Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

21.CARTER ‒ REAGAN ‒ BUSH VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ LƯỠNG ĐẢNG



Nhìn lại nửa chặng đường thế kỷ XX, trong tác phẩm The American Political Tradition (Truyền thống chính trị của nước Mỹ), khi nghiên cứu về các nhà lãnh đạo quan trọng của nước Mỹ, từ Jefferson, Jackson, Herbert Hoover cho đến hai tổng thống Theodore Roosevelt và Franklin Roosevelt – thuộc hai liên minh Dân chủ − Cộng hòa và tự do

− bảo thủ, nhà sử học Richard Hofstadter đã kết luận rằng “tầm nhìn của các đối thủ thuộc các chính đảng luôn bị hạn chế bởi tài sản và doanh nghiệp… Họ coi lợi ích kinh kế của nền văn hóa tư bản là những giá trị cần thiết của con người… nó đã trở thành một phần quan trọng trong nền văn hóa chung của dân tộc…”

Trở lại giai đoạn cuối thế kỷ XX, khi xem xét khoảng 25 năm cuối của thế kỷ này, chúng ta nhận thấy sự hạn chế trong kết luận của Hofstadter – chế độ tư bản đã thúc đẩy và tạo ra sự giàu có thịnh vượng song hành với sự nghèo đói, cũng như sự chấp nhận của cả một quốc gia đối với chiến tranh và chuẩn bị cho chiến tranh. Quyền lực của chính phủ lần lượt được chuyển giao từ Đảng Cộng hòa sang Đảng Dân chủ rồi ngược lại, nhưng không đảng nào chứng minh mình có thể tránh được tầm nhìn hạn chế đó.

Nối tiếp thảm bại tại Việt Nam là vụ bê bối Watergate. An ninh kinh tế cho toàn bộ dân số quốc gia này ngày càng bấp bênh, song hành với đó là sự suy thoái nghiêm trọng của môi trường, bạo lực gia tăng và sự xáo trộn trong đời sống gia đình. Dĩ nhiên không thể giải quyết những vấn đề đó nếu không thay đổi cấu trúc nền kinh tế xã hội. Dù vậy, không một ứng cử viên thuộc chính đảng nào đề cập đến việc phải tạo ra những thay đổi đó. Tác phẩm American Political Tradition (Truyền thống chính trị của nước Mỹ) đã rất nhạy bén trong việc phân tích vấn đề này.

Trong quá trình tìm hiểu, có lẽ do chỉ lờ mờ nhận thức được vấn đề này, nhiều cử tri đã không tham gia bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu không mấy nhiệt tình. Họ ngày càng thể hiện thái độ đối với hệ thống chính trị, cho dù chỉ bằng cách không tham gia bỏ

phiếu. Năm 1960, 63% số người đủ tư cách bỏ phiếu tham gia cuộc bầu cử tổng thống. Tính đến năm 1976, con số này đã giảm xuống chỉ còn 53%. Theo kết quả khảo sát của CBS News và New York Times, hơn một nửa số người được hỏi đã trả lời rằng giới chức trách không mấy quan tâm tới mong muốn của người dân. Một thợ sửa ống nước nói: “Tổng thống Mỹ sẽ không giải quyết các vấn đề này. Chúng quá to tát!”

Sự bất công và phi lý luôn là một phần của xã hội. Giới chính trị chi phối báo giới, truyền thông và hoạt động của tổng thống, Quốc hội cũng như Tòa án Tối cao; bên cạnh đó, một vài quan chức còn được đối xử như thể họ là những người tạo nên lịch sử nước Mỹ. Sự giả tạo có mặt khắp nơi, giới cầm quyền Hoa Kỳ đã thổi phồng mọi thứ và coi đó là cách để thuyết phục người dân Mỹ − những người đang hoài nghi rằng đó là tất cả − và rằng họ phải dành trọn niềm tin vào tương lai của mình cho các chính trị gia tại Washington. Nhưng không một ai muốn tin những lời lẽ đó, bởi đằng sau tất cả những lời nói khoa trương, những lý lẽ hùng biện cùng sự hứa hẹn, điều duy nhất mà các chính trị gia này quan tâm đó là quyền lực chính trị của họ.

Khoảng cách giữa đời sống chính trị và người dân được phản ánh rõ nét qua nền văn hóa. Dù được coi là công cụ truyền thông tốt nhất và không bị lợi nhuận kiểm soát, truyền hình công cộng vẫn hiếm khi nhắc đến người dân. Tại một diễn đàn hàng đầu về chính trị, được phát sóng trên truyền hình vào buổi tối có tên là “MacNeil-Lehrer Report”, dân chúng không được mời tham dự, ngoại trừ một số người được phép tham dự với tư cách là những màn phô trương cho các thành viên Quốc hội, các thượng nghị sỹ, quan chức chính phủ và giới chuyên gia.

Giữa những năm 1980, khi Ronald Reagan còn tại nhiệm, “học thuyết công bằng” của Ủy ban Truyền thông Liên bang – yêu cầu các quan điểm không chính thống cũng có tiếng nói trên băng tần của các đài phát thanh − đã bị bãi bỏ. Trong những năm 1990, chương trình “Talk Radio“ (Trò chuyện trên đài) có khoảng 20 triệu thính giả đã “giải quyết” các tranh luận của chủ tọa chương trình “tọa đàm” thuộc đảng cánh hữu với các vị khách mời thuộc đảng cánh tả.

Người dân không ảo tưởng về chính trị và với những tranh luận giả tạo về chính trị

nhằm đánh lạc hướng công chúng (hoặc chuyển hướng quan tâm) sang các lĩnh vực như giải trí, những câu chuyện phiếm hay các mẹo vặt. Các chương trình này bề ngoài có vẻ nghiêm túc song đó thực chất là cách để truy lùng những kẻ “giơ đầu chịu báng” trong một tổ chức, hoặc là cuộc chiến chống lại sự cạnh tranh nào đó, các luồng nhập cư, tội phạm nước ngoài, trợ cấp cho các bà mẹ, những tên tội phạm nhỏ (làm lá chắn cho các trùm tội phạm nguy hiểm mà chính phủ không dám động chạm).

Cũng có những người đang cố bám lấy những tư tưởng hay lý tưởng vốn dĩ chỉ tồn tại trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, không phải bằng ký ức mà bằng hành động. Trên thực tế, trên khắp nước Mỹ, một bộ phận công chúng mà các phương tiện truyền thông không đề cập đến hoặc bị giới lãnh đạo chính trị bỏ quên, lại hoạt động rất tích cực trong hàng nghìn tổ chức thuộc mọi địa phương. Các tổ chức này đã khởi xướng hàng loạt phong trào như bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ, dịch vụ chăm sóc y tế (bao gồm cả những quan ngại về thảm họa AIDS), các phong trào kêu gọi xây nhà cho người vô gia cư và phản đối việc tiêu dùng quá nhiều cho quân đội.

Chủ nghĩa tích cực này rất khác so với những năm 1960, khi làn sóng phản đối nạn phân biệt chủng tộc và chiến tranh lấn át cả sức mạnh của lực lượng quốc gia. Chủ nghĩa này đã đấu tranh kịch liệt với sự vô trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị, cố gắng gắn kết các công dân Mỹ, những người tìm thấy đôi chút ánh sáng hy vọng đối với nền chính trị thông qua bầu cử hoặc phản kháng lại nền chính trị đó.

Thời kỳ nắm giữ cương vị tổng thống của Jimmy Carter, từ năm 1977 đến 1980, được coi là nỗ lực của giới cầm quyền, tiêu biểu là Đảng Dân chủ, trong việc “giành” lại những công dân vỡ mộng. Tuy nhiên, cho dù đã có một số động thái đối với những người da đen và người nghèo cũng như các tuyên bố về “nhân quyền” quốc tế, Carter vẫn không thể thoát khỏi những ranh giới hạn chế của lịch sử chính trị Mỹ. ông ta vẫn tiếp tục bảo hộ cho sự thịnh vượng và quyền lực của các tập đoàn, duy trì cỗ máy quân sự khổng lồ đang làm kiệt quệ nguồn ngân sách quốc gia nhằm biến Mỹ trở thành đồng minh với những thế lực chuyên chế thuộc phe cánh hữu ở nước ngoài.

Carter dường như là sự lựa chọn tối ưu của Ủy ban Ba bên − tổ chức quyền lực quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn. Theo tờ Far Eastern Economic Review, hai thành viên sáng lập ủy ban là David Rockefeller và Zbigniew Brzezinski cho rằng Carter là ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế tổng thống trong kỳ bầu cử diễn ra năm 1976 và phát biểu: “Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ thất bại thảm hại sau vụ Watergate”.

Theo quan điểm của giới cầm quyền, nhiệm vụ của Carter trên cương vị tổng thống là ngăn chặn sự bất đồng giữa người dân Mỹ với chính phủ, với hệ thống kinh tế cùng những thất bại của quân đội ở nước ngoài. Trong chiến dịch của mình, Carter đã cố gắng trò chuyện với những người dân có tư tưởng thực tế và đang trong tâm trạng phẫn nộ. Những lời kêu gọi mạnh mẽ nhất được ông ta nhắm vào người da đen. Cuộc nổi loạn của người Mỹ gốc Phi trong giai đoạn cuối những năm 1960 chính là thử thách hóc búa nhất đối với chính quyền kể từ khi người lao động và người thất nghiệp nổi dậy đấu tranh vào những năm 1930.

Lời kêu gọi của Tổng thống Carter chỉ mang tính chất “dân túy” – ông ta kêu gọi các thành phần trong xã hội Mỹ, những người tự cho mình là giàu có và quyền lực. Mặc dù bản thân là một triệu phú phất lên từ nghề trồng lạc song Carter lại thể hiện mình như một nông dân Mỹ bình thường. Mặc dù là người ủng hộ nhiệt tình cho cuộc chiến tại Việt Nam, kể từ khi nó bắt đầu cho đến ngày quân đội Mỹ trở về nước, song ông ta lại bày tỏ sự cảm thông đối với những người chống lại cuộc chiến này và kêu gọi thế hệ trẻ trong những năm 1960 bằng cam kết cắt giảm ngân sách quân sự.

Trong một bài phát biểu với các luật sư được công bố rộng rãi, Carter tuyên bố rằng ông ta sẽ chống lại điều luật bảo vệ người giàu. ông ta chỉ định Patricia Harris − một phụ nữ da đen − giữ chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Nhà đất và Đô thị, và Andrew Young − người bảo vệ quyền lợi của người da đen − làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. ông ta trao vai trò lãnh đạo tổ chức thanh niên trong nước cho Sam Brown – nguyên là nhà hoạt động chính trị chống chiến tranh trẻ tuổi.

Tuy nhiên, theo ghi chép của nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Harvard − Samuel Huntington, sự bổ nhiệm quan trọng nhất của Tổng thống lại nằm trong Ủy ban Ba

bên, rằng dù bất cứ tổ chức nào bầu ra một tổng thống, khi đã được lựa chọn thì “điều cần xem xét là khả năng ông ta huy động sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo của các tổ chức chủ chốt”. Brzezinski, một chuyên gia về Chiến tranh Lạnh đã được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia cho Carter. Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown đã phải đương đầu với sức ép từ nhiều phía về việc tiến hành ném bom trong suốt cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Bộ trưởng Năng lượng James Schlesinger, từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Nixon, đã được một thành viên của giới báo chí Washington mô tả là “nhà lãnh đạo tư tưởng đang cố gắng tìm cách lật ngược xu hướng ngày càng đi xuống của ngân sách quốc phòng”. Schlesinger cũng mạnh dạn đề xuất tiến hành các hoạt động năng lượng nguyên tử.

Các thành viên thuộc Nội các của Tổng thống Carter liên kết với nhau rất chặt chẽ. Không lâu sau cuộc bầu cử tổng thống của Carter, một cây bút trong lĩnh vực tài chính đã viết: “Cho đến nay, các hành động, bài bình luận, đặc biệt các cuộc bổ nhiệm trong Nội các của Carter chỉ nhằm mục đích đảm bảo chắc chắn cho cộng đồng doanh nghiệp.” Tom Wicker, một cựu phóng viên ở Washington, cho rằng: “Bằng chứng cho thấy Tổng thống Carter là lựa chọn khả dĩ của Phố Wall.”

Carter đã thi hành nhiều chính sách phức tạp hơn và liên tục gây sức ép lên các thành viên trong chính phủ. ông ta cùng Đại sứ Liên Hiệp Quốc Andrew Young xây dựng sự quyết tâm mạnh mẽ hơn cho nước Mỹ đối với các quốc gia châu Phi và thúc đẩy Nam Phi mở rộng các chính sách cho người da đen. Việc thiết lập hòa bình tại Nam Phi là một yếu tố rất cần thiết đối với các lý do chiến lược, đây cũng là quốc gia được sử dụng làm căn cứ cho các hệ thống dò tìm radar. Ngoài ra, Nam Phi còn là nơi có nguồn đầu tư quan trọng của Mỹ và là nguồn cung cấp chính các nguyên liệu thô quan trọng (đặc biệt là kim cương). Vì vậy, điều mà nước Mỹ cần là một chính phủ ổn định tại Nam Phi; và rằng việc liên tục đàn áp người da đen sẽ có thể dẫn đến một cuộc nội chiến.

Cách thức tương tự cũng được áp dụng tại nhiều quốc gia khác – kết hợp giữa các nhu cầu chiến lược thực tiễn với những tiến bộ trong dân quyền. Tuy nhiên, do các động

cơ này chủ yếu vì những lợi ích thực tế chứ không phải nhân đạo, một xu hướng mới đối với những thay đổi mang tính hình thức đó đã xuất hiện – chẳng hạn như việc tha bổng một số tội phạm chính trị tại Chile. Khi Herman Badillo, một thành viên trong Quốc hội, đề xuất yêu cầu đại diện của Hoa Kỳ tại Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế khác bỏ phiếu không tán thành việc cung cấp các khoản vay cho những quốc gia vi phạm các quyền cơ bản một cách có hệ thống, chẳng hạn tra tấn hay bỏ tù không thông qua xét xử, Tổng thống Carter lập tức gửi một bức thư đề nghị các thành viên Quốc hội phải hủy bỏ dự luật đó. Bức thư nhìn chung đã tạo được ảnh hưởng đối với Hạ viện, còn Thượng viện lại không hưởng ứng.

Dưới thời Carter, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ các chế độ cam kết bỏ tù các tội phạm biệt giáo, những kẻ phạm tội tra tấn và giết người hàng loạt, như ở Philippine, Iran, Nicaragua và Indonesia…

Tạp chí New Republic, ủng hộ phe tự do của giới cầm quyền, đã bình luận rằng họ đồng tình với chính sách của Carter: “… các chính sách đối ngoại của Mỹ trong bốn năm tới cần mở rộng hơn nữa các triết lý của Nixon-Ford. Điều này không phải là một triển vọng tiêu cực… và nên được tiếp tục. Đó là một phần của lịch sử…”

Carter thể hiện mình như một chiến hữu của phong trào chống chiến tranh, nhưng khi Nixon đánh bom phá hoại cảng Hải Phòng và có ý định ném bom toàn miền Bắc Việt Nam vào mùa xuân năm 1973, Carter đã đề xuất rằng “chúng ta nên ủng hộ và hỗ trợ Tổng thống Nixon dù chúng ta có đồng tình hay phản đối các quyết định đó”. Sau khi đắc cử, Carter đã từ chối việc viện trợ cho công cuộc tái thiết của Việt Nam, mặc dù chính bom đạn của Mỹ đã tàn phá quốc gia nhỏ bé này. Khi được hỏi về vấn đề này trong một cuộc họp báo, Carter trả lời rằng nước Mỹ không có trách nhiệm phải thực thi điều này bởi “việc phá hoại là do cả hai phía gây ra”.

Khi xem xét lại việc Mỹ đã rải 2 triệu quân cùng số lượng bom đạn khổng lồ, cướp đi hơn một triệu mạng sống và để lại những thiệt hại nặng nề trên một mảnh đất nhỏ bé cách Mỹ nửa bán cầu, thì lời phát biểu trên quả là đáng kinh ngạc.

Có lẽ mục đích của giới cầm quyền là làm cho thế hệ tương lai nhìn nhận cuộc chiến tranh không như những gì đã được lên kế hoạch tại Lầu Năm Góc – một cuộc tấn công tàn khốc vào dân thường vô tội vì mục đích quân sự và lợi nhuận kinh tế – nhưng lại coi đó như là một sai sót đáng tiếc. Noam Chomsky, một nhà hoạt động chống chiến tranh hàng đầu trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã nghiên cứu các ghi chép lịch sử giai đoạn giữa năm 1978 để xem xét các phương tiện truyền thông phổ biến đã mô tả về cuộc chiến đó như thế nào. ông viết rằng họ đang “phá hủy các bản ghi chép và thay thế nó bằng những câu chuyện dễ chịu hơn… làm giảm nhẹ ‘các bài học’ để biến cuộc chiến vô nghĩa đó trở thành các phạm trù xã hội mang tính trung lập như sự sai sót, bất cẩn và cái giá phải trả.”

Có thể thấy, bộ máy hành chính của Carter muốn chấm dứt ảo tưởng của người dân Mỹ sau chiến tranh Việt Nam bằng cách tuân thủ theo các chính sách đối ngoại một cách thoải mái và ít hiếu chiến hơn. Do vậy, họ nhấn mạnh đến hai chữ “nhân quyền” và thúc đẩy Nam Phi, Chile thực thi các chính sách mở cửa. Nhưng nếu phân tích cụ thể, các chính sách mở cửa này được xây dựng nhằm mục đích bảo toàn cho quyền lực và tầm ảnh hưởng của quân đội Mỹ cũng như nền kinh tế Mỹ trên khắp toàn cầu.

Cuộc đàm phán lại về Hiệp ước Kênh đào Panama với quốc gia Trung Mỹ Panama bé nhỏ là một ví dụ. Mỗi năm, kênh đào này giúp Mỹ tiết kiệm 1,5 tỷ đô-la chi phí vận chuyển và thu lợi 150 triệu đô-la phí cầu đường. Tuy nhiên, số tiền mà chính phủ Hoa Kỳ phải trả cho chính phủ Panama chỉ khoảng 2,3 triệu đô-la, thêm vào đó Mỹ còn đặt 14 căn cứ quân đội tại quốc gia này.

Trở lại năm 1903, Mỹ đã dàn xếp cuộc bạo động cách mạng chống lại chính phủ Colombia và giúp thành lập Cộng hòa Panama nhỏ bé ngay tại Trung Mỹ. Sau đó, Mỹ đã cưỡng chế Columbia buộc chính phủ nước này phải chấp thuận hiệp ước cho phép quân đội Mỹ thành lập căn cứ quân sự cũng như nắm quyền kiểm soát kênh đào chiến lược tại đây và công nhận chủ quyền vĩnh viễn. Năm 1977, để đáp lại sự phản đối các công dân Mỹ tại Panama, chính quyền Carter đã quyết định tiến hành đàm phán về hiệp ước này. Tờ New York Times thẳng thắn bình luận: “Chúng ta đã đánh cắp nó và

xóa mọi bằng chứng khỏi những cuốn sách lịch sử.”

Năm 1977, kênh đào đã đánh mất vị thế quan trọng về mặt quân sự. Nó không đủ lớn để lưu thông các tàu chở dầu khổng lồ hay các hàng không mẫu hạm (tàu sân bay). Bên cạnh đó, làn sóng phản đối công dân Mỹ tại Panama đã khiến chính quyền Carter phải ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra một hiệp định mới nhằm kêu gọi dỡ bỏ các căn cứ quân sự đóng tại đây (có thể dễ dàng đặt lại tại một nơi nào đó trong khu vực này). Quyền sở hữu hợp pháp kênh đào được trao trả lại cho chính phủ Panama sau một thời gian dài bị chiếm đóng. Chính phủ Mỹ đã khôn khéo sử dụng những lời lẽ mang tính mơ hồ, không rõ ràng để trong những trường hợp thuận lợi, hiệp định có thể được sử dụng làm cái cớ cho quân đội Mỹ tiến hành can thiệp.

Cho dù chính sách đối ngoại của Carter phức tạp đến mức nào thì một số chính sách cơ bản trong những năm 1960-1970 vẫn được duy trì thực hiện. Các tập đoàn của Mỹ đã đặt chân lên khắp nơi trên thế giới với quy mô chưa từng thấy. Vào đầu những năm 1970, có khoảng 300 công ty Mỹ, bao gồm 7 ngân hàng lớn nhất thu tới 40% lợi nhuận ròng của các quốc gia nằm bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Dù núp dưới cái tên “các tập đoàn đa quốc gia”, trên thực tế 98% thành viên ban quản trị cấp cao của các tổ chức này là người Mỹ. Với tư cách là một tổ chức, họ đã hình thành nên đế chế kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Liên Xô.

Mối quan hệ giữa các tổ chức toàn cầu này với các quốc gia nghèo được coi là một mảnh đất màu mỡ để khai thác kiếm lợi − chính các con số thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cho thấy điều đó. Từ 1950-1965, các tập đoàn tại châu âu đã đầu tư 8,1 tỷ đô-la nhưng lợi nhuận thu được chỉ vào khoảng 5,5 tỷ đô-la. Trong khi đó, tại châu Mỹ Latinh, khối lượng đầu tư của các tập đoàn này ước tính khoảng 3,8 tỷ đô-la nhưng đạt mức lợi nhuận 11,2 tỷ đô-la. Tại châu Phi, số vốn đầu tư 5,2 tỷ đô-la đem về mức lợi nhuận tới 14,3 tỷ đô-la.

Đây là một điều thường thấy ở chủ nghĩa đế quốc, trong đó các nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên trở thành nạn nhân của các quốc gia hùng mạnh hơn – quyền lực của các quốc gia này có được là nhờ sự chiếm đoạt. Các tập đoàn lớn của Mỹ phụ

thuộc hoàn toàn vào các nguồn nguyên liệu như kim cương, cà phê, bạch kim, thủy ngân, cao su tự nhiên và thuốc nhuộm của các quốc gia khác. Họ phải nhập khẩu tới 98% mangan, 90% crôm và nhôm. Trong đó, 20-40% bạch kim, thủy ngân, cô ban, crom, mangan được nhập từ châu Phi.

Một chính sách đối ngoại cơ bản khác, đó là tiến hành huấn luyện các sỹ quan quân đội nước ngoài, cho dù lúc đó Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa đang cầm quyền tại Nhà Trắng, vẫn được liên tục duy trì. Quân đội Mỹ liên tiếp thành lập “trường sỹ quan dành cho người Mỹ” tại Kênh đào Panama. Tại đây, hàng nghìn sỹ quan chỉ huy quân đội Mỹ Latinh được huấn luyện và cấp bằng tốt nghiệp. Nổi bật trong số đó có sáu học viên làm việc cho quân đội Chile, những người này đã tiến hành lật đổ chính phủ của Salvador Allende – Tổng thống Chile vào năm 1973. Một sỹ quan chỉ huy người Mỹ của trường này đã trả lời phóng viên như sau: “Chúng tôi giữ liên lạc với các học viên đã tốt nghiệp và họ cũng làm như vậy với chúng tôi.”

Bên cạnh đó, Mỹ luôn tìm cách xây dựng cho mình hình ảnh một quốc gia hào phóng với sự giàu có vô hạn. Mỹ thường xuyên viện trợ cho những nạn nhân gặp thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, các khoản viện trợ này lại tùy thuộc phần nhiều vào mức độ trung thành chính trị. Đợt hạn hán kéo dài sáu năm tại Tây Phi đã cướp đi sinh mạng của 100 nghìn người dân châu Phi. Trong báo cáo của mình, Carnegie Endowment cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế (AID) trực thuộc chính phủ Hoa Kỳ đã lảng tránh việc cung cấp viện trợ cho những người dân du mục tại khu vực Sahel, bao gồm sáu quốc gia thuộc khu vực Tây Phi. AID cho rằng các quốc gia này không có “mối liên hệ lịch sử, kinh tế hay chính trị chặt chẽ với Hoa Kỳ”.

Đầu năm 1975, giới báo chí đã cho đăng tải một thông điệp từ Washington, trong đó viết: “Ngoại trưởng Henry A. Kissinger đã chính thức tiến hành cắt giảm viện trợ đối với các quốc gia đối đầu với Mỹ trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc. Trong một vài trường hợp, sẽ bao gồm cả các khoản viện trợ lương thực và viện trợ nhân đạo.”

Hầu hết các khoản viện trợ được dành cho hoạt động quân sự. Năm 1975, số vũ khí xuất khẩu của Hoa Kỳ ước tính trị giá khoảng 9,5 tỷ đô-la. Chính quyền Carter đã hứa

hẹn sẽ chấm dứt việc bán vũ khí cho các chế độ có xu hướng sử dụng sức mạnh để đàn áp, nhưng chẳng bao lâu sau, họ lại tiếp tục bán vũ khí với số lượng lớn hơn.

Ngân sách dành cho quân đội tiếp tục chiếm phần lớn trong ngân sách quốc gia. Trong quá trình vận động tranh cử, Carter từng tuyên bố trước Ủy ban Dân chủ Quốc gia: “Chúng ta có thể tiết giảm chi phí tiêu dùng cho quân đội hiện nay xuống từ 5-7 tỷ đô-la mỗi năm mà không gây ảnh hưởng đến nền quốc phòng của quốc gia cũng như liên minh thỏa hiệp với các nước đồng minh.” Nhưng sau đó, dự trù ngân sách cho quân đội được đưa ra lại không cắt giảm, mà là bổ sung thêm 10 tỷ đô-la. Trên thực tế, Carter đã lên kế hoạch sẽ chi dùng khoảng 1 nghìn tỷ đô-la cho lực lượng quân đội trong khoảng thời gian 5 năm. Giới cầm quyền tuyên bố rằng Bộ Nông nghiệp có thể tiết kiệm được 25 triệu đô-la mỗi năm bằng cách cắt giảm các khoản tài trợ sữa miễn phí cho 1,4 triệu học sinh thuộc diện được hỗ trợ ăn miễn phí tại trường học.

Nếu công việc của Carter là gây dựng lại niềm tin của người dân với bộ máy chính quyền thì việc giải quyết các vấn đề kinh tế của người dân Mỹ rõ ràng là thất bại thảm hại nhất của ông ta. Mức lương cơ bản được nâng song không đủ để bù đắp lại việc giá cả thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác ngày càng leo thang. Theo thống kê chính thức, tỷ lệ thất nghiệp liên tục duy trì ở mức 6-8%, song trên thực tế con số không được công bố chắc chắn còn cao hơn nhiều. Đối với một số nhóm trong xã hội như giới trẻ, đặc biệt là nhóm thanh niên da màu, tỷ lệ thất nghiệp thậm chí còn lên tới 20-30%.

Có thể dễ dàng nhận ra rằng, các công dân da đen ở Mỹ, nhóm người ủng hộ nhiệt tình nhất cho sự đắc cử của Carter, là những người cảm thấy thất vọng nhất đối với các chính sách của vị tổng thống này. ông ta bác bỏ việc hỗ trợ liên bang đối với những người nghèo cần nạo thai, và khi bị chỉ trích là đã thiếu công bằng, bởi lẽ chỉ có những phụ nữ giàu mới có thể được phép nạo thai dễ dàng, ông ta thản nhiên biện bạch: “Các bạn thấy đấy, cuộc sống có rất nhiều điều bất công, phụ nữ giàu có khả năng chi trả chi phí còn phụ nữ nghèo thì không.”

“Chủ nghĩa dân túy” của Carter không hề hiện hữu trong chính sách của chính phủ,

thứ mà họ quan tâm chỉ có dầu mỏ và khí đốt. Điều đó nằm trong “kế hoạch năng lượng” của Carter nhằm chấm dứt việc quy định giá khí đốt tự nhiên dành cho người tiêu dùng. Tập đoàn sản xuất khí gas tự nhiên lớn nhất là Exxon, và người nắm giữ cổ phần lớn nhất của Exxon là gia đình tài phiệt Rockefeller.

Ngay khi Carter mới tuyên thệ nhậm chức, Cơ quan Năng lượng Liên bang đã phát hiện tập đoàn Gulf Oil Corporation khai khống 79,1 triệu đô-la khoản tiền nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài và từ đó áp đặt mức giá sai cho người tiêu dùng. Mùa hè năm 1978, chính phủ tuyên bố đã đạt được một “thỏa thuận” với Gulf Oil, theo đó tập đoàn này chấp nhận hoàn lại số tiền là 42,2 triệu đô-la. Gulf thông báo với các cổ đông rằng số tiền đó sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận chung do họ đã dự trữ được một số lượng lớn dầu trong những năm qua.

Luật sư của Bộ Năng lượng, người trực tiếp tiến hành thỏa hiệp với Gulf Oil, cho biết sở dĩ tập đoàn này cam kết thỏa hiệp đó thực chất là để tránh bị kiện tụng lôi thôi và tốn kém. Liệu rằng chi phí kiện tụng có bằng khoản tiền 36,9 triệu đô-la được chi cho thỏa hiệp này? Liệu rằng chính phủ Mỹ có quyết tâm tóm cổ một tên cướp nhà băng nếu hắn ta đồng ý trả lại một nửa số tiền đã đánh cắp được? Sự dàn xếp đó có thể coi một minh chứng hoàn hảo, và đúng như những gì Carter đã tuyên bố với giới luật sư trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình: “Luật pháp nằm trong tay những kẻ có tiền.”

So với các chính quyền trước đó, những chính sách của Carter rõ ràng không tạo được biến chuyển sâu sắc nhằm phá bỏ sự bất công trong phân phối tài sản của xã hội Mỹ, dù phe bảo thủ hay tự do nắm quyền. Theo nhà kinh tế học Andrew Zimbalist viết trên tờ Le Monde Diplomatique, 10% dân số giàu nhất nước Mỹ có thu nhập nhiều gấp 30 lần so với 10% dân số có thu nhập thấp nhất; 33% của cải của nước Mỹ nằm trong tay 1% số người giàu nhất. 5% người giàu nhất sở hữu 83% cổ phần của các công ty. 100 công ty lớn nhất (cho dù thuế thu thập có thể khiến người dân tin rằng những người giàu phải đóng ít nhất 50% thu nhập) phải chi trả trung bình 26,9% tiền thuế và con số tương tự mà các công ty hàng đầu về dầu mỏ phải trả là 5,8% (theo con

số thống kê của Internal Revenue Service). Trên thực tế, 244 cá nhân có thu nhập trên 200 nghìn đô-la không phải tốn một xu nào để đóng thuế.

Năm 1979, Carter đã miễn cưỡng đề xuất một vài lợi ích dành cho người nghèo, Quốc hội ngay lập tức bác bỏ những yêu cầu đó. Marian Wright Edelman, một phụ nữ da màu, giám đốc Quỹ Bảo vệ Trẻ em tại Washington, chỉ ra cứ bảy trẻ em ở Mỹ thì có một trẻ em không được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế tối thiểu (trên tổng số 10 triệu). Cứ ba trẻ em Mỹ dưới 17 tuổi (trên tổng số là 18 triệu) thì có một trẻ em không bao giờ được đi khám nha khoa. Trong một bài báo đăng tải trên tờ New York Times, bà viết:

Gần đây, Ủy ban Ngân sách của Thượng viện đã quyết định cắt giảm 88 triệu đô-la trong số ngân sách khiêm tốn 288 triệu đô-la dành cho chương trình chăm sóc trẻ em. Cùng lúc đó, Thượng viện đã chi 725 triệu đô-la để bảo lãnh cho hãng Litton Industries và trao cho Hải quân Mỹ ít nhất hai khu trục hạm theo đơn đặt hàng của Quốc vương Iran.

Carter tán thành việc ”cải cách” thuế − trong đó người được hưởng lợi nhiều nhất là các tập đoàn kinh tế. Trên tờ The Nation, nhà kinh tế học Robert Lekachman nhấn mạnh rằng lợi nhuận kinh doanh đã tăng vọt (tới 44%) trong quý 4 năm 1978 so với cùng kỳ năm ngoái. ông viết: “Có lẽ hành động đáng chê trách nhất của Tổng thống là ký kết điều luật cắt giảm thuế trị giá 18 tỷ đô-la, chính những người giàu có và các tập đoàn kinh tế lớn được lợi nhiều nhất từ điều luật này.”

Năm 1979, trong khi tiền lương của người nghèo bị cắt giảm nghiêm trọng thì thu nhập hàng năm của chủ tịch tập đoàn dầu khí Exxon Oil lên tới 830 nghìn đô-la, còn lương của chủ tịch tập đoàn dầu khí Mobil Oil ước tính vào khoảng một triệu đô-la mỗi năm. Cũng trong năm đó, lợi nhuận của Exxon tăng 56%, lên tới hơn 4 tỷ đô-la, trong khi đó hơn 3 nghìn trạm xăng nhỏ phải đóng cửa.

Carter cũng tỏ ra nỗ lực trong việc thực hiện một số chương trình an sinh xã hội, nhưng những dự định này đã bị ngân sách khổng lồ dành cho quân đội “nuốt chửng”.

Nói ngắn gọn thì ngân sách đó được dùng để xây dựng thế đối trọng với phía Liên Xô. Tuy nhiên, khi Liên Xô xâm chiếm Afghanistan vào năm 1979, Carter chỉ có thể đưa ra một vài động thái mang tính chất tượng trưng, như xây dựng lại chế độ nhập ngũ và kêu gọi tẩy chay Đại hội thể thao Olympics được tổ chức tại Moscow.

Mặt khác, chính phủ Mỹ tiến hành viện trợ vũ khí cho các chế độ độc tài ở nước ngoài trong cuộc chiến chống lại các cuộc nổi dậy của phe cánh tả. Trong một báo cáo trình lên Quốc hội năm 1977, Carter đã tuyên bố rằng “một số quốc gia bị lên án về nhân quyền lại chính là những quốc gia có hệ thống an ninh quan trọng và góp phần giúp nước Mỹ thu lợi từ những chính sách đối ngoại”.

Do đó, Carter yêu cầu Quốc hội chi 5,7 triệu đô-la ngân quỹ tín dụng cho quân đội để tiến hành đàn áp cuộc nổi dậy của nông dân ở El Salvador vào mùa xuân năm 1980. Tại Philippine, sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 1978, Tổng thống Ferdinand Marcos đã bỏ tù 10 trong số 21 ứng cử viên tranh cử bị thất bại; rất nhiều phạm nhân đã bị tra tấn và nhiều dân thường bị giết hại. Tuy nhiên, Carter vẫn yêu cầu Quốc hội viện trợ cho Marcos 300 triệu đô-la để hỗ trợ cho quân đội nước này trong vòng năm năm sau đó.

Tại Nicaragua, để duy trì chế độ độc tài Somoza, Mỹ không ngừng viện trợ cho chính phủ nước này trong nhiều thập kỷ. Do không nắm được những điểm yếu cơ bản của chế độ cũng như xu hướng cách mạng lan rộng chống lại chế độ đó, chính quyền Carter vẫn tiếp tục viện trợ cho đến khi chính quyền của Somoza bị lật đổ vào năm 1979.

Tại Iran, cho đến tận cuối năm 1978, lòng căm phẫn đối với chế độ độc tài của nhà vua đã lên đến cực điểm sau nhiều năm dài và ngày càng lan rộng. Tháng 8 năm 1978, hàng trăm người biểu tình đã bị quân lính của nhà vua sát hại. Ngày tiếp đó, theo một thông báo từ Teheran, Carter đã cam kết sẽ hỗ trợ cho quân đội của vương quốc Iran.

Cuộc biểu tình bước sang ngày thứ ba, quân lính đã thẳng tay nã súng vào đoàn người biểu tình, còn Tổng thống Jimmy Carter vẫn bày tỏ sự ủng hộ bằng cách gọi điện tới

cung điện hoàng gia của vua Mohammad Reza Pahlevi, người đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong suốt 37 năm tại vị. Trong buổi phát biểu của tân thủ tướng Iran, 9 thành viên Quốc hội đã đứng bật dạy và thét lên rằng tay họ đã “nhuộm đầy máu” của chế độ Hồi giáo bị sụp đổ cùng mạng sống của những người biểu tình.

Ngày 13 tháng 12 năm 1978, Nicholas Gage, phóng viên của New York Times cho biết:

Đội ngũ nhân viên trong Đại sứ quán Mỹ, với sự trợ giúp của hàng chục chuyên gia, đã nỗ lực giúp đỡ nhà vua chống lại làn sóng bạo loạn đang nổi dậy chống lại các luật lệ của ông ta… Cũng theo các nguồn tin của Đại sứ quán, những người mới được điều phái đến bao gồm một số chuyên gia của Cơ quan Tình báo Trung ương tại Iran cùng nhiều nhà ngoại giao và sỹ quan quân đội.

Đầu năm 1979, cuộc khủng hoảng tại Iran ngày càng trở nên nghiêm trọng. Một chuyên gia phân tích về Iran của CIA, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Seymour Hersh thuộc tờ New York Times, nói rằng “ông ta cùng các đồng nghiệp biết rõ việc những người Iran biệt giáo bị tra tấn bởi Savaki, tổ chức cảnh sát mật được thành lập dưới sự chỉ đạo của Quốc vương Iran trong suốt giai đoạn cuối những năm 1950 với sự hỗ trợ của CIA”. Bên cạnh đó, ông cũng tiết lộ với Hersh rằng một quan chức cấp cao của CIA có liên quan tới việc chỉ dẫn binh lính của Savaki cách tra tấn tù nhân.

Cuộc cách mạng mạnh mẽ với quy mô lớn đó đã buộc Quốc vương phải bỏ trốn. Chính quyền Carter chấp nhận cho Quốc vương Iran nhập cư vào Mỹ và được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế. Ngay sau đó, một làn sóng chống lại người Mỹ đã nhanh chóng được những người tham gia cách mạng đẩy lên cao. Ngày 4 tháng 11 năm 1979, rất nhiều học sinh, sinh viên đã tiến hành bao vây và kiểm soát Đại sứ quán Mỹ tại Teheran. Đoàn người biểu tình bắt giữ 52 quan chức của Đại sứ quán làm con tin và yêu cầu được dẫn độ Quốc vương về Iran để trừng trị theo pháp luật.

Ngày 14 tháng 12, việc 52 con tin vẫn bị giam giữ tại các trại thuộc Đại sứ quán đã trở

thành tin tức về vấn đề nước ngoài được dân chúng Mỹ quan tâm nhất, góp phần khơi dậy tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Khi Carter yêu cầu Cơ quan chuyên trách về nhập cư và nhập quốc tịch (Immigration and Naturalization Service) tiến hành các thủ tục trục xuất tất cả các sinh viên Iran không có hộ chiếu hợp pháp, tờ New York Times tỏ ra khá thận trọng song rõ ràng là họ cũng đồng tình, các chính trị gia và báo giới cũng nhanh chóng bị cuốn theo làn sóng đó. Một nữ sinh người Mỹ gốc Iran là người đầu tiên nằm trong danh sách các học sinh trung học bị buộc thôi học. Khẩu hiêu “Đánh bom Iran” được dán lên rất nhiều ôtô trên khắp nước Mỹ.

Hiếm có nhà báo nào đủ táo bạo để làm được những điều như Alan Richman thuộc tờ Boston Globe đã làm. Khi 52 con tin được trả tự do an toàn, Alan đã dũng cảm chỉ ra rằng nước Mỹ thiếu nhạy bén trong việc giải quyết vấn đề này cũng như nhiều vụ bạo lực xâm hại nhân quyền khác: “Có 52 người, một con số dễ hiểu. Con số này không giống với con số 15 nghìn dân thường vô tội đang ngày ngày ‘biến mất’ ở Argentina… Họ [những con tin người Mỹ] cùng nói chung thứ ngôn ngữ mẹ đẻ với chúng ta. Trong khi đó, 3 nghìn người khác không cùng phát âm thứ tiếng đó với chúng ta đã bị sát hại tại Guatemala.”

Các con tin vẫn đang bị giam giữ khi Jimmy Carter đối mặt với Ronald Reagan trong cuộc tranh cử diễn ra năm 1980. Sự kiện đó song hành với sự xuống dốc của nền kinh tế đã dự báo cho thất bại của Carter.

Chiến thắng của Reagan, tiếp đó là George Bush trong cuộc bầu cử 8 năm sau, đồng nghĩa với việc một chính phủ khác, một chính phủ không có được những tư tưởng tự do dù là nhỏ nhất như trong nhiệm kỳ tổng thống của Jimmy Carter, sẽ đứng lến nắm quyền điều hành nước Mỹ. Các chính sách của chính phủ đó thậm chí còn thô bạo hơn – cắt giảm lợi ích của người nghèo và giảm thuế cho người giàu, tăng ngân sách quân sự, phân phát những chiếc ghế thẩm phán trong tòa án liên bang cho các thành viên thuộc Đảng Bảo thủ, liên tục tìm cách phá hoại các cuộc cách mạng của cộng đồng người dân vùng Caribe.

Dưới hai nhiệm kỳ của Reagan và Bush, hệ thống tòa án liên bang trở thành một thế

lực áp đảo của Đảng Bảo thủ, số lượng khiêm tốn của các thành viên thuộc Đảng Tự do cũng không được tăng thêm. Mùa thu năm 1991, quá nửa trong tổng số 837 quan tòa liên bang và một số lượng lớn thẩm phán thuộc phe cánh hữu được Reagan và Bush chỉ định vào Tòa án Tối cao.

Trong những năm 1970, với sự chỉ đạo của hai thẩm phán Willliam Brennan và Thurgood Marshal, Tòa án đã tuyên nhiều án tử hình không phù hợp với quy định của hiến pháp, ủng hộ việc phụ nữ nạo thai (trong vụ án Roe chống Wade ) và coi luật dân sự như một công cụ kiểm soát đặc biệt người da đen và phụ nữ nhằm khơi dậy nạn phân biệt đối xử trong quá khứ (động thái này đã được khẳng định).

William Rehnquist là người đầu tiên được Richard Nixon chỉ định tham gia Tòa án Tối cao và được Ronald Reagan đề cử làm thẩm phán tối cao. Trong giai đoạn thuộc nhiệm kỳ của Reagan và Bush, Tòa án của Rehnquist đã đưa ra hàng loạt phán quyết nhằm “giảm nhiệt” vụ Roe chống Wade, áp dụng lại án tử hình, giảm bớt quyền của nghi phạm chống đối người thi hành công vụ, ngăn cản các bác sỹ hỗ trợ tư vấn về kế hoạch hóa gia đình tại các phòng khám trên toàn liên bang không được cung cấp các thông tin về nạo phá thai cho phụ nữ. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cho rằng người nghèo có thể phải chi trả học phí (giáo dục không thuộc “quyền cơ bản”).

Thẩm phán William Brennan và Thurgood Marshall là những thành viên cuối cùng thuộc Đảng Tự do. Dù không muốn từ bỏ đấu tranh, nhưng do gặp phải các vấn đề về tuổi tác và sức khỏe, họ buộc phải nghỉ hưu. Động thái cuối cùng để hoàn thành công cuộc xây một Tòa án Tối cao của riêng Đảng Bảo thủ là việc Tổng thống Bush chỉ định người thay thế Marshall. ông ta quyết định lựa chọn một thành viên da màu thuộc Đảng Bảo thủ tên là Clarence Thomas. Mặc dù Thomas bị một đồng nghiệp cũ

– Anita Hill, một nữ giáo sư chuyên ngành luật trẻ tuổi người da đen, cáo buộc là có hành vi quấy rối tình dục song Thomas vẫn được Nghị viện chấp thuận. Tòa án Tối cao hiện tại đang dần nghiêng về phe cánh hữu.

Với việc các thẩm phán tòa án liên bang thuộc phe Bảo thủ và các vụ bổ nhiệm bừa bãi vào Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, các phán quyết của tòa án và Ủy ban đã

làm suy yếu phong trào đấu tranh của người lao động. Phong trào này đã góp phần gây ảnh hưởng tới nền sản xuất. Một trong những động thái đầu tiên của chính quyền Reagan là sa thải những người lao động tham gia biểu tình phản đối ban lãnh đạo hàng không. Đó cũng là lời cảnh báo cho những người có ý định tham gia các cuộc đình công trong tương lai, đồng thời là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu trong phong trào đấu tranh của người lao động, dù họ từng là một lực lượng hùng hậu trong những năm 1930-1940.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Reagan và Bush, tập đoàn Corporate America chính là người được hưởng lợi nhiều nhất. Trong những năm 1960-1970, phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường đã phát triển mạnh tại Mỹ. Phong trào này cảnh báo con người về ô nhiễm không khí, sông ngòi và biển cả, song hành với đó là hàng nghìn người tử vong mỗi năm do môi trường làm việc bị ô nhiễm. Vụ nổ hầm than ở phía Tây Virginia vào tháng 11 năm 1968 đã cướp đi sinh mạng của 78 công nhân mỏ, khiến dư luận hết sức bất bình. Năm 1969, Quốc hội đã thông qua Đạo luật An toàn lao động và Sức khỏe cho công nhân mỏ than (Coal Mine Health and Safety Act). Bộ trưởng Bộ Lao động dưới thời Nixon đã tuyên bố về “một kỳ vọng mới của quốc gia, kỳ vọng về việc cải tạo môi trường”.

Một năm sau, năm 1970, dưới sức ép mạnh mẽ từ các yêu sách trong phong trào của tầng lớp lao động và các nhóm người tiêu dùng, đồng thời nhằm mục tiêu giành được sự ủng hộ của tầng lớp người lao động trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, Nixon đã ký quyết định thông qua Đạo luật An toàn lao động và Sức khỏe y tế (Occupational Safety and Health Act − OSHA). Đó là một pháp chế quan trọng giúp thúc đẩy các yêu cầu về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc trở thành một quyền lợi của mọi tầng lớp lao động trên toàn thế giới. Trong những năm tiếp theo, Herbert Stein − người giữ chức chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Nixon − cho rằng “chính quyền Nixon không thể kiểm soát được tình hình vi phạm các quy định về môi trường”.

Bên cạnh việc xây dựng chương trình OSHA, Tổng thống Jimmy Carter đồng thời

mong muốn làm hài lòng các cộng đồng doanh nghiệp. Người phụ nữ được chỉ định đứng đầu chương trình OSHA, Eula Bingham, đã đấu tranh cho việc thi hành đạo luật này và giành được những thành công nhất định. Tuy nhiên, nền kinh tế của Mỹ lại cho thấy những dấu hiệu không khả quan như giá dầu, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Carter ngày càng lo lắng về những khó khăn mà đạo luật đó đã gây ra cho các doanh nghiệp. ông ta bày tỏ thái độ muốn loại bỏ việc áp dụng đạo luật này đối với các doanh nghiệp và cho phép họ có nhiều thời gian hơn, cho dù việc làm đó có thể gây ảnh hưởng xấu tới người lao động và người tiêu dùng. Quy định về bảo vệ môi trường đã trở thành nạn nhân của các đánh giá phân tích về “chi phí – lợi nhuận”, trong đó việc bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động cho người dân trở thành thứ yếu trong việc tính toán chi phí của doanh nghiệp.

Dưới thời Reagan và Bush, mối quan ngại về “nền kinh tế” – hay nói ngắn gọn là lợi nhuận doanh nghiệp – đã lấn át bất kỳ mối lo lắng nào khác của người lao động và người tiêu dùng. Tổng thống Reagan đề nghị thay thế việc thi hành các luật bảo vệ môi trường bằng phương pháp tự nguyện, để cho các doanh nghiệp tự quyết định việc họ nên làm. ông ta chỉ định một doanh nhân làm người lãnh đạo chương trình OSHA, cho dù người này có quan điểm hoàn toàn trái ngược với mục tiêu của tổ chức. Một trong những động thái đầu tiên của Tổng thống là tiêu hủy 100 nghìn cuốn sách của chính phủ, trong đó chỉ rõ sự nguy hiểm của bụi cotton đối với các công nhân trong nhành dệt may.

Nhà khoa học chính trị William Grover (trong tác phẩm The President as Prisoner −

Tổng thống như tội nhân), khi đánh giá chính sách môi trường dưới thời Carter và

Reagan, đã kết luận:

OSHA ra đời đã tạo nên vòng tròn luẩn quẩn cho các tổng thống thuộc Đảng Tự do – họ mong muốn duy trì các chương trình về an toàn và sức khỏe như quy định đề ra, song cũng muốn tăng trưởng kinh tế để duy trì ổn định chính trị − và các vị tổng thống Bảo thủ rõ ràng luôn đứng về phía những phép tính tăng trưởng. Vòng tròn đó có xu hướng hạ tầm quan trọng của môi trường làm việc an toàn cũng như sức khỏe

của người lao động… để đảm bảo rằng cam kết về chương trình OSHA đó chỉ có hiệu lực khi các doanh nghiệp luôn được hưởng đặc quyền đặc lợi cho phép.

George Bush luôn thể hiện mình là một “vị tổng thống vì môi trường” và nhắc đến Đạo luật về Không khí sạch (Clean Air Act) năm 1990 một cách hết sức tự hào. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau khi được thông qua, hiệu lực của nó đã bị suy giảm nghiêm trọng do một đạo luật mới được Cơ quan Bảo vệ Môi trường thông qua, trong đó cho phép các nhà sản xuất thải 245 tấn khí thải gây ô nhiễm môi trường vào bầu khí quyển.

Hơn thế nữa, ngân sách dành cho việc thực thi đạo luật này cũng rất khiêm tốn. Theo một báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, hơn 100 nghìn người đã bị mắc bệnh do uống nước chứa chất gây ô nhiễm. Nhưng trong năm đầu tiên thuộc nhiệm kỳ của Tổng thống Bush, trong tổng số 80 nghìn đơn thư khiếu nại về việc nước uống chứa tạp chất gây ô nhiễm được gửi đến Cơ quan Bảo vệ Môi trường, chỉ có một trong hàng trăm khiếu nại đó được điều tra xem xét. Từ năm 1991 đến 1992, theo một tổ chức môi trường tư nhân, Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên, đã có 250 nghìn vụ vi phạm về Đạo luật Nước uống sạch (Safe Water Drinking Act) − đạo luật được thông qua dưới thời Tổng thống Nixon.

Một thời gian ngắn sau khi Tổng thống Bush đặt chân vào Nhà Trắng, một nhà khoa học làm việc cho chính phủ đã chuẩn bị các bằng chứng đề xuất lên Ủy ban Quốc hội về những ảnh hưởng nguy hại của việc sử dụng than đá trong sản xuất công nghiệp và các loại nguyên liệu hóa thạch khác đối với vấn đề “nóng lên toàn cầu” – sự hủy hoại của tầng ozone bảo vệ Trái đất. Nhà Trắng đã tìm cách thay đổi các chứng cứ bất chấp sự phản đối của nhà khoa học đó nhằm giảm nhẹ tính chất nguy hiểm (theo tờ Boston Globe, ngày 29 tháng 10 năm 1990). Một lần nữa, những lo ngại của giới kinh doanh về quy định này lại lấn át các vấn đề an toàn của cộng đồng.

Cuộc khủng hoảng sinh thái trên toàn thế giới trở nên hiện hữu rõ ràng tới mức Giáo hoàng John Paul II lên tiếng buộc tội và khiển trách tầng lớp giàu có thuộc các nước công nghiệp hóa vì đã gây nên thảm họa này: “Hôm nay, mối đe dọa nghiêm trọng từ

sự suy thoái hệ sinh thái đã giúp chúng ta vạch mặt những kẻ tham lam và ích kỷ, cả cá nhân lẫn tập thể, đã làm đảo lộn trật tự của Đấng sáng tạo.”

Trong các hội thảo quốc tế nhằm giải quyết hiểm họa nóng lên toàn cầu, Cộng đồng châu âu và Nhật Bản đã đề xuất mức thải khí các-bon điôxit cụ thể, trong đó Mỹ chính là thủ phạm hàng đầu. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1991, tờ New York Times cho biết “chính quyền của Tổng thống Bush lo sợ… các quy định này sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế của nước Mỹ trong ngắn hạn, bởi họ không chứng minh được lợi ích khí hậu dài hạn”. Các ý kiến khoa học đã chỉ ra rõ ràng các lợi ích lâu dài, song dường như không có gì quan trọng hơn “nền kinh tế” trong đó các doanh nghiệp là kẻ hưởng lợi.

Bằng chứng càng trở nên rõ ràng hơn vào giai đoạn cuối những năm 1980, khi các nguồn năng lượng tái sinh (nước, gió, năng lượng mặt trời) sản xuất điện hiệu quả hơn các nhà máy năng lượng nguyên tử. Các nhà máy điện nguyên tử nguy hiểm hơn, chi phí cao hơn và thải ra các chất thải phóng xạ nguy hiểm không được xử lý an toàn. Tuy nhiên, chính quyền Reagan và Bush đã cắt giảm mạnh (dưới thời của Reagan là 90%) ngân sách dành cho việc nghiên cứu các khả năng sử dụng năng lượng tái tạo.

Tháng 6 năm 1992, hơn 100 quốc gia tham gia hội thảo về môi trường Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tổ chức tại Brazil. Con số thống kê cho thấy, các lực lượng vũ trang trên thế giới phải chịu trách nhiệm cho hai phần ba số lượng khí thải phá hủy tầng ozone. Nhưng khi đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động quân sự đối với sự suy thoái môi trường, phái đoàn Mỹ đã phản đối và bác bỏ mọi đề xuất.

Trên thực tế, đối với chính quyền Reagan và Bush, việc bảo vệ căn cứ quân sự khổng lồ và duy trì mức lợi nhuận của các tập đoàn dầu mỏ là hai ưu tiên hàng đầu. Một thời gian ngắn sau khi Ronald Reagan nắm giữ cương vị tổng thống, 23 công ty thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ đã đóng góp 270 nghìn đô-la cho việc trang hoàng lại Nhà Trắng. Theo tờ Associated Press:

Bốn tuần sau khi Tổng thống nắm quyền kiểm soát giá dầu, một quyết định trị giá 2 tỷ đô-la đối với ngành công nghiệp dầu mỏ… Jack Hodge đến từ thành phố Oklahoma,

chủ tập đoàn Core Oil & Gas, đã tuyên bố: “Người đứng đầu đất nước này xứng đáng được ở nơi tốt nhất. Ngài Reagan đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong việc kinh doanh năng lượng.”

Song song với việc xây dựng lực lượng quân đội (bằng cách cấp hơn 1 tỷ đô-la ngay trong 4 năm đầu đương nhiệm), Reagan đã cố gắng cắt giảm các khoản phúc lợi dành cho người nghèo. Các chương trình an sinh xã hội bị cắt giảm khoảng 140 tỷ đô-la trong năm 1984 và cùng lúc đó khoản tiền bổ sung cho ngân sách quốc phòng là 181 tỷ đô-la. ông ta cũng dự kiến cắt giảm 190 đô-la tiền thuế (chủ yếu là đối với tầng lớp giàu có).

Mặc dù đã cắt giảm thuế và phân bổ ngân sách cho quân đội, Reagan khẳng định rằng ông ta vẫn có thể cân bằng ngân sách vì việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy nền kinh tế và giúp mang về nguồn thu nhập mới. Nhà kinh tế học giành giải Nobel Kinh tế Wassily Leontief đưa ra nhận xét lạnh lùng rằng “điều này có khả năng lớn là không xảy ra. Thực tế, cá nhân tôi đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra.”

Trên thực tế, các con số của Bộ Thương Mại cho thấy trong các thời kỳ cắt giảm thuế (1973-1975, 1979-1982), thu nhập bình quân đầu người không những không tăng mà còn giảm mạnh. Giai đoạn thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh nhất (1975-1979) lại vào những năm thuế doanh nghiệp tăng cao hơn so với năm năm trước đó.

Những hậu quả mà người dân phải gánh chịu từ việc cắt giảm ngân sách của Reagan ngày càng trầm trọng. Điển hình là việc phúc lợi an toàn xã hội dành cho 350 nghìn người tàn tật đã bị cắt giảm hoàn toàn. Một nam công nhân bị thương trong vụ tai nạn trên công trường sản xuất dầu đã bị buộc phải làm việc trở lại, chính phủ liên bang đã bác bỏ cả bác sỹ của công ty lẫn giám sát viên của chính phủ − những người có vai trò kiểm tra và đánh giá rằng công nhân đó không đủ điều kiện để làm việc. Khi anh ta chết, các quan chức chính phủ mới tuyên bố rằng “Chúng ta đang có rắc rối trong quan hệ công chúng”. Người hùng trong cuộc chiến tại Việt Nam, Roy Benavidez, được nhận Huy chương của Quốc hội do đích thân Tổng thống Reagan trao tặng, được các quan chức an ninh xã hội nói rằng mảnh đạn găm trong tim, cánh tay và chân của

ông sẽ không gây trở ngại gì trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, ông đã lên tiếng phản đối Tổng thống Reagan kịch liệt khi có mặt tại Quốc hội.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trong nhiệm kỳ của Reagan. Vào năm 1982, 30 triệu người bị thất nghiệp. Hậu quả là hơn 16 triệu người bị tước đoạt bảo hiểm y tế − loại bảo hiểm đòi hỏi người tham gia phải có việc làm. Tại Michigan – bang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước Mỹ, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong bắt đầu tăng mạnh vào năm 1981.

Yêu cầu mới của chính phủ nhằm xóa bỏ bữa ăn trưa miễn phí tại các trường học cho hơn một triệu trẻ em nghèo – những trẻ em sống phụ thuộc vào bữa ăn trưa miễn phí chiếm một nửa nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Hàng triệu trẻ em chính thức đứng vào hàng ngũ người nghèo và một phần tư số trẻ em Mỹ (ước tính vào khoảng 12 triệu) sớm phải sống trong tình trạng nghèo đói. Ở nhiều nơi tại Detroit, một phần ba trẻ em đã tử vong trước lần sinh nhật đầu tiên trong đời. Tờ New York Times bình luận: “Xem xét những gì đang xảy ra với những người nghèo ở nước Mỹ, chính quyền này chẳng làm được gì hơn ngoài sự xấu hổ.”

Các khoản phúc lợi xã hội trở thành những món mồi béo bở để xâu xé, điển hình như trợ cấp dành cho các bà mẹ độc thân phải nuôi con nhỏ thông qua chương trình AFDC (Aid to Families with Dependent Children – Hỗ trợ các gia đình có trẻ em phụ thuộc) với hệ thống tem thực phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế dành cho người nghèo thông qua chương trình Hỗ trợ Y tế Medicaid. Đối với những người được hưởng phúc lợi xã hội (mức phúc lợi giữa các bang khác nhau không giống nhau), điều này có nghĩa là họ được hỗ trợ khoảng 500-700 đô-la mỗi tháng, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng nghèo đói 900 đô-la.

Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống của Reagan, để đáp lại ý kiến gây tranh cãi là chính phủ không cần hỗ trợ mà chính các doanh nghiệp tư nhân sẽ chăm sóc người nghèo, một bà mẹ đã bày tỏ trên trang báo địa phương:

Tôi đang được hưởng trợ cấp của chương trình AFDC và các con tôi đều đang theo học tại trường… Tôi đã tốt nghiệp đại học với thứ hạng nổi bật, xếp thứ 128 trên tổng

số 1.000 sinh viên và được cấp bằng cử nhân về tiếng Anh và Xã hội học. Tôi đã có kinh nghiệm làm việc tại thư viện, trông trẻ, các công tác xã hội và tư vấn.

Tôi đã tới văn phòng CETA. Họ chẳng có việc gì cho tôi làm… Hàng tuần tôi cũng tới thư viện để sục sạo các tờ báo đăng tin quảng cáo việc làm. Tôi giữ lại các bản sao thư xin việc mỗi khi gửi hồ sơ đi, và tập thư đó giờ đã dày cộm. Tôi đã xin những công việc được trả mức lương rất khiêm tốn là 8.000 đô-la một năm. Tôi làm việc bán thời gian tại một thư viện với mức lương 3,5 đô-la một giờ, trợ cấp khiến tôi không được nhận lương cao hơn…

Có vẻ như các văn phòng tư vấn việc làm của chúng ta không thể thuê nhân công, chính phủ không thể quản lý và một hệ thống kinh tế không có khả năng tạo công ăn việc làm cho những người sẵn sàng làm việc…

Tuần trước tôi phải bán chiếc giường để trả tiền bảo hiểm ôtô. Chiếc ôtô đã lỗi thời nhưng tôi vẫn cần nó để đi tìm việc. Tôi ngủ trên tấm bìa cao su mà ai đó đã cho tôi.

Vậy đây chính là ước mơ được là người Mỹ tuyệt vời mà cha mẹ tôi từng ấp ủ khi đến đất nước này: Làm việc chăm chỉ, được giáo dục tốt, tuân thủ luật lệ và bạn sẽ trở nên giàu có. Tôi không muốn giàu có. Tôi chỉ muốn đủ khả năng nuôi những đứa con của tôi và sống với chút phẩm giá…”

Các thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thường cùng bác bỏ các chương trình phúc lợi xã hội. Tóm lại, điều này được thực hiện nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ tầng lớp trung lưu, những người tin tưởng rằng họ đang đóng thuế để hỗ trợ những bà mẹ tuổi vị thành niên. Phần lớn dân chúng không biết rằng các nhà lãnh đạo chính trị và các phương tiện đại chúng đã tìm cách giấu diếm sự thật là quỹ phúc lợi chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khoản thuế họ đóng, phần còn lại chủ yếu rơi vào ngân sách dành cho quân đội. Dẫu vậy, thái độ của dân chúng đối với phúc lợi xã hội hoàn toàn trái ngược với ý kiến của hai chính đảng. Dường như sự tấn công không ngừng nghỉ nhằm vào quỹ phúc lợi của các chính trị gia được báo chí và truyền hình ghi nhận là một cuộc chiến thất bại trong việc đánh bại sự hào phóng của hầu hết người dân nước

Mỹ.

Kết quả đợt thăm dò dư luận do tờ New York Times và CBS News thực hiện đầu năm 1992 cho thấy ý kiến của công chúng về vấn đề phúc lợi thay đổi theo tùy thuộc vào cách dùng từ trong câu hỏi. Nếu dùng từ “phúc lợi”, 44% người được hỏi trả lời là quá nhiều tiền được sử dụng cho quỹ phúc lợi trong khi 50% cho rằng khoản tiền đang được sử dụng là thích hợp hoặc khoản tiền như vậy là quá ít. Tuy nhiên, khi được hỏi về “tiền trợ cấp cho người nghèo” thì chỉ 13% cho rằng khoản tiền được sử dụng là quá nhiều và 64% cho rằng khoản tiền đó là chưa đủ.

Điều này cho thấy, cả hai đảng đều cố gắng tạo ra thái độ chống lại nhu cầu thiết yếu của con người bằng việc liên tục hạ thấp ý nghĩa của hai chữ “phúc lợi”, sau đó lại khăng khăng biện minh rằng hành động của họ là để đáp lại dư luận công chúng. Cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có mối liên kết chặt chẽ với tầng giới giàu có. Năm 1990, Kevin Phillips, một nhà phân tích về các chính sách quốc gia, thành viên Đảng Cộng hòa, đã viết rằng Đảng Dân chủ là “đảng tư bản nhiệt tình thứ hai trong lịch sử”.

Phillips chỉ ra rằng những kẻ được lợi nhiều nhất từ chính sách của chính phủ dưới thời Ronald Reagan và George Bush là những kẻ siêu giàu: “Chỉ những người thật sự giàu có chứ không phải ai khác được hưởng lợi dưới thời Reagan… Những năm 1980 là giai đoạn đại thắng của những người Mỹ thuộc tầng lớp trên… uy thế về chính trị thuộc về người giàu, và một thời đại huy hoàng của chế độ tư bản, thị trường và tài chính tự do.”

Khi các chính sách của chính phủ làm giàu cho những kẻ giàu có thì chúng không thể gọi là phúc lợi. Điều đó không rõ ràng như tờ séc dành cho người nghèo hàng tháng thường được ngụy trang dưới lớp vỏ những thay đổi hào phóng trong hệ thống thuế.

Trong cuốn sách America: Who Really Pays The Taxes? (Nước Mỹ: Ai là người thật sự phải đóng thuế?), hai phóng viên điều tra tờ Philadelphia Inquirer, Donald Barlett và James Steele, đã theo dõi tỷ lệ thuế trong đó người giàu ngày càng được cắt giảm thuế. Kết quả đó không phải do những người thuộc Đảng Cộng hòa tạo ra, mà là do Đảng

Dân chủ − chính quyền của Kennedy và Johnson. Họ đã mượn cái lốt “cải cách thuế” để giảm 91% tỷ lệ thu nhập – trên 400 nghìn đô-la mỗi năm – xuống còn 70% trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi Carter lên nắm chính quyền (mặc dù ông ta có đưa ra phản bác), các thành viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội vẫn nhất trí giảm thuế cho người giàu.

Chính quyền Reagan, với sự giúp đỡ của các thành viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội, đã giảm 50% thuế cho giới siêu giàu và năm 1986, sự liên kết giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bảo đảm một cuộc “cải cách thuế” khác giúp giảm thuế cho những người giàu nhất xuống mức còn 28%. Barlett và Steele cũng nhấn mạnh rằng một giáo viên, một công nhân nhà máy và một tỷ phú cùng phải trả mức thuế như nhau là 28%.

ý tưởng về thu nhập “tiến bộ” trong đó người giàu trả mức thuế cao hơn người nghèo đã hoàn toàn không còn.

Kết quả của các hóa đơn thuế từ năm 1978-1990 là danh sách những người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn đã tăng gấp ba lần. Mỗi năm thu nhập của chính phủ bị thâm hụt khoảng 70 tỷ đô-la, trong khi đó trong vòng 13 năm, 1% số người giàu có nhất nước Mỹ đã kiếm về được hàng nghìn tỷ đô-la.

Như William Greider đã chỉ ra trong tác phẩm đáng chú ý − Who Will Tell The People? The Betrayal of American Democracy (Ai sẽ tiết lộ với cho dân chúng? Sự phản bội của Đảng Dân chủ Mỹ):

Đối với những ai buộc tội Đảng Cộng hòa vì những gì đã xảy ra và tin tưởng rằng mức thuế hợp lý sẽ được duy trì chỉ khi các thành viên Đảng Dân chủ chiếm đa số ghế trong Nhà Trắng, đây chính là nỗi lo lắng: Bước ngoặt về chính sách thuế, khi những người giàu có nhất bắt đầu thắng lớn, xảy ra vào năm 1978 khi Đảng Dân chủ hoàn toàn thắng thế trước cả thời điểm Ronald Reagan bước tới Washington, đại đa số thành viên thuộc Đảng Dân chủ đã từng bước ủng hộ sự thay đổi lớn về gánh nặng thuế khóa.

Mức thuế thu nhập trong những năm cuối thế kỷ XX không chỉ không thể hiện được

sự tiến bộ mà kể cả thuế an sinh xã hội cũng có dấu hiệu bị thụt lùi. Điều đó thể hiện

ở việc thu nhập của tầng lớp lao động nghèo và trung lưu liên tục bị suy giảm; tuy nhiên, khi mức lương của họ chạm ngưỡng 42 nghìn đô-la, tình trạng đó sẽ chấm dứt. Vào những năm 1990, các gia đình có mức thu nhập trung bình từ 37.800 đô-la mỗi năm phải đóng góp 7,65% thu nhập cho các khoản thuế an sinh xã hội. Tuy nhiên, những gia đình có mức thu nhập cao hơn gấp 10 lần, tức là 378 nghìn đô-la, lại chỉ phải trả mức thuế an sinh xã hội là 1,46%.

Kết quả của việc đánh thuế cao hơn là ba phần tư số lao động được trả lương phải thanh toán tiền thuế an sinh xã hội cao hơn mỗi năm thông qua thuế thu nhập. Thật đáng xấu hổ cho Đảng Dân chủ, từng được mệnh danh là đảng của tầng lớp người lao động, khi tổng số tiền thuế cao hơn này là kết quả của cuộc vận động dưới thời chính quyền Jimmy Carter.

Trong hệ thống chính trị gồm hai đảng cầm quyền, nếu cả hai đảng cùng lờ đi ý kiến của dân chúng thì chẳng có chỗ dành cho cử tri lên tiếng. Và rõ ràng là người dân Mỹ muốn thuế phải thật sự là một vấn đề tiến bộ. William Greider thông báo rằng chỉ một thời gian ngắn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi tỷ lệ thuế đánh vào người giàu là 90%, một cuộc thăm dò dân ý do Viện Gallup thực hiện cho thấy 85% dân chúng coi mức thuế đó là “công bằng”. Nhưng vào năm 1984, khi Đảng Dân chủ và Cộng hòa đưa luật cải cách vào áp dụng, cuộc điều tra dân ý do Sở Thuế vụ Hoa Kỳ thực hiện đã cho thấy 80% người được thăm dò đồng ý với nhận định rằng “Hệ thống thuế hiện nay có lợi cho người giàu và không công bằng với những người thuộc tầng lớp lao động”.

Vào những năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của Reagan, khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ ngày càng tăng. Năm 1980, giám đốc điều hành tại các công ty có mức lương cao gấp 40 lần mức lương của công nhân tại các nhà máy, nhưng đến năm 1989, khoảng cách này được nâng lên 93 lần. Trong 12 năm kể từ 1977-1989, trong khi thu nhập của 1% dân số giàu nhất nước Mỹ tăng 77%, thì mức thu nhập của hai phần năm dân nghèo lại không hề lạc quan hơn, trên thực tế lại giảm nhẹ.

Nhờ những thay đổi có lợi về luật thuế dành cho người giàu, 1% những người giàu nhất cho rằng mức thu nhập sau thuế của họ sẽ tăng tới 87% trong những năm cuối thế kỷ XX. Trong khi đó, thu nhập sau thuế của bốn phần năm người dân nghèo lại giảm 5% (đối với công dân ở mức nghèo nhất) hoặc tăng không quá 8,6% trong cùng kỳ.

Trong khi đời sống kinh tế của người nghèo ngày càng tồi tệ thì những người da đen, người Mỹ Latinh, phụ nữ và thanh niên còn đặc biệt tồi tệ hơn. Sự bần cùng hóa của tầng lớp có thu nhập thấp nhất đã xảy ra dưới thời của Reagan và Bush, mà chịu hậu quả nặng nề nhất là các gia đình người Mỹ gốc Phi. Họ thiếu thốn các nguồn lực để khởi đầu và cùng với nạn phân biệt chủng tộc, đời sống của họ đặc biệt khó khăn. Chiến thắng của phong trào quyền công dân mở ra nhiều chỗ đứng cho người Mỹ gốc Phi nhưng lại bỏ những người dân khác phía sau.

Trong giai đoạn cuối những năm 1980, ít nhất một phần ba số gia đình Mỹ gốc Phi sống dưới mức nghèo đói, còn tỷ lệ người da đen thất nghiệp cao gấp 2,5 lần so với người da trắng, đặc biệt có đến 30-40%. Thanh niên da đen phải chịu cảnh thất nghiệp. Tuổi thọ trung bình của người da đen thấp hơn 10 năm so với người da trắng. Tại Detroit, Washington và Baltimore, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn cả Jamaica hay Costa Rica.

Đi kèm với nghèo đói là tình trạng đổ vỡ hôn nhân, bạo lực gia đình, tội phạm đường phố và nghiện ngập. Tại Washington D.C., nơi tập trung của những người da đen nghèo khổ xung quanh khu nhà cẩm thạch của chính phủ, có đến 42% nam thanh niên da đen trong độ tuổi từ 18-25 bị bắt giữ tại các trại giam hay được tại ngoại trong thời gian thử thách hoặc vừa được phóng thích. Tỷ lệ tội phạm trong tầng lớp người da đen được chính phủ nhìn nhận là lời kêu gọi phải xây dựng thêm nhiều nhà tù, thay vì nên coi đó là những tiếng than khóc mòn mỏi chờ đợi các chính sách xóa đói giảm nghèo của chính phủ.

Năm 1954, sau phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ kiện giữa Khu Lưu niệm Quốc gia Brown và Ủy ban Giáo dục (vụ Brown chống Ủy ban Giáo dục), quá trình

xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong nhà trường bắt đầu được khởi xướng. Tuy nhiên, nghèo đói đã buộc các trẻ em da đen phải sinh sống tại các khu nhà ổ chuột và nhiều trường học trên khắp nước Mỹ vẫn tồn tại sự phân biệt chủng tộc và tầng lớp. Trong những năm 1970, Tòa án Tối cao phán quyết rằng không cần phải cân bằng ngân sách cho các trường học giữa khu vực nghèo và khu vực giàu (vụ kiện giữa Trường San Antonio và Rodriguez) và không cần phải đưa đón học sinh bằng xe buýt từ những khu ngoại thành giàu có tới các khu vực nội thành (vụ kiện Milliken chống Bradley).

Những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh cho rằng người nghèo không chịu làm việc và sản xuất để rồi lên tiếng than khóc về cảnh đói nghèo. Họ đã cố tình lờ đi một thực tế là những phụ nữ chăm sóc con nhỏ đã phải lao động rất vất vả. Họ cũng không đặt câu hỏi tại sao những đứa trẻ chưa đủ lớn để thể hiện khả năng làm việc của bản thân nhưng lại phải cận kề án tử hình – chỉ vì chúng lớn lên từ những gia đình nghèo khó.

Mỉa mai thay, chính Kevin Phillips – một thành viên thuộc Đảng Cộng hòa khi phân tích những năm Reagan tại nhiệm đã phát biểu: “Sự giàu có không đến với những người tham gia sản xuất… mà ngược lại, chính những người vận hành bộ máy kinh tế xã hội, pháp luật và văn hóa mới được hưởng sự giàu có đó – từ luật gia cho tới các nhà cố vấn tài chính.”

Vào giữa những năm 1980, một vụ bê bối đã nhanh chóng lan rộng khắp Washington. Việc xóa bỏ các khoản tiết kiệm và các khoản vay ngân hàng bắt đầu từ khi Carter còn làm tổng thống vẫn tiếp tục được thực hiện dưới thời Reagan, dẫn đến tình trạng các khoản đầu tư mạo hiểm khiến các ngân hàng bị rút kiệt tài sản, biến họ trở thành những người phải chịu trách nhiệm về hàng tỷ đô-la của các khách hàng gửi tiền đã được chính phủ đảm bảo.

Thời gian trôi đi và vụ bê bối đó vẫn được giấu kín sau bức màn bí mật, phải cần nhiều tiền hơn nữa để đền bù cho những người gửi tiền và bảo lãnh các ngân hàng này. Con số bắt đầu nhích lên mức 200 tỷ đô-la. Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng

thống năm 1988, ứng cử viên Đảng Dân chủ Michael Dukakis đã phải kiềm chế không công khai buộc tội chính quyền Đảng Cộng hòa bởi lẽ rất nhiều thành viên thuộc Đảng Dân chủ trong Quốc hội có liên quan ít nhiều đến vụ bê bối này và sau đó đã tìm cách che đậy.

Sự thâm hụt khổng lồ trong ngân quỹ dành cho quốc phòng từng được Tổng thống Eisenhower tuyên bố là do tên “trộm” − nhu cầu thiết yếu của con người − đánh cắp. Tuy nhiên, cả hai đảng đều đồng tình, Đảng Dân chủ đã cạnh tranh với Đảng Cộng hòa trong việc thể hiện trước toàn bộ cử tri là họ đã “cứng rắn” như thế nào.

Jimmy Carter dự tính tăng 10 tỷ đô-la cho ngân sách quốc phòng, một quyết định đúng như những gì mà Eisenhower đã mô tả. Tất cả các khoản chi phí khổng lồ dành cho quân đội sau Chiến tranh thế giới thứ hai đều được các thành viên của Đảng Dân chủ và Cộng hòa chấp thuận, kể từ thời Truman cho đến thời Reagan và Bush.

Việc tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô-la để xây dựng các lực lượng quân đội sử dụng vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân được lý giải là để phòng ngừa Liên Xô, lúc này cũng đang xây dựng các lực lượng quân đội và có thể sẽ xâm chiếm Đông âu. Tuy nhiên, George Kennan, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô và là một lý thuyết gia về Chiến tranh Lạnh cho rằng sự lo ngại đó hoàn toàn không có căn cứ thực tế. Trong những năm 1980, Harry Rositzke – người từng làm việc cho CIA trong 25 năm và là giám đốc tổ chức các hoạt động tình báo chống lại Liên Xô, viết: “Trong suốt những năm tháng làm việc cho chính phủ, tôi chưa từng thấy một bằng chứng nào cho thấy là Liên Xô sẽ được lợi lộc gì nếu họ xâm chiếm Đông âu hay tấn công nước Mỹ.”

Tuy nhiên, việc reo rắc nỗi sợ hãi đó vào tâm tưởng dân chúng lại có tác dụng trong việc tranh luận nhằm sản xuất các vũ khí đáng sợ và hoàn toàn không cần thiết. Chẳng hạn như tàu ngầm Trident, có khả năng tấn công bằng hàng trăm ngư lôi, trị giá 1,5 tỷ đô-la. Chiếc tàu ngầm đó hoàn toàn vô dụng trừ khi chiến tranh hạt nhân nổ ra. Và cả trong trường hợp đó thì người ta cũng chỉ bổ sung vài trăm ngư lôi trên tổng số hàng chục nghìn ngư lôi sẵn có. Con số 1,5 tỷ đô-la đó đủ để thực hiện chương trình tiêm chủng cho trẻ em trên toàn nước Mỹ nhằm phòng chống các căn bệnh gây tử

vong và ngăn chặn 5 triệu ca tử vong trong năm năm (theo Ruth Sivard, World Military and Social Expenditures 1987-1988 – Các khoản chi tiêu xã hội và quân sự thế giới từ 1987-1988).

Vào giữa những năm 1980, một nhà phân tích kết hợp với tập đoàn Rand để nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng đã trả lời phỏng vấn thẳng thắn rằng “theo quan điểm từ phía quân đội thì số lượng vũ khí khổng lồ như thế là không cần thiết nhưng chúng lại hữu ích trong việc quảng bá hình ảnh của quốc gia trong và ngoài nước”:

Nếu bạn có một vị tổng thống và một bộ trưởng quốc phòng hùng mạnh, họ có thể đi đến Quốc hội và phát biểu: “Chúng ta chỉ đang xây dựng những gì chúng ta cần… Và nếu người Nga xây dựng lớn gấp đôi chúng ta, thế thì gay go rồi.” Nhưng nền chính trị có thể bất ổn… Và do đó tốt hơn hết là chúng ta nên hành động vì sự bình ổn trong nước cũng như để khẳng định với quốc tế rằng chúng ta vẫn là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm mặc dù mục đích của cuộc cạnh trang này… không rõ.

Năm 1984, CIA thừa nhận rằng đã phóng đại chi chi tiêu quân sự của Liên Xô, CIA đã công bố rằng kể từ năm 1975, chi tiêu quân sự của Nga đã tăng từ 4-5% trong khi con số thực tế là 2%. Do đó, bằng việc đưa ra thông tin sai lệch, thậm chí là dối trá, Mỹ đã gây lạm phát trong chi tiêu dành cho quân sự.

Một trong những chương trình mà chính quyền Reagan quan tâm đó là chương trình Chiến tranh giữa các vì sao, trong đó hàng tỷ đô-la được dùng vào việc xây dựng một tấm lá chắn trên vũ trụ nhằm ngăn chặn tên lửa hạt nhân của kẻ thù ngay trên không trung. Tuy nhiên, ba cuộc thử nghiệm đầu tiên đều thất bại. Còn có một thất bại khác song Bộ trưởng Quốc phòng của Reagan là Caspar Weinberger đã ra lệnh làm giả kết quả để chứng minh rằng cuộc thử nghiệm đó đạt thành công.

Khi Liên Xô tan rã vào năm 1989, chính phủ Mỹ không còn phải lo lắng về “mối đe dọa Liên Xô” nữa và ngân sách quân sự được cắt giảm đôi chút, song vẫn được duy trì

ở mức cao với sự ủng hộ của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Năm 1992, người đứng đầu Ủy ban phụ trách công tác quốc phòng thuộc Quốc hội Mỹ – Les Aspin – một

thành viên Đảng Dân chủ dự kiến ngân sách quân sự sẽ được cắt giảm 2%, từ 281 tỷ xuống còn 275 tỷ đô-la thông qua các phân tích tình hình quốc tế.

Cũng trong năm đó, khi cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng ủng hộ việc cắt giảm không đáng kể ngân sách quân sự thì kết quả một cuộc trưng cầu dân ý do Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia lại cho thấy: có tới 59% cử tri Mỹ muốn cắt giảm 50% ngân sách quân sự trong vòng năm năm.

Có vẻ như cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã thất bại trong việc thuyết phục người dân rằng quân đội nên luôn được duy trì ở mức độ cao. Tuy nhiên, họ vẫn cố tình lờ đi ý kiến dư luận về những gì họ sắp thực hiện. Mùa hè năm 1992, các thành viên Quốc hội thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cùng nhau bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm một phần ngân sách quân sự để bổ sung vào các quỹ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân, và thậm chí còn yêu cầu bổ sung thêm 120 tỷ đô-la cho việc “bảo vệ” châu âu, nơi mà ai cũng biết là không còn bị Liên Xô đe dọa nữa – dù cho trong quá khứ nó từng bị như vậy.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa từng cùng nhau tham gia “chính sách đối ngoại lưỡng đảng”, nhưng dưới nhiệm kỳ của Reagan và Bush, chính phủ Mỹ đã cho thấy sự bất đồng trong việc sử dụng lực lượng quân sự tại nước ngoài. Việc này được thể hiện thông qua các cuộc xâm lược hoặc thông qua sự hỗ trợ cả bên trong và bên ngoài của các thế lực thuộc phe cánh hữu hợp tác với Mỹ.

Reagan đắc cử ngay sau khi cuộc cách mạng nổ ra tại Nicaragua. Trong cuộc cách mạng này, phong trào Sandinista (được đặt tên để kỷ niệm anh hùng Augusto Sandino trong cuộc cách mạng những năm 1920) đã lật đổ triều đại Somoza thối nát. Các chiến sỹ cách mạng Sandino, đồng minh của những người theo chủ nghĩa Marxist, và các thầy tu theo phe cánh tả, những người được coi là theo chủ nghĩa dân tộc, đã yêu cầu chính phủ chia ruộng đất cho nông dân và phổ cập giáo dục cũng như chăm sóc y tế cho người nghèo.

Chính quyền Reagan nhìn nhận đây là một mối đe dọa của phe “Cộng sản”, nhưng

quan trọng hơn đó là một thử thách về việc kiểm soát lâu dài của nước Mỹ đối với các quốc gia Trung Mỹ. Vì vậy, chính quyền Reagan ngay lập tức bắt tay vào việc dập tắt Sandinista. CIA đã ngầm thực hiện một cuộc chiến bí mật nhằm tổ chức một lực lượng phản cách mạng, trong đó có sự tham gia của các nhà lãnh đạo cũ thuộc lực lượng Cảnh vệ Quốc gia dưới thời Somoza bị dân chúng căm ghét.

Do lực lượng phản cách mạng không nhận được nhiều sự ủng hộ ngay bên trong nội bộ Nicaragua, nên căn cứ của lực lượng này được xây dựng tại Honduras – một quốc gia nghèo bị Mỹ chiếm đóng. Từ Honduras, họ chuyển quân vượt qua các nông trại và làng mạc, giết hại đàn ông, phụ nữ và trẻ em, phạm nhiều tội ác tàn bạo. Một người từng là đại tá của lực lượng phản cách mạng Edgar Chamorro run rẩy nhận tội trước Tòa án Thế giới:

Chúng tôi được chỉ đạo rằng cách duy nhất để đánh bại Sandinista là sử dụng chiến lược mà tổ chức (CIA) áp dụng cho Cộng sản ở bất cứ đâu: giết người, bắt cóc, cướp bóc và tra tấn… Rất nhiều dân thường đã bị giết không thương tiếc. Nhiều người khác bị tra tấn, hành hạ, cưỡng hiếp, cướp bóc hoặc lạm dụng… Khi đồng ý tham gia… tôi đã hy vọng rằng đó sẽ là một tổ chức của người Nicaragua… nhưng hóa ra đó lại là một công cụ của chính quyền Mỹ.

Một lý do biện giải cho những hàng động bí mật của Mỹ tại Nicaragua, đó là kết quả trưng cầu dân ý cho thấy dân chúng Mỹ phản đối các hành động quân sự tại nước này. Năm 1984, CIA sử dụng các căn cứ của Mỹ Latinh để che giấu việc can thiệp, tiến hành đặt bom tại các hải cảng ở Nicaragua để phá hủy tàu thuyền. Khi các thông tin bị rò rỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Weinberger đã tuyên bố với kênh thời sự ABC News: “Chính phủ Hoa Kỳ không đặt mìn các cảng của Nicaragua.”

Một năm sau, để đáp lại dư luận của công chúng và hồi ức về chiến tranh Việt Nam, Quốc hội đã quyết định tất cả những hành động của Mỹ nhằm hỗ trợ “trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” là bất hợp pháp. Chính quyền Reagan hy vọng giành được sự ủng hộ của “phe thứ ba”. Reagan nhận được khoản ngân sách viện trợ từ một quỹ của Arap Saudi, ít nhất là 32 triệu đô-la. Một nhà

độc tài ở Guatemala đã lén lút cung cấp vũ khí cho lực lượng phản cách mạng. Israel, quốc gia phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ, cũng bị buộc phải ủng hộ.

Năm 1986, một câu chuyện xuất hiện trên mặt tạp chí Beirut cho thấy Mỹ đã bán một lượng lớn vũ khí sang Iran (quốc gia này được coi là kẻ thù). Đổi lại, Iran cam kết sẽ thả các con tin đang bị những kẻ Hồi giáo cực đoan bắt giữ ở Lebanon và lợi nhuận từ việc bán vũ khí sẽ được chuyển cho lực lượng phản cách mạng để mua vũ khí.

Khi được hỏi về vấn đề này trong một cuộc họp báo tổ chức vào tháng 11 năm 1986, Tổng thống Reagan đã nói dối bốn điều: hàng gửi sang Iran bao gồm một vài tên lửa chống tăng (thực tế con số đó là 2 nghìn), Mỹ không vận chuyển vũ khí qua bên thứ ba, vũ khí không được đem lên bàn thương lượng để đổi lấy con tin và mục đích của những hành động này là nhằm đi đến đối thoại với những người Iran có quan điểm ôn hòa, trong khi đó, mục đích thực tế còn lớn gấp đôi: thả tự do cho con tin, kiếm lợi nhuận từ việc buôn bán vũ khí và giúp đỡ lực lượng phản cách mạng.

Một tháng trước đó, khi một chiếc máy bay vận chuyển vũ khí đến lực lượng chống Iran bị đại bác Nicaraguan bắn rơi và phi công bị bắt, những lời nói dối lại tiếp tục được tung ra. Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Elliot Abrams và Bộ trưởng Ngoại giao Shultz đã tuyên bố rằng chiếc máy bay đó “không hề có mối liên hệ nào với chính phủ Mỹ”. Song các bằng chứng ngày càng cho thấy viên phi công bị bắt làm việc cho CIA.

Toàn bộ lực lượng chống lại chính phủ Iran đã trở thành một ví dụ hoàn hảo cho hàng rào phòng vệ song song của quân đội Hoa Kỳ. Hàng rào thứ nhất là phủ nhận sự thật. Nếu sự thật bị phơi bày, hàng rào thứ hai sẽ là điều tra, nhưng không quá nhiều; báo chí sẽ được dịp công bố, nhưng họ sẽ không bao giờ chạm tới sự thật.

Một khi bê bối nổ ra, không ai trong số các thành viên của ủy ban điều tra thuộc Quốc hội, báo giới cũng như phiên tòa xét xử của Colonel Oliver North, người giám sát hoạt động của lực lượng trợ giúp chống Iran, đặt ra câu hỏi: Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ rốt cuộc là gì? Tại sao Tổng thống và chính quyền của ông ta lại cho phép

ủng hộ một nhóm khủng bố ở Trung Mỹ lật đổ một chính quyền dù có sai lầm gì chăng nữa cũng được sự ủng hộ bởi dân chúng của đất nước đó, đồng thời có bước cải thiện mạnh mẽ về xã hội so với các chính phủ khủng khiếp mà Mỹ đã viện trợ trong nhiều năm? Vụ bê bối đó nói với chúng ta điều gì về dân chủ, về tự do ngôn luận và về một xã hội công khai?

Những vụ bê bối bị dư luận phơi bày đều không khiến chính phủ bị chỉ trích nặng nề về tính bảo mật hay sự suy yếu của chế độ dân chủ. Chính phủ tuyên bố rằng hành động này là do một nhóm người không bị dư luận chú ý bí mật tự ý thực hiện. Truyền thông của một quốc gia luôn tự hào về trình độ giáo dục và thông tin rốt cuộc chỉ đưa được những tin tức hời hợt cho công chúng.

Giới hạn của Đảng Dân chủ trong vụ việc trên đã bị một thành viên đứng đầu Đảng Dân chủ, thượng nghị sỹ Sam Nunn của bang Georgia chỉ ra. Khi các cuộc điều tra được tiến hành, ông phát biểu: “Tất cả chúng ta phải giúp Tổng thống khôi phục lại sự tín nhiệm trong ngoại giao.”

Giáo sư Đại học Harvard, James Q. Wilson, thành viên của Ủy ban cố vấn các vấn đề ngoại giao dưới thời Tổng thống Reagan, khi nhìn lại lịch sử về hệ thống chính trị lưỡng đảng (tương đương với chế độ độc đảng trong một nước chuyên chế), cho rằng điều khiến ông lo lắng nhất chính là “sự thiếu quyết tâm hành động với tư cách là một thế lực vĩ đại”.

Mọi bằng chứng đều cho thấy Tổng thống Reagan và Phó Tổng thống Bush liên quan trực tiếp đến việc chống Iran. Nhưng họ cũng như địa vị mà họ đang nắm giữ đã được bao bọc một cách cẩn thận khỏi vụ bê bối đó. Đây là ví dụ điển hình cho một công cụ quen thuộc của chính phủ: “sự phủ nhận hợp lý”, trong đó các quan chức hàng đầu, dưới sự che chắn của cấp dưới, có thể phủ nhận sự liên đới một cách hợp lý, khéo léo. Mặc dù nghị sỹ Henry Gonzalez, bang Texas, đã đưa ra một nghị quyết buộc tội Reagan, song nó đã nhanh chóng bị Quốc hội bác bỏ.

Cả Reagan và Bush đều không bị buộc tội. Thay vào đó, Ủy ban Quốc hội đưa một số

can phạm nhỏ hơn lên chiếc ghế nhân chứng và một vài trong số đó đã bị kết án. Một trong số những người bị buộc tội, Robert McFarlane, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Reagan, đã tự tử nhưng không thành. Một người khác, Colonel Oliver North, phải hầu tòa với tội danh nói dối Quốc hội, bị kết án nhưng lại không phải chịu án phạt tù. Reagan đã nghỉ hưu trong bình yên và Bush trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Trong quá trình bóp méo sự thật mỉa mai này, một thường dân vô danh ở Odon, bang Indiana đã trở thành thế thân trong vụ việc gây tranh cãi tại Iran. Đó là một người đàn ông trẻ tên là Bill Breeden, một cựu mục sư sống tại một căn lều kiểu người da đỏ trong rừng cùng với vợ và hai đứa con. Thị trấn Odon, quê hương của Breeden cũng là quê hương của đô đốc John Poindexter, người kế nhiệm chức cố vấn an ninh quốc gia của Reagan và liên quan trực tiếp đến các hành động sai trái tại Iran.

Một ngày nọ, Bill Breeden để ý rằng thị trấn đã đổi tên một con đường thành “Đường John Poindexter” để tỏ lòng tự hào về người con của quê hương. Breeden, một người theo chủ nghĩa hòa bình và luôn chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ, hết sức căm phẫn trước những gì anh nghĩ là để kỷ niệm những hành động vô nhân đạo của nước Mỹ và đã lấy cắp biển chỉ đường. Anh thông báo rằng anh đang giữ nó và đồng ý đổi lấy 30 triệu đô-la – khoản tiền đã được chuyển tới Iran cho lực lượng chống đối chính phủ.

Ngay lập tức anh bị bắt, bị kết án và ngồi tù vài ngày sau đó. Hóa ra Bill Breeden lại là người duy nhất bị bỏ tù trong vụ việc liên quan tới Iran.

Iran chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc mà chính phủ Mỹ đã vi phạm luật pháp của chính mình để theo đuổi một số mục đích trong chính sách đối ngoại.

Năm 1973, khi chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn cuối, Quốc hội đã thông qua Đạo luật quyền hạn chiến tranh (War Powers Act) trong quá trình tìm cách giới hạn quyền của tổng thống – thứ đã bị lạm dụng không thương xót tại Đông Dương. Đạo luật quy định:

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tổng thống phải tham khảo ý kiến của Quốc hội trước khi đưa lực lượng vũ trang quân đội Hoa Kỳ vào hoàn cảnh thù địch hoặc những tình huống buộc phải dùng tới các hành động bạo lực và thù địch.”

Gần như ngay lập tức, Tổng thống Gerald Ford đã vi phạm đạo luật này khi phát lệnh xâm chiếm một hòn đảo và tiến hành dội bom xuống một thành phố của Campuchia để trả đũa vụ việc giam giữ tạm thời các thủy thủ của Hoa Kỳ trên tàu Mayaguez. ông ta không hề tham khảo ý kiến của Quốc hội trước khi ra lệnh tấn công.

Mùa thu năm 1982, Tổng thống Reagan đã chống lại những yêu cầu của đạo luật trên khi đưa hải quân Hoa Kỳ vào một tình huống nguy hiểm tại Lebanon, nơi đang diễn ra nội chiến. Một năm sau, hơn 200 lính thủy đánh bộ đã thiệt mạng khi các phần tử khủng bố đánh bom vào một trong số doanh trại của họ.

Không lâu sau, tháng 10 năm 1983, Reagan ra lệnh cho quân đội Mỹ xâm chiếm một hòn đảo nhỏ ở vùng Caribe của Grenada. Một lần nữa, Quốc hội cũng được thông báo nhưng không hề được hỏi ý kiến (một số nhà phân tích kết luận rằng điều này được thực hiện nhằm kéo sự chú ý khỏi thảm họa tại Lebanon). Lý do của cuộc xâm lược được công bố với người dân Mỹ (chính thức lấy tên là Operation Urgent Fury − Cơn thịnh nộ quân sự khẩn cấp) là cuộc đảo chính gần đây ở Grenada đã đặt người dân Mỹ (sinh viên tại trường y trên đảo) vào hoàn cảnh nguy hiểm; và rằng Mỹ đã nhận được một yêu cầu can thiệp khẩn cấp từ các quốc gia phía đông Caribe.

Một bài báo được đăng tải trên tờ New York Times, số ra ngày 29 tháng 10 năm 1983, được viết bởi phóng viên Bernard Gwertzman, đã bác bỏ những lý do trên: Lời đề nghị trang trọng mà Mỹ và các nước đồng minh đưa ra cho quân đội đã được soạn bởi các quốc gia phía đông Caribe vào Chủ nhật tuần trước, trong đó yêu cầu Mỹ nhanh chóng hành động vì quyền lợi của các nước này. Trên thực tế, bức thư này đã được soạn thảo tại Washington và được các đặc phái viên Hoa Kỳ đệ trình tới lãnh đạo các nước vùng Caribe.

Khi phát hiện tàu chiến của Mỹ đang hướng tới Grenada, cả Cuba và Grenada lập tức

gửi tin khẩn đảm bảo rằng các sinh viên Mỹ tại đảo đều được an toàn và cố thuyết phục Mỹ không gây chiến… Không một dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Mỹ kiên quyết nỗ lực nhằm sơ tán những người dân Mỹ ra khỏi khu vực chiến sự một cách an toàn… Các quan chức đã thừa nhận rằng họ không thật sự cố gắng để đàm phán với chính phủ của Grenada… Tổng thống cho biết, “Chúng ta đã đến đó đúng lúc”… Một điểm gây tranh cãi là liệu rằng các công dân Mỹ trên đảo có thật sự gặp nguy hiểm đến mức Mỹ phải tiến hành một cuộc xâm lược như thế? Không người Mỹ nào có thể đưa ra bằng chứng xác nhận rằng họ đã bị đối xử tồi tệ hay không thể rời đi khi họ muốn.

Một quan chức cấp cao người Mỹ đã tiết lộ với Gwertzman lý do thật sự của cuộc xâm lược là (trong quyết tâm vượt qua thất bại tại Việt Nam) để chứng minh Mỹ là một quốc gia thật sự hùng mạnh: “Các cuộc diễn tập quân sự và khoe khoang lực lượng có ích gì nếu như không bao giờ được sử dụng?”

Mối tương quan giữa sự can thiệp của quân đội Mỹ và sự phát triển của các doanh nghiệp tư bản tại vùng Caribe luôn được thể hiện rõ ràng. Đối với Grenada, một bài báo trên tờ Wall Street Journal xuất bản 8 năm sau cuộc xâm lược (ngày 29 tháng 10 năm 1991) cho rằng đây là “một cuộc xâm lược của các ngân hàng”. Bài báo cũng cho biết St. George’s, thủ đô của Grenada có dân số 7.500 người song số lượng ngân hàng tại đây lên đến con số 118 – nghĩa là cứ 64 người dân lại có một ngân hàng. “St. George’s đã trở thành Casablanca của Caribe, một bến cảng cho việc rửa tiền và trốn thuế cùng đủ loại lừa đảo tài chính khác…”

Sau một nghiên cứu về các vụ can thiệp quân sự của Mỹ, nhà khoa học chính trị Stephen Shalom (trong tác phẩm Imperial Alibis − Chứng cứ ngoại phạm của đế quốc) kết luận rằng người dân ở các nước bị xâm lược thiệt mạng “không phải là để cứu kiều bào Mỹ − những người thực ra còn an toàn hơn gấp bội nếu không có sự can thiệp quân sự của Mỹ, mà là để Washington chứng minh rằng nước Mỹ là chủ nhân của vùng Caribe và chính phủ Hoa Kỳ luôn sẵn sàng cho một cơn giận dữ đầy bạo lực để buộc các nước phải tôn trọng ý chí của mình”. ông cũng viết:

Một số người dân Mỹ đã thật sự lâm vào cảnh nguy hiểm. Chẳng hạn như bốn nữ giáo

sỹ đã bị giết trong cuộc tuần tra của quân đội chính phủ ở El Salvador năm 1980. Nhưng nếu không có sự can thiệp của Mỹ thì cũng sẽ không có các cuộc thủy chiến, không có các cuộc không kích đánh bom. Thay vào đó, Washington ủng hộ chế độ tuần tra bằng các khoản viện trợ kinh tế, chính trị, huấn luyện quân sự, chia sẻ chất xám và hỗ trợ ngoại giao.

Vai trò lịch sử của Mỹ tại El Salvador, nơi 2% dân số sở hữu 60% đất đai, là để đảm bảo các chính phủ sẽ ủng hộ lợi ích của Mỹ cho dù điều đó có thể bần cùng hóa đại đa số dân chúng. Mọi cuộc nổi loạn đe dọa tới sự sắp xếp này ngay lập tức sẽ bị dập tắt. Năm 1932, khi một cuộc nổi dậy đe dọa quân đội chính quyền Salvador, Mỹ đã gửi một tàu tuần dương và hai tàu khu trục tới hỗ trợ chính phủ Salvador thảm sát 30 nghìn dân thường vô tội.

Hệ thống chính quyền của Jimmy Carter đã không làm gì để đảo ngược lịch sử. Hệ thống này muốn cải cách diễn ra ở châu Mỹ Latinh nhưng không phải là các cuộc cách mạng có thể đe dọa lợi ích của Mỹ. Năm 1980, Richard Cooper, một chuyên gia thuộc Bộ Kinh tế đã báo cáo với Quốc hội rằng người dân khao khát có được một sự phân chia tài sản công bằng hơn. “Tuy nhiên, chúng ta cũng có một phần lớn lợi ích trong việc duy trì hệ thống kinh tế đó… Những thay đổi lớn trong hệ thống này có thể ảnh hưởng lớn đến lợi ích của chúng ta.”

Tháng 2 năm 1980, Tổng giám mục Thiên chúa Oscar Romeo của El Salvador gửi đến Tổng thống Carter một lá thư riêng, đề nghị ông ta chấm dứt viện trợ quân sự tại El Salvador. Trước đó không lâu, lực lượng Vệ binh quốc gia và Cảnh sát quốc gia đã nổ súng vào đám đông người biểu tình phản đối trước nhà thờ Metropolitan, khiến 20 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính quyền Carter vẫn duy trì sự can thiệp quân sự. Trong tháng tiếp theo, Tổng giám mục Romeo bị ám sát.

Bằng chứng cho thấy vụ ám sát được chỉ đạo bởi Roberto D’Aubuisson, một thủ lĩnh cánh tả. Nhưng D’Aubuisson được bảo trợ bởi Nicolas Carranza, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người nhận khoản thù lao 90 nghìn đô-la một năm từ CIA. Và mỉa mai thay, Elliot Abrams, phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao về quyền con người, đã tuyên bố rằng

D’Aubuisson “không hề liên quan đến vụ giết người”.

Khi Reagan đắc cử chức tổng thống, khoản viện trợ quân sự cho El Salvador lại càng tăng mạnh. Từ năm 1946 đến năm 1979, tổng giá trị viện trợ quân sự cho El Salvador là 16,7 triệu đô-la. Trong năm đầu tiên tại vị của Reagan, con số này lên đến 82 triệu đô-la.

Quốc hội cảm thấy hổ thẹn với các vụ thảm sát ở El Salvador đến mức phải đảm bảo các quyền cho người dân nước này trước khi bắt đầu bất cứ một khoản viện trợ nào khác. Reagan đã không hề để tâm tới yêu cầu này. Ngày 28 tháng 1 năm 1982 lại xuất hiện những bản báo cáo về các vụ thảm sát nông dân ở một số làng mạc. Ngay sau đó, Reagan đã cam đoan với Quốc hội rằng chính quyền Salvador đang thực hiện các bước để bảo vệ quyền của người dân nước này. Ba ngày sau khi đưa ra cam kết đó, binh lính của chính phủ El Salvador đã đột kích nhà của những người nghèo, kéo họ ra ngoài và giết chết.

Cuối năm 1983, Quốc hội thông qua một điều luật yêu cầu duy trì việc đảm bảo quyền con người, song Reagan đã phủ quyết.

Trong cuốn sách On Bended Knee (Quỳ gối), Mark Hertsgaard mô tả báo chí truyền thông dưới thời Reagan đã trở nên hết sức rụt rè và khúm núm. Khi nhà báo Raymond Bonner tiếp tục viết về sự tàn bạo của người Mỹ tại El Salvador, tờ New York Times ngay lập tức sa thải ông. Trở lại năm 1981, Bonner đã có bài báo viết về vụ thảm sát hàng trăm dân thường ở tỉnh El Mozote do một tiểu đoàn mà Mỹ huấn luyện ra tay. Chính quyền Reagan đã nhạo báng bài tường thuật đó. Nhưng đến năm 1992, một nhóm các nhà nhân chủng học của tòa án đã khai quật được rất nhiều hài cốt tại hiện trường, phần đông trong số đó là trẻ em; trong năm tiếp theo, phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng khẳng định vụ thảm sát ở El Mozote là có thật.

Chính quyền Reagan không xuất đầu lộ diện trong bất kỳ vụ vi phạm nhân quyền nào do ủy ban quân sự tiến hành tại các nước châu Mỹ Latinh như Guatemala, El Salvador hay Chile. Nếu như các quốc gia này được coi là “thân thiện” với chính phủ Hoa Kỳ

thì ngay sau đó chính quyền Reagan đã rất thất vọng khi chính quyền của Muammar Khadafi ở Libya quay sang đối đầu với Mỹ. Năm 1986, khi các phần tử khủng bố vô danh đánh bom một sàn nhảy ở Tây Berlin và giết chết một quân nhân Mỹ, Nhà Trắng ngay lập tức quyết định trả đũa. Khadafi có thể phải chịu trách nhiệm về các hành động khủng bố trong những năm đó, nhưng không hề có bằng chứng chứng minh ông ta là chủ mưu trong vụ việc này.

Reagan kiên quyết thực hiện ý đồ của mình. Các máy bay gửi tới thủ đô Tripoli được lệnh thẳng tiến đến dinh thự của Khadafi. Một trận mưa bom đã trút xuống thành phố đông đúc; các nhà ngoại giao ở Tripoli ước tính số người chết có thể lên đến hàng trăm. Khadafi không bị thương nhưng cô con gái nuôi của ông đã bị giết.

Giáo sư Stephen Shalom phân tích vụ việc này trong cuốn sách Imperial Alibis (Chứng cứ ngoại phạm của đế quốc) như sau: “Nếu như chủ nghĩa khủng bố được định nghĩa là hành động bạo lực chính trị chống lại những mục tiêu không liên quan tới chiến tranh thì một trong những ví dụ điển hình nhất về khủng bố quốc tế chính là cuộc tấn công của nước Mỹ tại Lybia.”

Đầu nhiệm kỳ của Tổng thống George Bush, bối cảnh quốc tế có sự thay đổi sâu sắc nhất kể từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Năm 1989, dưới sự lãnh đạo năng động hơn, chính quyền Mikhail Gorbachev tưởng rằng đã xóa bỏ “chế độ độc tài cộng sản” nhưng hóa ra lại tạo nên một chế độ độc tài đối với những người cộng sản, góp phần tạo nên làn sóng nổi dậy trên khắp các nước thuộc khối Liên Xô.

Những cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trên khắp Liên Xô và các nước Đông âu. Đông Đức đồng ý thống nhất với Tây Đức; bức tường ngăn cách giữa Đông Berlin và Tây Berlin, từ lâu trở thành biểu tượng cho sự kiểm soát người dân chặt chẽ của Đông Đức, đã được dỡ bỏ trước sự chứng kiến và vui mừng tột độ của người Đức. Tại Slovakia, một chính phủ phi cộng sản mới lên nắm quyền, đứng đầu là Vaclav Havel, một nhà viết kịch và là người bất đồng quan điểm với chính quyền cũ, từng bị tống giam. Tại Ba Lan, Bulgary, Hungary, một chế độ khác cũng ra đời, hứa hẹn với người dân quyền tự do và dân chủ. Đặc biệt đáng chú ý là tất cả những thay đổi này đều xảy

ra trong bối cảnh không có cuộc nội chiến nào, mà chỉ đơn giản là đáp ứng yêu cầu của số đông dân chúng.

Tại Mỹ, Đảng Cộng hòa cho rằng những chính sách không khoan nhượng của Reagan và việc chi tiêu quân sự gia tăng đã khiến Liên Xô sụp đổ. Nhưng thực ra sự thay đổi đó đã diễn ra từ trước đấy rất lâu, sau cái chết của Stalin vào năm 1953 và đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Nikita Khrushchev. Việc này đã mở màn cho một cuộc tranh luận rất đáng chú ý.

Tuy nhiên, theo cựu đại sứ của Liên bang Xôviết cũ, George Kennan, việc tiếp tục những chính sách cứng rắn của Mỹ đã trở thành một trở ngại để mở rộng tự do. ông viết rằng “tác động chung của Chiến tranh Lạnh cực đoan là làm chậm lại những thay đổi lớn lao diễn ra ở Liên Xô vào cuối những năm 1980”. Trong khi báo chí và các chính trị gia Hoa Kỳ đang hân hoan trước sự sụp đổ của Liên Xô, Kennan chỉ ra rằng không chỉ các chính sách của Mỹ đã trì hoãn sự sụp đổ này, mà cả những chính sách Chiến tranh Lạnh còn gây thiệt hại lớn cho chính người Mỹ:

Chúng ta phải chi trả chi phí quân sự khổng lồ một cách vô lý.

Chúng ta phải chi trả cho việc phát triển vũ khí hạt nhân tinh vi đến nỗi đã trở thành mối nguy cho môi trường của toàn hành tinh.

Sự sụp đổ bất ngờ của Liên bang Xôviết khiến giới cầm quyền của Mỹ bị hụt hẫng. Những can thiệp quân sự đã được xúc tiến ở Hàn Quốc, Việt Nam, Cuba và Cộng hòa Dominica với những thiệt hại lớn về người và của. Ngoài ra, các hỗ trợ quân sự cũng được gửi tới châu âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, châu á và khắp nơi trên thế giới với mục đích tạo nên một đối trọng với mối đe dọa Cộng sản bắt nguồn từ Liên Xô. Hàng nghìn tỷ đô-la bị tước đoạt khỏi tay của người dân Hoa Kỳ dưới hình thức thu thuế để duy trì các căn cứ quân sự hạt nhân và phi hạt nhân tinh vi trên toàn thế giới. Tất cả chỉ để đương đầu với “mối đe dọa Liên Xô”.

Đây là cơ hội để Mỹ xây dựng lại chính sách đối ngoại của mình và giải phóng hàng

trăm tỷ đô-la mỗi năm từ ngân sách cho các dự án có ích và mang tính chất xây dựng. Nhưng điều này đã không xảy ra. Bên cạnh niềm vui “Chúng ta đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh”, người Mỹ lại phải giật mình đặt ra câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để duy trì các căn cứ quân sự đã thiết lập?”

Mặc dù các chính sách đối ngoại của Mỹ được cho là tiến hành vì sự tồn tại của Liên Xô, một điều rõ ràng là động cơ thúc đẩy nước Mỹ chính là mối lo sợ cách mạng trên toàn thế giới. Nhà phê bình xã hội có tư tưởng cấp tiến Noam Chomsky luôn cho rằng “Những mục đích an ninh của Mỹ đều là dối trá, Chiến tranh Lạnh thực chất là một công cụ được sử dụng để biện hộ cho sự đàn áp phong trào độc lập dân tộc dù là ở bất cứ đâu: châu âu, Nhật Bản hay Thế giới thứ ba” (trong World Orders Old and New − Những mệnh lệnh toàn cầu xưa và nay).

Mối lo sợ “chủ nghĩa độc lập dân tộc” là điều đó có thể đe dọa sức mạnh kinh tế của Mỹ. Các cuộc cách mạng ở Nicaragua, Cuba, El Salvador hay Chile là mối nguy với Mỹ và các tập đoàn lớn như Anaconda Copper, International Telephone and Telegraph, v.v… Vì vậy, những can thiệp quốc tế được công bố với công chúng là “vì lợi ích quốc gia” thực chất chỉ vì lợi ích của một số người đặc biệt mà vì lợi ích đó, người dân Mỹ phải hy sinh những người con trai và những đồng đô-la tiền thuế của mình.

Giờ thì CIA buộc phải chứng minh là các biện pháp quân sự vẫn rất cần thiết. Tờ New York Times (số ra ngày 4 tháng 2 năm 1992) đã tuyên bố rằng “khi thế giới không còn tồn tại những kẻ thù sau chiến tranh, CIA và các cơ quan kề cận phải tìm cách nào đó để duy trì sự cần thiết của những vệ tinh trị giá hàng tỷ đô-la và những núi tài liệu mật trong suy nghĩ của người dân Mỹ”.

Ngân sách dành cho quân sự vẫn là một con số khổng lồ. Ngân sách dành cho Chiến tranh Lạnh từ 300 tỷ đô-la giảm 7% xuống còn 289 tỷ đô-la. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Colin Powell cho biết: “Tôi muốn dùng điều này để đe dọa các nước còn lại trên thế giới. Tôi không hề hiếu chiến hay có ý khiêu chiến.”

Như để chứng minh rằng những căn cứ quân sự khổng lồ là vẫn cần thiết, chính quyền Bush đã phát động hai cuộc chiến tranh trong nhiệm kỳ bốn năm của mình: một cuộc chiến “nhỏ” với Panama và cuộc chiến tầm cỡ chống Iraq. Ngồi vào ghế tổng thống năm 1989, Bush đã bị bẽ mặt bởi sự ngang ngược của chế độ độc tài Panama, Tướng Manuel Noriega. Chế độ của Noriega đầy rẫy bọn tham nhũng, hung bạo và độc đoán; tuy vậy Tổng thống Reagan và Phó Tổng thống Bush đã bỏ qua bởi chúng vẫn còn có lợi cho nước Mỹ. ông ta hợp tác với CIA bằng nhiều cách như biến Panama trở thành căn cứ quân sự chống lại chính quyền Sandinista của Nicaragua, gặp gỡ Đại tá Oliver North để bàn bạc về mục tiêu phá hoại ở Nicaragua. Khi North trở thành giám đốc của CIA từ 1976-1977 thì Bush đã bảo vệ Noriega.

Nhưng đến năm 1984, lợi ích mà Noriega mang lại đã chấm dứt. Các hoạt động mua bán thuốc phiện của ông ta bị phanh phui và trở thành mục tiêu lý tưởng cho một chính quyền đang muốn chứng minh rằng mình vẫn là sức mạnh vô địch ở vùng Caribe (trong bối cảnh rõ ràng là không địch nổi bộ máy của Castro, Sandinista hay phong trào cách mạng ở El Salvador).

Khẳng định rằng Mỹ muốn đưa Noriega ra tòa vì tội vận chuyển thuốc phiện (Noriega đã bị truy tố tại Florida) và cũng là để bảo vệ người dân Mỹ (một quân nhân và vợ đã bị lính Panama đe dọa), Mỹ tiến hành xâm lược Panama với 26 nghìn phân đội vào năm 1989.

Chiến thắng đến nhanh chóng. Noriega bị bắt và đưa tới Florida để xét xử (ông ta đã bị buộc tội và vào tù). Nhưng các khu vực quanh thành phố Panama đã bị bỏ bom và hàng trăm, có thể là hàng nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược. Ước tính có tới 14 nghìn người đã mất nhà cửa. Mark Hertsgaard viết rằng ngay cả nếu con số ước tính chính thức vài trăm thương vong của Lầu Năm Góc là đúng, điều đó cũng có nghĩa là trong vụ Panama, chính phủ Mỹ đã giết số người tương đương với Trung Quốc trong vụ tấn công khét tiếng vào các sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn cách đó 6 tháng. Một vị tổng thống mới thân thiện với Mỹ đã được đưa vào vị trí ở Panama, nhưng nghèo đói và tình trạng thất nghiệp vẫn kéo dài; và năm 1992,

tờ New York Times có bài tường thuật vụ xâm lược và loại bỏ Noriega “đã thất bại trong việc cầm lại dòng chảy của ma túy trái phép qua Panama”.

Tuy vậy, Mỹ đã thành công trong việc tái thiết lập sức ảnh hưởng mạnh mẽ của mình tại Panama. New York Times viết: “Tổng thống (của Panama) và các phụ tá chính của ông ta ăn sáng với Đại sứ Mỹ tại Panama, Deanne Hinton, một tuần một lần ở một địa điểm đến nỗi người Panama coi đó là nơi những quyết định quan trọng được đưa ra.”

Các thành viên Đảng Dân chủ Tự do (John Kerry, Ted Kennedy của bang Massachusetts và những người khác) tuyên bố ủng hộ các hành động quân sự. Họ đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình với trách nhiệm là những người hỗ trợ các can thiệp quân sự, sốt sắng thể hiện rằng chính sách đối ngoại cũng là chính sách lưỡng đảng. Họ dường như kiên quyết tỏ ra cứng rắn (hay tàn nhẫn) không kém các thành viên Đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, chính quyền Panama có quy mô quá nhỏ để hoàn thành được mục tiêu mà cả bộ máy của Reagan và Bush đều thiết tha mong đợi: vượt qua sự ghê tởm của dư luận đối với can thiệp quân sự kể từ chiến tranh Việt Nam.

Hai năm sau, chiến tranh Vùng Vịnh chống Iraq đã đưa đến một cơ hội cho Mỹ. Iraq, dưới chế độ độc tài hung bạo của Saddam Hussein, đã xâm chiếm nước láng giềng Kuwait nhỏ nhưng giàu có về dầu mỏ vào tháng 8 năm 1990.

George Bush cần làm một điều gì đó để tăng cường hình ảnh của mình trong lòng các cử tri Mỹ. Trên trang nhất tờ Washington Post (số ra ngày 16 tháng 10 năm 1990) có dòng tít: “Tín nhiệm sụt giảm: Số phiếu của Bush tụt dốc”. Trong số ra ngày 28 tháng 10 viết: “Một số nhà quan sát trong đảng của Bush lo lắng rằng Tổng thống sẽ phải châm ngòi một cuộc chiến để ngăn chặn sự suy yếu trong những đóng góp của mình tại quê nhà.”

Ngày 30 tháng 10, một quyết định mật được đưa ra đối với cuộc chiến tại Iraq. Liên Hiệp Quốc đã đáp trả vụ xâm lược Kuwait bằng việc phê chuẩn sắc lệnh chống Iraq.

Hết nhân chứng nọ đến nhân chứng kia chứng thực trước Ủy ban Quốc hội rằng sắc lệnh này có hiệu quả và nên được tiếp tục. Báo cáo của CIA trước Thượng viện cho thấy xuất nhập khẩu của Iraq giảm đến hơn 90% vì sắc lệnh này.

Nhưng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 với nhiều thắng lợi thuộc về Đảng Dân chủ, Bush tăng cường gấp đôi lực lượng quân sự ở Vùng Vịnh lên 500 nghìn lính, tạo thành một đội quân tấn công hơn là một đội quân bảo vệ. Theo Elizabeth Drew, phóng viên tờ New Yorker, sỹ quan phụ tá của Bush là John Sununu cho biết “một cuộc chiến tranh nhanh chóng và thành công sẽ là ‘cục vàng nguyên chất’ đảm bảo sự tái đắc cử của Tổng thống”.

Nhà sử học John Wiener phân tích tình hình trong nước viết: “Bush bỏ sắc lệnh và chọn chiến tranh vì thời gian tại vị của ông ta bị giới hạn bởi cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 sắp tới”.

Chính điều này và ước ao có được tiếng nói quyết định đối với nguồn dầu mỏ của Trung Đông từ lâu đã là những nhân tố cốt yếu trong quyến định tham chiến chống Iraq. Không lâu sau chiến tranh, khi đại diện 13 nước xuất khẩu dầu mỏ chuẩn bị họp mặt tại Geneva, phóng viên kinh tế của tờ New York Times viết: “Với chiến thắng quân sự của mình, Mỹ có nhiều khả năng giành được ảnh hưởng lớn nhất đối với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hơn bất kỳ một nước công nghiệp nào khác từng có được”.

Nhưng những động cơ này không được công bố cho người dân Mỹ. Người ta chỉ được biết rằng Mỹ muốn giải phóng Kuwait khỏi ách thống trị của Iraq. Các phương tiện truyền thông chính nhắc đi nhắc lại rằng đây chính là nguyên nhân của chiến tranh và không hề đề cập đến trường hợp các nước bị xâm lược khác không có được sự quan tâm này của Mỹ (Đông Timor bị Indonesia xâm lược, Iran bị Iraq xâm lược, Lebanon bị Israel xâm lược, Mozambique bị Nam Phi xâm lược), và cũng không hề nhắc đến các nước bị Mỹ xâm lược như Grenada hay Panama.

Lời bào chữa cho chiến tranh có vẻ thuyết phục nhất là Iraq đang trong quá trình xây

dựng bom nguyên tử, nhưng tất cả chứng cứ cho điều này đều rất yếu ớt. Trước cuộc khủng hoảng ở Kuwait, các nhà khoa học phương Tây đã ước tính Iraq phải mất khoảng 3-10 năm để xây dựng vũ khí nguyên tử. Ngay cả khi Iraq có thể chế tạo bom nguyên tử trong một hoặc hai năm (theo những dự đoán bi quan nhất), thì cũng không có được hệ thống phân phối để đưa vũ khí đi bất cứ đâu. Bên cạnh đó, nếu Israel đã chế tạo thành công vũ khí nguyên tử thì nước Mỹ cũng đã có khoảng 30 nghìn quả bom. Chính quyền Bush đang cố gắng hết sức để reo rắc một nhận định hoang tưởng trong toàn nước Mỹ về quả bom không hề tồn tại của Iraq.

Bush kiên quyết gây chiến. Đã có một vài cơ hội thương lượng để Iraq rút quân khỏi Kuwait sau cuộc xâm lược, trong đó gồm có lời đề nghị của Iraq được phóng viên Knut Royce tường thuật trên tờ Newsday số ra ngày 29 tháng 8. Nhưng không hề có câu trả lời từ phía Mỹ. Khi Bộ trưởng Ngoại giao James Baker đến Geneva để gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iraq, Tariq Aziz, chỉ thị của Bush là “không thương lượng”.

Sau hàng tháng hô hào cổ vũ về sự nguy hiểm của Saddam Hussein, các khảo sát cho thấy không đến một nửa dân chúng ủng hộ hành động quân sự.

Tháng 1 năm 1991, khi rõ ràng cảm thấy cần sự ủng hộ, Bush đã yêu cầu Quốc hội cho quyền tiến hành chiến tranh. Đây không phải là một tuyên bố chiến tranh như được nêu trong Hiến pháp; bởi kể từ chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, phần đó trong Hiến pháp đã chết, và thậm chí những kẻ “giải thích hiến pháp nghiêm khắc” trước Tòa án Tối cao – những kẻ tự hào về việc diễn giải đúng và nghiêm túc những lời lẽ trong hiến pháp, cũng sẽ không thể can thiệp.

Cuộc tranh luận tại Quốc hội diễn ra gay gắt. (Tại một thời điểm, bài diễn văn của Thượng viện bị cắt ngang bởi tiếng thét của những người phản đối từ ban công “Không đổi máu lấy dầu!” Những người phản đối này đã bị bảo vệ đẩy ra ngoài). Rất có thể Bush đã chắc chắn về số người ủng hộ, nếu không ông ta đã phát động cuộc xâm lược mà không cần có sự ủng hộ của Quốc hội. Những tiền lệ theo kiểu này cũng đã xảy ra ở Triều Tiên, Việt Nam, Grenada và Panama.

Chỉ một số người trong Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ hành động chiến tranh. Hạ viện củng cố nghị quyết với phần đông số phiếu. Tuy vậy, khi Bush ra lệnh tấn công Iraq thì cả hai viện đều “ủng hộ chiến tranh và quân đội tham chiến” với rất ít số bất đồng ý kiến.

Giữa tháng 1 năm 1991, sau khi Saddam Hussein đưa ra tối hậu thư yêu cầu Mỹ rời khỏi Kuwait, Mỹ đã mở một cuộc không chiến tấn công Iraq. Cuộc không chiến có tên là Cơn bão Sa mạc. Chính phủ và giới truyền thông đã vẽ nên bức tranh về một quyền lực quân sự dữ dội, nhưng Iraq cách Mỹ quá xa để biết được những thông tin đó. Không quân Mỹ kiểm soát toàn bộ bầu trời và có thể thả bom tùy ý.

Không chỉ vậy, các quan chức Mỹ cũng kiểm soát toàn bộ lực lượng không quân. Người dân Mỹ bị ngập bởi các hình ảnh trên truyền hình về “bom thông minh” và những lời tuyên bố đầy tự tin về bom laze có khả năng tấn công mục tiêu quân sự với độ chính xác hoàn hảo. Toàn bộ mạng lưới chính quyền và truyền thông không ngừng tuyên truyền tràn lan những khẳng định này mà không hề đặt ra một câu hỏi hay sự chỉ trích.

Sự tự tin vào “bom thông minh” đã củng cố niềm tin của dân chúng, từ chỗ chỉ 50% người dân ủng hộ chiến tranh lên đến 85% đồng tình với cuộc xâm lược. Một điều quan trọng hơn nữa là một khi Mỹ đã tham chiến thì việc phản đối và chỉ trích hành động quân sự giờ lại có nghĩa là phản bội đội quân đang có mặt tại chiến trường. Những giải băng vàng xuất hiện khắp nơi trên nước Mỹ để ủng hộ cho lực lượng tại Iraq.

Trên thực tế, dân chúng đã bị lừa gạt về sự thông minh của những quả bom được thả xuống Iraq. Sau cuộc nói chuyện với các cựu cố vấn và sỹ quan không quân, một phóng viên tờ Boston Globe tường thuật rằng có lẽ đến 40% số bom laze được thả trong trận Cơn bão Sa mạc đã đánh trượt mục tiêu.

John Lehman, Bộ trưởng Hải quân dưới thời Tổng thống Reagan ước tính có đến hàng nghìn thường dân bị chết. Lầu Năm Góc không có con số thương vong chính thức

nào. Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc phát biểu trên tờ Globe, “Phải nói sự thật là chúng tôi không thật sự tập trung vào vấn đề này.”

Hãng thông tấn Reuters mô tả trận phá hủy một khách sạn 73 phòng phía đông thủ đô Baghdad và trích dẫn lời của một nhân chứng người Ai Cập: “Họ tấn công khách sạn đang chứa đầy các gia đình; sau đó họ quay lại và tấn công nó một lần nữa.” Reuters cũng cho biết cuộc tấn công không quân tại Iraq ban đầu sử dụng bom laze, nhưng chỉ một vài tuần sau đã chuyển sang bom B52 – loại bom có chứa nhiều bom truyền thống, đồng nghĩa với việc thả bom không phân biệt mục tiêu.

Các phóng viên Mỹ không được phép chứng kiến cận cảnh cuộc chiến, những thông tin họ gửi đi cũng bị kiểm định. Rõ ràng việc nhớ lại những gì báo chí tường thuật về số dân thường bị chết đã ảnh hưởng tồi tệ đến dư luận trong cuộc chiến tranh Việt Nam khiến chính phủ Mỹ không cho phép điều đó có cơ hội xảy ra thêm một lần nữa.

Một nhà báo của tờ Washington Post than phiền về việc kiểm soát thông tin trên số ra ngày 22 tháng 1 năm 1991:

Cuộc tấn công gồm có hàng chục máy bay B-52 được trang bị những vũ khí khổng lồ không được xác định mục tiêu. Nhưng Lầu Năm Góc không cho phép phỏng vấn các phi công lái máy bay B-52, không cho phép quay video về các hoạt động của họ hay đặt bất kỳ câu hỏi nào về sự hoạt động của những máy bay có tính hủy diệt cao nhất và ít tính chính xác nhất trong số 2 nghìn máy bay thuộc hạm đội của Mỹ và các nước đồng minh ở vùng Vịnh Ba Tư…

Giữa tháng 2, máy bay Mỹ thả bom xuống một hầm trú ẩn ở Baghdad vào lúc 4 giờ sáng, khoảng 400-500 người đã bị thiệt mạng. Một phóng viên của hãng tin Associated Press − một trong số ít phóng viên được tiếp cận hiện trường cho biết: “Hầu hết các xác chết được tìm thấy đều bị cháy thành than hoặc mất các bộ phận cơ thể đến nỗi không thể nào nhận ra nổi. Một vài trong số đó rõ ràng là trẻ em.” Lầu Năm Góc quả quyết rằng đó là một trong những mục tiêu, nhưng phóng viên hãng AP tại hiện trường cho hay: “Không hề có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của

quân đội trong đống đổ nát.” Các phóng viên khác được xem xét hiện trường cũng đồng ý với điều này.

Sau cuộc chiến, 15 trưởng phòng về thông tin tại Washington đều than phiền về việc Lầu Năm Góc thực hiện “quản lý thông tin một cách toàn diện và chặt chẽ đối với báo giới” trong suốt cuộc chiến tranh Vùng Vịnh.

Nhưng trong khi điều này đang diễn ra, các nhà bình luận tin tức hàng đầu cư xử như là họ đang làm việc cho chính phủ Mỹ. cChẳng hạn, Dan Rather − phóng viên của hãng tin CBS – người đưa tin được ưa chuộng nhất trên truyền hình tại thời điểm đó, đã tường thuật một đoạn phim quay cảnh một máy bay đồng minh của Anh thả bom laze xuống một khu chợ và giết chết nhiều dân thường ở Arap Saudi với lời bình luận duy nhất là “Chúng ta có thể chắc chắn rằng Saddam Hussein sẽ phải tuyên truyền nhiều về con số thương vong này”.

Khi chính phủ Liên Xô cố gắng thương lượng để kết thúc cuộc chiến, đưa quân Iraq ra khỏi Kuwait trước khi chiến tranh mặt đất có thể bắt đầu, Lesley Stahl − phóng viên hàng đầu của CBS đã hỏi một đồng sự: “Đây không phải là một ác mộng sao? Không phải là Liên Xô đang cố gắng ngăn chúng ta lại sao?” (theo Ed Siegel, phóng viên truyền hình của tờ Boston Globe trên số ra ngày 23 tháng 2 năm 1991).

Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, tức là chỉ 6 tuần sau khi bắt đầu, một cuộc tấn công trên mặt đất được tổ chức, và cũng giống như cuộc không kích, nó cũng không gặp bất kỳ sự kháng cự nào. Với chiến thắng chắc chắn trong tầm tay, máy bay Mỹ tiếp tục ném bom xuống những người lính đang rút chạy và làm tắc con đường cao tốc dẫn ra khỏi thành phố Kuwait. Một phóng viên gọi cảnh tượng đó là “một địa ngục rõ ràng… một chứng cứ đáng kinh tởm… Từ bên phải sang bên trái đều nằm rải rác thân hình của những người bỏ chạy”.

Micheal Howard, Giáo sư về lịch sử quân sự thuộc Đại học Yale, đã trích dẫn lời của nhà chiến lược quân sự Clausewitz trên tờ New York Times ra ngày 28 tháng 1 năm 1991: “Sự thật rằng một cuộc thảm sát đẫm máu là một hành động khủng khiếp đáng

sợ sẽ khiến chúng ta phải nhìn nhận chiến tranh nghiêm túc hơn, nhưng không phải là lý do để chúng ta dần làm cùn lưỡi gươm của mình dưới danh nghĩa nhân đạo.”

Howard tiếp tục: “Trong sự xung đột về lợi ích này, điểm mấu chốt là phải chuẩn bị sẵn sàng để giết và bị giết…”

Những hậu quả do chiến tranh mà con người gây ra dần trở nên sáng tỏ sau khi kết thúc và gây choáng váng đối với bất kỳ ai khi sự thật về vụ đánh bom tại Iraq đã gây ra nạn đói, bệnh tật và cái chết cho hàng nghìn trẻ em bị lộ rõ. Một phái đoàn của Liên Hiệp Quốc ngay lập tức đến thăm Iraq và báo cáo rằng “Cuộc xung đột gần đây đã biến nơi đây dường như đang ở ngày tận thế… Các cơ sở hạ tầng, hầu hết các phương tiện của cuộc sống hiện đại đều đã bị phá hủy…”

Trong tháng 5, một đội ngũ y sỹ của Đại học Harvard cho biết số trẻ em thương vong tăng vụt, trong bốn tháng đầu năm đã có tới hơn 55 nghìn trẻ em bị chết (cuộc chiến tranh kéo từ ngày 15 tháng 1 đến ngày 28 tháng 2) so với cùng thời điểm này năm trước.

Giám đốc của một bệnh viên khoa nhi tại Baghdad nói với phóng viên của tờ New York Times rằng trong đêm đầu tiên của chiến dịch rải bom, điện đã bị cắt: “Những bà mẹ vồ lấy con trong lồng nuôi trẻ, giật ống truyền ra khỏi tay chúng. Những người khác được đưa ra khỏi lều oxy và chạy xuống tầng hầm, nơi không có sức nóng. Chúng tôi đã mất hơn 40 đứa trẻ chỉ trong vòng 12 giờ đầu tiên của cuộc tấn công.”

Dù trong suốt cuộc chiến các quan chức và báo chí Mỹ đã mô tả Saddam Hussein như một tên Hitler thứ hai, song cuộc chiến tranh lại kết thúc nhanh như một cuộc hành quân đến Baghdad và rời đi, để lại Hussein yên bình tại vị. Có vẻ như Mỹ muốn làm cho ông ta suy yếu nhưng không muốn loại bỏ ông ta, nhằm giữ ông ta như một đối trọng với Iran. Trong những năm diễn ra chiến tranh Vùng Vịnh, Mỹ đã bán vũ khí cho cả Iran và Iraq, làm lợi cho mỗi phe vào từng thời điểm khác nhau theo một phần của chiến lược “cân bằng quyền lực”.

Vì vậy, khi chiến tranh kết thúc, Mỹ đã không ủng hộ những kẻ bất đồng quan điểm lật đổ chính quyền Saddam Hussein. Tin từ Washington của tờ New York Times số ra ngày 26 tháng 3 năm 1991 cho biết: “Theo tuyên bố chính thức và chỉ thị mật ra ngày hôm nay, Tổng thống Bush đã quyết định để Saddam Hussein dập tắt phiến loạn ở đất nước của ông ta hơn là đưa Iraq vào mối nguy bị tàn phá.”

Điều này khiến cho dân tộc thiểu số Kurd, những người đang nổi loạn chống lại Saddam Hussein rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Những phần tử chống Hussein khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tờ Washinton Post tường thuật (ngày 3 tháng 5 năm 1991): “Chút nữa những cuộc đào ngũ khỏi quân đội Iraq đã diễn ra vào giai đoạn cao trào trong cuộc nổi loạn của người Kurd, nhưng việc đó đã không bao giờ trở thành hiện thực bởi các sỹ quan kết luận rằng Mỹ sẽ không ủng hộ điều này…”

Zbigniew Brzezinski, từng là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter, đã đưa ra đánh giá lạnh lùng về điểm cộng và điểm trừ của cuộc chiến tranh Vùng Vịnh một tháng sau khi kết thúc: “Không thể chối bỏ được rằng lợi ích có được là rất ấn tượng. Thứ nhất, một hành động hiếu chiến ồn ào bị đẩy lùi và trừng phạt… Thứ hai, sức mạnh quân sự của Mỹ từ nay trở đi cũng sẽ được coi trọng hơn… Thứ ba, vùng Trung Đông và Vịnh Ba Tư giờ đây chưa chắc đã là khu vực mà Mỹ chiếm ưu thế.”

Tuy nhiên, Brzezinski cũng lo ngại về “một số hậu quả tiêu cực”. Một trong số đó là “cuộc không kích quá mạnh vào Iraq đã mở đường cho mối lo ngại rằng việc tiến hành chiến tranh là bằng chứng cho thấy người Mỹ coi thường mạng sống của người Arap… Đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về đạo đức và tính cân bằng trong chiến tranh”.

Những điểm trừ mà ông đưa ra đã được nhấn mạnh khi cuộc chiến tranh đã kích động một phong trào chống người Arap tại Mỹ, trong đó những người Mỹ gốc Arap bị sỉ nhục, đánh đập hoặc bị đe dọa. Những tấm dán ôtô có in dòng chữ “Không hãm phanh trước người Iraq” xuất hiện trên đường phố. Một thương gia người Mỹ gốc Arap đã bị đánh đập và tra tấn tại Toledo, Ohio.

Những đánh giá của Brzezinski về chiến tranh Vùng Vịnh có thể coi như là đại diện cho cái nhìn của Đảng Dân chủ và đi liền với chính quyền của Tổng thống Bush. Chính quyền Bush đã rất vui mừng trước kết quả của cuộc chiến. Mặc dù có e ngại về con số dân thường thương vong nhưng chính quyền này cũng không kháng cự lại.

Tổng thống George Bush đã hoàn toàn hài lòng. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, ông ta tuyên bố trên đài phát thanh: “Bóng ma cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã bị chôn vùi vĩnh viễn trong cát sa mạc Arap.”

Các cơ quan báo chí và truyền thông có ảnh hưởng lớn cũng đồng ý với điều này. Hai tạp chí danh tiếng hàng đầu, Times và Newsweek, đã phát hành ấn bản đặc biệt để chào đón chiến thắng và không hề đề cập đến con số thương vong ở Iraq. Bài xã luận trên tờ New York Times số ra ngày 30 tháng 3 năm 1991 viết: “Chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến Vùng Vịnh đã chứng thực về sức mạnh của quân đội Mỹ. Mỹ đã sử dụng hỏa lực và tính cơ động của mình một cách tài tình trong quá trình xóa bỏ những ký ức đau buồn trong chiến tranh tại Việt Nam”.

June Jordan, một nhà thơ người da đen ở Berkeley, California lại có một cái nhìn khác: “Tôi cho rằng đó chỉ là một đòn đánh hay và là một cơ hội may mắn, nhưng điều đó sẽ không kéo dài lâu.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.