Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
16. MỘT CUỘC CHIẾN CỦA NHÂN DÂN?
“Chúng tôi, chính phủ Anh quốc và chính phủ Hoa Kỳ, nhân danh Ấn Độ, Myanmar, Malaysia, Australia, các quốc gia Đông Phi thuộc liên hiệp Anh, Guiana, Hồng Kông, Xiêm (Thái Lan), Singapore, Ai Cập, Palestine, Canada, New Zealand, Bắc Ailen, Scotland, xứ Wales cũng như Puerto Rico, Guam, Philippine, Hawaii, Alaska, và Virgin Islands, xin tuyên bố, đây không phải là cuộc chiến tranh đế quốc.” Câu nói trên được trích dẫn trong một vở hài kịch châm biếm của Đảng Cộng sản Hoa Kỳ năm 1939.
Hai năm sau, nổ ra chiến tranh giữa Đức Quốc Xã, Liên bang Xôviết và Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, vốn không ít lần gọi cuộc chiến giữa phe Phát-xít và quân Đồng minh là một cuộc chiến tranh đế quốc, giờ đây lại gọi đó là “cuộc chiến tranh nhân dân” chống lại chủ nghĩa Phát-xít. Quả thực, hầu như tất cả người Mỹ – các nhà tư bản, những người Cộng sản, các chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, người giàu, người nghèo và cả những người thuộc tầng lớp trung lưu – đều đồng ý rằng đó là “cuộc chiến tranh nhân dân”.
Liệu có phải thế không?
Bằng chứng cho thấy, đây là cuộc chiến vĩ đại nhất mà nước Mỹ từng tham chiến. Chưa bao giờ trong lịch sử lại có một quốc gia có số lượng người tham gia chiến tranh đông đảo đến như vậy. 18 triệu người phục vụ trong các lực lượng vũ trang, 10 triệu người tham chiến ở nước ngoài; 25 triệu công nhân thường xuyên đóng góp tiền lương của mình cho ngân quỹ chiến tranh. Liệu đó có phải là một sự ủng hộ giả tạo, khi mà sức mạnh của toàn đất nước – không chỉ riêng chính phủ, mà cả báo chí, tôn giáo và thậm chí cả giới lãnh đạo của các tổ chức cực đoan – là động lực đằng sau những lời kêu gọi về một cuộc chiến tổng lực? Liệu có sự miễn cưỡng, hay ngầm phản kháng nào ẩn dấu sau đó không?
Đó là cuộc chiến chống lại một kẻ thù đã gây biết bao tội ác cho nhân loại. Nước Đức
của Hitler cùng sự bành trướng của chủ nghĩa quân phiệt, tư tưởng Phát-xít, phân biệt chủng tộc đang rắp tâm tiến hành một cuộc chiến xâm lược công khai và tàn bạo nhất mà nhân loại từng biết đến. Phải chăng đó là lý do khiến các nước tham chiến – như Anh, Mỹ, Liên bang Xôviết – quyết tâm đại diện cho một thứ hoàn toàn khác biệt, để chiến thắng của họ sẽ giáng một đòn chí tử vào chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa Phát-xít, nạn phân biệt chủng tộc cùng chủ nghĩa độc tài, quân phiệt trên thế giới?
Liệu cách hành xử của nước Mỹ trong suốt cuộc chiến – bao gồm việc đối xử với các đảng phái chính trị thiểu số trong nước cùng các hoạt động quân sự ở nước ngoài – có thật sự xứng đáng với tên gọi “cuộc chiến tranh nhân dân”? Rồi những chính sách thời chiến liệu có thật sự tôn trọng những quyền cơ bản của con người như quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc hay không? Và khi cuộc chiến kết thúc, phải chăng nước Mỹ, với các chính sách về đối nội và đối ngoại, sẽ trở thành một hình mẫu của các giá trị mà nó đã chiến đấu để bảo vệ?
Những câu hỏi đó xứng đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bầu không khí ngập tràn lòng nhiệt tình không cho phép chúng được công khai. Đối với nước Mỹ, mục đích của việc bước ra với tư cách là người bảo vệ cho các quốc gia khác là để xứng đáng với hình ảnh đẹp đẽ về nước Mỹ được mô tả trong các cuốn sách giáo khoa lịch sử, và để che giấu những gì nó đã gây ra cho thế giới. Chính đất nước này đã chống lại cuộc cách mạng giành quyền độc lập từ tay nước Pháp của người dân Haiti đầu thế kỷ XIX. Đây cũng là kẻ chủ mưu gây chiến và tước đoạt một nửa lãnh thổ của Mexico. Rồi để phục vụ cho mục đích xây dựng căn cứ quân sự nhằm bao vây và giành quyền can thiệp chính trị, nước này đã không ngần ngại giả vờ giúp đỡ Cuba trong cuộc chiến chống lại sự đô hộ của Tây Ban Nha. Tiến hành xâm lược Hawaii, Puerto Rico, Guam, nô dịch hóa người Philippine, rồi ép Nhật Bản “mở cửa” thương mại bằng tàu chiến. Chính nước Mỹ đã tuyên bố Chính sách Mở cửa tại Trung Quốc nhằm đảm bảo rằng mình sẽ có được quyền lợi ngang bằng với các nước đế quốc khác trong việc xâu xé quốc gia phương Đông này. Nó dẫn đầu đội quân của mình cùng nhiều đội quân khác tiến đến Bắc Kinh để phô trương với người dân Trung Hoa sức mạnh tối thượng của phương Tây, và kìm kẹp họ trong hơn 30 năm.
Trong khi ép buộc Trung Quốc đưa ra một chính sách mở cửa, nó lại ra lệnh (bằng Học thuyết Monroe – Thuyết bành trướng định mệnh cùng sự can thiệp vũ lực bằng quân sự) cấm vận ngăn cản tất cả các nước có quan hệ với các quốc gia châu Mỹ Latinh, ngoại trừ chính nước Mỹ. Nó đã âm mưu xúi giục một cuộc cách mạng chống lại Columbia để thành lập nên bang “thuộc địa” Panama nhằm phục vụ cho việc xây dựng và kiểm soát kênh đào chiến lược tại đây. Năm 1926, nó đã gửi hàng nghìn lính thủy đánh bộ tới Nicaragua để đàn áp cách mạng, và áp chế nước này trong bảy năm. Nó can thiệp vào Cộng hòa Dominica lần thứ tư vào năm 1916 và lưu giữ quân đội ở đó suốt tám năm. Lần can thiệp thứ hai vào Haiti năm 1915, nó cũng đã để binh lính kiểm soát nước này tổng cộng mười chín năm. Trong những năm từ 1900 đến 1933, nước Mỹ can thiệp vào Cuba tổng cộng bốn lần, Nicaragua hai lần, Panama sáu lần, Guatemala một lần và Honduras bảy lần. Tính đến năm 1924, tài chính của phân nửa trong số hai mươi tiểu bang châu Mỹ Latinh đều ít nhiều có liên quan trực tiếp tới Hoa Kỳ. Năm 1935, hơn một nửa sản lượng thép và bông của Mỹ được xuất khẩu tới các nước châu Mỹ Latinh.
Trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, năm 1918, bảy nghìn lính Mỹ đã được đưa tới Vladivostok như là một phần của lực lượng Đồng minh, và lưu lại đó tới đầu năm 1920. Hơn năm nghìn binh sỹ khác trong đội quân viễn chinh của lực lượng Đồng minh đã đóng quân tại Archangel, một bến cảng của Nga, trong gần một năm. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã giải trình trước Quốc hội: “Tất cả những hoạt động đó là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Đảng Bolshevik ở Nga.”
Nói ngắn gọn, nếu như lý do nước Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai (và nhiều người Mỹ lúc đó cũng tin như vậy, khi chứng kiến sự xâm lược của Đức Quốc Xã) là để bảo vệ các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác thì với những thành tích đã kể trên đây, khó có ai dám tin rằng nước Mỹ đang duy trì được các nguyên tắc đó.
Có vẻ như vào thời điểm đó, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là hiện thân của nền dân chủ tự do, còn nước Đức là đại diện cho chế độ độc tài đang tàn sát dân tộc Do Thái, sẵn
sàng tống giam bất cứ ai ở bất kỳ tôn giáo nào dám đứng lên phản kháng, và luôn hô hào và đề cao khái niệm “chủng tộc thượng đẳng”. Tuy nhiên, những người da đen, khi chứng kiến nạn bài trừ Do Thái ở nước Đức, có thể nhận ra rằng tại nước Mỹ tình cảnh của họ cũng không khác những người Do Thái là bao. Và bản thân nước Mỹ cũng không ít lần thực thi các chính sách đàn áp giống như của Hitler. Sự thực, Hoa Kỳ đã đồng lõa với Anh và Pháp trong việc nhượng bộ Hitler trong suốt những năm 1930. Roosevelt cùng ngoại trưởng của ông, Cordell Hull đã do dự trong việc công khai chỉ trích chính sách bài trừ Do Thái của Hitler; khi Hạ viện đưa ra nghị quyết vào tháng 1 năm 1934 yêu cầu Tổng thống và Thượng viện phải tỏ ra “ngạc nhiên và đau đớn” trước những tội ác mà Đức Quốc Xã đã gây ra, và yêu cầu phải khôi phục lại quyền cho người Do Thái. Theo Arnold Offner, “Tuy nhiên, nghị quyết này đã nhanh chóng bị Bộ Ngoại giao Mỹ ém nhẹm đi” (trích trong tác phẩm American Appeasement – Sự nhân nhượng của nước Mỹ).
Năm 1935, Italia, dưới sự lãnh đạo của Mussolini, tiến hành xâm lược Ethiopia. Nước Mỹ đã ban hành một lệnh cấm chuyên chở vũ khí nhưng vẫn cho phép các doanh nghiệp của mình vận chuyển dầu tới Italia với số lượng lớn, thứ vô cùng cần thiết để nước ý tiến hành chiến tranh. Năm 1936, khi cuộc nổi loạn của nhóm những kẻ theo chủ nghĩa phát-xít chống lại Đảng Xã hội – Tự do diễn ra tại Tây Ban Nha, chính quyền Roosevelt chỉ tỏ thái độ trung lập nhằm ngăn cản sự trợ giúp đối với chính phủ Tây Ban Nha, còn Hitler và Mussolini thì ráo riết viện trợ cho Franco . Offner cho rằng:
… Hoa Kỳ thậm chí đã vượt ra ngoài những yêu cầu pháp lý quy định tính trung lập của nó. Có thể thấy rằng nếu Mỹ, Anh và Pháp trợ giúp kịp thời cho những người thuộc Đảng Cộng hòa Tây Ban Nha trước tháng 11 năm 1936, khi sự viện trợ của Hitler cho Franco vẫn còn chưa chắc chắn, có thể họ đã giành phần thắng. Kết quả là, nước Đức đã giành được mọi lợi thế trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha.
Phải chăng đây là một quyết định thiếu cân nhắc, hay chỉ đơn giản là một sai lầm đáng tiếc? Liệu đây có phải là chính sách hợp lý của một chính phủ mà mối quan tâm lớn
nhất của nó không phải là ngăn chặn chủ nghĩa Phát-xít mà là phát triển những lợi ích to lớn của nước Mỹ? Đối với những lợi ích đó, trong những năm 1930, chính sách chống Xôviết xem ra là thích hợp hơn cả. Sau này, khi các lợi ích toàn cầu bị Nhật Bản và Đức đe dọa, thì chính sách thân Xôviết, chống Đức Quốc Xã lại trở nên quan trọng. Roosevelt quan tâm nhiều đến việc kết thúc sự đàn áp đối với người Do Thái giống như Lincoln chú trọng kết thúc chế độ nô lệ trong suốt cuộc Nội chiến, những ưu tiên của họ trong chính sách (bất cứ điều gì từ lòng trắc ẩn của họ đối với các nạn nhân của sự phân biệt đối xử) giờ đây không phải là quyền dành cho một nhóm thiểu số nữa, mà nó đã trở thành sức mạnh dân tộc.
Sự đàn áp của Hitler đối với người Do Thái không phải là nguyên nhân khiến Mỹ tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai, giống như việc giải phóng 4 triệu người da đen đã đem đến cuộc Nội chiến năm 1861. Italia tấn công Ethiopia, Hitler xâm lược áo rồi chiếm lấy Tiệp Khắc, Phần Lan – tất cả những sự kiện đó cũng không phải là nguyên nhân khiến nước Mỹ tham chiến cho dù Roosevelt đã bắt đầu viện trợ cho Anh. Cái đã lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến chính là cuộc tấn công của Phát-xít Nhật nhằm vào hải quân Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng, Hawaii, vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Dĩ nhiên, việc đánh bom vào dân thường một cách tàn bạo của Nhật Bản đã khiến Roosevelt vô cùng giận dữ và tuyên bố chiến tranh – mặc dù trước đó, cuộc oanh kích tương tự năm 1937 vào thành phố Nam Kinh, Trung Quốc của Phát-xít Nhật cũng không làm nước Mỹ mảy may bận tâm đến chuyện tham chiến. Vậy là chỉ duy nhất có cuộc đột kích của Nhật Bản vào cầu nối nằm trên Đế chế Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (American Pacific Empire) là làm được điều đó.
Chừng nào Nhật Bản còn là một thành viên biết cư xử đúng mực trong nhóm các Cường quốc trên thế giới, biết duy trì chính sách mở cửa và chia sẻ những gì mà nó bóc lột được từ Trung Quốc thì chừng đó nước Mỹ vẫn sẽ để nó yên. Trong thông điệp gửi cho Nhật Bản năm 1917, có đoạn viết: “Chính phủ Hoa Kỳ công nhận rằng Nhật Bản có những lợi ích đặc biệt tại Trung Quốc.” Năm 1928, theo Akira Iriye (trong After Imperialism), lãnh sự Mỹ đã ủng hộ cho cuộc tiến công của quân đội Nhật vào Trung Quốc. Chỉ khi Nhật Bản đe dọa các thị trường tiềm năng của Hoa Kỳ
bằng cách cố gắng kiểm soát toàn bộ Trung Quốc, và đặc biệt là tìm cách chiếm lấy các nguồn tài nguyên như thiếc, cao su và dầu mỏ, thì nước Mỹ mới bắt đầu quan tâm đến những biện pháp tấn công Nhật Bản: một lệnh cấm vận toàn diện về sắt và dầu được công bố vào mùa hè năm 1941.
Theo như những gì Bruce Russet nhận định (trong tác phẩm No Clear and Present Danger – Hiện thực nguy hiểm và không rõ ràng): “Trong suốt những năm 1930, chính phủ Hoa Kỳ hành động rất ít để ngăn chặn sự bành trướng của Nhật Bản trên lục địa châu á trừ các vùng phía Tây Nam Thái Bình Dương, nơi có những nguồn lợi kinh tế không thể chối cãi của nước Mỹ − hầu hết sản lượng thiếc và cao su cùng một số lượng đáng kể các nguồn tài nguyên khác được cung cấp từ đây.”
Trân Châu Cảng thật sự là một sự kiện bất ngờ, đau đớn và tàn nhẫn đối với dân chúng Mỹ. Tàn nhẫn, cái đó là dĩ nhiên vì cuộc chiến nào chẳng vậy – nhưng với chính phủ Mỹ, sự kiện đau đớn này thật sự không bất ngờ. Russet cho biết: “Cuộc đột kích của Phát-xít Nhật vào hạm đội Hoa Kỳ chỉ là kết quả của một chuỗi các hoạt động mang tính thù địch do chính phủ Mỹ phát động. Trong lúc tiến hành các chương trình trừng phạt Nhật Bản, Hoa Kỳ còn tiến hành một số hoạt động được Washington cho là tự chuốc lấy các nguy cơ chiến tranh”.
Gạt qua một bên những lời buộc tội (rằng dù đã biết trước về sự kiện Trân Châu Cảng nhưng không hề đưa ra cảnh báo, hay cố tình kích động các cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng – những lời buộc tội đó đều có bằng chứng xác thực), có vẻ như Roosevelt đã bắt chước theo những gì James Polk đã làm trước đây trong cuộc chiến với Mexico, và sau này Lyndon Johnson cũng làm giống như ông trong chiến tranh Việt Nam – đó là cố tình lừa gạt dân chúng về nguyên nhân thật sự.
Từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1941, ông đã cố tình phát biểu sai về hai sự cố liên quan đến tàu ngầm của Đức và khu trục hạm Hoa Kỳ. Sử gia Thomas A. Bailey đã tỏ ra thông cảm với Roosevelt và viết rằng:
Franklin Roosevelt đã nhiều lần lừa dối người dân Mỹ trongkhoảng thời gian trước sự
kiện Trân Châu Cảng… ông cũng giống như người thầy thuốc buộc phải nói dối bệnh nhân để họ cảm thấy khỏe hơn… bởi lẽ sự hoảng loạn sẽ khiến mọi người trở nên thiển cận và không thể nhìn thấy được mối đe dọa cho đến khi nó kề dao vào cổ họ.
Thẩm phán Radhabinod Pal, trong phiên tòa xét xử các Chiến phạm Tokyo sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã cực lực phản đối bản án chung dành cho các quan chức Nhật Bản và lập luận rằng chính nước Mỹ đã khiêu khích Nhật Bản trước và buộc nước này phải gây chiến. Richard Minear (trong tác phẩm Victor’s Justice – Lý lẽ của kẻ chiến thắng) đã tổng kết quan điểm của Pal về các chính sách cấm vận sắt phế liệu và dầu như sau: “Những biện pháp đó thật sự là nguy cơ rõ ràng và nguy hiểm đối với sự tồn tại của Nhật Bản.” Các ghi chép cũng cho thấy rằng Nhà Trắng đã tổ chức một cuộc họp hai ngày trước khi Trân Châu Cảng bị tấn công để thảo luận phương hướng giải quyết hợp lý.
Bản báo cáo về sự bành trướng của Nhật Bản, một năm trước sự kiện Trân Châu Cảng, không hề nhắc tới việc thiết lập quyền độc lập và tự quyết cho Trung Quốc mà nói rằng:
… Vị trí ngoại giao và chiến lược của chúng ta đã bị tổn hại nghiêm trọng – bằng việc bị mất thị trường ở Trung Quốc, Ấn Độ và các vùng biển phía Nam (và chúng ta sẽ còn mất nhiều hơn nữa bởi hàng hóa của Nhật Bản, khi nước này ngày càng trở nên thịnh vượng) cũng như bị hạn chế trong việc khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng như cao su, thiếc, đay cùng nhiều loại nguyên liệu quan trọng khác ở châu á và châu Đại Dương.
Việc tham chiến cùng với Anh và Nga (Đức và Italia tuyên chiến với Mỹ ngay sau sự kiện Trân Châu Cảng) của Hoa Kỳ là vì lòng nhân đạo, hay vì quyền lực và lợi ích? Phải chăng nước Mỹ muốn chấm dứt sự đô hộ của một số quốc gia lên những quốc gia khác để chắc chắn rằng những nước bị chiếm đóng đó sẽ là bạn của nước Mỹ? Tháng 4 năm 1941, Roosevelt và Churchill đã nhóm họp ngoài khơi vùng bờ biển Newfoundland và công bố với quốc tế về Hiến chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter), nhằm đưa ra các mục tiêu quan trọng của thế giới sau chiến tranh, tuyên bố
rằng các quốc gia ấy “không nhằm mở rộng đất đai, lãnh hải hay những thứ khác”, và điều mà họ tôn trọng là “các dân tộc có quyền lựa chọn hình thức chính phủ cho đất nước mà họ đang sống”. Hiến chương được coi là lời tuyên bố về quyền tự quyết của các quốc gia.
Tuy nhiên, hai tuần trước khi công bố bản Hiến chương, Quyền Ngoại trưởng Mỹ, Summes Welles, đã đảm bảo với chính phủ Pháp rằng họ có thể giữ cho đế chế của mình nguyên vẹn sau khi chiến tranh kết thúc: “Chính phủ chúng tôi, với bổn phận là một người bạn lâu đời của chính phủ Pháp, cảm thông sâu sắc với ước nguyện của nhân dân Pháp là duy trì và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.” Tài liệu về Lịch sử Bộ Quốc phòng Việt Nam (The Pentagon Papers – Báo cáo của Lầu Năm Góc) cũng nhắc đến cái gọi là chính sách “nước đôi” đối với bán đảo Đông Dương, trong đó nói rằng “trong Hiến chương Đại Tây Dương cùng nhiều văn kiện khác, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ hỗ trợ các quốc gia khác có được quyền tự quyết và độc lập” nhưng cũng “liên tục bày tỏ hay đề cập gián tiếp đến ý định khôi phục cho nước Pháp những lãnh thổ thuộc Pháp ở nước ngoài sau chiến tranh.”
Cuối năm 1942, với tư cách cá nhân Roosevelt đã bảo đảm với Tổng tư lệnh Pháp là Henri Geraud: “Cần phải hiểu rõ rằng, chủ quyền nước Pháp sẽ được tái thiết lập nhanh nhất có thể tất cả mọi lãnh thổ, đô thị hay thuộc địa, những nơi mà lá cờ nước Pháp đã tung bay trong năm 1939.” (Những trang viết này, như bất kỳ những trang nào khác trong Báo cáo của Lầu Năm Góc đều được đóng dấu “Tuyệt mật”). Năm 1945, thái độ “nước đôi” chính thức chấm dứt. Tháng 5, Truman cam kết rằng ông ta không nghi ngờ “chủ quyền Đông Dương của nước Pháp”. Mùa thu năm đó, trong hội nghị Potsdam, Hoa Kỳ đã thuyết phục Trung Hoa Dân Quốc tiếp quản một phần phía bắc bán đảo Đông Dương, sau đó sẽ chuyển lại cho người Pháp, bất chấp nỗ lực đòi quyền độc lập của Việt Nam.
Đó có thể coi là sự ưu ái giành cho chính phủ Pháp. Vậy tham vọng của riêng nước Mỹ trong suốt cuộc chiến là gì? Rồi lời tuyên bố “mở rộng đất đai, lãnh thổ và những thứ khác” mà Roosevelt tuyên bố trong bản Hiến chương Đại Tây Dương thì sao?
Thông tin về các trận đánh và các hoạt động của quân đội tràn ngập trên các mặt báo như: Cuộc tiến công vào Bắc Phi năm 1941, Italia năm 1943, cuộc đột kích ồ ạt và bất ngờ qua eo biển Manche của nước Đức – giành lại nước Pháp năm 1944, những trận chiến đẫm máu để đẩy lùi quân Đức vào tận sâu trong biên giới, các cuộc không kích ngày càng tăng của không lực Hoàng gia Anh và Mỹ. Và, cùng lúc đó, là những chiến thắng của quân đội Nga trước Đức Quốc Xã (cùng thời điểm với cuộc đột kích qua eo biển Manche, quân Nga đã giải phóng toàn bộ lãnh thổ Xôviết và tiêu diệt gần 80% lực lượng Phát-xít). Ở Thái Bình Dương, từ năm 1943 tới 1944, quân đội Hoa Kỳ tiến công vào Nhật Bản bằng cách xâm chiếm từng hòn đảo của nước này và cho xây dựng các căn cứ quân sự phục vụ cho các cuộc ném bom vào những thành phố lớn.
Lặng lẽ đằng sau những tiêu đề về các trận chiến và các cuộc ném bom đó, giới ngoại giao và doanh nhân Mỹ làm việc cật lực để đảm bảo rằng vào thời khắc cuộc chiến kết thúc, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ sẽ trở thành độc nhất vô nhị trên thế giới. Hoa Kỳ sẽ chiếm lấy những khu vực do nước Anh nắm giữ trước đây. Chính sách mở cửa với quyền thâm nhập bình đẳng sẽ được áp dụng từ châu âu sang châu á, điều đó có nghĩa là Anh quốc sẽ bị gạt sang một bên và nhường ngai vàng cho nước Mỹ.
Đó cũng là những gì đã xảy ra với Trung Đông và số dầu mỏ mà khu vực này nắm giữ. Tháng 4 năm 1945, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu: “Lịch sử ngoại giao 35 năm cho thấy dầu mỏ đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hơn bất cứ một loại hàng hóa nào khác.” Arap Saudi được coi là “rốn dầu” của Trung Đông. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Harold Ickes đã tiếp tay cho tập đoàn dầu khí ARAMCO thuyết phục Roosevelt đồng ý thông qua gói viện trợ cho Arap Saudi dưới hình thức cho vay, mục đích là để lôi kéo chính phủ Mỹ can thiệp vào Trung Đông và trở thành một tấm bình phong che chắn cho những lợi ích của ARAMCO. Năm 1944, Anh và Mỹ ký hiệp ước dầu mỏ với “nguyên tắc về cơ hội bình đẳng”. Lloyd Gardner (trong tác phẩm Economic Aspect of New Deal Diplomacy – Khía cạnh kinh tế trong chính sách ngoại giao mới) đã kết luận rằng: “Chính sách mở cửa là một thắng lợi tại Trung Đông.”
Nhà lịch sử học Gabriel Kolko, sau khi tiến hành nghiên cứu chuyên sâu và chi tiết về chính sách thời chiến của nước Mỹ (mang tựa đề The Politics of War) đã nhận định rằng: “Mục đích kinh tế trong chiến tranh của nước Mỹ là để cứu vớt chủ nghĩa tư bản trong và ngoài nước.” Tháng 4 năm 1944, một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu: “Như các bạn đã biết, chúng tôi đang có kế hoạch tái tăng cường sản xuất cho đất nước sau chiến tranh, và thị trường nội địa sẽ không thể tiêu thụ được toàn bộ số sản phẩm được tạo ra. Cho nên các bạn không cần phải thắc mắc vì sao chúng tôi lại cần phải mở rộng các thị trường quốc tế nhiều đến như vậy.”
Anthony Sampson, trong một nghiên cứu về lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ quốc tế (mang tên The Seven Sisters) đã nói rằng:
Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, quốc gia có ảnh hưởng và chi phối Arap Saudi, không ai khác chính là Hoa Kỳ. Vua Ibn Sand giờ đây không còn là một chiến binh sa mạc hoang dại, mà chỉ là một miếng ghép then chốt trong trò chơi quyền lực của phương Tây. Roosevelt, trong chuyến công du trở lại Yalta vào tháng 2 năm 1945, đã tận tình tiếp đón nhà vua Arap, hai hoàng tử, một thủ tướng, một nhà chiêm tinh học và đoàn tùy tùng lên tới năm mươi người cùng một đàn cừu trên tuần dương hạm Quincy.
Roosevelt sau đó đã gửi thư cho nhà vua và hứa hẹn rằng Hoa Kỳ sẽ không thay đổi chính sách với Palestine nếu chưa có sự đồng ý của các nước Arap. Trong những năm tiếp theo, mối quan tâm tới dầu mỏ liên tục bị các mối quan tâm chính trị đối với nhà nước Do Thái ở Trung Đông làm gián đoạn, nhưng tới thời điểm này, dầu mỏ vẫn được coi là quan trọng hơn.
Với việc quyền lực của nước Anh bị sụp đổ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc đổi ngôi. Ngay từ khi cuộc chiến mới bắt đầu, Hull đã tuyên bố:
Quyền lãnh đạo các mối quan hệ quốc tế mới về thương mại cũng như những vấn đề kinh tế khác phần lớn sẽ được chuyển giao cho Hoa Kỳ nhờ sức mạnh kinh tế vượt
trội của chúng ta. Chúng ta nên giành lấy quyền lãnh đạo này cùng trách nhiệm đi kèm với nó, chủ yếu để phục vụ cho lợi ích quốc gia.
Trước khi chiến tranh kết thúc, giới cầm quyền đã lên kế hoạch phác thảo lại trật tự kinh tế thế giới, dựa trên quan hệ đối tác giữa chính phủ và các ngành kinh doanh lớn. Lloyd Gardner đã nói về Hopkins, cố vấn cấp cao của Roosevelt – người đã tổ chức các chương trình cứu trợ trong Chính sách kinh tế mới, như sau: “không một kẻ bảo thủ nào giỏi hơn Hopkins trong việc đấu tranh cũng như bảo hộ cho đầu tư quốc tế”.
Nhà thơ Archibald McLeish, sau này giữ cương vị trợ lý Ngoại trưởng, đã cực lực phê phán những điều ông thấy sau chiến tranh: “Với những gì đang diễn ra, nền hòa bình mà chúng ta mong muốn xây dựng và có vẻ như đang xây dựng, là một nền hòa bình của dầu mỏ, của vàng, của vận chuyển hàng hóa, vì một nền hòa bình, nói ngắn gọn… không vì mục đích đạo đức hay lợi ích của loài người…”
Trong chiến tranh, Anh và Mỹ đã cùng nhau xây dựng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund − IMF) nhằm điều tiết dòng lưu chuyển tiền tệ của thế giới, do quyền biểu quyết tỷ lệ thuận với số vốn góp nên sự thống trị của nước Mỹ được đảm bảo. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (International Bank for Reconstruction and Development) cũng được thành lập trong thời gian này, với mục tiêu giúp xây dựng lại các khu vực bị chiến tranh tàn phá, tuy nhiên mục tiêu thật sự của ngân hàng này, theo như cách diễn đạt của riêng nó “là để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài”.
Việc hỗ trợ kinh tế cho những nước cần tái thiết sau chiến tranh đã bị nhìn nhận theo góc độ chính trị. Năm 1944, Averell Harriman, đại sứ Mỹ tại Nga phát biểu: “Hỗ trợ kinh tế là một trong những thứ vũ khí hiệu quả nhất để gây ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị ở châu âu theo hướng mà chúng ta mong muốn.”
Trong thời gian diễn ra chiến tranh, Liên Hiệp Quốc với tư cách là một tổ chức hợp tác quốc tế đã được thành lập nhằm ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh trong tương lai. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc lại nằm dưới quyền kiểm soát của các nước phương Tây −
điển hình là Mỹ, Anh, Pháp cùng một đế quốc mới hùng mạnh, với lực lượng quân sự hùng hậu và tầm ảnh hưởng rộng khắp tại Đông âu – đó là Liên Xô. Arthur Vandenburg, một thượng nghị sỹ cấp cao bảo thủ thuộc Đảng Cộng hòa, đã bày tỏ quan điểm của mình về Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong hồi ký của mình như sau:
Điều đáng ngạc nhiên là Hiến chương này lại được xuất phát từ tư tưởng dân tộc bảo thủ. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự liên minh của bốn cường quốc… Đó có thể là bất cứ thứ gì ngoại trừ một giấc mơ cuồng tín về một nhà nước chung cho cả thế giới… Tôi thật sự bị ấn tượng (và ngạc nhiên) khi thấy Hull khăng khăng bảo vệ quyền phủ quyết của người Mỹ theo cách riêng của ông ta.”
Số phận của người Do Thái ở nước Đức – và trên toàn châu âu, vốn dĩ vẫn được coi là mục đích của cuộc chiến chống lại phe Trục (Đức – ý – Nhật), dường như không phải là mối quan tâm hàng đầu của Roosevelt. Nghiên cứu của Henry Feingold (trong The Politics of Rescure) đã chỉ ra rằng, trong khi những người Do Thái bị đẩy vào các trại tập trung và các cuộc tàn sát do Phát-xít Đức tiến hành đã dẫn đến cái chết của sáu triệu người Do Thái cùng hàng triệu người khác, thì Roosevelt đã thất bại trong việc thực thi các biện pháp có thể cứu hàng nghìn mạng sống. Cho rằng đó không phải là việc quan trọng hàng đầu, ông chuyển giao trách nhiệm đó cho Bộ Ngoại giao, và đối với Bộ Ngoại giao, tư tưởng bài Do Thái cùng thói quan liêu thờ ơ chính là trở ngại cho hành động.
Phải chăng cuộc chiến này là để chứng minh cho Hitler thấy tư tưởng của ông ta về chủng tộc Bắc âu “thượng đẳng” là hoàn toàn sai lầm? Ngay chính trong các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại một cách dai dẳng. Đầu năm 1945, chiến hạm Queen Mary chở quân đội Mỹ bị mắc kẹt khi đang trên đường hành quân tới chiến trường châu âu, binh lính gốc Phi được lệnh phải di chuyển xuống các khoang gần phòng máy để nhường boong tàu thoáng mát cho sỹ quan và binh lính da trắng, điều đó khiến người ta liên tưởng tới những chuyến tàu chở nô lệ trong quá khứ.
Hội Chữ thập dỏ, được sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ, đã cho phân loại riêng
biệt máu của người da trắng và người da đen. Mỉa mai thay, người được giao trọng trách phát triển hệ thống ngân hàng máu lại là một bác sỹ da màu tên là Charles Drew. ông là người chịu trách nhiệm quản lý số máu hiến tặng trong chiến tranh, nhưng bị sa thải ngay sau đó khi đã cố gắng tìm cách xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong việc hiến máu. Mặc cho những nhu cầu cấp thiết về lao động thời chiến, người da đen vẫn phải chịu sự phân biệt đối xử trong công việc. Phát ngôn viên của hãng sản xuất máy bay West Coast tuyên bố: “Bọn mọi đen chỉ là những con chó canh cửa hay bất cứ thứ gì đại loại thế… Cho dù chúng có được đào tạo để trở thành công nhân hàng không đi chăng nữa, chúng tôi vẫn không thuê chúng.” Roosevelt dường như chẳng thèm quan tâm tới việc hỗ trợ Ủy ban Thực thi Quyền Làm việc Bình đẳng (Fair Employment Practices Committee) do ông ta lập ra.
Các quốc gia theo chủ nghĩa Phát-xít vẫn luôn giữ quan điểm bảo thủ cho rằng vị trí của phụ nữ là ở trong nhà. Vậy mà, cuộc chiến chống chủ nghĩa Phát-xít, cho dù vẫn tận dụng triệt để sức lao động người phụ nữ trong ngành công nghiệp quốc phòng khi cần thiết, cũng không tạo được bước tiến đáng kể trong việc cải thiện địa vị thấp kém của họ. Ủy ban Nhân lực Chiến tranh (War Manpower Commission) thường xuyên gạt bỏ những người phụ nữ ra khỏi các chương trình hoạch định chính sách dù biết rằng số lượng công nhân nữ phục vụ trong chiến tranh là không hề nhỏ. Trong một báo cáo của Văn phòng chuyên trách Phụ nữ thuộc Bộ Lao động (Women’s Bureau of the Department of Labor), bà Mary Anderson, giám đốc văn phòng này, cho rằng Ủy ban Nhân lực Chiến tranh đã cảm thấy “e ngại và tỏ ra khó chịu” khi nhận thấy “thái độ phản kháng cùng tinh thần đấu tranh của một số lãnh đạo nữ giới…”
Trong một số chính sách, chính phủ Mỹ thậm chí còn gần như sao chép lại khuôn mẫu của chủ nghĩa Phát-xít, điển hình là việc đối xử với nhóm người Mỹ gốc Nhật sinh sống tại Bờ biển Tây (West Coast). Sau sự kiện Trân Châu Cảng, một làn sóng bài Nhật Bản nhanh chóng lan rộng trong chính phủ Mỹ. Một nghị sỹ tuyên bố: “Tôi sẽ tóm cổ tất cả bọn người Nhật ở Mỹ, ở Alaska và Hawaii, nhốt chúng trong các trại tập trung… Lũ khốn kiếp! Bắt hết bọn chúng!”
Franklin D. Roosevelt thì không phát điên đến mức như thế, ông ta chỉ lạnh lùng ký quyết định thông qua Sắc lệnh 9066 (Executive Order 9066) vào tháng 2 năm 1942, trao cho quân đội quyền bắt giữ bất cứ người Nhật nào ở Bờ biển Tây – ước tính vào khoảng 110 nghìn người, kể cả phụ nữ và trẻ em – mà không cần đến lệnh, cáo trạng hay xét xử của tòa án. Những người này sau đó bị đuổi ra khỏi nhà và được đưa đến các trại tập trung nằm sâu trong đất liền, bị giam giữ và đối xử như những tù nhân. Ba phần tư trong số này là Nisei – những người được sinh ra trên đất Mỹ, có bố mẹ là người gốc Nhật di cư và được công nhận là công dân Hoa Kỳ. Số còn lại – gọi là Issei, là người Nhật Bản nhập cư – không được luật pháp công nhận là công dân Hoa Kỳ. Năm 1944, sắc lệnh cưỡng chế người Nhật Bản vào các căn cứ quân sự chính thức được Tòa án Tối cao dỡ bỏ. Nhưng phải tới hơn 3 năm sau, các công dân gốc Nhật mới thật sự có được tự do.
Michi Weglyn cùng gia đình đã phải nếm trải cảnh tù đày trong các khu tại tập trung ngay khi còn rất nhỏ. Trong tác phẩm Years of Infamy (Những năm tháng ngục tù), bà đã mô tả lại khung cảnh lộn xộn, thiếu thốn, hỗn loạn cùng tinh thần đấu tranh và bảo vệ phẩm giá của những người Mỹ gốc Nhật. Họ cùng nhau đấu tranh, đưa ra các bản yêu sách, tổ chức các buổi mít-tinh lớn, từ chối ký vào Lời thề trung thành , và nổi dậy chống lại nhóm quản lý các khu trại.
Câu chuyện của những công dân Mỹ gốc Nhật không cần phải đợi đến khi chiến tranh kết thúc mới được công chúng biết đến. Tháng 9 năm 1945, một tháng trước khi cuộc chiến tại châu á chấm dứt, trong một bài báo trên Harper’s Magazine, giáo sư luật Đại học Yale, Eugene V. Rostow đã gọi việc giam giữ những người Nhật trong các trại tập trung là “sai lầm tệ hại nhất của người Mỹ”. Đó có phải là sai lầm? Hay chỉ đơn thuần là một hành động của một quốc gia vốn nổi tiếng từ lâu với nạn phân biệt chủng tộc và hiện tại đang chiến đấu không phải để chấm dứt sự phân biệt chủng tộc đó, mà chỉ để duy trì những yếu tố cơ bản cho nền chuyên chế Hoa Kỳ.
Đó chỉ là cuộc chiến của riêng chính phủ Mỹ và những kẻ hưởng lợi từ chiến tranh không ai khác chính là tầng lớp thống trị giàu có. Sự liên minh giữa quyền lực và kinh
tế khiến người ta nhớ lại những lời đề nghị đầu tiên mà Hamilton trình lên Quốc hội sau Cuộc chiến giành độc lập ở Bắc Mỹ (Revolutionary War). Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mối quan hệ đó càng được củng cố và phát triển. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng, Roosevelt đã nhiều lần lên án “những kẻ theo chủ nghĩa kinh tế cực đoan”, song ông ta cũng không thể thiếu sự ủng hộ của các nhân vật đầu lĩnh trong giới kinh doanh. Suốt thời gian cuộc chiến, từ vị trí nhân viên của WPB , Bruce Catton đã quan sát và nhận xét: “Những kẻ theo chủ nghĩa kinh tế cực đoan, những kẻ từng bị lên án và chế giễu… giờ đây lại là một phần của cuộc chơi…”
Trong tác phẩm The War Lords of Washington (Các chúa tể chiến tranh của Washington), Catton đã mô tả chi tiết quá trình huy động công nghiệp để phục vụ cho chiến tranh diễn ra như thế nào, cũng như giải thích lý do vì sao của cải ngày càng được tập trung trong tay một số rất ít các tập đoàn thương mại khổng lồ. Năm 1940, Hoa Kỳ bắt đầu gửi một lượng lớn vật tư chiến tranh cho Anh và Pháp. Tính đến năm 1941, ba phần tư tổng giá trị của các hợp đồng quân sự thuộc quyền kiểm soát của 56 tập đoàn lớn. Bản báo cáo mang tên “Tập trung kinh tế và Chiến tranh thế giới thứ hai” của Thượng viện Mỹ đã công bố, trong cam kết trị giá 1 tỷ đô-la dành cho nghiên cứu công nghiệp do chính phủ khởi xướng với sự tham gia của hai nghìn doanh nghiệp, riêng 10 tập đoàn lớn nhất đã chiếm tới 400 triệu đô-la.
Ban quản đốc tiếp tục là nơi chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định, và mặc dù số lượng công nhân thuộc hai tổ chức CIO và AFL lên tới 12 triệu người, tầng lớp lao động vẫn luôn có địa vị thấp kém hơn. Việc các ủy ban quản lý lao động được thành lập ở năm nghìn nhà máy ban đầu được xem là một động thái nhằm tạo dựng sự dân chủ trong ngành công nghiệp, song rốt cuộc nhiệm vụ duy nhất của các ban này chỉ là xử lý kỷ luật những công nhân vắng mặt và đưa ra chính sách nhằm tăng năng suất lao động. Catton viết: “Các ông chủ lớn, những người đưa ra các quyết sách, đã quyết định rằng sẽ chẳng có gì đáng kể được thay đổi.”
Mặc cho bầu không khí yêu nước, đoàn kết cống hiến cho chiến thắng chung đang tràn ngập ở khắp mọi nơi. Mặc cho lời cam kết không tiến hành đình công của CIO và
AFL, rất nhiều công nhân, những con người đang giận dữ vì phải nhận khoản tiền công ít ỏi trong khi lợi nhuận kinh doanh của các công ty thì không ngừng tăng vọt, đã cùng nhau đình công. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, có tới 14 nghìn cuộc đình công đã nổ ra, với sự tham gia của 6.770.000 công nhân, nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử nước Mỹ. Chỉ tính riêng năm 1944, có khoảng một triệu công nhân thuộc các ngành công nghiệp khác nhau như khai thác, luyện kim, ôtô hay vận chuyển thiết bị công nghiệp đã xuống đường biểu tình.
Chiến tranh kết thúc cũng là lúc số lượng các cuộc đình công đạt tới con số kỷ lục – 3 triệu, tính đến giữa năm 1946. Theo Jeremy Brecher (trong tác phẩm Strike − Đấu tranh), nếu không có sự can thiệp của các công đoàn, chắc chắn sẽ có một cuộc đối đầu lớn giữa giới lao động và chính phủ Mỹ, vốn hậu thuẫn cho giới chủ doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Lowell, bang Massachusset, trong tác phẩm chưa từng được xuất bản mang tựa đề The Irony of Victory: Lowell during the World War II (Sự mỉa mai của chiến thắng: Lowell trong Chiến tranh thế giới thứ hai), tác giả Marc Miller đã cho biết số lượng các cuộc đình công từ năm 1943 tới 1944 bằng với riêng gnăm 1937. Trước đó, nó có thể là một “cuộc chiến của con người”, song trên thực tế, nó chỉ khiến người lao động cảm thấy bất mãn với một thực tế là lợi nhuận của các nhà máy dệt tăng tới 600% trong những năm từ 1940 tới 1946, trong khi đó, tiền công của họ chỉ tăng 36%. Cuộc chiến cũng gần như không làm đổi thay thực trạng vị thế của nữ giới trong các nhà máy, điển hình là ở Lowell. Đối với những công nhân nữ đang nuôi con nhỏ, chỉ có 5% trong số đó đủ khả năng chi trả cho dịch vụ trông giữ trẻ tại các trường mẫu giáo, số còn lại phải tự mình thu xếp việc chăm sóc con cái.
Ẩn sau những khẩu hiệu hô vang ngợi ca tinh thần ái quốc, rất nhiều người tin rằng chiến tranh là một sai lầm, cho dù đó là cuộc chiến chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa Phát-xít. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, 10 triệu người tình nguyện gia nhập quân đội, nhưng có tới 43 nghìn người từ chối tham gia chiến đấu, nhiều gấp ba lần số C.O’s (Conscientious objectors – những người từ chối nhập ngũ vì nghĩ rằng chiến tranh trái với đạo lý) trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong số đó, đã có 6 nghìn người bị bắt giam, cao gấp bốn lần so với số lượng tù nhân phản chiến bị giam giữ
trong suốt Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cứ sáu tội phạm bị đưa tới nhà tù liên bang thì có một là tù nhân phản chiến.
Số lượng những người từ chối nhập ngũ có lẽ không chỉ dừng lại ở con số 43 nghìn. Theo thống kê của chính phủ Hoa Kỳ, có tới 350 nghìn trường hợp trốn nghĩa vụ quân sự, trong đó bao gồm cả những trường hợp vi phạm kỷ luật và đào ngũ. Chính vì vậy, rất khó để đưa ra được một con số chính xác, song chắc chắn số lượng người từ chối tham gia chiến tranh có thể lên đến vài trăm nghìn – một con số không hề nhỏ. Đó chính là bộ mặt thật ẩn sau quyết tâm đồng lòng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ.
Đối với các binh sỹ đã tham gia quân đội, những người luôn sẵn sàng chiến đấu vì nước Mỹ, thật khó để biết được họ đã bất mãn với chính quyền ra sao, cảm thấy ghê tởm như thế nào khi phải chiến đấu trong một cuộc chiến vô nghĩa, trong một bộ máy chiến tranh phi dân chủ. Cũng không có ghi chép nào mô tả lại sự cay đắng mà họ đã nếm trải khi phải chứng kiến những ưu đãi đặc biệt, chỉ dành riêng cho các sỹ quan, mà họ chưa bao giờ được hưởng trong quân đội của một đất nước vốn nổi danh là dân chủ. Xin đơn cử một vài thí dụ về sự phân biệt đối xử đó: Để xả hơi giữa hai điệp vụ ném bom, binh sỹ thuộc không lực Hoa Kỳ thường cùng nhau đi xem phim trong một rạp hát ở châu âu. Trong rạp hát đó có hai dãy ghế tách biệt nhau, một dãy dành cho các sỹ quan (thường là rất ngắn, ở hàng đầu gần màn ảnh) và dãy còn lại dành cho nhóm binh lính cấp thấp (rất dài và ở xa màn ảnh). Cũng có hai loại phòng ăn tập thể trong doanh trại quân đội Mỹ, và thức ăn dành cho những người lính, cho dù sắp phải lên đường chiến đấu, tệ hơn rất nhiều so với thức ăn của các sỹ quan.
Dòng văn học thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, nổi bật có các tác phẩm như From Here to Eternity (Từ đây đến chốn vĩnh cửu) của James Jones, Catch-22 của Joseph Heller, và đặc biệt là The Naked and the Death (Trần trụi và chết chóc) của Norman Mailer. Mailer đã không ngần ngại sử dụng cụm từ đội quân “vô liêm sỉ” trong tác phẩm của mình. Trích đoạn cuộc trò chuyện của một nhóm binh sỹ chiến trường:
Red nói: “Điều tệ hại duy nhất đối với đội quân này là nó chưa bao giờ thất bại.”
“Cậu nghĩ là chúng ta nên thất bại ư?” Toglio ngạc nhiên hỏi lại.
Red gần như mất bình tĩnh: “Tôi chiến đấu với lũ Nhật Bản chết tiệt này là vì cái gì? Cậu nghĩ là tôi quan tâm nếu chúng cứ giữ khư khư cái khu rừng quái quỷ này ư? Việc Cummings có thêm huy chương thì mắc mớ gì tới tôi?”
Martinez nhỏ nhẹ nói: “Tướng Cummings, ông ta là một người tốt.”
“Chẳng có gã sỹ quan nào trên đời này là tốt cả,” Red bực tức nói.
Dường như sự thờ ơ, thậm chí là thù ghét đối với chiến tranh đã trở thành một phần của những người da đen bất chấp mọi nỗ lực lôi kéo cảm tình của một số tờ báo và các nhà lãnh đạo gốc Phi. Lawrence Wittner (trong tác phẩm Rebels against War – Các cuộc bạo động chống chiến tranh) đã nói với một nhà báo da đen rằng: “Người da đen… đang nổi giận, đang căm phẫn và hoàn toàn thờ ơ với chiến tranh. Chiến đấu vì cái gì? Đối với tôi cuộc chiến này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu chúng ta thắng thì tôi thua, thế thì sao chứ?” Một sỹ quan người da đen, trong chuyến nghỉ phép, kể cho bạn bè ở Harlem về hàng trăm buổi trò chuyện với những người lính gốc Phi và thấy rằng, chiến tranh hoàn toàn vô nghĩa.
Một sinh viên trong trường đại học dành cho người da đen đã nói với giáo viên của mình rằng: “Quân đội đàn áp chúng tôi, Hải quân chỉ cho chúng tôi làm chân chạy bàn ăn. Hội Chữ thập đỏ từ chối nhận máu của chúng tôi. Giới chủ và các liên đoàn lao động gạt chúng tôi ra ngoài. Kiểu hành hình lin-sơ vẫn được duy trì. Họ tước quyền bầu cử, đàn áp, ghê tởm chúng tôi. Liệu Hitler có hơn thế chăng?” Walter White, lãnh đạo của NAACP, đã nhắc lại những lời này cho một đám đông những người da đen ở Midwest và nghĩ rằng họ sẽ không đồng tình, nhưng kết quả là ngược lại, ông nhớ lại: “Tôi thật sự rất ngạc nhiên và bối rối khi đám đông đột nhiên vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. Phải mất một lúc tôi mới khiến họ yên lặng trở lại.”
Tháng 1 năm 1943, một bài thơ mang tựa đề Draftee’s Prayer (Nguyện cầu của người ra trận) được đăng tải trên một tờ báo dành cho người da đen:
Chúa kính yêu, hôm nay
Con ra trận
Để chiến đấu, và để hy sinh
Hãy cho con biết là vì cái gì?
Chúa nhân từ, con sẽ chiến đấu
Con không sợ hãi,
người Đức hay người Nhật;
Nỗi sợ của con là ở đây,
Trên đất Mỹ này.
Tuy nhiên, không có tổ chức người da đen nào đứng lên chống lại chiến tranh. Trên thực tế, có rất ít các cuộc biểu tình phản đối mang tính tổ chức. Đảng Cộng sản rất nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động như vậy. Đảng Xã hội do không có sự thống nhất trong tổ chức đã không thể đưa ra một lời tuyên bố rõ ràng theo cách này hoặc cách khác. Một vài nhóm nhỏ phi chính phủ và ủng hộ hòa bình đã từ chối tổ chức phản đối chiến tranh. Liên hiệp Phụ nữ Quốc tế vì Tự do và Hòa bình (Women’s International League for Peace and Freedom) đã tuyên bố rằng: “… cuộc chiến giữa các quốc gia, giữa các tầng lớp hay chủng tộc không thể giải quyết triệt để mọi mâu thuẫn cũng như hàn gắn được những vết thương hiện hữu “. Tờ Catholic Worker nhận định: “Chúng ta vẫn yêu hòa bình… ”
Nhận thấy rằng kêu gọi “hòa bình” trong một thế giới đang quay cuồng trong các hệ tư tưởng Tư bản, Phát-xít và Chủ nghĩa Cộng sản là điều không thể, những người yêu hòa bình đã cùng nhau kêu gọi tiến hành “Cách mạng bất bạo động”. A. J. Muste thuộc Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of
Reconciliation) nhớ lại: “Tôi không thích thú lắm với thứ chủ nghĩa hòa bình ủy mị và dễ dãi trong những năm đầu của thế kỷ này. Bởi lẽ nó khiến cho con người ta ảo tưởng rằng chỉ cần ngồi xuống, cùng nhau nói về hòa bình và tình yêu là có thể giải quyết được mọi vấn đề của thế giới.” Muste nhận thấy rằng, thế giới đang đứng trước thời cơ cách mạng và những người yêu hòa bình sẽ là những người biến nó thành hiện thực, mà không cần phải dùng tới bạo lực. Một phong trào hòa bình cách mạng thật sự phải là một phong trào liên kết được những nhóm người bị áp bức như người da đen, các tá điền và công nhân trong các ngành công nghiệp.
Chỉ có một tổ chức xã hội duy nhất dám công khai đứng lên chống lại chiến tranh, đó là Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa (Socialist Workers Party). Tuy nhiên, năm 1940, khi nước Mỹ vẫn chưa tham chiến, Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định thông qua Đạo luật Smith. Điều này giúp cho Đạo luật Chống gián điệp (được ban hành năm 1917 và hiện nay vẫn còn hiệu lực) − vốn chỉ được áp dụng cho các bản báo cáo thời chiến − có quyền ngăn cấm bất cứ buổi nói chuyện hay bản ghi chép nào có hơi hướng chống lại việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và được phép áp dụng ngay cả trong thời bình. Đạo luật Smith cũng coi việc lật đổ chính quyền bằng vũ trang và bạo động, hay tham gia vào các tổ chức có âm mưu cũng như tuyên truyền các tư tưởng chống lại chính phủ là một tội danh và cần phải bị trừng trị. Năm 1943, mười tám thành viên của Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa bị bắt tại Mineapolis với tội danh tham gia vào tổ chức có tư tưởng vi phạm Đạo luật Smith, điển hình là Tuyên ngôn Cộng sản. Những người này nhanh chóng bị kết án tù và Tòa án Tối cao từ chối xem xét đơn kháng cáo của họ.
Một vài tiếng nói vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng cuộc chiến thật sự đang diễn ra trong chính nội bộ mỗi quốc gia. Đầu năm 1945, tạp chí thời chiến mang tên Politics do Dwight Macdonald đã cho đăng tải một bài phóng sự của triết gia chủ nghĩa xã hội người Pháp, Simone Weil:
Kẻ thù lớn nhất của chúng ta, cho dù chúng có mang mặt nạ Phát-xít, dân chủ hay chuyên chính vô sản, chính là thể chế − với bộ máy quan liêu, cảnh sát và quân đội.
Chính những kẻ đang khoác lên mình cái danh hiệu bảo vệ nhân dân nhằm biến họ thành nô lệ của chúng mới là kẻ thù đích thực, chứ không phải những người chúng ta phải đối mặt trên chiến trường hay trong các trận đánh. Cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, sự phản bội tồi tệ nhất đối với bản thân chúng ta chính là phụ thuộc vào cái thể chế đó, làm đầy tớ cho nó và tự chà đạp nhân phẩm của chính mình và của những người khác.
Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều người dân Mỹ được huy động tham gia vào quân đội, vào các hoạt động dân sự và vào các trận chiến. Càng ngày càng có nhiều người Mỹ bị cuốn vào bầu không khí thời chiến. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn các binh sỹ đều đồng tình với bản dự thảo về thời kỳ hậu chiến. Lòng căm hận với kẻ thù, như Phát-xít Nhật, ngày càng lan rộng. Tạp chí Times, trong khi tường thuật về trận đánh ở Iwo Jima, đã nói: “Người Nhật quả là ngu dốt. Có thể bọn chúng là con người nhưng chẳng có gì chứng minh cho điều đó cả…”
Chính vì vậy, các cuộc không kích nhằm vào dân thường gây hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử tại các thành phố lớn của Đức và Nhật Bản đã giành được khá nhiều sự đồng thuận từ công luận. Một ai đó có thể nghĩ rằng sự ủng hộ rộng khắp đó chính là minh chứng cho cái gọi là “chiến tranh nhân dân”. Nhưng nếu như cuộc “chiến tranh nhân dân” mang ý nghĩa là một cuộc chiến vệ quốc của người dân nhằm chống lại các cuộc xâm lược, và nếu như nó mang ý nghĩa là cuộc chiến vì những lý do nhân đạo chính nghĩa cao cả chứ không phải vì lợi ích của tầng lớp nào đó, một cuộc chiến chống lại một số ít quốc gia gây chiến chứ không phải chống lại người dân ở các quốc gia đó, vậy thì các cuộc không kích tàn sát dân thường ở Đức và Nhật Bản rõ ràng không hề mang ý nghĩa đó.
Nước ý đã đánh bom các thành phố của Ethiopia; rồi cùng nước Đức tàn sát dân thường trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, máy bay của Đức Quốc Xã đã không kích các thành phố như Rotterdam (Hà Lan), Convertry (Anh) cùng nhiều nơi khác nữa. Roosevelt gọi đó là “hành động man rợ mất nhân tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương tâm loài người”. Song các cuộc
đánh bom của Đức Quốc Xã chẳng thấm vào đâu so với các cuộc oanh kích của Anh và Mỹ nhằm vào các thành phố của nước Đức. Tháng 1 năm 1943, quân Đồng minh tập hợp tại Casablanca, cùng nhau lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công trên quy mô lớn nhằm “làm suy yếu và tiêu diệt quân đội Đức Quốc Xã cùng hệ thống kinh tế và công nghiệp cũng như bẻ gãy tinh thần kháng cự của người dân Đức”. Ngay sau đó, hàng nghìn máy bay được huy động để phục vụ cho các cuộc đánh bom vào Cologne, Essen, Frankfurt, Hamburg. Không quân Anh đã không ngần ngại tiến hành không kích ban đêm nhằm vào các mục tiêu “phi quân sự”. Về phía Hoa Kỳ, các cuộc ném bom được diễn ra vào ban ngày song được tiến hành từ trên cao nên độ chính xác gần như bằng không. Đỉnh điểm là cuộc oanh tạc tàn khốc vào thành phố Dresden đầu năm 1945, nhiệt lượng từ các vụ nổ đã nhanh chóng tạo thành một cơn bão lửa quét qua thành phố. Hơn 100 nghìn người thiệt mạng. (Winston Churchill, trong hồi ức chiến tranh của mình, đã tự nhận trách nhiệm về vụ ném bom đó: “Chúng tôi đã tiến hành đột kích bất ngờ vào Dresden một tháng sau, và sau đó là trung tâm liên lạc
ở mặt trận Đông Đức”). Các trận oanh tạc vào các thành phố của Nhật Bản cũng được coi là một phần trong chiến lược dội bom liên tục nhằm bẻ gãy tinh thần kháng cự của người dân nước này; 80 nghìn người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào thành phố Tokyo. Ngày mồng 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima và ngay lập tức đã cướp đi hơn 100 nghìn sinh mạng, hàng chục nghìn người sau đó cũng chết dần chết mòn do nhiễm độc phóng xạ. Theo như Martin Sherwin công bố trong tác phẩm A World Destroyed (Một thế giới bị diệt vong), 12 lính thủy đánh bộ Mỹ bị giam trong nhà tù của Hiroshima cũng tử nạn trọng vụ ném bom này – một sự thật mà chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ dám công khai thừa nhận. Ba ngày sau, quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki, cướp đi sinh mạng của 50 nghìn dân thường vô tội.
Giới cầm quyền biện minh rằng hai cuộc ném bom đó là để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh mà không cần phải xâm lược Nhật Bản, và rằng một cuộc tấn công vào Nhật Bản có thể phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng của binh lính. Một triệu là con số do Ngoại trưởng Mỹ Byrnes đưa ra; còn Tướng Geogre Marshall thì tuyên bố với Tổng thống Truman rằng con số đó sẽ vào khoảng nửa triệu. (Các tài liệu liên quan
đến Dự án Manhattan – Dự án chế tạo bom nguyên tử – được công bố sau đó vài năm đã cho thấy Marshall từng đề xuất đưa ra một lời cảnh báo với người dân để họ tránh xa khỏi các khu vực bị ném bom). Rõ ràng các con số ước đoán về thương vong do Hoa Kỳ đưa ra hoàn toàn không đúng sự thật và chỉ nhằm mục đích biện minh cho những vụ ném bom thảm khốc, mà hậu quả của chúng đang ngày càng khiến nhiều người lo ngại. Tháng 8 năm 1945, cả nước Nhật chìm trong tuyệt vọng và sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện. Không lâu sau khi chiến tranh chấm dứt, nhà phân tích quân sự Halson Baldwin đã nhận xét trên tờ New York Times như sau:
Xét về khía cạnh ý nghĩa quân sự, ngay khi Tuyên bố Potsdam được phe Đồng minh đưa ra ngày 26 tháng 7, Nhật Bản đã hoàn toàn rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Vậy thì, việc xóa sổ hai thành phố Hiroshima và Nagasaki có thật sự cần thiết hay không? Dĩ nhiên, câu trả lời là KHôNG.
Năm 1944, Bộ Chiến tranh tiến hành khảo sát chiến lược ném bom thảm khốc của quân đội Hoa Kỳ để đánh giá mức độ hiệu quả của các cuộc oanh kích trên không. Hàng trăm dân thường cùng nhiều thủ lĩnh quân sự phía Nhật Bản được phỏng vấn sau chiến tranh, bản báo cáo được đưa ra sau đó cũng nhận định:
Theo như bản điều tra chi tiết các sự kiện cùng lời khai của các tướng lĩnh Nhật Bản, từ ngày 31 tháng 12 năm 1945, thậm chí là trước ngày 1 tháng 11 năm 1945, phía Nhật Bản đã sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện ngay cả khi hai quả bom nguyên tử không được ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Liên Xô không tham chiến hay các cuộc chiếm đóng không được tiến hành.
Nhưng liệu giới lãnh đạo Hoa Kỳ có biết điều đó trong tháng 8 năm 1945? Câu trả lời chắc chắn là có. Hệ thống mật mã của Nhật bị đánh sập, các thư từ thông báo bị ngăn chặn, Nhật buộc phải ra chỉ thị cho đại sứ của họ ở Moscow tìm mọi cách đàm phán với phe Đồng minh. Một năm trước đó, giới lãnh đạo Nhật Bản cũng đã bắt đầu tính đến việc đầu hàng. Tháng 6 năm 1945, Thiên hoàng Hirohito yêu cầu các tướng lĩnh nên cân nhắc việc tiếp tục chiến đấu. Ngày 13 tháng 7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Shigenory Togo gửi một bức điện cho đại sứ của mình tại Moscow và nhấn mạnh:
“Đầu hàng vô điều kiện là trở ngại duy nhất cho hòa bình…”
Martin Sherwin, sau khi nghiên cứu các tài liệu lịch sử liên quan, đã kết luận: “Bằng việc phá giải mật mã của Nhật Bản, cơ quan tình báo Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng và thật sự đã chuyển thông điệp (về việc sẵn sang đầu hàng) tới Tổng thống, song mọi nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh đều bị phớt lờ.” Nếu như nước Mỹ không quá khăng khăng vào việc buộc nước Nhật đầu hàng vô điều kiện và đồng ý đáp ứng một yêu cầu duy nhất từ phía Nhật Bản – đó là Thiên hoàng, biểu tượng thần thánh của xứ mặt trời mọc, tiếp tục tại vị − thì có lẽ người Nhật đã chấp nhận chấm dứt chiến tranh. Vậy thì lý do gì khiến Hoa Kỳ từ chối nhượng bộ một yêu sách nhỏ nhoi có thể cứu lấy hàng vạn sinh mạng của người Mỹ lẫn người Nhật? Phải chăng sẽ là phí hoài nếu không ném hai quả bom nguyên tử vốn dĩ đã ngốn không ít tiền bạc và công sức của chính phủ? Tướng Leslie Groves, người đứng đầu Dự án Manhattan, đã mô tả Truman khi đó giống như người đang cưỡi trên lưng hổ, “đâm lao phải theo lao” và không thể dừng lại. Còn nhà khoa học người Anh P. M. S. Blackett (trong tác phẩm Fear, War, and the Bomb – Sợ hãi, Chiến tranh và Bom đạn) thì nhận định: Sở dĩ nước Mỹ ném hai quả bom nguyên tử là vì họ lo sợ Liên Xô sẽ nhảy vào cuộc chiến với Nhật Bản.
Chính quyền Xôviết, mặc dù không công khai tuyên chiến với Nhật Bản, nhưng đã ngầm thỏa thuận rằng sẽ tham chiến vào khoảng thời gian 90 ngày trước khi chiến tranh tại châu âu chấm dứt. Thời điểm đưa ra thỏa thuận đó là vào ngày 8 tháng 5. Nếu tuân thủ đúng thỏa thuận, ngày 8 tháng 8, nước Nga Xôviết sẽ chính thức tuyên bố chiến tranh với Phát-xít Nhật. Nhưng rồi hai quả bom ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki đã khiến Nhật Bản quy hàng trước Hoa Kỳ, chứ không phải trước người Nga. Nước Mỹ nghiễm nhiên trở thành kẻ thống trị Nhật Bản sau chiến tranh. Theo cách giải thích của Blackett, thì hành động ném bom đó đơn thuần là “động thái đầu tiên mở màn cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh với Liên Xô…” Quan điểm của Blackett đã nhận được sự đồng tình của Gar Alperovitz − sử gia Mỹ, người đã cất công ghi chép lại nhật ký của Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ James Forrestal, trong đó mô tả Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes là “người nóng lòng nhất muốn giành được Nhật Bản trước khi người Nga đặt chân tới”.
Tổng thống Truman đã tuyên bố: “Thế giới phải biết rằng quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima − một căn cứ quân sự. Và mục đích của hành động đó là để giảm thiểu tối đa thương vong cho dân thường.” Tuyên bố trên hết sức vô lý bởi lẽ trong số 100 nghìn người thiệt mạng sau vụ ném bom, chiếm phần lớn là thường dân vô tội. Bản báo cáo chính thức của U.S. Strategic Bombing Survey (Ủy ban điều tra các vụ ném bom của không lực Hoa Kỳ) đã nhấn mạnh: “Sở dĩ Hiroshima và Nagasaki được chọn làm mục tiêu thả bom vì đây là hai thành phố có mật độ dân cư đông đúc và là cơ sở hậu cần quan trọng.” Việc ném quả bom thứ hai xuống Nagasaki dường như đã được tính toán từ trước và không một ai có thể giải thích được lý do vì sao nó lại bị nhắm tới. Người ta tự hỏi, phải chăng vì đấy là bom plutonium chứ không phải bom uranium như ở Hiroshima? Phải chăng chính phủ Hoa Kỳ tiến hành những thử nghiệm hóa học bằng cách cướp đi mạng sống của các nạn nhân vô tội ở Nagasaki? Trong đó có không ít phạm nhân Mỹ đang bị giam giữ, Martin Shevin cho biết. ông đã ghi chép lại bức thông điệp được gửi từ trụ sở của Lực lượng Không quân chiến lược Hoa Kỳ, đóng tại Guam tới Bộ Chiến tranh vào ngày 31 tháng 7, trong đó thông báo:
Theo báo cáo mới ghi nhận, không kèm theo hình ảnh, đã phát hiện địa điểm giam giữ tù nhân quân Đồng minh, cách trung tâm thành phố Nagasaki một dặm về hướng Bắc. Liệu phát hiện này có làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn mục tiêu ban đầu của CenterBoard hay không? Yêu cầu trả lời ngay lập tức.
Câu trả lời là: “Mục tiêu ban đầu của Center Board không thay đổi.”
Quả thực, chiến tranh đã kết thúc nhanh hơn. Italia đã đầu hàng một năm trước đó. Đức Quốc Xã cũng bị Hồng quân Liên Xô nghiền nát trên mặt trận phía Đông, bị quân Đồng minh đánh bại tại mặt trận phía Tây. Giờ đây, đến lượt Nhật Bản quy hàng, sức mạnh của chủ nghĩa Phát-xít đã hoàn toàn sụp đổ.
Nhưng còn tư tưởng cũng như bản chất của chủ nghĩa Phát-xít thì sao? Liệu những thứ như chủ nghĩa quân phiệt, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc có thật sự biến mất? Hay chúng đã được những kẻ tự xưng là chiến thắng bạo tàn? Năm 1941, A. J. Muste, một người theo chủ nghĩa cách mạng hòa bình, đã dự đoán: “Sau chiến tranh,
vấn đề chính là ở những kẻ chiến thắng. Họ nghĩ rằng họ đã chứng minh được chiến thắng của mình bằng chiến tranh và bạo lực. Giờ thì ai dám lên mặt dạy bảo họ?”
Những người chiến thắng gồm có Liên bang Xôviết và Hoa Kỳ (cũng bao gồm nước Anh, Pháp và Trung Hoa Dân quốc, nhưng ở thế yếu hơn đôi chút). Ở các quốc gia ấy giờ đây không còn tồn tại biểu tượng thập ngoặc, không còn quỳ gối như nô lệ, cũng không công khai phân biệt chủng tộc, nhưng dựa trên vỏ bọc “xã hội chủ nghĩa” hoặc “dân chủ” họ đang từng bước xây dựng nên đế chế của mình.
Các thế lực lớn trên thế giới đã tiếp tục chia sẻ cũng như cạnh tranh với nhau để cùng phát triển các loại vũ khí quân sự ưu việt hơn những gì khối Phát-xít từng chế tạo, nhằm nắm quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn cả thời đế chế của Hitler, Mussolini và Nhật Bản từng kiểm soát. Những nước này còn hành động để kiểm soát chính người dân của mình và bảo vệ những luật lệ mà họ đề ra bằng những kỹ thuật riêng, bất kể thô sơ như của Liên bang Xôviết hay phức tạp như của Hoa Kỳ.
Cuộc chiến không những giúp cho nước Mỹ nắm quyền thống trị một nửa bán cầu; mà việc kiểm soát tình hình trong nước cũng được cải thiện một cách rõ rệt. Tình trạng thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế cũng như bất ổn chính trị kéo dài trong suốt những năm 1930, vốn chỉ giảm nhẹ phần nào do Chính sách Kinh tế xã hội mới, giờ đây đã hoàn toàn bị những mối quan ngại lớn hơn từ chiến tranh thay thế. Chiến tranh giúp người nông dân kiếm được nhiều tiền hơn, mức thu nhập nâng cao hơn góp phần đảm bảo đời sống cho đại bộ phận người dân, các cuộc bạo loạn từng làm xáo trộn trong những năm 1930 nhờ đó cũng bị đẩy lùi. Theo Lawrence Wittner, “Chiến tranh đã thổi luồng sinh khí mới cho chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ”. Lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ sau chiến tranh, từ 6,4 tỷ đô-la năm 1940 lên đến 10,8 tỷ đô-la vào năm 1944, đủ để khiến tầng lớp công nhân và nông dân nghĩ rằng chính phủ đang thật sự mang lại cho họ những điều tốt đẹp.
Một bài học cũ nhưng không bao giờ thừa mà nước Mỹ học được đó là: “Chiến tranh có thể giải quyết được mọi vấn đề về quản lý và thống trị”. Charles E. Wilson, chủ tịch tập đoàn General Electric Corporation, trước những lợi ích to lớn do chiến tranh
mang lại đã không ngần ngại chủ động đề xuất tạo dựng một “thể chế kinh tế chiến tranh vĩnh cửu” bằng cách tiếp tục duy trì mối liên minh giữa kinh tế và quân sự.
Sau chiến tranh, nhằm ngăn chặn làn sóng đòi xuất ngũ và giải trừ quân bị của người dân Mỹ đã quá mệt mỏi với những gì mà cuộc chiến mang lại, chính quyền của Truman (Roosevelt đã qua đời trước đó, vào tháng 4 năm 1945) đã tìm cách khuấy lên bầu không khí hoang mang lo sợ khủng hoảng và Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, trận chiến đối đầu với Liên Xô là hoàn toàn có thực. Một nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng, số người chết trong chiến tranh ước tính khoảng 20 triệu người, đó là những gì mà Liên Xô phải gánh chịu sau cuộc chiến. Bằng việc tái cơ cấu lại nền công nghiệp cũng như không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, hơn lúc nào hết, Liên Xô đang trở thành một mối đe dọa hàng đầu đối với nước Mỹ và với chính quyền của Truman.
Với mục tiêu tăng cường ngân sách cho quân đội và kích cầu kinh tế bằng các đơn đặt hàng quân sự, nước Mỹ đã tạo ra tâm lý sợ hãi – một sự ghê sợ đối với chủ nghĩa cộng sản. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ còn kết hợp một số chính sách và biện pháp cho phép tiến hành các hoạt động chặt chẽ và mạnh bạo hơn trong giải quyết các vấn đề đối nội cũng như quốc tế. Các cuộc đấu tranh cách mạng ở châu á và châu âu được giới cầm quyền Hoa Kỳ mô tả là hiện thân của chủ nghĩa bành trướng do Liên Xô lãnh đạo – nhằm nhen lại ngọn lửa căm thù của người dân Mỹ đối với sự xâm lăng của Hitler trong quá khứ.
Trước chiến tranh, hy Lạp vốn là một quốc gia nằm dưới sự thống trị chế độ quân chủ cánh hữu và chủ nghĩa độc tài. Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc, nhờ sự can thiệp của quân đội Anh, tổ chức theo đường lối tả khuynh mang tên Mặt trận Dân tộc Giải phóng (National Liberation Front – EAM) chính thức được thành lập. Ngay sau khi chế độ độc tài được khôi phục, một loạt những người tham gia chống lại chính quyền bị tống giam, lãnh đạo các công đoàn cũng bị loại bỏ. Gần như ngay lập tức, phe cánh tả đã đứng ra phát động một phong trào chiến tranh du kích chống lại chế độ độc tài với sự tham gia của 17 nghìn binh lính, hơn 50 nghìn người ủng hộ và gần 270 nghìn cảm tình viên, quả là một con số đáng kinh ngạc đối với một quốc gia 7 triệu dân.
Nhận thấy không thể ngăn chặn được cơn bạo loạn bùng phát, Anh quốc buộc phải nhờ đến sự can thiệp của nước Mỹ. Một phát ngôn viên thuộc Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Đây chính là thời khắc Anh quốc trao lại quyền lãnh đạo thế giới cho Hoa Kỳ”.
Nước Mỹ dường như đang hưởng ứng theo Học thuyết Truman, cái tên được dùng đặt cho tư tưởng chủ đạo trong bài phát biểu của Truman vào mùa xuân năm 1947 trước Quốc hội, trong đó kêu gọi gói viện trợ quân sự và kinh tế trị giá 400 triệu đô-la cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Truman tuyên bố rằng nước Mỹ phải trợ giúp “miễn phí cho mọi dân tộc − những người đang phải chống chọi lại sự chinh phạt của các tổ chức có vũ trang trong nước hoặc của các thế lực quốc tế”. Trên thực tế, thế lực lớn nhất trên trường quốc tế không ai khác chính là Hoa Kỳ. Các cuộc bạo loạn tại Hy Lạp được hậu thuẫn phần lớn từ chính quyền Nam Tư, chứ không phải Liên Xô. Trong suốt chiến tranh, Liên Xô đã thỏa thuận với Churchill rằng sẽ giúp đỡ nước Anh giải quyết các vấn đề tại Hy Lạp, đổi lại, nước Anh cũng sẽ dọn đường cho Liên Xô tiến vào Rumania, Phần Lan, Bungary. Có thể nói, Liên Xô cũng giống như Hoa Kỳ, không bao giờ sẵn sàng trợ giúp bất cứ cuộc cách mạng nào mà nó không thể kiểm soát.
Tổng thống Truman tuyên bố với thế giới rằng: “Phải chọn lựa một trong hai cách để tồn tại.” Một là dựa trên “ý muốn của đa số… điển hình là các tổ chức tự do”; cách thứ hai là dựa trên “ý muốn của thiểu số… đó là khủng bố và đàn áp hay còn gọi là sự đàn áp tự do cá nhân.” Cố vấn của Truman, Clark Clifford ám chỉ rằng việc can thiệp vào Hy Lạp thực chất là vì một nguyên nhân khác kém hoa mỹ hơn, nhưng thực tế hơn, đó là: “nguồn tài nguyên giàu có của Trung Đông” (theo hàm ý của Clifford là dầu mỏ), nhưng điều này chưa bao giờ được Truman công khai đề cập. Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc nội chiến ở Hy Lạp, không phải bằng quân đội mà bằng vũ khí và các cố vấn quân sự. Trong những tháng cuối năm 1945, 74 nghìn tấn thiết bị quân dụng đã được chuyển tới chính quyền cánh hữu tại Athen, bao gồm pháo, phi cơ ném bom cùng vô số bom napalm. 250 cố vấn quân sự, đứng đầu là Tướng James Van Fleet, được điều động để trợ giúp cho quân đội Hy Lạp trên chiến trường. Bằng cách cưỡng chế và bắt ép hàng nghìnngười dân Hy Lạp rời khỏi khu vực đang sinh sống đẩy về các vùng quê, Van Fleet đã tiến hành giải quyết triệt để các cuộc bạo loạn nhằm cắt bỏ sự trợ
giúp cũng như cô lập phong trào chiến tranh du kích.
Năm 1949, các cuộc bạo loạn hoàn toàn bị dập tắt. Các gói viện trợ kinh tế và quân sự tiếp tục được chính phủ Hoa Kỳ chuyển tới Hy Lạp. Các nguồn vốn đầu tư từ FSSO, tập đoàn hóa chất Uow, Chrysler cùng nhiều tập đoàn kinh tế khác ồ ạt đổ vào quốc gia nhỏ bé này. Song một loạt các vấn đề khác như thất học, nghèo đói vẫn không được giải quyết triệt để. Trong tác phẩm Intervention and Revolution (Can thiệp và Cách mạng), Richard Barnet cho rằng Hy Lạp đang phải oằn mình chịu đựng cái gọi là “chế độ độc tài quân sự tàn bạo và lạc hậu”.
Tại Trung Quốc, một cuộc cách mạng đã được nhen nhóm ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phong trào đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ đông đảo quần chúng nhân dân. Sau cuộc chiến với Phát-xít Nhật, Hồng quân Trung Quốc tiếp tục triển khai trận chiến chống lại chế độ độc tài thối nát của Tưởng Giới Thạch – do Mỹ bảo trợ. Tính đến năm 1949, chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ cho quân đội của Tưởng Giới Thạch gần 2 tỷ đô-la, tuy nhiên, trong Sách Trắng đệ trình chính phủ, Bộ Ngoại giao nhận định rằng chính quyền Quốc Dân đảng đã hoàn toàn đánh mất sự tín nhiệm của binh lính cũng như của người dân. Tháng 1 năm 1949, các cánh quân của phe Cộng sản tiến về Bắc Kinh, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài, đặt Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của phong trào cách mạng. Đây cũng là lần đầu tiên trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Trung Hoa gần như có được một chính quyền của nhân dân và hoàn toàn độc lập với sự kiểm soát của các thế lực ngoại bang.
Suốt một thập kỷ sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã không ngừng nỗ lực xây dựng một quốc gia thống nhất và loại bỏ những kẻ cực đoan – những người bảo thủ hay tự do, thuộc Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ – không chịu chấp nhận ủng hộ các chính sách đối ngoại liên quan đến Chiến tranh Lạnh và chống Cộng. Để làm được như vậy, nhất thiết phải có một vị Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ tự do, người có thể nhận được sự ủng hộ của phe bảo thủ trong các chính sách đối ngoại mạnh bạo cũng như có thể xây dựng được các chương trình phúc lợi xã hội trong nước mà không vấp phải sự
phản đối của những người theo phái tự do (như Chính sách kinh tế công bằng của Truman – Truman’s Fair Deal). Ngoài ra, nếu các thành viên của Đảng Tự do và Đảng Dân chủ truyền thống miền Nam ủng hộ chính sách đối ngoại chống “xâm lược”, thì khối liên minh tự do – cấp tiến vốn được xây dựng trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ hoàn toàn bị sụp đổ. Và nếu như tinh thần chống Cộng đủ mạnh thì các chính sách đàn áp trong nước từng bị coi là đe dọa nghiêm trọng đến truyền thống tự do dân chủ sẽ được những kẻ theo chân chủ nghĩa tự do chấp nhận. Năm 1950, một sự kiện đã góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành phong trào tự do – với sự đồng thuận của phe bảo thủ − đó là việc Truman tuyên bố chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên.
Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, với sự đầu hàng của Nhật Bản đã chính thức mở ra một thời kỳ mới cho bán đảo Triều Tiên sau 35 năm bị Phát-xít Nhật đô hộ. Việc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô đã khiến bán đảo này bị chia tách thành hai quốc gia riêng biệt là: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) với mô hình xã hội chủ nghĩa dưới sự bảo trợ của Liên Xô và Đại Hàn Dân quốc (Nam Hàn) với mô hình chuyên chính cánh hữu do Hoa Kỳ tiếp quản. Sau không ít lần đe dọa qua lại giữa hai miền Triều Tiên, sáng sớm ngày Chủ nhật 25 tháng 6 năm 1950, quân đội Bắc Hàn đã vượt qua vĩ tuyến 38, mở màn cho cuộc chinh phạt nhằm tiêu diệt chính phủ Nam Hàn. Liên Hiệp Quốc, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã kêu gọi các quốc gia thành viên nhanh chóng “đẩy lùi cuộc tấn công có vũ trang” đó. Truman ngay lập tức đã gửi các lực lượng tới hỗ trợ Hàn Quốc, và quân đội Hoa Kỳ giờ đây được gọi với cái tên Quân đội Liên Hiệp Quốc (The U. N Army). Truman tuyên bố: “Việc can thiệp bằng vũ lực đối với các vấn đề quốc tế một lần nữa sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với những hậu họa khôn lường. Hoa Kỳ nguyện tiếp tục dốc sức bảo vệ sự nghiêm minh của công lý.”
Lời tuyên bố “bảo vệ sự nghiêm minh của công lý” đó của nước Mỹ đã biến bán đảo Triều Tiên, cả miền Nam và miền Bắc, thành một lò sát sinh, thành một bãi chiến trường “nồi da nấu thịt” trong suốt ba năm trời. Napalm rải thảm và một phóng viên của đài BBC đã mô tả lại:
Trước mắt chúng tôi là một hình thù quái dị, lưng hơi rũ xuống, đứng dạng hai chân, hai cánh tay giơ sang ngang. Khuôn mặt biến dạng chỉ còn hốc mắt, và toàn thân, qua lần vải áo đã hóa ra tro, bao phủ một lớp da cháy đen đang rỉ mủ vàng khè… Nạn nhân buộc phải đứng vì lớp da cháy xém giờ rất dòn và dễ vỡ… Tôi chợt nghĩ đến hàng nghìnngôi làng bị hóa thành tro và danh sách các nạn nhân chắc phải dài đến mức có thể phủ kín dọc suốt bán đảo Triều Tiên.
Gần 2 triệu người, cả Nam và Bắc Triều Tiên, đã thiệt mạng trong cuộc chiến, tất cả chỉ để chống lại cái gọi là “Sự can thiệp bằng vũ lực.” Và quân đội Hoa Kỳ dường như còn vượt xa hơn rất nhiều so với thứ “công lý” mà Truman đã tuyên bố. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia “hành động để đẩy lùi cuộc tấn công có vũ trang và khôi phục lại hòa bình, an ninh trong khu vực”. Thế nhưng quân đội Mỹ, sau khi đã đẩy lùi được quân đội Bắc Hàn ra khỏi vĩ tuyến 38, lại tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên tới tận sông áp Lục, sát biên giới Trung Quốc – điều đó đã kích động Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến. Quân đội Trung Hoa ngay sau đó đã tràn xuống phía Nam, cuộc chiến diễn ra trong thế giằng co tại vĩ tuyến 38 cho đến khi các cuộc đàm phán hòa bình được lập lại vào năm 1953, giữa hai miền Nam, Bắc Triều.
Cuộc chiến tại Triều Tiên đã giúp Tổng thống tập hợp được đông đảo ý kiến ủng hộ đối với việc tiến hành chiến tranh. Nó cũng góp phần tạo nên một liên minh cần thiết giúp duy trì các chính sách can thiệp quốc tế cũng như việc quân sự hóa nền kinh tế trong nước. Điều đó có nghĩa là sẽ rắc rối cho những người phản đối quyết liệt nhất − những người nằm ngoài liên minh này. Alonzo Hamby, trong cuốn sách mang tên Beyond the New Deal (Phía sau Chính sách kinh tế mới), đã nhấn mạnh rằng chiến tranh Triều Tiên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của báo giới như tờ The New Republic, The Nation, và được chính Henry Wallace (người mà năm 1948 đã chống lại Truman bằng cách bỏ phiếu ủng hộ liên minh cánh tả trong Đảng Tiến bộ) ủng hộ. Đối với Thượng nghị sỹ Joseph McCarthy – một kẻ đáng ghét trong mắt những người yêu tự do (Một kẻ chống cộng điên cuồng), cuộc chiến tại bán đảo Triều Tiên, theo như cách nói của Hamby, “đã thổi vào chủ nghĩa McCarthy – chủ nghĩa chống Cộng
điên cuồng – một luồng sinh khí mới”.
Ảnh hưởng của phe cánh tả trong những năm 1930 và trong suốt cuộc chiến chống chủ nghĩa Phát-xít là rất lớn. Số lượng đảng viên Cộng sản không nhiều – có lẽ chưa đầy 100 nghìn người – song nó là một lực lượng ảnh hưởng khá lớn đến các tổ chức công đoàn lớn có hàng triệu thành viên, đến giới nghệ sỹ, và đến người dân Mỹ − những người đã nhận ra sự sai lầm của thể chế tư bản trong suốt những năm 1930 và giờ đây đang tỏ rõ sự ngưỡng mộ với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, để đảm bảo được vị thế của chủ nghĩa tư bản trong nước và để xây dựng được một sự đồng thuận ủng hộ cho đế chế Hoa Kỳ, liệu pháp cần thiết là buộc phải cô lập và làm suy yếu phe cánh tả.
Hai tuần sau khi giới thiệu học thuyết của mình với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22 tháng 3 năm 1947, Truman đã cho ban hành Sắc lệnh 9835, tuyên bố tiến hành chương trình truy lùng “những kẻ phản bội” trong chính phủ Hoa Kỳ. Trong tác phẩm The Fifties (Những năm 1950), Douglas Miller và Marion Nowack bình luận:
Cho dù sau này Truman có biện minh rằng đó là vì “một làn sóng hỗn loạn” đang tràn qua đất nước, thì những cam kết đánh bại chủ nghĩa cộng sản của ông ta nhằm bảo vệ nước Mỹ thoát khỏi những mối đe dọa trong nước cũng như nước ngoài cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm khi đã tạo ra sự hỗn loạn đó. Từ tháng 3 năm 1947 đến tháng 12 năm 1952, khoảng thời gian diễn ra chương trình an ninh đó, khoảng 6,6 triệu người đã bị điều tra và xét hỏi. Trong 500 trường hợp bị bãi miễn chức vụ do “nghi ngờ lòng trung thành với quốc gia”, chỉ có một trường hợp là gián điệp. Tất cả các chương trình trên được tiến hành bí mật, và với các bằng chứng bí mật, những người cung cấp thông tin đều được thưởng và không bị kết tội hoặc bắt giam nếu thông tin đã cung cấp không đúng sự thật. Mặc dù đã thất bại trong việc tìm ra mối nguy cơ đe dọa lật đổ chính phủ, các cuộc săn lùng Cộng sản trên diện rộng ấy đã góp phần không nhỏ trong việc phổ biến niềm tin tới người dân rằng tất cả chính sách của chính phủ là nhằm tìm ra những tên gián điệp đang cố gắng hủy hoại nước Mỹ. Một làn sóng phản ứng dè dặt và sợ hãi nhanh chóng lan rộng khắp đất nước. Người dân
Mỹ nhanh chóng bị thuyết phục rằng các sắc lệnh nhằm củng cố và duy trì an ninh trong nước là vô cùng cần thiết.
Các sự kiện thế giới sau chiến tranh đã khiến cho việc xây củng cố sự ủng hộ đối với chính sách chống Cộng trong nước trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Năm 1948, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã thanh trừ những người không theo phe Cộng sản ra khỏi chính phủ và giành quyền kiểm soát đất nước. Cũng trong năm đó, Liên bang Xôviết đã tiến hành phong tỏa Berlin, một thành phố bị chiếm đóng và cô lập bên trong Đông Đức, buộc Hoa Kỳ phải chuyển hàng viện trợ cho Berlin bằng đường hàng không. Năm 1949, chủ nghĩa cộng sản giành thắng lợi tại Trung Quốc, cùng thời gian đó, Liên bang Xôviết cho nổ thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên. Năm 1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Các sự kiện nói trên được khai thác triệt để nhằm tuyên truyền với người dân Mỹ về âm mưu bá quyền thế giới của chủ nghĩa cộng sản.
Chính phủ Mỹ lo ngại rằng, những thắng lợi mà chủ nghĩa cộng sản giành được sẽ là ngòi nổ thúc đẩy các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đòi quyền độc lập. Và sự thực, các phong trào cách mạng đang ngày một lan rộng – điển hình là các cuộc cách mạng của người dân Đông Dương chống lại thực dân Pháp, Indonesia chống lại thực dân Hà Lan và tại Philippine, là cuộc bạo loạn có vũ trang nhằm lật đổ sự thống trị của Hoa Kỳ. Tại châu Phi, các cuộc đấu tranh cũng cho thấy nỗi bất bình của người dân bản địa đối với ách đô hộ của các nước ngoại bang. Baisil Davidson (trong tác phẩm Let Freedom come – Hãy để tự do đến) kể lại cuộc đấu tranh dài nhất trong lịch sử Lục địa Đen (160 ngày) diễn ra năm 1947, với sự tham gia của 19 nghìn công nhân đường sắt tại các thuộc địa vùng Đông Phi của thực dân Pháp, những người đã thể hiện ý chí và tinh thần đấu tranh của mình bằng lời thách thức gửi đến chính phủ: “Cứ việc mở cửa nhà tù, cứ việc sử dụng bao nhiêu súng ống hay đạn pháo mà các người thích. Nửa đêm ngày 10 tháng 10, nếu những yêu cầu của chúng tôi không được đáp ứng, chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc tổng đình công.” Một năm trước đó tại Nam Phi, 100 nghìn công nhân khai thác vàng đã đấu tranh đòi tăng tiền công lên 10 shilling (khoảng 2,50 đô-la) một ngày, đây được coi là cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử châu Phi, và chính phủ đã phải cử quân đội tới mới có thể áp chế những người công
nhân này quay trở lại làm việc. Năm 1950, tại Kenya cũng diễn ra một cuộc đình công lớn phản đối mức lương quá rẻ mạt.
Chính vì vậy, sự bành trướng của Liên Xô không những đe dọa đến chính phủ Hoa Kỳ mà còn làm ảnh hưởng tới các lợi ích kinh doanh của nước Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc, Đông Dương, Philippine, chỉ là một phần trong phong trào cách mạng từng khu vực, chứ hoàn toàn không phải do sự thúc đẩy của Liên Xô. Phong trào cách mạng đó đại diện cho làn sóng chống chủ nghĩa đế quốc đang lan rộng trên toàn thế giới, khiến nước Mỹ không ít lần đau đầu để tìm cách đối phó như: huy động ngân sách quốc gia cho quân đội, đàn áp các phe phái đối lập chống lại chính sách đối ngoại của chính phủ. Truman và những người theo chủ nghĩa tự do trong Quốc hội đã cùng nhau bắt tay xây dựng một khối liên minh quốc gia sau chiến tranh bằng cách soạn thảo và ban hành lời tuyên thệ trung thành mới, thành lập các phòng ban truy tố thuộc Sở Tư pháp, cũng như xây dựng bộ luật chống Cộng.
Hòa chung trong bầu không khí đó, thượng nghị sỹ Joseph McCarthy, bang Wisconsin, thậm chí còn tiến xa hơn cả Tổng thống Truman. Đầu năm 1950, phát biểu tại Câu lạc bộ Phụ nữ Dân chủ (Women’s Republican Club) ở Whelling, ông này đã cầm một số tờ giấy và lớn tiếng tuyên bố: “Trong tay tôi bây giờ là danh sách đã được đệ trình lên Ngoại trưởng tên của 205 kẻ được coi là thành viên của Đảng Cộng sản, những kẻ vẫn đang ngày đêm làm việc và xây dựng chính sách trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.” Ngày hôm sau, trong buổi nói chuyện tại thành phố Salt Lake City, McCarthy cũng tuyên bố rằng ông ta đang nắm trong tay tên của 57 thành viên Đảng Cộng sản trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (con số đã được thay đổi). Chẳng bao lâu sau đó, ông ta xuất hiện tại phòng họp của Thượng viện với vài bản phim sao chép lại từ các tài liệu trong hồ sơ điều tra của Bộ Ngoại giao. Những tài liệu này đã có từ 3 năm trước và những người có tên trong danh sách cũng không còn làm việc tại đó nữa, song McCarthy vẫn tìm mọi cách để công bố chúng, bịa đặt, thêm thắt và thay đổi những gì ông ta đọc được. Có lần, McCarthy đã xuyên tạc cụm từ “tự do” trong tập tài liệu thành “có khuynh hướng Cộng sản”, hay “người đồng chí năng nổ” thành “tên Cộng sản năng nổ”, và một vài lần khác nữa.
McCarthy tiếp tục theo đuổi chính sách của ông ta nhiều năm sau đó. Và theo chủ tịch thường trực của Tiểu ban Điều tra các hoạt động của chính phủ thuộc Ủy ban Thượng viện, ông ta đã tìm cách điều tra và moi móc thông tin về một số chương trình của Bộ Ngoại giao như Đài phát thanh Hoa Kỳ cùng một loạt thư viện quốc tế, trong đó có chứa tác phẩm của các tác giả bị McCarthy quy là Cộng sản. Bộ Ngoại giao tỏ ra khá lo ngại và đã liên tục chỉ thị cho các thư viện này phải loại bỏ ngay các đầu sách đó. Kết quả là 40 đầu sách đã bị đưa ra khỏi kệ sách, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như The Selected Works of Thomas Jefferson (Các tác phẩm chọn lọc của Thomas Jefferson) được chỉnh sửa bởi Philip Forner và The Children’s Hour (Thời gian của những đứa trẻ) của Lillian Hellman. Một số tác phẩm thậm chí còn bị đốt bỏ.
McCarthy trở nên táo tợn hơn. Mùa xuân năm 1954, ông ta bắt đầu tiến hành các phiên tòa điều tra một số hoạt động âm mưu tạo phản trong quân đội. Ban đầu, do không đủ chứng cứ để buộc tội những người Cộng sản, ông ta bắt đầu quay ra chống đối các thành viên thuộc Đảng Dân chủ cũng như Đảng Cộng hòa, và vào tháng 12 năm 1954, Thượng viện đã tiến hành bỏ phiếu khiển trách McCarthy với lý do “cư xử… không đúng tác phong của thành viên trong Thượng viện Hoa Kỳ”. Ủy ban khiển trách chỉ tập trung vào những lỗi lầm nhỏ của McCarthy như từ chối tham gia Tiểu ban Thượng viện về Quyền lợi và Bầu cử (Senate Subcommittee on Privileges and Elections), lăng mạ một tướng lĩnh quân đội trong phiên xét xử…, còn các hành vi khác của ông ta như bịa đặt chống Cộng hay phóng đại sự thật hoàn toàn không được nhắc đến.
Trong thời gian diễn ra cuộc bỏ phiếu khiển trách McCarthy của Thượng viện, Quốc hội đã tiến hành thông qua một loạt dự thảo luật chống Cộng sản. Thành viên Đảng Tự do, Hubert Humphrey, người đã chỉnh sửa và bổ sung một trong số các điều luật đó nhằm biến Đảng Cộng sản thành một tổ chức bất hợp pháp, phát biểu rằng: “Tôi không có ý định là một gã yêu nước nửa mùa… Hoặc là các thượng nghị sỹ nhận ra bản chất của Đảng Cộng sản hoặc là họ sẽ tiếp tục vướng phải những vấn đề rắc rối trong việc tuân thủ đúng đắn luật pháp.”
Bản thân các thành viên Đảng Tự do trong chính phủ cũng không ít lần tìm cách loại trừ, bức hại, sa thải và thậm chí là tống giam những người theo phe Cộng sản. Họ làm như vậy vì McCarthy không chỉ công kích Đảng Cộng sản mà ông ta còn ngang nhiên đe dọa cả các thành viên Đảng Tự do và khối liên minh Tự do – Bảo thủ vốn vô cùng cần thiết do đó cũng có thể bị ảnh hưởng theo. Lyndon Johnson chính là một thí dụ điển hình. Khi còn là Chủ tịch khối Thiểu số trong Thượng viện, Johnson không những phải tìm cách thông qua quyết định khiển trách McCarthy mà còn phải cố gắng giữ cho phạm vi khiển trách ấy chỉ gói gọn trong lời cáo buộc “cư xử… không đúng tác phong của thành viên trong Thượng viện Hoa Kỳ” thay vì chất vấn chủ nghĩa chống Cộng điên khùng của ông ta. John F. Kenedy khá thận trọng trong vấn đề này cũng như không công khai chống lại McCarthy (Kenedy đã không tham dự buổi bỏ phiếu và cũng không cho ai biết ý định của mình là gì). McCarthy khăng khăng cho rằng thắng lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc là do thái độ thiếu dứt khoát của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản và sự nhu nhược đó phần nào giống với quan điểm mà Kennedy đã trình bày trước Hạ viện vào tháng 1 năm 1949, thời điểm Hồng quân Trung Quốc giành quyền kiểm soát Bắc Kinh. Kennedy phát biểu:
Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, cuối tuần qua chúng ta đã được biết mức độ nghiêm trọng của thảm họa xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Người phải chịu trách nhiệm chính cho thất bại trong chính sách đối ngoại tại Viễn Đông lần này không ai khác chính là Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao.
Việc liên tiếp có các ý kiến cho rằng khoản tiền viện trợ sẽ bị cắt giảm nếu chính phủ không nhanh chóng tạo dựng một liên minh với những người Cộng sản chính là một đòn chí mạng giáng xuống Chính phủ Liên hiệp (National Government).
Chính những sự quan tâm thái quá của các nhà ngoại giao, các cố vấn cùng những người như Lattimore hay Fairbank (các học giả trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, Owen Lattimore một thời từng là con mồi ưa thích của McCarthy, còn John Fairbank là giáo sư Đại học Harvard) tới sự thiếu hoàn hảo trong cùng những
câu chuyện về sự thối nát đến tột cùng trong thể chế dân chủ Trung Quốc sau 20 năm chiến tranh đã khiến chúng ta đặt cược quá nhiều vào việc tạo dựng một Trung Quốc không có Cộng sản…
Đất nước này giờ đây đang phải giả bộ gánh vác cái trách nhiệm bảo vệ châu á khỏi bị cơn hồng thủy của chủ nghĩa cộng sản nhấn chìm.
Năm 1950, Đảng Cộng hòa đã tiến hành bảo trợ cho Đạo luật An ninh nhằm ngăn chặn việc thành lập các tổ chức có “đường hướng Cộng sản” hoặc “đại diện cho Cộng sản”. Các thượng nghị sỹ Đảng Tự do không trực tiếp phản đối đạo luật này. Thay vào đó, một vài người trong số họ, bao gồm cả Hubert Humphrey và Herbert Lehman, đã đề xuất một giải pháp thay thế, đó là thành lập các khu giam giữ (mà sự thực là các trại tập trung) dành cho những kẻ bị nghi ngờ là phản loạn. Trong trường hợp Tổng thống ban bố tình trạng “an ninh nội bộ” khẩn cấp, những người này sẽ bị tống giam mà không cần phải xét xử. Việc tạm giam – hay đúng hơn là việc thành lập các trại tập trung ban đầu chỉ là một biện pháp thay thế song nó đã nhanh chóng trở thành giải pháp bổ sung, chính phủ Mỹ đã quyết định thông qua Đạo luật An ninh Nội an đồng thời cho tiến hành xây dựng một loạt các khu giam giữ và nhanh chóng đưa vào sử dụng. (Đến năm 1968, thời điểm nước Mỹ vỡ mộng tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản, đạo luật này mới chính thức được bãi bỏ). Sắc lệnh về lòng trung thành năm 1947 của Truman đã yêu cầu Bộ Tư pháp phải liệt kê một loạt các tổ chức bị cho là “độc tài, Phát-xít, cộng sản hay phản loạn… hoặc tìm cách thay thế chính phủ Hoa Kỳ bằng những cách thức vi hiến”. Không chỉ có thành viên của các tổ chức này, ngay cả những người có hành vi “tham gia ủng hộ” cho bất kỳ tổ chức nào có tên trong danh sách của Tổng chưởng lý cũng bị quy là phản bội quốc gia. Tính đến năm 1954, số lượng các tổ chức có trong danh sách phải lên tới hàng trăm, ngoài Đảng Cộng sản và Đảng 3K (Ku-Klux-Klan), còn có Trung tâm văn hóa Chopin (Chopin Cultural Center); Hội kín Cervantes (Cervantes Fraternal Society); Hội đồng nghệ thuật cho người da đen (Committee for the Negro in the Arts); Ủy ban Bảo vệ Nhân quyền (Committee for the Protection of the Bill of Rights); Hiệp hội nhà văn Mỹ; Hội Những người bạn thiên nhiên của Mỹ (Nature Friends of America); People’s Drama; Hội liên
hiệp sách Washington và Câu lạc bộ thủy thủ Nam Tư (Yugoslav Seaman’s Club).
Chính chính quyền Dân chủ – Tự do của Truman, chứ không phải McCarthy hay các thành viên của Đảng Cộng hòa, cùng Bộ Tư pháp – cơ quan đã tiến hành một loạt các vụ truy tố – mới là những kẻ đóng vai trò chính trong việc phóng đại tinh thần bài trừ Cộng sản của nước Mỹ.
Gia đình Rosenberg bị kết án với tội danh gián điệp. Bằng chứng chính được một vài kẻ tự xưng là gián điệp, đang bị giam giữ trong tù hoặc đang trong thời kỳ thụ án, cung cấp. David Greenglass, anh trai của Ethel Rosenberg, đóng vai trò là nhân chứng quan trọng. ông ta từng là thợ máy trong một phòng thí nghiệm thuộc Dự án Manhattan tại Los Alamos, bang New Mexico, trong khoảng thời gian từ 1944 đến 1945, khi bom nguyên tử được chế tạo và thử nghiệm, Julius Rosenberg đã tìm cách tiếp cận ông ta và moi các thông tin bí mật cho người Nga. Greenglass cho biết, ông đã mô phỏng lại các thí nghiệm với các loại thấu kính được dùng để kích nổ bom nguyên tử dựa trên trí nhớ của người em rể. ông ta còn cho biết Rosenberg đã đưa cho ông ta một cái nắp các-tông bị khuyết một nửa lấy từ một hộp thạch Jell-O và nói rằng, một người đàn ông ở New Mexico đang giữ nửa còn lại của cái nắp. Tháng 6 năm 1945, Harry Gold xuất hiện với nửa kia của cái nắp và Greenglass đã cung cấp cho người đàn ông này tất cả thông tin mà ông ta nhớ được.
Gold, trước đó đã bị kết án 30 năm tù trong một phi vụ gián điệp khác, được đưa ra khỏi nhà lao để chứng thực cho lời khai của Greenglass. Dù chưa bao giờ gặp gia đình Rosenberg, ông ta vẫn nói với một quan chức trong Đại sứ quán Xôviết đã đưa cho ông ta một nửa cắp hộp Jell-O và mạo nhận là “được Julius phái đến” để yêu cầu được bắt liên lạc với Greenglass. Gold đã lấy các bản phác thảo mà Greenglass vẽ lại từ trí nhớ và giao chúng cho người Nga. Tuy nhiên có vẻ như mọi việc thật quá đơn giản. Liệu có phải Gold hợp tác là để đổi lấy sự tự do hay không? Sau khi thụ án 15 năm, ông ta được chính thức ân xá. Còn Greenglass, theo bản cáo trạng vào thời điểm ông ta làm chứng, phải chăng ông này cũng hiểu rõ phần đời còn lại của mình phụ thuộc vào sự hợp tác với cơ quan chức năng? Greenglass bị tuyên án 15 năm, nhưng chỉ phải
thi hành một nửa số thời gian đó và được trả tự do. Liệu những thông tin được ghi chép lại từ trí nhớ của một tay thợ máy tầm thường, chứ không phải là một nhà khoa học, người mới chỉ tham dự sáu khóa học tại trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Brooklyn và không đủ điểm để tốt nghiệp 5 trên 6 khóa học đó, có thật sự đáng tin cậy hay không? Những lời khai của Gold và Greenglass ban đầu không hề khớp với nhau. Tuy nhiên, họ được giam chung với nhau tại nhà tù Tomb,
New York, trước khi bị đưa ra xét xử. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi giúp hai người đàn ông đó có cơ hội khớp lời khai với nhau. Vậy còn lời khai của Gold thì sao? Chúng có thật sự đáng tin hay không? Những bút lục đó cho thấy ông ta đã có sự chuẩn bị kỹ lời khai về Rosenberg sau hơn 400 giờ bị các nhân viên FBI thẩm tra. Nó cũng cho thấy Gold là một kẻ thường xuyên bịa đặt và là một tên dối trá mắc bệnh hoang tưởng. Khi làm nhân chứng cho một phiên tòa diễn ra sau đó, Gold đã ngụy tạo một người vợ và những đứa con trong lời khai với bên bào chữa. Các luật sư hỏi: “…ông đã nói dối suốt sáu năm qua?”. Gold đáp: “là 16 năm chứ không phải 6 năm, thưa các ngài”. Gold cũng là nhân chứng duy nhất đã cố gắng gán tội danh quan hệ với người Nga cho Julius Rosenberg và David Greenglass. Hai mươi năm sau, một nhân viên FBI, trong một lần trả lời phỏng vấn về vụ án, khi được hỏi về ám hiệu mà Gold dùng để chứng minh “Julius cử tôi tới”, đã nói:
Gold không thể nhớ được cái tên mà ông ta vừa khai. Hắn nghĩ mình đã nói là: Tôi đến từ − hoặc một câu khác đại loại thế. Tôi liền gợi ý, “có phải là Julius không?” Lúc ấy hắn mới nhớ ra.
Vào thời khắc nhà Rosenberg bị tuyên án và quan tòa Irving Kaufman đứng lên tuyên đọc lời cáo trạng, ông ta đã nói:
Tôi tin rằng việc giao bom nguyên tử vào tay người Nga của các người, trước lúc các nhà khoa học thiên tài nhất của chúng ta có thể xác nhận rằng người Nga sẽ hoàn thiện quả bom, đã gây ra sự xâm lược bán đảo Triều Tiên của chủ nghĩa cộng sản. Mà kết quả của sự xâm lược đó là 50 nghìn người Mỹ đã thiệt mạng và chắc chắn sẽ có hàng triệu người vô tội nữa phải chịu hậu quả từ việc mà các người đã gây ra…
ông ta tuyên bố, tất cả bọn họ sẽ phải lên ghế điện.
Morton Sobell cũng bị đưa ra xét xử với tội danh âm mưu hợp tác với gia đình Rosenberg. Người làm chứng chính chống ông ta lại là một người bạn cũ, từng làm phù rể trong đám cưới của ông và đang phải đối mặt với lời cáo buộc của chính phủ liên bang là đã khai man về quá khứ chính trị của mình. Người đó không ai khác chính là Max Elitcher. ông này khai rằng đã lái xe đưa Sobell tới căn nhà tiến hành kế hoạch nơi gia đình Rosenberg sinh sống, và Sobell đã bước ra khỏi xe, lấy trong hộp đựng găng tay thứ gì đó giống như là một tấm phim can rồi bước vào nhà, khi bước ra, cuốn phim đã biến mất. Không có bằng chứng nào cho thấy tấm phim can có chứa những thông tin gì. Bằng chứng buộc tội Sobell mơ hồ tới mức luật sư bào chữa đã quyết định rằng Sobell không cần tới sự bào chữa. Nhưng rốt cuộc, quan tòa tuyên bố Sobell có tội, lĩnh bản án 30 năm. Sobell bị chuyển tới nhà tù ở Alcatraz. Đơn xin ân xá của ông liên tiếp bị bác bỏ. Sau 19 năm thụ án qua các nhà tù khác nhau, ông mới được trả tự do.
Các tài liệu công bố trong những năm 1970 của FBI chỉ ra rằng quan tòa Kaufman đã hội ý kín với các công tố viên về bản án ông ta sẽ tuyên. Một tài liệu khác cũng cho thấy, phải mất ba năm vận động cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tư pháp Herbert Brownell và Chánh án Tòa án Tối cao Fred Vinson cuối cùng mới thành hiện thực. Fred Vinson cam kết với Bộ trưởng Tư pháp rằng nếu bất cứ thẩm phán nào thuộc Tòa án Tối cao tuyên bố một bản án tử hình, ông ta ngay lập tức sẽ triệu tập một phiên tòa đầy đủ khác để xử lại vụ án đó.
Một làn sóng phản đối nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Albert Einstein, trước đó từng viết thư cho Tổng thống Roosevelt đề xuất việc chế tạo bom nguyên tử, cùng nhiều người khác như Jean-Paul Sartre, Pablo Picasso, và chị gái của Bartolomeo Vanzetti đã cùng lên tiếng phản đối bản án dành cho cho gia đình Rosenberg. Thậm chí ngay cả Tổng thống Truman cũng bị đả phá kịch liệt, trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào mùa xuân năm 1953. Nhưng rồi mọi thứ nhanh chóng lắng xuống. Sau này, làn sóng phản đối tổng thống mới, Dwight Eisenhower, cũng phải chịu một kết cục tương
tự.
Vào thời điểm khi quan tòa William O. Douglas tuyên bản án tử hình, Chánh án toà án tối cao Vinson đã lập tức điều động một loạt máy bay phản lực đặc biệt đi đón các thẩm phán đang trong kỳ nghỉ lễ trên khắp mọi miền của nước Mỹ về thủ đô Washington. Hội đồng thẩm phán đã tuyên hủy bản án mà Douglas đưa ra. Tuy nhiên, đã quá muộn, hai vợ chồng nhà Rosenberg bị xử tử trước đó vào ngày 16 tháng 9 năm 1953. Bản án đó chính là lời cảnh báo cho mọi người dân trên toàn nước Mỹ, cho dù rất ít người đồng cảm với số phận của vợ chồng Rosenberg, về kết cục cuối cùng dành cho những kẻ phản bội.
Cùng thời điểm đầu những năm 1950, Ủy ban Quốc hội Điều tra những hoạt động không thuần tính Hoa Kỳ (House Un-American Activities Committee) bước vào giai đoạn hoàng kim với một loạt các hoạt động như điều tra xét hỏi những người có liên quan đến Cộng sản, giam giữ và ngược đãi bất cứ ai không chịu khai báo và cho phân phát hàng triệu tờ rơi với nội dung: “Một trăm điều nên biết về chủ nghĩa cộng sản”. (Thí dụ: Nơi nào có thể bắt gặp người của Cộng sản? Trả lời: Ở khắp mọi nơi). Các thành viên của Đảng Tự do một mặt cực lực lên án những việc làm đó, song mặt khác lại cùng Đảng Bảo thủ trong Quốc hội không ngừng bổ sung ngân sách tài trợ cho các hoạt động của ủy ban này. Tính đến năm 1958, chỉ có một thành viên duy nhất trong Hạ viện (James Roosevelt) bỏ phiếu phản đối việc tài trợ sai trái này. Đối với Truman, bản thân ông ta cũng lên tiếng chỉ trích Ủy ban, song Bộ trưởng Bộ Tư pháp vào năm 1950 lại bày tỏ quan điểm đồng thuận với những hoạt động điều tra đó, ông ta tuyên bố:
“Hiện nay, có quá nhiều đảng viên Cộng sản ở nước Mỹ. Chúng ở khắp mọi nơi – trong nhà máy, cơ quan, cửa hàng, trong các cơ sở kinh doanh tư nhân, hay là bất cứ một kẻ nào đó đang đi trên phố − và mỗi người trong số chúng mang trên mình thứ vi khuẩn có thể giết chết xã hội…”
Các thành viên thuộc đảng Tự do dường như cũng bị cuốn theo làn sóng chống Cộng sản đó. Tạp chí Commentary đã công khai lên án vợ chồng Rosenberg và những
người ủng hộ họ. Tháng 3 năm 1952, khi được hỏi: “Liệu chúng ta có nên bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách bảo vệ cho chủ nghĩa cộng sản hay không?”, cây viết của tạp chí – Irving Kristol – đã thẳng thắn trả lời: “Không”.
Chính cơ quan tư pháp của Truman đã tiến hành truy tố các lãnh đạo của Đảng Cộng sản bằng cách sử dụng Đạo luật Smith, buộc tội họ có âm mưu tuyên truyền và kích động các hoạt động chống lại chính quyền bằng vũ lực và bạo lực. Các bằng chứng buộc tội chủ yếu tập trung vào việc những người Cộng sản tuyên truyền chủ nghĩa Marxist và Leninist, mà theo lời phán quyết của tòa án là kêu gọi bạo lực cách mạng. Dĩ nhiên, tất cả các chứng cớ đó không hề cho thấy sự đe dọa hiện hữu nào từ chủ trương bạo lực cách mạng của Đảng Cộng sản. Có thể thấy rằng các phán quyết của Tòa án Tối cáo được đưa ra chủ yếu dựa trên ý kiến của người được Truman tin tưởng bổ nhiệm, Chánh án Vinson. ông ta mở rộng học thuyết cổ điển về cái gọi là “mối hiểm nguy hiện tại và hiện hữu” bằng cách tuyên bố: chỉ cần thời cơ chín muồi, nguy cơ hiện tại và hiện hữu sẽ biến thành một cuộc cách mạng thật sự. Đó là lý do vì sao ngay khi những kẻ đứng đầu của Đảng Cộng sản bị bắt, thì hầu hết các thành viên của nó sẽ chuyển qua hoạt động bí mật.
Song cũng phải thừa nhận rằng việc khiến cho người dân cảm thấy sợ hãi và sẵn sàng có những hành động quyết liệt − như giam giữ tại nhà, hay các hoạt động quân sự ở nước ngoài − chống lại những người Cộng sản cũng giành được những kết quả nhất định. Toàn bộ nền văn hóa đâu đâu cũng ngập tràn từ tưởng chống Cộng. Các tạp chí có lượng phát hành lớn đua nhau giật tít như “Làm thế nào để quét sạch bọn Cộng sản” hay “Cộng sản đang bám theo con bạn”. Năm 1956, New York Times đã cho đăng tải một bài xã luận, trong đó viết: “Chúng tôi không cố ý thuê mướn những người Cộng sản làm việc trong các phòng tin tức hay các ban biên tập… bởi lẽ chúng tôi không tin họ có khả năng truyền tải tin tức một cách khách quan hay đưa ra những lời bình luận một cách trung thực…” Với tựa đề I led Three Lives (Tôi đóng ba vai), câu chuyện kể về chiến công của một chuyên viên cung cấp thông tin cho FBI trong việc khám phá ra chân tướng của một đặc vụ FBI là đảng viên Đảng Cộng sản đã được hơn 500 tờ báo và truyền hình đăng tải. Rất nhiều bộ phim của Hollywood cũng khai
thác về đề tài chống Cộng sản, điển hình là I Married a Communist and I Was a Communist for the FBI (Tôi cưới một người cộng sản và trở thành đảng viên Cộng sản cho FBI). Trong khoảng thời gian từ 1948 đến 1954, đã có khoảng 40 bộ phim liên quan đến đề tài chống Cộng của Hollywood được trình chiếu.
Thậm chí ngay cả những tổ chức hoạt động vì nhân quyền như Liên đoàn Dân quyền Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union − ACLU), được thành lập để bảo vệ quyền tự do cho các đảng viên Cộng sản cùng nhiều tổ chức chính trị khác, cũng bắt đầu hưởng ứng theo tinh thần của Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, tổ chức này đã có xu hướng chống Cộng từ năm 1940, khi quyết định khai trừ một vài thành viên cấp cao trong tổ chức, điển hình là Elizabeth Gurley Flynn, có liên quan đến Đảng Cộng sản. Trong những năm 1950, ACLU đã do dự trong việc bảo vệ Corliss Lamont, một thành viên trong hội đồng, và Owen Lattimore, khi cả hai người này bị công kích. Bên cạnh đó, tổ chức này còn tỏ ra miễn cưỡng trong việc công khai bảo vệ các lãnh đạo Cộng sản trong phiên tòa đầu tiên cáo buộc những người này vi phạm đạo luật Smith, hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong vụ án Rosenberg. ACLU còn tuyên bố sẽ không can thiệp vào các vấn đề về tự do dân sự.
Từ trẻ em tới người già được tuyên truyền rằng chống Cộng sản mới là hành động anh hùng đích thực. Năm 1951, cuốn sách của Mickey Spillane mang tựa đề One Lonely Night (Đêm cô đơn) được xuất bản và nhanh chóng bán được 13 triệu bản. Trong tác phẩm, người anh hùng Mike Hammer đã nói: “Những kẻ bị ta giết đêm nay có lẽ còn nhiều hơn số ngón trên bàn tay. Ta lạnh lùng bắn hạ từng tên và say sưa tận hưởng từng phút giây tuyệt vời đó… Bọn chúng là những tên Cộng sản…”
Một nhân vật truyện tranh khác, anh hùng Captain America, tuyên bố: “Cẩn thận đấy, lũ Cộng sản, gián điệp, bọn phản quốc và những tên mật thám nước ngoài! Captain America, với lòng trung thành và những người lính của ta, đang tìm tới các người đấy…” Trong những năm 1950, các học sinh trên toàn nước Mỹ bắt buộc phải tham gia diễn tập chống các cuộc không kích phòng trường hợp nước Nga Xôviết tấn công Hoa Kỳ. Mỗi khi có tín hiệu báo động, tất cả các học sinh phải chui ngay xuống gầm bàn
cho đến khi “tất cả đã qua”.
Với bối cảnh ấy, chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn dễ dàng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân đối với các chính sách tái thiết quân đội. Thể chế đó, từng chao đảo trong những năm 1930, giờ đây đã ngộ ra rằng chỉ có chiến tranh mới có thể mang lại sự ổn định và siêu lợi nhuận. Học thuyết chống Cộng của Truman giờ đây trở nên thật hấp dẫn. Trước khi Học thuyết Truman ra đời, tháng 11 năm 1946, ấn phẩm kinh doanh Steel đã nhận định: “các chính sách của Truman đã chắc chắn đảm bảo rằng việc duy trì và xây dựng các cơ sở vật chất chuẩn bị cho chiến tranh sẽ là ngành kinh doanh lớn nhất trên toàn nước Mỹ, ít nhất là trong những giai đoạn sắp tới.”
Dự đoán này rốt cuộc đã trở thành sự thật. Ngay từ đầu năm 1950, tổng ngân sách của Hoa Kỳ ước đoạt vào khoảng 40 tỷ đô-la, trong đó chi phí cho quân đội chiếm khoảng 12 tỷ đô-la. Tuy nhiên, cho tới năm 1955, con số đó lên tới 40 tỷ đô-la trên tổng số 62 tỷ đô-la ngân sách. Hàng loạt hoạt động mạnh mẽ phản đối việc đầu tư quá lớn cho ngân sách quốc phòng do Liên đoàn phản chiến và các nhóm phản kháng khác đã nổ ra, tuy nhiên họ đã thất bại trong việc ngăn chặn nó.
Năm 1960, chi phí đầu tư cho quân đội là 45,8 tỷ đô-la – chiếm 49,7% tổng ngân sách quốc gia. Cũng trong năm đó, John Kennedy chính thức trở thành Tổng thống thứ 35 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ngay lập tức ngân sách chi cho quân đội bất ngờ tăng đột biến. Theo Edgar Bottome (trong cuốn The Balance of Terror – Sự cân bằng của nỗi khiếp đảm), trong vòng 14 tháng, chính quyền của Kennedy đã bổ sung thêm 9 tỷ đô-la cho các quỹ quốc phòng.
Năm 1962, sau một loạt những khám phá tình báo thu lượm được về việc Liên Xô tăng cường vũ trang, điển hình là “sự chênh lệch về máy bay ném bom” và “khoảng cách trong vũ khí tên lửa” giả tạo, nước Mỹ đã chiếm được ưu thế trong cuộc chạy đua về vũ khí hạt nhân. Hệ quả tương ứng là số lượng vũ khí nguyên tử, ước tính có sức công phá bằng 1.500 quả bom được thả xuống Hiroshima, đủ để san phẳng mọi thành phố trên thế giới, đã được tạo ra trong suốt thời gian diễn ra cuộc chạy đua vũ trang. Điều đó cũng có nghĩa là chia đều ra mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên Trái
đất sẽ phải hứng chịu 10 tấn thuốc nổ TNT. Để sử dụng hết số bom đó, nước Mỹ đã phải chế tạo hơn 50 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, 80 tên lửa hoặc tàu ngầm hạt nhân, 90 tên lửa cung cấp cho các căn cứ ở nước ngoài, 1.700 máy bay ném bom có khả năng tiến tới không phận của Liên bang Xôviết, 300 hàng không mẫu hạm chuyên chở các phi cơ ném bom và vũ khí nguyên tử, cùng 1.000 máy bay tiêm kích siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân.
Liên bang Xôviết cũng không kém phần trong cuộc chạy đua đó – họ đã chế tạo từ 50-100 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, gần 200 máy bay ném bom tầm xa. Song ngân sách của Hoa Kỳ không ngừng tăng lên, các gói kích cầu cũng tiếp tục được duy trì, lợi nhuận của các tập đoàn có đơn đặt hàng liên quan đến quốc phòng tăng lên theo cấp số nhân, không những thế, việc làm và tiền công cũng không ngừng được nâng cao đủ để duy trì một số lượng đáng kể người dân Mỹ sống phụ thuộc vào các ngành công nghiệp chiến tranh. Tính đến năm 1970, tổng ngân sách chi dùng cho quân sự của nước Mỹ ước đoạt khoảng 80 tỷ đô-la và các tập đoàn tham gia trong dây chuyền sản xuất phục vụ cho quân đội kiếm được khoản lợi nhuận vô cùng béo bở. 2/3 trong số 40 tỷ đô-la chi dùng cho các hệ thống vũ khí được chia đều cho 12 đến 15 tập đoàn công nghiệp hàng đầu nước Mỹ, những công ty lấy việc thỏa mãn các bản hợp đồng quân sự làm nền tảng tồn tại. Thượng nghị sỹ Paul Douglass, một nhà kinh tế học đồng thời là chủ tịch Ủy ban Liên kết Kinh tế thuộc Thượng viện (Joint Economic Committee of the Senate), đã chỉ ra: “6/7 số hợp đồng đó là chỉ định thầu… Để đảm bảo bí mật quân sự, chính phủ thường lựa chọn một tập đoàn có tiềm năng và ký hợp đồng sau các cuộc đàm phán bí mật.”
C. Wright Mills, trong tác phẩm viết về những năm 1950 mang tên The Power Elite (Tinh hoa quyền lực), đã xếp quân đội vào hàng có quyền lực cao nhất trong xã hội, kế đó là các chính trị gia và các tập đoàn kinh tế. Những nhóm người đó ngày càng gắn bó khăng khít với nhau. Một thượng nghị sỹ đã báo cáo rằng có tới hơn 2.000 cựu sỹ quan cao cấp của quân đội đang làm việc trong 100 nhà thầu quốc phòng lớn nhất
− các tập đoàn nắm giữ 67,4% các bản hợp đồng quân sự. Trong khi đó, đi kèm với việc viện trợ kinh tế cho nhiều quốc gia khác, nước Mỹ đã và đang thiết lập một mạng
lưới các tập đoàn kiểm soát kinh tế toàn cầu, qua đó áp đặt tầm ảnh hưởng chính trị lên các quốc gia mà nó viện trợ. Điển hình là bản Kế hoạch Marshall năm 1948, trong đó cho phép thông qua gói viện trợ kinh tế trị giá 16 tỷ đô-la cho các quốc gia Tây âu trong vòng 4 năm. Kế hoạch này được xây dựng với một mục đích chính trị là: thiết lập thị trường xuất khẩu cho nước Mỹ. George Marshall (tướng lĩnh quân đội, sau trở thành Ngoại trưởng Mỹ) đã trích dẫn một báo cáo đầu năm 1948 của Bộ Ngoại giao như sau: “Giờ còn quá sớm để nghĩ rằng châu âu, bằng những cố gắng của riêng mình… sẽ duy trì chính sách mở cửa với các doanh nghiệp Mỹ giống như trong quá khứ.”
Bản Kế hoạch Marshall cũng bao hàm một động cơ chính trị. Trong thời điểm các đảng Cộng sản ở Italia và Pháp đang ngày càng phát triển mạnh, nước Mỹ đã quyết định sử dụng sức mạnh của đồng tiền để gạt bỏ các thành viên của đảng này ra khỏi nội các của những quốc gia kể trên. Ngay khi kế hoạch được tiến hành, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dean Acheson đã phát biểu: “Các biện pháp cứu trợ và tái thiết chỉ là một phần của lòng nhân đạo. Quốc hội của các bạn ra quyết định và chính phủ là người thi hành, ngày nay, chính sách viện trợ và tái thiết chủ yếu là vì lợi ích quốc gia.” Từ năm 1952 cho đến nay, việc không ngừng tăng cường các khoản viện trợ nước ngoài vốn chỉ nhằm mục đích tạo dựng sức mạnh quân sự ở các nước không thuộc phe Cộng sản. Trong 10 năm tiếp theo, nước Mỹ đã viện trợ không dưới 50 tỷ đô-la cho 90 quốc gia, trong đó chỉ có 5 tỷ đô-la được sử dụng cho các mục tiêu kinh tế phi quân sự. Ngay khi lên nắm quyền Tổng thống, John F. Kennedy đã phát động chương trình Liên minh vì Tiến bộ nhằm giúp đỡ các nước châu Mỹ Latinh, trong đó nhấn mạnh cải cách xã hội và cải thiện đời sống của người dân. Song trên thực tế, đó thực chất là gói viện trợ quân sự nhằm duy trì quyền lực của chế độ độc tài cánh hữu và cho phép các quốc gia này ngăn chặn sự nổi dậy của phong trào Cách mạng.
Các khoản viện trợ quân sự chính là bước tiến nhỏ dọn đường cho sự can thiệp về mặt quân sự. Vào thời điểm diễn ra chiến tranh Triều Tiên, những gì mà Truman đã lặp đi lặp lại như “sự thống trị bằng bạo lực” và “sự nghiêm minh của công lý”, kể cả thời Truman và sau này những người kế nhiệm ông, đều mâu thuẫn với những gì mà người
Mỹ đã làm. Tại Iran, năm 1953, cục điều tra tình báo CIA đã thành công trong việc lật đổ chính phủ quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ. Năm 1954, tại Guatemala, chính phủ hợp pháp của nước này đã bị lật đổ bởi một nhóm lính đánh thuê do chính CIA huấn luyện tại các căn cứ quân sự ở Honduras và Nicaragua, với sự yểm trợ của máy bay và phi công Hoa Kỳ. Cuộc đảo chính đó đã trao quyền lực vào tay Carlos Castillo Armas, người được đào tạo quân sự tại căn cứ Fort Leavenworth, bang Kansas.
Chính phủ bị lật đổ từng được coi là chính phủ dân chủ nhất trong lịch sử của Guatemala song đã bị nước Mỹ loại bỏ một cách không thương tiếc. Tổng thống Jacobo Arbenz, vốn là một nhà xã hội cánh tả trung tâm (left-of-center Socialist) và bốn trong 56 ghế trong Quốc hội do các đảng viên Cộng sản nắm giữ. Việc chính phủ của Arbenz cho quốc hữu hóa 234 nghìn hecta diện tích đất trồng của tập đoàn United Fruit và đòi một khoản bồi thường mà tập đoàn này cho là “không thể chấp nhận” đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của nước Mỹ. Chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu Tổng thống Arbenz ra lệnh hoàn trả số diện tích đất trồng đã quốc hữu hóa của United Fruit, bãi bỏ ngay lập tức mức thuế đánh vào lợi nhuận và cổ tức của các nhà đầu tư nước ngoài, chấm dứt các cuộc bỏ phiếu kín và bỏ tù hàng nghìn nhà hoạt động chính trị.
Năm 1958, chính quyền của Eisenhower đã gửi hàng nghìn binh sỹ thủy quân lục chiến tới Li-băng để đảm bảo chắc chắn rằng chính phủ thân Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một cuộc cách mạng nào, và luôn duy trì sự hiện diện quân sự tại quốc gia có trữ lượng dầu vào loại bậc nhất thế giới này.
Các đảng Dân chủ − Cộng hòa, Tự do – Bảo thủ đã đồng lòng nhất trí sẽ ngăn chặn cũng như sẵn sàng lật đổ mọi chính quyền cách mạng bất cứ khi nào có thể cho dù đó là chính quyền Cộng sản, Xã hội chủ nghĩa hay dám chống lại tập đoàn United Fruit. Và sự đồng thuận đó đã phát huy tác dụng tại Cuba năm 1961. Năm 1959, tại hòn đảo nhỏ cách vùng biển ngoài khơi Florida 90 dặm này, một nhóm quân giải phóng dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro đã tiến hành một cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài
của Fulgencio Batista – người được nước Mỹ hậu thuẫn. Cuộc cách mạng đã đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích của nước Mỹ. Chính sách Good Neighbor (Láng giềng thân thiện) của Franklin D. Roosevelt đã giúp bãi bỏ Tu chính án Platt (trong đó cho phép Hoa Kỳ can thiệp vào Cuba), tuy nhiên nước Mỹ vẫn duy trì một căn cứ hải quân tại Guantanamo, Cuba và các tập đoàn kinh doanh của Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị thế thống trị chi phối nền kinh tế của quốc gia này. Có đến 80-100% các tiện ích kinh tế, hầm mỏ, trại chăn thả gia súc và nhà máy lọc dầu thuộc quyền kiểm soát của giới doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, các công ty này còn nắm trong tay khoảng 40% ngành công nghiệp đường và 50% ngành công nghiệp đường sắt công cộng của Cuba.
Năm 1953, Fidel Castro bị bắt giam sau khi dẫn đầu một đội quân tập kích thành công vào một doanh trại quân đội tại Santiago, Chile. Sau khi thoát khỏi nhà tù, ông đã lên đường tới Mexico, gặp gỡ Che Guevara − nhà cách mạng Argentina và quay trở lại Cuba vào năm 1956. Dựa vào các khu rừng rậm rạp và những đồi núi hiểm trở, lực lượng quân đội nhỏ bé của ông đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại đội quân hùng hậu của Batista. Cuộc đấu tranh ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân, đoàn quân du kích của Fidel đã rời các khu vực rừng núi tới mọi miền của đất nước và cùng nhau tiến về Havana. Ngày đầu năm 1959 chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chế độ độc tài Batista.
Sau khi giành được quyền lực, Castro đã thiết lập một hệ thống chuyên trách về giáo dục, nhà ở trên khắp cả nước và tiến hành chia lại ruộng đất cho dân nghèo. Chính phủ đã tiến hành tịch thu hơn 1 triệu hecta đất thuộc quyền sở hữu của ba doanh nghiệp Mỹ, trong đó bao gồm cả United Fruit. Cuba cần một khoản ngân sách lớn để tiến hành các chương trình đó và chính phủ Mỹ, dĩ nhiên, không chấp nhận cho Cuba vay khoản tiền đó. Quỹ Tiền tệ quốc tế, chủ yếu được điều hành bởi Hoa Kỳ, đã từ chối viện trợ cho Cuba với lý do chính phủ nước này không chấp nhận các chính sách “ổn định” do quỹ đề xuất. Ngay khi Cuba ký hiệp định thương mại với Liên bang Xôviết, các công ty lọc dầu thuộc sở hữu của Mỹ tại Cuba đã phản ứng bằng cách từ chối tinh lọc số lượng dầu nhập về từ Liên xô. Castro đã nhanh chóng cho phong tỏa các công ty này. Đáp trả lại, nước Mỹ đã cắt giảm sản lượng đường nhập khẩu từ
Cuba. Điều này ảnh hưởng khá nặng nề đến nền kinh tế của Cuba vốn phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu đường. Tuy nhiên, Liên Xô đã chấp nhận cứu trợ nước này bằng cách mua lại 700 nghìn tấn đường mà Hoa Kỳ đã từ chối không nhập khẩu.
Cuba đã thay đổi và chính sách Láng giềng thân thiện tỏ ra không còn hiệu quả nữa. Mùa xuân năm 1960, Tổng thống Eisenhower đã bí mật chỉ thị cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành tại Guatemala: huấn luyện và trang bị vũ khí cho các đạo quân lưu vong chống lại Fidel, nhằm tiến hành các hoạt động xâm chiếm Cuba trong tương lai. Tính đến thời điểm Kennedy nhậm chức vào mùa xuân năm 1961, CIA đã có trong tay 1.400 quân lưu vong được huấn luyện kỹ càng và trang bị đầy đủ. Kennedy quyết định triển khai tiếp kế hoạch của người tiền nhiệm và vào ngày 17 tháng 4 năm 1961, lực lượng quân lưu vong, với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, đã đổ bộ xuống Vịnh Con Heo phía nam vùng bờ biển của Cuba, cách Havana 90 dặm. Quân phiến loạn hy vọng rằng cuộc chiến sẽ khơi dậy một làn sóng chống lại Fidel, song họ đã nhầm. Cuba giờ đây là một thể chế thống nhất nên việc có biến loạn là điều không thể. Chỉ trong vòng ba ngày, lực lượng do CIA dày công huấn luyện đã bị quân đội chính quy của Fidel nghiền nát.
Sự kiện Vịnh Con Heo hoàn toàn chỉ mang tính lừa dối và đạo đức giả. Cuộc xâm lược đó − khiến chúng ta nhớ lại điều mà Truman gọi là “thống trị bằng bạo lực” – đã
vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (Charter of the Organization of American States) mà Hoa Kỳ đã ký kết, trong đó có đoạn: “Không một nhà nước hay một nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vào công việc ngoại giao hay nội bộ của các quốc gia khác.”
Do đã có các báo cáo trước đó về các căn cứ quân sự bí mật cũng như việc CIA huấn luyện cho các đội quân lưu vong, bốn ngày trước khi xảy ra sự kiện Vịnh Con Heo, Tổng thống Kennedy đã thông báo với giới báo chí: “… sẽ không có, dù bất kỳ dưới hình thức nào, sự can thiệp của quân đội Mỹ tại Cuba.” Quả thực, lực lượng xâm lược chủ yếu là người Cuba, nhưng lực lượng đó do chính Hoa Kỳ tổ chức và các máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ, các phi công Mỹ đã thật sự tham gia vào sự kiện đó; chính
Kennedy đã phê duyệt việc sử dụng các máy bay phản lực của Hải quân vào cuộc chiến. Bốn phi công đã tử nạn và gia đình người chết không bao giờ biết được sự thật về cái chết của họ.
Sự thành công của Liên minh Tự do – Bảo thủ trong việc tạo ra một quốc gia chống Cộng sản được thể hiện rõ nét qua việc lừa dối dân chúng Mỹ về cuộc xâm lược tại Cuba bằng cách kết hợp các tin tức công khai với chính quyền của Kennedy. Tờ The New Republic có ý định đăng tải một bài viết mô tả chi tiết việc CIA huấn luyện các nhóm phiến quân trước khi tiến hành cuộc xâm lược. Nhà sử học Arthur Schlesinger được xem bài báo này trước khi lên trang. ông ta lập tức gửi cho Kennedy và dĩ nhiên Kennedy đã ra lệnh hủy ngay bài báo và The New Public đương nhiên phải chấp nhận không đăng tải bài báo đó.
James Reston và Turner Catledge, thuộc tờ New York Times, dưới áp lực của chính phủ, đã không thể công bố sự thật ẩn giấu đằng sau cuộc xâm lược đó. Arthur Schlesinger nhận xét về động thái này của tờ New York Times như sau: “Đây là một hành động yêu nước nhưng khi nhìn lại, tôi đã tự hỏi nếu như các tòa báo hành xử một cách thiếu trách nhiệm thì liệu có phải họ đang để dành một thảm họa cho quốc gia này hay không?” Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, điều khiến ông cùng nhiều người theo chủ nghĩa tự do khác bận tâm không phải là việc nước Mỹ đã và đang can thiệp vào phong trào cách mạng ở nhiều quốc gia, mà là nước Mỹ luôn luôn thất bại trong việc dập tắt các phong trào đó.
Tính đến thời điểm năm 1960, những nỗ lực sau 15 năm kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt nhằm đập tan chủ nghĩa cộng sản – với sự bùng nổ của chính sách kinh tế mới và những năm tháng diễn ra chiến tranh – dường như đã phát huy hiệu quả. Đảng Cộng sản đã bị xáo trộn – lãnh đạo bị bắt giam, các thành viên trong Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, ảnh hưởng của nó lên phong trào của các liên đoàn gần như không còn. Các phong trào công đoàn tự thân cũng được kiểm soát tốt hơn và có khuynh hướng trở nên bảo thủ hơn. Chi phí cho quân đội chiếm một nửa ngân sách quốc gia song vẫn được công chúng hoan nghênh và chấp nhận. Nguy cơ ô nhiễm
chất phóng xạ có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người từ các vụ thử hạt nhân hoàn toàn không được cảnh báo tới người dân. Ủy ban Năng lượng Nguyên tử nhấn mạnh rằng những hậu quả chết người do các thử nghiệm hạt nhân mang lại là hoàn toàn phóng đại và một bài báo đăng trên Reader’s Digest năm 1955 (tạp chí có số lượng lưu hành lớn nhất nước Mỹ) đã tuyên bố: “Những câu chuyện đáng sợ về các vụ thử hạt nhân trên đất nước này là hoàn toàn không bịa đặt.”
Giữa những năm 1950, đề xuất về việc xây dựng các hầm trú ẩn chống không kích đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dân chúng; công dân Mỹ được khuyến cáo rằng những căn hầm như thế sẽ giúp họ tránh được thảm họa từ bom nguyên tử. Cố vấn chính phủ, khoa học gia Herman Kahn đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề On Thermonuclear War (Chiến tranh Nhiệt hạch), trong đó đưa ra dự đoán rằng sẽ nổ ra một cuộc chiến hạt nhân, song không làm ảnh hưởng đến phần lớn thế giới và tác giả cũng trấn an người dân là không nên quá lo lắng về điều đó. Chính trị gia Henry Kissinger cũng viết một cuốn sách (xuất bản năm 1957) trong đó nhấn mạnh: “Nếu sử dụng với chiến thuật đúng đắn, chiến tranh hạt nhân không nhất thiết mang tính phá hoại như người ta vẫn tưởng…”
Nước Mỹ đang vững bước với nền kinh tế quân sự ổn định, mặc dù vẫn tồn tại không ít cảnh tượng nghèo khổ nhưng nền kinh tế đó đã khôn khéo cung cấp việc làm và tiền công cho một nhóm người dân đủ để khiến họ im lặng. Việc phân chia của cải trong xã hội vẫn tồn tại nhiều sự bất bình đẳng. Từ năm 1944 cho đến năm 1961, tình trạng đó vẫn không thay đổi gì nhiều: 5% số gia đình có địa vị thấp nhất chỉ nhận được 5% trong tổng thu nhập quốc dân, trong khi đó 5% số người có địa vị cao nhất được hưởng tới 45% mức thu nhập quốc nội. Tính đến năm 1953, 80% cổ phần và gần 90% trái phiếu của các công ty lớn nằm trong tay của số người chiếm 1,6% dân số. Trong tổng số 200 nghìn tập đoàn, có khoảng 200 tập đoàn khổng lồ tuy chỉ chiếm 1/1.000 tổng số các doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ nhưng đã kiểm soát tới 60% tổng giá trị tài sản của cả đất nước do sản xuất mang lại.
Trong bản giải trình ngân sách của mình sau một năm nhiệm kỳ, Kennedy đã cho
thấy, dù có là chế độ dân chủ − tự do hay là bất cứ chế độ nào khác, thì việc phân phối thu nhập, của cải hay lợi tức về thuế về bản chất cũng sẽ không bao giờ thay đổi. James Reston thuộc New York Times trong lúc tóm tắt lại thông điệp của Kennedy, đã cố tình tránh không đề cập đến những thứ đại loại như “sự thay đổi bất ngờ trong tương lai” hay “kế hoạch đầy tham vọng nhằm đẩy lùi vấn đề thất nghiệp”. Reston nhận xét:
Tổng thống chấp nhận miễn thuế cho các khoản đầu tư mở rộng và hiện đại hóa nhà máy. Tổng thống không thích thú chuyện đối đầu với phe bảo thủ miền Nam trong các vấn đề về quyền công dân. ông đã và đang tiến hành đôn đốc các nghiệp đoàn hạ thấp nhu cầu lương để tăng cường sức cạnh tranh về giá đối với các thị trường bên ngoài cũng như để tăng thêm việc làm. Và ông đã cố gắng trấn an doanh nghiệp rằng trong tương lai ông không muốn có bất cứ một cuộc Chiến tranh Lạnh nào với họ…
Tuần này, trong một cuộc họp báo, ông đã từ chối thực hiện lời hứa sẽ ngăn chặn sự phân biệt đối xử trong chính phủ, nhưng tuyên bố rằng việc trì hoãn sẽ kết thúc cho đến khi đạt được một “sự đồng thuận” trên toàn đất nước nhằm phục vụ cho lợi ích chung…
Trong vòng 12 tháng, Tổng thống đã chuyển hướng chú ý vào những vấn đề chung nhất của nền chính trị Hoa Kỳ… Đối với sự chung nhất đó, mọi vấn đề dường như đều an toàn. Không có gì được thực thi nhằm phục vụ lợi ích cho người da đen, cũng chẳng có gì được tiến hành để thay đổi cơ cấu của nền kinh tế. Chính sách đối ngoại cứng rắn và bạo lực vẫn được duy trì. Đất nước dường như vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Cho đến những năm 1960, một loạt những bất ổn đã nảy sinh trong mọi lĩnh vực đời sống của người dân Mỹ, điều đó cho thấy mọi tính toán của thể chế này về sự an toàn và thành công là hoàn toàn sai lầm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.