Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
1.NHÀ THÁM HIỂM COLUMBUS, THỔ DÂN DA ĐỎ VÀ TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN
Thổ dân Arawak, cả đàn ông và đàn bà đều ở trần, da ngăm ngăm, vẻ mặt đầy kinh ngạc, ló ra từ những ngôi làng trên bãi biển, bơi lại gần để nhìn rõ hơn con tàu lạ. Khi nhà thám hiểm Columbus và các thủy thủ mang theo kiếm bước lên bờ, cất lên thứ ngôn ngữ lạ lùng, thổ dân Arawak tiến tới chào đón họ, mang đến thức ăn, nước uống và những món quà. Sau này Columbus viết trong nhật ký hành trình của mình:
Họ mang đến cho chúng tôi những con vẹt, cuộn sợi bông, xiên cá và nhiều thứ khác nữa để đổi lấy chuỗi hạt thủy tinh hay cái chuông. Họ sẵn sàng trao đổi tất cả những gì mình có… Họ sở hữu vóc dáng khỏe mạnh, cơ thể cường tráng và gương mặt ưa nhìn… Họ không mang vũ khí và cũng không có khái niệm về vũ khí vì khi tôi đưa cho họ một thanh kiếm, họ cầm đằng lưỡi và bị cắt vào tay vì thiếu hiểu biết. Họ không có sắt thép. Họ làm những cái xiên cá bằng thân lau sậy… Họ có thể trở thành nô lệ trung thành… Chỉ với 50 người, chúng tôi đã có thể khuất phục được họ và buộc họ làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn.
Người Arawak trên Quần đảo Bahamas cũng giống như thổ dân da đỏ (người Anh-điêng) trên đất liền, những người rất dễ nhận biết (như các nhà quan sát châu âu từng nói nhiều lần) vì lòng hiếu khách và niềm tin vào sự sẻ chia. Đặc điểm tính cách này không có ở châu âu thời Phục hưng, vốn bị chi phối bởi tôn giáo của các giáo hoàng, chính quyền của các bậc vua chúa và lòng mê đắm tiền bạc, những đặc trưng của nền văn minh phương Tây cũng như vị sứ giả đầu tiên của họ tại châu Mỹ, Christopher Columbus.
Columbus viết:
Ngay khi đến Ấn Độ (ông tưởng nhầm vùng đất mình đặt chân đến là Ấn Độ – người dịch), ở hòn đảo đầu tiên, tôi đã dùng vũ lực bắt sống một số người bản địa, vì cho rằng họ có thể biết và cung cấp thông tin về những gì có ở các khu vực này.
Thông tin mà Columbus cần nhất là: Vàng ở đâu? ông đã thuyết phục nhà vua và hoàng hậu Tây Ban Nha cấp kinh phí cho công cuộc chinh phục các vùng đất và kho báu, vàng và hương liệu mà ông hy vọng tìm được bên kia bờ Đại Tây Dương – đó là Ấn Độ và châu á. Bởi lẽ, cũng giống như những người hiểu biết cùng thời, ông biết rõ thế giới hình cầu và ông có thể cho thuyền đi về phía tây là tới vùng Viễn Đông.
Tây Ban Nha lúc đó mới thống nhất thành một trong những quốc gia – nhà nước hiện đại mới, kiểu như Pháp, Anh và Bồ Đào Nha. Dân số chủ yếu là nông dân nghèo, làm thuê cho giới quý tộc − nhóm người chỉ chiếm 2% dân số, nhưng sở hữu tới 95% đất đai. Tây Ban Nha gắn với Cơ đốc giáo, trục xuất tất cả người Do Thái và xua đuổi người gốc Phi hoặc á theo đạo Hồi (người Moor). Giống như các quốc gia khác trong thế giới hiện đại, Tây Ban Nha cũng tìm kiếm vàng, thứ đang trở thành biểu tượng mới của sự giàu có, lại tiện dụng hơn đất đai bởi nó có thể dùng để mua bất cứ thứ gì.
Người ta cho rằng ở châu á có nhiều vàng, tất nhiên là cả lụa và các loại hương liệu nữa, bởi vì hàng thế kỷ trước Marco Polo và nhiều người khác đã mang về những thứ có giá trị sau các chuyến thám hiểm trên đất liền. Lúc bấy giờ, người Thổ (Turk) đã chinh phục được Constantinople (thủ đô đế chế La Mã cổ đại) và đông Địa Trung Hải, kiểm soát các tuyến đường bộ tới châu á, do đó rất cần một tuyến đường biển. Các thủy thủ Bồ Đào Nha đang trên đường thám hiểm cực nam châu Phi. Tây Ban Nha quyết định đánh cược vào hải trình thám hiểm tới một đại dương chưa từng được biết.
Để trả công cho việc đem về vàng và hương liệu, họ hứa dành cho Columbus 10% lợi nhuận, trao cho ông chức toàn quyền tại vùng đất tìm được và vinh danh bằng một tước hiệu mới: Đô đốc của Đại dương (Đại Tây Dương). Columbus sinh tại thành phố Genoa của Italia, làm việc cho một hiệu buôn, là một thợ dệt không chuyên (con trai một thợ dệt lành nghề) nhưng cũng là một thủy thủ giỏi. ông đã khởi hành chuyến thám hiểm trên ba chiếc thuyền buồm, chiếc lớn nhất mang tên Santa Maria, có lẽ dài khoảng 100 feet (hơn 30 m), với thủy thủ đoàn gồm 39 thành viên.
Columbus sẽ không bao giờ đạt mục đích đến được châu á, vùng đất xa hơn hàng nghìn dặm so với tính toán của ông – bởi ông hình dung thế giới nhỏ hơn. ông cũng sẽ choáng ngợp bởi sự mênh mông của biển cả. Thế nhưng ông đã may mắn. Chỉ mới đi được một phần tư quãng đường ông đã tới một vùng đất hoang sơ, chưa có dấu chân người, nằm giữa châu âu và châu á – đó là châu Mỹ. Sự kiện này xảy ra vào đầu tháng 10 năm 1492, khi ông và thủy thủ đoàn mới đi được 33 ngày sau khi xuất phát từ đảo Canarry, ở vùng biển châu Phi ngoài khơi Đại Tây Dương. Lúc đó họ nhìn thấy cành và thân cây nổi trên mặt nước. Họ cũng nhìn thấy những đàn chim. Đó là những dấu hiệu của đất liền. Tiếp đấy, vào ngày 12 tháng 10, một thủy thủ tên là Rodrigo đã bật khóc khi nhìn thấy ánh trăng tà soi bóng xuống dải cát trắng. Đó là một hòn đảo thuộc Bahamas ở vùng biển Caribe. Người đầu tiên phát hiện vùng đất mới lẽ ra được thưởng 10 nghìn đồng tiền vàng mỗi năm cho đến hết đời, nhưng Rodrigo không bao giờ nhận được. Columbus tuyên bố rằng ông đã nhìn thấy ánh sáng từ đêm hôm trước và ông ta nhận phần thưởng!
Khi đang tiến vào đất liền, đoàn của Columbus được những thổ dân da đỏ Arawak bơi ra chào đón. Người Arawak sống trong các cộng đồng làng, làm nông nghiệp, trồng ngô, khoai, sắn. Họ đã biết se sợi và dệt vải, nhưng họ không có ngựa hay gia súc kéo. Họ không có sắt thép, nhưng trên tai họ đeo những món đồ trang sức nhỏ bằng vàng.
Và chính những điều này đã khiến Columbus bắt một số người trong bọn họ lên tàu làm tù nhân, bởi ông tin chắc rằng họ sẽ chỉ lối cho ông tới các mỏ vàng. Sau đó, Columbus cho thuyền hướng về nơi ngày nay là Cuba, tiếp đến tới Hispaniola (hòn đảo ngày nay gồm Haiti và Cộng hòa Dominica). Và ở đó, chút ít mảy vàng lộ thiên ở những dòng sông cùng chiếc mặt nạ vàng do một tù trưởng da đỏ bản địa trao tặng đã làm nảy sinh trong ông ý tưởng điên rồ về sự hiện diện của các mỏ vàng.
Ở Hispaniola, từ những ván gỗ trên con tàu Santa Maria bị mắc cạn, Columbus đã xây nên một pháo đài và đây có thể coi là căn cứ quân sự đầu tiên của châu âu ở Tây bán cầu. ông đặt tên nó là Navidad (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Giáng sinh) và để lại 39 thủy thủ, với nhiệm vụ tìm kiếm và cất giữ vàng. ông tiếp tục bắt thêm những tù nhân da đỏ bản địa lên hai con tàu còn lại. Nhưng cũng trên đảo này, Columbus đã phải giao chiến với thổ dân do họ không trao đổi cho đoàn của Columbus số lượng cung và tên cần thiết. Hai thổ dân mất máu quá nhiều đã chết do bị kiếm đâm xuyên qua người. Sau đó, hai con tàu Nina và Pinta tiếp tục khởi hành về hướng Azores và Tây Ban Nha. Trời chuyển lạnh, những tù nhân da đỏ bắt đầu chết dần.
Columbus đã phóng đại trong báo cáo gửi triều đình tại Madrid. ông khẳng định đã đến châu á (thực tế là Cuba) và một hòn đảo ở ngoài khơi Trung Quốc (Hispaniola). Mô tả của Columbus vừa có yếu tố thực, vừa viễn tưởng:
Đảo Hispaniola thật kỳ diệu. Đồi núi, đồng bằng và thảo nguyên đều rất đẹp và màu mỡ… Các bến cảng cực kỳ tiện lợi, có nhiều sông rộng và phần lớn chứa vàng… Ở đó cũng có nhiều loại cây hương liệu, nhiều mỏ vàng lớn và các kim loại khác…
Columbus nhận xét “thổ dân da đỏ thật ngây thơ và không màng của cải đến mức nếu ai chưa gặp họ thì sẽ không thể tin. Ai xin cái gì họ có, họ không bao giờ từ chối. Họ sẵn sàng chia sẻ với bất kỳ ai”. Columbus kết thúc bản báo cáo bằng việc đề nghị nhà vua và hoàng hậu giúp đỡ. Và để đáp đền, sau chuyến đi lần tới ông sẽ mang về “nhiều vàng như triều đình cần… và nhiều nô lệ như triều đình muốn”. ông bày tỏ đức tin tôn giáo: “Đức Chúa trời bất diệt sẽ đem lại vinh quang cho những ai làm theo cách của Người đối với những điều dường như bất khả thi.”
Nhờ bản báo cáo phóng đại và những lời cam kết, trong chuyến thám hiểm lần thứ hai, Columbus đã được giao 17 tàu và hơn 1.200 thủy thủ. Mục tiêu rất rõ ràng: nô lệ và vàng. Đoàn của Columbus đi từ hòn đảo này sang hòn đảo khác ở vùng Caribe, bắt thổ dân da đỏ làm tù nhân. Nhưng đến khi ý định của người châu âu được lan truyền, họ chỉ tìm thấy ngày càng nhiều ngôi làng trống rỗng. Trên đảo Haiti, họ tìm thấy xác những thủy thủ được giao nhiệm vụ ở lại Pháo đài Navidad đã bị giết trong một trận giao chiến với thổ dân. Họ lại này chia thành từng toán, lùng sục khắp hòn đảo, tìm kiếm vàng, bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục và trẻ em lao động.
Từ đảo Haiti (Hispaniola), Columbus liên tiếp tiến hành các cuộc chinh phạt sâu vào đất liền. Họ vẫn không tìm thấy các mỏ vàng, trong khi nhiệm vụ là phải chất đầy các con tàu khi trở về Tây Ban Nha để kiếm tiền thưởng. Năm 1495, họ tiếp tục các chiến dịch lớn tìm kiếm nô lệ; bắt giữ khoảng 1.500 thổ dân Arawak, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, nhốt trong những trại được lính Tây Ban Nha và chó canh phòng nghiêm ngặt. Sau đó, họ chọn ra 500 nô lệ tốt nhất đưa lên tàu. Trong số 500 người đó, 200 người đã chết trên đường đi. Số sống sót còn lại về tới Tây Ban Nha và được viên phó chủ giáo thành phố đem bán. Vị này nói rằng, những nô lệ “vẫn trần truồng như lúc mới sinh ra” và dường như “chẳng cảm thấy xấu hổ như loài vật”. Columbus sau này viết: “Nhân danh Đức Chúa trời, hãy để chúng tôi tiếp tục bán những nô lệ có thể bán được.”
Nhưng có quá nhiều nô lệ chết trong các trại giam. Columbus lo ngại phải trả lại tiền thưởng cho những “nhà đầu tư”, vậy nên ông buộc phải thực hiện lời hứa đưa những con tàu chất đầy vàng trở về bằng mọi giá. Ở khu vực Cicao thuộc đảo Haiti, nơi Columbus và người của ông tưởng tượng ra những mỏ vàng khổng lồ, họ ra lệnh cho tất cả những ai từ 14 tuổi trở lên cứ ba tháng một lần phải nộp đủ một lượng vàng. Khi đem vàng đến nộp, những người này được đeo một xu bằng đồng vào cổ. Thổ dân nào bị phát hiện không có xu đồng sẽ bị chặt tay cho đến chết.
Những thổ dân này đã phải thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi. Thứ vàng duy nhất có được ở đây chỉ là số bụi vàng ít ỏi gom góp từ các dòng suối. Họ phải bỏ trốn, bị chó săn đuổi và bị giết chết.
Người Arawak cố gắng tập hợp thành một đội quân chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha − kẻ thù có áo giáp, súng hỏa mai, kiếm và ngựa. Khi người Tây Ban Nga bắt được tù nhân, họ thường đem treo cổ hoặc thiêu sống. Những vụ tự sát tập thể của người Arawak đã xảy ra, chủ yếu bằng nhựa độc từ cây sắn. Trẻ sơ sinh cũng bị giết nhằm tránh bị người Tây Ban Nha giết. Trong vòng hai năm, các vụ giết người, tự sát đã khiến số lượng khoảng 250 nghìn thổ dân da đỏ trên đảo Haiti giảm xuống chỉ còn một nửa.
Khi đã chắc chắn không còn vàng trên đảo, thổ dân da đỏ bị bắt làm nô lệ lao động trong các đồn điền lớn được lập dựa theo chế độ ủy trị kiểu Tây Ban Nha (ủy quyền cho các nhà thám hiểm hoặc nhà chinh phục cai quản thổ dân và vùng đất mới do họ phát hiện – ND), sau này được đặt tên là encomiendas. Phải làm việc với cường độ chóng mặt, hàng nghìn nô lệ đã chết. Đến năm 1515, chỉ còn khoảng 50 nghìn thổ dân sống sót. Năm 1550, còn 500 người. Báo cáo năm 1560 cho thấy không còn thổ dân Arawak bản địa hay con cháu nào của họ còn sống trên đảo.
Nguồn thông tin chủ yếu, cũng là nguồn duy nhất trong nhiều vấn đề, về những gì diễn ra trên đảo sau ngày Columbus đặt chân tới, có được từ Bartolome de las Casas − vị mục sư trẻ tuổi từng tham gia cuộc chinh phạt Cuba. Thời đó, mục sư này sở hữu một điền trang có nô lệ thổ dân da đỏ làm việc, nhưng rồi ông đã rời bỏ trang trại và trở thành một người chỉ trích mạnh mẽ sự tàn bạo của thực dân Tây Ban Nha. Las Casas biên soạn lại nhật ký hành trình của Columbus và đến năm 50 tuổi, ông bắt đầu viết lịch sử dài tập về nơi được coi là Ấn Độ và vùng phụ cận (châu Mỹ). Trong đó, ông đã mô tả về thổ dân da đỏ. Họ nhanh nhẹn, có thể bơi qua chặng đường dài, nhất là phụ nữ. Họ không hẳn quá hiền lành, vì từ đời này qua đời khác họ vẫn phải chiến đấu với các bộ lạc khác mà ít bị thương vong. Và họ chiến đấu khi cá nhân thấy cần thiết phải làm vì một lý do bất bình nào đó, chứ không phải làm theo mệnh lệnh của thủ lĩnh hay vua chúa.
Phụ nữ trong xã hội thổ dân da đỏ được tôn trọng, tới mức mà người Tây Ban Nha phải kinh ngạc. Las Casas đã miêu tả về quan hệ hôn nhân như sau:
Luật lệ về hôn nhân không tồn tại, phụ nữ và nam giới đều bình đẳng lựa chọn bạn đời và cũng có thể rời bỏ bạn đời khi họ muốn, không hề bực mình, ghen tuông hay tức giận. Thổ dân da đỏ có khả năng sinh sản dồi dào; phụ nữ có thai làm việc đến sát ngày sinh và sinh con hầu như không đau đớn; sang ngày hôm sau họ đã ra sông tắm và trông họ sạch sẽ, khỏe mạnh chẳng khác gì lúc chưa sinh. Nếu phụ nữ chán ghét người đàn ông của mình, họ sẽ sử dụng dược liệu làm thai chết non. Họ che “cái phần cơ thể bị coi là đáng xấu hổ ấy” dưới lá rừng hoặc mảnh vải bông. Mặc dù vậy, nhìn chung, người da đỏ, cả phụ nữ và nam giới hầu như trần truồng và xử sự vô tư như thể người ta nhìn vào đó như nhìn đầu hoặc tay của họ vậy.
Theo Las Casas, thổ dân da đỏ không có tôn giáo, hay ít nhất là…
… họ không có đền thờ. Họ sống trong những ngôi nhà cộng đồng lớn hình chuông, mỗi căn có thể chứa tới 600 người, được làm bằng gỗ, mái lợp lá cọ… Đồ quý giá với thổ dân da đỏ là lông chim sặc sỡ, chuỗi hạt đeo cổ bằng xương cá cùng những hạt đá trắng và xanh lá cây đeo ở tai và môi. Vàng và những thứ đồ quý giá khác không có giá trị với họ. Họ không có các phương thức trao đổi thương mại, không hề mua hay bán, mà chủ yếu dựa vào môi trường tự nhiên để tồn tại. Họ đặc biệt hào phóng đối với thứ mình sở hữu và có lẽ vì vậy thời đó họ muốn có bạn bè và mong đợi mức độ hào phóng tương tự đáp lại…
Las Casas lúc đầu kêu gọi thay thế nô lệ thổ dân da đỏ bằng người da đen, bởi vì ông cho rằng người da đen khỏe hơn và sống lâu hơn, nhưng sau này ông thay đổi quan điểm khi thấy những hạn chế của người da đen. Trong cuốn History of the Indies (Lịch sử Ấn Độ), tập 2, Las Casas mô tả cách người Tây Ban Nha đối xử với thổ dân da đỏ (đây là đoạn duy nhất và xứng đáng để trích dài):
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy bản tính ôn hòa, yêu hòa bình của người bản địa… Nhưng công việc của chúng ta là khiêu khích, giết hại, cướp bóc và tàn phá; không có gì đáng ngạc nhiên nếu như một lúc nào đó họ cố tìm cách giết chết một trong số chúng ta… Sự thật là Đô đốc (Columbus – ND) chắc chắn không thể biết ai có thể tấn công từ phía sau ông ta và bản thân ông ta quá nôn nóng để làm hài lòng nhà vua, do đó đã phạm phải tội ác không thể sửa chữa đối với thổ dân da đỏ…
Las Casas mô tả người Tây Ban Nha “mỗi ngày lại thêm kiêu căng” và chỉ sau một thời gian ngắn đã không muốn đi bằng đôi chân mình. Họ cưỡi trên lưng người da đỏ nếu họ đang vội hoặc nằm trên võng để từng tốp thổ dân thay nhau khiêng. Trong trường hợp này, thậm chí họ còn bắt thổ dân che nắng bằng lá cây lớn và quạt mát bằng lông ngỗng.
Quyền lực tối thượng đã dẫn đến sự tàn bạo khủng khiếp. Người Tây Ban Nha “không hề suy nghĩ khi dùng dao đâm hàng chục thổ dân da đỏ hoặc cắt da thịt họ chỉ để thử độ sắc của lưỡi dao”. Las Casas kể rằng “một ngày nọ, hai trong số những người được coi là tín đồ đạo Cơ đốc gặp hai cậu bé thổ dân đang mang theo hai con vẹt. Họ đoạt lấy con vẹt và để mua vui, họ đã chặt đầu hai cậu bé”.
Những nỗ lực phản kháng nhằm tự vệ của người da đỏ đã thất bại. Họ bỏ chạy lên núi, nhưng rồi cũng bị phát hiện và bị giết chết. Las Casas mô tả: “Họ đau đớn và chết dần chết mòn một cách âm thầm ở các hầm mỏ cũng như trong những công việc nặng nhọc khác; và họ biết rằng chẳng ai trên thế giới này có thể giúp được mình.” Las Casas mô tả công việc của thổ dân ở các hầm mỏ:
… Những ngọn núi được đào xới từ chân tới ngọn, rồi từ ngọn xuống chân hàng nghìn lần. Họ đào đất, vỡ đá, chuyển các khối đá rồi mang đống bùn đất xuống sông đãi lấy vàng. Những người làm nhiệm vụ đãi vàng phải đứng dưới nước trong tư thế cúi gập người, liên tục đến mức có thể gãy lưng. Khi nước ngập các hầm mỏ, nhiệm vụ nặng nhọc nhất là múc sạch nước ra…
Sau khoảng sáu đến tám tháng làm việc trong các hầm mỏ, thời gian để một thổ dân kiếm đủ lượng vàng quy định, tới một phần ba số đàn ông da đỏ đã chết.
Khi đàn ông bị đưa đi làm việc tại các hầm mỏ, người vợ phải đảm nhiệm việc canh tác. Họ bị ép làm công việc cực kỳ nặng nhọc: đào đất đắp hàng nghìn ngọn đồi để trồng sắn.
Vậy là vợ chồng chỉ có thể gặp nhau khoảng tám đến mười tháng một lần và khi ở cạnh nhau, họ đã quá kiệt sức và suy nhược, khó sinh sản. Những đứa trẻ mới sinh thường chết yểu, vì mẹ chúng phải làm việc quá sức, bị đói và không có sữa để nuôi con. Cũng vì lý do này, khi ở Cuba, tôi phát hiện thấy chỉ trong ba tháng đã có khoảng bảy nghìn trẻ em chết. Có những bà mẹ thậm chí buộc phải vứt bỏ con mình do hoàn toàn tuyệt vọng… Những người chồng chết ở mỏ, vợ chết trên đồi sắn và con chết do thiếu sữa… và cứ thế, trong khoảng thời gian ngắn, dân số của vùng đất từng rất tuyệt vời, màu mỡ và tràn đầy sinh lực này đã dần cạn. Tôi đã tận mắt chứng kiến những hành động xa lạ với bản chất của con người và giờ đây tôi cảm thấy run rẩy khi viết ra điều đó…
Khi đến hòn đảo Hispaniola vào năm 1508, Las Casas viết rằng “chỉ còn 60 nghìn người sinh sống trên đảo, trong đó có thổ dân da đỏ; trong khoảng thời gian từ năm 1494 đến 1508 đã có hơn ba triệu người chết do chiến tranh, chế độ nô lệ và công việc cực nhọc ở hầm mỏ. Các thế hệ tương lai liệu có tin điều này? Bản thân tôi viết ra điều này bằng những gì chứng kiến, mà cũng khó có thể tin được…”
Lịch sử bắt đầu vào khoảng 500 năm trước, khi người châu âu xâm lược vùng đất của thổ dân da đỏ ở châu Mỹ. Khi ta đọc Las Casas (nếu như ông không thổi phồng các con số), sự khởi đầu lịch sử đó chính là: chinh phạt, chế độ chiếm hữu nô lệ và cái chết mà bắt đầu từ ba triệu thổ dân da đỏ, con số Las Casas đưa ra; hoặc ít hơn một triệu người, như các nhà sử học tính toán; hoặc tám triệu người, như nhiều người ước lượng. Nhưng khi ta đọc sách lịch sử dành cho trẻ em ở Mỹ, sự khởi đầu là từ cuộc thám hiểm đầy dũng cảm, không có máu đổ và sau này người Mỹ kỷ niệm Ngày Columbus.
Sách lịch sử tiểu học, trung học thỉnh thoảng mới điểm xuyết một vài ngụ ý mang nội dung khác. Samuel Eliot Morison, nhà sử học thuộc Đại học Harvard, một người viết xuất sắc về Columbus, tác giả của bộ tiểu sử nhiều tập và bản thân ông cũng là một thủy thủ đã từng tìm theo dấu của con đường Columbus để đi xuyên Đại Tây Dương. Trong cuốn sách nổi tiếng viết năm 1954, tựa đề Christopher Columbus, Mariner (Christopher Columbus – Nhà hàng hải), Morison viết về nô lệ và giết chóc: “Chính sách tàn bạo do Columbus khởi xướng, được những kẻ kế thừa tiếp tục theo đuổi đã gây ra thảm họa diệt chủng.”
Mới chỉ một trang viết đã chôn vùi đi một nửa câu chuyện truyền thuyết vĩ đại. Trong đoạn cuối của cuốn sách, Morison kết luận quan điểm của ông về Columbus:
ông ta có nhiều nhược điểm và sai lầm. Nhưng nhược điểm lớn về phẩm chất lại giúp biến ông ta trở thành vĩ đại – ý chí không thể khuất phục, niềm tin cao cả vào Chúa trời và vào nhiệm vụ của một sứ giả của Chúa đối với những vùng đất ngoài biển khơi, sự kiên định đến cố chấp, không đếm xỉa tới sự nghèo đói, thờ ơ và nản lòng. Tuy nhiên, không hề có thiếu sót, không có mặt tối nào đối với một phẩm chất xuất sắc nhất của ông – đó là sự tinh thông trong nghề đi biển.
Người ta có thể chối phắt về quá khứ. Người ta cũng có thể giấu nhẹm các dữ kiện giúp đưa ra những kết luận không thể chấp nhận được. Morison không làm như vậy. ông không dối trá về Columbus. ông không lờ đi câu chuyện giết người hàng loạt; mà mô tả nó bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể: thảm họa diệt chủng.
Morison đã viết theo một cách khác: ông nhanh chóng đề cập sự thật, rồi sau đó chuyển sang những vấn đề khác mà ông cho là quan trọng hơn. Nói dối trắng trợn hay cố tình che giấu, bỏ sót sẽ có nguy cơ bị phát hiện; và khi phát hiện ra, bạn đọc sẽ chỉ trích và phản đối người viết. Tuyên bố sự thật, tuy nhiên sau đó hòa vào vô khối thông tin khác, là nhằm nói với người đọc hãy kiên nhẫn: Vâng, đã xảy ra việc giết người hàng loạt, nhưng điều đó không quan trọng, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến kết luận, đánh giá cuối cùng; và điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến những gì chúng ta làm trên thế giới này.
Không phải nhà sử học cố tìm cách nhấn mạnh một vài sự kiện này và lờ đi những sự kiện khác. Mà điều này là hoàn toàn tự nhiên, nếu coi ông là một người vẽ bản đồ, để sáng tạo những nét vẽ nhằm mục đích thực tế, đã kéo phẳng trái đất, làm mập mờ về hình dáng trái đất, sau đó phải lựa chọn trong vô số thông tin về địa lý để tìm ra những gì cần thiết phục vụ mục đích của bản đồ nào đó.
Lập luận trên không đi ngược lại các yếu tố không thể thiếu của cả nhà sử học và người lập bản đồ, như sự chọn lựa, nhấn mạnh hay đơn giản hóa. Sự mập mờ của người lập bản đồ là một kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng mục đích chung của tất cả những người cần sử dụng bản đồ. Sự mập mờ của nhà sử học có ý nghĩa cao hơn cả kỹ năng, mà mang tính tư tưởng. Nó mang lại lợi ích, vì bất cứ sự nhấn mạnh được lựa chọn nào cũng phục vụ một mục đích nào đó (dù nhà sử học có chủ ý hay không), có thể là lợi ích kinh tế, chính trị, chủng tộc, lợi ích quốc gia, hay thậm chí tình dục.
Hơn nữa, lợi ích tư tưởng này không được thể hiện rõ ràng, như lợi ích kỹ thuật của người lập bản đồ. (“Đây chỉ là kiểu vẽ bản đồ sử dụng phép chiếu Mercator cho tầm xa; với tầm ngắn cần sử dụng phép chiếu khác”). Điều này chỉ được thấy rõ nếu tất cả những người đọc lịch sử có chung lợi ích mà các nhà sử học có thể đáp ứng với khả năng cao nhất của họ. Đó không phải là sự lừa dối; các nhà sử học được đào tạo trong một xã hội mà ở đó kiến thức và sự giáo dục được xem là vấn đề kỹ thuật hoàn hảo, chứ không phải là công cụ để đấu tranh giai cấp, chủng tộc hay quốc gia.
Việc nhấn mạnh tính anh hùng của Columbus và cộng sự của ông ta như những nhà thám hiểm hàng hải hay những người khám phá thế giới, trong khi lờ đi tội ác diệt chủng của họ không phải là sự cần thiết mang tính kỹ thuật, mà là sự lựa chọn mang tính tư tưởng. Việc đó nhằm biện minh cho những gì đã qua, một cách không chủ ý.
Điều tôi muốn nói không phải là khi kể về lịch sử, chúng ta buộc tội, phán xét hay chỉ trích Columbus. Đã quá muộn để làm việc đó; đấy chỉ là một hành vi đạo đức vô nghĩa. Tuy vậy, chấp nhận dễ dàng những hành động tàn bạo là điều tệ hại nhưng lại là cái giá cần thiết phải trả cho quá trình phát triển và điều đó vẫn luôn đi theo chúng ta (thí dụ như các sự kiện Hiroshima và Việt Nam là nhằm cứu vãn nền văn minh phương Tây, vụ đàn áp khởi nghĩa Kronstadt và Hungary nhằm cứu vãn chủ nghĩa xã hội, phát triển hạt nhân để cứu vãn tất cả chúng ta). Một lý do nữa khiến những hành động tàn bạo đó vẫn mãi ám ảnh nước Mỹ là vì chúng ta đã tìm cách chôn giấu chúng trong vô số những sự kiện khác, giống như chúng ta đã tống chất thải phóng xạ vào trong những chiếc container chôn sâu dưới lòng đất. Chúng ta cũng đã học được cách dành cho nó phần chú ý tương tự phần mà các giáo viên và các tác giả dành cho nó ở trường học và trong sách giáo khoa. Cảm xúc đạo đức xuất phát từ tính khách quan của các học giả dễ được chấp nhận hơn những gì giới chính trị tuyên bố tại các cuộc họp báo. Do đó nó càng trở nên nguy hiểm hơn.
Cách đối xử của những anh hùng (như Columbus) với nạn nhân của họ (thổ dân Arawak) – được ngầm chấp nhận là chinh phạt hay giết người nhân danh sự tiến bộ – chính là khía cạnh duy nhất của cách tiếp cận lịch sử lúc bấy giờ, cách mà quá khứ được kể lại theo quan điểm của các nhà nước, những người chinh phạt, các nhà ngoại giao, lãnh đạo… Cứ như thể họ (Columbus) đáng được thế giới chấp nhận; hoặc cứ như thể họ (“Những người cha lập quốc” , Jackson, Lincoln, Wilson, Roosevelt, Kennedy, những nghị sỹ hàng đầu, các thẩm phán nổi tiếng của Tòa án Tối cao) đại diện cho cả nước Mỹ. Điều vờ vịt ở đây là thật sự có một “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”, chủ thể của những tranh cãi, xung đột không thường xuyên, nhưng về căn bản là một cộng đồng có chung lợi ích. Và người ta làm ra vẻ là thật sự có một “lợi ích quốc gia” được ghi trong Hiến pháp, trong việc mở rộng lãnh thổ, trong các luật được Quốc hội thông qua, trong các quyết định của tòa án, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, văn hóa giáo dục và thông tin đại chúng…
“Lịch sử là ký ức của các nhà nước” – Henry Kissinger đã viết vậy trong cuốn sách đầu tay của ông có tên A World Restored (Một thế giới được khôi phục). ông đã kể lại lịch sử châu âu thế kỷ XIX, dưới quan điểm của các nhà lãnh đạo áo và Anh, mà lờ đi hàng triệu người đã phải gánh trên vai những chính sách của các vị lãnh đạo này. Theo quan điểm của Kissinger, “hòa bình” mà châu âu có được trước cuộc Cách mạng Pháp đã được “khôi phục” do tài ngoại giao của một số ít nhà lãnh đạo quốc gia. Thế nhưng, đối với công nhân nhà máy ở Anh, nông dân ở Pháp, người da màu ở châu á, Phi, phụ nữ và trẻ em ở khắp nơi (tất nhiên trừ giới thượng lưu), đó là một thế giới của chinh phạt, bạo lực, nghèo đói và bóc lột – một thế giới không hề được khôi phục, mà bị tan rã.
Theo quan điểm của tôi, viết về lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lại khác: chúng ta không thể chỉ chấp nhận ký ức của các bang như chúng ta đang có. Quốc gia không phải là một cộng đồng và không bao giờ là như vậy. Lịch sử của một đất nước, giống như lịch sử của một gia đình, che giấu những xung đột lợi ích (đôi khi được bộc lộ, nhưng đa phần giấu kín) giữa kẻ đi chinh phạt và người bị xâm lược; giữa ông chủ và nô lệ; giữa các nhà tư bản và công nhân; giữa kẻ áp bức và người bị áp bức, cả về chủng tộc và giới tính. Và ở trong một thế giới xung đột, một thế giới giữa những nạn nhân và những tên đao phủ như vậy, thì như Albert Camus đã nói, việc suy xét không phải của những tay đao phủ mà của những người am hiểu.
Vì vậy, nếu buộc phải ủng hộ việc lựa chọn và nhấn mạnh lịch sử, thì tôi thiên về cách viết lịch sử phát hiện châu Mỹ trên quan điểm của người Arawak; viết lịch sử Hiến pháp trên quan điểm người nô lệ; về Andrew Jackson dựa trên cái nhìn của người Cherokee (thổ dân da đỏ bản địa ở Mỹ), về Nội chiến từ phía người Ailen ở New York; về Chiến tranh Mexico theo cách nhìn nhận của những người lính quân đội Scott; về sự phát triển của chủ nghĩa công nghiệp hiện đại theo cách nhìn của những phụ nữ trẻ tuổi ở nhà máy dệt Lowell; về Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha theo quan điểm của người Cuba; về lịch sử chinh phạt Philippine nhìn từ phía binh sỹ da đen ở Luzon; về Thời kỳ Hoàng kim (Gilded Age) từ phía người nông dân ở miền nam; về Chiến tranh thế giới thứ nhất theo quan điểm của người theo chủ nghĩa xã hội; về Chiến tranh thế giới thứ hai theo quan điểm của người yêu chuộng hòa bình; về kế hoạch New Deal (Chính sách kinh tế mới) của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt theo quan điểm người Mỹ da đen ở Harlem; về đế chế Mỹ thời hậu chiến nhìn từ phía công nhân Mỹ Latinh… Và còn nhiều nữa, tới mức mà bất cứ người nào cũng có thể “nhìn nhận” lịch sử theo quan điểm của người khác.
Quan điểm của tôi không phải là xót thương các nạn nhân và buộc tội những tên đao phủ. Nước mắt đó, nỗi tức giận đó đã thuộc về quá khứ, hãy xả năng lượng đạo đức của chúng ta cho hiện tại. Không phải mọi con đường đều bằng phẳng. Xét về lâu dài, kẻ áp bức cũng là nạn nhân. Trong giai đoạn ngắn (và đến nay lịch sử loài người cũng vẫn được hợp thành từ các giai đoạn ngắn), chính bản thân các nạn nhân trong cơn tuyệt vọng bị tha hóa bởi nền văn hóa áp bức họ lại trở thành thù địch với nạn nhân khác.
Để hiểu rõ tính phức tạp của vấn đề, cuốn sách này sẽ đặt nghi ngờ về việc các chính phủ và những toan tính của họ, thông qua chính trị và văn hóa, muốn gài bẫy dân thường vào một mạng lưới khổng lồ ngụy trang bằng một cộng đồng dân tộc, cùng chung lợi ích. Tôi sẽ cố không đi sâu xem xét kỹ lưỡng về sự tàn bạo mà các nạn nhân đối xử với nhau khi bị giam trong những toa chở hàng của hệ thống này. Và tôi cũng không muốn tiểu thuyết hóa câu chuyện của họ. Nhưng tôi từng nhớ có một câu nói: “Tiếng khóc của người nghèo không phải lúc nào cũng chính đáng, nhưng nếu không lắng nghe anh sẽ không bao giờ biết công lý là gì.”
Tôi không muốn hư cấu những chiến thắng của con người. Nhưng nếu suy nghĩ rằng viết lịch sử phải nhằm mục đích đơn thuần là tổng kết lại những thất bại trong quá khứ, điều đó có thể biến các nhà sử học trở thành “người cộng tác” trong vòng quay vô tận của thất bại. Nếu coi viết lịch sử là sáng tạo, là tiên đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai mà không phủ nhận quá khứ, tôi tin rằng công việc đó nên nhấn mạnh những khả năng mới thông qua việc phơi bày những chi tiết còn giấu kín của quá khứ, thậm chí chỉ là những phác họa chung nhất, về việc con người đã bộc lộ khả năng chống chọi, hợp tác và chiến thắng dù ít ỏi. Tôi đưa ra giả thuyết, mà cũng có khi chỉ là hy vọng, rằng tương lai của chúng ta có thể được nhìn thấy trước từ những khoảnh khắc nào đó của quá khứ, chứ không chỉ từ hàng thế kỷ xung đột.
Đó cũng là cách tôi tiếp cận lịch sử Hoa Kỳ. Độc giả có thể cũng biết điều đó trước khi tiếp tục đọc cuốn sách này.
Đó là những gì Columbus đã làm với thổ dân Arawak ở Bahamas, Cortés làm với người Aztec ở Mexico, Pizarro với người Inca ở Peru, thực dân Anh ở Virginia và Massachusetts với người Powhatan và Pequot.
Nền văn minh Aztec ở Mexico ra đời từ di sản các nền văn hóa Maya, Zapotec và Toltec. Nền văn minh này đã tạo nên nhiều công trình vĩ đại từ công cụ bằng đá thô sơ và sức lao động của con người; đã phát triển một hệ thống chữ viết và giáo giới. Nó cũng gắn với các nghi lễ giết hại hàng nghìn người để dâng các vị thánh thần (chúng ta không xem xét kỹ lưỡng vấn đề này). Nhưng sự tàn bạo của người Aztec cũng không thể che giấu được bản tính ngây thơ. Khi một hạm đội Tây Ban Nha xuất hiện ở Vera Cruz, một người đàn ông da trắng, nhiều râu, bước lên bờ với con vật lạ lẫm (ngựa) và mặc trang phục bọc sắt, họ đã nghĩ đây là một vị thần huyền thoại của người Aztec – người đã chết hàng trăm năm trước với lời hứa sẽ quay trở lại – vị thần Quetzalcoatl đầy bí ẩn. Và vì thế họ đã chào đón vị thần đó với lòng mến khách đầy hào phóng!
Đó là Hernando Cortés , một người Tây Ban Nha tiến hành chuyến thám hiểm được các thương gia và chủ đất tài trợ và được các nhà truyền đạo chúc phúc, nhằm một mục đích: tìm vàng! Nhưng trong ý nghĩ của Montezuma, vua của người Aztec, vẫn có gì đó nghi ngờ liệu đây có thật sự là vị thần Quetzalcoatl không. ông đã cử hàng trăm thổ dân chạy tới phía Cortés, mang theo kho báu, nhiều đồ chạm khắc bằng vàng, bạc, nhưng cũng đồng thời yêu cầu Cortés quay trở về. (Vài năm sau, ngay khi trở về Tây Ban Nha, họa sỹ Durer đã mô tả lại những gì nhìn thấy trong chuyến thám hiểm đó: một mặt trời bằng vàng, mặt trăng bạc và kho báu tài sản).
Sau đó Cortés bắt đầu hành trình giết chóc, từ thành phố này tới thành phố khác, lừa gạt, biến người Aztec chống lại người Aztec, giết người một cách thận trọng, có chiến lược – đó là làm tê liệt ý chí của dân chúng bằng hành động bạo lực bất ngờ. Và vì thế, ở Cholulu ông ta đã mời những người đứng đầu cộng đồng Cholula tới một quảng trường. Khi những người này tới nơi − cùng với hàng nghìn tùy tùng không có vũ khí, đội quân Tây Ban Nha của Cortés bố trí chung quanh quảng trường − được trang bị súng, cung tên và cưỡi ngựa − đã sát hại họ, cho đến người cuối cùng. Đoàn người của Cortés cướp bóc thành phố, sau đó tiếp tục lên đường. Họ tới Mexico City sau khi kết thúc những hành động giết chóc. Vua Montezuma chết và nền văn minh Aztec bị phá hủy rơi vào tay người Tây Ban Nha.
Tất cả những điều này nằm trong các bản báo cáo của người Tây Ban Nha.
Ở Peru, một tay thực dân Tây Ban Nha khác là Francisco Pizarro đã sử dụng biện pháp tương tự, với các lý do tương tự – sự mê loạn của các nhà nước tư bản sơ khai ở châu âu về vàng, nô lệ, nông sản, nhằm chi trả các khoản đầu tư cổ phần, trái phiếu cho các cuộc chinh phạt, nhằm cấp tiền cho bộ máy quan liêu quân chủ đang nổi lên ở Tây âu, nhằm khích lệ tăng trưởng kinh tế tiền tệ mới phất lên của chế độ phong kiến, nhằm tham gia vào thứ mà sau này Karl Marx gọi là “tích lũy tư bản nguyên thủy”. Đó cũng là khởi đầu đầy bạo lực của một hệ thống phức tạp về công nghệ, kinh doanh, chính trị và văn hóa mà tiếp tục thống trị thế giới trong năm thế kỷ sau đó.
Trong các vùng thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, mô hình này đã sớm ra đời, từ khi Columbus áp đặt hệ thống này ở quần đảo Bahamas. Năm 1585, trước khi người Anh định cư đầu tiên ở Virginia, Richard Grenville đã đến đó với bảy chiếc tàu. Những người thổ dân da đỏ mà ông ta gặp tỏ ra rất mến khách. Nhưng khi một người trong số đó đánh cắp một cái chén nhỏ bằng bạc, Grenville đã sát hại rồi đốt cả ngôi làng của người da đỏ.
Jamestown được thành lập bên trong lãnh thổ của cộng đồng thổ dân da đỏ do tù trưởng Powhatan đứng đầu. Powhatan giám sát người Anh định cư trên đất của mình, nhưng không tiến công, mà giữ thái độ lạnh nhạt. Vào thời điểm người Anh trải qua “thời kỳ chết đói” vào mùa đông năm 1610, một số đã bỏ chạy và gia nhập cộng đồng thổ dân, vì ở đó ít nhất họ cũng được nuôi ăn. Khi mùa hè đến, thống đốc thuộc địa cử sứ giả tới gặp và đề nghị Powhatan trả lại những người chạy trốn, và thế là Powhatan, theo một bản báo cáo của người Anh, trả lời: “chẳng có gì khác ngoài lòng can đảm và sự coi thường”. Vì thế, binh sỹ được cử đi trả thù. Họ tấn công một ngôi làng của thổ dân, giết hại 15 hoặc 16 người, đốt nhà, phá hoại cánh đồng ngô trồng chung quanh làng, bắt vợ của tù trưởng bộ lạc và những người con lên tàu, rồi ném những người con xuống biển. Vợ của tù trưởng bộ lạc sau đó bị lột quần áo và đâm chém đến chết.
Mười hai năm sau, các thuộc địa của người Anh ngày càng nhiều, người thổ dân nhận ra rằng cần phải loại bỏ người Anh. Họ tiến hành chiến dịch phản công và giết hại 347 người Anh, cả phụ nữ và trẻ em. Kể từ đó, cuộc chiến tổng lực bắt đầu.
Không thể khuất phục người da đỏ và cũng không thể sống chung với họ, người Anh quyết định tiêu diệt thổ dân. Edmund Morgan viết trong cuốn lịch sử sơ khai của Virginia, American Slavery, American Freedom (Chế độ Nô lệ Mỹ, Tự do Mỹ):
Do người thổ dân da đỏ (Anh-điêng) thạo nghề đi rừng hơn người Anh và rất khó lần theo dấu vết tìm được họ, nên biện pháp được lựa chọn là giả vờ đưa ra ý định hòa bình, để họ định cư và trồng trọt ở bất cứ nơi nào họ muốn, sau đó trước mùa thu hoạch thì tấn công họ, giữ càng nhiều người càng tốt và đốt các cánh đồng ngô… Trong vòng hai hoặc ba năm thảm sát theo cách đó, người Anh đã trả thù cho người của họ, với số lượng lớn hơn nhiều lần.
Trong năm đầu tiên của người da trắng ở Virginia, năm 1607, Powhatan đã khẩn cầu
John Smith , người được xem là nhà tiên tri. Người ta có thể nghi ngờ tính xác thực, nhưng rất nhiều câu nói của người thổ dân có thể đã ghi lại điều đó; ít nhất những chữ viết còn thô sơ của lời khẩn cầu đầu tiên đã mang tinh thần đó:
Tôi đã chứng kiến hai thế hệ người dân của tôi… Tôi biết về sự khác nhau giữa hòa bình và chiến tranh rõ hơn bất cứ người nào ở đất nước tôi. Giờ đây khi đã già và sẽ sớm ra đi, quyền lực của tôi phải được truyền lại cho những người em trai tôi, Opitehapan, Opechancanough và Catatough, tiếp đó cho hai người em gái, sau đó cho hai con gái tôi. Tôi muốn chúng biết nhiều như tôi đã biết và muốn rằng tình yêu của ngài dành cho họ cũng như tình cảm của tôi dành cho ngài. Tại sao các ngài phải dùng sức mạnh để giành lấy những gì có thể có được bằng tình yêu? Tại sao các ngài hủy diệt chúng tôi, những người mang đến lương thực thực phẩm cho các ngài. Ngài được gì từ chiến tranh? Chúng tôi có thể giấu đi lương thực dự trữ và chạy vào rừng sâu; và các ngài sẽ chết đói vì đã đối xử tệ bạc với bạn bè. Tại sao các ngài ganh tị với chúng tôi? Chúng tôi không có vũ khí và sẵn sàng trao cho các ngài những gì các ngài yêu cầu, nếu các ngài xử sự theo cách thân thiện. Điều đó không đơn giản nếu tôi không nhận ra rằng được ăn ngon, ngủ kỹ, sống bình yên với vợ con, gia đình, cười nói thoải mái và vui vẻ với người Anh, trao đổi với họ rìu sắt và đồ đồng sẽ tốt hơn nhiều việc phải chạy trốn họ, nằm trong rừng sâu lạnh lẽo, ăn quả đẩu, rễ cây, những thứ rác rưởi và bị săn đuổi đến nỗi không thể ăn ngon, ngủ yên. Trong những cuộc chiến này, người của tôi phải đứng canh gác cho tôi và nếu chỉ một cành cây gãy, tất cả họ sẽ kêu lên: “Thủ lĩnh Smith đến rồi!” Vì thế, tôi muốn chấm dứt cuộc sống đau khổ này. Hãy bỏ súng và gươm của ngài đi, đó là nguyên nhân của mọi sự đố kỵ giữa chúng ta. Nếu không tất cả người của ngài sẽ chết theo cách tương tự!
Khi những người lữ hành Pilgrim (tín đồ Thanh giáo Anh) đến New England, không phải họ đặt chân tới vùng đất trống, mà là lãnh thổ đã có các bộ lạc người da đỏ Anh-điêng sinh sống. John Winthrop, Thống đốc vùng thuộc địa Vịnh Massachusetts, đã biện minh cho việc chiếm đất của người da đỏ bằng cách tuyên bố vùng đất này về mặt pháp lý là “vô chủ”. Theo ông ta, người da đỏ không “chinh phục” vùng đất, nên chỉ có “quyền tự nhiên”, chứ không có “quyền dân sự” đối với vùng đất này. “Quyền tự nhiên” không có địa vị pháp lý.
Người Puritan (người theo Thanh giáo) cũng biện minh theo Kinh thánh, dựa theo Thánh thi, Thiên 2:8: “Hãy cầu xin Ta, Ta sẽ ban cho con các nước làm cơ nghiệp, và toàn thể quả đất làm tài sản”. Và để bao biện cho việc sử dụng vũ lực chiếm đất, họ trích dẫn Kinh thánh La Mã 13:2: “Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Ðức Chúa trời đã lập; và những kẻ đối địch chuốc lấy sự phán xét vào mình”.
Người Puritan sống trong tình trạng “ngừng bắn” không dễ dàng với thổ dân Pequot, cộng đồng sinh sống tại khu vực bang Connecticut và Rhode Island ngày nay. Nhưng người Puritan muốn loại bỏ người Pequot và chiếm đất đai của họ. Người Puritan cũng muốn thiết lập quyền lực chắc chắn đối với những người sinh sống ở Connecticut lúc bấy giờ. Và thế là, vụ giết một thương gia da trắng, một kẻ bắt cóc người dân và một kẻ gây rối đã trở thành cái cớ để họ gây chiến với người Pequot vào năm 1636.
Cuộc chinh phạt đầy khó khăn đã khiến Boston tấn công thổ dân Narragansett ở đảo Block Island, những người liên kết với cộng đồng người Pequot. Thống đốc Winthrop viết:
Họ có nhiệm vụ đánh những người dân trên đảo Block Island cho tới chết, trừ phụ nữ và trẻ em được đưa đi nơi khác và chiếm đảo; và sau đó tới cộng đồng người Pequot bắt những kẻ đã giết Đại úy Stone và những người Anh khác, yêu cầu bồi thường bằng cách cống nạp một nghìn sải dây trang sức bằng vỏ ốc, v.v… và bắt trẻ em làm con tin. Nếu từ chối, họ giành lấy bằng vũ lực.
Người Anh tràn tới, giết một số thổ dân − nhưng số còn lại vẫn ẩn náu trong rừng sâu trên đảo và người Anh càn quét từ làng này sang làng khác, phá hủy mùa màng. Sau đó, họ trở lại đất liền tiếp tục càn quét các ngôi làng của người Pequot dọc bờ biển, phá hoại cây trồng. Một trong những viên sỹ quan tham gia cuộc chinh phạt này đã tiết lộ vài chi tiết về người Pequot mà họ đã giáp mặt: “Phát hiện ra chúng tôi, thổ dân da đỏ đã chạy tới từ những đám đông đang la hét dọc bờ biển. Xin chào người Anh, xin chào! Các vị tới đây làm gì? Và họ không nghĩ rằng chúng tôi sắp tiến hành chiến tranh, họ vẫn tiếp tục hân hoan đón chào…”
Và thế là cuộc chiến với người Pequot bắt đầu. Thảm sát xảy ra với cả hai bên. Người Anh sử dụng chiến thuật của Cortés trước đây và sau này, vào thế kỷ XX, thậm chí có tính hệ thống hơn: cân nhắc thận trọng khi tấn công dân thường, không phải chiến binh, nhằm khủng bố kẻ thù. Nhà dân tộc học, sử học Francis Jennings giải thích về cuộc tấn công của Đại úy John Mason vào một ngôi làng của người Pequot ở Mistic River, gần Long Island Sound:
“Mason dự định tránh tấn công các chiến binh Pequot vì họ có thể quá mạnh đối với đội quân thiếu tin tưởng và thiếu thiện chiến của mình. Vì thế, giao tranh không phải là mục tiêu của ông ta. Giao tranh chỉ là một trong những cách nhằm phá hủy ý chí chiến đấu của kẻ thù. Trong khi đó, thảm sát cũng có thể đạt được mục tiêu này mà ít rủi ro hơn; và Mason đã quyết định chọn thảm sát là mục tiêu của mình”.
Người Anh phóng hỏa đốt lều trại trong làng. Họ viết trong báo cáo: “Đại úy cũng nói chúng ta cần Đốt Sạch Chúng; và ngay lập tức tiến tới khu lều của thổ dân… mang theo ngọn đuốc rừng rực, quẳng vào những tấm thảm phủ trên mái lều và đốt cháy tất cả lều trại”. Trong cuốn History of the Plymouth Plantation (Lịch sử Trang trại Plymouth), William Bradford mô tả chiến dịch của John Mason càn quét ngôi làng của người Pequot:
Những người không bị chết cháy thì cũng chết bởi lưỡi gươm; số bị chém thành từng mảnh, số bị đâm; nên họ nhanh chóng bị tiêu diệt, rất ít chạy thoát. Khoảng 400 người bị giết. Đó là cảnh tượng hãi hùng, người chết trong chảo lửa, máu chảy thành sông, mùi hôi thối bốc lên thật khủng khiếp. Nhưng chiến thắng dường như thật “ngọt ngào”, người ta cảm ơn Đức Chúa trời đã ban may mắn cho họ, để họ tóm gọn được kẻ thù, giành được thắng lợi hết sức nhanh chóng trước một kẻ thù tự đắc và xấc xược!
Tiến sỹ Cotton Mather, một nhà dân tộc học người Puritan, viết: “Có thể là không dưới 600 linh hồn Pequot bị đưa xuống địa ngục vào ngày đó.”
Chiến tranh tiếp diễn. Các bộ lạc thổ dân từng chống lại nhau song dường như chưa bao giờ có đủ khả năng cùng nhau chống lại người Anh. Jennings tổng kết:
Nỗi sợ hãi là có thật trong cộng đồng thổ dân, nhưng đồng thời họ cũng đã bắt đầu nghĩ về những cơ sở của vấn đề. Họ rút ra ba bài học từ cuộc Chiến tranh Pequot : (1) Cam kết thiêng liêng nhất của người Anh sẽ bị phá vỡ khi nào nghĩa vụ mâu thuẫn với lợi ích. (2) Cách tiến hành chiến tranh của người Anh không bị hạn chế bởi sự do dự hay thương xót. (3) Vũ khí do thổ dân tự chế hầu như không có tác dụng chống lại vũ khí của người châu âu. Ba bài học này được thổ dân da đỏ ghi nhớ.
Ghi chú trong cuốn This Land Was Ours (Đất này là của chúng ta) năm 1972 của Virgil Vogel viết: “Con số chính thức người Pequot ở Connecticut bây giờ chỉ là hai mươi mốt người.”
Bốn mươi năm sau cuộc Chiến tranh Pequot, người Puritan và thổ dân da đỏ lại tiếp tục giao tranh. Lúc này là tộc người Wampanoags, sở hữu vùng ven biển phía nam Vịnh Massachusetts, bắt đầu bán một số vùng đất của họ cho những người sống ngoài khu định cư Vịnh Massachusetts. Thủ lĩnh của họ, Massasoit, đã chết. Wamsutta, con trai ông ta cũng bị người Anh sát hại. Và anh trai Wamsutta là Metacom (người sau này được người Anh gọi là Vua Philip) trở thành thủ lĩnh. Người Anh tìm được lý do, đó là quy cho Metacom tội thảm sát, và bắt đầu gây chiến nhằm chinh phạt bộ lạc Wampanoags, một cuộc chiến tranh nhằm chiếm đất của họ. Rõ ràng người Anh là những kẻ đi xâm lược, nhưng họ lại biện minh rằng họ tấn công nhằm mục đích bảo vệ. Roger William, người tỏ ra thân thiện nhất đối với thổ dân da đỏ, viết: “Tất cả những người tỉnh táo và có khuynh hướng thận trọng đều duy trì chiến tranh nhằm mục đích phòng vệ.”
Jennings nói, các thành phần cốt cán của người Puritan muốn chiến tranh; người Anh da trắng bình thường không muốn và từ chối gây chiến. Thổ dân Anh-điêng thật sự cũng không muốn chiến tranh, nhưng họ đáp trả hành động bạo tàn bằng bạo lực. Khi chiến tranh kết thúc năm 1676, người Anh chiến thắng, nhưng nguồn lực của họ cũng cạn kiệt; hơn 600 người Anh chết. Ba nghìn thổ dân chết, trong đó có cả Metacom. Nhưng cuộc tấn công thổ dân chưa dừng lại.
Có một quãng thời gian, người Anh chuyển sang sử dụng các chiến thuật mềm hơn. Nhưng rốt cục vẫn là hủy diệt. Cuối cùng 10 triệu thổ dân da đỏ sống ở miền bắc Mexico khi Columbus đặt chân tới vùng đất này chỉ còn lại chưa đầy một triệu. Một lượng lớn thổ dân chết vì các dịch bệnh lây lan từ người da trắng. Một người Hà Lan du lịch tới New Netherland (Tân Hà Lan) năm 1656 viết: “Những người da đỏ khẳng định… trước khi các tín đồ Thiên Chúa giáo tới và trước khi dịch đậu mùa bùng phát, lây lan trong cộng đồng, dân số thổ dân da đỏ nhiều gấp mười lần bây giờ; do dịch bệnh này mà chín phần mười dân số da đỏ đã chết”. Khi người Anh đầu tiên định cư tại đảo Martha’s Vineyard năm 1642, bộ lạc Wampanoags có khoảng ba nghìn người. Trên đảo này không hề có chiến tranh, nhưng đến năm 1764 chỉ còn 313 người da đỏ sống sót. Tương tự, thổ dân da đỏ ở Block Island có khoảng 1.200-1.500 người vào năm 1662, và đến năm 1774 chỉ còn 51 người.
Đằng sau cuộc xâm lược của người Anh ở Bắc Mỹ, đằng sau cuộc thảm sát người da đỏ, đằng sau sự dối trá, đằng sau sự hung bạo… là một xu hướng quyền năng đặc biệt được sinh ra từ nền văn minh dựa trên tư hữu tài sản; đó là một xu hướng đạo đức mơ hồ; là nhu cầu về không gian, về đất đai; là nhu cầu rất thật của con người. Nhưng trong điều kiện khan hiếm, trong một kỷ nguyên lịch sử mà sự cạnh tranh khốc liệt ngự trị, những nhu cầu trên của con người đã bị biến thành cuộc thảm sát toàn bộ dân tộc. Roger William cho đó là:
… sự thèm khát suy đồi đi theo sau sự trống rỗng, những giấc mơ và điềm báo về cuộc sống đang tàn lụi, đất đai rộng lớn, vùng đất hoang sơ xa xôi. Điều đó như thể là con người đang trong cơn khát đất đai, giống như người đi biển tội nghiệp bị đói, khát, kiệt sức sau hành trình dài ngày mệt mỏi vì bão biển! Đó là một trong những khu vực xa nhất của New England mà con người và Thượng đế tối cao sẽ phá hủy và làm cho kiệt quệ.
Phải chăng tất cả sự đổ máu, sự lừa dối này – từ Columbus cho tới Cortés, Pizarro và người Puritan – là cần thiết đối với loài người trong tiến trình phát triển, từ sự dã man tới văn minh? Liệu Morison đã đúng khi làm che giấu câu chuyện thảm họa diệt chủng trong các câu chuyện quan trọng khác về sự tiến hóa của loài người? Chỉ có thể có một luận cứ thuyết phục – như Churchill từng giải thích về Vụ ném bom Dresden và Hamburg , hay Truman lý giải vụ Hiroshima … Nhưng làm sao có thể là công bằng nếu lợi ích và thiệt hại không thể cân bằng, bởi vì thiệt hại đã không được đề cập hoặc đề cập một cách thoáng qua?
Sự loại bỏ đó có thể chấp nhận được (tất nhiên điều đó là đáng tiếc, nhưng nó phải được thực hiện) đối với tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở các quốc gia “tiên tiến” và chuyên đi chinh phạt. Nhưng liệu điều đó có thể được chấp nhận đối với người dân nghèo ở châu á, châu Phi, Mỹ la-tinh, hay với những tù nhân ở các trại lao động Xôviết, những người da đen ở các khu ổ chuột, hay với thổ dân ở các vùng đất được dành riêng cho người da đỏ – những nạn nhân của tiến trình phát triển chỉ làm lợi cho thiểu số những người hưởng đặc lợi trên thế giới? Liệu điều đó có thể chấp nhận (hay chỉ là không thể tránh được) đối với những thợ mỏ và công nhân đường sắt ở Mỹ, những người lao động tay chân trong các công xưởng nhà máy, hàng trăm nghìn người đã chết vì tai nạn hay bệnh tật ở nơi họ làm việc và sinh sống – những thiệt hại về người của tiến trình phát triển? Còn ngay cả đối với thiểu số những người có đặc quyền, kể cả với thực tế là đặc quyền không thể hủy bỏ, liệu có thể không xem xét lại giá trị của các đặc quyền đó khi mà chúng bị đe dọa bởi nỗi tức giận của những người chịu hy sinh, cho dù bằng các cuộc nổi dậy có tổ chức, bạo động tự phát, hoặc đơn giản chỉ là hành động bạo lực đơn lẻ do tuyệt vọng bị luật pháp các quốc gia quy thành tội phạm?
Giả sử nếu có sự hy sinh cần thiết cho tiến trình phát triển của loài người, cũng không nhất thiết phải giữ nguyên tắc là những người hy sinh phải tự ra quyết định? Tất cả chúng ta có thể quyết định từ bỏ thứ gì đó của mình, nhưng liệu chúng ta có quyền ném vào giàn thiêu con cái của người khác, hay thậm chí con cái của chúng ta, chỉ vì một sự tiến bộ không rõ ràng; hoặc gần cận với hiện tại như bệnh tật hay sức khỏe, sự sống hay cái chết?
Điều gì đã giúp người Tây Ban Nha rũ bỏ mọi điều liên quan cái chết và sự tàn bạo giáng xuống thổ dân Anh-điêng ở châu Mỹ? Trong một giai đoạn ngắn của lịch sử, đã từng có một Đế chế Tây Ban Nha vinh quang ở Tây bán cầu. Hans Koning tổng kết trong cuốn Columbus: His Enterprise (Sự nghiệp của Columbus) như sau:
Vàng bạc được đánh cắp và mang về Tây Ban Nha không làm người Tây Ban Nha giàu có thêm. Nó chỉ tạo thêm cho các hoàng đế một công cụ để cân bằng quyền lực trong một thời gian, một cơ hội để có thêm lính đánh thuê cho các cuộc chiến tranh. Dù sao họ cũng bại trận trong các cuộc chiến đó. Những gì còn lại chỉ là nạn lạm phát, dân số kiệt quệ, kẻ giàu giàu thêm, người nghèo nghèo thêm và một giai cấp nông dân bị bần cùng.
Làm sao chúng ta chắc chắn rằng những thứ bị phá hủy là những thứ thấp kém hơn? Ai là người đã xuất hiện trên bãi biển, bơi ra tàu mang quà cho Columbus và những thủy thủ của ông ta; ai là người đã theo dõi Cortés và Pizarro đi qua khu vực của họ; ai là người ló ra khỏi rừng để gặp những người da trắng định cư đầu tiên ở Virginia và Massachusetts?
Columbus gọi họ là người Anh-điêng bởi ông lầm lẫn về kích cỡ trái đất. Trong cuốn sách này, chúng ta miễn cưỡng gọi họ là Anh-điêng bởi điều thông thường là con người luôn gắn với cái tên mà kẻ đi chinh phục đặt ra.
Tuy nhiên, có một vài lý do để gọi họ là thổ dân Anh-điêng, bởi vì khoảng 25 nghìn năm trước, họ đến từ châu á, băng qua dải đất nối Eo biển Bering (sau này bị chìm dưới nước) để tới Alaska. Sau đó họ tiến dần về phía nam, tìm đất và nơi ấm áp, trong một cuộc di cư kéo dài hàng nghìn năm đã đưa họ tới Bắc Mỹ, rồi Trung và Nam Mỹ.
Ở Nicaragua, Brazil và Ecuador vẫn còn lưu giữ dấu chân hóa thạch của họ, cùng với dấu vết của loài bò rừng xuất hiện khoảng 5 nghìn năm trước. Như vậy, ít nhất họ đã đặt chân tới Nam Mỹ.
Sống rải rác khắp vùng đất rộng lớn ở châu Mỹ, thổ dân da đỏ có khoảng 75 triệu người vào thời điểm Columbus tới, trong đó có khoảng 25 triệu người ở Bắc Mỹ. Để thích nghi với môi trường đất và khí hậu khác nhau, họ phát triển hàng trăm nền văn hóa bộ lạc, khoảng hai nghìn ngôn ngữ khác nhau. Họ đã hoàn thiện nghệ thuật canh tác nông nghiệp và tìm ra cách thức trồng ngô: ngô không thể tự mọc, mà phải gieo hạt, chăm sóc, tưới bón, thu hoạch, phơi khô và tách lấy hạt. Họ cũng khéo léo phát triển một loạt cây rau, hoa quả, cùng với lạc, sôcôla, thuốc lá và cao su.
Chính người da đỏ cũng đã tự mình thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp mà người châu á, âu và Phi tiến hành cùng thời điểm đó.
Trong khi nhiều bộ lạc da đỏ còn du cư, săn bắn và kiếm tìm thức ăn theo kiểu công xã bình quân, một số đã bắt đầu sống thành các cộng đồng định cư, ở đó có nhiều lương thực hơn, dân số đông hơn, có sự phân chia lao động giữa đàn ông và phụ nữ, chia của cải nhiều hơn cho những người đứng đầu bộ lạc và cha đạo, dành nhiều thời gian giải trí hơn cho các hoạt động xã hội và nghệ thuật, cũng như chăm lo xây dựng nhà cửa. Khoảng 1.000 năm trước Công nguyên, trong khi các công trình ở Ai Cập và Mesopotamia đang được xây dựng, người thổ dân Zuni và Hopi (vùng New Mexico ngày nay) cũng đã bắt đầu xây dựng làng mạc, gồm những ngôi nhà trên nền đất bậc thang náu trong các vách đá, sườn núi nhằm tránh kẻ thù, mỗi ngôi làng có hàng trăm căn nhà như vậy. Trước khi người châu âu tới đây, người da đỏ đã biết sử dụng kênh tưới tiêu và đập nước, biết làm đồ gốm, đan rổ, dệt vải bông.
Vào thời của Chúa Jesus và Hoàng đế Julius Caesar, ở vùng thung lũng sông Ohio đã có một nền văn hóa rất phát triển của cộng đồng thổ dân châu Mỹ chuyên đắp gò đống, gọi là Mound Builders. Họ đã dựng hàng nghìn công trình điêu khắc lớn bằng đất, có khi là tượng hình người to lớn, chim hay rắn, có khi là các công trình công sự, hoặc nghĩa địa. Trong số đó, có công trình dài tới 3,5 dặm, tổng diện tích 100 ha. Thổ dân Mound Builders dường như là một bộ phận của hệ thống thương mại phức hợp chuyên trao đổi đồ trang trí và vũ khí tới tận vùng Great Lakes, Viễn Tây và Vịnh
Mexico.
Vào khoảng năm 500 sau Công nguyên, khi văn hóa Mound Builders ở Thung lũng Ohio bắt đầu suy tàn, một nền văn hóa khác bắt đầu phát triển theo hướng Tây tiến, ở thung lũng Mississippi, trung tâm vùng đó là St. Louis ngày nay. Họ có nền nông nghiệp tiên tiến, bao gồm cả nghìn ngôi làng và họ cũng xây dựng những công trình gò đống khổng lồ bằng đất như các khu nghĩa địa và hành lễ, gần khu vực thủ phủ trung tâm của cộng đồng thổ dân da đỏ − nơi có thể có khoảng 30 nghìn người. Công trình đất lớn nhất cao khoảng 100 feet, có đế hình chữ nhật lớn hơn nhiều so với Kim tự tháp Kheops ở Ai Cập. Trong thành phố tên là Cahokia đã có những công nhân chuyên chế tạo công cụ, thợ may, thợ làm gốm, làm đồ trang sức, thợ dệt, thợ làm muối, thợ chạm đồng.
Ở khu vực từ vùng Adirondacks tới Great Lakes, nơi ngày nay là Pennsylvania và bắc New York, đã hình thành Liên minh Iroquois − một trong những bộ lạc hùng mạnh nhất ở vùng đông bắc, gồm các sắc dân Mohawk (Người đá lửa), Oneida (Người đá), người Onondaga (Người núi), người Cayuga (Người đầm lầy), người Seneca (Người đồi lớn), hàng nghìn người tập hợp cùng nhau và nói chung ngôn ngữ Iroquois.
Theo thủ lĩnh người Mohawk Iliawatha, nhân vật Dekaniwidah huyền thoại nói với người Iroquois rằng: “Chúng ta tập hợp với nhau bằng cách nắm chặt tay nhau, tạo nên một vòng tròn mạnh mẽ, để cho nếu cây đổ xuống cũng không thể phá vỡ vòng tròn, để cho người của chúng ta, con cháu của chúng ta được sống trong vòng tròn an toàn, hòa bình và hạnh phúc”.
Ở các ngôi làng của người Iroquois, đất đai thuộc sở hữu tập thể. Mọi người cùng đi săn và sản phẩm được chia đều cho mọi người dân trong làng. Nhà cửa được coi là tài sản chung và một vài gia đình cùng ở với nhau. Quan niệm sở hữu tư nhân về đất đai và nhà cửa rất xa lạ đối với người Iroquois. Một vị cha đạo người Pháp tiếp xúc cộng đồng này vào những năm 1650 đã viết: “Ở đó không có nhà nghèo, bởi vì họ không phải kẻ ăn xin, cũng không phải người cùng khổ… Lòng tốt, tính nhân văn, lịch thiệp của họ không chỉ giúp họ trở nên tự do với những gì mình có, mà còn khiến họ không sở hữu bất cứ thứ gì, ngoài những thứ của chung.”
Trong xã hội Iroquois, phụ nữ được tôn trọng và rất quan trọng. Chế độ mẫu hệ tồn tại trong các gia đình. Có nghĩa là, sợi dây liên kết gia đình phụ thuộc các thành viên nữ. Người đàn ông gia nhập gia đình vợ. Con trai khi kết hôn cũng gia nhập gia đình vợ. Mỗi gia đình gồm nhiều thế hệ sống trong một “ngôi nhà dài”. Nếu vợ muốn ly dị chồng, người đó có thể ném đồ đạc của chồng ra ngoài cửa.
Các gia đình được tổ chức thành thị tộc và khoảng một chục thị tộc tạo nên một làng. Người phụ nữ quyền lực nhất trong làng cử ra người đàn ông đại diện cho các thị tộc trong làng và hội đồng bộ lạc. Họ cũng bổ nhiệm 49 người đứng đầu hội đồng lãnh đạo Liên minh Năm quốc gia (Five Nation Confederacy) của người Iroquois. Phụ nữ tham dự các cuộc họp thị tộc; đứng sau những người đàn ông, người được quyền phát biểu và bỏ phiếu; và phụ nữ có thể loại bỏ đàn ông khỏi vị trí đó nếu người đàn ông không đáp ứng mong muốn của họ.
Phụ nữ chăm lo công việc mùa màng và chịu trách nhiệm chung về các vấn đề của làng, trong khi đàn ông săn bắn và đánh cá. Kể từ khi họ cung cấp giày da và lương thực cho các cuộc chinh phạt, họ cũng tham gia kiểm soát một số vấn đề quân sự. Trong công trình nghiên cứu về người châu Mỹ thời sơ khai, người da đỏ, da trắng và da đen Gary B. Nash viết: “Quyền lực được chia sẻ cho cả hai giới. Quan niệm của người châu âu cho rằng đàn ông thống trị và phụ nữ phụ thuộc trong mọi thứ rõ ràng không tồn tại trong xã hội Iroquois.”
Trẻ em trong xã hội Iroquois được giáo dục về di sản văn hóa của cộng đồng và sự đoàn kết trong bộ lạc, đồng thời được giáo dục tính độc lập, không cúi đầu trước các thế lực độc đoán. Chúng được dạy về sự công bằng địa vị và chia sẻ sở hữu. Người Iroquois không sử dụng các biện pháp mạnh trừng phạt trẻ em. Họ không cố tập cho trẻ tự ăn sớm, hay giáo dục vệ sinh cá nhân sớm, nhưng họ dạy cho trẻ dần dần học cách tự chăm sóc bản thân.
Tất cả những yếu tố trên hoàn toàn trái ngược với các giá trị châu âu mà những người thực dân đầu tiên mang tới, đó là một xã hội của kẻ giàu người nghèo, được các cha đạo và các thống đốc quản lý, người đàn ông đứng đầu gia đình. Thí dụ như, mục sư John Robinson của các tín đồ Thanh giáo đã khuyên giáo dân cách dạy con cái: “Trong mỗi đứa trẻ chắc chắn đều có sự bướng bỉnh và lòng dũng cảm xuất phát tự nhiên cần được xóa bỏ trước tiên; vì vậy nền tảng giáo dục chúng phải dựa trên tinh thần nhún nhường và sự dễ bảo, những đức tính tốt khác sẽ theo đó dần được hình thành.”
Gary Nash đã mô tả văn hóa Iroquois:
“Trước khi người châu âu xuất hiện, ở vùng rừng núi đông bắc này không hề có luật pháp và quy định, cảnh sát và quân đội, thẩm phán và hội thẩm, tòa án hay nhà tù – bộ máy quyền lực của xã hội châu âu. Tuy nhiên, các giới hạn chuẩn mực hành vi đã được duy trì. Dù tự hào về tính tự quyết cá nhân, nhưng người Iroquois vẫn có ý thức nghiêm ngặt về cái đúng và cái sai…”
Người nào ăn cắp lương thực hay hành động hèn nhát trong chiến đấu đều phải “xấu hổ” và bị cộng đồng tẩy chay cho tới khi người đó chuộc lỗi được những hành động sai trái của mình và chứng tỏ đã trở lại trong sạch.
Không chỉ người Iroquois mà các bộ lạc da đỏ khác cũng có lối hành xử tương tự. Năm 1635, thổ dân da đỏ ở Maryland đã phản ứng lại yêu cầu của thống đốc nói rằng, bất cứ người da đỏ nào thè lưỡi về phía người Anh, sẽ bị trừng phạt theo luật Anh quốc. Người da đỏ nói:
“Cách trừng phạt của người da đỏ là nếu sự việc đó xảy ra, chúng tôi buộc người đó bồi thường một chuỗi hạt dài chừng 100 sải tay. Vì các vị ở đây là người lạ, đến đất nước chúng tôi các vị phải thích ứng với phong tục của đất nước chúng tôi, chứ không thể áp dụng phong tục của các vị đối với chúng tôi…”
Như vậy, Columbus và tùy tùng của ông ta không phải đã đến một vùng đất hoang sơ, mà là một thế giới ở đó nhiều nơi có đông người định cư như ở châu âu, nơi đó có nền văn hóa phong phú, quan hệ giữa con người bình đẳng hơn ở châu âu; quan hệ giữa đàn ông, phụ nữ, trẻ em và với tự nhiên có lẽ là đẹp hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Họ không có chữ viết, nhưng luật lệ riêng, thơ ca và lịch sử của họ được lưu giữ trong trí nhớ và truyền lại cho đời sau, bằng vốn từ vựng truyền khẩu cùng với những bài hát, điệu múa và kịch nghi lễ phong phú hơn châu âu. Họ chú ý phát triển nhân cách, ý chí, tính độc lập và linh hoạt, cảm xúc và quyền năng, mối quan hệ con người với con người và giữa con người với tự nhiên…
John Collier, học giả người Mỹ từng sống với người da đỏ vào những năm 1520-1530 ở vùng tây nam Mỹ, nói về tinh thần của thổ dân:
“Nếu chúng ta có thể biến tinh thần đó thành của riêng mình, trái đất này sẽ không bao giờ cạn kiệt sinh lực và hòa bình sẽ tồn tại muôn đời”.
Có lẽ có phần huyền thoại và lãng mạn trong câu nói đó. Nhưng chứng cứ từ những vị khách châu âu trong các thế kỷ XVI, XVII và XVIII, được William Brandon − chuyên gia người Mỹ về cuộc sống của thổ dân da đỏ − tổng kết đã hoàn toàn ủng hộ cho “huyền thoại” đó. Ngay cả khi những điều bí ẩn đó chưa hoàn chỉnh cũng đã đủ để chúng ta đặt câu hỏi cho thời bấy giờ và ngày nay về lý do của quá trình hủy diệt các chủng tộc, cũng như cách trình bày lịch sử theo quan điểm của kẻ đi chinh phạt và những nhà lãnh đạo của nền văn minh phương Tây.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.