Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
4. CHUYÊN CHẾ VẪN LÀ CHUYÊN CHẾ
Vào khoảng năm 1776, một số nhân vật quan trọng tại các thuộc địa của Anh đã đưa ra một phát hiện có lẽ vẫn hết sức hữu ích trong suốt hai trăm năm tiếp theo. Họ phát hiện ra rằng, thông qua việc tạo ra một dân tộc, một biểu tượng, một thực thể hợp nhất về mặt pháp lý có tên là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, họ có thể tha hồ chiếm đất, lợi nhuận và quyền lực về mặt chính trị, những thứ vốn được ưa chuộng của Đế chế Anh. Trong quá trình đó, họ có thể hạn chế hàng loạt cuộc nổi dậy và tạo ra một sự đồng thuận, ủng hộ của đại đa số đối với việc cai trị của tầng lớp lãnh đạo mới có nhiều đặc quyền, đặc lợi.
Nếu nhìn lại cuộc Cách mạng Mỹ dưới góc độ này, đó quả là một công việc phi thường và những người sáng lập nước Mỹ xứng đáng với sự tôn kính đã được dành cho họ qua biết bao thế kỷ. Họ đã tạo ra và để lại một hệ thống kiểm soát đất nước hiệu quả nhất trong lịch sử hiện đại, cũng như chỉ ra cho các thế hệ lãnh đạo tương lai về cách kết hợp giữa chế độ gia trưởng và mệnh lệnh.
Bắt đầu bằng Cuộc nổi dậy Bacon tại Virginia, đến năm 1760 đã có 18 cuộc nổi dậy nhằm lật đổ các chính phủ thuộc địa. Ngoài ra, còn có 6 cuộc nổi loạn của người da đen, từ Nam Carolina đến New York; và tới 40 cuộc bạo động của những thành phần khác.
Cùng thời điểm đó, theo Jack Greene, đã có sự hình thành “tầng lớp lãnh đạo trong đời sống xã hội và chính trị địa phương, làm việc hiệu quả, nhất quán và kiên định”. Và đến những năm 1760, tầng lớp lãnh đạo địa phương đã nhìn thấy khả năng hướng sức mạnh nổi loạn này vào việc chống lại nước Anh và quan chức Anh tại địa phương. Đó không chỉ thuần túy là một âm mưu có tính toán, mà là một sự tổng hợp những ứng phó khôn ngoan.
Sau năm 1763, chiến thắng của người Anh trước người Pháp trong Cuộc chiến Bảy năm (ở Mỹ, đây được gọi là cuộc chiến với Pháp và thổ dân Anh-điêng) đã đẩy người Pháp ra khỏi Bắc Mỹ, những nhà lãnh đạo thuộc địa đầy tham vọng không còn sợ bị Pháp đe dọa. Giờ đây họ chỉ còn lại hai kẻ đối địch: người Anh và người Anh-điêng. Người Anh, tranh thủ sự ủng hộ của người Anh-điêng, đã tuyên bố rằng các vùng đất của người Anh-điêng ở bên kia dãy Appalachians không thuộc chủ quyền của người da trắng (Tuyên bố năm 1763). Có lẽ một khi người Anh rút lui vấn đề người Anh-điêng mới có thể được giải quyết. Một lần nữa, đây không phải là một chiến lược sâu xa của những tầng lớp tinh hoa tại thuộc địa, mà là sự phát triển nhận thức khi xảy ra các sự kiện.
Quân Pháp bị đánh bại, chính phủ Anh có thể chú ý nhiều hơn đến việc thắt chặt kiểm soát các thuộc địa. Chính phủ này cũng cần các khoản lợi tức để bù đắp chi phí chiến tranh và hướng về các thuộc địa với hy vọng đó. Thêm vào đó, việc buôn bán tại thuộc địa ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế Anh và mang lại nhiều lợi nhuận hơn: năm 1700 mới chỉ đạt 500 nghìn bảng, nhưng đến năm 1770 đã lên tới 2,8 triệu bảng.
Do đó, tầng lớp lãnh đạo Mỹ không cần nhiều đến sự cai trị của nước Anh, trong khi Anh lại cần nhiều của cải từ những người khai phá thuộc địa. Yếu tố đó đã dẫn đến sự xung đột.
Cuộc chiến đã đem lại vinh quang cho tướng tá, cái chết cho binh lính, của cải cho thương gia, nạn thất nghiệp cho người nghèo. Khi cuộc chiến với người Pháp và thổ dân Anh-điêng kết thúc, dân số New York còn khoảng 25 nghìn người (năm 1720 chỉ có 7 nghìn người). Biên tập viên của một tờ báo đã viết về tình trạng số “người ăn mày và người nghèo lang thang” ngày càng gia tăng trên các đường phố. Rất nhiều thư từ đã được gửi đến các tờ báo, đặt câu hỏi về việc phân phối của cải: Cứ bao lâu thì phố phường của chúng ta lại tràn ngập hàng nghìn thùng bột mỳ, trong khi những người láng giềng gần của chúng ta quá chật vật mới có thể mua được vài chiếc bánh bao nhằm cắt cơn đói?”
Nghiên cứu của Gary Nash về danh mục các loại thuế cho thấy rằng đến đầu những năm 1770, nhóm 5% đứng đầu những người đóng thuế tại Boston kiểm soát tới 49% tài sản chịu thuế của toàn thành phố. Tại Philadelphia và New York cũng vậy, của cải ngày càng bị tập trung. Các bản di chúc lưu tại tòa án cho thấy đến năm 1750, những người giàu nhất thành phố đã để lại một khoản thừa kế lên tới 20 nghìn bảng (tương đương khoảng 5 triệu đô-la ngày nay).
Tại Boston, các tầng lớp dưới bắt đầu bày tỏ những nỗi khổ cực của họ tại các cuộc họp của thành phố. Thống đốc của Massachusetts từng viết về điều đó trong các cuộc họp của thành phố: “… có mặt thường xuyên, những cư dân bần tiện nhìn chung chiếm đa số và thắng phiếu các quý ông, thương gia, nhà buôn và những thành phần tinh túy khác trong cộng đồng dân cư”.
Cũng tại Boston, các luật sư, biên tập viên và thương gia thuộc tầng lớp trên (không bao gồm nhóm thành phần cai trị thân cận với nước Anh) – những người như James Otis và Samuel Adams – đã tổ chức một “cuộc họp kín của Boston” và, thông qua những bài hùng biện cũng như bài viết của họ, đã “định hình quan điểm về tầng lớp lao động, kêu gọi ‘quần chúng’ tham gia hành động và hình thành phương thức hành động”. Gary Nash mô tả Otis là một người “quan tâm sâu sắc việc của cải bị sụt giảm và sự oán giận của các thường dân trong thành phố, đã phản chiếu và định hình quan điểm của quần chúng”.
Từ đây có thể đưa ra một dự báo về lịch sử lâu dài của chính trị nước Mỹ, về việc các chính trị gia tầng lớp cao huy động sức mạnh từ các tầng lớp thấp hơn nhằm đạt các mục đích của họ. Đây không chỉ thuần túy là sự lừa gạt, nó từng bước dẫn đến việc thừa nhận nỗi khổ thật sự của các tầng lớp thấp hơn, một chiến thuật hữu hiệu trong nhiều thế kỷ. Như Nash đã chỉ ra:
James Otis, Samuel Adams, Royall Tyler, Oxenbridge Thacher và số đông người Boston khác, liên kết với tầng lớp thợ thủ công và người lao động thông qua mạng lưới các quán trọ, công ty cứu hỏa và cuộc họp kín, đã tán thành một tầm nhìn chính trị, trong đó củng cố niềm tin đối với các quan điểm về giai cấp lao động, đồng thời coi việc thợ thủ công, thậm chí người lao động bình thường tham gia các hoạt động chính trị là hoàn toàn hợp pháp.
Năm 1762, khi phát biểu chống lại giới cầm quyền bảo thủ tại thuộc địa Massachusetts mà đại diện là Thomas Hutchinson, Otis đã đưa ra một dẫn chứng đầy tính hùng biện, mà một luật sư như ông có thể sử dụng, để huy động các thợ thủ công và thợ cơ khí ở thành phố:
Như hầu hết các bạn, tôi buộc phải kiếm sống bằng sức lao động của chính đôi bàn tay mình, bằng mồ hôi và phải trải qua các bảng chấm công ngặt nghèo, cũng chỉ vì những mẩu bánh mỳ đắng ngắt, kiếm được dưới cái nhìn khó chịu của những kẻ không hề có quyền lực tự nhiên hay thần thánh gì, những kẻ có được sự đạo mạo và danh giá hoàn toàn nhờ vào quát mắng những gương mặt cực nhọc của dân nghèo.
Boston dường như tràn ngập cơn giận dữ mang tính giai cấp trong những ngày đó. Năm 1763, tờ Boston Gazette viết rằng “một số người cầm quyền” đang thúc đẩy các dự án chính trị “nhằm duy trì người dân ở mức nghèo khổ cốt để họ luôn ở địa vị thấp kém”.
Cảm giác bất bình dồn nén đối với những người giàu tại Boston có thể là nguyên nhân nổ ra phản ứng của quần chúng sau khi Đạo luật Tem thuế (Stamp Act) năm 1765 được ban hành; thông qua luật này, Anh quốc áp dụng đánh thuế công dân tại các thuộc địa nhằm trang trải chi phí cho cuộc chiến với Pháp − cuộc chiến đã khiến những người đi khai phá thuộc địa phải trả giá nhiều cho việc mở rộng của Đế chế Anh. Mùa hè năm đó, một người thợ đóng giày tên là Ebenezer Macintosh đã dẫn đầu đám đông phá tan nhà riêng một thương gia giàu có tại Boston tên là Andrew Oliver. Hai tuần sau, đám đông quay sang tấn công nhà của Thomas Hutchinson − biểu tượng của tầng lớp nhà giàu tinh hoa, những người cai trị thuộc địa nhân danh nước Anh. Họ đã dùng rìu phá cửa nhà ông ta, uống rượu trong các hầm rượu, cướp bóc đồ đạc và các vật dụng trong nhà. Một báo cáo của các quan chức thuộc địa gửi nước Anh tường trình đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn, mà theo đó nhắm tới việc phá hoại nhà của 15 người giàu, kết quả của “một cuộc chiến cướp bóc, tạo ra sự công bằng và xóa đi sự khác biệt giữa kẻ giàu người nghèo”.
Đã có thời điểm, cơn giận dữ chống lại tầng lớp giàu có vượt quá những gì mà các lãnh đạo phong trào như Otis mong đợi. Liệu lòng căm thù giai cấp có được tập trung vào việc chống lại các tầng lớp thượng lưu thân Anh và làm chệch hướng việc chống lại các tầng lợp thượng lưu khác trong nước hay không? Tại New York, cũng vào đúng năm xảy ra các vụ tấn công ở Boston, đã có người viết trên tờ New York Gazette: “Liệu điều đó có công bằng khi 99, hoặc thậm chí 999 người đã phải chịu đựng thói kiêu ngạo, hành động ngông cuồng của một người, đặc biệt sự giàu có của người này có được là nhờ vào việc những láng giềng bị bần cùng hóa?” Các lãnh đạo của cuộc cách mạng hẳn đã phải rất lo lắng để kiểm soát cảm xúc đó trong giới hạn.
Thợ cơ khí đòi hỏi dân chủ chính trị tại các thành phố thuộc địa: tổ chức các cuộc họp mở của hội đồng đại diện, thiết lập khu vực dành cho công chúng trong phòng họp của các cơ quan lập pháp, cũng như công bố hình thức bỏ phiếu bằng cách điểm danh, từ đó cử tri có thể kiểm tra các đại diện. Họ cũng muốn có các cuộc gặp gỡ công khai, trong đó dân chúng được tham gia để định hình chính sách, áp dụng chính sách thuế khóa công bằng, kiểm soát giá cả, bầu các đại diện của thợ cơ khí và những dân thường khác vào các vị trí trong chính phủ.
Theo lời của Nash, đặc biệt tại Philadelphia, nhận thức của các tầng lớp trung lưu bậc thấp đã phát triển đến độ không chỉ khiến những người theo đường lối trung thành bảo thủ với nước Anh, mà ngay cả những người lãnh đạo Cách mạng cũng phải suy nghĩ. “Khoảng giữa năm 1776, tại Philadelphia, tầng lớp lao động, thợ thủ công và thương gia nhỏ − những người áp dụng giải pháp lách luật khi nền chính trị hình thành từ bầu cử thất bại, đã thật sự tự làm chủ”. Được một số lãnh đạo thuộc tầng lớp trung lưu (như Thomas Paine, Thomas Young và một số người khác) giúp đỡ, họ đã “thực hiện cuộc tấn công tổng lực vào tầng lớp nhà giàu và giành quyền sở hữu không hạn định các tài sản tư”.
Trong các cuộc bầu cử để đi tới đại hội năm 1776 nhằm hình thành hiến pháp cho Pennsylvania, một Ủy ban Độc lập đã thúc giục cử tri chống lại “giới nhà giàu nổi lên quá nhanh… họ sẽ hình thành các khuynh hướng phân biệt trong xã hội”. Ủy ban Độc lập cũng soạn thảo một đạo luật về các quyền cho đại hội, trong đó có tuyên bố “một số lượng lớn của cải tập trung vào tay một vài cá nhân sẽ là quá nguy hiểm cho các vấn đề về quyền lợi, cũng như sẽ phá vỡ hạnh phúc chung của cả loài người, do đó mỗi bang độc lập theo luật pháp của bang đó có quyền hạn chế việc sở hữu tài sản theo hình thức nêu trên”.
Tại các vùng nông thôn cũng có những xung đột tương tự giữa người nghèo và người giàu, đó chính là yếu tố mà các nhà lãnh đạo chính trị đã sử dụng để huy động quần chúng chống lại Anh, thông qua việc ban chút lợi ích cho những người nghèo nổi loạn, phần nhiều còn lại chủ yếu để dành cho bản thân họ. Các cuộc nổi dậy của tá điền tại New Jersey vào những năm 1740, các cuộc nổi dậy của tá điền tại New York vào những năm 1750-1760 tại Thung lũng Hudson và cuộc nổi loạn tại vùng đông bắc New York − vốn đã dẫn đến việc chia cắt vùng Vermont khỏi New York − không còn là chuyện hiếm gặp. Đây là các phong trào xã hội kéo dài, được tổ chức chặt chẽ, liên quan cả đến việc hình thành các lực lượng chống đối chính phủ. Họ nhắm vào các nhóm chủ đất giàu có, nhưng đối với các chủ đất ở xa, họ thường hướng sự tức giận sang những nông dân thuê lại các khoảng đất đang tranh chấp của các chủ sở hữu.
Ngay sau khi nhóm người nổi loạn ở Jersey phá các nhà tù nhằm giải thoát những người bạn của họ, nhóm người nổi dậy tại Thung lũng Hudson đã giải cứu tù nhân và bắt giữ viên cảnh sát trưởng làm tù nhân. Các tá điền bị coi “như lớp người cặn bã”, còn đội cảnh sát do cảnh sát trưởng của hạt Albany dẫn đầu đến vùng Bennington vào năm 1771 bao gồm những người được hưởng đặc quyền đặc lợi hàng đầu trong hệ thống quyền lực địa phương.
Nhóm người nổi dậy vì đất đai đã xem cuộc đấu tranh của mình là cuộc chiến của người nghèo chống lại người giàu. Một nhân chứng trong phiên tòa xét xử lãnh đạo phong trào nổi dậy tại New York vào năm 1766 đã nói rằng những người nông dân bị địa chủ cướp đất “đã tạo nên một làn sóng đấu tranh vì công bằng, nhưng họ đã không được bảo vệ tại tòa vì quá nghèo… và người nghèo luôn bị người giàu đàn áp”. Những người nổi dậy vùng Green Mountain thuộc bang Vermont, do Ethan Allen cầm đầu, đã tự mô tả họ là “người nghèo khó… mệt nhọc và kiệt quệ khi định cư tại một vùng đất hoang hóa” và những kẻ đối lập với họ là “hàng loạt viên chưởng lý và các quý ông khác, với đầy đủ những thứ đồ trang sức, những lời tung hô và cử chỉ lịch thiệp kiểu Pháp”.
Những nông dân khát đất tại Thung lũng Hudson đã quay sang cầu cứu người Anh giúp chống lại các địa chủ Mỹ, nhóm người nổi dậy ở Green Mountain cũng vậy. Nhưng khi cuộc xung đột với Anh ngày càng gay gắt, các lãnh đạo phong trào đấu tranh vì độc lập tại thuộc địa nhận ra khuynh hướng những tá điền nghèo nghiêng về phía người Anh trong việc bày tỏ sự căm giận của họ đối với giới nhà giàu, đã đưa ra những chính sách nhằm thu phục người dân tại các vùng nông thôn.
Tại Bắc Carolina, một phong trào mạnh mẽ của các nông dân da trắng đã được tổ chức nhằm chống lại các quan chức tham nhũng và giàu có trong khoảng thời gian từ năm 1766-1771. Cũng vào thời điểm này, tại các thành phố ở vùng đông bắc, sự công khai chống lại người Anh gia tăng đã làm lu mờ các vấn đề giai cấp. Phong trào tại Bắc Carolina được gọi là Phong trào Chỉnh đốn (Regulator Movement ), và theo như lời của Marvin L. Michael Kay, một chuyên gia về lịch sử phong trào này, thì bao gồm “nông dân da trắng có ý thức giai cấp tại miền tây, những người đang nỗ lực dân chủ hóa chính quyền địa phương tại từng hạt riêng biệt”. Các “Chỉnh đốn viên” nhận mình là “những nông dân công nghiệp nghèo”, “người lao động”, “người nghèo cùng khổ”, “người bị áp bức” bởi “lũ giàu có và đầy quyền thế… lũ quái vật mưu mô, giảo hoạt”.
Những người theo phong trào Chỉnh đốn đã nhận thấy rằng sự cố kết giữa giàu sang và quyền lực chính trị đang thống trị ở Bắc Carolina và vạch mặt những quan chức mà “mối quan tâm cao nhất của họ là tăng thêm gia sản của bản thân”. Họ rất phẫn nộ trước hệ thống thuế khóa chủ yếu nhằm đè nặng lên người nghèo, cũng như sự móc nối giữa các con buôn và luật sư làm việc tại các tòa án nhằm thu nợ từ những người nông dân luôn bị quấy rối. Tại các quận miền tây, nơi phong trào phát triển mạnh mẽ, chỉ có một tỷ lệ nhỏ các hộ gia đình có nô lệ. Lấy một hạt miền Tây làm thí dụ, có 41% số nô lệ sống tập trung chưa đầy 2% hộ gia đình, còn các Chỉnh đốn viên không đại diện cho đầy tớ hoặc nô lệ, nhưng họ đại diện cho tầng lớp chủ nhỏ, tiểu thương và tá điền.
Một báo cáo về Phong trào Chỉnh đốn tại quận Orange đã mô tả tình hình lúc bấy giờ:
Đó là những người quận Orange bị cảnh sát trưởng nhục mạ, bị các dân biểu cướp bóc, tước đoạt… bỏ mặc, chỉ trích, bị các quan tòa lạm dụng; có trách nhiệm phải nộp các khoản phí do các quan chức tham lam quy định; có trách nhiệm phải nộp các khoản THUẾ mà họ tin rằng sẽ làm giàu và nâng cao vị thế một số ít người đang thường xuyên khống chế họ; và với tất cả những điều tồi tệ đó, họ không tìm được lối thoát khỏi những nhân vật có quyền lực và đang nắm hệ thống pháp chế, những kẻ mà lợi ích chính là đàn áp và bòn rút người lao động.
Vào những năm 1760, tại quận này, các Chỉnh đốn viên bắt đầu chống lại việc thu thuế hoặc tịch thu tài sản của những người trễ hạn nộp thuế. Các quan chức nói rằng “một cuộc nổi dậy thật sự với những xu hướng nguy hiểm nổ ra tại quận Orange” và đã lên kế hoạch quân sự nhằm đàn áp nó. Tại một điểm, khoảng 700 nông dân vũ trang đã gây áp lực buộc phải trả tự do cho hai lãnh đạo của Phong trào Chỉnh đốn. Các chỉnh đốn viên kiến nghị lên chính phủ vào năm 1768, trong đó đề cập “những điều kiện bất công của người nghèo và người đuối thế trong việc tranh đấu với người giàu và người có quyền lực”.
Tại một quận khác, quận Anson, một viên chỉ huy lực lượng dân quân địa phương đã phàn nàn “các cuộc hỗn loạn chưa từng có, các cuộc nổi dậy, bạo động hiện nay đã làm xáo động cả quận này”. Tại một điểm khác, 100 người đã làm rối loạn một phiên tòa. Tuy nhiên, họ vẫn cố bầu nông dân vào Hội đồng dân biểu, với lập luận rằng “đa số thành viên trong Hội đồng của chúng ta chỉ toàn bao gồm các luật sư, thư ký và những người khác có mối liên hệ với họ…” Năm 1770, một cuộc nổi dậy quy mô lớn nổ ra tại Hillsborough, Bắc Carolina. Những người tham gia đã đập phá một phiên tòa, buộc quan tòa phải bỏ trốn, đánh ba luật sư và hai thương gia, đồng thời cướp bóc các cửa hàng.
Kết quả là Hội đồng dân biểu đã phải thông qua một số luật cải cách ôn hòa, đồng thời thông qua một đạo luật “nhằm ngăn chặn các cuộc nổi dậy và hỗn loạn”; còn Thống đốc được quyền đàn áp bằng quân sự. Tháng 5 năm 1771, một trận chiến quyết định đã diễn ra, hàng nghìn người theo Phong trào Chỉnh đốn đã bị quân đội chính quy dùng cả đại bác đánh bại. Sáu Chỉnh đốn viên bị treo cổ. Kay cho rằng tại ba quận phía tây là Orange, Anson và Rown là những nơi Phong trào Chỉnh đốn diễn ra mạnh nhất, đã giành được sự ủng hộ của khoảng 6-7 nghìn người trong tổng số khoảng 8 nghìn cư dân da trắng phải đóng thuế.
Kết quả của cuộc xung đột này là chỉ số ít người ở các quận theo Phong trào Chỉnh đốn tham gia cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ với vai trò người yêu nước, số còn lại giữ vai trò trung lập.
May mắn cho phong trào Cách mạng, các cuộc chiến quan trọng chủ yếu diễn ra ở miền Bắc; còn ở đây, trong các thành phố, các lãnh đạo thuộc địa chỉ có những cư dân da trắng đầy chia rẽ. Họ có thể giành được sự ủng hộ của các thợ cơ khí, được xem là tầng lớp trung lưu, cũng là những người có quyền lợi trong cuộc chiến chống quân Anh, những người phải đối mặt sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất của nước Anh. Vấn đề lớn nhất đó là duy trì quyền kiểm soát đối với tầng lớp vô sản, những người thất nghiệp và đói khát do hậu quả của cuộc khủng hoảng tiếp sau cuộc chiến với quân Pháp.
Tại Boston, mối bất bình về kinh tế của các tầng lớp bần cùng đã hòa trộn cùng nỗi tức giận đối với người Anh và đã nổ bùng thành các cuộc bạo lực của dân chúng. Lãnh đạo phong trào Độc lập muốn sử dụng sức mạnh đó để chống lại nước Anh, nhưng đồng thời muốn khống chế để người dân không đòi hỏi họ quá nhiều.
Khi các cuộc nổi dậy chống lại Đạo luật Tem thuế nổ ra tại Boston vào năm 1767,
Tướng Thomas Gage − chỉ huy trưởng quân Anh tại Bắc Mỹ − đã phân tích:
Dân chúng Boston, ban đầu bị kích động bởi sự xúi bẩy của những cư dân có máu mặt, bị cám dỗ bởi những đồ đạc cướp bóc, đã tự nguyện nổi dậy ngay sau đó, tấn công, cướp bóc, phá hủy một vài ngôi nhà, trong số đó có dinh thự của Phó Thống đốc… Mọi người bắt đầu cảm thấy khiếp sợ đúng với tinh thần mà họ đang dấy lên, nhận thức được rằng cơn cuồng nộ tập thể không dễ gì lèo lái được và mọi cá nhân đều sợ rằng mình có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của lòng tham xuất phát từ chính họ. Những nỗi sợ hãi tương tự cũng lan rộng sang các tỉnh khác; và rất nhiều hình phạt được áp dụng để ngăn ngừa các cuộc nổi loạn của người dân, trước khi họ bị kích động.
Nhận xét của Gage đưa ra một gợi ý là lãnh đạo phong trào phản đối Đạo luật Tem thuế đã xúi giục đám đông hành động, nhưng sau đó lại khiếp đảm bởi ý nghĩ rằng đám đông đó cũng có thể chuyển hướng đối kháng với chính sự giàu có mà họ đang sở hữu. Tại thời điểm đó, nhóm 10% đứng đầu những người nộp thuế ở Boston chiếm giữ tới 66% tổng tài sản chịu thuế ở Boston, trong khi đó nhóm 30% “đội sổ” trong số dân cư phải nộp thuế lại chẳng có bất cứ tài sản nào đáng giá phải chịu thuế. Những người không có tài sản không được phép bầu cử và tất nhiên (giống như người da đen, phụ nữ, thổ dân Anh-điêng) không thể tham gia các cuộc họp tại Hội đồng thành phố. Số này cũng bao gồm cả thủy thủ, thợ thuyền, thợ học việc và đầy tớ.
Dirk Hoerder, một sinh viên tham gia hoạt động nổi loạn ở Boston thời kỳ Cách mạng, đã gọi lãnh đạo Cách mạng là “Những người con trai của Tự do” (Sons of Liberty) − một tổ chức bí mật được thành lập để phản đối Đạo luật Tem thuế bằng các biện pháp bạo lực − xuất phát từ lợi ích của tầng lớp trung lưu và những thương gia giàu có…, một lớp lãnh đạo thiếu quyết đoán, một mặt vừa muốn khuấy động phong trào để chống lại Liên hiệp Vương quốc Anh, mặt khác lại lo lắng về cách kiểm soát được các đám đông trong nước.
Do đó, cơn khủng hoảng Đạo luật Tem thuế đã khiến giới lãnh đạo nhận thức được tình trạng khó xử. Một nhóm hoạt động chính trị tại Boston có tên gọi là Loyal Nine (Chín người Trung thành) – bao gồm các thương gia, chủ lò rượu, chủ tàu và các thợ cả thủ công lành nghề, những người vốn chống lại Đạo luật Tem thuế, đã tổ chức một cuộc diễu hành vào tháng 8 năm 1765 để phản đối đạo luật này. Họ bố trí 50 thợ cả thủ công dẫn đầu đoàn, nhưng vẫn cần huy động các thợ đóng tàu từ phía Bắc, các thợ cơ khí và thợ học việc từ phía Nam. Khoảng hai, ba nghìn người đã tham gia diễu hành (người da đen không được tham gia). Họ diễu hành qua nhà của tác giả đạo luật này và đốt hình nộm của ông ta. Tuy nhiên, sau khi “một số quý ông” và những người tổ chức cuộc diễu hành này ra về, đám đông đã dấn thêm một bước, đốt phá một số tài sản của tác giả đạo luật. Một thành viên nhóm Loyal Nine nói đó là “những con người trong cơn phẫn nộ khủng khiếp”. Nhóm Loyal Nine dường như sửng sốt không thể tin việc xảy ra các cuộc tấn công trực tiếp vào tài sản của tác giả đạo luật.
Giới nhà giàu bắt đầu thiết lập các đội tuần tra vũ trang. Khi đó, một cuộc họp thành phố được triệu tập và chính những người lãnh đạo tổ chức biểu tình đã lên án bạo lực và chối bỏ liên quan đến hành động của đám đông biểu tình. Do ngày càng nhiều cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào ngày 1 tháng 11 năm 1765, thời điểm mà Đạo luật Tem thuế bắt đầu có hiệu lực, và vì sắp diễn ra Ngày Giáo hoàng (Pope’s Day) − ngày 5 tháng 11, các biện pháp đã được áp dụng để kiểm soát tình hình. Một bữa tối đã được tổ chức với thành phần là một số lãnh đạo của phong trào nổi dậy nhằm thu phục họ. Và khi Đạo luật Tem thuế bị bãi bỏ do có sự phản đối rầm rộ, các lãnh đạo bảo thủ đã cắt đứt quan hệ với những người nổi loạn. Nhưng họ vẫn tổ chức kỷ niệm cuộc biểu tình đầu tiên chống lại Đạo luật Tem thuế hàng năm. Và theo Hoerder, những người được mời đến không phải là những kẻ nổi loạn, “mà chủ yếu là những người Boston thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu, những người vẫn cưỡi trên xe ngựa bốn bánh đến Roxbury hoặc Dorchester tham dự các bữa tiệc sang trọng”.
Khi Quốc hội Anh nỗ lực thu thuế từ thuộc địa bằng cách khác, lần này là một loại thuế mà họ hy vọng không khuấy động quá nhiều sự chống đối, những lãnh đạo thuộc địa đã tổ chức các cuộc tẩy chay. Nhưng họ nhấn mạnh là “không tấn công hay gây náo loạn, phải để các cá nhân và tài sản của những kẻ thù thâm căn cố đế của các bạn được an toàn”. Samuel Adams đưa ra lời khuyên: “Không tụ tập đông người – Không gây rối – Không nổi loạn”. Và James Otis phát biểu: “Không tình huống khả dĩ nào, dù cho là bị áp bức, đủ để bào chữa cho hành động nổi loạn và gây rối của cá nhân…”
Việc nước Anh bắt lính và cử đi đồn trú đã ảnh hưởng trực tiếp tới các thủy thủ và các tầng lớp lao động. Sau năm 1768, có hai nghìn lính đóng quân tại Boston, mâu thuẫn giữa đám đông và quân lính gia tăng. Quân lính bắt đầu tranh giành công việc của những người lao động khi công việc trở nên khan hiếm. Thợ cơ khí và người bán hàng mất việc hoặc sập tiệm do những người đi khai phá thuộc địa tẩy chay hàng hóa Anh. Năm 1769, Boston thiết lập một ủy ban “nhằm xem xét một số biện pháp phù hợp đối với công ăn việc làm của người nghèo trong thành phố, một lực lượng đông đảo với những bất mãn ngày càng gia tăng do sự tổn thất trong công việc kinh doanh và buôn bán của họ”.
Ngày 5 tháng 3 năm 1770, từ sự bất bình của những người thợ đan dây chão chống lại quân lính Anh vì đã cướp công ăn việc làm của họ đã bùng phát thành một cuộc chiến. Một đám đông đã tập trung trước văn phòng hải quan và bắt đầu chọc tức quân lính, khiến quân lính nổ súng trước và bắn chết Crispus Attucks, một công nhân người lai, sau đó là những người khác. Vụ việc được biết đến với tên gọi vụ Thảm sát Boston . Tâm lý chống đối người Anh nhanh chóng lan rộng. Sự tức giận ngày càng gia tăng, sau khi sáu binh sỹ tuyên bố được trắng án (trong đó hai người bị phạt bằng cách đóng dấu nung vào các ngón tay cái và bị đuổi khỏi quân ngũ). Đám đông trong vụ thảm sát đã được John Adams , một luật sư bào chữa cho quân lính Anh, mô tả như sau: “Một đám đông hỗn tạp gồm những gã thanh niên ngang ngược, bọn da đen, những tên người lai và bọn Ailen với quần áo nhem nhuốc dính đầy nhựa đường.” Phải đến 10 nghìn người đã diễu hành nhân đám tang của những nạn nhân của vụ thảm sát, trong khi tổng số dân của Boston lúc bấy giờ là khoảng 16 nghìn người. Điều này đã khiến cho nước Anh phải rút hết quân lính khỏi Boston và cố gắng làm dịu tình hình.
Việc bắt lính là nguồn gốc của vụ thảm sát. Suốt những năm 1760, đã có những cuộc nổi loạn chống bắt lính New York và tại Newport, Rhode Island, khoảng 500 thủy thủ, thanh niên và người da đen đã nổi loạn sau năm tuần bị quân Anh bắt đi lính. Sáu tuần trước vụ Thảm sát Boston, đã xảy ra một trận chiến giữa thủy thủ chống lại lính Anh – những người đã giành mất công việc của họ, một thủy thủ đã bị giết hại.
Trong Tiệc trà Boston vào tháng 12 năm 1773, Ủy ban Thư tín của Boston, được thành lập một năm trước để tổ chức các hoạt động chống lại người Anh, “đã kiểm soát ngay từ ban đầu các hành động của đám đông chống lại ngành trồng chè”, Dirk Hoerder cho hay. Tiệc trà đã dẫn đến việc Nghị viện phải thông qua các Đạo luật Cưỡng chế (Coercive Acts), hầu như áp đặt lệnh giới nghiêm tại Massachusetts, giải tán chính phủ thuộc địa, đóng cửa cảng Boston và triển khai bổ sung quân lính. Tuy nhiên, đã rộ lên các cuộc họp của thành phố và quần chúng nhằm phản đối. Việc quân Anh tịch thu một cửa hàng bột khiến bốn nghìn người từ khắp nẻo đường của Boston tụ tập tại Cambridge, nơi một số quan chức giàu có sở hữu những ngôi nhà lộng lẫy. Đám đông đã buộc các quan chức từ chức. Ủy ban Thư tín của Boston và các thành phố khác đã hoan nghênh cuộc tụ tập này, nhưng đồng thời cảnh báo sẽ phản đối việc đập phá các tài sản cá nhân.
Trong cuốn From Resistance to Revolution (Từ khởi nghĩa đến cách mạng), Pauline Maier, một nhà nghiên cứu về phong trào chống đối người Anh trong một thập kỷ trước năm 1776, đã nêu bật sự dung hòa của tầng lớp lãnh đạo và “sự nhấn mạnh của chính họ đối với trật tự và kiềm chế”. Bà viết: “Các quan chức và thành viên của hội Những người con của Tự do chủ yếu xuất thân từ các tầng lớp trung và thượng lưu trong xã hội thuộc địa.” Thí dụ, theo một nhà văn đương đại, tại Newport, Rhode Island, hội Những người con của Tự do “bao gồm một số quý ông của tầng lớp cao nhất trong khu phố dành cho những người sang trọng, khôn ngoan và lịch lãm”. Tại Bắc Carolina, “một trong những quý ông, chủ thái ấp giàu có nhất” lãnh đạo hội Những người con của Tự do. Tương tự, điều này cũng diễn ra tại Virginia và Nam Carolina. Và “các lãnh đạo của New York đều liên quan đến những doanh nghiệp dẫu nhỏ về quy mô, nhưng rất độc lập và được kính trọng”. Tuy nhiên, mục đích của họ là mở rộng tổ chức, phát triển một cơ sở quần chúng cho những người làm công ăn lương.
Nhiều hội Những người con của Tự do, như ở Milford, Connecticut đã tuyên bố “nỗi ghét cay ghét đắng lớn nhất của họ” đối với tình trạng không có luật pháp; hoặc tại Annapolis, họ thường chống lại “tất cả các cuộc nổi loạn hoặc tụ tập mà luật pháp không cho phép, vốn thường có khuynh hướng ảnh hưởng đến sự yên bình của dân chúng”. John Adams cũng bày tỏ mối lo lắng tương tự: “Tất cả đám thủy thủ, những kẻ vốn hay ăn mặc sặc sỡ sử dụng gậy gộc, tiến hành phá nhà một cách rất hung hăng, gây ra sự oán giận cho các nạn nhân hoặc chỉ chăm chú theo đuổi những đam mê và thành kiến cá nhân, cần phải bị lên án.”
Tại Virginia, tầng lớp tri thức luôn ý thức là cần phải làm một điều gì đó để thuyết phục các tầng lớp thấp hơn tham gia sự nghiệp cách mạng, lái sự tức giận của họ chống lại người Anh. Mùa xuân năm 1774, một người tại Virginia đã ghi lại trong nhật ký: “Trong nhiều hồ sơ của Boston, tầng lớp thấp trong dân chúng tham gia các cuộc nổi loạn thực ra đã phải chịu những áp lực và bắt buộc phải tham gia chống lại Anh quốc!” Trong khoảng thời gian ra đời Đạo luật Tem thuế, một diễn giả tại Virginia đã có bài nói chuyện với người nghèo: “Phải chăng các quý ông sang trọng không phải đã được sinh ra từ nhu cầu xác thịt như những người nghèo hèn nhất trong số các bạn?
… Xin các bạn đừng tin vào các học thuyết vốn có thể chia cắt chúng ta, mà chúng ta hãy đoàn kết tay trong tay như những người anh em…?
Đó là một vấn đề mà tài năng hùng biện của Patrick Henry hết sức phù hợp. Như Giáo sư Lịch sử Rhys Isaac đã chỉ ra: “ông ta gắn bó chặt chẽ với thế giới quý tộc”, nhưng ông ta luôn sử dụng những từ ngữ mà người nghèo da trắng tại Virginia có thể hiểu được. Một đồng sự người Virginia của Henry, Edmund Randolph đã hồi tưởng lại phong cách của ông ta là “giản dị và thậm chí còn cẩu thả… Khoảng thời gian ông ta ngắt lời trong khi nói đôi khi khiến nhiều người e ngại sẽ phân tán sự chú ý, nhưng lại gây ra nhiều điều hơn mong đợi”.
Những bài hùng biện của Patrick Henry tại Virginia đã chỉ ra một cách để làm giảm căng thẳng giai cấp giữa các tầng lớp trên và dưới, đồng thời hình thành một động lực chống lại người Anh. Đó là sử dụng ngôn ngữ có thể lôi cuốn tất cả các tầng lớp, đủ cụ thể để liệt kê những mối bất bình nhằm nuôi dưỡng cho mọi người lòng hận thù chống lại người Anh, nhưng cũng đủ mơ hồ để tránh xung đột giai cấp của các bên nổi loạn, khuấy đảo vừa đủ tình cảm yêu nước cho phong trào kháng chiến.
Tác phẩm Common Sense (Lương tri) của Thomas Paine xuất hiện đầu năm 1776, vốn trở thành một cuốn sách nổi tiếng nhất tại các thuộc địa ở Mỹ, đã làm được điều đó. Cuốn sách ban đầu đề cập đến các tranh luận về độc lập bằng những từ ngữ mà bất kỳ ai có học đôi chút đều có thể hiểu: “Xã hội trong mỗi bang là một sự ban ơn, nhưng chính phủ bang, thậm chí là tốt nhất, cũng đều là một lũ ma quỷ…”.
Paine đã sắp xếp ý tưởng về quyền lợi tối cao của các ông vua bằng một lịch sử cay độc của hoàng gia Anh quốc, bằng cách quay lại đề cập cuộc chinh phục nước Anh của người Norman vào năm 1066, khi William, một kẻ xâm lược đến từ Pháp đã đặt mình lên ngai vàng nước Anh: “Một tên du thủ du thực người Pháp, cùng lũ quân ăn cướp với vũ khí trong tay, đã đổ bộ và tự phong cho hắn ta làm vua bất chấp sự phản đối của những người bản xứ, đó thực sự là một sự bất lương đểu giả từ trong ngọn nguồn. Không có gì là đáng tôn sùng đối với hành động đó.”
Paine đã xử lý được các lợi ích thực tế của việc bám lấy nước Anh hoặc tự chia tách, ông hiểu rõ tầm quan trọng của kinh tế:
Tôi dám thách đố những người nhiệt thành nhất trong việc vận động hòa giải chỉ ra được bất cứ thuận lợi nào mà lục địa này có được thông qua việc liên kết với Anh quốc. Tôi xin nhắc lại lời thách, không hề có một chút lợi lộc gì cả. Lúa mỳ của chúng ta có thể bán được ở bất cứ thị trường châu âu nào, và với số tiền thu được chúng ta có thể dùng để trả cho các mặt hàng mà chúng ta nhập khẩu…
Để nhấn mạnh những ảnh hưởng không tốt trong việc duy trì sự liên kết với nước Anh, Paine đã đánh thức trí nhớ của những người đi khai phá thuộc địa về tất cả các cuộc chiến tranh mà nước Anh đã tìm cách lôi kéo họ, vốn gây ra nhiều tổn thất về con người lẫn tiền bạc:
Nhưng những vết thương và sự bất lợi mà chúng ta vẫn phải gánh chịu thông qua việc duy trì sự kết nối không thể nào kể xiết… và sẽ không dẫn chúng ta đến độc lập, Anh quốc vẫn muốn lôi kéo lục địa này vào các cuộc chiến tranh và xung đột tại châu âu, cũng như cố tình gây ra các mối bất hòa với những dân tộc mà chúng ta đang cố gắng tìm kiếm tình đoàn kết hữu nghị… ông từng bước đẩy lên một mức độ tình cảm:
Mọi thứ đều hợp tình và hợp lý để chia tách. Dòng máu của những kẻ hung bạo, tiếng vọng của thiên nhiên đang kêu khóc. “Đã ĐẾN LúC PHẢI CHIA TáCH.”
Năm 1776, tác phẩm Common Sense đã được tái bản tới 25 lần, với hàng trăm nghìn bản được tiêu thụ sạch. Có lẽ đây là cuốn sách mà hầu hết những người đi khai phá thuộc địa biết chữ đều đã đọc hoặc biết về nội dung. Việc viết các cuốn sách nhỏ trong giai đoạn này đã châm ngòi cho hàng loạt tranh luận về các mối quan hệ với Anh quốc. Từ năm 1750 đến năm 1776, 400 cuốn sách nhỏ dạng này đã xuất hiện, phản ánh những quan điểm của các bên khác nhau về Đạo luật Tem thuế, Thảm sát Boston, Tiệc trà Boston, hoặc các vấn đề chung về sự bất tuân luật pháp, trung thành với chính phủ, quyền và nghĩa vụ.
Cuốn sách của Paine đưa ra góc nhìn rộng về quan điểm thuộc địa khiến nước Anh giận dữ. Nó cũng gây ra những chấn động đối với giới quý tộc thống trị, trong đó có John Adams, một người rất tha thiết với phong trào yêu nước, nhưng đồng thời lại muốn rằng phong trào đó không đi quá xa theo hướng dân chủ hóa. Paine đã lên án mô hình chính phủ cân bằng giữa các thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ là một trò lừa bịp. ông kêu gọi hình thành mô hình các cơ quan đại diện một viện, mà có thể đại diện người dân. Adams lên án kế hoạch của Paine là “dân chủ quá trớn, không hề có sự kiềm chế hoặc nỗ lực nào trong việc duy trì một sự cân bằng hoặc sự đối lập, điều này nhất định sẽ tạo ra rất nhiều sai lầm và tệ nạn”. Adams cho rằng các tổ chức của công chúng cần phải được kiểm soát, bởi bản thân các tổ chức đó có thể là “kết quả hấp tấp và những phán quyết vô lý”.
Bản thân Paine xuất thân từ “tầng lớp thấp kém” ở Anh, một thợ may yếm, nhân viên sở thuế, giáo viên và người nhập cư nghèo ở Mỹ. ông đặt chân đến Philadelphia năm 1774, khi phong trào chống người Anh đang dâng cao tại các thuộc địa. Giới thợ cơ khí thủ công tại Philadelphia, cùng với tầng lớp lao động làm thuê, thợ học việc và lao động thuần túy, đã thành lập lực lượng dân quân có ý thức chính trị. “Nhìn chung đó là những tầng lớp bất hảo, ưa làm loạn và hay bất bình”, đó là những lời mà các nhà quý tộc địa phương vẫn thường mô tả về họ. Bằng cách phát biểu thẳng thắn và mạnh mẽ, Paine có thể đại diện cho các tầng lớp hạ lưu có nhận thức chính trị (ông phản đối chính sách về tiêu chuẩn tài sản đối với quyền bầu cử tại Pennsylvania). Nhưng ông cũng có những mối quan tâm to lớn khi lên tiếng cho một tầng lớp trung lưu: “Có những người cực giàu, nhưng cũng có những người cực nghèo, điều đó đã làm tổn thương sự hiểu biết của con người, làm giảm đi những cơ hội để họ có thể tiếp cận kiến thức chung.”
Khi cuộc cách mạng diễn ra, Paine càng thể hiện rõ sự không ủng hộ hành động của đám đông thuộc tầng lớp hạ lưu – như trường hợp các dân quân đã tấn công nhà của James Wilson vào năm 1779. Wilson vốn là một người lãnh đạo cuộc cách mạng, phản đối việc kiểm soát giá cả và muốn có một chính phủ theo đường lối bảo thủ hơn so với những gì mà Hiến pháp của Pennsylvania năm 1776 đã quy định. Paine đã trở thành cộng sự của Robert Morris , một trong những người giàu nhất của Pennsylvania và đã ủng hộ Morris trong việc sáng lập Ngân hàng Bắc Mỹ (Bank of North America).
Sau đó, trong khi tranh cãi về việc thông qua Hiến pháp, một lần Paine nữa lại đại diện cho các thợ thủ công thành thị − những người vốn chủ trương về một chính phủ trung ương nhiều quyền lực. Dường như ông tin rằng một chính phủ như thế có thể đại diện quyền lợi của đại đa số; về khía cạnh này, ông ta phó mặc cho huyền thoại cuộc cách mạng – đó là nhân danh những con người đoàn kết.
Tuyên ngôn Độc lập (Declaration of Independence) đã làm cho huyền thoại đó lên đến đỉnh cao của tài hùng biện. Mỗi biện pháp thâm độc trong việc kiểm soát của người Anh – như Tuyên bố năm 1763 về việc không cho phép những người đi khai phá thuộc địa định cư vượt quá dãy Appalachians, Thuế tem (Stamp Tax), các đạo luật thuế Townshend , bao gồm cả thuế chè, việc đồn trú của quân lính, cũng như vụ Thảm sát Boston, việc đóng cửa cảng Boston và giải tán cơ quan lập pháp của Massachusetts – đã đẩy cuộc nổi loạn ở các thuộc địa đến điểm xuất phát của cách mạng. Những người đi khai phá thuộc địa đã đáp trả bằng việc tổ chức Quốc hội Đạo luật Tem thuế, hội Những người con của Tự do, Ủy ban Thư tín, Tiệc trà Boston và cuối cùng, đến năm 1774 thành lập Quốc hội Lục địa – một tổ chức bất hợp pháp đồng thời là tiền thân của chính phủ độc lập về sau. Sau khi nổ ra một cuộc đụng độ vũ trang tại Lexington và Concord, giữa những dân quân thuộc địa với lính Anh, vào tháng 4 năm 1775, Quốc hội Lục địa đã quyết định chia tách. Họ tổ chức một ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, do Thomas Jefferson chắp bút. Bản tuyên ngôn này được Quốc hội Lục địa thông qua ngày 2 tháng 7 và được tuyên bố chính thức vào ngày 4 tháng 7 năm 1776.
Vào thời điểm đó, không khí đấu tranh đòi độc lập rất mạnh mẽ. Các nghị quyết được thông qua tại Bắc Carolina vào tháng 5 năm 1776, được trình lên Quốc hội Lục địa, tuyên bố độc lập khỏi Anh, khẳng định tất cả các luật lệ của Anh quốc không còn hiệu lực và kêu gọi chuẩn bị về mặt quân sự. Cũng trong khoảng thời gian đó, thành phố Maiden, bang Massachusetts, đáp lời kêu gọi của Hạ viện Massachusetts là tất cả các thành phố trực thuộc bang này đều tuyên bố quan điểm đòi độc lập, người dân tụ tập tại các cuộc mít-tinh trong thành phố và nhất trí kêu gọi quyền được độc lập: “… với một sự khinh bỉ, chúng tôi bày tỏ phản đối kết giao với một vương quốc nô lệ, chúng ta xin chào từ biệt Anh quốc”.
“Trong tiến trình phát triển của nhân loại, khi một dân tộc nào đó cần thiết phải xóa bỏ những mối liên kết chính trị giữa họ với một dân tộc khác… họ phải tuyên bố nguyên do…” Đó là lời mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập. Ở đoạn thứ hai, Tuyên ngôn đưa ra tuyên bố hùng hồn mang tính triết học:
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng; rằng Tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc; rằng để bảo đảm những quyền này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân; rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới…
Tiếp đó, Tuyên ngôn liệt kê hàng loạt những lời than phiền chống lại Vua nước Anh: “Lịch sử của những nỗi đau thương và sự tước đoạt triền miên, tất cả đều nhằm mục đích trực tiếp là thiết lập ách chuyên chế bạo ngược ở những bang này”. Danh sách này kết tội nhà vua đã giải tán các chính phủ thuộc địa, kiểm soát các tòa án, “bổ nhiệm vào đó vô số những quan chức mới để sách nhiễu dân chúng”, cho phép đông đảo những đội quân có vũ trang đồn trú, cắt đứt những quan hệ thương mại giữa các thuộc địa với các khu vực khác trên thế giới, đặt các khoản thuế khóa mà không được những người khai phá thuộc địa đồng ý, rồi tiến hành cuộc chiến tranh chống lại họ, “đưa sang những đội quân lớn gồm các lính đánh thuê nước ngoài để thực thi các công việc giết chóc, tàn phá và bạo ngược”.
Tất cả những từ ngữ như kiểm soát chung đối với các chính phủ, quyền được nổi loạn và làm cách mạng, sự phẫn nộ về bạo chúa chính trị, các gánh nặng về kinh tế đều là những từ ngữ rất phù hợp để đoàn kết đại đa số những người khai phá thuộc địa, thậm chí thuyết phục được cả những người vốn thường bất bình với nhau chuyển sang chống lại nước Anh.
Một số người Mỹ rõ ràng đã bị loại ra khỏi quỹ đạo các lợi ích thống nhất được liệt kê trong Tuyên ngôn Độc lập này: đó là những người Anh-điêng, nô lệ da đen, phụ nữ. Trên thực tế, một đoạn trong Tuyên ngôn đã kết tội Vua nước Anh là kích động những cuộc nổi loạn của nô lệ và những cuộc tấn công của người Anh-điêng:
ông ta đã kích động những cuộc phiến loạn trong nội bộ chúng ta và cố công đưa vào vùng dân cư ở các miền biên cương nước ta sự man rợ tàn bạo kiểu Anh-điêng, mà các hình thức chiến trận khét tiếng của nó là sự hủy diệt không phân biệt lứa tuổi, giới tính và điều kiện sinh sống.
Hai mươi năm trước khi Tuyên ngôn ra đời, bản tuyên ngôn của cơ quan lập pháp Massachusetts ngày 3 tháng 11 năm 1755 đã tuyên bố rằng những người Anh-điêng ở Penobseot là “những kẻ nổi loạn, kẻ thù và những tên phản bội”; và đưa ra một khoản tiền thưởng: “Mỗi miếng da đầu của một gã đàn ông Anh-điêng mang về sẽ được… thưởng 40 bảng. Một miếng da đầu của bất cứ nam hoặc nữ Anh-điêng dưới hai mươi tuổi bị giết… được thưởng 20 bảng…”
Trong Tuyên ngôn, Thomas Jefferson đã viết một đoạn lên án Vua nước Anh cho phép vận chuyển nô lệ da đen từ châu Phi đến các vùng thuộc địa và “ngăn chặn mọi nỗ lực pháp lý nhằm cấm hoặc cản trở việc buôn bán bỉ ổi này”. Điều này thể hiện sự căm phẫn về mặt đạo đức đối với chế độ nô lệ và việc buôn bán nô lệ (thái độ lên án của Jefferson đối với chế độ nô lệ cần phải được đặt song song với thực tế là ông ta sở hữu đến hàng trăm nô lệ cho đến ngày qua đời). Đằng sau vấn đề này là nỗi lo sợ ngày càng gia tăng của người dân Virginia và một số người miền Nam về người da đen tại các thuộc địa (chiếm tới 20% dân số) và mối đe dọa từ các cuộc nổi dậy của nô lệ khi số lượng những người này ngày càng tăng. Đoạn văn đó đã bị Quốc hội Lục địa gạt đi, bởi vì giới chủ nô lệ không đồng ý với nguyện vọng chấm dứt việc buôn bán nô lệ. Do đó, cử chỉ bày tỏ thiện chí đối với nô lệ da đen đã bị bỏ qua trong bản tuyên ngôn vĩ đại về tự do của cuộc Cách mạng Mỹ.
Việc sử dụng cụm từ “mọi người sinh ra đều bình đẳng” có lẽ không phải là một nỗ lực có chủ ý nhằm đưa ra một tuyên bố về phụ nữ. Nó chỉ thuần túy là phụ nữ không được nhìn nhận và hoàn toàn vô hình về mặt chính trị. Dù những người phụ nữ đã được dành cho một số quyền nhất định ở trong nhà, ngoài cánh đồng, hoặc trong một số nghề như bà đỡ; song họ không được chú ý trong việc cân nhắc bất cứ một quyền lợi nào về mặt chính trị, hoặc một ý niệm về sự công bằng quyền công dân.
Dù bằng chính ngôn ngữ của văn bản, nếu nói rằng Tuyên ngôn Độc lập chỉ giới hạn ở quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho những người đàn ông da trắng, thì không có nghĩa là lên án những người đã soạn thảo và đặt bút ký bản Tuyên ngôn
này chỉ để tâm đến nguyện vọng của những người đàn ông da trắng ở thế kỷ XVIII. Các nhà cải cách, cũng như các thành viên cấp tiến, vốn vẫn xem xét lại lịch sử một cách bất bình, thường bị lên án là mong đợi quá nhiều từ kỷ nguyên chính trị trong quá khứ. Nhưng việc chỉ ra điều này chỉ muốn khẳng định là các vấn đề về nhân quyền trong bản Tuyên ngôn, thậm chí hàng thế kỷ sau, vẫn chưa đặt ra những gánh nặng về mặt đạo đức không thể thực hiện được tại thời điểm đó. Ngoài ra cũng là để tìm hiểu bản Tuyên ngôn đã có chức năng gì trong việc khuyến khích một số nhóm người tại Mỹ, trong khi lại lờ đi một số nhóm khác. Chắc chắn, thứ ngôn ngữ truyền cảm hứng nhằm tạo ra một sự đồng thuận vẫn được sử dụng trong thời đại của chúng ta, để che giấu những xung đột sâu sắc về mặt lợi ích trong sự đồng thuận đó, cũng như che giấu sự quên lãng phần lớn nhân loại.
Tính triết học của bản Tuyên ngôn − chính phủ được nhân dân thành lập nhằm bảo đảm quyền sống, tự do và hạnh phúc cho họ, và sẽ bị loại bỏ nếu không thực hiện được điều đó − thường thể hiện trong các ý tưởng của John Locke, với tác phẩm Second Treatise on Government (Khảo luận thứ hai về chính quyền). Cuốn sách này được xuất bản tại Anh năm 1689, khi người Anh nổi dậy chống lại các vị vua bạo ngược và lập nên chính phủ nghị viện. Bản Tuyên ngôn, cũng như cuốn Khảo luận thứ hai về chính quyền của Locke, đều đề cập đến chính quyền và các quyền chính trị, nhưng lại lờ đi những bất công về mặt tài sản. Làm thế nào người dân có thể được hưởng các quyền bình đẳng, trong khi hoàn toàn khác nhau về sở hữu tài sản?
Bản thân Locke là một người giàu có, với nhiều khoản đầu tư vào việc buôn bán tơ lụa và nô lệ, các khoản thu nhập từ hoạt động cho vay và cầm cố. ông ta đã đầu tư mạnh tay vào lần phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng của Ngân hàng Anh, chỉ vài năm sau khi viết cuốn Khảo luận thứ hai về chính quyền như một tuyên bố giai cấp về nền dân chủ tự do. Dưới cương vị cố vấn cho Carolinas, ông ta đã đề xuất rằng chính phủ của các chủ nô lệ cần phải do các nam tước nhiều đất đai điều hành.
Tuyên bố của Locke về chính quyền của nhân dân được hậu thuẫn từ cuộc cách mạng tại Anh – một cuộc cách mạng vì sự phát triển tự do của chủ nghĩa tư bản trọng thương trong nước và nước ngoài. Bản thân Locke tiếc rằng, lao động trẻ em nghèo “nhìn chung là một tổn thất đối với công chúng, tới khi chúng 12 hay 14 tuổi”. Điều này cho thấy tất cả trẻ em trên ba tuổi, là con cái của những gia đình sống bằng cứu trợ, cần được đưa vào các “trường học lao động”, để “ngay từ bé, chúng đã… làm quen với lao động”.
Các cuộc cách mạng tại Anh vào thế kỷ XVII đã cho ra đời chính phủ đại diện và mở ra các cuộc thảo luận về dân chủ. Nhưng, như nhà sử học người Anh Christopher Hill đã viết trong The Puritan Revolution (Cuộc cách mạng của Thanh giáo): “Việc thiết lập uy quyền tối cao của Quốc hội và nền pháp trị rõ ràng chỉ đem lại lợi ích cho những người có tài sản.” Các loại thuế có thể đe dọa sự an toàn tài sản đều bị bãi bỏ, các chính sách độc quyền tạo thêm nhiều uy quyền tự do cho việc buôn bán và quyền lực hàng hải được sử dụng như một chính sách đế quốc tại nước ngoài, bao gồm cả việc xâm lược Ailen. Phong trào san bằng (Levellers) và Phong trào đào sâu (Diggers), hai phong trào chính trị mong muốn mang lại sự công bằng trong các lãnh địa kinh tế, đã bị cuộc cách mạng giải tán.
Người ta có thể thấy thực tế của những lời lẽ đẹp đẽ mà Locke đã nói về chính phủ đại diện trong sự phân chia và xung đột giai cấp tại Anh, tiếp sau cuộc cách mạng mà Locke ủng hộ. Vào chính thời điểm tình hình nước Mỹ trở nên căng thẳng, năm 1768, nước Anh đã bị rung chuyển bởi các cuộc nổi dậy và đình công của công nhân khai thác than, công nhân các nhà máy xay xát, thợ bện dây, thợ dệt, thủy thủ do hậu quả của giá bánh mỳ lên quá cao còn đồng lương thì còm cõi. Dưới đây là đoạn trích từ Annual Register − báo cáo tổng hợp hàng năm đánh giá các sự kiện mùa xuân và mùa hè năm 1768:
Không khí bất mãn diễn ra trong nhiều tầng lớp thấp, chủ yếu xuất phát từ việc giá cả tăng cao và do các nguyên nhân khác, thường thể hiện dưới dạng các hành động hỗn độn và nổi loạn, những điều do các hậu quả phiền muộn nhất sản sinh ra.
“Nhân dân”, vốn được xem như là trung tâm trong lý thuyết của Locke về chủ quyền của người dân, đã được một nghị sỹ Anh định nghĩa: “Tôi không có ý nói đến đám đông nổi loạn… tôi muốn nói đến những tầng lớp trung lưu của nước Anh, các nhà sản xuất, tiểu điền chủ, thương gia, các quý ông ở nông thôn…”
Tại Mỹ cũng vậy, thực tế đằng sau những từ ngữ của Tuyên ngôn Độc lập (xuất bản cùng năm với cuốn The Wealth of Nations − Của cải của các quốc gia, một tuyên ngôn của chủ nghĩa tư bản, do Adam Smith viết) đó là tầng lớp phất lên ở Mỹ phải tập hợp quanh họ một lực lượng những người Mỹ đủ mạnh để đánh bại nước Anh, mà không gây ra quá nhiều phiền toái cho mối quan hệ giữa của cải và quyền lực vốn đã được gây dựng suốt 150 năm trong lịch sử thuộc địa. Trên thực tế, 69% những người đặt bút ký Tuyên ngôn Độc lập đều giữ chức vụ dưới quyền nước Anh.
Khi Tuyên ngôn Độc lập được công bố, với tất cả những ngôn từ cấp tiến hết sức rực rỡ của nó, từ ban công hội trường thành phố Boston, nó được xướng lên bởi chính Thomas Crafts, một thành viên trong nhóm Loyal Nine những người bảo thủ phản đối các hoạt động quân sự chống lại nước Anh. Bốn ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn, Ủy ban Thư tín Boston đã kêu gọi dân công trong thành phố thực hiện chế độ quân dịch. Những người giàu có vẫn có thể tránh quân dịch bằng cách trả tiền cho người đi thay, còn người nghèo phải tiếp tục phục vụ. Điều này đã dẫn đến sự nổi loạn và những tiếng kêu than: “Chuyên chế vẫn là chuyên chế, bất kể nó xuất phát từ ai.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.