Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
5. MỘT KIỂU CÁCH MẠNG
Thắng lợi của người Mỹ trước quân đội Anh là nhờ những người dân được trang bị vũ khí. Gần như tất cả đàn ông da trắng đều có súng và biết bắn. Các lãnh tụ cách mạng không tin tưởng số đông người nghèo và cách mạng cũng không hấp dẫn nô lệ và người Anh-điêng. Họ phải tranh thủ người da trắng có vũ khí.
Điều đó thật không dễ dàng. Thợ thuyền, thủy thủ và một vài nhóm khác có thể bị kích động chống lại người Anh. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành với chiến tranh nói chung không mạnh mẽ. Trong khi phần nhiều đàn ông da trắng gia nhập quân đội, vẫn còn một bộ phận nhỏ đứng ngoài. Trong cuốn A People Numerous and Armed (Những người dân đông đảo và có vũ trang), John Shy viết: “Họ mệt mỏi vì bị lừa bịp bởi các ủy ban an ninh địa phương, những viên trợ lý sỹ quan quân nhu, những nhóm người lạ rách rưới mang súng và tự gọi mình là chiến binh cách mạng”. Shy ước tính khoảng một phần năm dân số có xu hướng phản nghịch. Theo tính toán của John Adams, một phần ba chống đối, một phần ba ủng hộ, còn một phần ba trung lập.
Alexander Hamilton , một cộng sự thân tín của George Washington và là thành viên triển vọng trong giới quý tộc mới, viết rằng “dân quê của chúng ta ngu xuẩn như lừa và thụ động như cừu… Chúng không thể được tự do… Nếu chúng được cứu vớt, người Pháp và người Tây Ban Nha phải bảo vệ chúng ta”.
Chế độ nô lệ tiến dần về phía Nam. Rơi vào tình trạng mất an ninh từ sau cuộc nổi dậy của nô lệ ở Stono năm 1739, Nam Carolina phải khó khăn lắm mới có thể chống lại người Anh. Họ đã phải sử dụng tới quân đội để kiểm soát nô lệ.
Shy cho biết, những người lần đầu gia nhập quân đội thuộc địa phải được “xác nhận phẩm chất đáng trọng hay ít nhất có tư cách công dân đầy đủ” ở cộng đồng của mình. Những người không được tham gia quân đội gồm người Anh-điêng, người da đen tự do, đầy tớ da trắng và người da trắng ngụ cư. Nhưng tình thế khó khăn đã dẫn tới việc phải tuyển mộ cả những người da trắng “ít được kính trọng hơn”. Massachusetts và
Virginia còn quy định bắt quân dịch cả những người lang thang. Trên thực tế, quân đội là nơi đầy hứa hẹn đối với người nghèo, nơi họ có thể nâng cao được thứ hạng, có nhiều tiền hơn và có thể thay đổi vị thế xã hội của mình.
Có một biện pháp truyền thống mà những người chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự xã hội sử dụng để huy động hoặc rèn luyện nhóm cư dân cứng đầu – đó là dùng tính chất phiêu lưu và những quyền lợi của quân dịch để thu phục người nghèo vào cuộc chiến vì một sự nghiệp mà có thể họ không coi đó là của mình. Một viên đại úy Mỹ bị thương tại đồi Bunker Hill, khi trả lời câu hỏi của Peter Oliver, thành viên Đảng Bảo thủ ở Anh (người có thể đang tìm hiểu phản ứng đáp trả), đã kể lại việc anh ta gia nhập quân nổi dậy:
Tôi là thợ đóng giày và kiếm sống bằng sức lao động. Khi cuộc nổi dậy nổ ra, tôi thấy một số người hàng xóm gia nhập quân đội, những người này không giỏi hơn tôi. Tôi là người nhiều tham vọng và không thích nhìn thấy họ đứng cao hơn mình. Tôi đã được yêu cầu nhập ngũ, trở thành binh sỹ… Lúc đó tôi hình dung mình đang trên con đường thăng tiến: Nếu tôi chết trên chiến trường, mọi thứ kết thúc; nhưng nếu một viên đại úy nào đó chết, tôi sẽ được thăng cấp và đó là cơ hội để thăng tiến. Tiếng dạ tuân lệnh đó là động lực duy nhất để tôi phục vụ quân ngũ. Vì thế, tôi không hề biết chút gì về những tranh chấp giữa Anh quốc và các thuộc địa …
Tiếp đó, John Shy tìm hiểu trải nghiệm của viên trung úy tại đồi Bunker Hill, đó là William Scott thuộc Peterborough, New Hampshire. Người này từng là tù nhân của Anh, sau đó trốn thoát và trở lại quân đội Mỹ, chiến đấu ở New York. Sau đó ông ta bị Anh bắt lại, nhưng lại trốn thoát bằng cách bơi qua sông Hudson trong đêm. ông ta trở lại New Hampshire, cùng với hai người con trai lớn lập đội quân riêng, tiếp tục chiến đấu tới khi kiệt sức. ông ta từng chứng kiến người con cả chết vì sốt. ông ta cũng bán trang trại của mình ở Peterborough vì nhận ra rằng do lạm phát, nó đã trở nên không còn giá trị. Sau chiến tranh, ông ta được công chúng chú ý vì cứu sống được tám người sắp chết đuối khi thuyền của họ bị lật ở cảng New York. Sau đó, ông ta chuyển sang làm việc khảo sát các vùng đất miền tây cho quân đội, bị sốt và chết năm 1796.
Scott là một trong nhiều chiến binh Cách mạng có cấp bậc thấp do xuất phát từ tầng lớp thấp, nghèo. Những nghiên cứu của Shy về quân đội Peterborough cho thấy rất ít công dân quan trọng, nổi bật của thành phố này tham gia chiến tranh. Tại các thành phố khác của Mỹ cũng có cùng xu thế này. Shy viết:
“Nước Mỹ thời Cách mạng có thể đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu, hạnh phúc và giàu có hơn những tầng lớp khác cùng thời. Nhưng đồng thời cũng tồn tại một bộ phần lớn những người nghèo ngày càng gia tăng. Trên thực tế, chính những người thuộc tầng lớp này lại tham gia chiến tranh và chịu tổn thất nhiều hơn trong khoảng từ năm 1775-1783. Đây là một câu chuyện rất cũ.”
Xung đột quân sự lúc đó lấn át và làm lu mờ những vấn đề khác, đẩy người ta về phía cuộc Cách mạng mà lợi ích của nó không hề rõ ràng. Tầng lớp thượng lưu lãnh đạo dường như đã đúc kết được từ đời này qua đời khác – dù có ý thức hay không – rằng chiến tranh làm cho họ an toàn hơn đối với những rắc rối xảy ra trong nội bộ.
Việc chuẩn bị lực lượng quân sự đã mở đường đưa những người trung lập vào hàng ngũ. Thí dụ ở Connecticut, luật đã thông qua chế độ quân dịch bắt buộc đối với tất cả đàn ông trong độ tuổi từ 16 tới 60, trừ các đối tượng như quan chức chính phủ, các bộ trưởng, sinh viên Trường Yale, người da đen, người Anh-điêng và người da trắng lai da đen. Người bị gọi quân dịch có thể cử người thay thế hoặc tránh quân dịch bằng cách nộp năm bảng! Có 18 người đàn ông đã không thực hiện nghĩa vụ quân sự, liền bị bắt giam và để được trả tự do họ phải cam kết đi chiến đấu. Shy nói: “Cơ chế chuyển đổi chính trị của họ là quân đội.” Những điều tưởng chừng giống như dân chủ hóa các lực lượng quân sự trong thời hiện đại, cũng có một số điểm khác biệt: cách thức ép buộc số lượng lớn những người miễn cưỡng tập hợp lại vì sự nghiệp chung của quốc gia và để đến khi kết thúc quá trình khiến họ tin vào sự nghiệp này.
Trong cuộc chiến vì tự do này, rõ ràng đã có chế độ cưỡng bách quân dịch và ý thức về sự giàu có. Theo các thông tin còn lưu giữ được về bạo động chống lại người Anh liên quan chế độ cưỡng bách quân dịch, thì chế độ cưỡng bách quân dịch được Hải quân Mỹ thực hiện vào năm 1779. Một quan chức Pennsylvania nói: “Chúng tôi không thể không nhận thấy sự giống nhau giữa cách hành xử này (cưỡng bách quân dịch) với hành động của các quan chức Anh trong quá trình chúng tôi bị Anh quốc khuất phục; và chúng tôi tin rằng cả hai sẽ cùng có những hậu quả: sự bất hòa giữa người dân và giới cầm quyền, dễ dẫn tới hình thành phe đối lập… và gây đổ máu.”
Chứng kiến nguyên tắc hà khắc mới của quân đội ở Washington, một đức cha tuyên úy ở Concord, Massachusetts, viết: “Chủ mới, luật mới. Chính quyền hà khắc nhất đang tồn tại và sự phân biệt lớn được thiết lập giữa giới chức và người dân. Tất cả phải biết rõ chỗ của mình và bảo vệ nó, nếu không sẽ ngay lập tức bị trói và bị đánh không phải một, mà 30 hoặc 40 roi.”
Người Mỹ thua trong những trận đánh đầu tiên: Bunker Hill, Brooklyn Heights, Harlem Heights, hay vùng cực nam Deep South; họ thắng một vài trận nhỏ ở Trenton và Princeton, sau đó là điểm bước ngoặt – một trận đánh lớn ở Saratoga, New York, năm 1777. Trong khi quân đội của Washington cố bám trụ tại vùng Valley Forge, Benjamin Franklin tiến hành thương thuyết với đế chế Pháp, những người cũng rất nóng lòng muốn phản công nước Anh. Cuộc chiến chuyển hướng về phía Nam, nơi người Anh giành chiến thắng liên tiếp, cho tới khi người Mỹ giành thắng lợi cuối cùng tại Yorktown, Virginia, vào năm 1781, nhờ được hỗ trợ từ quân đội Pháp, hải quân Pháp đã giúp ngăn chặn quân Anh cung cấp vũ khí và tăng cường lực lượng.
Mâu thuẫn bị dồn nén giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ xuất hiện trở lại. Giữa lúc cuộc chiến diễn ra – giai đoạn được sử gia Eric Foner mô tả là “thời kỳ của lợi nhuận khổng lồ đối với thực dân, nhưng lại là nỗi cơ cực của những người khác” – ở Philadelphia, lạm phát (trong một tháng giá cả tăng tới 45%) đã kích động và thúc giục công chúng hành động. Một tờ báo ở Philadelphia ghi lại: Ở châu âu, người ta luôn đòi công bằng bởi những kẻ đầu cơ quá tham lam đã dẫn tới nạn khan hiếm bánh mỳ. Họ phá các kho chứa, lấy lương thực dự trữ và trong một số trường hợp còn treo cổ những “kẻ chủ mưu” gây ra nỗi thống khổ cho họ.
Tháng 5 năm 1779, Đại đội đầu tiên của Pháo binh Philadelphia báo cáo lên Quốc hội về những vụ rắc rối giữa “tầng lớp trung lưu với người nghèo” và đe dọa gây bạo lực chống lại những kẻ “có tham vọng tích lũy tài sản bằng việc phá hoại lợi ích cộng đồng”. Cũng trong tháng đó, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra nhằm kêu gọi giảm giá và tiến hành điều tra Robert Morris − một ông chủ giàu có người Philadelphia bị cáo buộc đầu cơ lương thực trên thị trường. Đến tháng 10 xảy ra cuộc “Nổi dậy Pháo đài Wilson”. Một nhóm tay súng nổi dậy tiến vào thành phố và nhà riêng của James Wilson, một luật sư giàu có, nhà lãnh đạo Cách mạng từng chống lại việc kiểm soát giá cả và thể chế dân chủ đã được thiết lập tại Pennsylvania năm 1776. Các tay súng nổi dậy đã bị thất bại trước “lữ đoàn tất lụa” (silk stocking brigade) của tầng lớp giàu có ở Philadelphia.
Dường như một bộ phận lớn người định cư da trắng, những người có ít đất hoặc hầu như không có tài sản nhưng vẫn giàu có hơn nô lệ, đầy tớ hay thổ dân Anh-điêng; họ cũng có thể dễ bị thuyết phục tham gia liên minh Cách mạng. Nhưng khi cuộc chiến đòi hỏi nhiều sự hy sinh hơn thì các đặc quyền và sự an toàn của những người giàu bắt đầu trở nên khó có thể chấp nhận. Khoảng 10% dân số người da trắng (theo ước tính của Jackson Main trong cuốn The Social Structure of Revolutionary America − Cấu trúc xã hội của nước Mỹ thời Cách mạng), chủ yếu là chủ đất và thương gia, có ít nhất 1.000 bảng là tài sản cá nhân và 1.000 bảng trị giá đất đai. Nhóm người này sở hữu gần một nửa giá trị tài sản của quốc gia và số lượng nô lệ bằng một phần bảy dân số nước Mỹ.
Quốc hội Lục địa, thể chế quản lý và điều hành các thuộc địa trong thời gian chiến tranh, bị thống trị bởi giới thượng lưu liên kết với nhau thành bè phái và bằng những thỏa thuận của doanh nghiệp hay gia đình. Mối liên hệ này nối Bắc với Nam, Đông với Tây. Thí dụ, Richard Henry Lee ở Virginia liên kết với gia đình Adamses ở Massachusetts và dòng họ Shippens ở Pennsylvania. Giới đại điện các thuộc địa ở miền Trung và Nam có quan hệ mật thiết với Robert Morris ở Pennsylvania thông qua thương mại và đầu cơ đất đai. Morris là người giám sát tài chính và “trợ lý” của ông là Gouverneur Morris .
Kế hoạch của Morris là mang lại sự bảo đảm hơn đối với những người đóng góp tài chính cho Quốc hội Lục địa và được giới chức hỗ trợ. Kế hoạch này đã bỏ qua giới binh sỹ bình thường, những người không được trả lương, phải chịu đựng cái giá lạnh, bệnh tật, trong khi lại chứng kiến những kẻ hưởng lợi ngày càng giàu có. Vào ngày đầu năm 1781, một đội quân Pennsylvania ở gần thành phố Morristown, bang New Jersey, trở nên táo bạo do rượu mạnh, đã tấn công các sỹ quan, giết một viên đại úy, làm nhiều sỹ quan bị thương, sau đó diễu hành trên phố, thậm chí với súng đại bác, tiến về tòa nhà Quốc hội Lục địa ở Philadelphia.
George Washington đã xử lý vụ việc hết sức thận trọng. Được tướng Anthony Wayne thông báo diễn biến tình hình kịp thời, ông chỉ đạo Wayne không được sử dụng vũ lực bởi lo ngại cuộc nổi dậy sẽ lan tới các binh sỹ của mình. ông yêu cầu Wayne lập danh sách những yêu sách của binh sỹ và kêu gọi Quốc hội không được bỏ rơi Philadelphia, vì có thể việc đó sẽ mở đường để dân thường Philadelphia tham gia nổi loạn cùng các binh sỹ. ông cử Henry Knox ngay lập tức tới New England bằng ngựa để kiếm khoản trả lương ba tháng cho các binh sỹ. Cùng lúc đó, ông chuẩn bị khoảng một nghìn binh sỹ để sẵn sàng đối phó các binh sỹ nổi loạn, coi đó là phương sách cuối cùng. Thương lượng hòa bình được tiến hành, một nửa số binh sỹ nổi loạn bị thải hồi, nửa còn lại được nghỉ phép!
Thời gian ngắn sau vụ việc trên, một cuộc binh biến nhỏ xảy ra ở New Jersey Line, với khoảng 200 binh sỹ tham gia. Họ thách đấu các sỹ quan và khởi hành tới thủ phủ bang tại Trenton. Lúc này, Washington đã sẵn sàng. Khoảng 600 binh sỹ được trang bị đầy đủ đã tấn công các binh sỹ nổi dậy, bao vây và tước vũ khí của họ. Ba lãnh tụ cầm đầu cuộc bạo động đã bị xét xử lập tức tại chiến trường. Một người được ân xá, hai người khác bị bắn chết, do chính một tay súng là bạn bè của họ − người bật khóc khi đưa tay kéo cò!
Hai năm sau, lại có một cuộc bạo loạn khác ở Pennsylvania. Chiến tranh đã kết thúc và quân đội đã giải giáp. Tuy nhiên, 80 binh sỹ đòi trả lương, họ đột nhập trụ sở Quốc hội Lục địa tại Philadelphia và buộc các nghị sỹ phải vượt sông để tới Princeton. Nhà sử học John Fisk viết trong cuốn The Critical Period (Thời kỳ nguy nan): “Họ bị một nhóm những kẻ bạo loạn say đẩy xô ra khỏi cửa một cách thô bạo.”
Các binh sỹ Cách mạng có thể làm được nhiều nhất là nổi loạn chống lại chỉ huy của họ, trong khi dân thường có thể dễ dàng làm nhiều hơn thế. Ronald Hoffman nói: “Cách mạng đã đẩy các bang Delaware, Maryland, Bắc Carolina, Nam Carolina, Georgia và Virginia vào những mâu thuẫn dân sự kéo dài suốt thời kỳ chiến tranh ở cấp độ nhẹ hơn. Các tầng lớp thấp ở miền Nam đã kháng cự khi bị lôi kéo vào cuộc Cách mạng. Họ đặt mình dưới luật pháp của giới thượng lưu chính trị, thắng hoặc thua người Anh.”
Chẳng hạn, ở Maryland, theo hiến pháp mới năm 1776, để chạy đua vào chức thống đốc bang, ứng cử viên phải sở hữu tài sản trị giá khoảng năm nghìn bảng và chức thượng nghị sỹ bang là một nghìn bảng. Vì thế, 90% dân số bị loại khỏi cơ hội nắm giữ các chức vụ. Hoffman nói, “các đối tượng như chủ nô lệ nhỏ, chủ đồn điền không có nô lệ, tá điền hay người lao động bình thường đã đặt ra một vấn đề nghiêm trọng về quản lý xã hội cho giới thượng lưu Đảng Whig (tiền thân của Đảng Tự do ở Anh, hoạt động từ năm 1833-1856, mục đích đối lập với Andrew Jackson và Đảng Dân chủ, chủ trương ủng hộ thay đổi, đưa quyền hạn của Quốc hội lên trên tổng thống, hiện đại hóa và giữ nền kinh tế bảo thủ – ND).”
Với số lượng nô lệ da đen chiếm khoảng 25% dân số (và ở một số hạt lên tới 50%), nỗi lo về bạo loạn của nô lệ ngày càng tăng. George Washington đã tìm cách dẹp yên những yêu sách của người da đen đang tìm kiếm tự do, muốn tham gia quân đội Cách mạng. Vì thế, việc Tư lệnh quân đội Anh ở Virginia, Lord Dunmore, hứa trả tự do cho nô lệ ở Virginia nếu tham gia quân đội của ông ta, đã gây ra mối lo ngại sâu sắc. Báo cáo từ một hạt thuộc Maryland về nỗi lo người nghèo da trắng kích động nô lệ bỏ trốn, viết:
Sự xấc láo của đám mọi đen trong hạt này đã lên đến đỉnh điểm, buộc chúng ta phải tước bỏ vũ khí của chúng hôm thứ Bảy vừa qua. Chúng ta đã thu được tám khẩu súng, một vài lưỡi lê, kiếm… Những phát biểu thiếu suy nghĩ và đầy hiềm khích của một số người thuộc tầng lớp da trắng thấp kém đã khiến chúng tin rằng tự do của chúng phụ thuộc vào thành công của quân đội Nhà vua. Chúng ta không thể lúc nào cũng quá cảnh giác hay quá thận trọng với những kẻ chuyên kích động, thúc đẩy tinh thần chống đối trong những nô lệ của chúng ta.
Đáng lo ngại hơn thế là các cuộc nổi loạn của người da trắng ở Maryland chống lại các gia đình đi đầu ủng hộ Cách mạng, những người bị nghi là đang tích trữ mặt hàng thiết yếu. Sự hận thù giai cấp của một số người thiếu trung thành ấy được mô tả thế này: “Tốt hơn là mọi người hãy buông vũ khí, nộp thuế theo quy định của Nhà vua và Nghị viện, hơn là bị đẩy vào tình thế làm nô lệ và bị ra lệnh, chỉ huy như họ vẫn chịu lâu nay.” Một chủ đồn điền giàu có ở Maryland, Charles Carroll đã ghi lại không khí thiếu thân thiện quanh mình như sau:
Ở đây có sự đố kỵ bẩn thỉu, thấp hèn và ích kỷ, nó len lỏi trong mọi tầng lớp. Và rất khó chịu đựng một người có ưu thế nổi trội về tài sản, về thành tích, hay về sự hiểu biết trong cộng đồng dân cư. Dù không ai trong số đó chắc chắn là kế thừa cái ý chí kém cỏi và sự căm ghét đối với giới chủ.
Dù vậy giới chức Maryland vẫn duy trì sự kiểm soát. Họ cũng nhượng bộ, trong khi áp dụng thuế đất và nô lệ nặng hơn, cho phép con nợ thanh toán bằng tiền giấy. Đó cũng chính là sự “hy sinh” của tầng lớp trên nhằm duy trì quyền lực và điều đó đã đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Hoffman, tại những vùng thấp hơn ở miền Nam, như Carolinas và Georgia, “cả khu vực rộng lớn đã không có biểu hiện rõ ràng của quyền lực”. Tâm trạng chung là không tham gia cuộc chiến tranh mà dường như không có ý nghĩa gì với họ. “Những nhân vật có vị thế và quyền lực thuộc cả hai bên đều đòi hỏi dân thường cung cấp nguyên liệu, hạn chế tiêu dùng, bỏ mặc gia đình và thậm chí là dám hy sinh mạng sống. Bị ép phải đưa ra các quyết định khó khăn, nhiều người bị rơi vào thất vọng, lảng tránh, hoặc thách thức một bên trước, sau đó chuyển sang bên kia…”
Ở vùng hạ nam, Nathanael Greene , chỉ huy quân đội của Washington, đã đối phó tình trạng bất trung thành đó bằng chính sách nhượng bộ với số này và trấn áp đối với số khác. Trong thư gửi Thomas Jefferson, ông ta đã kể lại trận quân đội của ông ta đàn áp những người trung thành . “Họ đã thực hiện một vụ thảm sát, gần 100 người bị giết và hầu hết những người còn lại bị thương. Điều đó đã tạo được hiệu quả rất tốt đối với những kẻ phản bội nhan nhản trên đất nước này”. Greene hạ lệnh cho một viên tướng “tiến hành khủng bố với kẻ thù của chúng ta và bày tỏ tinh thần hợp tác với bạn bè của chúng ta”. Mặt khác, ông ta cũng khuyến cáo thống đốc bang George “nên mở cửa đối với những kẻ không trung thành với nhà nước của ông…”
Nói chung, tất cả các bang đều duy trì sự nhượng bộ ở mức tối thiểu. Các hiến pháp mới được thông qua ở tất cả các bang, từ năm 1776 đến 1780, đều không khác nhiều so với các bản hiến pháp trước đó. Chất lượng bầu cử và điều hành ở một vài nơi còn thấp, nhưng ở Massachusetts đã được nâng cao. Duy nhất Pennsylvania là xóa bỏ hoàn toàn. Các luật mới về quyền dân sự đều thay đổi các điều khoản. Về quyền tự do tôn giáo, Bắc Carolina bổ sung điều khoản “không điều gì quy định tại đây được hiểu là miễn cho những người truyền giáo có những phát biểu mang tính phản nghịch hay xúi giục nổi loạn, khỏi bị truy tố và trừng phạt”. Các bang Maryland, New York, Georgia và Massachusetts cũng có mối lo lắng tương tự.
Đôi khi, cuộc Cách mạng Mỹ bị coi là đã gây ra sự chia rẽ giữa nhà thờ và nhà nước. Các bang miền Bắc đã tuyên bố như vậy, nhưng sau năm 1776 họ vẫn thông qua các loại thuế ép mọi người phải ủng hộ truyền Đạo Thiên chúa. Năm 1892, chánh án Tòa án Tối cao David Brewer cho rằng “Đây là một quốc gia Thiên Chúa giáo”, còn William G. McLoughlin nói về sự chia rẽ giữa nhà thờ và nhà nước trong cuộc Cách mạng: “dù không được nhận thức hay thực hiện, tôn giáo đã len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống người Mỹ”.
Qua việc xem xét những tác động của Cách mạng đối với quan hệ giữa các tầng lớp xã hội, có thể thấy được điều gì xảy ra với đất đai sung công từ tầng lớp trung thành bỏ trốn đó. Đất đai được phân bổ theo cách thức tạo gấp đôi cơ hội cho các lãnh đạo Cách mạng: Họ làm giàu cho chính mình và bạn bè; họ cũng chia một phần đất cho nông dân nhằm tạo cơ sở ủng hộ lớn hơn cho chính quyền mới. Thực tế, điều đó đã trở thành đặc tính của một quốc gia mới: Có thể tạo ra một giai cấp cầm quyền giàu có nhất trong lịch sử, nhưng vẫn tạo cơ hội đủ cho các tầng lớp trung lưu để biến họ thành vùng đệm giữa người giàu và thành phần chống đối.
Thực tế, những người trung thành sở hữu một lượng đất đai khổng lồ đã trở thành một trong những yếu tố hấp dẫn của cách mạng. Lord Fairfax ở Virginia có hơn năm triệu mẫu đất ở khắp 21 hạt. Thu nhập của Lord Baltimore từ sở hữu đất đai ở Maryland vượt quá con số 30 nghìn bảng Anh mỗi năm. Sau Cách mạng, Lord Fairfax đã được bảo vệ an toàn, ông ta trở thành bạn của George Washington. Nhưng một số người trung thành khác, sở hữu khối tài sản lớn, nhất là những người vắng mặt, đã bị sung công đất đai. Ở New York, số nông dân nhỏ có tài sản tăng lên sau Cách mạng; còn số nông dân tá điền ít hơn, đây là đối tượng gây nhiều rắc rối trong những năm trước Cách mạng.
Theo Rowland Berthoff và John Murrin, dù số lượng nông dân tự do tăng lên, nhưng “cấu trúc giai cấp không có thay đổi đáng kể”. Nhóm cầm quyền có thay đổi về con người: “các gia đình thương gia đang lên ở Boston, New York hay Philadelphia… đã bị hạ bệ vị thế xã hội đáng kể – một số trường hợp nhà cửa của những người kinh doanh thua lỗ bị sung công, bản thân họ bị lưu đày để thể hiện sự trung thành với hoàng tộc”.
Edmund Morgan tổng kết bản chất giai cấp của Cách mạng như sau: “Yếu tố tầng lớp thấp hơn được tham gia vào cuộc đấu tranh đã không thể làm lu mờ thực tế rằng bản thân cuộc đấu tranh này đã là một cuộc đấu tranh giành quyền lực và chức vị giữa các thành viên của giai cấp cao hơn. Cuộc đấu tranh đó diễn ra giữa cái mới và cái đã hình thành”. Xem xét tình hình sau cách mạng, Richard Morris nhận xét: “Ở khắp mọi nơi đều có thể thấy sự bất bình đẳng.” ông phát hiện ra rằng, trong câu khẩu hiệu của ông chủ cực kỳ giàu có, Gouvernuer Morris nói rằng “Chúng ta là nhân dân của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”, thì “nhân dân” ở đây không bao gồm thổ dân, người da đen, phụ nữ và đầy tớ da trắng. Trên thực tế, số đầy tớ trở nên nhiều hơn bao giờ hết và cách mạng “đã không làm được gì để chấm dứt hoặc cải thiện trình trạng nô lệ của người da trắng”.
Trong cuốn Out of Our Past (Trong quá khứ của chúng ta), Carl Degler viết: “Không có giai cấp xã hội mới nào lên cầm quyền thông qua cánh cửa cuộc Cách mạng Mỹ. Những người khởi xướng cuộc nổi dậy đó cũng chính là thành viên của giai cấp thực dân cầm quyền.” George Washington là người giàu có nhất nước Mỹ. John Hancock là một thương gia Boston phát đạt. Benjamin Franklin cũng là một chủ nhà in giàu kếch xù. Và nhiều nữa.
Mặt khác, các công nhân, thợ cơ khí, thủy thủ và nông dân đã được gộp chung thành khái niệm “nhân dân”, bằng lối nói hoa mỹ của cuộc Cách mạng, bằng tình thân của quân dịch và bằng sự phân phối đất đai; từ đó tạo ra một sự hỗ trợ, đồng thuận quốc gia, một thứ mà có thể được gọi là “nước Mỹ”, dù không bao gồm những người bị đàn áp và quên lãng.
Một nghiên cứu của Staughton Lynd, ở hạt Dutchess, New York, trong giai đoạn cách mạng đã bổ sung cho quan điểm này. Năm 1766 đã xảy ra hàng loạt cuộc nổi dậy của tá điền chống lại các ông chủ phong kiến giàu kếch xù ở New York. Rensselaerwyck có tới một triệu mẫu đất. Tá điền chỉ muốn đòi phần ít ỏi trong số đó, và rồi tâm trạng không vừa lòng đã biến thành bạo lực. Ở Poughkeepsie, 1.700 tá điền được vũ trang đã nổi dậy, phá hủy nhà tù.
Trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng, ở hạt Duchess cũng có một cuộc đấu tranh đòi phân chia lại đất đai bị sung công, nhưng chỉ xảy ra chủ yếu giữa các nhóm quý tộc. Một trong số đó là cuộc đấu tranh chống phong kiến ở Poughkeepsie (của những người chống đối Hiến pháp), gồm những người “thích làm giàu”, những nhân vật mới nổi trong lĩnh vực kinh doanh và đất đai. Những người này hứa hẹn với tá điền rằng sẽ ủng hộ họ, sẽ coi giải quyết nỗi thống khổ của tá điền là mục tiêu chính trị của mình và bảo vệ tài sản của họ.
Cũng trong thời kỳ Cách mạng, để tuyển mộ làm binh lính, tá điền được hứa hẹn cấp đất. Một ông chủ đất lớn ở Hạt Duchess từng viết vào năm 1777 rằng, một lời hứa cấp đất cho tá điền “có thể giúp đưa ít nhất sáu nghìn nông dân ra đồng”. Nhưng những nông dân được chiêu mộ vào Cách mạng và hy vọng nhận được một vài thứ gì đó đã nhận ra rằng, tham gia quân đội mỗi tháng họ chỉ nhận 6,66 đô-la, trong khi một viên trung úy có thể được 75 đô-la một tháng. Họ cũng phát hiện ra rằng là các “ông thầu” của chính quyền địa phương, như Melancton Smith và Mathew Paterson ngày càng giàu, còn phần thù lao họ nhận được tính theo đồng tiền lục địa trở nên vô giá trị bởi lạm phát.
Tất cả những điều này đã biến tá điền thành một lực lượng đáng lo ngại trong cuộc chiến tranh. Rất nhiều tá điền không còn thuê đất nộp tô cho chủ. Do lo ngại, một luật mới được thông qua nhằm sung công đất của phái trung thành và bổ sung những chủ đất mới vào con số 1.800 người hiện có ở hạt. Điều này đồng nghĩa với việc hình thành một khối mạnh mẽ mới cho phái của những người giàu có tham gia cuộc đấu tranh chống phong kiến vào năm 1788. Khi những chủ đất mới gia nhập vòng quay của cách mạng và dường như chịu sự kiểm soát mang tính chính trị, thì các nhà lãnh đạo, như Mclancton Smith và những người khác, lúc đầu còn chống lại việc thông qua Hiến pháp, sau đó chuyển sang ủng hộ; và với việc được New York phê chuẩn, việc thông qua Hiến pháp đã được bảo đảm. Những chủ sở hữu tự do đó nhận ra rằng họ không còn là tá điền, nhưng lại trở thành những người đi cầm cố khi phải trả các khoản vay ngân hàng, thay vì nộp tô cho giới chủ đất.
Dường như cuộc nổi dậy chống chế độ cai trị Anh đã dẫn tới việc một nhóm quý tộc thuộc địa thay thế những người trung thành với Anh quốc; tạo một vài lợi ích cho những chủ đất nhỏ và đẩy người lao động nghèo da trắng cùng nông dân tá điền trở về tình trạng trước đây của họ.
Cách mạng có ý nghĩa gì đối với người Mỹ bản địa, người Anh-điêng? Họ bị quên lãng bởi những lời lẽ hoa mỹ trong Tuyên ngôn Độc lập. Họ không được đối xử công bằng, không được lựa chọn là những người sẽ lãnh đạo các vùng lãnh thổ Mỹ mà họ đã và đang sinh sống, không được tìm kiếm hạnh phúc mà họ theo đuổi trong nhiều thế kỷ, trước khi người châu âu tới. Và bây giờ, khi người Anh đã ra đi, người Mỹ có thể bắt đầu quá trình đẩy người Anh-điêng ra khỏi đất đai của họ, giết hại họ nếu phản kháng. Tóm lại, như Francis Jennings đã nói, người Mỹ da trắng vừa chống lại sự kiểm soát của đế quốc Anh ở phía Đông, lại vừa tìm kiếm củng cố chủ nghĩa đế quốc của riêng mình ở phía Tây.
Trước Cách mạng, người Anh-điêng đã bị đánh bại trước bạo lực, ở Virginia và New England. Dù sao, họ cũng đã tìm được cách để cùng chung sống với thực dân. Nhưng đến khoảng năm 1750, khi dân số thực dân tăng nhanh, đẩy người Anh-điêng di chuyển về phía Tây, tới vùng đất mới, tạo điều kiện nảy sinh những xung đột. Những tên buôn đất từ phía Đông bắt đầu xuất hiện ở thung lũng sông Ohio, vùng lãnh thổ của liên minh các bộ lạc tham gia thỏa ước hữu nghị, gọi là Covenant Chain (Hiệp ước Vòng) , trong đó người Iroquois giữ vai trò phát ngôn. Tại New York, bằng những mánh khóe tinh vi, khoảng 800 nghìn mẫu đất của bộ lạc Mohawk đã bị cướp, chấm dứt thời kỳ hữu hảo giữa người Mohawk với New York. Lời phát biểu của lãnh tụ bộ lạc Mohawk, Hendrick, với Thống đốc George Clinton và hội đồng tỉnh New York năm 1753 đã được ghi lại như sau:
Hỡi người anh em, khi chúng tôi tới đây phàn nàn về chuyện đất đai, chúng tôi hy vọng được giúp đỡ điều gì đó. Và khi chúng tôi nói với người anh em rằng, Hiệp ước Vòng của cha ông chúng tôi đã bị phá vỡ, người anh em nói rằng chúng tôi sẽ được đền bù ở Albany. Nhưng chúng tôi biết rất rõ là chúng tôi sẽ không thể tin họ… Vì thế, chúng tôi trở về nhà và sẽ trao lại chuỗi vòng cho những người anh em của chúng tôi ở năm quốc gia để nói với họ rằng Hiệp ước Vòng giữa chúng tôi và người anh em đã bị phá vỡ. Vậy người anh em đừng hy vọng nghe được gì từ chúng tôi nữa và chúng tôi cũng mong không còn phải nghe gì từ người anh em.
Khi người Anh chiến đấu với người Pháp nhằm tranh giành Bắc Mỹ trong Cuộc chiến Bảy năm, người Anh-điêng đứng về phe Pháp. Người Pháp là thương gia, chứ không phải những kẻ chiếm đất đai của người Anh-điêng. Còn người Anh rõ ràng là nhòm ngó mảnh đất sinh sống và săn bắn của thổ dân da đỏ. Có người đã ghi lại được cuộc trò chuyện của Shingas – thủ lĩnh thổ dân Delaware, với Tướng Anh Braddock – người đang tìm kiếm sự giúp đỡ để chống lại người Pháp:
Shingas hỏi Tướng Braddock liệu thổ dân Anh-điêng là bạn của người Anh có thể được phép sống và buôn bán cùng người Anh, cũng như có đủ đất đai săn bắn để nuôi sống họ và gia đình họ không. Tướng Braddock trả lời rằng, không một người hoang dã (nguyên thủy) nào được thừa hưởng đất đai… Shingas và các thủ lĩnh khác trả lời, nếu họ không thể có tự do và được sống trên đất đai của họ, họ sẽ không chiến đấu nữa…
Khi cuộc chiến tranh đó chấm dứt năm 1763, người Pháp đã quên đồng minh, mà nhượng lại đất cho người Anh ở phía tây Appalachians. Vì vậy, người Anh-điêng đã tập hợp lại tiến hành cuộc chiến chống lại các pháo đài của người Anh ở miền Tây. Người Anh gọi cuộc chiến này là “âm mưu của Pontiac” , nhưng Francis Jennings gọi đây là “chiến tranh tự do vì độc lập”. Theo lệnh của Tướng Anh Jeffrey Amherst, Tư lệnh pháo đài Pitts đã trao cho các thủ lĩnh Anh-điêng mà ông ta đang đàm phán những chăn mền lấy từ bệnh viện có dịch đậu mùa. Đây có thể là một nỗ lực tiên phong đầu tiên cho thứ mà ngày nay người ta gọi là chiến tranh sinh học. Sau đó, dịch đậu mùa đã lan rộng trong cộng đồng người Anh-điêng.
Với thủ đoạn trên, cùng với việc đốt sạch làng mạc của thổ dân da đỏ, người Anh vẫn không thể hủy hoại được ý chí tiếp tục cuộc chiến tranh du kích của người Anh-điêng. Hòa bình được thiết lập, người Anh đồng ý thiết lập đường biên giới tại Applachians và người định cư da trắng sẽ không được xâm phạm lãnh địa của người Anh-điêng. Điều này quy định trong Tuyên bố của Hoàng gia năm 1763, khiến người Mỹ rất tức giận (điều khoản gốc của Virginia nói rằng đất đai của họ trải dài theo hướng Tây tới tận bờ biển). Đồng thời cũng giải thích tại sao người Anh-điêng chiến đấu chống lại người Anh trong cuộc Cách mạng. Khi đồng minh Pháp, sau này là đồng minh Anh ra đi, người Anh-điêng phải một mình đối mặt với một quốc gia khát đất đai.
Bấy giờ người Mỹ mới kết luận rằng đất đai của thổ dân Anh-điêng vẫn là của họ. Các cuộc chinh phạt về phía Tây nhằm thiết lập các vùng đất đai đó đã chấm dứt. Họ công nhận điều đó qua việc đặt tên gọi cho các cuộc chiến: “Harmar’s Humiliation” (Sự bẽ bàng của Harmar), hay “St. Clair’s Shame” (Nỗi xấu hổ của Glair). Thậm chí, ngay cả khi Tướng Anthony Wayne đánh bại liên minh miền Tây của người Anh-điêng năm 1789 trong Trận Fallen Timbers (Battle of Fallen Timbers) , ông ta cũng phải thừa nhận quyền lực của thổ dân. Hiệp ước Grenville nêu rõ, để chứng tỏ nhượng bộ về đất đai, Hoa Kỳ sẽ từ bỏ yêu sách đòi đất của người Anh-điêng ở phía bắc Ohio, phía đông Mississippi và phía nam vùng Great Lakes (Hồ Lớn), nhưng nếu người Anh-điêng muốn nhượng lại các vùng đất đó, họ nên nhượng lại cho Hoa Kỳ trước tiên.
Jennings đặt người Anh-điêng vào trung tâm cuộc Cách mạng Mỹ; đất đai của thổ dân da đỏ là thứ mà mọi người đang chiến đấu giành giật. Vì thế, Jennings coi cuộc cách mạng là “một khối khổng lồ những kẻ bị áp bức, bị bóc lột và cùng bóc lột lẫn nhau”. Giới quý tộc kiểm soát đất đai vùng ven biển, người nghèo tìm kiếm đất, bị đẩy xuống phía Tây. Như vậy đã có một bức tường thành hữu hiệu được dựng cho giới giàu có, bởi như Jennings nói, “mục tiêu trước hết của các cuộc chiến tranh mà người Anh-điêng tiến hành là cái đầu người vùng biên giới”.
Tình trạng của nô lệ da đen do cuộc Cách mạng Mỹ gây ra phức tạp hơn thế. Hàng nghìn người da đen đã chiến đấu chống lại người Anh, năm nghìn người trở thành chiến binh cách mạng, trong đó hầu hết là từ phương Bắc, một số người da đen tự do đến từ Virginia và Maryland, còn người vùng hạ Nam không hào hứng lắm với những người da đen vũ trang. Giữa bối cảnh khẩn cấp và hỗn loạn của cuộc chiến, hàng nghìn người đã giành lấy tự do cho mình bằng cách rời bỏ tàu Anh khi kết thúc cuộc chiến để định cư tại Anh, Nova Scotia, Tây Ấn hay châu Phi. Nhiều người trong số đó ở lại Mỹ, trở thành người da đen tự do sống lẩn tránh chủ của họ.
Ở các bang miền Bắc, các yếu tố khiến người da đen tham gia quân đội – người nô lệ thiếu các nhu cầu vật chất và tinh thần của cuộc cách mạng − đã giúp chấm dứt chế độ nô lệ, tuy tiến trình còn chậm. Vào cuối năm 1810, 30 nghìn người da đen, chiếm một phần tư dân số da đen ở phía Bắc, vẫn còn là nô lệ. Đến năm 1840, chỉ còn một nghìn nô lệ ở phương Bắc. Ở vùng thượng Bắc, ngày càng có nhiều người da đen tự do nên có nhiều luật kiểm soát hơn. Ở vùng hạ Nam, chế độ nô lệ vẫn mở rộng cùng với sự phát triển các đồn điền trồng lúa và trồng bông.
Những gì Cách mạng đem lại đó là đã tạo khoảng trống và cơ hội để người da đen bắt đầu đưa ra yêu sách trong xã hội da trắng. Đó là những yêu sách của giới quý tộc da đen mới nổi ở Baltimore, Philadelphia, Richmond, Savannah, và cũng có khi là của chính những nô lệ táo bạo và liều lĩnh. Với Tuyên ngôn Độc lập, người da đen thỉnh cầu Quốc hội và các cơ quan lập pháp nhà nước xóa bỏ chế độ nô lệ và trao cho người da đen các quyền bình đẳng. Ở Boston, người da đen đòi được hưởng trợ cấp của thành phố như người da trắng để nuôi dạy con cái. Ở Norfolk, họ đòi quyền được làm chứng tại tòa án. Người da đen Nashville yêu sách những người da đen tự do “được hưởng các cơ hội như bất kỳ người nào”… Peter Mathews, một người da đen làm nghề mổ thịt gia súc ở Charleston, cùng với giới thương gia và thợ thủ công da đen yêu cầu các nhà lập pháp bãi bỏ các luật phân biệt chủng tộc chống lại người da đen. Năm 1780, bảy người da đen ở Dartmouth, Massachusetts, yêu cầu nhà lập pháp trao cho người da đen quyền bỏ phiếu.
Benjamin Banneker, một người da đen tự học toán và thiên văn học, có thể dự đoán nhật thực và cũng là người lập kế hoạch xây dựng thành phố Washington mới, đã viết cho Thomas Jefferson thế này:
Tôi đặt giả thuyết, đó là một sự thật đã quá rõ ràng với ngài, nhưng ở đây vẫn cần chứng minh một điều, rằng chúng ta là một chủng tộc – những người lâu nay vẫn lao động dưới sự kiểm soát và lạm dụng của thế giới; rằng từ lâu nay chúng tôi vẫn bị nhìn bằng con mắt khinh miệt; và rằng lâu nay chúng tôi được coi là dã man hơn loài người và hầu như không có tài năng… Tôi cũng hiểu rõ là ngài sẽ tạo mọi cơ hội để xóa bỏ những tư tưởng và ý kiến sai trái, ngớ ngẩn đó, những ý kiến đang chiếm ưu thế so với sự tôn trọng dành cho chúng tôi. Và tâm trạng đó của ngài cũng như tôi, thứ tình cảm mà Thượng đế đã ban cho tất cả chúng ta. Và Thượng đế không chỉ tạo ra cho chúng ta cơ thể; mà còn ban cho tất cả chúng ta, không phân biệt, cùng thứ tình cảm, cùng các phương tiện…
Banneker đề nghị Jefferson “từ bỏ những định kiến hẹp hòi đã bị nhiễm”.
Jefferson đã dốc hết sức mình một cách thận trọng, với sức mạnh cá nhân được giải thoát khỏi những định kiến đó. Tuy nhiên, những yếu tố như cấu trúc xã hội Mỹ, quyền lực của giới chủ đồn điền trồng bông, buôn bán nô lệ, sự cấu kết chính trị giữa giới quý tộc ở hai miền Bắc Nam và nền văn hóa lâu đời về định kiến chủng tộc ở các thuộc địa, cũng như sự yếu kém của chính thứ văn hóa đó, đã khiến Jefferrson suốt đời vẫn là một ông chủ nô lệ.
Vị trí thấp kém của người da đen, người Anh-điêng bị loại khỏi xã hội mới, ưu thế tối thượng của giới quý tộc giàu có và đầy quyền lực hình thành ở quốc gia mới… ‒ tất cả những yếu tố này đã được thiết lập ở thuộc địa thời Cách mạng. Khi người Anh đã đi khỏi, điều này có thể được đưa thành văn bản, được củng cố, ban hành thành luật và thực thi bởi Hiến pháp Hoa Kỳ, do chính những lãnh đạo cách mạng ở Philadelphia dự thảo.
Năm tháng qua đi, đối với nhiều người Mỹ, Hiến pháp năm 1787 dường như là công việc sáng tạo thiên tài cho những con người giàu trí tuệ và lòng nhân ái soạn thảo, họ đã tạo khuôn khổ pháp lý cho dân chủ và bình đẳng. Quan điểm này được nhà sử học George Bancroft chứng minh, có thể là hơi thái quá, vào đầu thế kỷ XIX:
Hiến pháp không tạo ra được những gì có thể can thiệp vào sự bình đẳng và quyền cá nhân. Văn bản này không đề cập gì tới sự khác biệt giữa các thế hệ, quan điểm của các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo hợp pháp, hoặc quyền lực chính trị của tài sản. Nó đặt các cá nhân bên cạnh cá nhân… Giống như biển được hình thành từ những giọt nước, xã hội Mỹ cũng được tạo nên từ những cá nhân, những nguyên tử riêng rẽ, tự do, luôn luôn vận động và tác động tương hỗ… Vì thế luật pháp và thể chế của quốc gia phát triển từ nhiều ý tưởng cá nhân, giống như nước ở đại dương, luôn vận động không ngừng.
Một quan điểm nữa về Hiến pháp đã được nhà sử học Charles Beard phát triển vào đầu thế kỷ XX (từng gây tức giận, thậm chí phẫn nộ, trong đó có bài bình luận cáo buộc gay gắt trên tờ New York Times). Trong cuốn An Economic Interpretation of the Constitution (Giải thích Hiến pháp từ góc độ kinh tế), ông viết:
Do mục tiêu chính của một chính phủ, ngoài nhiệm vụ đơn thuần trấn áp bạo lực, là tạo ra các quy tắc nhằm bảo đảm quan hệ về mặt tài sản giữa các thành viên trong xã hội, nên các giai cấp thống trị muốn bảo vệ quyền của mình nhất thiết phải thông qua chính quyền, để điều khiển được các luật lệ hài hòa với lợi ích rộng lớn hơn nhằm bảo đảm tiến trình kinh tế của họ được tiếp tục, nếu không họ buộc phải tự kiểm soát các cơ quan của chính phủ.
Tóm lại, Beard nói, vì lợi ích của mình, giới giàu có hoặc là phải trực tiếp kiểm soát chính phủ, hoặc là kiểm soát luật pháp thông qua điều khiển chính quyền.
Beard đã áp dụng quan điểm chung này đối với 55 người tại Hội nghị Philadelphia để soạn thảo Hiến pháp . ông phát hiện ra rằng, phần đông những người này làm nghề luật sư. Hầu hết họ là người giàu có về đất đai, nô lệ, sản xuất hoặc xuất khẩu; một nửa trong số đó có tiền cho vay lấy lãi; và 40 trong số 55 người này sở hữu trái phiếu chính phủ, theo hồ sơ của Bộ Tài chính.
Beard kết luận, hầu hết những người tham gia soạn thảo bản Hiến pháp có một vài lợi ích kinh tế trực tiếp nào đó trong việc thúc đẩy thành lập một chính phủ liên bang mạnh mẽ: nhà sản xuất cần thuế bảo hộ; người cho vay lấy lãi muốn chấm dứt sử dụng tiền giấy để thanh toán nợ; chủ đầu cơ đất muốn được bảo vệ khi họ xâm lấn đất đai của người Anh-điêng; chủ nô lệ cần có an ninh liên bang chống lại các cuộc nổi dậy và bỏ trốn của nô lệ; giới nắm trái phiếu muốn chính phủ có đủ khả năng tăng ngân sách thông qua việc áp thuế trên toàn quốc, để thanh toán các khoản trái phiếu cho họ…
Beard chỉ ra bốn nhóm không được đại diện tham gia Hội nghị soạn thảo Hiến pháp, gồm: nô lệ, người hầu hợp đồng, phụ nữ và người không có tài sản. Và lẽ tất nhiên, bản Hiến pháp không thể hiện những lợi ích của các nhóm đối tượng này.
Beard không cho rằng Hiến pháp được soạn thảo chỉ đơn thuần có lợi cho Những người cha lập quốc, mặc dù ai đó có thể quên đi khối tài sản 150 nghìn đô-la của Benjamin Franklin, mối liên hệ giữa Alexander Hamilton với những lợi ích thông qua cha vợ và anh vợ, các đồn điền rộng lớn nhiều nô lệ của James Madison, hay tài sản đất đai khổng lồ của George Washington. Mà hơn thế, Hiến pháp đã làm lợi cho các nhóm mà Những người cha lập quốc đại diện, cho những “lợi ích kinh tế mà họ hiểu và cảm nhận được một cách cụ thể, xác định thông qua kinh nghiệm của chính họ”.
Không phải ai trong Hội nghị Philadelphia cũng phù hợp với quan điểm trên của Beard. Elbridge Gerry , một chủ đất ở Massachusetts, phản đối việc thông qua Hiến pháp. Tương tự, Luther Martin , tiểu bang Maryland, người được thừa hưởng tài sản đất đai khổng lồ của tổ tiên ở New Jersey, cũng phản đối. Tuy nhiên, trừ một vài ngoại lệ, Beard vẫn kết luận về sự liên quan chặt chẽ giữa sự giàu có và việc ủng hộ bản Hiến pháp.
Năm 1787, không chỉ có yêu cầu về một chính phủ trung ương mạnh để bảo vệ các lợi ích kinh tế rộng lớn, mà còn có nỗi lo khẩn cấp về các cuộc nổi dậy của nông dân bất mãn. Sự kiện về nỗi sợ hãi này là cuộc nổi dậy vào mùa hè năm 1786 ở tây Massachusetts, còn được biết đến với tên gọi Cuộc nổi loạn của Shays .
Ở các thành phố, thị trấn miền tây Massachusetts, sự phẫn nộ đối với chính quyền nổi lên ở Boston. Hiến pháp mới năm 1780 đã nâng tiêu chuẩn về tài sản đối với quyền bỏ phiếu. Không ai được giữ chức vụ trong chính quyền nếu không giàu có. Hơn nữa, cơ quan lập pháp từ chối cho phép phát hành tiền giấy, giống như ở một vài bang khác − chẳng hạn Rhode Island, tạo điều kiện hơn để những nông dân mắc nợ có thể thanh toán cho chủ nợ.
Những tổ chức hội đoàn bắt đầu hình thành ở một số hạt miền tây, nhằm chống đối cơ quan lập pháp. Một người tên là Plough Jogger phát biểu:
Tôi đã bị lạm dụng rất ghê gớm, trong chiến tranh bị buộc phải làm nhiều hơn khả năng, bị đánh nhiều loại thuế: thuế thị trấn, thuế tỉnh, thuế Lục địa… và tất cả các loại thuế đều nộp cho những viên quận trưởng, cảnh sát, tên thu thuế. Tôi buộc phải bán gia súc của mình với giá thấp hơn nhiều giá trị thực… Những kẻ vĩ đại ấy sẽ lấy tất cả những gì chúng ta có. Và tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta đứng lên chấm dứt việc này, để không còn tòa án, không còn quận trưởng, người thu thuế hay luật sư nữa…
Chủ tọa cuộc họp dùng chiếc búa đập xuống để chấm dứt tiếng vỗ tay rào rào. ông ta và những người khác cũng muốn bù đắp những nỗi thống khổ của họ, nhưng một cách hòa bình hơn, bằng cách kiến nghị lên Tổng Tòa (cơ quan lập pháp) ở Boston.
Tuy nhiên, trước mỗi cuộc họp của Tổng Tòa sẽ có các tiến trình tố tụng tại hạt Hampshire, tại các thị trấn ở Northampton và Springfield, để bắt giữ gia súc của những nông dân chưa thanh toán nợ, lấy đất của họ khi cây trồng đã đến kỳ thu hoạch. Và vì thế, các cựu binh quân đội Lục địa , những người cũng phẫn nộ vì bị đối xử thiếu công bằng khi giải ngũ (chỉ được trao chứng chỉ hoàn thành nhiệm vụ, chứ không được trả tiền mặt ngay lập tức), đã tập hợp nông dân thành các đội quân. Một trong những cựu binh ấy là Luke Day, người mà vào một buổi sáng đã tới tòa cùng một đội quân sáo và trống, vẫn còn phẫn nộ vì đã bị nhốt trong nhà tù của chủ nợ giữa cái nóng kinh khủng mùa hè năm trước.
Quận trưởng cảnh sát đã theo dõi chặt chẽ các nhóm phiến quân địa phương nhằm bảo vệ tòa trước những nông dân có vũ trang này. Song hầu hết các tay súng đã theo Luke Day. Viên quận trưởng bố trí khoảng 500 nhân viên, còn các thẩm phán, đợi quận trưởng tháp tùng họ tới tòa. Nhưng tại các bậc tam cấp trước cửa tòa, Luke Day đã đứng đó, với lời khẩn cầu về quyền hợp pháp của người dân, phản đối những hành động trái hiến pháp của Tổng Tòa, yêu cầu các vị thẩm phán hoãn họp cho tới khi Tổng Tòa có thể hành động vì nông dân. Cùng đứng với Luke Day là khoảng 1.500 nông dân được trang bị vũ khí. Các thẩm phán đành hoãn phiên họp.
Ngay sau đó, tại các tòa án ở Worcester và Athol, nông dân được trang bị súng đã ngăn cản tòa họp vốn nhằm cướp đi tài sản của họ, trong khi đó các tay súng nổi dậy hoặc là rất cảm thông với nông dân, hoặc là có rất đông người sẵn sàng hành động. Ở Concord, Job Shattuck, một cựu binh 50 tuổi, từng tham gia hai cuộc chiến tranh, đã dẫn đầu một đoàn xe kéo, xe ngựa, xe bò tiến vào thị trấn, trong khi một thông điệp đã được gửi tới các thẩm phán:
Tiếng nói của nhân dân hạt này là thẩm phán không được bước vào toàn án này cho tới khi nhân dân được giải toả những bất bình mà họ đang phải chịu đựng.
Hội đồng hạt sau đó đề nghị các thẩm phán hoãn họp và họ đã làm theo.
Tại Great Barrington, lực lượng dân quân với một nghìn người đứng vòng quanh một khoảng sân quảng trường, trong đó rất đông thanh niên có vũ trang. Nhưng lực lượng này lại bị chia rẽ bởi chính quan điểm của mình. Khi vị chánh án đề nghị họ chia thành hai nhóm, những người ủng hộ tòa tiếp tục họp thì đứng về bên phải đường, còn những người phản đối đứng về bên trái. Kết quả là 200 người đi về bên phải, 800 người về phía trái; và các thẩm phán đành hủy bỏ phiên họp. Sau đó, đám đông kéo tới nhà riêng của chánh án, sau khi vị này đồng ý ký cam kết không tiến hành phiên họp cho tới khi Tổng Tòa Massachusetts họp. Đám đông trở lại sân quảng trường, phá bỏ nhà tù của hạt và giải phóng cho các con nợ bị giam giữ. Vị chánh án, cũng là một bác sỹ của hạt, nói: “Tôi chưa từng thấy ai có cách làm để giải quyết mối bất bình của họ tốt hơn những người dân ở đây đã làm.”
Thống đốc và các lãnh đạo chính trị ở Massachusetts trở nên hoảng sợ. Samuel Adams, người từng được xem là một lãnh đạo cấp tiến ở Boston, lúc bấy giờ khẳng định rằng người dân đã hành động đúng trong khuôn khổ luật pháp. ông nói, các “phái viên Anh quốc” đang kích động nông dân. Người dân ở thị trấn Greenwich đáp lại: Các vị ở Boston có tiền, còn chúng tôi thì không. Liệu bản thân các vị có hành động trái luật pháp trong cuộc cách mạng không? Nhóm nổi dậy này được gọi là những người kiểm soát. Biểu tượng của họ là một nhánh cây độc cần !
Vấn đề đã vượt khỏi Massachusetts. Ở Rhode Island, các con nợ chiếm cơ quan lập pháp và phát hành tiền giấy. Ở New Hampshire, tháng 9 năm 1786, hàng trăm người đã bao vây cơ quan lập pháp ở Exeter, đòi được trả lại tiền nộp thuế và phát hành tiền giấy. Họ chỉ giải tán khi bị lực lượng quân sự đe dọa.
Daniel Shays nổi lên ở miền tây Massachusetts. Từ một nông dân nghèo, khi cách mạng nổ ra, ông gia nhập quân đội Lục địa, chiến đấu tại Lexington, Bunker Hill và Saratoga và rồi bị thương khi đang chiến đấu. Năm 1780, do không nhận được thù lao, ông giải ngũ, trở về nhà và ngay sau đó bị đưa ra tòa vì thiếu nợ. ông cũng nhìn thấu cảnh ngộ đang xảy ra với những người khác, chẳng hạn một phụ nữ ốm yếu không thể trả nợ đã phải gán cả chiếc giường đang nằm.
Lý do đưa Shays tới sự kiện ngày 19 tháng 9 đó là việc Tòa thượng thẩm Massachusetts họp tại Worcester và buộc tội 11 lãnh đạo nổi dậy, trong đó có ba người bạn của ông, là những người bị coi là gây mất trật tự, xúi giục bạo loạn, sử dụng vũ khí trái phép để ngăn cản việc thực thi pháp luật và công lý của khối thịnh vượng chung. Tòa thượng thẩm có kế hoạch họp lại tại Springfield một tuần sau đó và thảo luận về việc Luke Day đang bị truy tố.
Shays đã tập hợp 700 nông dân có vũ trang, hầu hết là cựu binh và đưa họ tới Springfield. Ở đó, họ tìm gặp một vị tướng với 900 binh sỹ và một khẩu pháo. Shays đề nghị vị tướng cho phép diễu hành và bảo trợ, rồi Shays cùng đoàn người của ông ta diễu hãnh qua quảng trường, đánh trống và thổi sáo. Trong khi họ diễu hành, hàng ngũ mỗi lúc một đông thêm. Một số dân quân cũng tham gia, đội quân tăng viện bắt đầu đến từ các vùng ngoại ô. Các thẩm phán hoãn họp một ngày, sau đó hủy bỏ kỳ họp.
Tại Boston, Thống đốc James Bowdoin yêu cầu Tổng Tòa “bảo vệ các giá trị đã bị sỉ nhục của chính phủ”. Những kẻ nổi dậy chống lại Anh quốc đang kêu gọi xây dựng luật pháp và trật tự. Sam Adams thúc đẩy soạn thảo Đạo luật về bạo loạn và nghị quyết về tạm dừng thi hành lệnh đình quyền giam giữ (lệnh bắt buộc đưa người bị giam giữ ra tòa để xem nhà nước có quyền giam giữ người đó không – ND), nhằm cho phép chính quyền giam giữ người mà không cần xét xử. Đồng thời, cơ quan lập pháp cũng có một số nhượng bộ đối với những nông dân đang phẫn nộ, như cho phép một số loại thuế nhất định có thể được thanh toán bằng hàng hóa, thay cho tiền.
Những hành động đó vẫn không cải thiện được tình hình. Ở Worcester, 160 phiến quân nổi dậy xuất hiện tại tòa án. Quận trưởng đọc Đạo luật về bạo loạn. Phiến quân nói họ sẽ chỉ giải tán nếu các thẩm phán cũng có hành động tương tự. Quận trưởng hét lên đòi treo cổ họ. Một số phiến quân tiến lại gần phía sau ông ta và giơ cán búa lên mũ ông ta. Các thẩm phán bỏ đi sau đó.
Sự đụng độ giữa nông dân và dân quân lúc bấy giờ tăng lên. Mùa đông, tuyết rơi bắt đầu cản trở nông dân tới tòa. Khi Shays và một nghìn người của ông bắt đầu hành quân tới Boston, một trận bão tuyết đã buộc họ phải lùi bước và một người đã bị chết cóng.
Quân đội do Tướng Benjamin Lincoln chỉ huy và được các thương gia Boston tài trợ đã tới. Trong một cuộc đọ pháo, ba tay súng nổi dậy chết. Một binh sỹ tiến lại trước nòng pháo và bị mất hai cánh tay. Quân nổi dậy bắt đầu bỏ chạy. Shays trốn ở Vermont, còn tùy tùng của ông ta bắt đầu ra hàng. Có thêm vài người chết trong trận đấu, sau đó chỉ còn những hành động bạo lực lẻ tẻ, rời rạc và thiếu tổ chức chống lại chính quyền: đốt chuồng ngựa, giết ngựa của một vị tướng. Một binh sỹ chính phủ chết trong vụ va chạm giữa hai xe trượt tuyết đầy bí ẩn xảy ra vào ban đêm.
Những phiến quân bị bắt được xét xử tại Northampton và sáu người bị kết án tử hình.
Trước cửa văn phòng quận trưởng Pittsfidd có một lời nhắn:
Tôi hiểu là có nhiều người anh em của tôi bị kết án, bởi họ đã chiến đấu vì công lý. Tôi xin ngài hãy đừng ủng hộ tử hình, đó là một tội ác kinh khủng, bởi vì hơn tất thảy, người bị kết án và người bị tử hình đều giống nhau… Cái chết đến rất nhanh, cuộc đời ngài và cả cuộc đời tôi đều ngắn ngủi. Khi rừng xanh lá, tôi sẽ trở lại thăm ngài.
Ba mươi phiến quân nữa lại bị xét xử và thêm sáu người bị kết án tử hình. Đã có những tranh luận xem có nên tiếp tục hình phạt treo cổ không. Tướng Lincoln kêu gọi khoan dung và lập một ủy ban nhân ái (Commission of Clemency), nhưng Samuel Adams nói: “Trong chế độ quân chủ, tội mưu phản có thể được ân xá hay chịu hình phạt nhẹ, nhưng kẻ dám nổi loạn chống lại luật pháp nước cộng hòa thì phải chết”. Một số vụ treo cổ sau đó vẫn tiếp tục song lại có một vài tội phạm bị kết án được ân xá. Shays ở Vermont được ân xá năm 1788 và trở lại Massachusetts, chết năm 1825, giống như một người nghèo, vô danh.
Thomas Jefferson, đại sứ tại Pháp vào thời điểm xảy ra cuộc nổi loạn của Shays, đã nói nổi dậy là tốt cho xã hội. Trong thư gửi một người bạn, ông viết: “Tôi cho rằng nổi dậy luôn luôn là một hành động tốt… Nó là liều thuốc cần thiết để có một chính phủ lành mạnh… Lạy Chúa! Chúng ta không thể để 20 năm mới có một cuộc nổi dậy như thế… Cái cây tự do phải được chăm sóc liên tục, bằng máu của người yêu nước và cả kẻ bạo ngược. Đó là chất nuôi sống tự nhiên.”
Nhưng tư tưởng của Jefferson không được chấp nhận. Giới quý tộc chính trị và kinh tế của đất nước không khoan dung. Họ lo ngại tư tưởng đó có thể lan rộng. Tướng Henry Knox, cựu binh của quân đội Washington, đã thành lập một tổ chức các cựu binh, lấy tên “Order of the Cincinnati” (Mệnh lệnh của Cincinnati). Theo một nhà sử học, mục đích có thể là nhằm giữ gìn những kỷ niệm về cuộc chiến đấu họ từng tham gia, nhưng cũng có thể là nhằm đề phòng chủ nghĩa cấp tiến ở quốc gia mới này. Cuối năm 1786, Knox viết thư cho Washington về cuộc nổi loạn của Shays, qua đó muốn nhấn mạnh tư tưởng của nhiều lãnh tụ quyền lực và giàu có của đất nước:
Phiến quân nổi dậy là những người không chịu nộp thuế, hoặc nộp rất ít. Nhưng họ lại nhìn thấy những yếu kém của chính phủ. Họ cảm nhận ngay lập tức tài sản của mình so với giới giàu có. Họ nhận ra sức mạnh của mình và biết tận dụng nó để bổ sung cho vốn tài sản ít ỏi. Niềm tin của họ là “Tài sản của Hoa Kỳ được bảo vệ, không bị người Anh tước đoạt là nhờ sự phối hợp của tất cả mọi người và vì thế nó phải là tài sản chung của tất cả. Những nỗ lực trái với tín điều này là kẻ thù của bình đẳng và công lý, cần được loại bỏ khỏi mặt đất này”.
Alexander Hamilton, một cộng sự thân tín của Washington trong cuộc chiến tranh, là một trong những lãnh đạo tài giỏi và quyền lực nhất trong giới quý tộc mới. ông đưa ra triết lý chính trị của mình:
Tất cả các cộng đồng đều chia thành ít hoặc nhiều nhóm. Nhóm thứ nhất là giới giàu có và quyền lực, nhóm khác là đại bộ phận người dân. Tiếng nói của người dân được xem là tiếng nói của Chúa trời. Và mặc dù câu châm ngôn ấy rất được tin tưởng và trích dẫn nhiều, song trên thực tế nó vẫn không đúng. Nhân dân thường hỗn loạn và hay thay đổi, họ rất ít khi được phán xét hay quyết định cái gì là đúng. Vì thế, nhóm đầu tiên đã được trao quyền đại diện thường trực tại chính phủ… Liệu một quốc hội dân chủ luôn luôn phải suy xét cẩn trọng giữa đông đảo quần chúng nhân dân, có thể theo đuổi những gì tốt đẹp cho đại chúng? Không gì ngoài một cơ quan thường trực có thể kiểm soát được những khinh suất của nền dân chủ…
Tại Đại hội Lập hiến, Hamilton đề xuất bầu chọn tổng thống và Thượng viện nhiệm kỳ trọn đời.
Đại hội không đồng ý đề xuất của ông, nhưng cũng không quy định tiến hành bầu cử rộng rãi, ngoại trừ bầu cử Hạ viện − nơi mà luật pháp nhà nước đã quy định về các tiêu chuẩn (gồm yêu cầu bắt buộc về tài sản đối với việc ứng cử và bầu cử tại tất cả các bang), cũng như loại trừ quyền này của phụ nữ, người Anh-điêng và nô lệ. Hiến pháp quy định: Thượng nghị sỹ được các nhà lập pháp bầu; tổng thống được các đại cử tri (do các nhà lập pháp lựa chọn) bầu và Tòa án Tối cao được tổng thống chỉ định.
Tuy nhiên, vấn đề của nền dân chủ sau Cách mạng không phải là những hạn chế của Hiến pháp trong quy định về bầu cử. Nó vượt ra ngoài khuôn khổ Hiến pháp, ẩn sâu hơn trong sự chia rẽ xã hội, giữa người giàu và người nghèo. Bởi vì, nếu một số người có nhiều tài sản và sức ảnh hưởng; nếu họ có đất đai, tiền bạc, báo chí, nhà thờ, hệ thống giáo dục, thì làm thế nào có thể bầu cử, làm thế nào có thể hạn chế những quyền lực như vậy? Vẫn còn một vấn đề nữa: một chính phủ đại diện có phải là quy luật, thậm chí khi nó dựa trên nền tảng rộng lớn, mang tính bảo thủ và nhằm ngăn ngừa những thay đổi vốn âm ỉ?
Đã đến lúc phê chuẩn Hiến pháp, đưa ra bỏ phiếu tại đại hội các bang, với kết quả thông qua tại 9 trong số 13 bang cần phê chuẩn. Tại New York, giữa lúc các cuộc thảo luận về phê chuẩn Hiến pháp rất căng thẳng, trên báo chí xuất hiện nhiều bài báo ẩn danh nói về bản chất của Hiến pháp. Những bài báo này ủng hộ việc thông qua Hiến pháp, do các tác giả James Madison, Alexander Hamilton và John Jay viết, được biết đến với tên gọi chung là Federalist Papers (Người Liên bang). (Còn các bài báo phản đối Hiến pháp được coi là thuộc phe chống Liên bang).
Trong bài báo Federalist Paper #10 (Người Liên bang số 10), James Madison lập luận rằng chính phủ đại diện là cần thiết để duy trì hòa bình trong một xã hội bị chi phối bởi những tranh chấp phe phái. Những tranh chấp này xuất phát từ “sự phân phối thiếu công bằng về tài sản. Những người nắm nhiều tài sản và những người không có tài sản đã tạo ra những lợi ích riêng rẽ trong xã hội”. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào có thể kiểm soát các cuộc tranh giành phe phái xuất phát từ sự bất bình đẳng về thu nhập này. Những phe thiểu số có thể bị kiểm soát theo nguyên tắc các quyết định được thông qua bằng kết quả bỏ phiếu đa số.
Vì vậy, theo Madison, vấn đề thật sự nằm ở các phe phái đa số. Và giải pháp được Hiến pháp đưa ra là nhằm bảo đảm cho “một nhà nước cộng hòa rộng rãi”. Nghĩa là, một quốc gia rộng lớn trải dài khắp 13 bang, vì thế “sẽ khó hơn cho tất cả những bang muốn khám phá sức mạnh riêng của mình và hành động hài hòa với các bang khác… Ảnh hưởng của những lãnh tụ phe phái có thể nhóm lên một ngọn lửa bên trong từng bang, nhưng sẽ không thể tạo ra đám cháy lớn lan rộng tới các bang khác”.
Lập luận của Madison có thể được xem là quan điểm nhạy cảm đối với việc thiết lập một chính phủ có thể duy trì hòa bình và tránh được những bất ổn tiếp diễn. Nhưng đó có phải là mục đích của chính phủ đơn giản chỉ duy trì trật tự, giống như người trọng tài giữa hai đối thủ ngang sức ngang tài trong một cuộc đấu? Hay phải chăng chính phủ có lợi ích đặc biệt nào đó trong việc duy trì kiểu trật tự, phân phối quyền lực và tài sản như vậy – một kiểu phân phối trong đó quan chức chính phủ không phải là trọng tài trung lập? Trong trường hợp đó, sự bất ổn mà có thể làm chính phủ lo ngại chính là các cuộc nổi loạn rộng rãi chống lại sự độc quyền về tài sản của xã hội.
Lập luận này có thể đúng nếu nhìn vào các lợi ích kinh tế, nền tảng xã hội của chính những người soạn thảo Hiến pháp.
Một phần quan điểm về một chế độ cộng hòa rộng rãi nhằm gìn giữ hòa bình đã được James Madison bàn khá rõ trong Federalist #10 (Người Liên bang số 10): “Sự phẫn nộ đòi phát hành tiền giấy, đòi xóa nợ và phân chia tài sản bình đẳng hơn sẽ ít có cơ hội thích hợp để lan rộng trong toàn bộ một liên bang, hơn là tại một thành viên cụ thể của nó.”
Nếu nhìn các lợi ích kinh tế đằng sau các điều khoản của Hiến pháp thì sẽ thấy văn kiện này không đơn thuần là công việc của những nhà thông thái cố gắng thiết lập một xã hội có trật tự, mà là công việc của một nhóm người muốn duy trì những đặc quyền của họ và chỉ trao vừa đủ quyền và sự tự do cho số người vừa đủ để bảo đảm công chúng ủng hộ.
Trong chính phủ mới, Madison sẽ thuộc về một đảng (đảng của những người Dân chủ
– Cộng hòa) cùng với Jefferson và Monroe. Hamilton thuộc về đảng đối thủ (đảng của những người ủng hộ liên bang) cùng với Washington và Adams. Nhưng cả hai người, một chủ nô lệ từ Virginia và một thương gia từ New York, đều nhất trí mục đích của chính phủ mới mà họ đang cố gắng thành lập. Họ tiên liệu được thỏa thuận căn bản và lâu dài giữa hai đảng trong hệ thống chính trị Mỹ. Trong Federalist Papers, Hamilton viết rằng liên bang mới có thể “đàn áp các cuộc nổi dậy và những phe nhóm trong nước”. ông liên hệ trực tiếp tới cuộc nổi loạn của Shays: “Tình trạng rung chuyển từ Massachusetts nổi bật lên đã chứng tỏ rằng những mối nguy hiểm như vậy không còn là suy đoán.”
Trong Federalist Paper #63 (Người Liên bang số 63), hoặc Madison hoặc Hamilton đã đánh giá sự cần thiết của một “Thượng viện hoàn hảo” đó là “đôi khi nó là cần thiết để bảo vệ người dân trước những sai lầm và ảo tưởng của chính họ”. Bởi vì “vào những thời điểm nào đó, do bị kích động bởi những thứ cảm xúc bất thường, những lợi ích bất hợp pháp, hoặc do bị ảnh hưởng bởi những lời xuyên tạc khéo léo của một số người có lợi ích, người dân có thể sử dụng các biện pháp mà sau đó chính họ lại sẵn sàng kêu ca và chỉ trích”. Và “vào những thời điểm quan trọng đó, một cơ quan được tôn trọng của công dân làm thế nào có thể can thiệp thích đáng nhằm kiểm soát sự nghiệp sai lầm và cú đánh của người dân nhằm vào chính họ, cho tới khi công lý, công bằng và sự thật có thể lấy lại quyền lực của họ đối với công chúng?”
Hiến pháp là sự thỏa hiệp giữa các lợi ích về sở hữu nô lệ của miền Nam, với các lợi ích về thương mại của miền Bắc. Nhằm mục đích thống nhất 13 bang thành một thị trường thương mại lớn, các đại biểu phía Bắc muốn luật pháp phải kiểm soát thương mại liên bang và kêu gọi các luật đó chỉ cần được đa số Quốc hội thông qua. Đại biểu miền Nam nhất trí điều đó, đổi lại họ muốn tiếp tục cho phép buôn bán nô nệ thêm 20 năm, trước khi thông qua luật cấm việc này.
Charles Beard cảnh báo, các chính phủ, trong đó có Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, không được trung lập, mà phải đại diện cho các lợi ích kinh tế thống trị, hiến pháp cần theo hướng phục vụ những lợi ích này. Một trong những ý kiến chỉ trích (do Robert E. Brown đưa ra trong cuốn Charles Beard and the Constitution − Charles Beard và Hiến pháp) đã gợi ra một quan điểm khá thú vị. Giả sử Hiến pháp bỏ qua điều khoản “quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” đã được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập, thay vào đó là điều khoản “quyền được sống, tự do và sở hữu tài sản”. Cũng tốt, tại sao Hiến pháp lại không bảo vệ tài sản? Như Brown đã nói về cuộc Cách mạng Mỹ, rằng “thực tế là tất cả mọi người đều quan tâm việc bảo vệ tài sản”, bởi vì rất nhiều người Mỹ sở hữu tài sản.
Tuy nhiên, điều đó là sai lầm. Đúng là có rất nhiều người sở hữu tài sản. Một số người có tài sản lớn, song nhiều người có ít hơn, và cũng có người không hề có tài sản. Tác giả Jackson Main cho biết, một phần ba dân số Mỹ trong thời điểm cuộc Cách mạng là nông dân nhỏ, trong khi chỉ 3% dân số là sở hữu tài sản lớn, có thể được xem là giàu có.
Tuy vậy, một phần ba là con số đáng kể đối với những người cảm thấy họ được gì đó nếu có sự ổn định trong chính phủ mới. Và đây là một nền tảng ủng hộ chính phủ lớn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, tính vào thời điểm cuối thế kỷ XVIII. Thêm vào đó, giới thợ thành phố cũng có lợi ích quan trọng trong chính phủ, vì chính phủ sẽ bảo vệ việc làm cho họ trong bối cảnh cạnh tranh với nước ngoài. Về vấn đề này, Staughton Lynd nói: “Giới thợ thị thành trên khắp nước Mỹ ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ hết sức mạnh mẽ và phấn khích!”
Điều này đặc biệt đúng ở New York. Khi bang thứ 9 và 10 phê chuẩn Hiến pháp, bốn nghìn công nhân thành phố New York đã diễu hành, giương cờ, biểu ngữ biểu thị sự hưởng ứng. Thợ làm bánh, thợ rèn, thợ đóng tàu, cơ khí, thợ may, thợ thủ công… tất cả đều tham gia diễu hành. Giới thợ chiếm khoảng một nửa dân số New York. Một số giàu có, một số còn nghèo, nhưng tất cả đều có cuộc sống tốt hơn những lao động phổ thông, những người làm thuê. Và để bảo đảm sự thịnh vượng của họ, rất cần có một chính phủ để bảo vệ họ trước dòng sản phẩm mũ, giày và các hàng hóa khác của Anh đang đổ vào các thuộc địa sau cuộc Cách mạng Mỹ. Và vì thế, trong các cuộc bỏ phiếu, giới thợ thường ủng hộ những thành phần bảo thủ giàu có.
Hiến pháp khi đó thể hiện sự phức tạp trong hệ thống chính trị Mỹ: Để tạo được nền tảng ủng hộ rộng rãi, nó vừa phục vụ lợi ích của giới quý tộc giàu có, vừa phải đáp ứng lợi ích của giới chủ sở hữu tài sản nhỏ, giới thợ thu nhập trung bình và nông dân. Tầng lớp thịnh vượng một chút − những người tạo ra nền tảng ủng hộ này − là bước đệm chống lại người da đen, thổ dân Anh-điêng và người da trắng nghèo. Họ tạo cơ hội để giới quý tộc duy trì quyền kiểm soát ở mức áp bức tối thiểu và tôn trọng tối đa luật pháp, có thể chấp nhận được theo lối nghĩ khoa trương của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết.
Hiến pháp thậm chí được công chúng nói chung chấp nhận rộng rãi hơn, sau khi Quốc hội đầu tiên đáp ứng những chỉ trích, đã thông qua một loạt các điều khoản sửa đổi, được gọi là Dự luật về các Quyền (Bill of Rights). Những sửa đổi này dường như tạo ra một chính phủ mới giống như người bảo vệ quyền tự do của nhân dân: quyền được phát ngôn, xuất bản, thờ cúng, khiếu nại, hội họp, được xét xử công bằng, được bảo vệ khi bị xâm phạm tại nhà riêng… Chính điều đó đã giúp tạo dựng sự ủng hộ của công chúng đối với chính phủ mới. Vào thời điểm đó, yêu cầu đòi tự do còn mới mẻ và thực tế chưa chứng minh, vì thế điều chưa rõ ràng ở đây chính là tính bền vững của quyền tự do công dân khi nó được ủy quyền cho một chính phủ gồm những người giàu có và quyền lực.
Trên thực tế, vấn đề tương tự cũng tồn tại trong các điều khoản khác của Hiến pháp, như điều khoản cấm các bang “gây tổn hại tới trách nhiệm thực hiện hợp đồng”; hay điều khoản tạo cho Quốc hội quyền được đánh thuế đối với người và tiền thích hợp. Vấn đề này vẫn tốt đẹp cho tới khi có người đặt câu hỏi: Đánh thuế ai, vì cái gì? Thích hợp là thế nào, đối với ai? Bảo vệ các hợp đồng của tất cả mọi người vẫn là một hành động của sự công bằng, đối xử bình đẳng, cho tới khi có ý kiến cho rằng các hợp đồng giữa người giàu và người nghèo, giữa chủ và người làm thuê, giữa chủ đất và tá điền, giữa chủ nợ và người vay… nói chung đều ủng hộ bên có quyền lực nhiều hơn. Vì vậy, bảo vệ các hợp đồng như thế là trao quyền lực lớn cho chính phủ, luật pháp, tòa án, cảnh sát…, đứng về bên có đặc lợi và làm điều đó không phải giống như thời cận đại − sử dụng luật pháp như sức mạnh tàn bạo chống lại kẻ yếu.
Tu chính án số 1 của Dự luật về các Quyền cho thấy lợi ích ẩn đằng sau sự vô tội. Được Quốc hội thông qua năm 1791, nó quy định “Quốc hội không được xây dựng luật… nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí…”. Bảy năm sau khi Tu chính án số 1 có hiệu lực với Hiến pháp, Quốc hội lại thông qua một dự luật quy định rất rõ ràng về sự hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Đó là Đạo luật chống nổi loạn (Sedition Act) năm 1798, được thông qua dưới thời chính quyền John Adams, vào thời điểm người Ailen và người Pháp ở Hoa Kỳ bị coi là những kẻ nổi dậy nguy hiểm, sau các cuộc nổi loạn của người Pháp và người Ailen thời gian gần đó. Đạo luật về Nổi loạn kết tội những ai nói hoặc viết điều gì “sai trái, phỉ báng và gây hại” chống lại chính phủ, Quốc hội hoặc Tổng thống, với mục đích hạ uy tín, bôi nhọ, hoặc kích động công chúng thù ghét họ.
Đạo luật này dường như vi phạm trực tiếp Tu chính án số 1. Nhưng nó vẫn được ban hành và có hiệu lực. Mười người Mỹ đã bị bỏ tù vì những lời nói chống lại chính phủ, mặc dù tất cả thành viên Tòa án Tối cao những năm 1798-1800, với tư cách thẩm phán tại tòa phúc thẩm, đều cho rằng điều đó là hợp Hiến pháp.
Có cơ sở pháp lý cho vấn đề này, mà chỉ các chuyên gia pháp luật biết, nhưng không người Mỹ bình thường nào biết – những người đọc Tu chính án số 1 và tự tin rằng họ được bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Cơ sở này đã được nhà sử học Leonard Levy giải thích. Levy chỉ ra rằng, người ta nói chung đã hiểu là (không phải ở trong dân chúng, mà ở tầng cao hơn) mặc dù Tu chính án số 1 đã có hiệu lực, nhưng luật của Anh quốc về “tội phỉ báng gây nổi loạn” vẫn có hiệu lực ở Mỹ. Điều đó có nghĩa là khi chính phủ không thể thực hiện được việc “kiềm chế từ trước” – nghĩa là ngăn chặn trước khi những phát ngôn hay xuất bản phẩm được đưa ra – sau đó, theo luật, chính phủ có thể trừng phạt người phát ngôn hay tác giả ấn phẩm. Nhờ đó, Quốc hội đã có cơ sở hợp pháp thuận lợi cho các luật được ban hành từ thời điểm đó, quy định các loại phát ngôn thành tội danh. Và do việc trừng phạt xảy ra sau sự phạm tội là một biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tự do phát ngôn, nên yêu cầu về “kiềm chế từ trước” đã tự bị hủy bỏ.
Câu hỏi đặt ra là liệu các điều khoản về kinh tế trong Hiến pháp còn yếu? Chúng ta có ngay một thí dụ từ chính quyền đầu tiên ở Washington, khi quyền của Quốc hội áp thuế đối với người và các khoản thu nhập thích ứng đã được Bộ trưởng Tài chính Alexander Hamilton sử dụng ngay lập tức.
Cho rằng chính phủ phải liên minh với các nhân vật giàu có nhất trong xã hội để nâng cao sức mạnh, Hamilton đã đề xuất hàng loạt dự luật được Quốc hội thông qua, thể hiện quan điểm nói trên. Ngân hàng Hoa Kỳ được thành lập, trở thành đối tác giữa chính phủ và các lợi ích ngân hàng nhất định. Đạo luật về thuế quan được thông qua nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất. Trong khi hầu hết trái phiếu từ chiến tranh hiện tập trung trong một nhóm nhỏ những người giàu có, luật cho phép thanh toán cho những người nắm trái phiếu đầy đủ giá trị trái phiếu của họ. Các luật về thuế cũng được thông qua nhằm tăng nguồn ngân sách cho việc thanh toán trái phiếu.
Một trong những luật về thuế đó là thuế rượu, đã gây tổn thất lớn cho nông dân ‒ những người trồng ngũ cốc để sản xuất và bán rượu. Năm 1794, nông dân miền tây bang Pennsylvania cầm vũ khí nổi dậy chống lại việc thu loại thuế này. Bộ trưởng Tài chính Hamilton dẫn đầu quân đội đàn áp họ. Chúng ta thấy, ngay trong những năm đầu tiên thi hành Hiến pháp, một số điều khoản Hiến pháp, thậm chí cả những điều khoản chỉ mang tính chất khoa trương, có thể đã bị coi nhẹ. Những điều khoản khác (chẳng hạn quyền đánh thuế) lại được thi hành rất nghiêm ngặt.
Huyền thoại xoay quanh Những người cha lập quốc vẫn còn sống mãi. Như nhà sử học Bernard Bailyn gần đây tổng kết: Nói rằng “việc phá bỏ những đặc quyền và tạo ra một hệ thống chính trị, mà ở đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo sử dụng quyền lực một cách có trách nhiệm và đầy tính nhân văn, là ước muốn cao nhất của họ” chỉ là nhằm lờ đi những gì thật sự đã diễn ra ở Mỹ thời lập quốc.
Bailyn nói:
Mọi người đều biết quy định bắt buộc căn bản để có một chính phủ sáng suốt và công bằng. Đó là phải làm sao cân bằng các thế lực ganh đua nhau trong xã hội để không quyền lực nào lấn át quyền lực nào và phá hủy tự do của tất cả. Vấn đề ở chỗ phải làm sao sắp xếp các thể chế của chính phủ để bảo đảm đạt được sự cân bằng này.
Liệu Những người cha lập quốc có thông thái và công bằng để đạt được sự cân bằng đó không? Thực tế, họ lại không muốn có sự cân bằng đó – một sự cân bằng trong các thế lực thống trị thời điểm đó trừ việc muốn mọi thứ như vốn có. Họ không muốn có một sự cân bằng bình đẳng giữa nô lệ và giới chủ, giữa người giàu và người nghèo, giữa thổ dân da đỏ và người da trắng.
Một nửa dân số đã không được Những người cha lập quốc nhìn nhận trong số “các thế lực ganh đua” trong xã hội, như Bailyn đã nói. Họ không được đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập, họ không có mặt trong Hiến pháp, họ không xuất hiện trong nền dân chủ mới. Họ là những người phụ nữ của nước Mỹ mới thành lập.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.