Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
24. NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG CỦA CLINTON VÀ CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ
Tổng thống Bill Clinton tái đắc cử năm 1996 mà không có được sự nhiệt tình của cử tri. Thực tế năm 1992 (khi 19% cử tri bày tỏ sự chán ghét đối với cả hai đảng bằng cách bỏ phiếu cho Ross Perot − ứng cử viên đảng thứ ba), cử tri rõ ràng không hài lòng với sự lựa chọn đó. Một nửa số cử tri hợp lệ đã không tham gia bầu cử; trong số những người đi bầu, chỉ có 49% chọn Clinton thay vì Robert Dole, đối thủ mờ nhạt của ông ta. Trên một tờ quảng cáo có dòng chữ: “Nếu Chúa đã có ý định cho chúng ta bỏ phiếu, Người hẳn sẽ cho chúng ta các ứng cử viên.”
Tại lễ nhậm chức lần thứ hai, Clinton đã phát biểu rằng nước Mỹ đang cận kề “một thế kỷ mới, trong một thiên niên kỷ mới”. ông ta nói: “Chúng ta cần một chính phủ mới cho thế kỷ mới.” Nhưng điều hiển nhiên cho thấy sự ủng hộ không mấy mạnh mẽ dành cho ông ta tại các địa điểm bầu cử, người Mỹ đã nhận thấy rằng chẳng có gì trong suốt bốn năm cầm quyền nhiệm kỳ đầu của Clinton để thanh minh cho tuyên bố “sẽ có một chính phủ mới”.
Lễ tuyên thệ của Clinton lại diễn ra đúng vào dịp nước Mỹ kỷ niệm ngày sinh của Mục sư Martin Luther King Jr., Clinton đã vài lần nhắc đến King trong diễn văn của mình. Tuy nhiên, hai người đại diện cho các trường phái xã hội rất khác nhau.
Cho đến khi bị ám sát năm 1968, King đã tin rằng hệ thống kinh tế của nước Mỹ cơ bản là bất công và cần có những chuyển hóa triệt để. ông nói về “những bóng ma của chủ nghĩa tư bản” và đòi hỏi “phân phối lại quyền lực kinh tế và chính trị một cách căn bản”.
Trên góc độ khác, vì các tập đoàn đổ tiền cho Đảng Dân chủ với một quy mô chưa từng thấy, trong suốt bốn năm nhiệm kỳ đầu, Clinton đã thể hiện rất rõ ràng sự tin tưởng tuyệt đối của ông ta đối với “hệ thống thị trường” và “các doanh nghiệp tư nhân”. Trong đợt vận động tranh cử năm 1992, giám đốc điều hành tập đoàn Martin
Marietta nhận xét: “Tôi cho rằng Đảng Dân chủ đang chuyển dần sang hướng kinh doanh và kinh doanh đang chuyển dần sang hướng của Đảng Dân chủ.”
Phản ứng của Martin Luther King đối với việc tăng cường lực lượng quân sự cũng giống như phản ứng của ông đối với cuộc chiến tranh tại Việt Nam. “Sự điên rồ này cần phải chấm dứt”. Và “… những bóng ma của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự bóc lột về kinh tế và chủ nghĩa quân phiệt đang liên kết với nhau…”
Clinton đã sẵn sàng nhắc lại “giấc mơ” của Mục sư King về bình đẳng chủng tộc, nhưng không phải là giấc mơ của ông ta về một xã hội phản đối bạo lực. Dù Liên Xô không còn là mối đe dọa quân sự, Clinton vẫn khăng khăng cho rằng Mỹ cần phải duy trì các lực lượng quân sự rải rác trên khắp địa cầu, sẵn sàng cho “hai cuộc chiến tranh khu vực” và tiếp tục duy trì ngân sách quân sự tương đương thời Chiến tranh Lạnh.
Năm 1992, Clinton trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ, với chiến lược không phải để thay đổi về mặt xã hội, mà là vì thắng lợi của cuộc bầu cử: thúc đẩy đảng này cố gắng vừa đủ cho những người da đen, phụ nữ và tầng lớp lao động nhằm giành được sự ủng hộ của họ, trong khi tranh thủ các cử tri da trắng bảo thủ với một chương trình mạnh tay hơn đối với vấn đề tội phạm và một lực lượng quân sự hùng hậu.
Khi đắc cử, Clinton đã bổ nhiệm nhiều người da đen vào các vị trí của chính phủ hơn so với các đồng sự thuộc Đảng Cộng hòa. Nhưng nếu như xảy ra chuyện gì hoặc những người được bổ nhiệm trở nên quá táo bạo, ngay lập tức Clinton sẽ sa thải họ.
Bộ trưởng Thương mại của ông ta, Ronald Brown (người đã chết trong một vụ tai nạn máy bay) là một người da đen và là luật sư; Clinton rất hài lòng về ông ta. Nhưng Lani Guinier, một người da đen khác và là học giả về luật, khi đang chuẩn bị nhận việc tại Vụ Dân quyền thuộc Bộ Tư pháp thì bị “ruồng bỏ” bởi những người bảo thủ đã phản đối các ý tưởng mạnh mẽ của bà về các vấn đề bình đẳng chủng tộc và quyền đại diện cử tri. Và khi Joycelyn Elders − người đứng đầu ngành quân y và cũng là một người da đen, đưa ra những đề xuất gây tranh cãi rằng thủ dâm là một môn học nghiêm túc trong giáo dục tình dục, Clinton đã yêu cầu bà từ chức.
Clinton cũng tỏ thái độ rụt rè tương tự đối với hai vị trí mà ông ta đã bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện, thông qua việc đảm bảo rằng Ruth Bader Ginsburg và Stephen Breyer sẽ đủ ôn hòa để có thể được các thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ chấp nhận. ông ta không sẵn sàng đấu tranh cho một nhân vật tự do mạnh mẽ theo gương Thurgood Marshall hay William Brennan − người gần đây đã rời Pháp viện. Cả Breyer và Ginsburg đều bảo vệ tính hợp hiến của việc phạt tiền và ủng hộ những hạn chế quyết liệt về lệnh đình quyền giam giữ. Cả hai đều tán thành với các quan tòa bảo thủ nhất tại Pháp viện để ủng hộ “quyền theo hiến pháp” đối với những người tổ chức diễu hành nhân ngày Thánh Patrick tại Boston, nhằm loại bỏ người diễu hành đồng tính luyến ái.
Trong việc chọn thẩm phán cho các tòa án liên bang cấp thấp hơn, Clinton tỏ thái độ sẽ không bổ nhiệm những người theo chủ nghĩa tự do như Tổng thống Gerald Ford thuộc Đảng Cộng hòa từng thực hiện trong những năm 1970. Theo một nghiên cứu kéo dài ba năm được đăng trên Fordham Law Review đầu năm 1996, chưa đến một nửa các quyết định bổ nhiệm của Clinton mang tính “tự do”. Tờ New York Times nhận xét rằng, trong khi việc Reagan và Bush (cha) sẵn sàng đấu tranh cho những thẩm phán đã phản ánh triết lý của họ, thì “Ngài Clinton, ngược lại, đã nhanh chóng bỏ rơi các ứng cử viên tòa án, thậm chí cả khi có dấu hiệu của sự tranh cãi”.
Clinton thường “hăm hở” tỏ ra rằng ông ta là một người “rất cứng rắn” đối với các vấn đề “luật pháp và trật tự”. Năm 1992, tranh cử chức tổng thống khi đang là Thống đốc bang Arkansas, ông ta còn bay về Arkansas để giám sát vụ xử một người đàn ông tâm thần đang bị giam giữ chờ tử hình. Trong những ngày đầu nắm quyền, ông ta và Tổng chưởng lý Janet Reno còn phê chuẩn việc FBI tấn công một nhóm tôn giáo quá khích có vũ trang đang cố thủ tại một tòa nhà ở Waco, Texas. Vụ tấn công đó đã gây cháy cả khu nhà, giết chết 86 đàn ông, đàn bà và trẻ em.
Những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống, Clinton đã ký một đạo luật cắt ngân sách cho các trung tâm nguồn lực của bang, vốn cung cấp luật sư cho những tù nhân nghèo khổ. Kết quả là, theo như bài viết của Bob Herbert trên tờ New York Times, một người đàn ông đối mặt với án tử hình tại Georgia đã phải trình diện theo lệnh đình quyền giam giữ mà không có luật sư.
Năm 1996, Clinton đã ký một đạo luật khiến các tòa án khó khăn hơn trong việc sắp xếp hệ thống nhà tù theo các sơ đồ đặc biệt để bảo đảm cải thiện tình trạng giam giữ tồi tệ. ông ta cũng thông qua sắc lệnh rút lại toàn bộ các quỹ dịch vụ pháp lý mà các luật sư có thể sử dụng để tiến hành các vụ kiện (chẳng hạn như các vụ quan trọng, liên quan việc xâm phạm quyền tự do công dân).
Dự luật về Tội phạm (Crime Bill) năm 1996, được cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ủng hộ áp đảo tại Quốc hội và Clinton cũng tán thành nhiệt tình, nhằm giải quyết vấn đề tội phạm, nhấn mạnh hơn việc trừng phạt, chứ không phòng ngừa. Dự luật mở rộng việc áp dụng án tử hình đối với rất nhiều loại tội phạm và cấp một khoản ngân sách 8 tỷ đô-la để xây dựng các nhà tù mới.
Tất cả những động thái này chủ yếu để thuyết phục các cử tri rằng các chính trị gia rất “cứng rắn đối với tội phạm”. Nhưng như nhà tội phạm học Todd Clear đã viết trên tờ New York Times rằng dự luật mới cứng rắn hơn so với việc kết án từ năm 1973, đã đưa thêm 1 triệu người vào tù, khiến nước Mỹ có tỷ lệ giam giữ cao nhất thế giới, trong khi tội phạm bạo lực tiếp tục gia tăng. “Tại sao”, Clear đặt ra câu hỏi, “Liệu có phải các hình phạt khắc nghiệt dường như ít tác động đến vấn đề tội phạm?” Một nguyên nhân mấu chốt là “cảnh sát và nhà tù hầu như không có tác động gì đến các nguồn gốc của hành vi phạm tội”. ông cũng chỉ ra nguồn gốc này: “Khoảng 70% tù nhân tại bang New York đến từ tám khu vực lân cận của thành phố New York. Những khu vực này vốn phải chịu đựng cảnh nghèo đói, bị loại trừ, bị bần cùng hóa và tuyệt vọng đến cùng cực. Tất cả những điều đó đã nuôi dưỡng tội phạm.”
Những người nắm quyền lực chính trị − dù là Clinton hay những người tiền nhiệm của ông ta thuộc Đảng Cộng hòa − tất cả đều có điểm chung. Họ tìm cách duy trì quyền lực của mình bằng cách lái sự tức giận của công chúng vào các nhóm không có tiềm lực để bảo vệ họ. Như H. L. Mencken, nhà phê bình xã hội gay gắt trong những năm 1920 đã nói: “Mục đích của chính trị thực tế làm cho dân chúng luôn được cảnh báo về mối đe dọa và hàng loạt câu chuyện ma quỷ − tất cả những điều đó đều là giả tạo”
Tội phạm cũng thuộc nhóm ma quỷ này. Dân nhập cư, những dân tộc “gây chiến” và một số chính phủ − Iraq, Bắc Triều tiên, Cuba – cũng vậy. Bằng cách lái sự chú ý sang họ, bằng cách bịa đặt hoặc thổi phồng các mối đe dọa từ họ, những thất bại trong hệ thống của nước Mỹ có thể che giấu được.
Dân nhập cư là một đối tượng rất dễ bị tấn công, vì họ không phải là cử tri, các lợi ích của họ có thể bị phớt lờ một cách an toàn. Rất dễ cho các chính trị gia “chơi” kiểu bài ngoại vốn đã liên tục diễn ra trong lịch sử nước Mỹ: những thành kiến chống dân Ailen hồi giữa thế kỷ XIX; bạo lực triền miên nhằm vào dân Trung Quốc – những người được đưa đến để xây dựng các tuyến đường sắt; thái độ thù địch đối với dân nhập cư từ Nam và Đông âu dẫn đến các bộ luật về hạn chế nhập cư vào những năm 1920.
Tinh thần cải cách những năm 1960 đã dẫn đến việc nới lỏng sự hạn chế về nhập cư, nhưng đến những năm 1990, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều lợi dụng mối lo về kinh tế của những người lao động Mỹ. Công việc bị mất vì các tập đoàn sa thải người làm thuê nhằm tiết kiệm chi phí (“tinh giản biên chế”) hoặc chuyển các nhà máy ra nước ngoài để có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn. Dân nhập cư, đặc biệt là số lượng lớn từ Mexico, đã bị lên án giành công ăn việc làm của công dân Mỹ, hưởng trợ cấp của chính phủ, khiến thuế của các công dân Mỹ tăng cao.
Cả hai đảng chính trị chủ chốt cùng thông qua bộ luật, sau đó được Clinton ký, nhằm xóa bỏ phúc lợi xã hội (tem lương thực thực phẩm, khoản chi dành cho người già và người khuyết tật) không chỉ đối với dân nhập cư bất hợp pháp, mà cả những người hợp pháp. Đầu năm 1997, gần một triệu người nhập cư hợp pháp nghèo, già cả, hoặc khuyết tật được cảnh báo rằng phiếu lương thực thực phẩm và các khoản chi trả bằng tiền mặt sẽ bị cắt trong vòng vài tháng tới, trừ phi họ đã là công dân.
Đối với gần nửa triệu người nhập cư hợp pháp, vượt qua các kỳ kiểm tra để trở thành công dân hầu như khó thành hiện thực − họ không nói được tiếng Anh, người thì ốm yếu hoặc khuyết tật hoặc quá già để học. Một người nhập cư từ Bồ Đào Nha sống tại Massachusetts nói với phóng viên, thông qua phiên dịch: “Hằng ngày chúng tôi luôn lo sợ có thư thông báo tới. Chúng tôi biết làm gì nếu như không nhận được những tấm séc? Chúng tôi sẽ chết đói. Chúa ơi! Sẽ không còn gì đáng sống nữa.”
Những người nhập cư bất hợp pháp chạy trốn cảnh nghèo đói ở Mexico bắt đầu đối mặt với các biện pháp mạnh vào đầu những năm 1990. Hàng nghìn lính gác biên giới được bổ sung. Một bản tin của hãng thông tấn Reuters, từ Mexico City (ngày 3 tháng 4 năm 1997), nói về chính sách cứng rắn này: “Bất cứ cuộc tấn công nào nhằm chống lại việc nhập cư trái phép đều tự động làm những người Mexico tức giận, mỗi năm hàng triệu người đã di cư, hợp pháp và bất hợp pháp, dọc biên giới chung dài 2 nghìn dặm với nước Mỹ để tìm kiếm việc làm.”
Hàng trăm nghìn người ở Trung Mỹ trốn chạy các đội tử thần tại Guatemala và El Salvador, trong khi Mỹ cấp viện trợ quân sự cho chính phủ các quốc gia này, giờ đây lại phải đối mặt với việc trục xuất, bởi lẽ họ chưa bao giờ được coi là những người “tị nạn chính trị”. Phải thừa nhận rằng những trường hợp mang tính chính trị sẽ tạo điều kiện cho Mỹ tuyên bố lừa dối rằng, các chế độ đàn áp đó đã cải thiện hồ sơ về nhân quyền và do đó xứng đáng tiếp tục nhận viện trợ quân sự.
Đầu năm 1996, Quốc hội và Tổng thống cùng thông qua Đạo luật chống khủng bố và án tử hình (Anti-Terrorism and Effective Death Penalty Act), cho phép trục xuất bất cứ người nhập cư nào bị kết án có tội, bất chấp là trong thời gian bao lâu hoặc nghiêm trọng mức nào. Những cư dân thuộc diện định cư lâu dài đã kết hôn với người Mỹ và đã có con cũng không được miễn trừ. New York Times đưa tin vào tháng 7 năm đó đã có “hàng trăm cư dân diện định cư lâu dài bị bắt giữ kể từ khi đạo luật được thông qua”.
Chính sách mới của chính phủ đối với người nhập cư đã vượt quá những gì Clinton hứa về “một chính phủ mới cho thế kỷ mới”, là một bước lùi so với các Luật về người nước ngoài và xúi giục nổi loạn (Alien and Sedition Laws) khét tiếng trong thế kỷ XVIII và Đạo luật McCarran-Walter McCarthy-era McCarran-Walter Act) dưới thời McCarthy những năm 1950. Điều đó hầu như không giống những lời thơ được khắc trên tấm bảng đồng gắn ở tượng Nữ thần Tự do: “Hãy đem lại cho ta những kẻ nghèo khó mệt mỏi, những kẻ khốn cùng khát khao hơi thở tự do, những kẻ bất hạnh bị hắt hủi đầy rẫy các bến bờ. Hãy đem đến đây những con người không nhà, vật vã trong cuồng phong bão tố. Ta giơ cao ngọn đuốc này bên cánh cửa vàng rộng mở!”
Mùa hè năm 1996 (rõ ràng là để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri “ôn hòa” cho cuộc bầu cử sắp đến), Clinton đã ký một luật mới chấm dứt các bảo lãnh của chính phủ liên bang, được tạo ra trong khuôn khổ Chính sách kinh tế mới, về sự hỗ trợ tài chính đối với các gia đình nghèo, có trẻ em phụ thuộc. Động thái này được gọi là một “cuộc cải cách về phúc lợi” và bản thân luật này cũng có xu hướng lừa bịp như Đạo luật về Điều hòa cơ hội việc làm và trách nhiệm cá nhân (Personal Responsibility and Work Opportunity Reconciliation Act) năm 1996. Mục tiêu của nó là buộc các gia đình nhận tiền hỗ trợ của liên bang (nhiều người trong số đó là các bà mẹ không chồng nhưng có con) phải làm việc, thông qua việc cắt phúc lợi của họ sau hai năm, giới hạn thời gian nhận phúc lợi tối đa là 5 năm và cho phép những người không có con cái chỉ được nhận các phiếu nhận lương thực, thực phẩm tối đa ba tháng trong bất kỳ một giai đoạn nào trong ba năm.
Tờ Los Angeles Times đưa tin: “Do những người nhập cư hợp pháp mất quyền tiếp cận Medicaid (một công ty bảo hiểm tại Hoa Kỳ, bao gồm các loại dịch vụ y tế) và các gia đình phải vật lộn với giới hạn mới về trợ cấp tiền mặt tối đa năm năm… các chuyên gia y tế dự đoán sẽ có sự trỗi dậy của bệnh lao và các bệnh lây qua đường tình dục…” Mục tiêu của việc cắt giảm phúc lợi là giảm được 50 tỷ đô-la trong vòng năm năm (chưa bằng chi phí cho thế hệ máy bay chiến đấu mới được dự tính). Dù ủng hộ Clinton trong thời gian tranh cử, tờ New York Times cũng cho rằng các điều khoản trong luật mới “chẳng phải là tạo công ăn việc làm, mà mọi việc chỉ là cân đối ngân sách bằng cách cắt giảm các chương trình dành cho người nghèo”.
Có một vấn đề tuy đơn giản nhưng đã lấn át vấn đề cắt giảm trợ cấp người nghèo, buộc họ tìm việc làm. Đó là công ăn việc làm không có sẵn cho những người mất đi các khoản trợ cấp. Năm 1990 tại thành phố New York, trong khi chỉ có khoảng 2 nghìn việc làm tại Sở Vệ sinh với mức lương 23 nghìn đô-la, thì đã có tới 100 nghìn người nộp đơn. Hai năm sau tại Chicago, 7 nghìn người xếp hàng cho 550 công ăn việc làm tại Stouffer, một nhà hàng kinh doanh theo chuỗi. Tại Joliet, Illinois, 2 nghìn người xếp hàng tại công ty Commonwealth Edison từ lúc 4 giờ 30 phút sáng để nộp đơn xin những công việc không hề tồn tại. Đầu năm 1997, 4 nghìn người đã xếp hàng để nộp đơn xin 700 công việc tại Khách sạn Roosevelt, Manhattan. Người ta ước tính rằng với tốc độ tăng trưởng của công ăn việc làm hiện nay, và với 470.000 người trưởng thành đang sống phụ thuộc phúc lợi, phải mất 24 năm nữa mới giải quyết được tất cả các trường hợp ngoài vòng xoáy này.
Điều mà chính quyền Clinton kiên quyết từ chối thực hiện đó là xây dựng các chương trình tạo thêm công ăn việc làm, từng được thực hiện trong thời Chính sách kinh tế mới, khi hàng tỷ đô-la được chi để tạo việc làm cho hàng triệu người, từ công nhân xây dựng, kỹ sư cho đến nghệ sỹ và nhà văn.
“Kỷ nguyên của chính phủ lớn đã qua rồi”, Clinton tuyên bố như vậy khi ông ta tranh cử tổng thống, tìm kiếm các lá phiếu ủng hộ giả thuyết rằng những người Mỹ ủng hộ Đảng Cộng hòa chỉ trích chính phủ đã chi quá nhiều cho các chương trình xã hội. Nhưng cả hai đảng đều hiểu sai quan điểm của công chúng.
Báo chí thường a dua trong vấn đề này. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1994, chỉ có 37% cử tri tham gia bầu cử và khoảng hơn một nửa bầu cho Đảng Cộng hòa, báo chí đưa tin đây là một “cuộc cách mạng”. Một tiêu đề trên tờ New York Times − “Công chúng thể hiện tin tưởng vào Quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa” đã gợi ý người dân Mỹ ủng hộ chương trình nghị sự của Đảng Cộng hoà với vai trò của chính phủ gọn nhẹ hơn. Nhưng trong câu chuyện dưới tiêu đề đó, một cuộc khảo sát về quan điểm của dân chúng do New York Times và CBS News tiến hành cho thấy có tới 65% cử tri cho rằng “nhiệm vụ của chính phủ là quan tâm đến những người không thể tự chăm sóc mình”.
Clinton và những người theo Đảng Cộng hòa đã bắt tay nhau chống lại “chính phủ lớn”, vốn chỉ tập trung vào các dịch vụ xã hội. Các biểu hiện khác của chính phủ lớn
− hợp đồng khổng lồ với các nhà sản xuất vũ khí và sự ưu đãi hào phóng đối với các tập đoàn − tiếp diễn ở mức độ cao.
Trên thực tế, “chính phủ lớn” bắt đầu từ thời Những người cha lập quốc, những người đã cố gắng thiết lập một chính phủ trung ương mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích cho những người nắm giữ trái phiếu quốc gia, giới chủ nô, các tay đầu cơ đất đai và nhà sản xuất. Trong suốt hai trăm năm tiếp theo, chính phủ Mỹ tiếp tục phục vụ lợi ích của tầng lớp giàu có và thế lực, thông qua việc cấp không hàng triệu mẫu đất cho các công ty đường sắt, đặt ra mức thuế cao để bảo vệ các nhà sản xuất, miễn giảm thuế cho các tập đoàn dầu lửa, sử dụng lực lượng quân sự để đàn áp các cuộc biểu tình và nổi loạn.
Chỉ có trong thế kỷ XX, đặc biệt vào những năm 1930-1940, khi bị bao vây bởi hàng loạt sự phản đối và lo sợ cho sự ổn định của hệ thống, chính phủ đã phải thông qua các bộ luật dành cho người nghèo, khiến các chính trị gia và những người đứng đầu các doanh nghiệp than phiền về “chính phủ lớn”.
Tổng thống Clinton cũng đã tái bổ nhiệm Alan Greenspan đứng đầu Hệ thống Dự trữ Liên bang (FRS), cơ quan điều tiết lãi suất. Mối quan tâm chủ yếu của Greenspan là làm thế nào tránh “lạm phát”, vấn đề mà những người nắm giữ trái phiếu quốc gia không hề muốn, vì điều đó có thể làm giảm lợi nhuận của họ. Quan điểm về tài chính của ông ta là lương cao cho công nhân sẽ tạo ra lạm phát và ông ta lo sợ nếu nạn thất nghiệp không đủ, lương sẽ tăng.
Giảm thâm hụt ngân sách hàng năm nhằm đạt được một sự “cân đối về ngân sách” trở thành nỗi ám ảnh đối với chính quyền Clinton. Nhưng do Clinton không muốn nâng mức thuế đối với người giàu, hoặc cắt giảm chi phí, giải pháp thay thế duy nhất đó là hy sinh người nghèo, trẻ em và người già − chi phí ít hơn cho chăm sóc sức khỏe, phiếu lương thực thực phẩm, giáo dục và hỗ trợ các bà mẹ tự mình nuôi con.
Và đây là hai thí dụ về vấn đề này, diễn ra vào những ngày đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Clinton, mùa xuân năm 1997:
• Tờ New York Times số ra ngày 8 tháng 5 năm 1997: “Một thành tố chính trong kế hoạch về giáo dục của Tổng thống Clinton − một đề xuất trị giá 5 tỷ đô-la để sửa chữa các trường học đã xập xệ trên cả nước − là một trong những vấn đề bị lẳng lặng phủ quyết trong thỏa thuận tuần trước nhằm cân đối ngân sách liên bang.”
• Tờ Boston Globe số ra ngày 22 tháng 5 năm 1997: “Sau sự can thiệp của Nhà Trắng, hôm qua Hạ viện đã… bác bỏ một đề xuất… mở rộng bảo hiểm y tế đến khoảng 10,5 triệu trẻ em trên toàn quốc chưa có bảo hiểm… Bảy nhà làm luật đã đột ngột thay đổi phiếu của họ… sau khi các quan chức cao cấp của Nhà Trắng… gọi đến và nói rằng vệc sửa đổi có thể đẩy thỏa thuận mong manh về ngân sách rơi vào tình trạng hiểm nghèo.”
Trong khi đó, mỗi năm chính phủ vẫn tiếp tục chi ít nhất 250 tỷ đô-la để duy trì bộ máy quân sự. Giả thuyết được đưa ra là quốc gia phải luôn sẵn sàng để có thể tham gia “hai cuộc chiến khu vực” liên tục. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1989, Bộ trưởng Quốc phòng của Bush là Dick Cheney nói: “Mối đe dọa đã trở nên xa hơn, xa đến mức mà khó có thể nhận thức được.”
Sau khi có sự đồng ý của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, chính phủ đã quyết định tiếp tục triển khai các máy bay chiến đấu F-22 tiêu tốn tới 70 tỷ đô-la. Hãng tin AP cho hay, theo ước tính của Văn phòng Tổng Kế toán, toàn bộ chi phí cho “Chương trình máy bay chiến đấu tấn công phối hợp” có thể tiêu tốn một nghìn tỷ đô-la.
Việc sử dụng vũ lực vẫn đóng vai trò trung tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Clinton nhậm chức mới chỉ sáu tháng đã lệnh cho không quân ném bom Baghdad, có lẽ là để trả đũa một âm mưu ám sát chống lại George Bush nhân chuyến thăm của vị cựu Tổng thống này tới Côoét. Chứng cứ cho âm mưu đó rất ít và xuất phát từ lực lượng cảnh sát nổi tiếng tham nhũng của Côoét. Tuy nhiên, máy bay Mỹ tuyên bố đã xác định mục tiêu là “các trung tâm tình báo” tại thủ đô Iraq và ném bom vùng lân cận, giết chết ít nhất sáu người, gồm cả một nữ nghệ sỹ xuất chúng và người chồng.
Nhà bình luận Molly Ivins đưa ra gợi ý rằng, mục đích của việc ném bom Baghdad – “để gửi một thông điệp mạnh mẽ” − là thích hợp với định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố. “Một điều điên khùng về những tên khủng bố đó là chúng không thể phân biệt các hành động trả thù, hoặc tạo ra sự chú ý, hoặc cái gì đó nữa… Những gì là sự thật đối với các cá nhân… thì cũng là sự thật đối với các dân tộc.”
Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp các vũ khí gây chết người đối với một số chế độ xấu xa nhất trên thế giới. Indonesia từng lập kỷ lục về giết người, giết tới 200 nghìn trong tổng số dân 700 nghìn người của Đông Timor khi xâm lược và chiếm đóng nước này. Dẫu vậy, chính quyền Clinton vẫn phê chuẩn việc bán các máy bay chiến đấu F-16 và các vũ khí tấn công khác cho Indonesia. Tờ Boston Globe đưa tin ngày 11 tháng 7 năm 1994:
Những tranh luận của các thượng nghị sỹ về chế độ Suharto (Indonesia) − bảo vệ các nhà thầu, các công ty dầu lửa và các mối quan tâm về khai thác mỏ trong việc làm ăn với Jakarta − đã biến Mỹ thành một dân tộc sẵn sàng bỏ qua nạn diệt chủng chỉ vì lợi ích thương mại.
Năm 1996, giải thưởng Nobel Hòa bình được trao tặng cho Jose Ramos-Horta, đến từ Đông Timor. Khi phát biểu tại một nhà thờ ở Brooklyn, trước ngày nhận được giải thưởng, Ramos-Horta nói:
Mùa hè năm 1977, tôi đang ở New York và nhận được tin nhắn rằng một trong những người em gái của tôi, Maria, mới 21 tuổi, đã bị giết trong một vụ ném bom. Chiếc máy bay tên là Bronco do Mỹ cung cấp… Trong vòng vài tháng, một báo cáo khác về người em trai tên là Guy, 17 tuổi, bị giết cùng rất nhiều người khác tại một ngôi làng, bởi chính những chiếc trực thăng Bell do Mỹ cung cấp. Trong cùng năm đó, một người em trai khác tên là Numi đã bị bắt và hành hình bằng một khẩu M-16 (do Mỹ sản xuất)…
Tương tự, các máy bay trực thăng Sikorski do Mỹ sản xuất cũng được Thổ Nhĩ Kỳ dùng để hủy diệt làng mạc của người Kurd nổidậy, trong một nỗ lực như nhà văn John Tirman đã viết trong cuốn Spoils of War: The Human Cost of the Arms Trade (Lợi lộc của chiến tranh: Chi phí về nhân mạng của việc buôn vũ khí), đó là “một chiến dịch khủng bố chống lại người Kurd”. Đầu năm 1997, Mỹ đã bán ra nước ngoài số lượng vũ khí lớn hơn tất cả các quốc gia cộng lại. Lawrence Korb, một quan chức Bộ Quốc phòng dưới thời Reagan, nhưng sau đó là một người chỉ trích về vấn đề buôn bán vũ khí, viết: “Việc này đã trở thành một trò chơi tiền bạc: một vòng xoắn ngớ ngẩn trong đó chúng ta xuất khẩu vũ khí chỉ để cho các vấn đề phức tạp ngày càng lan rộng trên thế giới.”
Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhân quyền rõ ràng đứng vị trí thứ yếu sau lợi nhuận kinh doanh. Khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch − HRW) xuất bản báo cáo thường niên năm 1996, tờ New York Times (ngày 5 tháng 12 năm 1996) đã tóm tắt như sau:
Tổ chức này (HRW) đã mạnh mẽ chỉ trích nhiều cường quốc, đặc biệt Mỹ, cáo buộc họ đã thúc ép các chính phủ của Trung Quốc, Indonesia, Mexico, Nigeria và Arập Xêút phải cải thiện tình trạng nhân quyền vì lo sợ sẽ bị mất các thị trường đầy lợi lộc.
Một mối quan tâm tương tự đối với vấn đề lợi ích, hơn là vấn đề nhân quyền, được thể hiện rõ trong chính sách đối với nước Nga − quốc gia mới tách ra từ Liên Xô sụp đổ. Nhằm lái nước Nga theo con đường tư bản chủ nghĩa và trong quá trình mở cửa nước này như là một thị trường cho hàng hóa Mỹ, chính phủ Mỹ đã lờ đi các chính sách lấn lướt của Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Chính quyền Clinton đã ủng hộ Yeltsin một cách nhiệt tình, thậm chí cả sau khi Nga đã khởi đầu một cuộc xâm lược tàn bạo và ném bom vùng Chechnya xa xôi, nơi vừa tuyên bố độc lập.
Cách sử dụng viện trợ kinh tế như truyền thống để giành được ảnh hưởng về mặt chính trị đã được nhấn mạnh; tháng 11 năm 1993, hãng AP đưa tin về việc chấm dứt viện trợ kinh tế đối với 35 nước, hầu hết trong số đó đều rất nghèo. J. Brian Atwood, người điều hành Cơ quan Phát triển Quốc tế (AID), giải thích: “Chúng ta không còn cần đến một chương trình của AID để mua ảnh hưởng nữa.”
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vốn bị Mỹ chi phối, đã thông qua một cách tiếp cận không khoan nhượng của các ngân hàng đối với các nước thuộc Thế giới thứ ba đang ngập đầu trong nợ nần. Các tổ chức tài chính này đã đề nghị rằng các quốc gia nghèo phải phân bổ một phần đáng kể từ các nguồn không mấy phong phú của họ để trả nợ cho các nước giàu, với cái giá là phải cắt giảm các dịch vụ xã hội đối với những cư dân tuyệt vọng của họ.
Chính sách về ngoại thương được xem là dựa trên các thỏa thuận “thương mại tự do”, hầu hết chỉ được ký với Canada và Mexico. Cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa, vốn được ủng hộ bởi lợi ích các tập đoàn, đã cùng thông qua Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), được Clinton ký duyệt. Các công đoàn lao động chống lại hiệp định này, bởi lẽ nó có nghĩa là các doanh nghiệp có thể dễ dàng ra nước ngoài tìm kiếm nguồn nhân công giá rẻ hơn, sẵn sàng làm việc dưới các điều kiện tồi tàn. Tuyên bố về “thương mại tự do” khó có thể tin được vì chính sách của Mỹ là can thiệp vào thương mại khi nó có thể phục vụ các lợi ích chính trị hoặc kinh tế (dù rằng cụm từ vẫn dùng ở đây là “lợi ích quốc gia”). Như vậy, Mỹ đã mất rất nhiều công sức để ngăn chặn những người trồng cà chua tại Mexico vào thị trường Mỹ và gây sức ép với Thái Lan nhằm mở cửa thị trường cho các công ty thuốc lá của Mỹ, dù ngay cả khi tại Mỹ công chúng phản đối, dẫn đến việc hạn chế bán thuốc lá.
Trong một vi phạm trắng trợn hơn đối với nguyên tắc của thương mại tự do, Mỹ đã không cho phép vận chuyển lương thực hay thuốc men tới Iraq hoặc Cuba, hậu quả là hàng chục nghìn trẻ em bị chết. Năm 1996, trên chương trình truyền hình 60 Minutes (60 phút), Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là Madeleine Albright được hỏi về một báo cáo là “khoảng nửa triệu trẻ em đã chết do hậu quả của lệnh cấm vận chống Iraq… nhiều hơn số trẻ em chết tại Hiroshima… Liệu cái giá có đáng thế không?” Albright trả lời: “Tôi nghĩ đây là một sự lựa chọn rất khó khăn, nhưng cái giá ư, chúng tôi nghĩ rằng cái giá đáng phải như thế.”
Nước Mỹ, chiếm 5% dân số trên trái đất, tiêu thụ tới 30% tổng sản phẩm được sản xuất trên toàn thế giới. Nhưng chỉ có một phần nhỏ người dân Mỹ được hưởng thụ; của cải của nhóm 1% dân số giàu nhất đã tăng lên khủng khiếp vào cuối những năm 1970. Do kết quả của việc thay đổi trong cấu trúc thuế, đến năm 1995, nhóm 1% dân số giàu nhất đã kiếm được hơn một nghìn tỷ đô-la và giờ đây sở hữu hơn 40% của cải toàn nước Mỹ.
Theo tạp chí Forbes, năm 1982, 400 gia đình giàu nhất sở hữu tới 92 tỷ đô-la. Mười ba năm sau, con số này nhảy lên 480 tỷ đô-la. Chỉ số trung bình Dow Jones của giá cổ phiếu tăng 400% trong giai đoạn 1980-1995, trong khi đó lương của công nhân giảm 15% tính theo sức mua.
Do đó, có thể nói rằng nền kinh tế Mỹ rất “khỏe mạnh” − nhưng đó là khi chỉ xem xét về nhóm dân số giàu nhất. Trong khi đó, 40 triệu người không có bảo hiểm y tế, trẻ em tử vong vì bệnh tật và suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao hơn bất kỳ nước công nghiệp nào. Đối với những người da màu, các con số thống kê còn tồi tệ hơn: tỷ lệ trẻ em tử vong cao gấp đôi so với trẻ em da trắng; và tuổi đời của một người da đen tại khu Harlem, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc là 46, thấp hơn so với tuổi thọ ở Campuchia hay Sudan.
Nước Mỹ (có thể quên, hoặc tìm cách quên đi những hậu quả thảm hại đó của chính sách trong thế kỷ XX) đã gửi gắm người dân cho sự may mắn của “thị trường tự do”. “Thị trường” không buồn quan tâm đến vấn đề môi trường hoặc nghệ thuật. Và nó đã khiến nhiều người Mỹ không có công ăn việc làm, hoặc chăm sóc y tế, không có được một nền giáo dục tử tế cho con cái họ, hoặc nhà cửa phù hợp. Dưới thời Reagan, chính phủ đã giảm số đơn vị nhà ở được hưởng trợ cấp từ 400 nghìn xuống còn 40 nghìn; đến thời Clinton thì chương trình đó chấm dứt hẳn.
Ngày nhậm chức của Clinton vào năm 1997 đã đưa ra hứa hẹn về một “chính phủ mới”, nhưng không hề có lấy một chương trình nào quan tâm đến các nhu cầu này. Những chương trình loại này sẽ đòi hỏi chi phí tiền bạc khổng lồ. Có hai cách để có thể huy động số tiền này, nhưng chính quyền Clinton (cũng giống như những người tiền nhiệm của ông ta) không có khuynh hướng quay sang các biện pháp đó, dưới tác động mạnh mẽ từ của cải các tập đoàn.
Một trong những nguồn đó là của cải của tầng lớp cực giàu. Việc đánh thuế thu nhập cao như mức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tương đương 70-90%, thay vì 37%, có thể tạo ra thêm vài trăm tỷ đô-la mỗi năm. Thêm vào đó, một loại “thuế của cải” − vốn vẫn chưa được đề cập trong chính sách quốc gia − cũng có thể lấy lại được hàng nghìn tỷ đô-la mà những người cực giàu đã có được từ việc không phải nộp thuế.
Một nguồn khác nữa đó là ngân sách quân sự. Trong đợt vận động tranh cử tổng thống năm 1992, Randall Forsberg, một chuyên gia về chi phí quân sự, đã gợi ý rằng “Một ngân sách quân sự trị giá 60 tỷ đô-la, giành được qua một số năm, có thể ủng hộ việc phi quân sự hóa chính sách đối ngoại của Mỹ, thích hợp với nhu cầu và cơ hội của một thế giới sau thời Chiến tranh Lạnh.”
Thay vào đó, Mỹ vẫn tiếp tục đổ thêm tiền của vào quân sự nhiều hơn tất cả các nước còn lại trên thế giới cộng lại − nhiều hơn Nga bốn lần, hơn Trung Quốc tám lần, hơn Bắc Triều Tiên 40 lần, hơn Iraq 80 lần. Đó là một sự lãng phí kỳ quái của cải của quốc gia.
Một sự cắt giảm mạnh về quân sự sẽ đòi hỏi việc từ bỏ chiến tranh, từ chối sử dụng các giải pháp quân sự cho các xung đột quốc tế. Điều đó sẽ nói lên được nguyện vọng nền tảng của con người (vốn vẫn bị thổi phồng bởi những hàng rào yểm trợ của các khẩu hiệu thái quá về tinh thần yêu nước) để chung sống hòa bình với các dân tộc khác.
Nguyện vọng của công chúng đối với sự thay đổi quyết liệt về mặt chính sách đó dựa trên những tranh luận về mặt đạo đức tuy rất đơn giản nhưng hết sức mạnh mẽ: Với bản chất của chiến tranh hiện đại, tỷ suất các nạn nhân dân thường là 10:1. Nói cách khác, chiến tranh trong thời đại chúng ta thường là cuộc chiến tranh chống lại trẻ em. Và nếu như trẻ em của các quốc gia khác cũng có quyền được sống ngang bằng với trẻ em nước Mỹ, thì nước Mỹ cần phải sử dụng tài khéo léo đặc biệt của nhân loại để tìm ra các giải pháp phi quân sự cho những vấn đề của thế giới.
Với khoảng 400-500 tỷ đô-la có được từ hệ thống thuế cải thiện và việc phi quân sự hóa, có lẽ sẽ đủ tiền để chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của mọi người, đảm bảo công ăn việc làm cho bất cứ ai sẵn lòng và có thể làm việc. Thay vì ký kết các hợp đồng sản xuất máy bay ném bom phản lực và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, các hợp đồng có thể được ký với các tập đoàn phi lợi nhuận nhằm thuê người xây dựng nhà cửa, các hệ thống vận tải công cộng, dọn sạch sông hồ, biến các thành phố thành những nơi tử tế để sinh sống. Giải pháp thay thế chương trình táo bạo đó là vẫn tiếp tục như trước, để mặc cho các thành phố ngày càng thối nát, ép buộc người dân ở nông thôn đối mặt với nợ nần và tịch thu tài sản thế nợ, dành cho lớp trẻ những công việc vô dụng, ngày càng tạo ra các cộng đồng dân cư bị đẩy ra xa hơn. Nhiều người từ nhóm dân cư này sẽ bị đẩy vào ma túy và tội phạm, một số khác thì bị đẩy vào các nhóm tôn giáo cuồng tín, kết thúc bằng bạo lực chống lại các nhóm khác hoặc chống lại chính bản thân họ (năm 1996, một nhóm tương tự đã tự sát tập thể), một số khác quay sang căm ghét chính phủ một cách điên cuồng (như trường hợp đánh bom tòa nhà liên bang tại thành phố Oklahoma năm 1995, làm ít nhất 168 người thiệt mạng). Sự ứng phó của nhà cầm quyền đối với các biểu hiện tuyệt vọng, giận dữ, sự ghét bỏ đó theo như cách truyền thống là rất dễ phỏng đoán: xây dựng thêm nhà tù, bắt giam người dân, xử thêm các tù nhân; tiếp tục với các chính sách tương tự vốn đã tạo ra tuyệt vọng.
Nhưng một kịch bản khả dĩ khác vẫn có thể, mà ai cũng có lúc đã mường tượng đến, khi bắt đầu một thiên niên kỷ mới, khi mà các công dân có thể tổ chức để yêu cầu những gì mà Tuyên ngôn Độc lập đã hứa hẹn: một chính phủ bảo vệ quyền bình đẳng của mọi người đối với cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Điều đó có nghĩa những sắp xếp về mặt kinh tế có thể phân phối của cải quốc gia một cách hợp lý và nhân đạo. Điều đó cũng có nghĩa một nền văn hóa trong đó giới trẻ sẽ không còn bị dạy dỗ phải cố gắng “để thành đạt” như một chiếc mặt nạ hám danh.
Đến giữa thế kỷ XIX, các thành tố của một kịch bản tương tự từng xuất hiện. Các cuộc điều tra ý kiến người dân cho thấy họ ủng hộ việc cắt giảm ngân sách quân sự, đánh thuế người giàu, dọn sạch môi trường, duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe chung, chấm dứt nghèo đói. Và ngay từ thế kỷ XIX đã có hàng nghìn nhóm tại các thành phố
và thị trấn trên khắp nước Mỹ hoạt động vì mục tiêu đó. Tuy nhiên, họ chưa đoàn kết đủ mạnh để tạo thành một phong trào toàn quốc.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu về một khả năng. Năm 1995, một triệu người da đen đã tập trung tại thủ đô nước Mỹ để bày tỏ sự đoàn kết của họ đối với tâm trạng thất vọng chung. Năm tiếp đó, một triệu người lớn và trẻ em đủ mọi màu da đã đến Washington để “đấu tranh vì trẻ em”. Nước Mỹ giờ đây trở nên hết sức đa dạng – có thêm nhiều người gốc Latinh, thêm nhiều người gốc á, thêm nhiều cuộc hôn nhân giữa các chủng tộc khác nhau. Có ít nhất một cơ hội cho một “liên kết nhiều màu sắc” thực thụ, liên kết có thể thực hiện được lời hứa của nhà lãnh đạo da đen Jesse Jackson. Vào cuối những năm 1980, khi phát biểu vì người nghèo và tất cả những người bị mất quyền thuộc mọi màu da, Jackson đã tạo ra một làn sóng chính trị ngắn gọn nhưng đầy phấn khích.
Nền văn hóa Mỹ đã bị các phong trào của những năm 1960 gây ảnh hưởng theo một cách không thể nào xóa mờ. Đã có những sự thể hiện về nhận thức mới tại các rạp chiếu phim, trên truyền hình, trong thế giới âm nhạc − đó là nhận thức về việc phụ nữ xứng đáng được đối xử bình đẳng, rằng sự hấp dẫn giới tính giữa đàn ông và phụ nữ đó là vấn đề của riêng họ, rằng hố ngăn cách ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo mang đến một sự giả dối cho cụm từ “dân chủ”.
Phong trào lao động đã thể hiện những dấu hiệu của một nguồn năng lượng mới, với việc chuyển sang tổ chức người lao động trí óc (nhân viên cổ cồn trắng), công nhân trang trại, công nhân nhập cư và đánh thức chủ nghĩa lý tưởng đối với thế hệ trẻ tuổi bằng cách mời họ gia nhập quá trình tổ chức đó. Những người làm thuê bắt đầu “thổi còi” vào tội ác của các tập đoàn.
Các lãnh đạo tôn giáo, vốn giữ yên lặng kể từ giai đoạn họ tham gia các phong trào vì dân quyền và chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam, đã bắt đầu lên tiếng về sự bất công trong kinh tế. Mùa hè năm 1996, New York Times đưa tin:
Chưa bao giờ trong thập kỷ qua, các lãnh đạo tôn giáo lại có cuộc đấu tranh chung đối
với các công đoàn, sử dụng uy quyền về tinh thần của họ để lên án các xí nghiệp bóc lột công nhân thậm tệ, ủng hộ một mức lương tối thiểu cao hơn… Giới tăng lữ chưa bao giờ đứng vào hàng ngũ với người lao động trên một quy mô lớn đến như thế kể từ thời hoàng kim của Cesar Chavez, một lãnh đạo rất có uy tín của giới công nhân trang trại vào những năm 1970 và thời kỳ Đại khủng hoảng…
ít nhất bắt đầu cũng đã có sự nổi loạn chống lại sự thống trị của tập đoàn đối với phương tiện thông tin đại chúng (sự hợp nhất về mặt tài chính đã tạo ra siêu độc quyền trong ngành truyền hình, báo chí và xuất bản). Năm 1944, một trạm truyền hình tại San Francisco ban đầu từ chối phát sóng Deadly Deception (Sự dối trá chết người), một bộ phim tài liệu được trao giải Hàn lâm phơi bày sự liên quan của tập đoàn General Electric Corporation đối với ngành công nghiệp vũ khí hạt nhân. Các nhà hoạt động đã dùng máy chiếu chiếu bộ phim này lên tường của một tòa nhà thuộc trạm truyền hình và mời dân chúng đến xem. Trạm truyền hình chịu thua và phải đồng ý phát bộ phim đó.
Sự vỡ mộng với cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong giữa những năm 1990 đã dẫn đến một loạt nỗ lực nhằm tạo ra các phong trào chính trị độc lập. Tại Texas đã diễn ra một hội nghị thành lập Liên minh vì Dân chủ, với hy vọng liên minh này sẽ tạo ra một phong trào dân túy mới trong nước Mỹ nhằm chống lại các tập đoàn. Tại Midwest, một đảng mới đã xuất hiện, giúp các cử tri có ứng cử viên mới thay thế ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Các công đoàn viên thuộc đủ mọi tầng lớp trên toàn nước Mỹ đã nhóm họp vào năm 1996 để thành lập Đảng Lao động.
Liệu những yếu tố này sẽ cùng xuất hiện trong thế kỷ tới, thiên niên kỷ mới, để thực hiện lời hứa của họ hay không? Không ai có thể đoán được. Điều mà mọi người có thể làm đó là hành động theo khả năng, khi đã biết chắc rằng việc không hành động chỉ có thể biến mọi dự đoán thành một đám mây mù.
Giá như dân chủ được dành cho một ý nghĩa, giá như nó có thể vượt qua những giới hạn của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa dân tộc, điều đó đã không có được. Nó sẽ đi qua các phong trào của công dân, khuấy động, biểu tình, tẩy chay, tuần hành, đe dọa
những người đang ngồi trên ghế quyền lực thông qua việc đạp đổ sự ổn định mà những kẻ đó mong muốn.
Năm 1992, Đảng Cộng hòa tổ chức một bữa tiệc để gây quỹ, các cá nhân và tập đoàn đã trả tới 400 nghìn đô-la để tham dự (giá cho các bữa tiệc của Đảng Dân chủ thấp hơn đôi chút). Khi được một phóng viên hỏi, một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã trả lời: “Đúng! Đó là mua cách tiếp cận đến hệ thống.” Khi được hỏi về những người không có nhiều tiền lắm, ông ta trả lời: “Họ đành phải tiếp cận theo những cách khác thôi.”
Đó có thể là một đầu mối cho thấy người Mỹ muốn sự thay đổi thật sự. Họ phải tiếp cận theo cách của riêng họ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.