Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

VI. NHỮNG CẠM BẪY TÔN GIÁO – Chương 24. Tại sao tôi không phải là nhà môi trường học?



Khoa học kinh tế học so với đạo sinh thái học

Khi mới bốn tuổi, con gái tôi đã kiếm được tấm bằng thứ hai. Khi mới hai tuổi, con bé đã tốt nghiệp với tấm bằng giỏi nhất có thể của Lớp Tập đi tại nhà trẻ ở Colorado. Hai năm sau, con bé hoàn thành một khóa học tại trường mẫu giáo của Trung tâm Cộng đồng Do Thái, nơi nó được nhận vào khi chúng tôi trở lại bang New York.

Trong buổi lễ tốt nghiệp mang tên “Những người bạn của Trái đất”, tôi được nghe các cháu bốn và năm tuổi thuyết giảng về tầm quan trọng của nguồn năng lượng an toàn, giao thông công cộng và tái chế. Câu thần chú lặp đi lặp lại là “Đặc ân đi kèm trách nhiệm” tức là “Đặc ân được sống trên hành tinh này phải đi cùng với trách nhiệm chăm sóc nó”. Tất nhiên, Thomas Jefferson cho rằng sống trên Trái đất là quyền lợi không thể chuyển nhượng hơn là một đặc ân, tuy nhiên, ông này chưa từng tới trường mẫu giáo.

Tôi được nghe những điều này qua con gái tôi từ trước và đã quen với ý nghĩ rằng đôi lúc con bé cần được “tẩy não” một chút. Nhưng khi tôi lắng nghe lũ trẻ thậm chí còn chưa biết đọc học vẹt và nhắc đi nhắc lại điều này, tôi quyết định là đã đến lúc phải có lời với giáo viên. Cô giáo muốn biết tôi phản đối những điểm cụ thể nào trong sách giáo lý. Tôi cảm thấy khó chịu. Tôi từ chối trả lời. Khi chủ nghĩa môi trường ngày càng hóa thân thành thứ tôn giáo nhà nước bừa bãi, thì những người ngoại đạo chúng ta càng như bị gai đâm khi nghe người ta nói khéo rằng chúng ta đang mắc phải thứ bệnh quái dị nào đó.

Chủ nghĩa môi trường ngây ngô của trường mẫu giáo mà con gái tôi theo học là một hỗn hợp những thứ bị nhồi nhét bởi những huyền thoại, mê tín và lễ nghi rất giống với những dạng ít tiếng vang nhất của Chủ nghĩa trào lưu chính thống trong tôn giáo. Thuốc giải độc cho tôn giáo tồi là khoa học tốt. Thuốc giải cho thuật chiêm tinh là phương pháp khoa học, thuốc giải cho chủ nghĩa sáng tạo ngây thơ là sinh học tiến hóa, và thuốc giải cho chủ nghĩa môi trường ngây ngô là kinh tế học.

Kinh tế học là môn khoa học của những ưu tiên luôn cạnh tranh với nhau. Chủ nghĩa môi trường vượt lên khỏi khoa học khi nó nâng vấn đề của ưu tiên lên vấn đề của đạo đức. Một đề xuất để lắp đường ở khu thiên nhiên và xây một bãi đỗ xe là cơ hội cho xung đột giữa những người ưu tiên khu thiên nhiên và những người ưu tiên việc đỗ xe thuận tiện. Trong cuộc vật lộn nảy sinh từ đó, mỗi bên đều cố áp đặt ưu tiên của mình bằng cách giật dây hệ thống chính trị và kinh tế. Vì một bên phải thắng và một bên phải thua, cuộc đấu rất khốc liệt và thường khá cay đắng. Tất cả những điều này đều lường trước được.

Nhưng trong 25 năm kể từ Ngày Trái đất đầu tiên (22-4-1970), một yếu tố mới và xấu xí đã xuất hiện dưới dạng niềm tin của một bên rằng những ưu tiên của họ là Đúng và của phía kia là Sai. Khoa học của Kinh tế học tránh xa thái độ đạo đức như thế; tôn giáo của chủ nghĩa môi trường tung hô nó.

Kinh tế học buộc chúng ta đối đầu với sự cân đối căn bản. Xung đột nảy sinh vì mỗi bên đều muốn phân phối nguồn lực theo những cách khác nhau. Jack muốn rừng gỗ của anh với phí tổn đổ lên bãi đỗ xe của Jill và Jill muốn bãi đỗ xe của cô với phí tổn đổ lên rừng gỗ của Jack. Công thức đó trung lập về mặt đạo đức và nên là lời cảnh báo đề phòng việc gắn tước hiệu đạo đức cao quý cho bất cứ ai trong Jack và Jill.

Sự cân đối còn sâu sắc hơn. Các nhà môi trường học tuyên bố rằng khu thiên nhiên nên được quyền ưu tiên trước bãi đỗ xe vì quyết định xây dựng là “không thể hủy bỏ được”. Tất nhiên họ nói đúng, nhưng họ bỏ qua thực tế là quyết định không xây dựng cũng không thể hủy bỏ được y hệt. Trừ phi chúng ta xây dựng ngày hôm nay, cơ hội đỗ xe của tôi ngày mai sẽ bị mất vì theo luật không thể hủy bỏ, bản thân ngày mai cũng sẽ bị mất. Khả năng đỗ xe trong tương lai xa hơn có thể hoàn toàn không đủ để thay thế cho cơ hội bị mất đi đó.

Một biến tấu của kiểu cách của các nhà môi trường học là chúng ta không nợ bản thân mình lựa chọn thiên nhiên mà là nợ các thế hệ tương lai. Nhưng chúng ta có lý do nào để nghĩ rằng các thế hệ tương lai sẽ ưa chuộng việc thừa kế thiên nhiên hơn là thừa kế lợi nhuận từ bãi đỗ xe hay không? Đó là một trong những câu hỏi đầu tiên sẽ được đưa ra trong bất cứ cuộc điều tra khoa học trung thực nào.

Một biến tấu khác là nhà phát triển bãi đỗ xe được động viên bởi lợi nhuận chứ không phải là ưu tiên. Có hai phản hồi cho luận điểm này. Đầu tiên, lợi nhuận của nhà phát triển được tạo ra từ ưu tiên của khách hàng; xung đột cuối cùng không nằm ở nhà phát triển mà ở những người ưu tiên việc đỗ xe. Thứ hai, hàm ý của luận điểm là sự ưu tiên dành cho lợi nhuận theo một nghĩa nào đó nhỏ mọn về mặt đạo đức đối với ưu tiên dành cho thiên nhiên, điều chính là vị thế mà tranh luận này được tạo ra để né tránh.

Tôi có cảm tưởng là tranh luận về “tính không thể hủy bỏ”, tranh luận về “thế hệ tương lai”, và tranh luận về “sự ưu tiên chứ không phải lợi nhuận” đều dựa vào những điểm khác biệt sai lầm mà đều khuất phục trước những xem xét trung thực. Vậy thì tại sao một số nhà môi trường học lại lặp đi lặp lại những tranh luận đó? Có lẽ việc xem xét trung thực đơn giản không nằm trong của chương trình của họ. Trong rất nhiều trường hợp, họ bắt đầu với định đề rằng họ đứng trên vị thế đạo đức cao, và kết luận rằng vì thế họ được phép tuyên truyền trí tuệ một cách dối trá, chỉ cần nó phục vụ mục đích cao hơn của chiến thắng của phe ủng hộ chiến dịch này.

Dấu ấn của khoa học là việc hết lòng đi theo những luận điểm cho tới kết luận logic của chúng; dấu ấn của một số dạng tôn giáo là việc lướt qua logic, sau đó là cú rút quân vội vã nếu nó đi theo hướng không ngờ tới. Các nhà môi trường học có thể dẫn chứng hàng chồng thống kê về sự quan trọng của cây cối và sau đó nhảy bổ vào kết luận là tái chế giấy là ý tưởng hay. Nhưng kết luận ngược lại cũng có lý y như vậy. Tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta tìm ra cách tái chế thịt bò, số lượng gia súc sẽ giảm xuống, bạn bên ăn thật nhiều thịt bò. Tái chế giấy triệt tiêu động lực cho các công ty giấy trồng nhiều cây hơn và có thể khiến rừng co lại. Nếu bạn muốn những cánh rừng lớn, chiến thuật tốt nhất có thể là sử dụng giấy càng lãng phí càng tốt – hoặc vận động hành lang để trợ cấp cho ngành công nghiệp khai thác gỗ. Hãy đề cập điều này với nhà môi trường học. Kinh nghiệm của riêng tôi là bạn sẽ được chứng kiến một điều tương đương với một nụ cười ban phước của một nhà truyền giáo bối rối trước một thử thách bất chợt, nhưng rất chắc chắn về kho tri thức Thiên Khải của mình.

Điều này gợi ý rằng các nhà môi trường học – ít nhất là những người tôi từng gặp – không hề có hứng thú đích thực vào việc duy trì số lượng cây. Nếu họ có, họ đã tìm hiểu nghiêm túc về những tác động lâu dài của tái chế rồi. Tôi nghi rằng họ không muốn làm như vậy vì lo ngại thực sự của họ chính là bản thân quá trình tái chế, chứ không phải các hậu quả của nó. Nhu cầu tiềm ẩn để hi sinh, và để bắt buộc những người khác hi sinh, là sự bốc đồng tín ngưỡng về mặt nền tảng.

Các nhà môi trường học có thể kêu gọi việc cấm sử dụng thuốc trừ sâu gây ung thư. Họ chọn việc bỏ qua hậu quả khi thuốc trừ sâu bị cấm, rau quả sẽ trở nên đắt đỏ hơn, người ta sẽ ăn ít đi, và tỷ lệ ung thư sẽ từ đó mà tăng lên. Nếu họ thực sự muốn giảm tỷ lệ ung thư, họ nên đặt hiệu ứng này lên bàn cân nữa.

Chủ nghĩa môi trường học có mặt khải huyền của nó. Nạn tuyệt chủng của các loài, như chúng ta được thông báo, để lại những hậu quả hoàn toàn không ngờ tới, khiến chúng quá nguy hiểm đến mức không thể mạo hiểm. Nhưng sự không ngờ tới là con dai hai lưỡi. Một bài học từ kinh tế học là chúng ta biết càng ít thì việc thí nghiệm càng có ích hơn. Nếu chúng ta hoàn toàn mù tịt về tác động của nạn tuyệt chủng, chúng ta có thể rút ra rất nhiều tri thức quý giá bằng cách xóa tên một số loài để xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi nghi ngờ là các nhà khoa học thực sự là hoàn toàn mù tịt trong lĩnh vực này; điều khiến tôi quan tâm là sự sẵn sàng của nhà môi trường học lấy cớ là hoàn toàn không biết gì khi nó phục vụ mục đích của họ và rút lui khi phải chạm trán với hậu quả không lường trước của chính vị thế của mình.

Vào tháng 10 năm 1992 một loài khỉ hoàn toàn mới được tìm ra ở rừng nhiệt đới Amazon và được chào hàng trong giới truyền thông như là một trường hợp chứng tỏ tại sao chúng ta cần bảo tồn rừng nhiệt đới. Phản hồi của chính tôi có phần đi theo hướng ngược lại. Tôi sống rất lâu mà không biết chút gì về con khỉ này và chưa từng nhớ nhung gì nó. Việc phát hiện ra nó chẳng làm cuộc sống của tôi phong phú hơn phần nào, và nếu nó chẳng may bị tuyệt chủng mà không được phát hiện, tôi ngờ rằng tôi sẽ bỏ lỡ nhiều.

Có những loài khác tôi quan tâm nhiều hơn, có lẽ vì tôi có những kỉ niệm đẹp về chúng từ vườn bách thú hoặc từ những trang sách tuổi thơ. Sư tử chẳng hạn. Tôi sẽ rất tiếc nếu sư tử biến mất, đến mức là tôi có thể trả tới 50 đô-la mỗi năm để bảo tồn chúng. Tôi không nghĩ tôi sẽ trả nhiều hơn thế. Nếu sư tử có ý nghĩa ít hơn đối với bạn, tôi chấp nhận sự khác biệt giữa chúng ta và sẽ không gán cho bạn là kẻ có tội. Nếu chúng có ý nghĩa với bạn nhiều hơn, tôi hi vọng bạn cũng sẽ giang tay ra với chúng.

Trong hoàn cảnh chính trị hiện hành, người ta thường coi nó là tiền đề rằng chính phủ Mỹ nên chăm lo cho phúc lợi của người dân Mỹ trước; người ta cũng thường coi nó là tiền đề rằng ô nhiễm không khí luôn luôn và dù ở bất cứ đâu là điều xấu. Như thế, bạn có thể đã mong chờ một điệp khúc tán đồng khi trưởng ban kinh tế của Ngân hàng Thế giới gợi ý rằng việc di dời các khu công nghiệp gây ô nhiễm nặng tới các nước ở Thế giới Thứ ba có lẽ sẽ là điều tốt. Đối với phần lớn các nhà kinh tế, đây là cơ hội rõ ràng để khiến không chỉ người Mỹ mà tất cả mọi người hưởng lợi. Những người ở các nước giàu có thể hi sinh một phần thu nhập cho thứ xa xỉ phẩm là không khí sạch hơn; những người ở các nước nghèo hơn vui mừng hít thở không khí thứ phẩm để đổi lấy có hội cải thiện thu nhập. Nhưng khi quan sát của nhà kinh tế học tại ngân hàng lọt vào tai giới truyền thông, nhiều thành viên trong cộng đồng môi trường “phát rồ”. Với họ, nạn ô nhiễm là một dạng tội lỗi. Sứ mạng của họ không phải là cải thiện phúc lợi, mà là cứu rỗi linh hồn của chúng ta.

Có một quy luật ở đây. Gợi ý một giải pháp thực sự cho một vấn đề môi trường là cách rất tồi để gây ấn tượng với một nhà môi trường học, trừ phi giải pháp của bạn chẳng may tang bốc vị thế đạo đức cao quý của ông ta. Trợ cấp cho việc đốn cây, sử dụng thuốc trừ sâu, lập kế hoạch tuyệt chủng, và xuất khẩu nạn ô nhiễm sang Mexico đều nằm ngoài giáo lý; trợ cấp cho giao thông công cộng, sử dụng các nguồn xúc tác, tiêu chuẩn kinh tế nhiên liệu có kế hoạch, và ngành xuất khẩu từ Tây bắc Thái bình dương là một phần của chủ nghĩa không thể sụp đổ. Các giải pháp dường như nằm trong một nhóm này hay nhóm khác không tuân theo giá trị thực sự của chúng mà theo sự nhất quán của chúng với giáo lý của nhà môi trường học.

Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 1992, George Bush, tranh cử với tư cách là ứng cử viên của một chính phủ ít can thiệp hơn, đã ký một dự luật với tiếng vang lớn ra lệnh về loại vòi hoa sen bạn được phép mua. Hiệp hội Bảo vệ Quyền Tự do của người dân Mỹ (ACLU) không tỏ rõ vị thế trong vấn đề này. Tôi phỏng đoán rằng nếu đạo luật này đề cập cụ thể về các sách kinh được cho phép thay vì những vòi hoa sen được cho phép, thì ngay cả một ông Bush dễ sai khiến cũng sẽ phản đối – và nếu ông này không nói gì, chúng ta cũng sẽ nghe đủ từ ACLU. Nhưng không dấu vết nào trong khoa học của kinh tế học gợi ý bất cứ sự khác biệt căn bản nào giữa ưu tiên dành cho

Cuốn sách Cầu nguyện Chung và ưu tiên dành cho một chiếc vòi hoa sen xả nước mạnh. Hoàn toàn trái ngược; cách suy nghĩ thiên về kinh tế buộc chúng ta phải nhận ra rằng không có sự khác biệt căn bản nào hết.

Những người đề xướng luật vòi hoa sen tranh luận rằng một đạo luật phản đối những vòi hoa sen xa xỉ giống với đạo luật phản đối xả rác hơn là luật phản đối theo tôn giáo thiểu số – nó được lập ra để ngăn ngừa những cá nhân ích kỉ đổ chi phí thực lên vai người khác. Nếu đó là luận điểm khuyến khích ông Bush, thì – không phải lần đầu tiên trong đời ông – ông đã rơi vào cái bẫy của kinh tế học.

Có những lý do kinh tế thuyết phục để cấm việc xả rác và các xâm phạm khác

(dù thậm chí điều này cũng dễ bị làm quá – bước vào một siêu thị đông người là xâm phạm đến tất các các khách hàng khác, nhưng rất ít người trong chúng ta tin là điều này nên bị cấm). Nhưng ở phần lớn các vùng tại Mỹ, sử dụng nước không phải là xâm phạm vì lý do đơn giản là bạn trả tiền cho nước. Đúng là việc tắm xa xỉ của bạn gây hại cho những người mua khác bằng cách đẩy giá nước lên cao nhưng cũng đúng là việc tắm của bạn giúp người bán bằng với việc làm hại người mua. Bạn sẽ muốn hạn chế sử dụng nước chỉ khi bạn quan tâm tới người mua nhiều hơn người bán – trong trường hợp đó có những tranh luận hay không kém về việc hạn chế việc tiêu dùng tất cả mọi thứ – bao gồm vòi hoa sen tiết kiệm năng lượng.

Giống như những hệ tư tưởng ép buộc khác, chủ nghĩa môi trường đặc biệt nhằm vào trẻ em. Sau khi con gái tôi chuyển lên trường mầm non, các giáo viên dạy nó bảo tồn nguồn lực bằng cách rửa cốc giấy thay vì vứt đi. Tôi đã giải thích cho nó rằng thời gian cũng là nguồn lực quý giá, và việc hi sinh một vài cái cốc để tiết kiệm thời gian có thể là việc đáng làm. Các giáo viên dạy nó rằng giao thông công cộng rất tốt vì nó tiết kiệm năng lượng. Tôi đã giải thích cho nó rằng việc hi sinh một chút năng lượng để đổi lấy sự thoải mái của một chiếc xe riêng có thể là điều đáng làm. Các giáo viên dạy nó tái sử dụng giấy để thiên nhiên không bị chuyển thành bãi rác thải. Tôi đã giải thích cho nó rằng việc hi sinh một phần thiên nhiên để đổi lấy sự xa xỉ khi không phải phân loại rác của mình có lẽ là điều đáng làm. Trong mỗi trường hợp, cái đầu mới năm tuổi của nó không gặp trở ngại gì trong việc nắm bắt vấn đề. Tôi sợ rằng sau vài năm bị truyền giáo nữa, nó sẽ trở nên kém hiểu biết hệt như giáo viên của nó vậy.

Trong cuộc thâm nhập vào đầu óc trẻ thơ, thủ đoạn đáng lên án nhất của những kẻ quá khích của môi trường là gán mỗi thử thách đối với sự chính thống của họ với trận đấu giữa cái Tốt và cái Xấu. Phim hoạt hình mỗi sáng thứ bảy miêu tả những kẻ gây ô nhiễm môi trường tai quái gây ô nhiễm chỉ vì muốn gây ô nhiễm, không phải vì việc gây ô nhiễm là phó phẩm cần thiết của một hoạt động có lợi nào đó. Điều này kéo dài một lời nói dối đáng chê. Truyền thống chính trị Mỹ không thương tiếc những kẻ tiến xa bằng cách bôi nhọ đối thủ của mình. Truyền thống đó nên được giữ vững với độ khẩn cấp đặc biệt khi mục tiêu là trẻ em. Suy cho cùng thì chẳng lẽ các nhà môi trường học không có chút lương tâm nào chăng?

Kinh tế học theo nghĩa hẹp nhất là môn khoa học khách quan. Nhưng kinh tế học cũng là cách thức suy nghĩ, với mức độ ảnh hưởng tới những người thực hành nó và vượt lên khỏi nhu cầu logic hình thức. Với sự đa dạng của sở thích của loài người làm chủ đề chính, nguyên tắc của kinh tế học là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của những giá trị đạo đức như sự khoan dung và thuyết đa nguyên.

Theo kinh nghiệm của tôi, các nhà kinh tế học rất phi thường trong việc đón nhận các ưu tiên, lối sống và tư tưởng khác. Những tư tưởng cổ hủ như “đạo đức làm việc” và “lối sống chắt chiu” là hoàn toàn xa lạ trong kho từ vựng của kinh tế học. Công việc của chúng tôi là hiểu hành vi ứng xử của con người, và hiểu biết không xa tôn trọng là mấy đâu.

Sau buổi chạm trán ngày tốt nghiệp của chúng tôi, tôi gửi cho cô giáo con gái tôi một lá thư giải thích tại sao tôi đã từ chối lời mời tham gia vào một cuộc tranh luận về lý tưởng ngày ấy. Một số quan điểm trong lá thư này mang tính cá nhân nhiều hơn là chuyên nghiệp. Nhưng sau cùng lá thư là lời biện hộ cho sự khoan dung mà các nhà kinh tế học thường xuyên cho và nhận lại. Vì vậy tôi sẽ nuông chiều bản thân bằng cách đăng lại nó ở đây, như là một ví dụ về cách suy nghĩ theo chiều hướng kinh tế đã định hình cho suy nghĩ của một nhà kinh tế học như thế nào.

“Rebbeca thân mến:

Khi chúng tôi còn sống ở Colorado, Cayley là đứa trẻ Do Thái duy nhất trong lớp. Cũng có một số cháu bé Hồi giáo khác. Đôi lúc, và đặc biệt là vào dịp Giáng sinh, các giáo viên quên đi sự đa dạng này và đưa ra những nhận xét chỉ hợp với các cháu theo đạo Thiên Chúa. Những lời này khá hiếm, và được đối đáp dễ dàng ở nhà với những giải thích rằng những người khác nhau tin vào những điều khác nhau, vì thế ban đầu chúng tôi quyết định không nói gì. Chúng tôi thay đổi ý định khi chúng tôi tình cờ nghe được một giáo viên nói với một nhóm các cháu rằng nếu Santa không tới nhà, điều đó có nghĩa là các cháu là những đứa trẻ hư; điều này được nói trong tầm nghe của một đứa trẻ Hồi giáo và nó chắc chắn sẽ không được Santa ghé thăm. Tại thời điểm đó, chúng tôi quyết định chia sẻ lo ngại của mình với các giáo viên. Họ thực sự hối lỗi và về sau không còn sự kiện nào nữa. Tôi không nghi ngờ gì rằng các giáo viên là những người tốt và trung thực và không có ý định truyền giáo, chỉ có chút ngây thơ xuất xứ từ cách giáo dục hạn hẹp.

Có lẽ phần nào sự ngây thơ chân thật là những gì ẩn dưới những vấn đề chúng tôi gặp phải tại JCC năm nay. Cũng như việc giáo viên của Cayley ở Colorado hoàn toàn mù tịt về sự thật là có sự đa dạng trong tôn giáo, có lẽ các giáo viên của Cayley tại JCC cũng hoàn toàn mù tịt về sự thật là có sự đa dạng trong chính trị.

Tôi xin được làm rõ sự đa dạng đó. Chúng tôi không phải là các nhà môi trường học. Chúng tôi kịch liệt phản đối các nhà môi trường học. Chúng tôi coi chủ nghĩa môi trường là một dạng kích động hàng loạt có họ hàng với chủ nghĩa Hồi giáo chính thống hay Chiến tranh ma túy. Chúng tôi không tái chế.

Chúng tôi dạy con gái mình không tái sử dụng. Chúng tôi dạy cháu rằng những người cố thuyết phục cháu tái sử dụng, hoặc những người cố ép cháu tái sử dụng, đang xâm phạm vào quyền lợi của cháu.

Đoạn văn vừa rồi có mục đích thực hiện cùng mục đích với việc tuyên bố với các giáo viên ở Colorado của Cayley chúng tôi không theo đạo Thiên chúa. Một số người trong số họ chưa từng biết bất cứ ai không theo đạo Thiên chúa, nhưng họ điều chỉnh khá nhanh.

Một khi các giáo viên Colorado hiểu rằng chúng tôi và một số gia đình khác không tuân thủ niềm tin mà họ đang truyền bá, họ ngay lập tức xin lỗi và dừng lại. Không ai hỏi tôi bất đồng quan điểm với điều cụ thể nào trong Thiên chúa giáo; đơn giản là họ nhận ra rằng họ khó mà thay đổi quan điểm của chúng tôi về vấn đề đó, và không được lợi lộc gì nếu cố gắng thay đổi quan điểm của chúng tôi về vấn đề đó, và rõ ràng là không được lợi lộc gì khi khắc sâu vào tâm trí con tôi những tư tưởng đối ngược.

Tôi tương phản điều này với phản ứng của bà khi tôi trao đổi với bà tại lễ tốt nghiệp mẫu giáo. Bà muốn biết tôi bất đồng chính xác ở điểm nào với những gì bà dạy con gái tôi nói. Tôi từ chối quyền được hỏi câu hỏi đó của bà. Toàn bộ chương trình của chủ nghĩa môi trường xa lạ với chúng tôi như học thuyết của Thiên chúa giáo. Tôi không định tham gia vào cuộc tranh luận tín ngưỡng chi tiết với các giáo viên tại Colorado và họ cũng sẽ không táo bạo tới mức bắt tôi làm điều đó. Tôi chỉ đơn giản nói họ bỏ qua hoàn toàn vấn đề này, họ nhận ra sự chính đáng của thỉnh cầu của tôi, và chủ đề chấm dứt.

Tôi nhận thấy tình trạng hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng tôi vấp phải tại Colorado vì vài lý do. Thứ nhất, tại Colorado chúng tôi phải đương đầu với một số lời nhận xét đây đó, trong khi tại JCC chúng tôi luôn phải đương đầu với nỗ lực mang tính hệ thống để khắc sâu một chủ nghĩa và nói trắng ra là để mớm lời cho trẻ nhỏ. Thứ hai, tôi không cảm nhận được từ phía bà bất cứ sự công nhận nào rằng trên thế giới có thể có những người không cùng chung tư tưởng với bà. Thứ ba, nói thẳng là tôi lo con gái tôi sẽ trở thành nhà môi trường học nhiều hơn là trở thành người theo đạo Thiên chúa.

Thứ tư, hiện tại chúng tôi không gặp phải đe dọa nào rằng chúng tôi bị áp đặt đạo Thiên chúa bởi các bạo chúa nhỏ nhen; nhưng không thể nói điều tương tự về chủ nghĩa môi trường học được. Chính quyền tại hạt của tôi chưa từng thử gửi Tân Kinh ước cho tôi, nhưng họ từng gửi tôi một thùng đựng rác tái chế.

Mặc dù tôi đã thề sẽ không bước vào một cuộc thảo luận về vấn đề này, tôi xin được phản hồi một câu hỏi bà dường như cho là rất quan trọng trong cuộc thảo luận của chúng ta: Tôi có đồng tình rằng đặc quyền đi kèm với trách nhiệm hay không? Câu trả lời là không. Tôi tin là trách nhiệm xuất hiện như một người chấp nhận nó một cách tự nguyện. Tôi cũng tin rằng với sự vắng bóng của các hợp đồng giấy trắng mực đen, những người thuyết giảng người khác về “trách nhiệm” gần như đều là những người chẳng ra gì. Tôi bảo con gái tôi coi chừng những người như thế – ngay cả khi họ là những giáo viên mẫu giáo mà lẽ ra được yêu quý rất nhiều.

Bạn chân thành của bà, Steven Landsburg”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.