phúc hơn. Các phát thanh viên báo cáo mức tăng trưởng kinh tế cứ như thể đó là lợi ích mà không có chút chi phí bù trừ nào. Tăng trưởng có lợi cho các cá nhân, vì nó cho phép họ tăng tiêu dùng tương lai. Các điều kiện đem lại tăng trưởng áp đặt chi phí vào cá nhân, những người phải làm việc vất vả hơn và tiêu dùng ít hơn trong hiện tại. Sự trao đổi này có đáng không? Câu trả lời tùy thuộc hoàn toàn vào những ưu tiên của chính các cá nhân. Những gì “có lợi cho nền kinh tế” không phải là một trong những gì nhà kinh tế học xem xét.

Nếu Richard J. Dennis quan tâm tới các cá nhân, hơn là những thực thể trừu tượng như nền kinh tế hay chính phủ, ông ta lẽ ra sẽ không mắc phải lỗi tính mỗi chi phí chính phủ khi tính toán chi phí thi hành luật. (Chi phí chính phủ là chi phí thực, nhưng là duy nhất vì các hóa đơn cuối cùng được trả bởi các cá nhân đóng thuế). Ông ta lẽ ra đã không bỏ qua chi phí của các cá nhân dành thời gian để ngồi tù, những cá nhân dành nguồn lực để bảo vệ bản thân trước tội ác, và những kẻ nghiện ngập dành nguồn lực để tránh bị bắt.

Vì tất cả các cá nhân đều quan trọng, và vì các cá nhân khác nhau có lợi ích đối nghịch nhau, nên chúng ta cần một quy định để cân nhắc ưu tiên của người này với người kia. Nếu chúng ta được gọi lên để quyết định xem có nên mở rộng ngành công nghiệp khai thác gỗ hay không, và nếu Jack coi trọng những tờ báo trong khi Jill coi trọng cây rừng, chúng ta cần một cách để so sánh lợi ích tiềm năng của Jack với mất mát tiềm năng của Jill. Có rất nhiều quan điểm có thể bảo vệ được về mặt lý thuyết ở đây, và logic của phân tích chi phí-lợi ích (mà đâu đó tôi gọi một cái tên khác là “logic của tính hiệu quả”) lựa chọn mơ hồ giữa chúng. Vị trí của nó được nêu lên trong siêu nguyên lý thứ hai của chúng ta: Tất cả các cá nhân đều có tầm quan trọng như nhau, sức mạnh của sự ưa thích của họ được đo bằng sự sẵn sàng chi trả. Nếu Jack coi một cái cây trong nhà máy cưa đáng giá 100 đô-la và Jill coi một cái cây còn sống trong rừng đáng giá 200 đô-la, thì chúng ta tuyên bố lợi ích của việc đốn cây là 100 đô-la và chi phí là 200 đô-la. Chúng ta không đi sâu vào giá trị đạo đức của Jack hay của Jill.

Về nguyên tắc, nếu chúng ta hình dung được thay đổi trong chính sách (chẳng hạn, từ việc cấm ma túy tới khoan dung), chúng ta có thể mường tượng ra cuộc thí nghiệm sau đây. Hãy xếp những người ủng hộ hoàn cảnh hiện tại thành một hàng và hỏi mỗi người trong số họ: “Bạn sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu để ngăn chặn sự thay đổi chính sách này?”. Gộp các phản hồi lại, và bạn đã tính được tổng chi phí của việc thay đổi chính sách. Giờ xếp những người ủng hộ việc thay đổi thành một hàng và hỏi mỗi người trong số họ, “Bạn sẽ sẵng sàng trả bao nhiêu để chứng kiến sự thay đổi của chính sách này?” − tổng phản hồi của họ là tổng lợi ích.

Việc chúng ta khăng khăng coi các cá nhân như nhau có một số hàm ý đáng chú ý. Một gợi ý là thay đổi giá cả không bao giờ là điều xấu cũng chẳng phải là điều tốt. Bất cứ những gì người mua được lợi, là những gì người bán chịu thiệt. Thay đổi giá cả thường được gây ra bởi những thay đổi trong công nghệ hay trong môi trường hợp pháp, điều có thể cùng lúc ảnh hưởng chi phí sản xuất hay mức độ tiêu dùng theo những cách có thể tốt hoặc xấu. Nhưng một thay đổi giá cả trong và về chính nó không phải là thứ tốt cũng chẳng phải là thứ xấu.

Vào năm 1992, nhiều tỷ lệ lãi suất giảm đột biến. Tờ New York Times đăng bài đặc biệt về sự phát triển vĩ đại đó: Người vay giờ gặp thuận lợi trong việc mua ô tô, mua nhà, và trang thiết bị làm vốn. Như một lời nhắn gửi nho nhỏ, bài báo thừa nhận rằng bức tranh không mấy sáng sủa đối với người cho vay; nó gọi vấn đề này là “hiệu ứng phụ” không may mắn.

Nhưng tỷ lệ lãi suất cũng như giá cả. Đối với mỗi người vay lại có một người cho vay, và mỗi đô-la vay là mỗi đô-la cho vay. Tất cả các lợi thế của tỷ lệ lãi suất thấp được bù trừ chính xác bởi những bất lợi của nó. Người vay và người cho vay có tầm quan trọng ngang nhau.

Khi chúng ta tiến hành phân tích chi phí-lợi ích, chúng ta tự hứa với bản thân mình là phải đối xử với tất cả mọi người công bằng. Người mua ngang hàng với người bán, và những người bán ma túy, trộm và những kẻ nghiện ngang hàng với cảnh sát, người buôn chứng khoán, các ông chủ tại Chicago White Fox, và các vị thánh.

Nếu nhớ được rằng, mọi cá nhân đều có quyền bình đẳng và quan trọng như nhau. Lẽ ra ông Dennis đã phải coi quãng thời gian tiếp xúc với tù nhân như một chi phí và tận dụng việc phỏng vấn những người tự nguyện như là một lợi ích. Ông ấy có lẽ đã nhận ra rằng việc thay đổi doanh thu thông qua thuế hoặc tù nhân sẽ không tạo ra hoặc làm tiêu tan sự giàu có; nó chỉ chuyển đổi sự giàu có giữa các cá nhân và tất cả những người mà ưu tiên của họ đều quan trọng.

Có thể, ông Dennis không chấp nhận hoàn toàn học thuyết triết học hoặc nguyên tắc chính trị về việc đối xử công bằng với mọi cá nhân. Không nhà kinh tế học nào phủ nhận quyền này của ông và rất nhiều các nhà kinh tế học sẽ thông cảm với ông về quan điểm đó. Tuy nhiên, nếu đó là quan điểm của Dennis, nó cho thấy ông ấy đánh giá các chính sách về một số vấn đề cao hơn một nền tảng về chi phí-lợi nhuận. Hơn thế nữa, phận sự của Dennis là phải nói cho chúng tôi về nền tảng của sự lựa chọn đó là gì. Lập ra một danh sát những thứ Dennis sẵn sàng cân nhắc về chi phí, và một danh sách khác về những thứ mà ông sẵn sàng cân nhắn về lợi nhuận, sẽ không tạo hiệu ứng xấu đối với độc giả muốn biết liệu định kiến triết học của tác giả có phù hợp với chính bản thân anh ta không. Bất kỳ nhà phân tích chính sách nào cũng nên công bố trước về tiêu chuẩn đạo đức của Dennis, và sau đó đưa ra đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn đó.

Rất nhiều nhà kinh tế, dành nhiều thời gian để áp dụng tiêu chuẩn chi phí-lợi nhuận như là kim chỉ nam cho chính sách. Đôi khi, việc hướng đạo của chiếc kiêm chỉ nam này gây khó khăn cho chúng tôi. Hãy thử nghiên cứu một chính sách có thể làm Rockefeller kiếm được một khoản lời 1.000 đô-la từ chi phí 900 đô-la từ một người khó khăn, tiêu chuẩn chi phí.

Tuy nhiên, khi một nhà kinh tế học phải đối mặt với việc hoạch định chính sách. Một trong những bản năng đầu tiên của người này chính là phân tích chi phí và lợi ích sao cho phù hợp với hai siêu nguyên tắc. Có ít nhất hai lý do để giải thích bản năng này của nhà phân tích.

Đầu tiên, nếu tiêu chuẩn về chi phí và lợi ích được áp dụng một cách thống nhất, hầu hết mọi người đều có thể được nhiều hơn mất cho dù có rất nhiều quyết định chính sách được đưa ra. Điều này tương đối ổn định cho dù việc áp dụng bất kỳ tiêu chuẩn cụ thể nào cũng có thể gây nguy hại đối với người tốt theo những cách bất công. Khi chúng ta cấm đốn cây để chuyển 200 đô-la cho Jill với chi phí bị mất của Jack là 100 đô-la, Jack vẫn có thể cảm thấy hài lòng vì biết rằng chúng ta sẽ ở bên và bênh vực anh ấy trong những cuộc tranh luận trong tương lai – nơi lợi ích của anh ấy có thể lớn hơn. Chúng tôi – những người được định hướng bởi tiêu chuẩn chi phí-lợi ích, sẽ phản đối bạn, khi bạn có ít cơ hội thua và nhiều cơ hội thắng, công bằng mà nói, chúng tôi có thể sẽ làm nhiều việc có lợi cho bạn nhiều hơn là những việc có hại.

Thứ hai, các nhà kinh tế học học thích tiêu chuẩn chi phí-lợi nhuận vì họ được trang bị kỹ năng để áp dụng nó. Lý thuyết kinh tế cho phép chúng tôi luận ra các tác động của việc hỗ trợ tiêu chuẩn, mà không cần phải đưa ra những phép tính cụ thể. Ví dụ, chúng tôi biết nguyên nhân về mặt lý thuyết khi quyền sở hữu được định rõ và các thị trường đều mang tính cạnh tranh, giá thị trường sẽ đẩy lợi nhuận lớn hơn chi phí. Trong những trường hợp này, chúng tôi có thể tự tin phỏng đoán rằng kiểm soát giá là một việc gây tác động xấu đối với thị trường, ngay cả khi không tính được rõ bất kỳ chi phí hay lợi nhuận nào.

Chúng tôi thích tiêu chuẩn chi phí-lợi nhuận vì chúng tôi cho rằng việc áp dụng nó khiến cho hầu như tất cả mọi người khá hơn về lâu dài, và vì nó dễ áp dụng. Nói cách khác, lợi nhuận phải cao và chi phí phải thấp. Lý do đưa ra có thể hơi vòng vèo nhưng tiêu chuẩn chi phí-lợi ích tự nó đã cho thấy tính hiệu quả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.