Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
6. NHỮNG NGƯỜI BỊ ÁP BỨC CÙNG CỰC
Rất có thể sẽ quên đi số phận phân nửa dân số của một đất nước nếu chỉ đọc những trang viết về lịch sử. Những người đi khai phá thuộc địa là nam giới ‒ ông chủ đất và thương gia, các ngài chính trị gia và nhân vật quân sự. Sự vô hình của phụ nữ, sự coi nhẹ họ là dấu hiệu về thân phận bị nhấn chìm.
Trong khoảng trống vô hình đó, họ như những nô lệ da đen (và điều này có nghĩa nếu phụ nữ là nô lệ, họ phải đối mặt với áp bức nhân đôi). Những đặc điểm sinh học đặc thù của phụ nữ, giống như màu da và các đặc điểm khuôn mặt của người da đen, đã trở thành cơ sở cho nạn đối xử với họ như là những người thấp kém. Đúng vậy, đối với phụ nữ, có những khía cạnh thực tế về mặt sinh học quan trọng hơn cả vấn đề về màu da – đó là thiên chức sinh nở. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để hạ thấp vị trí của họ trong xã hội, nhất là với những người phụ nữ không hề sinh nở, hoặc họ quá trẻ hay quá già để làm việc đó. Thực tế, các đặc điểm sinh lý cơ thể của phụ nữ dường như lại thuận lợi cho đàn ông, những người có thể lợi dụng, bóc lột hay yêu thương những phụ nữ vốn đồng thời vẫn bị xem là người hầu, bạn tình, tùy tùng, người sinh nở, dạy dỗ kiêm chăm sóc con cái của ông ta.
Những xã hội dựa trên nền tảng tài sản cá nhân và sự cạnh tranh, trong đó các gia đình theo chế độ một vợ một chồng đã trở thành các đơn vị tiêu chuẩn cho công việc cũng như sự hòa nhập xã hội, thường là có lợi hơn khi thiết lập thân phận của phụ nữ. Những thân phận tựa như nô lệ trong nhà, nếu xét về mối quan hệ trong gia đình và sự áp bức. Do chính mối quan hệ ấy hoặc đôi khi là sự ràng buộc lâu dài với con cái, thân phận ấy không đòi hỏi một sự bảo trợ đặc biệt mà có khi biến thành cách đối xử bình đẳng, dù chỉ để thể hiện sức mạnh.
Trong những xã hội mới được hình thành – ở Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác – trong đó tài sản là của chung, các gia đình mở rộng và rất phức tạp, gồm ông, bà, cô dì, chú bác cùng chung sống, phụ nữ có vẻ được đối xử công bằng hơn là trong các xã hội da trắng sau này đã chà đạp họ, mang đến cái gọi là “nền văn minh” và chế độ sở hữu tư nhân về tài sản.
Thí dụ, trong các bộ lạc Zuni tại miền Tây Nam, các gia đình mở rộng – dòng tộc rộng lớn – chủ yếu dựa vào vai trò của phụ nữ, còn người chồng đến ở rể tại gia đình vợ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ gia đình, ruộng vườn thuộc về cả bộ lạc và phụ nữ được hưởng đều các sản phẩm được sản xuất. Người phụ nữ được bảo đảm an toàn hơn, bởi vì họ sống cùng với gia đình của mình và có thể ly dị người chồng nếu muốn, mà vẫn giữ được tài sản.
Phụ nữ của các bộ lạc Anh-điêng ở vùng Trung Tây không phải đảm đương việc đồng áng, nhưng có một vị trí rất quan trọng trong bộ lạc, trong vai trò thầy thuốc, người trồng thảo dược và đôi khi là những nhân vật thần thánh để đưa ra lời khuyên cho bộ lạc. Khi các nhóm trong bộ lạc mất người đứng đầu là nam giới, phụ nữ sẽ trở thành tù trưởng. Phụ nữ học bắn cung và cũng mang theo dao, như trong cộng đồng Sioux, phụ nữ được cho là có đủ khả năng tự vệ chống lại các cuộc tấn công.
Lễ đánh dấu tuổi dậy thì cho các cô gái Sioux thường được tổ chức để khơi dậy niềm kiêu hãnh này:
Con gái ta, hãy đi trên con đường bình yên, cả đàn trâu lớn như bóng mây đen trên thảo nguyên sẽ theo bước chân con… Con hãy sống có trách nhiệm, để được kính phục, hãy dịu dàng, khiêm tốn, bước những bước đi kiêu hãnh. Nếu như niềm tự hào và đức hạnh của phụ nữ mất đi, mùa xuân sẽ đến, nhưng con đường đàn trâu vẫn đi sẽ bị cỏ vùi lấp. Hãy vững vàng, với trái tim nồng ấm và mạnh mẽ của đất mẹ. Sẽ chẳng có ai thất bại trừ phi những người phụ nữ của họ trở nên yếu đuối và thiếu trung thực…
Có lẽ sẽ hơi quá nếu nói rằng phụ nữ được đối xử công bằng so với nam giới, nhưng họ đã được đối xử một cách kính trọng và bản chất cộng đồng của xã hội đã tạo cho họ chỗ đứng quan trọng hơn.
Những điều kiện vào thời điểm người định cư da trắng đến Mỹ đã tạo ra các hoàn cảnh khác nhau cho phụ nữ. Trong khi những người định cư đầu tiên gồm toàn nam giới, thì những phụ nữ được “nhập khẩu” là nô lệ tình dục, những người sinh con đẻ cái hoặc tùy tùng. Năm 1619 là năm những người nô lệ đầu tiên đặt chân đến Virginia, 90 phụ nữ đã được vận chuyển trên cùng một chuyến tàu đến Jamestown: “Những cô gái còn trẻ, tự nguyện, dễ bảo… tự nguyện bán mình cho những người định cư để làm vợ, giá của cuộc mua bán này chỉ bằng phí vận chuyển họ.”
Trong những năm đầu tiên này, rất nhiều phụ nữ, chủ yếu là những cô gái còn rất trẻ, đã đến đây làm người hầu theo hợp đồng và họ chấp nhận cuộc sống chẳng khác nô lệ là mấy, ngoại trừ công việc phục vụ là có thời hạn. Họ buộc phải tuân lệnh cả ông chủ và bà chủ. Baxandall, Gordon và Reverby, các tác giả cuốn Americans Working Women (Những người phụ nữ lao động Mỹ), đã mô tả hoàn cảnh đó như sau:
Họ được trả công rất thấp, thường bị đối xử thậm tệ và cay nghiệt, không được ăn uống tử tế và cũng không có chút riêng tư. Tất nhiên những điều kiện tội tệ này đã gây ra phản kháng. Sống cách ly gia đình, người thân và cũng không có liên lạc với người đồng cảnh ngộ, những đầy tớ này chỉ có cách phản kháng yếu ớt và thụ động: cố gắng làm ít việc nhằm gây khó khăn cho các ông chủ, bà chủ. Tất nhiên các ông chủ, bà chủ thường không hiểu được những phản kháng này, mà chỉ cho đó là những biểu hiện của sự buồn chán, lười biếng, ác ý và ngu dốt của đầy tớ.
Thí dụ, năm 1645, Tổng Tòa Connecticut đã đưa ra phán quyết “tống cổ Susan C., do đã có những cử chỉ nổi loạn với bà chủ, vào trại cải tạo để lao động cưỡng bức, bỏ đói, sau đó phải hứa xin lỗi trước công chúng hàng tuần cho đến khi tòa ra phán quyết ngược lại”.
Việc giới chủ lạm dụng tình dục người hầu nữ thường xuyên xảy ra. Hồ sơ tòa án tại Virginia và các vùng thuộc địa khác cho thấy, một số ông chủ đã phải ra hầu tòa vì lý do này. Do đó, chúng ta có thể hình dung về những vi phạm trắng trợn này và tất nhiên có rất nhiều trường hợp khác mà sự thật không bao giờ được hé lộ trước công chúng.
Năm 1756, Elizabeth Sprigs viết thư cho cha kể về công việc phục vụ của mình:
Những gì mà bọn con phải khốn khổ chịu đựng đám người Anh ở đây vượt xa những gì mà bố mẹ có thể tưởng tượng; chỉ cần nói một điều rằng con là một trong số những người bất hạnh, con phải lam lũ suốt ngày đêm và thường phải ngủ trong những tấm thảm đắp cho ngựa – một thứ tiện nghi mà có lẽ con chó của bố cũng thấy là không đủ, sau đó quấn chặt đến mức mà bố cũng chưa từng làm cho một con vật; ăn uống kham khổ chỉ có mấy thứ ngô và muối của thổ dân – những đồ ăn làm nản lòng cả lũ người da đen; chân gần như chẳng có tất hay giày để đi… những gì bọn con có thể làm là cuộn tròn mình trong chiếc mền và nằm lăn ra đất…
Bất cứ điều rùng rợn nhất khó có thể tưởng tượng về việc vận chuyển những nô lệ da đen đến nước Mỹ phải được nhân lên nhiều lần đối với những phụ nữ da đen, nhóm thường chiếm một phần ba số nô lệ được vận chuyển. Các lái buôn nô lệ viết lại:
Tôi đã nhìn thấy những người đàn bà sinh con trong khi vẫn bị xích vào những cái xác mà mấy tay giám thị say khướt đã không chuyển đi… Những phụ nữ này sinh nở trong tư thế nằm úp vào nhau, trong cái nóng hầm hập và mùi mồ hôi trên tàu… Trên boong, một con bé da đen khác đang bị xích vào sàn, nó hầu như đã mất hết cảm giác sau khi bị mua và lôi lên tàu.
Sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ, một người phụ nữ tên là Linda Brent đã kể lại một câu chuyện đau lòng khác:
Giờ đây tôi đã bước sang năm thứ 15 – một thời kỳ đáng buồn của kiếp nô lệ. ông chủ bắt đầu lè nhè những lời ghê tởm vào tai tôi. Do vẫn còn trẻ, tôi không thể cứ vô tư về mục đích mà gã mua tôi về… Lão chủ luôn tìm cách sán đến cạnh tôi, nhắc nhở rằng tôi thuộc về lão ta và bằng mọi giá lão ta sẽ bắt tôi phải hiến dâng cho lão. Mỗi khi tôi cố thoát ra ngoài để hưởng chút không khí trong lành sau một ngày phục dịch vất vả, bước chân của gã lại săn đuổi tôi. Ngay cả lúc tôi đang quỳ trước mộ của mẹ mình, cái bóng đen của lão cũng đè ập lên tôi. Trái tim mong manh mà thiên nhiên ban tặng cho tôi đã trở nên trĩu nặng với những điềm báo trước không hay ho gì…
Thậm chí những người phụ nữ da trắng tự do, được đem đến Mỹ chỉ để làm vợ, chứ không phải với tư cách nô lệ hoặc đầy tớ, cũng phải chịu rất nhiều cơ cực. Trên chuyến tàu Mayflower , có tới 18 phụ nữ đã có gia đình. Ba trong số đó đang có mang và một người đã sinh ra một đứa bé, nó bị chết trước khi họ đặt chân lên đất liền. Sinh nở và bệnh tật đã làm rất nhiều phụ nữ đổ quỵ. Sang mùa xuân, trong số 18 người phụ nữ đó chỉ còn bốn người sống sót.
Những người phụ nữ còn sống phải chia sẻ công việc nặng nhọc với đàn ông để xây dựng cuộc sống nơi hoang dã, thường được kính trọng đặc biệt bởi vì họ là những người hết sức cần thiết. Khi đàn ông qua đời, đàn bà cũng phải gánh vác công việc của đàn ông. Hầu như trong suốt hơn một thế kỷ đầu tiên, phụ nữ ở các vùng biên giới của nước Mỹ dường như khá bình đẳng so với đàn ông.
Nhưng tất cả phụ nữ đều bị đè nặng bởi thứ tư tưởng của những người đi khai phá thuộc địa mang đến từ Anh quốc, vốn bị chi phối bởi các giáo lý của Đạo Thiên chúa. Luật pháp của Anh quốc được tóm tắt trong một văn bản năm 1632 có tựa đề “The Lawes Resolutions of Womens Rights” (Các luật về quyền phụ nữ):
Phần đề cập đến vấn đề hôn nhân như một sự kìm kẹp. Đành rằng người chồng và người vợ gắn kết với nhau thành một, nhưng vấn đề là ở chỗ cách hiểu khái niệm này. Khi một nhánh sông, suối nhỏ nhập vào sông Rhodanus, Humber hay sông Thames, các nhánh sông, suối nhỏ mất đi tên của mình… Một người phụ nữ ngay sau khi lập gia đình thường trở thành “cái bóng”, xung quanh bị phủ bọc bởi những làn sương khói dày đặc và người phụ nữ đó không còn được mang tên họ của mình nữa. Bản thân tôi cũng phải tỏ ra cẩn trọng hơn khi nói chuyện với một phụ nữ đã có gia đình. Cái “bản thân” của người ấy giờ đã thuộc về ông chủ, người đồng hành, người bảo trợ… của chính người phụ nữ ấy.
Julia Spruill đã mô tả về tình trạng pháp nhân của người phụ nữ dưới thời thuộc địa: “Sự kiểm soát của người chồng đối với người vợ được mở rộng tới quyền trừng phạt người vợ. Nhưng anh ta không được phép gây thương tật vĩnh viễn hoặc cái chết cho vợ mình…”
Về vấn đề tài sản: “Ngoài những tài sản cá nhân duy nhất do vợ có được và một khoảng đất giới hạn để sinh sống, người chồng có thể chiếm đoạt bất kỳ khoản thu nhập nào khác của người vợ. Anh ta chiếm đoạt tất cả những đồng tiền mà mồ hôi công sức người vợ đã phải bỏ ra để kiếm được… Những tài sản có được do cả công lao của vợ và chồng mặc nhiên được cho là sở hữu của người chồng.”
Người phụ nữ có con ngoài giá thú bị xem là tội phạm và hồ sơ tòa án thời thuộc địa đầy dẫy các trường hợp phụ nữ bị kết tội “chửa hoang” – trong khi đó bố của đứa trẻ không hề bị luật pháp đụng chạm đến và vẫn vô tư nhởn nhơ. Năm 1747, một tạp chí xuất bản định kỳ của các vùng thuộc địa đã đăng đi đăng lại “lời của một phụ nữ tên là Polly Baker trước một tòa án ở Connecticut, gần Boston, vùng New England. Chị ta bị xét xử đến lần thứ năm vì đã có một đứa con hoang”:
Mong mọi người hãy rủ lòng thương bằng cách gia ơn cho tôi đôi lời: Tôi là một phụ nữ nghèo, không đủ tiền để thuê luật sư bào chữa… Thưa quý tòa, đây là lần thứ năm tôi phải ra hầu tòa vì cùng một lý do. Tôi đã bị phạt hai lần rất nặng và tôi cũng đã bị đưa đi lao động công ích hai lần, cũng chỉ vì thiếu tiền trả các khoản phạt đó. Có lẽ điều này phù hợp với luật pháp và tôi cũng không dám tranh cãi gì, tuy nhiên đôi khi luật pháp cũng không được công bằng cho lắm, do đó có những điều cần phải hủy bỏ, ngoài ra còn có những điều luật quá khắt khe trong một số trường hợp cụ thể… Tôi xin được tự do mà nói rằng, theo thiển ý của tôi thì những luật lệ mà tôi đang phải gánh chịu vừa không hợp lý, vừa quá khắt khe đối với trường hợp của tôi… Tách ra khỏi luật pháp này, tôi không thể hiểu nổi… tôi mắc phải tội gì. Tôi đã mang đến cho thế giới này năm đứa trẻ, chấp nhận rủi ro chính mạng sống của tôi. Tôi đã nuôi dưỡng chúng một cách chu đáo bằng tất cả nỗ lực của mình, mà không làm tăng gánh nặng của thành phố và tôi hẳn đã nuôi dạy chúng được tốt hơn, nếu như tôi không phải gánh chịu những khoản phạt nặng nề mà tôi đã phải nộp… mà nào có ai than phiền hoặc kiện tụng gì tôi, ngoại trừ mỗi ngài bộ trưởng tư pháp, bởi lẽ tôi đã sinh con mà không kết hôn – làm như thế đã khiến họ mất một khoản thu lệ phí kết hôn. Nhưng liệu đó có phải là lỗi của tôi?…
Những người phụ nữ trẻ nghèo túng phải làm gì, khi mà phong tục tập quán và tạo hóa cấm họ chủ động tiếp cận đàn ông, khi mà họ không thể đẩy mình lên trên vị thế của người chồng; khi luật pháp không đứng về phía họ, thậm chí còn trừng phạt khi họ thực hiện những trách nhiệm của họ mà không có người chồng hỗ trợ khi thực hiện thiên chức cơ bản nhất đó là sinh sôi nảy nở – một thiên chức không gì có thể ngăn nổi. Mà nhân danh điều đó tôi đã chấp nhận rủi ro của việc đánh mất đi sự kính trọng của công chúng, thay vào đó thường xuyên phải đối mặt với sự ruồng bỏ và sự trừng phạt của công chúng. Theo ý nghĩ thô lậu của tôi, những điều không chỉ đơn thuần là những trận đòn roi mà chúng đã để lại một ấn tượng sâu nặng trong trí nhớ của tôi.
Vai trò của người bố trong gia đình đã được đề cập trong tờ Spectator – một tạp chí có ảnh hưởng lớn tại Mỹ và Anh: “Không gì làm đầu óc của một người đàn ông hứng khởi hơn quyền lực hoặc sự chiếm hữu. Và… vì tôi là ông bố trong một gia đình… tôi tha hồ ra lệnh: khi giao nhiệm vụ, khi nghe các nhóm tranh luận, khi tiến hành phân xử, cũng như khi ban phát những hình thức khen thưởng, kỷ luật… Nói tóm lại, thưa ngài, tôi quán xuyến gia đình tôi như lãnh địa của một người đàn ông, trong đó tôi vừa như một vị vua, vừa giống như một linh mục.”
Không còn nghi ngờ gì việc vùng New England của người Thanh giáo luôn mang quan điểm khuất phục phụ nữ. Trong phiên tòa xử một phụ nữ dám kêu ca về sản phẩm mà tay thợ mộc đã làm cho chị ta, John Cotton, một trong những đức cha đầy quyền lực của vùng Boston, đã nói: “… rằng việc người chồng phải nghe lời vợ mình, chứ không phải người vợ phải tuân theo lời người chồng, là một nguyên tắc sai trái. Và thế là nhân danh Chúa, một thứ luật lệ khác đã được tròng thêm vào cho phụ nữ: những người vợ phải tuân thủ chồng trong mọi trường hợp.”
Một trong những cuốn sách bán chạy xuất bản tại Anh quốc được truyền đọc rộng rãi tại các thuộc địa ở Mỹ trong những năm 1700, đó là cuốn Advice to a Daughter (Lời khuyên dành cho cô con gái):
Trước hết, nói chung con phải hạ mình, vì sự bất công ở ngay trong giới tính và cũng là để phát triển nền kinh tế của thế giới. Đàn ông – những người lập ra luật lệ – được tự nhiên ban tặng nhiều lẽ phải hơn, điều đó có nghĩa là giới tính cũng đã được sắp xếp sao cho nó có thể hoàn thành các bổn phận đó… Giới tính của con khiến chúng ta xác định các cách hành xử của con, cũng như khiến chúng ta có sức mạnh để bảo vệ con: Chúng ta muốn bản tính của con phải mềm mại và phải biết cách chiều lòng chúng ta…
Tuy nhiên, bất chấp việc dạy dỗ đầy quyền lực này, nhiều phụ nữ vẫn dám đứng lên nổi loạn. Những phụ nữ nổi loạn luôn phải đối mặt với sự bất lực: Họ luôn phải sống trong sự soi mói hàng ngày của ông chủ, luôn bị tách biệt khỏi những người sống cùng một nhà và thiếu sự chia sẻ tình cảm với những người nổi loạn thuộc các nhóm bị áp bức khác.
Anne Hutchinson, một phụ nữ mộ đạo, mẹ của 13 đứa con và là người am hiểu việc sử dụng cây thuốc để chữa bệnh. Trong những năm đầu của thuộc địa Vịnh Massachusetts, bà đã chống lại các cha xứ bằng cách khẳng định rằng, cũng như những người bình thường khác, bà có thể tự tìm hiểu và giảng giải Kinh thánh cho mình. Là một người có khả năng hùng biện, bà đã tổ chức các cuộc họp mà phụ nữ tham gia ngày càng đông (và tất nhiên cũng có một số đàn ông), không bao lâu lên tới hơn 60 người thường, tập trung tại nhà bà ở Boston để nghe bà phê phán các cha xứ địa phương. Thống đốc John Winthrop mô tả bà là “một người đàn bà trên cỗ xe kiêu ngạo và đáng ghê tởm, với một tinh thần hung hăng, miệng lưỡi đanh đá, trơ tráo hơn cả đàn ông, dù về hiểu biết và khả năng phán quyết thì kém xa so với nhiều người phụ nữ khác”.
Anne Hutchinson đã bị đem ra xét xử hai lần: Một lần bị nhà thờ cáo buộc về tội dị giáo và một lần do chính quyền xét xử vì tội đã thách thức nhà cầm quyền. Trong lần xử ở tòa dân sự, bà đang mang thai và người rất yếu, nhưng họ không cho phép bà ngồi cho tới khi bà sắp ngã gục. Trong lần xử ở tòa án tôn giáo, bà đã bị chất vấn hàng tuần và mặc cho bị ốm, bà đã thách thức những kẻ tra hỏi mình bằng vốn kiến thức rất sâu rộng về Kinh thánh cũng như tài hùng biện. Cuối cùng, khi bà xưng tội bằng cách viết ra giấy, họ vẫn không hài lòng. Họ nói: “Việc xưng tội của bà ta chưa được thể hiện qua nét mặt.”
Người phụ nữ này bị trục xuất khỏi thuộc địa. Năm 1638, khi bà lên đường sang Rhode Island, 35 gia đình đã theo chân bà. Sau đó, bà đến vùng bờ biển của Long Island, nơi những người Anh-điêng vốn bị chiếm đoạt đất đai, họ đã nghĩ rằng bà là một trong những kẻ thù của họ, họ đã giết bà và gia đình. Hai mươi năm sau, khi Mary Dyer, người bào chữa cho bà tại phiên tòa, quay lại Vịnh Massachusetts thì bị chính quyền thực dân treo cổ, cùng với hai người khác theo giáo phái Quaker, vì tội “nổi loạn, xúi giục và cưỡng bức người khác cùng tham gia”.
Phụ nữ vẫn rất hiếm khi được công khai tham gia các hoạt động công cộng, dù một số vùng biên giới phía Nam và phía Tây đã có những điều kiện thuận lợi. Trong các hồ sơ thời kỳ đầu ở vùng Georgia, Julia Spruill thấy còn lưu lại câu chuyện về Mary Musgrove Mathews, con gái của một phụ nữ Anh-điêng với người đàn ông Anh quốc. Cô gái này có thể nói tiếng Creek và đã trở thành cố vấn về các vấn đề người Anh-điêng cho Thống đốc Georgia là James Oglethorpe. Spruill đã phát hiện rằng khi các cộng đồng trở nên ổn định hơn, phụ nữ càng thụt lùi với đời sống xã hội và càng trở nên nhút nhát hơn trước. Và đây là một lời thỉnh cầu: “Không thể lấy phạm vi về giới tính của chúng tôi để giải thích cho chính sách mệnh lệnh.”
Tuy nhiên, Spruill cho biết, trong thời điểm Cách mạng, những đòi hỏi của chiến tranh đã lôi kéo phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào các công tác xã hội. Phụ nữ thành lập các tổ chức yêu nước, thực hiện các hoạt động chống lại Anh quốc, viết báo ca ngợi tinh thần độc lập. Họ rất tích cực tham gia các phong trào chống lại thuế chè, thứ thuế đã khiến cho giá chè tăng một cách khủng khiếp. Họ tổ chức hội “Những người con gái của Tự do” (Daughters of Liberty), tẩy chay hàng hóa Anh, vận động phụ nữ tự may quần áo và chỉ mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Năm 1777 đã có một bản sao Tiệc trà Boston, đó là “bữa tiệc cà phê”. Trong bức thư cho chồng là John Adams, Abigail Adams đã viết:
Một thương gia tài ba, giàu có, đôi chút keo kiệt (cũng là một người đàn ông độc thân) có một thùng cà phê lớn trong kho, đã từ chối bán cho hội đồng với giá dưới 6 bảng Anh một pound. Một đám đông các bà, người nói là 100 người, có người lại nói là còn hơn, đã rồng rắn xếp hàng, kéo quân diễu hành đến nhà kho của thương gia đó và yêu cầu phải giao chìa khóa nhà kho cho họ, nhưng vị này từ chối. Đáp lại, một bà đã tóm cổ ông ta và tống lên xe bò. Chưa đầy 15 phút bị nện no đòn trên xe, ông ta đã phải xìa chìa khóa ra. Đám phụ nữ mở tung kho hàng, tự tay bốc hết số cà phê và bỏ đi thẳng… Lũ đàn ông trơ mắt đứng nhìn một cách kinh ngạc toàn bộ diễn biến sự việc.
Các nữ sử gia gần đây chỉ ra rằng, đóng góp của tầng lớp lao động nữ trong cuộc Cách mạng Mỹ hầu như đã bị lờ đi, không giống như các quý bà thượng lưu của giới lãnh đạo (Dolly Madison, Martha Washington, Abigail Adams). Margaret Corbin, còn gọi là ”Kate bẩn thỉu”, Deborah Sampson Garnet và “Molly Pitcher” là những phụ nữ hạ lưu, thô lậu đã được các sử gia đánh bóng thành các quý bà. Những người phụ nữ nghèo khó, trong những năm cuối của cuộc chiến, đã xông xáo trong các trại lính để giúp đỡ và chiến đấu, nhưng sau đó họ được nhắc tới như những con điếm. Trong khi đó, Martha Washington lại được đặt lên một vị trí đặc biệt trong các cuốn sách lịch sử, vì bà đã đến thăm chồng – George Washington − lúc đó đang ở Thung lũng Forge.
Khi các điển hình về phụ nữ được ghi chép lại, hầu như người ta chỉ chú ý đề cập những phụ nữ vốn được hưởng những đặc ân, những người đã có quyền tự do để phát biểu ý kiến, có nhiều cơ hội để viết lách hoặc những ghi chép của họ cũng được lưu trữ. Tháng 3 năm 1776, trước khi Tuyên ngôn Độc lập ra đời, Abigail Adams đã viết cho chồng:
… trong những đạo luật mới mà em nghĩ là anh cần thông qua, em mong anh nhớ tới những người phụ nữ và mong anh hào phóng với họ hơn so với cha ông của anh. Đừng giao hết quyền lực vô biên vào tay các ông chồng. Hãy nhớ rằng tất cả đàn ông đều có thể trở thành những tên bạo chúa nếu họ có điều kiện. Nếu không có sự quan tâm và lưu ý chu đáo đến phụ nữ, có lẽ chúng ta đang ươm những mầm mống bạo loạn và chúng ta đừng trói buộc mình phải tuân thủ hệ thống luật pháp mà chúng ta không có tiếng nói đại diện.
Tuy nhiên, Jefferson lại nhấn mạnh câu “mọi người (đàn ông) đều có quyền bình đẳng”, cách tuyên bố đó có thể dẫn đến cách hiểu là phụ nữ Mỹ “quá thông thái để nhăn trán với những chuyện chính trị”. Và sau cuộc Cách mạng, hiến pháp mới của các bang đều không hề đề cập việc trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ, trừ bang New Jersey. Tuy nhiên, năm 1807, bang này cũng hủy bỏ quyền đó. Hiến pháp của New York tước quyền bầu cử của phụ nữ bằng cách dùng từ “male” (đàn ông).
Vào những năm 1750, khoảng 90% đàn ông da trắng mù chữ, còn đối với phụ nữ con số này chỉ khoảng 40%. Phụ nữ thuộc tầng lớp lao động có ít phương tiện truyền thông và hầu như không có các phương tiện để ghi lại bất cứ tâm trạng nổi loạn nào mà họ có thể cảm nhận dưới tác động của vị thế luôn bị xem là hạ cấp. Họ không chỉ đảm nhiệm việc sinh nở, chịu nhiều vất vả nhọc nhằn, mà còn phải gánh vác công việc nội trợ. Trong khoảng thời gian Tuyên ngôn Độc lập ra đời, bốn nghìn phụ nữ và trẻ em tại Philadelphia vẫn phải miệt mài xe sợi tại nhà cho các nhà xưởng địa phương, dưới thứ hệ thống “phân biệt đối xử”. Phụ nữ cũng là những người chủ cửa hàng, cửa hiệu và tham gia nhiều hoạt động kinh doanh khác. Họ là người làm bánh, thợ đóng hộp, người ủ nấu rượu, thợ thuộc da, thợ bện dây chão, thợ rừng, thợ in, người làm dịch vụ đưa tang, thợ mộc, thợ may yếm và còn biết bao nghề khác nữa.
Khi nói về quyền bình đẳng của phụ nữ, Thomas Paine cho rằng ý tưởng về bình quyền nam nữ còn rất xa vời trong và sau thời kỳ Cách mạng. Một cuốn sách tiên phong của Mary Wollstonecraft ở Anh quốc có tên là A Vindication of the Rights of Women (Xác minh các quyền của phụ nữ) đã được tái bản ở Mỹ ngay sau khi cuộc Cách mạng diễn ra.
Wollstonecraft đã phản bác Edmund Burke – một người Anh bảo thủ và có tư tưởng chống lại cuộc Cách mạng Pháp, khi ông này viết trong cuốn Reflections on the Revolution in France (Những suy nghĩ về cuộc Cách mạng Pháp) rằng “phụ nữ chỉ là một loài động vật và là động vật không phải ở mức thang tiến hóa cao nhất”. Bà viết:
Tôi mong ước thuyết phục được những người phụ nữ nỗ lực hết sức để có thể có được cả sức mạnh cơ thể và ý chí; và cũng muốn thuyết phục họ rằng cách nói mềm mỏng, trái tim nhạy cảm, bản chất đa cảm của họ thường đồng nghĩa với những gì yếu đuối và họ chỉ là đối tượng của lòng thương hại… chẳng sớm thì muộn, họ cũng sẽ trở thành đối tượng của sự khinh miệt…
Tôi muốn khẳng định rằng đối tượng đầu tiên của những tham vọng được đánh giá cao là làm sao có được tính cách của một con người, không phân biệt giới tính.
Trong khoảng thời gian từ Cách mạng Mỹ đến cuộc Nội chiến, đã có biết bao thay đổi trong xã hội Mỹ: dân số gia tăng, phong trào tiến vào miền Tây bao la, sự phát triển của các nhà máy, gia tăng quyền lực chính trị cho những người đàn ông da trắng, sự phát triển về giáo dục để đáp ứng các nhu cầu của phát triển kinh tế những thay đổi đó đã tác động đến hoàn cảnh của phụ nữ. Trong thời tiền Công nghiệp ở Mỹ, nhu cầu thực tế đối với phụ nữ trong một xã hội ở vùng biên đã tạo ra một số quyền bình đẳng nhất định. Phụ nữ tham gia các công việc quan trọng như xuất bản báo chí, quản lý xưởng thuộc da, quản lý quán rượu và tham gia các công việc đòi hỏi những kỹ năng khác. Trong một số nghề như đỡ đẻ, họ gần như chiếm vị trí độc tôn. Nancy Cott đã kể câu chuyện về bà Martha Moore Ballard, sống ở trang trại Maine vào năm 1795. Bà đã “nướng bánh, ủ rượu, muối dưa, bảo quản thực phẩm, xe tơ và dệt vải, làm xà phòng và nến”; và với 25 năm kinh nghiệm làm bà đỡ, bà đã đỡ đẻ cho hơn một nghìn đứa bé. Từ khi giáo dục tại gia được phổ biến, phụ nữ cũng giữ một vai trò quan trọng trong công việc đó.
Đã có những chuyển biến phức tạp theo các hướng khác nhau. Giờ đây, phụ nữ được kéo ra khỏi nhà để tham gia vào đời sống công nghiệp, tuy nhiên vẫn có áp lực là phụ nữ phải ở nhà để dễ kiểm soát hơn. Thế giới bên ngoài tấn công vào các thành lũy gia đình, tạo ra những đe dọa và căng thẳng cho một thế giới vốn vẫn do đàn ông chi phối. Những thay đổi về sự kiểm soát ý thức hệ cũng đã thay thế việc kiểm soát trong gia đình vốn đang được nới lỏng và ý tưởng về “các địa điểm dành cho phụ nữ”, theo cách nói của cánh đàn ông, đã được nhiều phụ nữ chấp nhận.
Khi kinh tế phát triển, đàn ông chiếm đa số trong các công việc như thợ cơ khí, thương gia đồng thời tính hung hăng của đàn ông càng trở nên nổi bật hơn. Có lẽ do ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập cái thế giới bên ngoài nguy hiểm hơn và phụ nữ cũng được nhắc nhở là nên giữ vai trò thụ động. Phong cách trang phục đã được phát triển – tất nhiên là dành cho tầng lớp giàu và trung lưu, tuy nhiên cũng có những mẫu trang phục chỉ dành cho người nghèo – trong đó, khối lượng quần áo, áo nịt ngực, váy lót dài của phụ nữ cũng đã nhấn mạnh sự phân biệt của phụ nữ với các hoạt động của thế giới bên ngoài.
Một việc hết sức quan trọng là thiết lập một loạt các hệ tư tưởng để rao giảng ở nhà thờ, trường học và ngay trong gia đình, để kìm giữ phụ nữ ở vị trí vốn có, dù rằng những vị trí này ngày càng trở nên bất ổn. Trong cuốn Dimity Convictions (Những sự kết án được trang trí) xuất bản năm 1820, Barbara Welter đã chỉ ra sự mạnh mẽ của cái gọi là “giáo phái thuần nữ”. Xã hội mong đợi phụ nữ phải ngoan đạo. Trong cuốn The Ladies’ Repository (Kho chứa của các quý bà), một người đàn ông viết: “Tôn giáo chính là thứ mà phụ nữ cần, vì nó mang lại cho họ những giá trị phù hợp nhất với sự phụ thuộc của chính bản thân họ”. Trong cuốn Woman, in Her Social and Domestic Character (Phụ nữ trong vai trò xã hội và gia đình), bà John Sandford viết: “Tôn giáo là thứ mà phụ nữ cần. Thiếu nó thì họ sẽ luôn cảm thấy không yên hoặc bất hạnh.”
Trinh tiết được xem là một đức hạnh đặc biệt của phụ nữ. Người ta thường mang một quan điểm mặc nhiên rằng, đàn ông do những đặc ân về sinh học, hoàn toàn có thể mắc lỗi, nhưng phụ nữ thì không được phép vi phạm. Một tác giả thuộc phái nam viết: “Nếu người nào dám vượt qua rào cản đó, người ấy sẽ tự chấm dứt quãng đời còn lại trong nỗi buồn tủi do tính nhẹ dạ, khờ dại, ăn ở hai lòng và nhanh chóng bán rẻ danh dự.” Một phụ nữ viết rằng, phụ nữ sẽ gặp rắc rối nếu họ “không chứng minh được việc bảo vệ tinh thần trong trắng của mình”.
áp đặt này được bắt đầu rất sớm, từ khi một cô gái bước sang tuổi trưởng thành. Sự vâng lời là tiền đề để một cô gái phục tùng người bạn đời đầu tiên. Barbara Welter đã mô tả như sau:
Giả sử một phụ nữ Mỹ tỏ ra đáng yêu và quyến rũ đến độ một người đàn ông khỏe mạnh khó có thể kiểm soát bản thân khi phải ở cùng phòng với cô ta. Chính cô gái đó, trong khi giống như chú thỏ ngây ngô, thoát khỏi vỏ bọc kiểm soát của gia đình, cũng run rẩy với những tình cảm không kiểm soát được, cũng ngập tràn cảm giác được yêu thương, đến độ dồn hết tình yêu của mình cho người lần đầu gặp gỡ. Khi cô tỉnh dậy sau giấc mộng đêm hè của tuổi thành niên, gia đình cô và xã hội phải có trách nhiệm bảo đảm để đôi mắt cô hướng tới một cuộc hôn nhân phù hợp, chứ không phải tới một tên hề với cái đầu đần độn. Họ áp dụng đủ mọi biện pháp nghiêm khắc, như đưa tới các trường học riêng biệt (theo giới tính hoặc tầng lớp), các lớp dạy nhảy, đi du lịch và các biện pháp kiểm soát bên ngoài khác. Cô gái cũng bị trói buộc vào các vòng kiểm soát nội bộ nhằm đảm bảo sự vâng lời. Biện pháp kết hợp này đã tạo ra một kiểu rào cản xã hội về trinh tiết, sẽ không được phá bỏ trước khi người chồng tương lai xuất hiện và tuổi thanh xuân của cô qua đi.
Năm 1851, khi Amelia Bloomer, một người đấu tranh vì quyền phụ nữ, đưa ra một gợi ý trong một tạp chí về phụ nữ rằng, phụ nữ nên mặc váy ngắn để giải phóng họ khỏi những phiền toái của loại váy dài truyền thống, thì ý tưởng này đã bị phê phán rất gay gắt trên văn đàn dành cho phụ nữ. Một câu chuyện kể về một cô gái rất mến mộ những bộ đồ “rực rỡ hơn”, nhưng vị thầy giáo của cô gái lại quở trách, rằng đó “chỉ là một trong những biểu hiện tinh thần hoang dã của khuynh hướng xã hội và chủ nghĩa cấp tiến nông dân đang nở rộ trên mảnh đất của chúng ta”.
Trong cuốn The Young Lady’s Book of 1830 (Sách về các quý cô những năm 1830) có đoạn viết: “… dù người phụ nữ được đặt trong bất cứ hoàn cảnh sống nào, từ lúc còn nằm nôi cho đến khi xuống mộ, thì những gì đòi hỏi họ là tinh thần tuân thủ và dễ bảo, mềm dẻo về tính cách và nhún nhường về trí tuệ”. Trong cuốn Greenwood Leaves (Những chiếc lá rừng xanh) năm 1850, tác giả nữ viết: “Những phụ nữ thiên tài thường rụt rè, luôn nghi ngại, luôn phụ thuộc; một tâm hồn trẻ thơ mãi mãi.” Một cuốn sách khác, Recollections of a Southern Matron (Những kỷ niệm về một mệnh phụ miền Nam), viết: “Nếu như bất cứ thói quen nào của ông ta có làm tôi khó chịu, tôi cũng chỉ điềm đạm nhắc một, hai lần, sau đó thì âm thầm chịu đựng.” Viết về phụ nữ với “Các nguyên tắc về hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình”, một cuốn sách đã kết thúc bằng nhận xét: “Không mong đợi gì nhiều lắm.”
Công việc của phụ nữ là giữ cho nhà cửa được vui vẻ, giữ gìn tôn giáo, làm các công việc chăm sóc, nấu nướng, dọn dẹp, may vá, cắm hoa. Phụ nữ không nên đọc nhiều và cần phải tránh một số cuốn sách nhất định. Khi Harriet Martineau, nhà cải cách vào những năm 1830, viết cuốn Society in America (Xã hội nước Mỹ), một nhà phê bình sách đã đề nghị phụ nữ không nên đọc cuốn sách đó: “Nó sẽ làm phụ nữ đảo lộn vị trí và mục tiêu cuộc sống của họ và chẳng mấy chốc họ sẽ khiến cho cả thế gới này rơi vào tình trạng hỗn loạn.”
Đây là đoạn trích của một bài thuyết giáo năm 1808 tại New York:
Nhiệm vụ người vợ của phụ nữ mới quan trọng và thú vị làm sao… Vừa như người cố vấn, vừa như người bạn của chồng; người hằng ngày vẫn giúp làm nhẹ mối lo lắng, làm dịu nỗi đau của người chồng, tăng thêm niềm vui cho anh ta như thiên thần canh gác, theo sát những sở thích của chồng, cảnh báo cho chồng những mối hiểm nguy, làm yên lòng chồng khi anh ta gặp phải gian nan. Bằng sự ngoan đạo, tính siêng năng, cách cư xử khéo léo làm cho người chồng có đạo đức tốt hơn, danh giá và hạnh phúc hơn.
Vì đảm nhiệm thêm việc dạy dỗ con cái, phụ nữ cũng được thôi thúc bày tỏ lòng yêu nước. Một tạp chí dành cho phụ nữ đã trao giải thưởng cho một phụ nữ đã viết bài hay nhất về chủ đề “Cách để phụ nữ Mỹ có thể bày tỏ lòng yêu nước của mình một cách xuất sắc nhất”.
Trong cuốn The Bonds of Womanhood (Những ràng buộc của phái nữ), Nancy Cott cho chúng ta biết, vào những năm 1820-1830, đã có hàng loạt tiểu thuyết, thơ ca, luận văn, bài thuyết giáo, sổ tay viết về gia đình, trẻ em và vai trò của phụ nữ. Thế giới bên ngoài càng trở nên khó khăn hơn, mang tính thương mại và nhiều đòi hỏi hơn. Ở một khía cạnh nào đó, gia đình mang nặng quá khứ không tưởng, trốn tránh thực tế.
Có lẽ nhiều người chấp nhận một thực tế là nền kinh tế mới chỉ được xem như một phần của cuộc sống, trong khi gia đình vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn. Năm 1819, một người vợ ngoan đạo viết: “… bầu không khí của thế giới đang bị đầu độc. Bạn phải luôn mang theo mình thuốc giải độc, nếu không thì đến cả bào thai cũng bị ô nhiễm”. Tuy nhiên, như điều mà Cott chỉ ra, đó không phải là để thách thức cái thế giới của thương mại, công nghiệp, cạnh tranh, hay chủ nghĩa tư bản, mà là nhằm để thế giới có thể dễ được chấp nhận hơn.
Phụ nữ có tâm lý sùng bái đời sống gia đình − đó là cách để xoa dịu chính họ trước một học thuyết “khác biệt nhưng bình đẳng” – trao cho họ một cách bình đẳng công việc quan trọng như đàn ông, nhưng lại phân tách và khác biệt. Trong cái gọi là “bình đẳng” đó, có một thực tế là người phụ nữ không được phép chọn bạn đời và một khi hôn nhân được tiến hành, cuộc đời người phụ nữ coi như đã được định đoạt. Năm 1791, một cô gái viết: “Con xúc xắc có thể sẽ là vật cầu may định đoạt hạnh phúc hay khổ đau trong tương lai của đời tôi… Tôi luôn nhìn thấy trước cái sự kiện trang trọng giống như điều sẽ chấm dứt sự tồn tại hiện thời của bản thân mình.”
Hôn nhân là xiềng xích và có con cái thì xiềng xích đó lại tăng lên gấp đôi. Một phụ nữ viết năm 1813: “Suy nghĩ về việc sắp sửa sinh đứa con thứ ba và những nghĩa vụ sẽ phải cáng đáng thêm khiến tôi lo lắng đến kiệt sức và cảm thấy mình như sắp chìm nghỉm.” Sự chán nản này thường được tô vẽ bằng những suy nghĩ cho rằng phụ nữ được giao phó sứ mệnh quan trọng: truyền đạt cho con cái những giá trị đạo đức của sự tự kiềm chế và những tiến bộ nhờ nỗ lực cá nhân hơn là hành động chung.
ý thức hệ mới đã phát huy tác dụng, nó giúp duy trì sự bình ổn mà một nền kinh tế đang tăng trưởng cần có. Nhưng chính sự tồn tại của nó còn chỉ ra rằng các luồng tư tưởng khác cũng đang hoạt động, không dễ dàng bị bao trùm. Và việc trao cho người phụ nữ phạm vi riêng của họ, rất có thể họ sẽ sử dụng không gian và thời gian đó để chuẩn bị cho một cuộc sống mới.
Sự “sùng bái nữ tính thực thụ” đã không thể xóa sạch các bằng chứng rõ ràng về vai trò yếu thế của phụ nữ: đó là họ không được bầu cử, không được sở hữu tài sản; nếu tham gia làm việc, họ chỉ được trả công tương đương một phần tư đến một phần hai so với đàn ông làm cùng công việc đó. Phụ nữ không được làm các nghề luật, nghề y, cũng như không được học đại học, làm việc tại các bộ.
Nancy Cott chỉ ra rằng, việc xếp tất cả phụ nữ vào cùng loại – dành cho họ cùng không gian trong gia đình – đã tạo ra một sự phân loại (theo giới tính) làm lu mờ các ranh giới về giai cấp. Tuy nhiên, những áp lực trong công việc vẫn làm gia tăng các vấn đề về giai cấp. Năm 1789, Samuel Slater giới thiệu các máy móc dệt công nghiệp tại New England và khi đó nảy sinh nhu cầu cần cô gái trẻ, hay gọi bóng bẩy là “các bà cô độc thân” – để đứng máy dệt trong các nhà máy. Năm 1814, khung dệt chạy điện được đưa vào sử dụng tại Waltham, Massachusetts, và cũng khi đó tất cả công đoạn cần thiết để biến sợi bông thành vải được thực hiện trong cùng một nhà xưởng. Các nhà máy dệt mọc lên như nấm, với lượng công nhân nữ chiếm tới 80-90% và hầu hết số công nhân nữ này nằm trong độ tuổi từ 15 đến 30.
Một số cuộc đình công sớm nhất của ngành công nghiệp đã diễn ra tại các nhà máy dệt này, vào đầu những năm 1830. Trong cuốn A Century of Struggle (Một thế kỷ đấu tranh), Eleanor Flexner đã đưa ra những con số có thể giúp chúng ta tìm hiểu nguyên nhân các cuộc đình công đó: công nhật trung bình của phụ nữ chưa đến 371 xu và hàng nghìn phụ nữ mỗi ngày chỉ kiếm được 25 xu, trong khi phải làm quần quật từ 12-16 tiếng mỗi ngày. Năm 1824, tại Pawtucket, Rhode Island người ta đã chứng kiến cuộc đình công đầu tiên của các nữ công nhân nhà máy. 202 phụ nữ đã sát cánh cùng đàn ông phản đối việc cắt lương và kéo dài giờ làm, tuy nhiên hai đoàn biểu tình này diễn ra riêng biệt. Bốn năm sau, những người phụ nữ tại Dover, New Hampshire đã tự mình đứng lên biểu tình. Năm 1834 tại Lowell, Massachusetts, một phụ nữ trẻ bị đuổi việc, những cô gái khác lập tức rời bỏ khung dệt, một cô trong số đó đã leo lên chiếc máy bơm của thị trấn và theo như một tờ báo thì “bài diễn văn cháy bỏng của Mary Wollstonecraft về quyền phụ nữ và những bất công từ ‘tầng lớp quý tộc giàu có’ đã tạo nên một ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với người nghe và thính giả đã có nhận định cho chính họ là liệu họ có phải hy sinh vì điều đó hay không.”
Một tạp chí do một cư dân của Chicopee, Massachusetts, còn giữ được đã ghi lại sự kiện ngày 2 tháng 5 năm 1843:
Không khí sôi sục bao trùm những cô gái… sau bữa sáng nay, một đám diễu hành giương biểu ngữ làm từ rèm cửa sổ sơn màu đã đi quanh quảng trường, số người tham gia là 16. Họ nhanh chóng dạo lại vòng nữa… số người tham gia đã lên 44. Họ tuần hành thêm vài vòng nữa, sau đó giải tán. Sau bữa ăn tối, họ lại tập hợp đến 42 người và diễu hành quanh vùng Cabot… Họ cứ diễu hành quanh các phố, như để làm họ nổi tiếng…
Đến những năm 1840, lại có thêm nhiều cuộc đình công tại các thành phố khác nữa. Mặc dù những cuộc đình công ngày càng mang tính chiến đấu hơn so với tính “tự phát” ban đầu tại New England, song hầu hết đều thất bại. Liên tiếp các cuộc đình công đã nổ ra tại nhà máy Allegheny gần Pittsburgh để đấu tranh đòi giảm giờ làm. Trong những cuộc đình công này, nhiều lần, chị em phụ nữ với trang bị gậy gộc và đá đã phá vỡ cổng gỗ của nhà máy dệt, làm các máy dệt ngừng hoạt động.
Catharine Beecher, một người phụ nữ có đầu óc cải cách thời đó, đã viết về hệ thống các nhà máy:
Tôi xin phép được trình bày những dữ kiện mà tôi đã rút ra được từ việc quan sát hoặc tìm hiểu thực tế. Tôi đã đến đó vào giữa mùa đông và cứ mỗi buổi sáng lúc khoảng 5 giờ tôi lại bị đánh thức bởi tiếng chuông báo giờ làm việc. Thời gian để thay đồ và ăn sang quá ngắn, như nhiều người đã nói với tôi, vậy nên họ phải thực hiện cả hai việc này rất nhanh, để bắt tay vào công việc ngay dưới ánh sáng đèn, quần quật đến tận 12 giờ trưa mà chẳng được nghỉ ngơi, đã thế toàn phải làm việc trong tư thế đứng. Sau đó chỉ có khoảng một tiếng rưỡi cho bữa ăn tối, gồm cả thời gian dành cho đi và về. Tiếp đó họ quay lại nhà máy, làm đến tận 7 giờ tối… Cần phải nhớ một điều là toàn bộ thời gian làm việc đều ở trong các căn phòng được chiếu sáng bằng ánh đèn dầu, lúc nào cũng có từ 40-80 người chen chúc ngột ngạt… đã thế bầu không khí lại càng ngột ngạt hơn với hạt bụi bông thải ra từ các bàn chải, con suốt và khung dệt.
Còn cuộc sống của giới phụ nữ thượng lưu thì sao? Trong cuốn Domestic Manners of the Americans (Những phong cách nội trợ kiểu Mỹ), Frances Trollope, một phụ nữ Anh, viết:
Cho phép tôi được mô tả một ngày của quý bà thuộc tầng lớp cao nhất ở Philadelphia…
Quý bà này phải là vợ của một nghị sỹ hoặc luật sư danh giá nhất… Mỗi khi bà ta thức dậy, giờ đầu tiên của bà là dành cho việc chải chuốt kỹ lưỡng trang phục; bà ta ngả người bên bàn trang điểm, ngắm nghía, chỉnh trang trong sự yên tĩnh; bữa ăn sáng được đầy tớ da đen lễ phép bưng đến; bà ta thường ăn món giăm bông khô, cá tẩm muối và nhâm nhi ly cà phê trong không khí thanh bình, trong khi ông chồng chậm rãi đọc hết tờ báo này đến tờ báo khác; tiếp đó có lẽ bà ta sẽ rửa mấy chiếc cốc và đĩa. Xe ngựa đã đợi sẵn bà ta lúc 11 giờ; cho đến lúc đó, bà ra vẻ bận rộn trong phòng làm bánh, cái tạp dề trắng như tuyết vắt vẻo để bảo vệ chiếc váy lụa màu lông mèo của bà. Hai mươi phút trước khi xe ngựa xuất hiện, bà đủng đỉnh quay về phòng chứa đồ, giũ và treo chiếc tạp dề vẫn trắng như tuyết lên móc, vuốt lại bộ đồ sang trọng, và… đủng đỉnh đội chiếc mũ rất sành điệu… chậm dãi bước xuống cầu thang, vừa đúng lúc người đánh xe da đen thông báo cho đầy tớ da đen rằng xe ngựa đã sẵn sàng. Quý bà lúc đó bước lên xe và ra lệnh: “Cho xe đến Hội Dorcas!”
Tại Lowell, Hiệp hội Cải cách Lao động nữ (Female Labor Reform Association) đã phát hành một loạt “Tiểu luận về nhà máy”. Tiểu luận đầu tiên có tên là “Cuộc sống của công nhân ở nhà máy” đề cập những phụ nữ làm việc trong các nhà máy dệt “chẳng khác gì nô lệ! Những nô lệ của một hệ thống lao động, bị vắt kiệt sức lực họ liên tục từ năm đến bảy tiếng đồng hồ và chỉ được dành khoảng một giờ để giải quyết các nhu cầu tự nhiên – những nô lệ của ý chí và nhu cầu của đám người có quyền lực…”
Năm 1845, tờ New York Sun đăng một mẩu tin như sau:
“Cuộc gặp đông đảo những phụ nữ trẻ” – Chúng tôi đề nghị những phụ nữ trẻ của thành phố hiện đang làm việc tại các ngành công nghiệp, lúc 4 giờ chiều nay sẽ tập trung gặp tại Công viên.
Chúng tôi cũng kêu gọi tinh thần tôn trọng phụ nữ của nam giới ở thành phố này… và đề nghị nam giới không tham dự cuộc gặp này.
Cũng trong thời gian đó, tờ New York Herald có một bài viết về “700 phụ nữ, với trạng thái và tinh thần thoải mái đã tụ họp lại, nỗ lực tìm các giải pháp để khắc phục những sai trái và bất công mà họ đã phải gánh chịu khi làm việc”. Xã luận của tờ Herald nhận xét về những cuộc gặp gỡ đó: “… chúng tôi rất nghi ngờ là liệu những cuộc gặp đó có góp phần cải thiện chút nào cho cuộc sống của lao động nữ hay không… Cuối cùng tất cả cũng không có gì thay đổi.”
Khuynh hướng trong cuốn (Những liên kết của phái nữ) của Nancy Cott phản ánh cái nhìn hai chiều về những điều đang diễn ra với phụ nữ đầu thế kỷ XIX. Theo bà, phụ nữ vừa bị xiềng xích trong quan điểm mới về cái gọi là “không gian của phụ nữ” trong gia đình, nhưng đồng thời vẫn phải làm việc trong các nhà máy, thậm chí cả phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu cũng phải đối mặt với những trói buộc. Nói cách khác, chính những điều kiện này đã tạo ra một nhận thức chung về tình trạng của họ, đồng thời tạo ra những ràng buộc về tình đoàn kết giữa họ.
Những phụ nữ tầng lớp trung lưu, do bị cản trở học cao hơn, đã dần độc chiếm nghề dạy học ở các trường tiểu học. Là giáo viên, họ có điều kiện đọc nhiều hơn, giao tiếp nhiều hơn và chính giáo dục đã trở thành tác nhân góp phần phá vỡ những lối suy nghĩ cũ kỹ. Họ bắt đầu viết báo, tạp chí và xuất bản một số ấn phẩm dành cho phụ nữ. Từ năm 1780 đến 1840, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ đã tăng gấp đôi. Phụ nữ trở thành những nhà cải cách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Họ tổ chức các phong trào chống lại tiêu chuẩn kép (lưỡng chuẩn) về các hành vi tình dục và những trừng phạt bất công đối với gái điếm. Họ cũng gia nhập các tổ chức tôn giáo. Một số người mạnh mẽ nhất đã tham gia các phong trào chống chế độ nô lệ. Như vậy, đến những năm 1840, khi một phong trào đấu tranh cho phụ nữ chính thức ra đời, phụ nữ đã trở thành những nhà tổ chức, vận động quần chúng và diễn thuyết.
Năm 1819, khi Emma Willard đăng đàn tại cơ quan lập pháp ở New York để bàn về vấn đề giáo dục cho phụ nữ, bà đã phủ nhận một tuyên bố (bằng văn bản) do Thomas Jefferson đưa ra một năm trước đó, cho rằng phụ nữ không nên đọc các tiểu thuyết “rác rưởi”, ngoại trừ một vài trường hợp. “Cũng với lý do đó, nhiều bài thơ cũng không nên được phổ biến.” Thomas Jefferson cho rằng giáo dục cho phụ nữ chỉ nên “tập trung vào những môn mang tính trang trí và làm vui thêm cho đời sống mà thôi… do đó, phụ nữ chỉ cần học các môn khiêu vũ, hội họa và âm nhạc”.
Emma Willard khẳng định trước cơ quan lập pháp rằng giáo dục cho phụ nữ “mới chỉ chăm chăm vào việc sao cho phụ nữ có thể phơi bày những lợi thế quyến rũ của họ có được nhờ tuổi trẻ và sắc đẹp. Vấn đề là ở chỗ, khiếu thẩm mỹ của đàn ông, bất kể như thế nào đi chăng nữa, đã được biến thành tiêu chuẩn để hình thành các tính cách của phụ nữ”. Bà cũng khẳng định, “lý trí và tôn giáo đã dạy chúng ta rằng chúng ta đang tồn tại… chứ không phải là vệ tinh của những người đàn ông”.
Năm 1821, Willard đã lập trường nữ sinh Troy (Troy Female Seminary) – cơ sở giáo dục những cô gái đầu tiên được công nhận. Về sau bà kể lại việc bà đã làm cho nhiều người tức giận như thế nào khi dạy cho học sinh của mình về cơ thể người.
Vào đầu những năm 1830, khi đến thăm một lớp học tại trường, các bà mẹ đã sửng sốt khi nhìn thấy một học sinh đang vẽ một trái tim, kèm theo các động mạch và tĩnh mạch để giải thích về hệ tuần hoàn máu. Điều này đã khiến các bà mẹ rời khỏi phòng học trong một trạng thái khiếp đảm và xấu hổ. Để giữ tính e lệ của các cô gái và không làm các cô bối rối, người ta đã phải lấy giấy đậm màu dán đè lên những trang sách miêu tả về cơ thể người.
Phụ nữ đã đấu tranh để được học tại những trường dành riêng cho nam giới. Nữ bác sỹ Harriot Hunt, người bắt đầu hành nghề chữa bệnh vào năm 1835, đã hai lần bị từ chối vào học ở Trường Y Harvard. Nhưng bà tiếp tục hành nghề chữa bệnh, chủ yếu cho các bệnh nhân nữ và trẻ em. Bà rất tin tưởng vào các phương pháp ăn kiêng, luyện tập, giữ gìn vệ sinh và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Năm 1843, bà thành lập Hiệp hội Tâm lý Phụ nữ (Ladies Physiological Society) và hàng tháng tham gia các cuộc thảo luận. Bất chấp những tục lệ của thời bấy giờ, bà đã quyết định không lập gia đình.
Còn Elizabeth Blackwell cuối cùng cũng lấy được tấm bằng y khoa vào năm 1849, khi vượt qua rất nhiều lời khước từ trước khi được nhận vào học ở trường Geneva College. Sau đó, bà thành lập một phòng khám tại New York dành cho phụ nữ và trẻ em nghèo, với mục đích “tạo cơ hội để những phụ nữ nghèo thổ lộ với các bác sỹ về các vấn đề giới tính của họ”. Trong Báo cáo thường niên đầu tiên, bà viết:
Trường hợp khám bệnh đầu tiên của tôi rất lạ lùng. Một phụ nữ lớn tuổi bị viêm phổi, tôi đã đến xin tư vấn của một bác sỹ có uy tín và tốt bụng… Quý ông bác sỹ đó, sau khi khám xong cho bệnh nhân, đi cùng tôi vào phòng riêng. ông ta bắt đầu đi lại với vẻ lo âu và than vãn: “Đây là một trường hợp đặc biệt! Chưa bao giờ xảy ra trong đời tôi, tôi thực sự không biết phải làm gì nữa!” Tôi lắng nghe một cách ngạc nhiên và hết sức bối rối, vì như trường hợp bệnh nhân nọ rõ ràng là bị viêm phổi và không có dấu hiệu gì chứng tỏ nguy hiểm. Mãi về sau tôi mới phát hiện ra rằng sự bối rối của ông ta liên quan đến tôi, chứ không phải là do bệnh nhân, sự bối rối này xuất phát là làm thế nào để đưa ra tư vấn đúng đắn khi có mặt một bác sỹ là nữ!
Trường Oberlin College đi tiên phong trong việc tiếp nhận phụ nữ. Nhưng Antoinette Brown – cô gái đầu tiên được nhận vào khoa Thần học, tốt nghiệp năm 1850, đã phát hiện tên mình bị loại khỏi danh sách lớp. Còn với trường hợp của Lucy Stone, Oberlin College đã kịch liệt chống đối. Lucy Stone hoạt động tích cực vì một xã hội hòa bình và chống lại chế độ nô lệ đồng thời bà cũng dạy dỗ các học sinh da màu và tổ chức câu lạc bộ tranh luận cho các cô gái. Có lần bà được chọn để viết một bài diễn văn nhân dịp lễ trao bằng, nhưng sau đó lại bị thuyết phục là nên để bài diễn văn đó cho một người đàn ông đọc. Bà đã quyết định từ chối viết bài theo yêu cầu.
Năm 1847, Lucy Stone bắt đầu giảng bài về quyền phụ nữ tại một nhà thờ ở Gardner, Massachusetts, nơi anh trai bà là mục sư. Là một người phụ nữ nhỏ bé, chỉ nặng khoảng 45 kg, nhưng bà là một diễn giả phi thường. Bà còn là giảng viên của Hiệp hội chống Chế độ Nô lệ Mỹ (American Anti-Slavery Society), đã nhiều lần bị đám đông hắt nước lạnh, ném sách hoặc tấn công.
Khi bà kết hôn cùng Henry Blackwell , họ nắm tay nhau trong lễ cưới và cùng đọc lời tuyên thệ:
Trong khi chúng ta công nhận sự ảnh hưởng lẫn nhau theo quan niệm công khai về quan hệ giữa chồng và vợ…, chúng ta có nghĩa vụ phải tuyên bố rằng hành động này của chúng ta không có ngụ ý đồng ý hay hứa hẹn tự nguyện tuân thủ những điều khoản của luật hôn nhân hiện hành, trong đó từ chối công nhận người vợ là một người độc lập, trong khi lại dành cho người chồng những ưu thế phi tự nhiên và bất công…
Bà là một trong những người đầu tiên từ chối bỏ họ của mình sau khi kết hôn. Bà vẫn xưng danh mình là “Bà Stone”. Khi bà từ chối nộp thuế vì cho rằng mình không được đại diện trong chính quyền, các quan chức địa phương đã tịch thu tất cả tài sản của gia đình bà, thậm chí cả cái nôi của trẻ con.
Sau khi Amelia Bloomer, giám đốc bưu điện của một thị trấn nhỏ tại bang New York, thiết kế chiếc quần túm ống, các nhà hoạt động phụ nữ đã mô phỏng chiếc quần đó khoác vào một bộ xương cá voi, cùng coóc-xê, áo lót dài. Elizabeth Cady Stanton, một trong những người lãnh đạo phong trào phụ nữ trong giai đoạn này, đã kể về cảm giác của bà khi lần đầu tiên nhìn thấy cô cháu họ của mình mặc quần túm ống.
Cô cháu họ tôi một tay cầm đèn, một tay bế con, vẫn có thể bước lên cầu thang một cách uyển chuyển, trong khi với chiếc váy dài lượt thượt, tôi bước lên hết sức khó khăn. Nhìn cảnh tượng đó tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn rằng cần phải có những cải cách về trang phục cho phụ nữ và tôi cũng ngay lập tức chọn cho mình một bộ trang phục tương tự.
Ngay khi bắt đầu tham gia các phong trào cải cách khác – như chống chế độ nô lệ, vận động hạn chế rượu, thay đổi cách ăn mặc, cải cách chế độ lao tù, phụ nữ đã trở nên mạnh mẽ và dày dạn kinh nghiệm hơn. Angelina Grimke, một phụ nữ da trắng ở miền Nam đã trở thành phát ngôn viên và nhà tổ chức xông xáo với các hoạt động chống chế độ nô lệ, cho rằng phong trào đã phát triển rất sâu rộng:
Trước hết hãy để chúng tôi thức tỉnh cả dân tộc nhằm giải phóng hàng triệu nô lệ thuộc cả hai giới tính thoát khỏi cảnh lầm than và biến họ trở thành những con người. Và sau đó… sẽ chẳng có gì là khó khăn khi giúp hàng triệu phụ nữ vốn phải sống quỳ gối có thể đứng dậy bằng đôi chân của họ, hay nói cách khác là biến họ từ đứa bé thành người phụ nữ.
Có lẽ Margaret Fuller là trí thức năng nổ nhất trong số những người bảo vệ quyền phụ nữ. Quan điểm của bà, trong cuốn Woman in the Nineteenth Century (Phụ nữ thế kỷ XIX), là sự thấu hiểu rằng “trong đầu óc của đàn ông luôn có một thứ cảm giác đối xử với phụ nữ như với nô lệ…”. Bà viết tiếp: “Chúng ta muốn những tư tưởng hủ lậu đó phải được đạp đổ. Chúng ta mong muốn mọi cánh cửa đều được mở rộng cho cả phụ nữ cũng như cho nam giới.” Và: “Những gì phụ nữ cần không phải là một người phụ nữ phải hành động hoặc bị cai trị, mà là một sức sống tự nhiên để phát triển, một trí tuệ để nhận thức, một tâm hồn để sống tự do và không bị áp đặt…”
Còn có rất nhiều điều cần phải vượt qua. Một trong những nhà văn nổi tiếng nhất giữa thế kỷ XIX là Đức cha John Todd (một trong những cuốn sách bán chạy của ông đã đưa ra lời khuyên cho những nam giới trẻ tuổi về hậu quả của sự thủ dâm – rằng nó “làm cho trí tuệ bị hư hỏng một cách khủng khiếp”) đã đưa ra nhận xét như sau về một trang phục mới của phái nữ:
Một số chị em đã cố gắng để biến thành người nửa nam, nửa nữ thông qua việc khoác lên người chiếc quần túm ống. Tôi xin được nói với các bạn một điều là tại sao điều này không bao giờ thích hợp. Đó là một người phụ nữ khi khoác trên người chiếc váy dài trông sẽ rất đẹp. Cô ta đi lại một cách duyên dáng… Nếu như cô ta cố sức để chạy, vẻ duyên dáng sẽ biến mất… Cứ tưởng tượng xem, thay vì chiếc váy dài, phụ nữ mặc quần, để lộ bắp chân, thế là bao nhiêu vẻ duyên dáng và những điều bí ẩn tan biến hết.
Vào những năm 1830, thư thông báo chính thức từ Tổng hội Mục sư (General Association of Ministers) ở Massachusetts yêu cầu các mục sư không được để phụ nữ phát biểu trên bục giảng kinh: “… nếu để phụ nữ chiếm được vị trí và tiếng nói của đàn ông… chúng ta tự đặt mình vào thế phải tự vệ chống lại họ”.
Sarah Grimke, em gái của Angelina Grimke, đã đáp trả bằng hàng loạt bài viết, dưới đề mục “Những lá thư về điều kiện sống của phụ nữ và sự bình đẳng về giới tính”.
Trong những năm đầu đời, tôi như một trong trăm nghìn cánh bướm trong một thế giới hào nhoáng. Và trong thế giới của phụ nữ đó, từ cả kinh nghiệm thực tế và những điều quan sát được, tôi phải nói rằng giáo dục dành cho họ rất khập khiễng. Họ luôn được nhồi nhét rằng hôn nhân là cái cần thiết nhất, là con đường duy nhất dẫn đến danh giá…
Bà nói: “Tôi không đòi hỏi những đặc ân cho giới tính của mình. Nhưng tôi cũng không từ bỏ những đòi hỏi của chúng tôi về quyền bình đẳng. Tất cả những gì tôi muốn yêu cầu các đạo hữu là hãy rút chân ra khỏi cổ của chúng tôi và hãy để cho chúng tôi được đứng thẳng trên đất mà Chúa đã tạo ra cho chúng tôi… Đối với tôi, một điều hoàn toàn hiển nhiên rằng những gì được xem là quyền xét về mặt đạo đức của đàn ông thì đó cũng là quyền của phụ nữ.”
Sarah có thể viết những dòng đanh thép, còn Angelina là một người có khả năng diễn thuyết một cách sôi nổi. Có lần Angelina đã nói chuyện suốt sáu đêm liền tại Nhà hát Opera ở Boston. Tranh luận về quan điểm của một số người theo chủ trương bãi nô cho rằng họ không nên cổ súy cho sự bình đẳng về giới tính, bởi điều này có thể lăng nhục các quan điểm chung đến độ làm ảnh hưởng đến phong trào đòi bãi nô lệ, bà đáp lại:
Với tất cả sức mạnh của mình, chúng ta không thể thúc đẩy được phong trào bãi nô chừng nào chúng ta chưa loại bỏ được các chướng ngại trên chính con đường của chúng ta… Nếu năm nay chúng ta hy sinh quyền được phát biểu nơi công cộng, sang năm chúng ta sẽ phải hy sinh quyền được kiến nghị và sang năm nữa là quyền được tự do viết lách, và cứ thế tiếp diễn. Khi đó, thử hỏi người phụ nữ có thể làm gì để chống chế độ nô lệ, khi bản thân họ vẫn phải ở dưới gót chân của đàn ông và chỉ biết giấu sự ngượng ngùng vào im lặng?
Angelina là người phụ nữ đầu tiên (năm 1838) phát biểu trước một ủy ban của cơ quan lập pháp bang Massachusetts về những kiến nghị nhằm bãi bỏ chế độ nô lệ. Sau đó, bà đã nói: “Tôi gần như cảm thấy choáng váng dưới những áp lực vô cùng nặng nề của cảm giác…” Bài phát biểu của bà đã cuốn hút cả đám đông khổng lồ và một đại diện của vùng Salem đã đề xuất “cần phải thành lập một ủy ban để kiểm tra móng nhà của Hạ viện Massachusetts, xem liệu nó có khả năng chịu được thêm một bài thuyết trình nữa của quý cô Grimke hay không!”
Để củng cố các tranh luận về tình trạng của phụ nữ, năm 1843, Dorothea Dix đã phát biểu trước cơ quan lập pháp bang Massachusetts về những gì bà đã tận mắt chứng kiến tại các nhà tù và trại tế bần ở vùng Boston:
Tôi xin kể những gì tôi đã chứng kiến, những chi tiết vô cùng đau đớn và gây sốc… Tôi xin các quý ngài hãy chú ý đến tình trạng hiện nay của những con người khốn khổ ngay tại lãnh thổ của Khối Thịnh vượng chung này, họ đang bị giam cầm trong các chuồng, phòng kín, hầm ngầm, bãi rào, trong khi bị lột truồng, bị xiềng xích, bị đánh đập bằng roi vọt hoặc luôn bị mắng chửi!
Frances Wright là một nhà văn, người đã thành lập cộng đồng không tưởng, nhập cư từ Scotland năm 1824, là một chiến sỹ quả cảm trong phong trào giải phóng nô lệ, đấu tranh kiểm soát sinh đẻ và vì tự do tình dục. Bà rất muốn giáo dục công lập miễn phí cho tất cả trẻ em trên hai tuổi tại các trường nội trú do chính phủ tài trợ. Tại Mỹ, bà nhấn mạnh rằng Charles Fourier , một người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng ở Pháp từng nói sự tiến bộ của nền văn minh phụ thuộc chủ yếu vào sự tiến bộ của phụ nữ. Bà khẳng định thêm:
Tôi xin quả quyết một điều là những tiến bộ của loài người sẽ chỉ là khập khiễng chừng nào chỗ đứng của phụ nữ trong xã hội chưa được bảo đảm đúng với bản chất vốn có của họ… Đàn ông sẽ phát triển hoặc thụt lùi theo cùng mức độ của những người khác giới… Hãy để cho nam giới không thể cảm nhận được những khoái cảm có được từ việc chung chăn gối với người khác giới, cho đến khi họ có được sự đồng cảm giữa trí tuệ với trí tuệ, giữa con tim với con tim; cho đến khi họ mang lại cho việc chung chăn gối đó mọi cảm giác yêu thương, hấp dẫn, sự tự tin, tao nhã và kính trọng. Hãy để cho uy quyền của một bên, nỗi sợ hãi và phục tùng của bên kia đều bị tiêu diệt và cả hai đều được hưởng quyền bình đẳng vốn có từ khi được sinh ra.
Thông qua việc tập hợp hàng nghìn kiến nghị gửi lên Quốc hội, phụ nữ đã có những đóng góp hết sức to lớn trong các hiệp hội chống chế độ nô lệ trên khắp đất nước. Trong cuốn A Century of Struggle (Một thế kỷ tranh đấu), Eleanor Flexner viết:
Hôm nay, không biết bao nhiêu thùng tài liệu tại Cục Lưu trữ Quốc gia ở Washington đã chứng kiến những nỗ lực hết mình và ẩn danh. Các tờ đơn kiến nghị đã ngả màu vàng, trông rất mỏng manh, từng trang được dán vào nhau, được đóng dấu bằng mực đen và được ký bằng những nét bút chì nguệch ngoạc, đôi chỗ bị tẩy do có những người sợ lộ tên, hoặc có những người cố tình gạch đậm… Chúng mang tên các hội chống chế độ nô lệ của phụ nữ, từ New England đến tận Ohio…
Trong quá trình thực hiện công việc này, đã có rất nhiều sự kiện được tổ chức rầm rộ nhằm quảng bá cho phong trào phụ nữ đấu tranh đòi quyền bình đẳng, song song với việc đấu tranh chống lại chế độ nô lệ. Năm 1840, Hội nghị toàn thế giới các Hiệp hội Chống Chế độ Nô lệ đã được tổ chức tại London. Sau khi tranh luận nảy lửa, người ta đã bỏ phiếu loại bỏ sự tham gia của phụ nữ tại Hội nghị này, nhưng đồng ý với phương án cho phép phụ nữ tham gia với điều kiện phải ngồi dự trong màn quây kín. Những người phụ nữ đã biểu tình thầm lặng ở dọc hành lang và William Lloyd Garrison, một người chủ trương bãi nô, đồng thời đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ, cùng ngồi sát cánh với họ.
Đó cũng chính là khoảng thời gian Elizabeth Cady Stanton gặp gỡ Lucretia Mott cùng một số người khác và bắt đầu xây dựng những kế hoạch sau đó dẫn đến Hội nghị về Quyền phụ nữ đầu tiên trong lịch sử. Đó là câu chuyện xảy ra ở vùng Seneca Falls, New York, nơi Elizabeth Cady Stanton đã sống với vai trò người mẹ, người nội trợ, luôn mang trong mình nỗi oán giận về hoàn cảnh của mình, tới mức đã có lần tuyên bố: “Một người phụ nữ không là gì cả. Một người vợ là tất cả.” Sau này bà viết:
Giờ đây tôi hoàn toàn hiểu được những khó khăn mà hầu hết phụ nữ trong các ngôi nhà tách biệt phải đối mặt, cũng như khả năng không thể có sự phát triển tốt nhất dành cho phụ nữ, nếu phần lớn cuộc đời họ chỉ tiếp xúc với con cái và đầy tớ… Những nỗi bất bình nói chung mà tôi đã cảm thấy đối với phụ nữ với vai trò vừa là người vợ, vừa là người mẹ, người nội trợ, người chăm sóc sức khỏe và là người hướng đạo về tinh thần, cũng như tình trạng hỗn loạn mà một gia đình phải đối mặt nếu thiếu vắng sự giám sát thường xuyên của người phụ nữ, những cái nhìn đầy lo lắng, nhọc nhằn của đa số phụ nữ…, tất cả đã khiến tôi luôn có một ấn tượng mạnh mẽ là cần phải có biện pháp tích cực nhằm điều chỉnh những sai lầm của xã hội nói chung và phụ nữ nói riêng. Kinh nghiệm của tôi đối với Hội nghị thế giới về chống chế độ nô lệ và tất cả những gì tôi đã được đọc về địa vị pháp lý của người phụ nữ, cũng như những nỗi áp bức bất công mà ở đâu tôi cũng được chứng kiến cứ luôn chà xát tâm hồn tôi… Tôi không biết cần phải làm gì hoặc bắt đầu từ đâu – ý nghĩ duy nhất trong đầu tôi là phải có những cuộc họp đông đảo để phản đối và thảo luận.
Thông báo trên tờ Seneca County Courier đã kêu gọi một cuộc họp để thảo luận về “quyền phụ nữ” vào ngày 19 và 20 tháng 7. Khoảng 300 phụ nữ và một số nam giới đã tham gia sự kiện này. Một Tuyên ngôn về Nguyên tắc (Declaration of Principles) đã được 68 đại biểu phụ nữ và 32 nam giới ký khi kết thúc cuộc họp. Cuộc thảo luận sử dụng ngôn ngữ và nhịp điệu của Tuyên ngôn Độc lập:
Trong tiến trình phát triển của loài người, việc một tỷ lệ các thành viên nam giới trên trái đất này gánh vác thêm trách nhiệm đang trở nên hết sức cần thiết…
Chúng tôi coi sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả đàn ông và phụ nữ đều sinh ra bình đẳng; rằng Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không thể phủ nhận được; trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc…
Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những vết thương lặp lại và sự tiếm quyền của nam giới đối với phụ nữ vô hình trung đã hình thành nên một chế độ bạo chúa tuyệt đối với người phụ nữ. Để chứng minh điều này, xin hãy để thực tế lên tiếng trong một thế giới không thiên vị…
Một danh sách những điều bất bình cay đắng: không quyền bầu cử, không được hưởng quyền lợi khi ly dị, không có cơ hội công bằng trong công việc, không có quyền học đại học. Xin được kết thúc với tuyên bố sau: “Đàn ông đã nỗ lực bằng mọi cách để tàn phá sự tự tin của phụ nữ đối với năng lực của họ, nhằm làm cho phụ nữ bớt phần tự trọng và khiến họ trở nên sẵn sàng chấp nhận một cuộc đời phụ thuộc và khốn khổ…”
Và tiếp đó là hàng loạt giải pháp, gồm cả: “Tất cả các luật lệ nhằm ngăn chặn phụ nữ chiếm giữ những vị trí trong xã hội mà khả năng của họ có thể đạt được, hoặc nhằm đặt phụ nữ ở vị trí thấp hơn so với đàn ông, đều đi ngược lại những quy tắc tự nhiên, cần phải loại bỏ.”
Hàng loạt hội nghị về phụ nữ đã được xây dựng ở các vùng khác nhau trong nước Mỹ, ngay sau Hội nghị Seneca Falls . Năm 1851, Sojourner Truth, một phụ nữ da đen cao tuổi, sinh ra đã là một nô lệ ở New York, với dáng người cao to trong bộ váy màu ghi và mũ trắng, lắng nghe một số vị bộ trưởng − những người chi phối cuộc thảo luận. Bà cùng với những người cùng chủng tộc bày tỏ sự căm phẫn liên quan đến giới tính của mình:
Những người đàn ông ngồi bên kia đang nói rằng phụ nữ cần được giúp đỡ để lên xe và qua những rãnh nước… Chưa từng có ai giúp đỡ tôi lên những toa xe, vượt qua các rãnh bùn hoặc nhường cho tôi chỗ ngồi tử tế. Tôi không phải là phụ nữ ư?
Hãy nhìn cánh tay tôi đây! Tôi đã cày ruộng, trồng cấy, thu hoạch và vận chuyển thóc về các nhà kho, và chẳng có người đàn ông nào có thể lãnh đạo tôi! Vậy tôi không phải là phụ nữ ư?
Tôi có thể làm việc nhiều, ăn nhiều như một người đàn ông khi có điều kiện và cũng có thể quất roi ngựa. Tôi không phải là phụ nữ ư?
Tôi đã sinh ra 13 đứa con và phải tận mắt chứng kiến hầu hết chúng bị bán làm nô lệ, tôi đã khóc hết nước mắt của một người mẹ, nhưng có lẽ chẳng có ai, ngoài Chúa nghe thấu tiếng khóc của tôi! Vậy tôi không phải là phụ nữ ư?
Vào những năm 1830, 1840, 1850, phụ nữ bắt đầu nổi dậy chống lại những nỗ lực nhằm giam giữ họ “trong không gian của phụ nữ”. Họ đã tham gia tất cả các phong trào khác nhau, từ đấu tranh cho tù nhân, cho những người bị tâm thần, cho những người nô lệ da đen cũng như cho tất cả phụ nữ.
Và cùng lúc với những phong trào này, với sức mạnh của chính phủ và quyền lực của đồng tiền, đã bùng nổ nhu cầu tìm kiếm đất đai và mở rộng đất nước Mỹ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.