Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

9. CHẾ ĐỘ NÔ LỆ MÀ KHÔNG PHỤC TÙNG, GIẢI PHÓNG MÀ KHÔNG TỰ DO



Sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với chế độ nô lệ xuất phát từ thực tế không thể đảo ngược. Từ năm 1790, mỗi năm miền Nam đã sản xuất được một nghìn tấn bông. Đến năm 1860, con số này lên tới một triệu tấn. Cũng trong khoảng thời gian đó, 500 nghìn nô lệ đã tăng lên thành con số 4 triệu. Một hệ thống nhằm ngăn chặn sự nổi dậy và các âm mưu của nô lệ đã được thiết lập ở các bang miền Nam; đó là một mạng lưới kiểm soát được hậu thuẫn từ hệ thống luật pháp, tòa án, quân đội cùng những thành kiến về chủng tộc của các lãnh đạo chính trị nước Mỹ.

Phải có một cuộc nổi dậy hoặc một cuộc chiến tranh toàn diện mới có thể chấm dứt thứ hệ thống đã được bắt rễ chặt như thế. Nếu là cuộc nổi dậy, ngay lập tức nó sẽ biến sự tàn bạo vượt qua chế độ nô lệ, chuyển thành một hệ thống tư bản thành công nhất trên thế giới. Nếu là cuộc chiến tranh, những người tạo ra cuộc chiến sẽ phải giải quyết các hậu quả. Do đó, Abraham Lincoln là người đã giải phóng chế độ nô lệ, chứ không phải là John Brown . Năm 1859, John Brown bị treo cổ, với sự đồng lõa của cả liên bang, do đã cố gắng tạo ra một bạo lực trên quy mô nhỏ, điều mà Lincoln vài năm sau đã thực hiện trên một quy mô lớn hơn nhiều – đó là chấm dứt chế độ nô lệ.

Với việc bãi bỏ chế độ nô lệ bằng mệnh lệnh của chính phủ – đúng là đã trở thành sự thật, do chính phủ bị thôi thúc phải thực hiện điều đó, từ phía người da đen tự do hoặc nô lệ, và những người da trắng theo chủ nghĩa bãi nô – kết cục có thể cũng được sắp đặt để hạn chế con đường đến với giải phóng. Sự giải phóng ở cấp độ cao nhất chỉ đạt được chừng nào lợi ích của các nhóm chi phối cho phép. Nếu như mọi chuyện vẫn tiếp diễn với cái đà của một cuộc chiến tranh, lối hùng biện của một cuộc thập từ chinh, tình hình sẽ trở lại vị trí an toàn hơn. Như vậy, trong khi việc chấm dứt chế độ nô lệ đã dẫn đến công cuộc tái thiết nền kinh tế và chính trị của quốc gia, đây không phải là một cuộc tái thiết mang tính triệt để, dẫu sao trên thực tế nó cũng bảo đảm sự an toàn và mang lại các lợi ích.

Hệ thống đồn điền, chủ yếu là trồng thuốc lá ở Virginia, Bắc Carolina và Kentucky, trồng lúa ở Nam Carolina, giờ đây được mở rộng ra các vùng đất trồng bông xum xuê tại Georgia, Alabama, Mississipi; và cần thêm nhiều nô lệ. Nhưng việc nhập khẩu nô lệ đã trở thành bất hợp pháp từ năm 1808. Như vậy, “ngay từ đầu, luật đưa ra đã không được thực thi”, John Hope Franklin viết trong cuốn From Slavery to Freedom (Từ chế độ nô lệ đến tự do). “Bờ biển dài, không được bảo vệ, có sẵn thị trường và triển vọng mạnh mẽ về những nguồn lợi khổng lồ đã làm lóa mắt các con buôn người Mỹ và họ không cưỡng lại được những cám dỗ đó…” ông ước tính là trước khi Nội chiến nổ ra, có khoảng 250 nghìn nô lệ đã bị nhập khẩu bất hợp pháp vào Mỹ.

Làm sao có thể mô tả được chế độ nô lệ? Có lẽ nếu như ai chưa từng trải qua thì không thể nào mô tả nổi. Một ấn bản năm 1932, cuốn sách thuộc loại bán chạy của hai nhà sử học ủng hộ phong trào giải phóng miền Bắc đã cho rằng, có lẽ chế độ nô lệ là “bước quá độ cần thiết của người da đen tiến tới chế độ văn minh”. Các nhà kinh tế hoặc các sử gia theo trường phái thống kê đã cố gắng đánh giá lại chế độ nô lệ bằng cách ước tính xem đã mất bao nhiêu tiền vào khoản chi phí lương thực và khám chữa bệnh cho các nô lệ. Nhưng liệu điều này có thể mô tả được thực tế về chế độ nô lệ với tư cách một con người phải sống trong chế độ đó hay không? Liệu rằng các điều kiện của chế độ nô lệ cũng quan trọng như sự tồn tại của nó?

John Little, một người từng là nô lệ, viết:

Người ta nói rằng nô lệ hạnh phúc bởi người ta thấy họ cười nói và vui vẻ. Tôi cùng ba, bốn người khác đã phải chịu 200 roi vọt trong một ngày, chân chúng tôi bị xiềng xích; chưa hết, đêm đến, chúng tôi phải nhảy múa và mua vui cho kẻ khác cười phá lên trong cảnh xiềng xích. Chắc chúng tôi là những người hạnh phúc lắm! Chúng tôi làm như thế để tránh những phiền phức khác có thể xảy ra, còn trái tim chúng tôi đã tan nát rồi: Những điều này hoàn toàn đúng như thế! Hãy thử xem – Chúng tôi chắc chắn chẳng hạnh phúc gì. Tôi thậm chí đã phải nhảy lò cò trong khi chân bị xiềng xích.

Một hồ sơ được lưu trong tài liệu của một đồn điền (hiện nằm trong Kho Lưu trữ của

Đại học Tổng hợp Bắc Carolina) đã liệt kê độ tuổi và nguyên nhân dẫn đến những cái chết diễn ra tại đồn điền trong thời kỳ từ 1850-1855. Trong số 32 người chết trong giai đoạn này, chỉ có bốn người sống thọ được đến 60 tuổi, bốn người đến 50 tuổi, bảy người trong độ 40, bảy người chết độ tuổi 20-30, chín cái chết đến trước năm tuổi.

Nhưng liệu các con số thống kê có ghi lại được tác động của việc các gia đình bị phân ly khi ông chủ đã bán đứt người chồng, người vợ, con trai hoặc con gái họ vì lợi nhuận? Năm 1858, một nô lệ tên là Abream Scriven, sau khi bị chủ bán, đã viết thư về cho vợ mình: “Cho anh gửi tình yêu thương và lời vĩnh biệt đến cha mẹ. Nếu như chúng ta không được gặp nhau trong thế giới này, anh cầu mong chúng ta có thể gặp nhau trên thiên đường.”

Một cuốn sách gần đây về chế độ nô lệ có tên Time on the Cross (Thời gian ở ngã tư đường), Robert Fogel và Stanley Engerman đã xem xét lại việc đánh đập 200 nô lệ trong thời gian từ 1840-1842 tại đồn điền Barrow ở Louisiana: “Các hồ sơ cho thấy, trong vòng hai năm đã có tất cả 160 trận đánh đập diễn ra, trung bình mỗi năm một người hứng chịu 0,7 trận. Khoảng một nửa số nô lệ không phải chịu trận đòn nào trong quãng thời gian đó.” Cũng có thể nói: “Có tới một nửa số nô lệ bị đánh đập.” Điều này tiết lộ một sự thật khác. Con số này (0,7 trận đòn mỗi người một năm) cho thấy việc đánh đập không diễn ra thường xuyên đối với bất cứ cá nhân nào. Nhưng nhìn dưới góc độ khác, cứ khoảng bốn − năm ngày thì một nô lệ lại bị đánh đập.

Barrow là một chủ đồn điền, theo như tiểu sử thì ông ta không đến nỗi quá ác so với mức trung bình. ông ta cũng chi tiền cho việc may mặc của các nô lệ, cho họ nghỉ ngơi vào những dịp lễ, xây dựng cho họ một phòng để biểu diễn múa hát. ông ta cũng xây một nhà giam và “luôn sáng tác ra các hình phạt quái đản, bởi ông ta nhận ra rằng sự thay đổi bất thường là một công cụ hỗ trợ quan trọng để nắm giữ được đám nô lệ của mình.”

Đòn roi, trừng phạt là những kỷ luật lao động. Trong cuốn Slavery and the Numbers Game (Chế độ nô lệ và trò chơi các con số), Herbert Gutman đã phân tích các số liệu của Fogel và Engerma: “Tóm lại, trong thời gian 1840-1841, cứ khoảng bốn đến năm

nô lệ hái bông thì lại gây ra ít nhất một vụ lộn xộn… Xét theo nhóm, phụ nữ gây lộn xộn cao hơn nam giới đến 7%.” Như vậy Gutman đã phản bác lại luận điểm của Fogel và Engerman vốn cho rằng nô lệ ở đồn điền của Barrow đã trở nên “có trách nhiệm, làm ăn chăm chỉ, tận tụy, coi quyền lợi của mình gắn bó với quyền lợi của chủ”.

Các cuộc nổi dậy của nô lệ tại Mỹ không diễn ra thường xuyên và có quy mô rộng như các cuộc nổi dậy tại những hòn đảo thuộc khu vực Caribe hoặc Nam Mỹ. Có lẽ lớn nhất là cuộc nổi dậy của nô lệ tại Mỹ diễn ra ở New Orleans năm 1811. Khoảng 400-500 nô lệ đã tập trung lại sau một cuộc nổi dậy tại đồn điền của viên thiếu tá tên là Andry. Với dao chặt mía, rìu và gậy gộc, họ đã làm Andry bị thương, giết chết con của ông ta và bắt đầu diễu hành từ đồn điền này sang đồn điền khác, số lượng người tham dự ngày càng đông. Sau đó, họ đã bị quân lính và quân đội Mỹ đàn áp; 66 người đã bị giết chết trong khi đụng độ, 16 người bị bắt và chịu án tử hình.

âm mưu của Denmark Vesey, một người da đen tự do, bị bại lộ trước khi ra tay vào năm 1822. Kế hoạch của anh ta là đốt cháy Charleston, Nam Carolina, lúc đó được xem là thành phố lớn thứ sáu của Mỹ, để châm ngòi cho một cuộc nổi dậy của những nô lệ trong vùng. Một số nhân chứng cho hay, hàng nghìn người da đen đã bị liên can theo cách này hoặc cách khác. Theo con số của Herbert Aptheker, những người da đen đã chuẩn bị sẵn 250 cây giáo và lưỡi lê, hơn 300 dao găm. Nhưng kế hoạch đã bị bại lộ và 35 người da đen, gồm cả Vesey, bị treo cổ. Hồ sơ vụ án được công bố tại Charleston, nhưng ngay sau đó đã nhận được lệnh phải hủy vì nếu để những người nô lệ nhìn thấy thì quá nguy hiểm.

Cuộc nổi dậy của Nat Turner tại quận Southampton, Virginia, vào mùa hè năm 1831 đã khiến cho giới chủ nô ở miền Nam hoảng hốt, họ vội vàng đưa ra những nỗ lực nhằm áp đặt an ninh lên hệ thống nô lệ. Turner, người đưa ra những viễn cảnh tôn giáo, đã tập hợp 72 nô lệ, đi hết đồn điền này đến đồn điền khác, giết ít nhất 55 đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Họ cố gắng vận động người ủng hộ, nhưng sau đó bị bắt vì vũ khí đã cạn kiệt. Turner và khoảng 18 người khác bị treo cổ.

Những cuộc nổi dậy đó đã kìm hãm sự nghiệp giải phóng nô lệ, như một số người

theo chủ nghĩa bãi nô ôn hòa thời đó tuyên bố. Năm 1845, James Hammond, một người ủng hộ chế độ nô lệ, đã đưa ra câu hỏi:

Nhưng nếu như cách làm của các người hoàn toàn khác đi. Nếu như các người biết chắt lọc những lời lẽ ngọt ngào và diễn thuyết bằng những âm nhạc du dương… liệu các người có tưởng tượng là các người có thể khiến chúng tôi từ bỏ đám nô lệ của mình trị giá hàng nghìn triệu đô-la và hàng nghìn triệu đô-la cho việc suy giảm đất đai của chúng tôi không…?

Các chủ nô hiểu điều này và đã có sự chuẩn bị. Trong cuốn The Southampton Slave Revolt of 1831 (Cuộc nổi dậy của nô lệ Southampton năm 1831), Henry Tragic viết:

Năm 1831, Virginia là một bang có rất nhiều quân đồn trú… Với tổng dân số là 1.211.405 người, Virginia đã cung cấp được một lực lượng quân lên tới 101.488 người, đủ cả các lực lượng kỵ binh, pháo binh, lính ném lựu đạn, lính mang súng trường và bộ binh hạng nhẹ! Xét về một góc độ nào đó, đây đúng là một “đội quân giấy”, bởi lẽ rất nhiều trung đoàn không hề được cung cấp trang thiết bị, vũ khí đầy đủ, nhưng nó vẫn để lại những bình luận ngạc nhiên trong tâm trí của công chúng thời đó. Trong một giai đoạn mà cả bang lẫn quốc gia không phải đối mặt với bất cứ sự đe dọa nào từ bên ngoài, chúng tôi phát hiện ra rằng Virginia cảm thấy cần phải duy trì một hệ thống an ninh chiếm gần 10% dân số: gồm cả người da đen và da trắng, đàn ông và phụ nữ, nô lệ và người tự do!

Các cuộc nổi dậy, mặc dù không nhiều, nhưng là một nỗi lo sợ thường trực của các chủ nô. Ulrich Phillips, một người miền Nam, với tác phẩm American Negro Slavery (Chế độ nô lệ da đen của Mỹ) là một nghiên cứu rất kinh điển, viết:

Một số lượng lớn người miền Nam luôn có niềm tin chắc chắn rằng dân da đen rất dễ sai bảo, không mấy gắn kết và nhìn chung là thân thiện với người da trắng, thường bằng lòng với cuộc sống, vậy nên việc họ nổi dậy và gây ra thảm họa hầu như không có. Nhưng thực tế, phía bên ngoài có rất nhiều sự lo ngại đối với vùng đất này, hơn là các nhà sử học đã kể lại…

Trong một nghiên cứu toàn diện về chế độ nô lệ có tên Roll, Jordan, Roll (Hãy lăn đi Jordan, hãy lăn), Eugene Genovese đã cho thấy một hồ sơ về “sự thỏa hiệp và phản kháng liên tục đối với chế độ nô lệ”. Sự phản kháng bao gồm việc ăn cắp tài sản, phá hoại và cố tình chây ỳ, giết đốc công và các chủ nô, đốt nhà trong đồn điền, bỏ trốn. Thậm chí ngay cả sự thỏa hiệp “cũng toát lên tinh thần chỉ trích và hành động mang tính lật đổ”. Genovese nhấn mạnh, hầu hết sự phản kháng này đều là nổi dậy không có tổ chức, nhưng có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với cả chủ nô và nô lệ.

Bỏ trốn thường diễn ra nhiều hơn là nổi dậy có vũ trang. Trong những năm 1850, mỗi năm có khoảng một nghìn nô lệ bỏ trốn khỏi miền Bắc, sang Canada và Mexico. Hàng nghìn nô lệ đã chạy trốn trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này vẫn diễn ra bất chấp việc họ sẽ phải đối mặt với sự khủng bố trên đường trốn chạy. Chó được dùng để đuổi theo những người chạy trốn, “cắn, xé, cào cấu, và nếu như không được kéo ra kịp thời, chúng có thể cắn chết con mồi là những nô lệ bỏ trốn”, Genovese nói.

Harriet Tubman vốn sinh ra là nô lệ, chính vết thương ở đầu cô, do một tên đốc công gây ra năm cô 15 tuổi, đã giúp cô trở thành một phụ nữ trẻ tự do và là người lái tàu nổi tiếng nhất của Hội đoàn Đường sắt ngầm (Underground Railroad). Cô đã thực hiện 19 chuyến đi hết sức nguy hiểm, thường phải cải trang, hộ tống hơn 300 nô lệ đến với tự do, luôn phải mang theo súng lục và nói với những người chạy trốn “bạn sẽ được tự do hoặc là…” Cô thường bày tỏ câu châm ngôn của mình: “Trong hai thứ tôi có quyền chọn một, tự do hoặc là chết; nếu tôi không có cái này, tôi sẽ có cái kia; bởi lẽ không ai có thể bắt sống tôi…”

Một tay đốc công đã nói với một du khách khi đến thăm đồn điền của hắn ta rằng “một số tên da đen kiên quyết không bao giờ để người da trắng đánh đập và chúng sẽ tìm cách chống lại ông, khi ông có ý làm việc đó, tốt hơn là ông nên giết chúng đi”.

Một dạng phản kháng nữa là không chịu làm việc chăm chỉ. Trong cuốn The Gift of

Black Folk (Món quà của một gã da đen), W. E. B. Du Bois đã viết:

Giống như một sản phẩm nhiệt đới, với khả năng hấp thụ vẻ đẹp của thế giới, hắn

không dễ gì chịu trở thành một con ngựa kéo, như lao động ở Bắc âu. Hắn… chỉ có ý định làm việc như để làm cho hắn cảm thấy sung sướng và hắn sẵn sàng từ chối hoặc tìm mọi cách từ chối làm việc nếu hắn không đạt được kết quả về mặt tinh thần như mong đợi; chính vì thế, hắn dễ dàng bị kết tội lười biếng và sẽ biến thành nô lệ thực thụ khi hắn lao động chân tay để đổi lấy giá trị cuộc sống.

Còn Ulrich Phillips mô tả “sự lười học”, “không tuân thủ luật lệ”, “nghỉ ngơi không xin phép” và “những nỗ lực cương quyết nhằm tìm cách trốn chạy kiếp nô lệ”. ông cũng mô tả những hành động tập thể:

Tuy nhiên, thi thoảng một đám bọn chúng cũng tụ lại với nhau để phản đối những điều nghiêm khắc. Hình ảnh này có thể thấy qua bức thư của một tay đốc công ở Georgia gửi ông chủ vắng mặt: “Thưa Ngài, tôi xin có đôi dòng để Ngài được biết là tất cả 6 tên mọi, trừ tên Jack, đã trốn khỏi đồn điền. Chúng đã khiến tôi phát cáu vì công việc của chúng nên tôi đã cho chúng mấy roi, thằng Tom đã ngoẻo rồi. Sáng thứ Tư, bọn chúng đã biến mất.”

Những thí dụ về người da trắng nghèo giúp đỡ nô lệ không nhiều, nhưng cũng nên có một cái nhìn để dễ bề so sánh. Genovese viết:

Các tay chủ nô… nghi ngờ rằng những người không có nô lệ đã kích động nô lệ bất phục tùng và thậm chí nổi loạn, việc này không phải vì thông cảm với người da đen mà chẳng qua vì ghen ăn tức ở với các chủ đồn điền giàu có, cũng như oán giận cảnh nghèo đói của bản thân. Đôi khi, người da trắng cũng có dính líu đến âm mưu nổi dậy của nô lệ và việc đó thường gợi lại những điều sợ hãi.

Điều này giải thích cho các biện pháp lạnh lùng của cảnh sát đối với những người da trắng kết thân với người da đen.

Herbert Aptheker đã trích dẫn từ một báo cáo gửi Thống đốc Virginia về một vụ đồng lõa với nô lệ vào năm 1802: “Tôi vừa nhận được thông tin có ba người da trắng liên quan tới một âm mưu; chúng có vũ khí và đạn cất giấu tại nhà và sẵn sàng trợ giúp

cho bọn mọi đen khi có cơ hội.” Một trong những nô lệ da đen trong chuyện này nói rằng “thật tội nghiệp cho những người da trắng liên quan”.

Đổi lại, người da đen cũng giúp đỡ người da trắng. Một người da đen đã trốn thoát kể lại câu chuyện về một phụ nữ nô lệ da đen bị quất 50 roi vì mang thức ăn cho người hàng xóm da trắng nghèo khổ và bệnh tật.

Khi kênh đào Brunswick được xây dựng tại Georgia, những người nô lệ da đen và công nhân da trắng người Ailen bị cách ly nhau, lý do được đưa ra là nếu không như vậy thì họ có thể xung đột với nhau. Đó có thể là sự thật, nhưng Fanny Kemble, diễn viên nổi tiếng và là vợ của một chủ đồn điền đã viết lại trong nhật ký của bà:

Dân Ailen không hẳn là đám người hay sinh sự, ưa bạo loạn, đánh đấm, say xỉn và đáng khinh như lũ mọi đen. Họ thật sự là những người nồng nhiệt, mạnh mẽ, tốt bụng, khó có thể kìm giữ căm phẫn. Họ cũng là những người dễ cảm thông với người khác; và thái độ không ưa thứ không khí Mỹ trong phổi của họ, cộng thêm với một lượng rượu mạnh nhất định, thì không có gì để nói, trừ việc họ có thể sẽ tỏ ra thông cảm với những người nô lệ. Và tôi cứ để các vị thử đánh giá xem hậu quả sẽ ra sao. Tôi tin, các ngài nhận thức được một điều là không thể để họ làm việc cùng nhau tại kênh đào Brunswick nữa.

Nhu cầu kiểm soát nô lệ dẫn đến một công cụ rất mưu mẹo − đó là trả tiền cho những người da trắng nghèo khổ, bản thân đã gặp nhiều rắc rối trong suốt hai trăm năm lịch sử của miền Nam, để họ trở thành đốc công của nô lệ da đen và qua đó cũng tạo được “vùng đệm” đối với những thù hận của người da đen.

Tôn giáo cũng được sử dụng như một công cụ kiểm soát. Một cuốn sách được rất nhiều chủ đồn điền nghiền ngẫm, có tên là Cotton Plantation Record and Account Book (Hồ sơ và sổ kế toán về các đồn điền trồng bông), đã đưa ra những chỉ dẫn cho các đốc công: “Các vị sẽ thấy rằng, việc dành một tiếng đồng hồ vào buổi sáng các ngày lễ Sabbath (ngày nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa, ngày thứ Bảy theo Đạo Do Thái, ngày Chủ nhật theo Đạo Cơ đốc giáo – ND) để giáo huấn bọn chúng về tôn giáo và

đạo đức, sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho các vị, giúp duy trì một tình trạng tốt hơn trong đám da đen.”

Đối với các nhà thuyết giáo da đen, chẳng hạn như Genovese, thì “họ phải nói bằng một thứ ngôn ngữ đủ sức tỏ ra thách thức để duy trì tinh thần đang lên cao của bầy con chiên. Nhưng không được quá kích động, vì sẽ xua dần chúng vào các trận chiến mà họ không thể nào chiến thắng; hoặc quá đen tối, vì sẽ khuấy động sự nổi giận của các thế lực cầm quyền”. Thực tế đã quyết định: “Các cộng đồng nô lệ, bị bao bọc bởi những người da trắng hùng mạnh hơn về mặt quân sự và có quyền lực, nên được khuyến khích theo đuổi một chiến lược kiên nhẫn, chấp nhận những điều không thể làm khác được, chấp nhận những cố gắng trong khi bị kìm kẹp, để duy trì sự tồn tại của cộng đồng da đen – một chiến lược sống sót, giống như nguyên mẫu của châu Phi, cho rằng trước hết phải được sống trên thế gian này đã.”

Từng có quan điểm cho rằng, chế độ nô lệ đã hủy diệt gia đình da đen. Và do đó, các điều kiện của người da đen bị đổ lỗi là do tình trạng yếu kém của gia đình, chứ không phải do nghèo đói và thành kiến. Những người da đen không có gia đình, không có sự giúp đỡ, thiếu các mối quan hệ họ hàng và bản sắc sẽ không còn ý chí để phản kháng. Nhưng các cuộc phỏng vấn những người từng là nô lệ, do Dự án các Nhà văn Liên bang (Federal Writers’ Project) trong khuôn khổ Chính sách kinh tế mới (New Deal) của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ thực hiện vào những năm 1930, lại cho thấy một câu chuyện khác và đã được George Rawick tóm tắt trong cuốn From Sundown to Sunup (Từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc):

Cộng đồng nô lệ đã hành xử như trong một hệ thống quan hệ họ hàng mở rộng, trong đó tất cả người lớn đều chăm sóc trẻ em và có rất ít sự phân chia theo kiểu “con tôi nên tôi có trách nhiệm” và “con anh thì anh phải chăm sóc”… Dạng quan hệ gia đình, trong đó những đứa trẻ lớn hơn có trách nhiệm rất lớn trong việc chăm sóc anh chị em ruột, rõ ràng về mặt chức năng là tính hệ thống thống nhất và có lợi cho các nô lệ, hơn là mô hình ganh đua, hoặc ghen ghét nhau giữa anh chị em ruột, thường xuất hiện trong mô hình gia đình hạt nhân trung lưu hiện nay, gồm những thành viên với các

đặc điểm cá nhân rõ nét… Thực tế, hoạt động của nô lệ trong việc tạo ra các mẫu hình cuộc sống gia đình thống nhất về mặt chức năng, đã mang lại nhiều điều chứ không chỉ thuần túy ngăn ngừa sự tiêu diệt cá tính… Nó giống như từng phần và từng khối của tiến trình xã hội mà trong đó bao chứa niềm hãnh diện, bản sắc, văn hóa, cộng đồng và sự nổi loạn của người da đen trên nước Mỹ.

Những lá thư và hồ sơ cổ mà nhà sử học Herbert Gutman tìm thấy, được đề cập trong cuốn The Black Family in Slavery and Freedom (Gia đình người da đen trong chế độ nô lệ và tự do) cho thấy sự phản kháng cứng đầu của các gia đình da đen đối với áp lực của việc bị chia rẽ. Một phụ nữ viết thư cho con trai đã bị chia cắt suốt 20 năm: “Tuổi già mẹ mòn mỏi mong chờ được gặp con… Giờ đây, con thân yêu ơi, mẹ cầu mong cho con quay về để gặp được người mẹ già yêu dấu của con… Cato, mẹ yêu con và con cũng yêu mẹ – con là con trai duy nhất của mẹ…”

Hay một người đàn ông viết thư cho người vợ đã bị bán đi cùng với đàn con: “Hãy gửi cho anh vài sợi tóc của bọn trẻ, nhớ ghi tên chúng vào tờ giấy dưới mỗi sợi tóc… Anh thà để bất cứ chuyện gì xảy ra với anh còn hơn là phải chia lìa em và các con… Laura, anh vô cùng yêu em…”

Xem qua hồ sơ về các đám cưới nô lệ, Gutman nhận thấy là tỷ lệ hôn nhân giữa đàn ông và đàn bà nô lệ rất cao, độ bền vững của các cuộc hôn nhân cũng vậy. ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ hồ sơ được lưu trữ tại một đồn điền ở Nam Carolina. ông tìm thấy một bản đăng ký khai sinh của 200 nô lệ từ thế kỷ XVIII đến ngay sát thời điểm bắt đầu Nội chiến; trong đó chỉ rõ các mối họ hàng rất ổn định, các cuộc hôn nhân chung thủy, lòng trung thành một cách lạ kỳ và sự phản đối hôn nhân cưỡng ép.

Những người nô lệ rất gắn bó với nhau, với tình yêu gia đình và sự toàn vẹn. Một người thợ đóng giày ở Sea Islands, Nam Carolina đã có cách thể hiện riêng của ông ta: “Tôi đã mất một cánh tay, nhưng cánh tay đó vẫn tồn tại trong trí não của tôi.”

Sự gắn bó gia đình này được duy trì sang thế kỷ XX. Một nông dân miền Nam nổi tiếng tên là Nate Shaw đã nhớ lại khi chị ông mất, để lại ba đứa con, bố ông đề nghị

chia nhau để chăm sóc chúng, ông đáp lại:

Bố ạ, con thấy như thế này hợp với con… Bố đừng để hai đứa bé nhất phải ở với bố, thằng anh cả ở với con và không cho chúng gặp gỡ nhau. Con sẽ mang thằng lớn sống cùng con, thi thoảng đến nhà bố để hai thằng kia có thể gặp anh chúng. Và bố thi thoảng cho hai đứa em sang nhà con, để khi lớn lên chúng biết nhau là anh em. Đừng tách rời chúng hoàn toàn, khiến chúng có thể quên nhau. Xin bố đừng làm điều đó.

Khi đề cập đến sự mạnh mẽ của người da đen, thậm chí là nô lệ, trong cuốn Black Culture and Black Consciousness (Văn hóa người da đen và nhận thức của người da đen), Lawrence Levine đã vẽ lại một bức tranh văn hóa giàu màu sắc, miêu tả sự pha trộn phức tạp giữa sự thích nghi và nổi loạn, thông qua sáng tác các câu chuyện và bài hát:

Chúng ta trồng lúa mỳ

Chúng chỉ cho ta ngô;

Chúng ta nướng bánh mỳ

Chúng cho vài mẩu nhỏ;

Chúng ta nấu ăn

Chúng cho vài mẩu cá tanh ngòm;

Chúng ta xẻ thịt

Chúng cho miếng da;

Đó là cách đối xử

Khi chúng mang ta về đây;

Ta rửa xong nồi

Chúng thí chút rượu thừa;

Và nói rằng, thế đã quá tốt với bọn mọi đen.

Cũng có cả sự nhạo báng. Nhà thơ William Cullen Bryant, sau khi tham gia một buổi tẽ ngô vào năm 1843 tại Nam Carolina, nói rằng các điệu múa của nô lệ đã biến thành các động tác duyệt binh quân sự, “thật ra đó chỉ là sự bắt chước các khóa học quân sự của chúng ta…”

Các bài dân ca tôn giáo thường mang nghĩa kép. Bài hát “ôi Canaan, Canaan thân thiết, tôi đang đi về miền đất Canaan” có nghĩa rằng những người nô lệ có ý nhắm tới miền Bắc, miền Canaan của họ. Trong thời Nội chiến, nô lệ sáng tác thêm các bài dân ca tôn giáo với lời lẽ táo báo hơn: “Trước khi là nô lệ, tôi được chôn xuống huyệt, để về với Chúa trời và được cứu rỗi”. Trong bài “Hàng nghìn người đi” có đoạn:

Tôi sẽ không còn phải tẽ ngô

Tôi sẽ không phải chịu roi đòn

Levine đề cập sự phản kháng của nô lệ đang ở dạng “phôi thai màu sắc chính trị”, được thể hiện theo rất nhiều cách trong đời sống và sinh hoạt văn hóa hàng ngày. Từ âm nhạc, ảo thuật, nghệ thuật đến tôn giáo, tất cả đều thể hiện điều đó nhằm để nô lệ duy trì nhân cách của họ.

Trong khi miền Nam vẫn duy trì chế độ nô lệ, việc trả lại tự do cho nô lệ ở miền Bắc (năm 1830, con số này là 130 nghìn người và năm 1850 là khoảng 200 nghìn người) đã dấy lên làn sóng đòi bãi bỏ chế độ nô lệ. Năm 1829, David Walker, con trai một nô lệ, khi sinh ra được hưởng tự do tại Bắc Carolina, đã chuyển đến sống tại Boston, làm nghề bán quấn áo cũ. Cuốn sách do ông ta viết và xuất bản, có tên là Walker’s Appeal (Lời kêu gọi của Walker), đã được đông đảo công chúng biết đến. Cuốn sách khiến giới chủ nô miền Nam tức phát điên; bang Georgia đã treo giải thưởng 10 nghìn đô-la cho bất cứ ai bắt sống và giao nộp Walker. Thật không khó để hiểu nguyên nhân nếu đọc Lời kêu gọi của ông.

Trong lịch sử không hề có chế độ nô lệ, thậm chí ngay cả đối với hoàn cảnh người Israel tại Hy Lạp, với tình trạng còn tồi tệ hơn chế độ nô lệ da đen tại nước Mỹ, Walker nói “… Hãy chỉ cho tôi bất cứ một trang nào trong lịch sử, kể cả các sử sách linh thiêng hoặc trần tục, viết rằng người Hy Lạp chửi như tát nước vào mặt những đứa trẻ người Israel bằng cách nói với chúng rằng chúng không phải là thành viên trong gia đình của loài người.”

Walker rất gay gắt với những người da đen tỏ vẻ muốn bị đồng hóa: “Tôi mong ước… được người khác hiểu một cách thẳng thắn rằng tôi không bao giờ thèm tơ tưởng đến việc cưới một người da trắng mà tôi từng gặp trong cuộc đời mình.”

Người da đen phải đấu tranh cho tự do của họ, ông nói:

Hãy để kẻ thù của chúng ta tiếp tục các lò mổ của chúng. Đừng bao giờ cố giành lấy tự do hoặc các quyền tự nhiên của chúng ta từ tay những kẻ tán ác vẫn đang đàn áp chúng ta, chừng nào mà bạn chưa nhìn thấy rõ con đường mình sẽ đi – Sẽ có lúc cơ hội đến và bạn nên ra đi, đừng lo sợ hoặc mất can đảm… Chúa rất hào phóng ban tặng cho chúng ta hai con mắt, đôi tay, đôi chân và ý nghĩ trong đầu óc chúng ta, như chúng. Chúng không có quyền bắt chúng ta làm nô lệ, nhiều hơn quyền ta bắt chúng ngược lại… Những khốn khó mà chúng ta đang phải chịu đựng sẽ chấm dứt, kể cả trong trường hợp tất cả người Mỹ muốn mãi mãi duy trì nó. Đến lúc đó, chúng ta sẽ muốn có tất cả những người được học hành và tài năng, và có lẽ còn hơn thế nữa, để cai quản chính chúng ta – “Loài chó cũng phải có ngày của nó”, ngày của người Mỹ đang đến hồi kết.

Một ngày mùa hè năm 1830, người ta tìm thấy David Walker đã chết cạnh lối đi lại ở cửa hàng của ông tại Boston.

Một số người khi sinh ra trong chế độ nô lệ đã đứng dậy hành động vì khát vọng chưa thực hiện được của hàng triệu người. Frederick Douglass, một nô lệ, bị bắt đến vùng Baltimore để làm đầy tớ, cũng là nhân công tại một xưởng đóng tàu, đã tìm cách tự học đọc và viết. Ở tuổi 21, năm 1838, ông trốn ra miền Bắc rồi trở thành người da đen

nổi tiếng nhất thời kỳ đó, với tư cách một giảng viên, biên tập viên, nhà văn. Trong tiểu sử tự thuật Narrative of the Life of Frederick Douglass (Kể chuyện cuộc đời Frederick Douglass), ông hồi tưởng những suy nghĩ thời thơ ấu về hoàn cảnh của mình:

Tại sao ta lại là một nô lệ? Tai sao một số người lại là nô lệ, còn những người khác lại là chủ? Liệu có bao giờ chấm dứt cảnh đó không? Lúc đó mối quan hệ sẽ như thế nào?

Tuy nhiên, khi đắm chìm trong mớ câu hỏi, tôi vẫn không thể nào tìm được giải pháp thật sự của vấn đề. Đó không phải là do màu da, mà do hành động tội ác; không phải do Chúa trời, mà do con người… đó là lời giải thích đúng đắn về sự tồn tại của chế độ nô lệ; tôi cũng không thể nào tìm ra những sự thật quan trọng khác, như con người có thể được làm gì và không được làm gì…

Thậm chí ngay từ thời đó, tôi nhớ ấn tượng mạnh mẽ nhất là đến một ngày nào đó mình sẽ trở thành người tự do. Đó là một giấc mơ đã tiềm ẩn trong bản chất con người tôi – đó là sự đe dọa đối với chế độ nô lệ – đó cũng là những điều mà tất cả thế lực cai quản nô lệ không thể nào đè bẹp hoặc xóa bỏ.

Đạo luật Nô lệ bỏ trốn (Fugitive Slave Act) được thông qua năm 1850 là một bước nhượng bộ của các bang miền Nam, để đổi lấy việc thừa nhận các lãnh thổ trong cuộc chiến tranh Mexico (nhất là bang California) được gia nhập Liên bang với tư cách là các bang không còn nô lệ. Đạo luật này cho phép các chủ nô dễ dàng hơn trong việc bắt lại các nô lệ hoặc đơn giản là bắt những người da đen mà họ tuyên bố là đã bỏ trốn. Những nô lệ miền Bắc đã tổ chức các cuộc phản đối Đạo luật Nô lệ bỏ trốn, lên án việc Tổng thống Fillmore ký đạo luật và Thượng nghị sỹ Daniel Webster ủng hộ. Trong số những người chống đối có J. W. Loguen, vốn có mẹ là nô lệ và bố là chủ nô da trắng. Loguen đã bỏ trốn với con ngựa của ông chủ, vào học đại học, sau đó trở thành mục sư tại Syracuse, New York. Trong một cuộc mít-tinh năm 1850, ông nói:

Đã đến lúc phải đổi từ giọng điệu thưa bẩm sang giọng thách thức, để nói với ngài

Fillmore và ngài Webster, nếu như họ định thi hành biện pháp này đối với chúng ta, cũng như thả lũ chó săn khát máu của họ… Tôi đã nhận sự tự do từ Chúa trời và do vậy, tôi được lệnh bảo vệ tư cách đó của tôi… Tôi không tôn trọng gì đạo luật này. Tôi không sợ gì điều đó. Tôi sẽ không thèm tuân theo nó! Nó đã loại tôi ra khỏi vòng pháp luật và tôi cũng loại nó ra khỏi vòng pháp luật… Tôi sẽ không sống như một kẻ nô lệ và nếu như người ta định dùng bạo lực để ép buộc tôi phải quay lại kiếp nô lệ, tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những xung đột khi trở thành một người bình thường… Quyết định của các bạn tối nay, nhân danh sự phản kháng, sẽ tạo ra động lực cho tinh thần tự do, nó sẽ phá bỏ xiềng xích của chế độ và sẽ nổ tung thành những lời chào mừng trên khắp miền Bắc… Chúa trời biết rõ rằng, sự can đảm cao quý này sẽ diễn ra ở nơi nào đó – Và hãy để Chúa trời chọn Syracuse làm địa điểm danh dự, từ đó sẽ lan truyền những tiếng hô vang đến khắp nơi trên mặt đất này!

Năm tiếp theo, Syracuse lại có cơ hội. Một người nô lệ bỏ trốn tên là Jerry đã bị bắt và đem ra xét xử. Đám đông dựng thành những hàng rào người, tấn công thẳng vào tòa án, bất chấp bọn lính canh với súng ống đầy đủ, trả lại tự do cho Jerry.

Loguen đã sử dụng ngôi nhà của mình tại Syracuse như là địa điểm chính cho Hội đoàn Đường sắt ngầm. Người ta nói rằng ông đã giúp 1.500 nô lệ trốn sang Canada. Hồi ký của ông về chế độ nô lệ đã gây chú ý tới bà chủ cũ của ông, bà này đã yêu cầu ông quay lại, hoặc phải bồi thường 1.000 đô-la. Thư trả lời của Loguen đã được đăng trên một tờ báo của những người bãi nô, The Liberator:

Thưa bà Sarah Logue… Bà nói rằng bà đã nhận được lời đề nghị mua tôi và bà nói rằng bà sẽ bán tôi nếu tôi không trả 1.000 đô-la; và cũng với giọng điệu đó, gần như trong cùng một đoạn văn, bà nói “Ngươi biết rằng chúng ta đã nuôi dạy các ngươi như con cháu trong nhà”. Thưa bà, liệu bà có nuôi con mình sau đó mang ra chợ bán không? Bà có nuôi chúng để rồi liên tục đánh đập không? Bà có nuôi chúng để rồi tống khứ chúng ra khỏi nhà, xiềng xích chúng thành từng đàn hay không?… Thật đáng xấu hổ cho bà!

Nhưng bà lại nói tôi là một tên trộm, vì tôi đã mang theo một con ngựa cái. Nhưng bà

có biết rằng tôi đã đối xử với con ngựa già nua đó, như cách bà vẫn gọi, hơn là Manasseth Logue đối xử với tôi? Liệu tội tôi ăn cắp con ngựa của chồng bà có lớn hơn tội lão ta đã cướp đoạt cội nguồn của mẹ tôi, rồi đánh cắp tôi?… Liệu bà đã học được một điều rằng nhân quyền luôn luôn là sự có đi có lại, tương tác giữa đôi bên, và nếu như bà lấy đi cuộc sống và tự do của tôi, liệu bà có phải trả giá bằng tự do và chính cuộc sống của bà không? Trước Chúa và trời xanh, liệu có một luật lệ nào chỉ áp dụng cho một người, nhưng lại không áp dụng cho người khác không?

Nếu như bà hoặc bất cứ một tay đầu cơ nào khác muốn chiếm hữu cơ thể và các quyền của tôi, muốn được biết tôi coi trọng quyền của mình như thế nào, xin mời đến đây và hãy đưa tay để bắt tôi làm nô lệ…

Kính thư, J. W. Loguen

Frederick Douglass hiểu rằng nỗi ô nhục về chế độ không chỉ là trách nhiệm của miền Nam, cả nước đều tiếp tay cho việc này. Ngày 4 tháng 7 năm 1852, ông đã có một bài diễn văn nhân ngày Độc lập:

Thưa các công dân: Xin hãy tha lỗi cho tôi và cho phép tôi được hỏi, tại sao tôi lại được đề nghị lên đây hôm nay để phát biểu? Liệu bản thân tôi và những gì tôi đại diện có ý nghĩa gì với ngày Độc lập của quý vị? Liệu những nguyên tắc vĩ đại về tự do chính trị và công bằng được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập có được mở rộng và áp dụng với chúng tôi hay không? Và phải chăng đó là lý do khiến tôi đã được mời để chia sẻ một phần đóng góp khiêm tốn vào kỳ đài quốc gia và để kể về những lợi ích, bày tỏ sự biết ơn thành kính đối với những hạnh phúc mà nền độc lập của các vị mang lại cho chúng tôi?…

Liệu ngày mồng Bốn tháng Bảy của quý vị có ý nghĩa gì với người nô lệ Mỹ? Tôi xin đưa ra câu trả lời rằng, đó là một ngày thể hiện rõ nhất đối với anh ta, so với tất cả các ngày còn lại trong năm về những sự bất công và tàn nhẫn thô bạo mà anh ta là nạn nhân thường xuyên. Đối với anh ta, lễ kỷ niệm của quý vị là một sự xấu hổ; sự tự do mà các vị vẫn khoe khoang giống như một tờ giấy phép xấu xa; sự vĩ đại của dân tộc

các vị toàn chứa những điều rỗng tuếch; những âm thanh vui mừng của các vị trống rỗng và nhẫn tâm; sự lên án của các vị đối với bạo chúa trở thành những hành động trơ trẽn; tiếng hô hét của các vị về tự do và bình đẳng chỉ là trò giả tạo; những lời cầu nguyện và các bài thánh ca, các bài thuyết giáo và lễ tạ ơn của các vị, cũng như tất cả các buổi diễu hành, các nghi lễ tôn giáo của các vị, đối với anh ta chỉ là những sự khoa trương, sự lừa gạt, trò dối trá, nghịch đạo và hành động đạo đức giả – giống như một tấm màn mỏng cố che đậy những tội ác khiến một dân tộc man rợ phải hổ thẹn. Tại thời khắc này, trên thế giới không có một dân tộc nào lại có cách hành xử ghê tởm và đẫm máu như những con người của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ này.

Hãy đi đến nơi mà các vị có thể đến, hãy cố gắng sục tìm, nghiền ngẫm lại hết tất cả các chế độ quân chủ và chế độ chuyên quyền của Cựu Thế giới, hãy đi khắp Nam Mỹ, cố gắng tìm cho ra những thí dụ về cách đối xử tồi tệ, và cuối cùng khi các vị đã tìm ra được những điều đó, hãy đặt bên cạnh để so sánh những sự kiện và cách hành xử hàng ngày của dân tộc này; và các vị sẽ quả quyết nói với tôi rằng, về các hành động dã man và thói đạo đức giả vô liêm sỉ, nước Mỹ sẽ đứng đầu và không hề có đối thủ tương xứng…

Mười năm sau cuộc nổi dậy của Nat Turner, không hề có dấu hiệu các cuộc nổi dậy của người da đen tại miền Nam. Nhưng đến năm 1841, một vụ việc nổ ra đã đánh thức lại tư tưởng nổi loạn. Nô lệ bị chất lên con tàu Creole đã chế ngự thủy thủ đoàn, giết chết một tên và giong tàu đến Tây Ấn của Anh quốc (nơi mà chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ từ năm 1833). Nước Anh từ chối trả lại nô lệ (ở Anh tồn tại sự ủng hộ chế độ bãi nô của Mỹ) và điều này đã dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội về cuộc chiến với nước Anh, vốn được Ngoại trưởng Daniel Webster khuyến khích. Tờ Colored Peoples Press đã vạch rõ “lập trường hiếu chiến” của Webster và khi nhắc lại cuộc Chiến tranh Cách mạng cũng như cuộc Chiến tranh năm 1812, nó viết:

Nếu chiến tranh xảy ra… liệu chúng ta có tham gia chiến đấu để bảo vệ một chính phủ vốn đã từ chối cho chúng ta quyền cao quý nhất – quyền công dân?… Quốc gia mà chúng ta đang cư ngụ, đã hai lần được lợi từ những đóng góp tình nguyện của

chúng ta và trả công cho chúng ta bằng xiềng xích và chế độ nô lệ. Liệu chúng ta có tiếp tục lần thứ ba để hôn bàn chân đã đạp lên đầu chúng ta? Nếu làm như thế, chúng ta đáng bị xiềng xích.

Khi căng thẳng ngày càng gia tăng cả ở miền Bắc và miền Nam, những người da đen càng nung nấu ý chí chiến đấu hơn. Năm 1857, Frederick Douglass nói:

Hãy để tôi nói cho bạn một từ mang tính triết lý về cải cách. Toàn bộ lịch sử phát triển tự do của loài người cho thấy rằng, tất cả những nhượng bộ chưa đáp ứng đều được yêu cầu để gây ra đấu tranh… Không có đấu tranh thì không có tiến bộ. Những ai muốn được hưởng tự do mà vẫn chưa dám đứng lên bày tỏ ước vọng của mình thì cũng giống như những người muốn thu hoạch mùa màng mà không chịu cày cuốc. Họ muốn có mưa mà không dám chấp nhận sấm sét. Họ muốn đại dương không có cảnh sóng nước thét gào. Cuộc đấu tranh có thể là cuộc đấu tranh về mặt đạo đức; hoặc đấu tranh bằng sức lực; hoặc có thể kết hợp giữa đấu tranh đạo đức và sức lực, nhưng phải có đấu tranh. Quyền lực không bao giờ được thừa nhận nếu không có đòi hỏi. Quá khứ đã thế và tương lai cũng không có gì khác…

Có sự khác nhau về mặt chiến thuật giữa Douglass và William Lloyd Garrison, người da trắng theo chủ nghĩa bãi nô và là biên tập viên của tờ Liberator – sự khác nhau chủ yếu giữa những người theo chủ nghĩa bãi nô da đen và da trắng nói chung. Người da đen sẵn sàng hơn trong việc tham gia các cuộc nổi dậy có vũ trang, nhưng cũng sẵn sàng sử dụng các công cụ chính trị có sẵn như hòm phiếu, Hiến pháp – bất kể những gì có thể thúc đẩy sự nghiệp của họ. Trong các sách lược của mình, họ không tuyệt đối phụ thuộc vào các biện pháp đạo đức như những người theo quan điểm của Garrison. Người da đen hiểu rõ, nếu chỉ có các áp lực về mặt đạo đức thì không thể giải quyết được gì cả, họ áp dụng hết các chiến thuật, từ bầu cử đến nổi dậy.

Tuy nhiên, trong đầu những người da đen ở miền Bắc luôn thường trực câu hỏi về chế độ nô lệ mà đám trẻ con da đen tại một trường tư thục của người da đen ở Cincinnati đã nêu. Đáp lại câu hỏi “Cháu nghĩ về điều gì nhiều nhất?”, chỉ có 50% câu trả lời được ghi lại trong hồ sơ và tất cả đều đề cập đến chế độ nô lệ. Một đứa bé bảy tuổi

viết:

Các bạn thân mến, mùa hè tới chúng ta sẽ mua một trang trại, một phần ngày chúng ta đi làm, một phần ngày đi học và một phần ngày về nhà gặp mẹ, chị em gái và họ hàng nếu có; thăm bạn bè và trở thành những cậu bé ngoan; và đến lúc đó tôi sẽ yêu cầu một người đi kiếm cho mấy nô lệ. Và tôi rất buồn phiền khi nghe rằng con tàu… đã bị chìm nghỉm dưới sông, cùng 200 nô lệ. ôi tôi buồn biết bao khi nghe tin đó, nó khiến trái tim tôi tan nát và tôi có thể cảm nhận nỗi đau đớn trong tim tôi.

Những người da trắng theo chủ nghĩa bãi nô đã có những hành động tiên phong và dũng cảm trên bục giảng, trên báo chí, trong Hội đoàn Đường sắt ngầm. Những người da đen theo chủ nghĩa bãi nô, ít công khai hơn, nhưng đóng vai trò xương sống của phong trào đấu tranh chống chế độ nô lệ. Trước khi Garrison xuất bản tờ Liberator nổi tiếng tại Boston năm 1831, hội nghị cấp quốc gia đầu tiên về người da đen đã được tổ chức; David Walker viết “Lời kêu gọi” và tạp chí của người da đen theo chủ nghĩa bãi nô tên là Freedom’s Journal ra đời. Trong số 25 người đầu tiên đặt mua tờ Liberator, hầu hết là người da đen.

Những người da đen cũng phải liên tục đấu tranh với các quan điểm phân biệt chủng tộc vô tình của những người da trắng theo chủ nghĩa bãi nô. Họ cũng phải cương quyết bảo vệ tiếng nói độc lập của mình. Douglass đã viết trên tờ Liberator, nhưng đến năm 1847 ông bắt đầu tờ báo riêng tại Rochester, tên là North Star, việc này đã dẫn đến việc chia tay với Garrison. Năm 1854, một hội nghị của người da đen ra tuyên bố: “… Xin được phép nhấn mạnh lại là cuộc chiến đấu là của chúng ta; không ai khác có thể đấu tranh cho chúng ta… Mối quan hệ của chúng ta với phong trào đấu tranh chống chế độ nô lệ cần phải thay đổi và thực ra cũng đang thay đổi. Thay vì phụ thuộc, chúng ta phải dẫn đầu phong trào.”

Một số phụ nữ phải đối mặt với rào cản gấp ba lần – là người theo chủ nghĩa bãi nô trong một chế độ nô lệ, là người da đen trong số những nhà cải cách da trắng và là phụ nữ trong một phong trào cải cách mà người chi phối là đàn ông. Sự kiện Sojourner Truth phát biểu tại Hội nghị Quốc gia lần thứ tư về Quyền phụ nữ năm

1853 tại thành phố New York đã cho thấy rõ tất cả các khía cạnh trên. Một đám đông thù địch trong hội trường đã la hét, chế giễu và đe dọa. Bà nói:

Tôi biết rõ rằng thế nào cũng có tiếng huýt sáo và la ó khi người ta nhìn thấy một phụ nữ da màu đứng lên và nói với các vị về nhiều vấn đề và về quyền của phụ nữ. Tất cả mọi người đều ngồi xuống một cách chậm chạp đến nỗi không ai nghĩ rằng họ đã đứng lên; nhưng… chúng tôi sẽ tiếp tục đứng lên và giờ đây tôi đang có mặt tại đây… chúng tôi có các quyền của mình; các vị thử xem chúng tôi có hay không; và các vị không thể ngăn cản chúng tôi. Các vị cứ việc huýt sáo chừng nào các vị còn muốn, nhưng điều đó đang đến… Tôi sẽ ngồi cùng với các vị để quan sát; và cứ chốc lát tôi lại ra ngoài và nói cho các vị biết bây giờ là mấy giờ đêm…

Sau cuộc nổi dậy mang tính bạo lực của Nat Turner và vụ đàn áp đẫm máu tại Virginia, hệ thống an ninh tại miền Nam bắt đầu được siết chặt hơn. Có lẽ chỉ người ngoài cuộc mới có hy vọng kêu gọi một cuộc nổi dậy. Đó chính là John Brown, một người da trắng vô cùng quả cảm và cương quyết, ông đã có một kế hoạch liều lĩnh là cướp kho vũ khí tại Harpers Ferry, Virginia, sau đó phát động một cuộc nổi loạn của nô lệ trên khắp miền Nam.

Harriet Tubman, một người phụ nữ chỉ cao hơn 1,5m, răng khuyết mấy chiếc, tham gia không biết bao nhiêu vụ giải thoát người da đen thoát khỏi chế độ nô lệ, đã bắt tay với John Brown cũng như kế hoạch của ông. Nhưng do ốm đau, bà không thể tham gia hành động cùng John Brown. Frederick Douglass cũng gặp gỡ Brown. Douglass đã tranh luận và không đồng ý với kế hoạch, vì cho rằng cơ hội để thành công rất thấp, tuy nhiên ông ta khâm phục John Brown, một người đàn ông đã 60 tuổi, trông có vẻ ốm yếu, cao lêu nghêu, gầy gò và tóc đã bạc trắng.

Douglass có lý, kế hoạch đã thất bại. Dân quân địa phương, với sự hỗ trợ của lính thủy do Robert E. Lee chỉ huy đã bao vây những người nổi loạn. Mặc dù các chiến hữu của John Brown bị giết hoặc bắt giữ, ông vẫn từ chối đầu hàng. ông đã dựng chướng ngại vật trong một ngôi nhà gạch nhỏ nằm cạnh kho vũ khí. Bọn lính phá tan cửa ra vào; một viên đại úy hải quân nhảy vào và dùng kiếm tấn công Brown. ông đã

bị thẩm vấn trong khi đang bị thương và ốm đau. Trong cuốn sách John Brown, W. E.

B. Du Bois viết:

Bức tranh toàn cảnh: Một ông già máu me be bét, bán sống bán chết vì các vết thương vừa bị tấn công mấy giờ trước; một ông già nằm lăn lóc trong giá lạnh và rác rưởi, trong suốt 55 tiếng đồng hồ không được ngủ, thần kinh căng lên, cũng không được ăn uống gì trong quãng thời gian đó; xác hai con trai của ông gần như ngay trước mắt ông; vung vãi khắp nơi là tử thi bảy người đồng chí của ông đã bị giết chết một cách tàn bạo, người vợ và gia quyến đang chết lặng cả người; và sự nghiệp đã thất bại, giấc mơ của cả một đời người đã chết mòn trong trái tim ông…

Nằm đó, khi bị thống đốc bang Virginia thẩm vấn, Brown nói: “Tất cả các người ở miền Nam, tốt hơn hết hãy tự chuẩn bị để giải quyết vấn đề này… Các người có thể thủ tiêu ta một cách dễ dàng – mà giờ đây cũng là lúc ta sắp chấm dứt rồi, nhưng câu hỏi vẫn cần được giải quyết – câu hỏi về những người da đen, ý ta là vẫn chưa đến hồi kết.”

Du Bois đánh giá cao hành động của Brown:

Nếu như hành động đánh phá của ông là công việc của những người cuồng tín, bị dẫn dắt bởi người quá khích và không chấp nhận việc áp đặt chế độ nô lệ lên con người, hẳn người ta đã tìm ra những cách thức hiệu quả để ỉm đi vụ việc này, sẵn sàng áp dụng các hình phạt đối với những người phạm tội nặng nhất, hoặc tha bổng người cầm đầu lầm đường hoặc buộc họ tị nạn… Trong khi tuyên bố rằng cuộc tấn công là quá nhỏ nhoi vô vọng và lố lăng để làm nên một điều gì đó…, bang đã chi 250 nghìn đô-la để trừng phạt những kẻ xâm lược khiến họ phải huy động từ một đến ba nghìn binh sỹ ở các khu vực cận kề và đã khiến cả đất nước rơi vào tình trạng rối loạn.

Trong lời tuyên bố sau cùng tại nhà tù, trước khi bị treo cổ, John Brown nói: “Tôi, John Brown, hoàn toàn tin tưởng rằng những tội ác trên mảnh đất tội lỗi này chỉ có thể gột rửa bằng máu.”

Ralph Waldo Emerson, bản thân không tham gia phong trào, nhưng đã nói về việc xử tử John Brown như sau: “ông ấy sẽ làm cho giá chiếc giá treo cổ trở nên linh thiêng như cây thập giá của Chúa.”

Trong số 22 người tham gia lực lượng nổi dậy của John Brown, có năm người da đen. Hai người đã bị giết ngay tại trận, một người trốn thoát, hai người khác bị chính quyền treo cổ. Trước khi bị treo cổ, John Copeland đã viết lại cho cha mẹ mình:

Xin bố mẹ hãy ghi nhớ là nếu con phải chết, thì con đã chết trong khi cố gắng giải phóng những con người nghèo khổ bị áp bức, giống như tình trạng nô lệ của con mà trong Kinh thánh Chúa đã lên án một cách cay đắng…

Giờ đây con không cảm thấy sợ giá treo cổ…

Con tưởng tượng là đang nghe thấy tiếng của mẹ, bố, các anh, các chị đang nói rằng – “Không, không có lý do chỉ vì để chúng ta đỡ buồn tủi đi mà chứng kiến con phải chết”. Xin hãy tin con khi con nói với bố mẹ rằng dẫu phải ngậm miệng trong tù và chờ bị xử án tử hình, con đã có những giờ phút hạnh phúc hơn tại đây, và… con luôn sẵn lòng ngay lập tức, hoặc bất cứ lúc nào, bởi lẽ con đã được chuẩn bị để đi gặp Chúa…

John Brown đã bị bang Virginia tử hình với sự phê chuẩn của chính phủ quốc gia. Đó là một chính phủ mặc dù không đủ sức mạnh để thực thi luật chấm dứt tình trạng buôn bán nô lệ nhưng lại tỏ ra cứng rắn trong việc thi hành các luật lệ cho phép bắt những nô lệ bỏ trốn quay lại chế độ nô lệ. Đó là chính phủ quốc gia, dưới sự thống trị của Andrew Jackson, đã bắt tay với miền Nam nhằm loại bỏ các tài liệu của những người theo chủ nghĩa bãi nô ra khỏi hệ thống thư tín tại các bang miền Nam. Đó là Tối cao Pháp viện của Hoa Kỳ, năm 1857 đã ra phán quyết rằng nô lệ Dred Scott không được kiện đòi tự do, bởi vì anh ta không phải là một con người, mà chỉ là một thứ tài sản.

Một chính phủ quốc gia như vậy sẽ không bao giờ chấp nhận việc chấm dứt chế độ

nô lệ bằng những cuộc nổi dậy. Chế độ nô lệ chỉ có thể được chấm dứt trong những điều kiện mà người da trắng kiểm soát được; và điều này chỉ diễn ra khi có các nhu cầu về kinh tế-chính trị của tầng lớp thống lĩnh hoạt động kinh doanh tại miền Bắc. Abraham Lincoln là người đã kết hợp một cách hoàn hảo các nhu cầu về kinh doanh, tham vọng về chính trị của Đảng Cộng hòa mới được thành lập và sự hùng biện của chủ nghĩa nhân đạo. ông có thể không đưa việc bãi nô vào các vị trí cao nhất trong danh sách ưu tiên của mình, nhưng điều đó cũng được đặt ở vị trí đủ cao sao cho các áp lực bãi nô và các lợi thế chính trị thực tế có thể tạm thời thúc đẩy.

Lincoln đã rất nhuần nhuyễn trong việc hòa trộn các lợi ích của giới nhà giàu và lợi ích của người da đen tại một thời điểm lịch sử, khi mà các lợi ích này có thể gặp nhau. Và ông cũng đã kết nối hai nhóm lợi ích này với một bộ phận trung lưu người Mỹ da trắng đang phát triển nhanh, vốn tháo vát, tham vọng về kinh tế và năng động về chính trị. Richard Hofstadter đã chỉ rõ điều này:

Thông qua việc nhắm đến nhóm đối tượng trung lưu, ông muốn lên tiếng thay cho hàng triệu người Mỹ đã bắt đầu cuộc sống của họ như những công nhân làm thuê – hoặc công nhân ở trang trại, thư ký, giáo viên, thợ cơ khí, thợ thuyền và công nhân đường sắt, cũng như những người được xếp vào hàng nông dân có đất, những người bán tạp phẩm có thu nhập khá, luật sư, thương gia, bác sỹ và chính trị gia.

Lincoln có thể tranh luận một cách rõ ràng và đầy cảm xúc về việc chống chế độ nô lệ, trên cơ sở đạo đức, trong khi lại rất thận trọng trong các động thái chính trị. ông tin tưởng rằng “thể chế của chế độ nô lệ được xây dựng dựa trên sự bất công và chính sách yếu kém, nhưng việc ban hành chính sách bãi bỏ chế độ này có thể sẽ làm gia tăng, chứ không giúp xóa bỏ những điều xấu xa của nó”. (Thử so sánh quan điểm này với tuyên bố về đấu tranh của Frederick Douglass, hoặc câu nói của Garrison: “Thưa Ngài, chế độ nô lệ không thể lật đổ nếu như không có náo động, một sự náo động cuồng nhiệt nhất”). Lincoln trích dẫn Hiến pháp nói rằng, theo Tu chính án số 10 (duy trì quyền lực của các bang mà chính quyền trung ương không được phép can thiệp), Quốc hội không thể cấm chế độ nô lệ tại các bang một cách hợp hiến.

Khi có các ý kiến đề xuất bãi bỏ chế độ nô lệ tại Quận Columbia, nơi không có các quyền của một bang nằm trực tiếp dưới quyền lực pháp lý của Quốc hội, Lincoln nói rằng điều này là hợp hiến, nhưng không nên thực hiện trừ phi người dân quận này muốn điều đó. Đa số công dân của quận này là người da trắng và điều đó đã giết chết

ý tưởng trên. Hofstadter đã nhận xét về tuyên bố của Lincoln là “tuyên bố đó đã hà hơi cho sự khẳng định không khoan nhượng đối với các điều chỉnh chính sách”.

Lincoln từ chối công khai bãi bỏ Đạo luật Nô lệ bỏ trốn. Khi viết thư cho một người bạn, ông nói: “Tôi phải thừa nhận là tôi rất căm ghét cảnh những người khốn khó đó bị săn đuổi…, nhưng tôi đã phải cắn chặt môi và giữa yên lặng.” Và năm 1849, với tư cách đại biểu Quốc hội, ông đã đề xuất một nghị quyết về bãi bỏ chế độ nô lệ tại Quận Columbia, nhưng trong nghị quyết đó cũng có một phần đề cập đến việc yêu cầu các chính quyền địa phương bắt và trả lại những nô lệ chạy trốn đến Washington. (Điều này khiến cho Wendell Phillips, một người theo chủ nghĩa bãi nô ở Boston nhiều năm sau vẫn gọi ông là “tên săn nô lệ từ Illinois”). ông chống lại chế độ nô lệ, nhưng không sẵn sàng xem người da đen cũng cần được đối xử công bằng, do đó cốt lõi trong cách tiếp cận của ông là giải phóng nô lệ và gửi trả họ về châu Phi.

Trong cuộc vận động năm 1858 tại Illinois để giành ghế Thượng viện với đối thủ là Stephen Douglas, Lincoln đã phát biểu khác hẳn, phụ họa quan điểm các khán thính giả của ông (và có lẽ cũng phụ thuộc vào thời điểm cuộc bầu cử đang tới gần). Khi diễn thuyết tại Bắc Illinois (Chicago) vào tháng 7, ông nói:

Chúng ta hãy gạt bỏ hết ngụy biện về người này người khác, chủng tộc này chủng tộc khác; những chủng tộc thấp kém cần phải đặt ở vị trí hạ đẳng. Chúng ta hãy gạt bỏ hết tất cả những điều đó và hãy đoàn kết thống nhất thành một dân tộc trên toàn bộ mảnh đất này, cho đến một lúc nào đó chúng ta đứng lên và tuyên bố rằng mọi người đều có quyền bình đẳng.

Hai tháng sau tại Charleston, Nam Illinois, Lincoln lại nói với khán thính giả của ông:

Lúc đó tôi sẽ nói rằng, tôi không bao giờ và cũng chưa bao giờ ủng hộ bằng mọi giá

việc mang lại sự công bằng về mặt xã hội và chính trị giữa chủng tộc da đen và da trắng (vỗ tay); rằng tôi không bao giờ và cũng chưa bao giờ ủng hộ giành quyền bầu cử hoặc quyền tham gia bồi thẩm đoàn cho người da đen, hoặc tạo cho họ đủ điều kiện để giữ các chức vụ, hoặc kết hôn với người da trắng…

Vẫn phải tồn tại vị trí thượng đẳng và hạ đẳng. Và cũng như mọi người, tôi mong muốn có được vị trí thượng đẳng mà Thượng đế đã ban tặng cho người da trắng.

Đằng sau sự ly khai của miền Nam khỏi Liên bang, sau khi Lincoln được bầu làm Tổng thống vào mùa thu năm 1860 với tư cách ứng cử viên Đảng Cộng hòa mới được thành lập, là hàng loạt xung đột về mặt chính sách giữa miền Nam và miền Bắc. Xung đột không vượt qua vấn đề chế độ nô lệ, một thể chế về mặt đạo đức. Hầu hết người miền Bắc không có đủ sự quan tâm cần thiết đến chế độ nô lệ để hy sinh cho nó, chắc chắn không phải sự hy sinh cho một cuộc chiến tranh. Đó không phải là cuộc xung đột của các dân tộc (hầu hết người da trắng ở miền Bắc không được ưu ái về kinh tế và cũng không có nhiều quyền lực về mặt chính trị; hầu hết người da trắng ở miền Nam là nông dân nghèo, không phải là những nhà hoạch định chính sách), mà là cuộc xung đột của các nhóm có thế lực. Nhóm có thế lực ở phía Bắc muốn đạt được sự bành trướng về mặt kinh tế – thông qua tự do đất đai, tự do lao động, tự do thị trường, hàng rào thuế quan cao để bảo vệ các nhà sản xuất, nhà băng của Hoa Kỳ. Nhóm vì lợi ích của nô lệ thì phản đối tất cả những điều đó; họ nhìn nhận Lincoln và Đảng Cộng hòa là nhân tố biến tương lai cuộc sống thịnh vượng và dễ chịu của họ thành điều không thể.

Do đó, khi Lincoln đắc cử, bảy bang miền Nam đã tách khỏi Liên bang. Lincoln bày tỏ sự phản đối bằng cách chiếm lại căn cứ liên bang tại Pháo đài Sumter, Nam Carolina, thêm bốn bang ly khai. Liên bang Miền Nam (Confederacy) được thành lập, Nội chiến bùng nổ.

Bài Diễn văn nhậm chức đầu tiên của Lincoln vào tháng 3 năm 1861 bày tỏ mối hòa giải với miền Nam và các bang ly khai: “Tôi không có ý định, dù trực tiếp hay gián tiếp, can thiệp vào vấn đề chế độ nô lệ đang tồn tại tại các bang. Tôi tin tưởng rằng tôi

không có quyền hợp pháp để thực hiện điều đó và tôi cũng không có ý định làm điều đó.” Và với cuộc chiến nổ ra bốn tháng sau đó, khi Tướng John C. Frémont ở Missouri tuyên bố tình trạng thiết quân luật và khẳng định rằng những nô lệ có chủ tham gia chống Hoa Kỳ sẽ được trả tự do, Lincoln đã hủy bỏ chỉ thị này. ông rất lo lắng trong việc duy trì các bang vẫn còn nô lệ, như Maryland, Kentucky, Missouri và Delaware.

Chỉ khi cuộc chiến đã trở nên khốc liệt hơn, thêm nhiều thương vong, tuyệt vọng với chiến thắng tăng lên và sự phê phán của những người theo chủ nghĩa bãi nô dâng cao đe dọa sẽ chấm dứt liên minh lỏng lẻo ngay sau lưng Lincoln, thì ông mới hành động chống lại chế độ nô lệ. Về vấn đề này, Hofstadter nhận xét: “Giống như một chiếc phong vũ biểu rất nhạy, ông ta đã đo được khuynh hướng của các sức ép và khi sức ép từ phe cánh hữu tăng lên, ông ta lại điều chỉnh sang hướng hữu”. Wendell Phillips nói rằng Lincoln có khả năng phát triển “là nhờ chúng tôi đã chăm bón cho ông ta”.

Sự phân biệt chủng tộc ở miền Bắc cũng cố hữu chẳng khác gì chế độ nô lệ ở miền Nam và có lẽ phải có các cuộc chiến mới loại bỏ được cả hai vấn đề này. Người da đen ở New York không được phép bầu cử chừng nào họ chưa có đủ số tài sản trị giá ít nhất 250 đô-la (một yêu cầu không áp dụng với người da trắng). Một đề xuất bãi bỏ việc này đã được đem ra bỏ phiếu năm 1860 và chịu thất bại với tỷ lệ hai trên một (mặc dù Lincoln lúc đó đại diện cho New York với 50 nghìn phiếu bầu). Frederick Douglass nhận xét: “Những đứa con của người da đen bị cho là hình ảnh quá xấu trong những dịp trọng đại, như bầu cử. Người da đen bị dẹp gọn vào một chỗ”.

Wendell Phillips, với tất cả những chỉ trích của ông về Lincoln, đã thấy được các khả năng từ cuộc bầu cử của Lincoln. Khi nói chuyện tại Tremont, Boston một ngày sau bầu cử, Phillips nói:

Nếu như bức điện báo biết nói lên sự thật, lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, người nô lệ đã được chọn một vị tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ… Dẫu không phải một người theo chủ nghĩa bãi nô, càng không phải là người chống lại chế độ nô lệ, Ngài Lincoln đồng ý chấp nhận đại diện cho tư tưởng chống lại chế độ nô lệ.

Một con tốt trên bàn cờ chính trị, tạo thêm giá trị cho vị trí của ông ta; với những nỗ lực hợp lý, chúng ta sẽ nhanh chóng biến ông ta thành một quân mã hoặc quân hậu và quét hết bàn cờ. (Vỗ tay).

Những người bảo thủ thuộc các tầng lớp thượng lưu ở Boston muốn hòa giải với miền Nam. Họ tấn công một cuộc họp của những người theo chủ nghĩa bãi nô cũng tại Tremont, ngay sau cuộc bầu cử Lincoln; và đòi hỏi phải có nhượng bộ với miền Nam “vì lợi ích thương mại, sản xuất và nông nghiệp”.

Tinh thần của Quốc hội, thậm chí ngay sau khi cuộc chiến bắt đầu, đã thể hiện trong một nghị quyết thông qua vào mùa hè năm 1861, với một số ít phiếu phản đối: “… cuộc chiến tranh này không được tiến hành… nhằm mục đích… lật đổ hoặc can thiệp các quyền của các thể chế đã được thiết lập tại các bang đó, mà là để… duy trì Liên bang”.

Những người bãi nô đẩy mạnh phong trào của họ. Những kiến nghị giải phóng nô lệ được trình lên Quốc hội vào năm 1861 và 1862. Vào tháng 5 năm đó, Wendell Phillips nói: “Có thể Abraham Lincoln không mong muốn, nhưng ông ta không thể ngăn cản được; cũng như đất nước không mong muốn nó, nhưng cũng không thể ngăn ngừa được vậy. Tôi không quan tâm những người khác muốn hoặc mong ước gì; người da đen giống như những viên đá cuội đã mắc vào bánh răng và cỗ máy không thể chuyển động được cho đến khi nào bạn tìm cách giúp họ thoát ra.”

Đến tháng 7, Quốc hội thông qua Đạo luật Sung công (Confiscation Act), cho phép trả lại tự do cho nô lệ của những người đấu tranh vì Liên bang. Nhưng đạo luật này không được các vị tướng của Liên bang thực thi, và Lincoln cũng lờ qua việc bất thi hành. Garrison đã gọi chính sách của Lincoln là “sai lầm, nửa vời, quanh co, thiếu quả quyết, yếu đuối và đần độn”. Phillips thì cho rằng Lincoln là loại “nửa nạc, nửa mỡ”.

Việc trao đổi thư từ giữa Lincoln và Horace Greeley − biên tập viên tờ New York Tribune vào tháng 8 năm 1862 − đã tạo cơ hội cho Lincoln bày tỏ quan điểm của mình. Greeley viết:

Thưa Ngài. Tôi không có ý xúc phạm Ngài – bởi lẽ Ngài hẳn đã biết rõ rằng, một tỷ lệ lớn những người từng chào mừng thắng lợi bầu cử của Ngài… nay đã trở nên hết sức thất vọng và cảm thấy đau xót với chính sách mà Ngài đang theo đuổi về vấn đề nô lệ nổi loạn… Chúng tôi yêu cầu Ngài, với tư cách là người tôi tớ đầu tiên của Đảng Cộng hòa đã có những cam kết đặc biệt và vượt trội với nhiệm vụ này, là phải THỰC THI LUẬT PHáP… Chúng tôi nghĩ rằng, Ngài đã tỏ ra tắc trách một cách lạ lùng và hết sức tai hại… nhất là các điều khoản liên quan đến vấn đề giải phóng nô lệ trong Đạo luật Sung công…

Chúng tôi nghĩ rằng Ngài đã bị ảnh hưởng một cách không đáng từ các hội đồng… của một số chính trị gia vốn xuất thân từ các bang có nô lệ ở vùng biên giới.

Greeley nhấn mạnh nhu cầu thực tế phải giành chiến thắng trong cuộc chiến. “Chúng ta cần có các trinh sát, những người dẫn đường, nội gián, đầu bếp, lái xe, công binh, người chẻ củi… là những người da đen miền Nam, bất kể chúng ta có cho phép họ tham gia chiến đấu cho chúng ta hay không… Tôi hết sức mong muốn các ngài thực hiện nghiêm chỉnh và chân thành các luật lệ về đất đai.”

Lincoln đã bày tỏ thái độ của mình khi ông thất bại trong việc hủy bỏ một mệnh lệnh của một trong những viên chỉ huy, Tướng Henry Halleck, người từng tuyên bố cấm người da đen bỏ trốn gia nhập quân đội của ông ta. Đây là một đoạn ông đáp lại Greeley:

Thưa Ngài: … Tôi không muốn nghi ngờ ai… Mục tiêu tối cao của tôi trong cuộc đấu tranh này là bảo tồn được Liên bang; và điều đó cũng không đồng nghĩa với việc duy trì hoặc bãi bỏ chế độ nô lệ. Nếu tôi vẫn bảo vệ được Liên bang mà không phải giải thoát một người nô lệ nào, tôi sẽ làm như thế; và nếu như tôi vẫn bảo vệ được Liên bang mà phải trả lại tự do cho tất cả nô lệ, tôi cũng sẽ làm như thế; và thậm chí cả khi phải trả tự do cho một số nô lệ và giữ nguyên số còn lại, tôi cũng chấp nhận. Những gì tôi làm đối với vấn đề nô lệ và da màu chỉ là để bảo vệ Liên bang; và những gì tôi không được làm thì tôi đã không làm, bởi vì tôi không tin rằng điều đó sẽ giúp cho việc duy trì Liên bang… Tôi xin tuyên bố mục tiêu của tôi theo đúng quan điểm từ

nhiệm vụ chính thức và tôi cũng không có ý định điều chỉnh nguyện vọng cá nhân của tôi rằng, mọi người ở mọi nơi đều được tự do.

Kính thư, A. Lincoln.

Như vậy có thể thấy rõ Lincoln đã phân biệt giữa “nguyện vọng cá nhân” với “nhiệm vụ chính thức” của ông.

Tháng 9 năm 1862, Lincoln công bố Tuyên bố Giải phóng (Emancipation Proclamation) đầu tiên của ông, đó là một động thái quân sự, cho phép miền Nam có bốn tháng để chấm dứt các hoạt động nổi dậy, đe dọa giải phóng các nô lệ nếu họ vẫn tiếp tục đấu tranh, đồng thời hứa hẹn sẽ không đụng chạm đến vấn đề nô lệ ở các bang miền Bắc.

Ngày 1 tháng 1 năm 1863, tất cả những ai vẫn bị xem như nô lệ trong bất cứ bang hoặc địa phận được phân bổ cho bang nào tham gia các cuộc nổi dậy chống Hợp chúng quốc sẽ được tự do mãi mãi…

Như vậy, khi được công bố vào ngày 1 tháng 1 năm 1863, Tuyên bố Giải phóng đã cho phép nô lệ được tự do tại các vùng vẫn đang có các cuộc nổi dậy chống Liên bang (danh sách được liệt kê một cách rất thận trọng), tuy nhiên tuyên bố đó không đả động gì đến nô lệ vẫn đang nằm bên ngoài ranh giới của Liên bang. Như Hofstadter đã chỉ ra, Tuyên bố Giải phóng “bao hàm vẻ oai phong về mặt đạo đức, giống như một tờ vận đơn”. Tờ London Spectator đã viết ngắn gọn: “Nguyên tắc đưa ra là một con người không thể làm chủ một người khác, nhưng anh ta cũng không được phép làm chủ chính mình, trừ phi anh ta trung thành với Hợp chúng quốc”.

Với rất nhiều hạn chế, Tuyên bố Giải phóng đã khuấy động các lực lượng chống lại chế độ nô lệ. Mùa hè năm 1864, 400 nghìn chữ ký yêu cầu các nhà lập pháp bãi bỏ chế độ nô lệ đã được tập hợp và gửi lên Quốc hội, một điều chưa hề có trong lịch sử nước Mỹ. Tháng 4 năm đó, Thượng viện đã thông qua Tu chính án số 13, tuyên bố chấm dứt chế độ nô lệ và đến tháng 1 năm 1865, Hạ viện cũng làm theo.

Với Tuyên bố Giải phóng, quân đội của Liên bang đã mở rộng cho cả người da đen. Ngày càng nhiều người da đen tham gia cuộc chiến, điều đó càng có vẻ như cuộc chiến là để giải phóng chính họ. Càng có nhiều người da trắng hy sinh, thì lại càng có thêm nhiều oán giận, đặc biệt đối với những người da trắng nghèo khổ ở miền Bắc, những người mà một bộ luật cho phép những người giàu có hơn có thể trả 300 đô-la để họ thực hiện thay chế độ quân dịch. Những cuộc nổi loạn do quân dịch đã nổ ra vào năm 1836, chủ yếu do những người da trắng ở các thành phố phía Bắc quá bất bình, tuy nhiên mục tiêu nhắm tới của các cuộc nổi loạn này không phải là những người giàu có, vốn rất xa, mà chính là những người da đen ở ngay bên cạnh họ. Đó thật sự là sự điên cuồng chết chóc và bạo lực.

Một người da đen ở Detroit mô tả những điều anh ta đã tận mắt chứng kiến: Một đám đông cuồng loạn, đẩy xe chất đầy những thùng bia, gậy gộc và gạch đá, diễu hành khắp phố và đuổi đánh những người đàn ông, đàn bà, trẻ em da đen. Anh ta còn nghe một gã đàn ông la lớn: “Nếu chúng ta phải chết vì bọn mọi đen thì chúng ta phải giết hết tất cả chúng ở thành phố này.”

Cuộc Nội chiến là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử tính đến thời điểm đó: 600 nghìn người cả hai phía bị thiệt mạng, trên tổng số dân 30 triệu người – tương đương với con số 5 triệu người chết trong tổng số dân 250 triệu người của Mỹ năm 1978. Khi cuộc chiến ngày càng trở nên căng thẳng, xác người ngày càng chất cao, sự mệt mỏi do cuộc chiến gây ra ngày càng lớn, sự tồn tại của 4 triệu người da đen ở miền Nam trở thành vật cản cho miền Nam, nhưng lại là cơ hội cho miền Bắc. Trong cuốn Black Reconstruction (Sự tái thiết của người da đen), Du Bois đã chỉ ra điều này:

… Những người nô lệ có một thứ quyền lực mạnh mẽ trong tay. Chỉ cần đơn giản là không chịu làm việc, họ đã khiến cho phe miền Nam trong liên bang đối mặt với nạn đói. Bằng cách gia nhập các trại của Liên bang, họ có thể chỉ cho những người miền Bắc vốn còn do dự thấy được khả năng dễ dàng sử dụng họ, nhưng với cùng cử chỉ đó họ cướp đi của kẻ thù quyền sử dụng họ trên chính những cánh đồng này…

Chính sự hoán đổi dễ dàng này đã khiến Lee đột ngột đầu hàng. Hoặc người miền Nam phải thỏa thuận với nô lệ của họ, trả lại tự do cho họ, sử dụng họ để chiến đấu chống lại miền Bắc; và do đó không thể đối xử với họ như những nông nô nữa; hoặc họ phải chấp nhận đầu hàng miền Bắc với giả định rằng sau chiến tranh, miền Bắc sẽ giúp họ bảo vệ chế độ nô lệ như trước kia.

George Rawick, một nhà xã hội học và nhân chủng học, đã mô tả lại sự phát triển và sự tham gia của người da đen trong cuộc Nội chiến:

Nô lệ xuất thân là những người luôn bị đe dọa, bị quăng quật giữa những người xa lạ, gồm cả những người nô lệ không cùng bà con, không cùng ngôn ngữ hoặc không hiểu được phong tục, thói quen của anh ta; phát triển đến một giai đoạn mà W. E. B. DuBois mô tả giống như một cuộc tổng đình công, trong đó hàng trăm nghìn nô lệ đã rời bỏ các đồn điền khiến cho ông chủ Smith không còn khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân đội nữa.

Phụ nữ da đen cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh, đặc biệt là giai đoạn cuộc chiến gần kết thúc. Sojourner Truth, một nhân vật huyền thoại từng là nô lệ, rất tích cực trong phong trào đấu tranh vì quyền phụ nữ, đã đảm nhận nhiệm vụ tuyển quân da đen cho quân đội của Liên bang, giống như công việc của Josephine St. Pierre Ruffin ở Boston. Còn Harriet Tubman cầm đầu các đội quân gồm cả da đen và da trắng tổ chức tấn công vào các đồn điền; và có trận đã giải phóng được tới 750 nô lệ. Phụ nữ di chuyển cùng với các trung đoàn da màu ngày càng lớn mạnh khi quân đội Liên bang hành quân về miền Nam, họ giúp đỡ chồng con mình, nhẫn nại chịu đựng những khó khăn trên đường hành quân gian khổ đến mức nhiều đứa trẻ bỏ mạng. Họ cũng chịu đựng số phận như những người lính; tháng 4 năm 1864, khi các đội quân của Liên bang Miền Nam tại Pháo đài Pillow, Kentucky tàn sát những người lính Liên bang dù đã đầu hàng, cả người da trắng và da đen, vợ con họ bị dồn vào các trại bên cạnh đó.

Người ta cho rằng việc người da đen chấp nhận kiếp nô lệ đã được chứng minh qua thực tế là trong thời Nội chiến, có rất nhiều cơ hội để trốn thoát, nhưng hầu hết nô lệ

đều ở lại các đồn điền. Trên thực tế, đã có khoảng nửa triệu nô lệ bỏ trốn – với tỷ lệ là một trên năm, con số đó khá cao nếu xét tình hình thực tế lúc bấy giờ họ khó mà biết được phải trốn đi đâu và sống bằng cách gì.

Năm 1862, chủ của một đồn điền lớn tại Nam Carolina và Georgia viết: “Cuộc chiến này đã dạy cho chúng ta rằng tuyệt đối không thể đặt chút niềm tin nào vào bọn da đen. Rất nhiều trường hợp kỳ vọng nhất lại là những kẻ đầu tiên bỏ trốn khỏi chúng ta.” Cũng trong năm đó, một viên trung úy của Liên bang Miền Nam và từng là thị trưởng vùng Savannah, Georgia viết: “Tôi hết sức lấy làm tiếc là bọn mọi đen vẫn tiếp tục bỏ trốn theo kẻ thù.”

Mùa thu năm 1862, một vị mục sư ở Mississippi viết: “Cuối cùng tôi rất ngạc nhiên nghe nói rằng đêm qua những người da đen của chúng ta đã tháo chạy theo đám Yankee (binh sỹ Liên bang thời Nội chiến), phải đến một số lượng lớn… Tôi cứ nghĩ là tất cả, nhưng chắc cũng có một vài trường hợp ngoại lệ, sẽ chạy theo đám Yankee. Eliza và gia đình cô ta chắc chắn là sẽ đi theo rồi. Cô nàng thậm chí không thèm che đậy suy nghĩ của mình mà còn bày tỏ thái độ xấc xược và trâng tráo ra mặt.” Và một tờ tạp chí về phụ nữ tại đồn điền miêu tả:

Mọi người ở đồn điền đều trở nên chây ỳ, hầu hết họ cố gắng tìm lấy niềm vui cho riêng mình. Một số đầy tớ có lòng trung thành thật sự, một số khác chỉ giả vờ và tìm cách nổi loạn chống lại tất cả những hạn chế và uy quyền… Điều kiện họ đặt ra là một cuộc bạo loạn và tình trạng vô chính phủ tuyệt đối. Họ đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt đối với những người chủ của họ, cũng như với chính phủ và bất cứ biện pháp kiểm soát nào… Gần như tất cả đầy tớ đã bỏ trốn; và điều này diễn ra ở hầu hết các đồn điền.

Cũng vào năm 1865, một chủ đồn điền ở Nam Carolina viết cho tờ New York Tribune:

Cách cư xử của người da đen trong cuộc khủng hoảng vừa qua của chúng ta đã khiến tôi phải tin rằng tất cả chúng ta đang làm việc trong một sự lừa lọc… Tôi đã tin rằng

những con người đó sống bằng lòng, hạnh phúc và gắn bó với chủ. Nhưng những việc xảy ra đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ… Nếu chúng bằng lòng, hạnh phúc và gắn bó với chủ, thì sao chúng lại bỏ đi đúng vào lúc chủ rất cần chúng và lại gia nhập cùng kẻ thù mà chúng không hề biết, bỏ lại những người chủ tốt thật sự đã biết chúng từ khi còn nhỏ?

Genovese ghi nhận rằng cuộc chiến tranh đã không tạo ra những làn sóng nổi dậy mạnh mẽ trong nô lệ, nhưng: “Tại Quận Lafayette, Mississippi, nô lệ đã hưởng ứng Tuyên bố Giải phóng bằng cách hất cẳng những người đốc công, chia lại đất đai và tự mình cày cấy”. Aptheker đã có một báo cáo về âm mưu giết hại chủ của người da đen tại Arkansas năm 1861. Theo hàng loạt báo cáo, cũng trong năm đó tại Kentucky, người da đen đã cướp bóc nhà cửa và các kho dự trữ; còn tại thành phố New Castle, nô lệ diễu hành quanh thành phố “hát vang các bài ca chính trị và hô vang ủng hộ Lincoln”. Sau khi có Tuyên bố Giải phóng, một đầy tớ da đen ở Richmond, Virginia, đã bị bắt vì dám cầm đầu một “âm mưu nô lệ”; trong khi đó tại thành phố Yazoo, Mississippi, những người nô lệ đã đốt cháy tòa án và mười bốn ngôi nhà khác.

Ngoài ra cũng có rất nhiều sự kiện đặc biệt khác: Robert Smalls (sau này trở thành dân biểu của Nam Carolina) và những người da đen khác đã chiếm chiếc tàu thủy The Planter, vượt qua lưới đạn của quân ly khai để giao nó cho hải quân của Liên bang.

Hầu hết các nô lệ không phục tùng, cũng không nổi loạn. Họ vẫn tiếp tục làm việc, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Khi có cơ hội, họ liền bỏ trốn, thường là gia nhập vào quân đội Liên bang. Có tới 200 nghìn người da đen đã tham gia quân đội và hải quân, khoảng 38 nghìn người bị giết. Sử gia James McPherson nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của họ, miền Bắc đã không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến sớm đến thế, và có thể là chưa chắc đã giành được chiến thắng.”

Những gì diễn ra đối với người da đen trong quân đội Liên bang và các thành phố phía Bắc đã chứng tỏ những hạn chế của Tuyên bố Giải phóng, ngay cả khi chiến thắng lực lượng Liên bang Miền Nam. Tháng 2 năm 1864, những người lính da đen hết nghĩa vụ đã bị tấn công tại các thành phố phía Bắc, như Zanesville, Ohio – nơi người

ta vẫn nghe rõ những tiếng la hét điên cuồng “giết hết bọn chó đen đi”. Những người lính da đen đã bị huy động cho những công việc nặng nhọc và bẩn thỉu nhất, như đào hào, kéo gỗ và đẩy xe, lắp đạn, đào giếng cho các trung đoàn da trắng. Các binh nhì da trắng được nhận trợ cấp 13 đô-la/tháng/người, còn binh nhì da đen chỉ nhận được 10 đô-la/tháng/người.

Gần hết cuộc chiến, một trung sỹ da đen thuộc Trung đoàn Tình nguyện số 3 của Nam Carolina là William Walker đã cùng một số đồng đội tiến đến lều của chỉ huy, xếp súng lại và tuyên bố bỏ quân đội để phản đối những điều mà anh ta cho là vi phạm hợp đồng, do việc trả phụ cấp thiếu công bằng. Anh ta đã phải ra tòa án binh và bị xử bắn vì tội âm mưu binh biến. Cuối cùng, đến tháng 6 năm 1864, Quốc hội thông qua luật về trả phụ cấp công bằng cho các binh lính da đen.

Liên bang Miền Nam càng gần cuối cuộc chiến càng trở nên tuyệt vọng và một số lãnh đạo của phe này đề xuất, với những nô lệ đang ngày càng trở thành vật cản đối với sự nghiệp của họ, thì cho gia nhập, sử dụng, sau đó trả tự do. Sau một loạt thất bại về quân sự, cuối năm 1864, Bộ trưởng phụ trách chiến tranh của Liên bang Miền Nam là Judah Benjamin, đã viết cho biên tập viên một tờ báo ở Charleston: “… Một điều rõ ràng là Tướng Lee, một người rất đề cao lòng tin vào con người, lại hết sức ủng hộ sử dụng người da đen vào việc phòng thủ, sau đó giải phóng họ nếu cần thiết, cũng để phục vụ mục đích đó…” Một viên tướng khác căm phẫn viết: “Nếu như nô lệ có thể trở thành những người lính tốt, toàn bộ học thuyết của chúng ta về chế độ nô lệ đã sai lầm.”

Đầu năm 1865, áp lực ngày càng gia tăng và đến tháng 3, Tổng thống của Liên bang Miền Nam là Davis đã ký “Luật về Lính da đen” (Negro Soldier Law) cho phép tuyển dụng các nô lệ vào quân ngũ, những người này được trả tự do với sự đồng ý của chủ và chính quyền bang. Nhưng chiến tranh đã kết thúc, trước khi luật này có hiệu lực.

Những người từng là nô lệ, khi được phỏng vấn trong khuôn khổ Dự án các Nhà văn Liên bang vào những năm 1930, đã hồi tưởng về giai đoạn kết thúc cuộc chiến. Một đoạn của Susie Melton:

Lúc đó tôi còn là một cô bé, khoảng mười tuổi và chúng tôi được nghe rằng Lincoln đã trả lại tự do cho người da đen. Bà chủ nói rằng không bao giờ có chuyện đó. Nhưng rồi một người lính Mỹ đến và nói với người nào đó ở Williamsburg rằng, Lincoln đã ký Tuyên bố Giải phóng. Đó là một đêm mùa đông và trời rất rét, nhưng mọi người đều sẵn sàng lên đường. Chúng tôi chẳng buồn để ý đến bà chủ – mà chỉ nóng lòng chạy sang giới tuyến của Liên bang. Và suốt cả đêm đó, những người da đen chúng tôi đã quây quần nhảy múa trong giá rét. Sáng hôm sau, vào lúc nghỉ làm chúng tôi đã chất hết nồi niêu, chăn màn, quần áo và gà vịt lên trên vai, vì bà chủ không cho chúng tôi lấy ngựa hoặc xe kéo. Và khi mặt trời lấp ló ngọn cây, những người nô lệ bắt đầu hát vang:

Mặt trời, người ở lại, ta sẽ ra đi

Mặt trời, người ở lại và ta sẽ ra đi

Mặt trời, người ở lại đây và ta sẽ ra đi

Vĩnh biệt, vĩnh biệt, xin đừng đuổi theo làm ta đau lòng hơn nữa

Ta sẽ không cho người được đặt chân đến chỗ chúng ta

Vĩnh biệt, vĩnh biệt, xin đừng đuổi theo làm chúng ta đau lòng hơn nữa

Bởi vì, người ở lại và ta sẽ ra đi.

Anna Woods kể lại:

Chúng tôi không còn ở lại Texas khi những người lính đến và nói rằng chúng tôi đã được tự do… Tôi còn nhớ một người phụ nữ. Chị ta nhảy cẫng lên trên một chiếc thùng và la hét. Tiếp đó chị ta nhảy xuống và tiếp tục la hét. Chị ta lại nhảy lên và la hét tiếp. Chị ta cứ nhảy lên nhảy xuống và la hét liên tục trong một lúc lâu.

Annie Mae Weathers cho hay:

Tôi còn nhớ đã nghe thấy tiếng bố tôi nói rằng có ai đó đi đến và hét lên: “Những người da đen chúng ta cuối cùng cũng được tự do”, ông lặng người đi và lẩm bẩm một cách nghi hoặc: “Ơn Chúa vì điều đó”.

Dự án các Nhà văn Liên bang cũng ghi lại câu chuyện về một cựu nô lệ tên là Fannie Berry:

Những người nô lệ la hét, vỗ tay và hát hò! Chillun chạy nhảy khắp nơi, gõ trống và la hét ầm ĩ! Mọi người đều rất hạnh phúc. Sho lại có kiểu chào mừng khác. Nó chạy vào bếp và hét qua cửa sổ:

“Mẹ ơi, mẹ không phải nấu bếp nữa đâu.

Mẹ đã được tự do, tự do rồi!”

Nhiều người da đen hiểu rằng thân phận của họ sau chiến tranh, bất kể số phận của họ sẽ được luật pháp quy định ra sao, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu họ có được sở hữu mảnh đất mà họ từng lao động trên đó, hay bị ép trở thành “nửa là nô lệ” cho người khác. Năm 1863, một người da đen ở Bắc Carolina viết: “Nếu như có được những luật lệ nghiêm túc về quyền lợi và công lý, đất nước có lẽ sẽ được thừa kế một di sản của những người Mỹ gốc Phi, vốn đã được mua bằng chính sức lao động quý báu của cha ông, trong điều kiện phải trải qua những ngày sống đầy nước mắt và tiếng rên rỉ, dưới ách roi vọt của bọn bạo chúa”.

Tuy nhiên, các đồn điền bị bỏ hoang đã được giao cho các viên quản lý đồn điền trước đây và những người da trắng ở miền Bắc thuê lại. Một tờ báo của người da màu nói: “Những người nô lệ đã bị biến thành nông nô và bán mặt cho đất… Đó là sự tự do hão huyền mà những người da màu đã giành được từ tay người Mỹ.”

Theo chính sách của Quốc hội mà Lincoln đã phê chuẩn, tài sản bị tịch thu trong chiến tranh theo Đạo luật Sung công tháng 7 năm 1862 được trả lại cho những người thừa kế của chủ, thuộc Liên bang Miền Nam. Trong một cuộc họp, John Rock, một bác sỹ da đen ở Boston đã nói: “Tại sao lại nói về chuyện bồi thường cho giới chủ?

Bồi thường vì cái gì mới được chứ? Các bạn nợ gì ở chúng? Những người nô lệ nợ gì ở chúng? Xã hội này nợ gì ở chúng? Bồi thường cho giới chủ ư?… Lẽ ra nô lệ mới là người cần được bồi thường. Về mặt quyền lợi, tài sản của miền Nam phải là tài sản của nô lệ…”

Một số đất đai không nộp đủ thuế đã bị sung công và bán đấu giá, nhưng chỉ rất ít người da đen đủ sức để mua lại. Tại Sea Islands, Nam Carolina, trong số 16 nghìn mẫu đất bán hồi tháng 3 năm 1863, những người nô lệ tự do thu vén mãi mới mua nổi được cả thảy 2 nghìn mẫu; số còn lại chủ yếu được bán cho các nhà đầu tư và các tay đầu cơ miền Bắc. Một nô lệ tự do ở vùng Islands đã cố gắng nắn nón viết một lá thư, với đầy lỗi chính tả, gửi một cựu giáo viên lúc bấy giờ đang sống tại Philadelphia:

Bà chủ trẻ trung kính mến của tôi: Liệu bà có thể nói giùm với Linkum (Lincoln) rằng chúng tôi muốn có đất – đó chính là những mảnh đất mà chúng tôi đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên đó… Lẽ ra chúng tôi phải được mua tất cả diện tích mà chúng tôi muốn, nhưng họ lại chia thành những mảnh rất lớn và tìm cách hất cẳng chúng tôi.

Mass Linkum từng tuyên bố rằng chúng tôi có quyền đòi hỏi và có quyền được làm chủ đất đai và trồng cấy trên đó, ông ta cũng hứa sẽ bảo đảm để mỗi người được sở hữu từ 10-20 mẫu. Chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi đã giám sát nhau theo một danh sách, nhưng cuối cùng, mấy tay sỹ quan quân nhu đã bán tống bán tháo những thửa đất ngon lành nhất cho mấy tay da trắng. Linkum đi đâu rồi?

Đầu năm 1865, Tướng William T. Sherman đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Savannah, Georgia, với sự tham gia của 20 mục sư và đại diện các nhà thờ của người da đen, hầu hết số này trước kia từng là nô lệ. Trong hội thảo, một vị đại diện đã bày tỏ nhu cầu: “Cách tốt nhất để chúng tôi tự chăm sóc bản thân là có đất đai và chúng tôi sẽ sử dụng lao động của chính mình…” Bốn ngày sau, Sherman đã ra Sắc lệnh Đặc biệt số 15 (Special Field Order No. 15), trong đó quyết định dành toàn bộ 30 dặm đất liền khu vực duyên hải phía Nam cho người da đen định cư. Những người nô lệ đã được tự do có thể đến đó định cư, nhưng mỗi gia đình không được quá 40 mẫu. Đến tháng 6 năm 1865, 40 nghìn nô lệ tự do đã chuyển đến sống trong các trang trại mới

tại khu vực này. Tuy nhiên, đến tháng 8 năm 1865, Tổng thống Andrew Johnson lại đồng ý trả lại mảnh đất này cho các chủ sở hữu cũ, vốn là những người theo Liên bang Miền Nam; và những nô lệ tự do buộc phải rời đi một số nơi, việc cưỡng bức đã phải dùng đến bạo lực.

Thomas Hall, một người từng là nô lệ, kể lại cho Dự án các Nhà văn Liên bang:

Lincoln đã nhận được nhiều lời ca ngợi vì mang lại tự do cho chúng tôi, nhưng liệu có phải ông ta đã làm điều đó? ông ta đã dành cho chúng tôi sự tự do, nhưng không cho lấy bất cứ một cơ hội nào để chúng tôi tự sống, kết cục là chúng tôi vẫn phải phụ thuộc vào những người đàn ông da trắng để có việc làm, lương thực, thực phẩm và quần áo; ông ta đã chuyển chúng tôi từ giai đoạn nghèo khổ túng thiếu sang thân phận những kẻ hầu người hạ, khá hơn đôi chút thân phận nô lệ.

Năm 1861, chính phủ Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống lại các bang vẫn còn chế độ nô lệ, nhưng không phải để chấm dứt chế độ nô lệ, mà là nhằm duy trì lãnh thổ quốc gia, thị trường và các nguồn tài nguyên to lớn. Rõ ràng, chiến thắng thì cần phải có một cuộc vận động lớn và cái đà của cuộc vận động đó đã bổ sung những lực lượng mới vào hệ thống chính trị của nước Mỹ: Có thêm nhiều người da đen cố gắng xác định rằng sự tự do của họ phải mang một ý nghĩa gì khác; thêm nhiều người da trắng quan tâm đến bình đẳng về chủng tộc – bất kể họ là quan chức của văn phòng phụ trách các vấn đề về nô lệ tự do (Freedman’s Bureau), các giáo viên của vùng Sea Islands, hay các tay “đầu cơ về chính trị” (người miền Bắc hoạt động đầu cơ chính trị ở miền Nam sau Nội chiến – ND) cố tình mập mờ giữa chủ nghĩa nhân đạo với tham vọng cá nhân. Ngoài ra, phải kể đến sự quan tâm mạnh mẽ của Đảng Cộng hòa trong việc duy trì sự kiểm soát đối với chính phủ quốc gia, trong bối cảnh các cử tri da đen được tham gia bỏ phiếu ở miền Nam. Các chủ doanh nghiệp miền Bắc nhìn nhận rằng, các chính sách này của Đảng Cộng hòa mang lại nhiều lợi ích cho họ, nên cũng sẵn lòng buông xuôi theo thời cuộc.

Kết quả khái quát cả một giai đoạn sau Nội chiến, mà những người da đen bỏ phiếu ủng hộ, là nhiều người da đen đã được bầu vào các cơ quan lập pháp của các bang và

Quốc hội. Điều này đã tạo ra những tác động đối với miền Nam, về mặt giáo dục công chúng vấn đề tự do và chủng tộc. Một khung pháp lý đã được thiết lập. Tu chính án số 13 đã đặt chế độ nô lệ ngoài vòng pháp luật: “Ngoài việc áp dụng trừng phạt đối với những tội mà ai đó mắc phải và có nghĩa vụ thi hành, chế độ nô lệ hay làm công không tự nguyện sẽ không được phép tồn tại ở Mỹ, hoặc bất cứ địa điểm nào áp dụng hệ thống pháp luật của đất nước này”. Tu chính án số 14 đã từ chối quyết định mà Dred Scott đưa ra từ trước chiến tranh, bằng cách tuyên bố rằng “Mọi người sinh ra hoặc được nhập quốc tịch Hoa Kỳ” đều là công dân Hoa Kỳ. Bản Tu chính này cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về bình đẳng chủng tộc, thông qua việc hạn chế một cách mạnh mẽ “quyền của bang”:

Không bang nào được phép đưa ra, hoặc thực thi các luật lệ, nhằm giảm bớt đặc quyền và sự miễn trừ đối với các công dân của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ; cũng như không bang nào được phép tước bỏ quyền sống, quyền tự do, hoặc tài sản của bất cứ ai, mà không tuân thủ luật pháp; không được từ chối bất cứ ai về quyền được bảo vệ bình đẳng trước luật pháp.

Tu chính án số 15 tuyên bố: “Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị Hoa Kỳ hoặc bất cứ bang nào từ chối hoặc tước đoạt dựa trên cơ sở về chủng tộc, màu da, hoặc tình trạng trước kia từng làm đầy tớ.”

Cuối những năm 1860 và đầu 1870, Quốc hội đã thông qua một loạt các bộ luật, với chủ trương tương tự. Các bộ luật này khẳng định, việc tước đi các quyền lợi của người da đen là vi phạm luật pháp, đồng thời yêu cầu các quan chức liên bang thực hiện các quyền lợi của người da đen, mang lại cho người da đen quyền được ký hợp đồng và mua bán các tài sản, mà không bị phân biệt đối xử. Đến năm 1875, Đạo luật Dân quyền (Civil Rights Act) đã đặt ngoài vòng pháp luật các hành vi loại người da đen ra khỏi các khách sạn, nhà hát, đường sắt và các nơi ở công cộng khác.

Với việc ban hành các bộ luật này và sự bảo vệ của quân đội Liên bang tại miền Nam, cũng như sự sẵn sàng giúp đỡ của đội quân dân sự gồm các quan chức trong văn phòng phụ trách các vấn đề về nô lệ tự do (Freedman’s Bureau), những người da đen

ở miền Nam đã tiến bước, tham gia bầu cử, thành lập các tổ chức chính trị, bày tỏ chính kiến một cách mạnh mẽ về những vấn đề quan trọng đối với họ. Tuy nhiên, những người da đen đã bị Andrew Johnson, Phó Tổng thống dưới thời Lincoln, rồi trở thành Tổng thống sau khi Lincoln bị ám sát tại thời điểm cuộc chiến sắp kết thúc, cản trở trong vòng mấy năm. Johnson đã bác bỏ các dự luật hướng tới việc giúp người da đen; ông ta đã tạo điều kiện để các bang thuộc Liên bang Miền Nam quay lại gia nhập Liên bang mà không hề bảo đảm các quyền bình đẳng của người da đen. Trong thời gian ông ta làm tổng thống, các bang miền Nam quay đầu này đã ban hành các “bộ luật về người da đen”, trong đó cho phép nô lệ tự do vẫn làm việc như các nông nô tại đồn điền. Thí dụ, năm 1865 tại Mississippi, việc nô lệ tự do thuê hoặc cho thuê trang trại bị xem là phạm pháp. Ngoài ra, các đạo luật này khiến những người da đen phải làm việc theo hợp đồng lao động, nếu họ phá hợp đồng lập tức bị tống giam. Các đạo luật nói trên cũng tạo cơ sở để các tòa án có quyền phán quyết rằng, những đứa trẻ da đen dưới 18 tuổi, không có cha mẹ hoặc cha mẹ nghèo, sẽ phải tham gia lao động cưỡng bức, gọi là lao động học việc – nếu bỏ trốn sẽ bị trừng phạt.

Andrew Johnson đã có xung đột với một số thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ, những người trong một số trường hợp tỏ ra vì sự công bằng, một số vì những tính toán chính trị đã ủng hộ sự bình quyền, cũng như quyền bầu cử cho nô lệ tự do. Năm 1868, các thành viên này của Quốc hội đã thành công trong việc buộc tội Johnson, cho rằng ông ta vi phạm một số quy định nhỏ, nhưng Thương viện thiếu mất một phiếu nữa mới đủ tỷ lệ hai phần ba số phiếu cần thiết để miễn nhiệm Tổng thống. Trong cuộc bầu cử tổng thống cũng vào năm đó, Ulysses Grant thuộc Đảng Cộng hòa đã thắng cử, giành 300 nghìn phiếu ủng hộ, trong khi có 700 nghìn người da đen tham gia bầu cử; và vì thế Johnson đã phải ra đi, giống như một vật cản. Giờ đây các bang miền Nam chỉ có thể gia nhập lại Liên bang nếu chấp nhận phê chuẩn các tu chính án Hiến pháp mới.

Các chính trị gia miền Bắc đã làm mọi cách để hỗ trợ sự nghiệp của nô lệ miền Nam, nhưng nô lệ mới là những người giữ vai trò quyết định nhất để giành được tự do cho họ, trong điều kiện họ thiếu đất đai và các nguồn lực. Một nghiên cứu về người da đen

tại Alabama trong những năm đầu sau Nội chiến, do sử gia Peter Kolchin tiến hành, cho thấy họ gần như ngay lập tức đã đấu tranh đòi quyền độc lập khỏi người da trắng, thông qua việc thành lập các nhà thờ riêng, họ trở nên năng động về mặt chính trị, tăng cường các mối quan hệ gia đình, giáo dục con cái. Kolchin không đồng ý với luận điểm của một số sử gia khác cho rằng chế độ nô lệ đã tạo ra một tâm lý phục tùng theo kiểu “da đen” (Sambo). “Ngay sau khi được tự do, những người da đen vẫn bị cho là quen phụ thuộc và ngơ ngác như lũ trẻ, đã bắt đầu hành động giống như những người đàn ông và đàn bà độc lập”.

Giờ đây người da đen đã được bầu vào các cơ quan lập pháp ở miền Nam, dù ở trong các cơ quan này họ vẫn chiếm thiểu số, trừ trường hợp tại Hạ viện của Nam Carolina. Một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ đã được tiến hành ở cả miền Nam và miền Bắc (chiến dịch tuyên truyền này còn kéo dài sang thế kỷ XX và đã được ghi lại trong sách giáo khoa về lịch sử tại các trường trung học ở Mỹ). Chiến dịch này nhằm bôi nhọ những người da đen, rằng trong thời gian nhậm sở họ đã tỏ ra không có khả năng, tham nhũng và tàn phá các chính phủ của các bang miền Nam. Rõ ràng là có các vụ tham nhũng, nhưng liệu ai có thể tuyên bố rằng người da đen đã có những đầu tư thâm hiểm về mặt chính trị, nhất là trong bối cảnh nhập nhoạng đầy rẫy những lừa đảo về mặt tài chính ở cả miền Nam và miền Bắc sau Nội chiến.

Việc khoản nợ công của Nam Carolina từ 7 triệu đô-la năm 1865 tăng lên 29 triệu đô-la năm 1873 là một sự thật, nhưng lần đầu tiên ở bang này áp dụng chính sách các trường học công lập miễn phí. Đến năm 1876, tại bang này, không chỉ 50 nghìn trẻ em da trắng được đi học (con số này năm 1860 chỉ khoảng 20 nghìn) mà cả 70 nghìn trẻ em da đen cũng được đến trường (trước kia không có trường hợp nào)..

Quyền bỏ phiếu của người da đen trong giai đoạn sau năm 1869 đã giúp lựa chọn ra hai thượng nghị sỹ Mỹ là người da đen (Hiram Revels và Blanche Bruce, cả hai đều từ Mississippi) và 20 hạ nghị sỹ, trong đó có tám người từ Nam Carolina, bốn người từ Bắc Carolina, ba người từ Alabama, còn lại mỗi bang thuộc Liên bang Miền Nam cũ đều có một đại diện. (Danh sách này bị thu hẹp một cách nhanh chóng sau năm 1876;

đại biểu da đen cuối cùng trong danh sách này đã rời khỏi Quốc hội năm 1901).

John Burgess, một học giả của Đại học Tổng hợp Columbia, đã đề cập về Thời kỳ Tái thiết người da đen (Black Reconstruction) như sau:

Trong chính phủ vốn được đại diện bởi các thành phần thông minh và tinh túy nhất của các tầng lớp xã hội nhằm bảo đảm lợi ích cho tầng lợp bị trị, giờ đây xuất hiện đại diện các thành phần ngu dốt và xấu xa nhất của các tầng lớp xã hội… Màu da đen đại diện tư cách thành viên của một chủng tộc vốn chưa bao giờ thành công trong việc biến một đam mê thành một lẽ phải; do đó cũng chưa bao giờ tạo ra được một điều gì đó văn minh.

Có lẽ cũng nên xem xét ý kiến đáp lại những lời lẽ trên, từ phía các lãnh đạo da đen ở miền Nam sau Nội chiến. Thí dụ, Henry MacNeal Turner, người đã trốn thoát khỏi cảnh làm thuê ở một đồn điền Nam Carolina khi mới 15 tuổi, đã tự học đọc, học viết, đọc sách về luật khi làm công việc của người đưa tin tại một văn phòng luật sư ở Baltimore, đọc sách về y học khi làm công việc lặt vặt tại một trường y ở Baltimore, đóng vai trò cha tuyên úy trong một trung đoàn lính da đen và sau đó được bầu vào cơ quan lập pháp đầu tiên ở Georgia sau Nội chiến. Năm 1868, cơ quan lập pháp ở Georgia đã bỏ phiếu để trục xuất tất cả các thành viên da đen – gồm hai thượng nghị sỹ, 25 hạ nghị sỹ – Turner đã phát biểu với Hạ viện của Georgia (sau này một nữ sinh viên da đen tại Đại học Tổng hợp Atlanta đã đưa ra ánh sáng bài phát biểu này của ông):

Thưa ngài chủ tọa…, tôi rất mong muốn các thành viên của Hạ viện hiểu được vị trí mà tôi đang phải đảm nhiệm. Tôi là một thành viên của cơ quan này. Do đó, thưa ngài, tôi sẽ không hạ mình hoặc luồn cúi trước bất cứ một phe phái nào, cũng như không bao giờ hạ mình để xin xỏ họ ban cho các quyền lợi… Tôi xuất hiện ở đây để đòi hỏi quyền lợi của tôi và sẵn sàng tung ra đòn sấm sét đối với những kẻ nào dám vượt qua ngưỡng về nhân cách của tôi… Chuyện diễn ra hôm nay tại Hạ viện này là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử thế giới… Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới một con người lại bị công kích tại một địa điểm vốn vẫn khoác trên mình đủ cả các chức

năng lập pháp, tư pháp và hành pháp chỉ vì màu da của anh ta sẫm hơn màu của các đồng nghiệp – chuyện chỉ có thể xảy ra tại bang Georgia vào giữa thế kỷ XIX này, khi một người bị lôi ra xét xử và bị kết án với tội danh mà anh ta không hề phải chịu trách nhiệm, chẳng khác gì việc anh ta phải mang cái đầu trên đôi vai của mình. Thưa ngài, có lẽ Anglo-Saxon là một chủng tộc kỳ quặc nhất… Tôi không ý thức được rằng, chủng tộc đó lại có những đức tính hèn hạ, nhu nhược đến như vậy… Tôi xin khẳng định với ngài rằng, câu chuyện không chỉ kết thúc trong ngày hôm nay. Sự kiện này hậu thế sẽ vẫn ghi nhớ, cho đến chừng nào mặt trời còn tiếp tục vươn tới các khu vườn trên thiên đường…

… Chúng ta bị quở trách nếu như những người da đen muốn lên tiếng, họ phải nhờ tới tiếng kèn trompet của người da trắng; nếu người da đen muốn bày tỏ tình cảm, họ phải giả mạo và thông qua những người đưa tin da trắng, những người sẽ chỉ trích, nói lập lờ, lảng tránh nhanh như con lắc của chiếc đồng hồ…

Xin được hỏi ngài một câu trắng phớ: Liệu tôi có phải là một con người không? Nếu tôi là con người, tôi phải đòi hỏi các quyền của một con người…

Tại sao, thưa ngài, dẫu chúng tôi không phải người da trắng, chúng tôi cũng đã có nhiều đóng góp. Chúng tôi đã tiên phong trong công cuộc khai hóa văn minh tại đây; chúng tôi đã xây dựng đất nước các ngài; chúng tôi đã làm việc trên cánh đồng của các ngài; đã góp phần vào các vụ mùa bội thu cho các ngài trong suốt 250 năm! Và chúng tôi, ngược lại, đã đòi hỏi gì ở các ngài? Chúng tôi đã đòi hỏi phải được đền bù cho mồ hôi, nước mắt mà cha ông chúng tôi phải đổ ra cho các ngài – những hậu quả mà các ngài đã gây ra, những trái tim mà các ngài đã làm tan nát, những cuộc sống mà các ngài đã tước đoạt, những dòng máu mà các ngài đã làm đổ? Liệu chúng tôi đã bao giờ đòi hỏi phải trả thù chưa? Chúng tôi chưa hề đòi hỏi chuyện đó. Chúng tôi sẵn sàng để quá khứ chôn vùi quá khứ; nhưng giờ đây chúng tôi đòi hỏi QUYỀN LỢI của chúng tôi…

Khi học sinh da đen đến trường, chúng được các giáo viên cả da trắng lẫn da đen khuyến khích bày tỏ lòng mình một cách tự do, đôi khi theo cách vấn đáp. Đây là một

đoạn ghi lại được tại một trường học ở Louisville, Kentucky:

GIáO VIêN: Nào, các em có nghĩ rằng những người da trắng hơn các em vì tóc họ thẳng và họ có khuôn mặt trắng không?

HỌC SINH: Thưa thầy, không ạ!

GIáO VIêN: Đúng, họ không có gì hơn cả, nhưng họ hơi khác, vì họ sở hữu những quyền lực to lớn, họ hình thành nên chính phủ vĩ đại này, họ kiểm soát cả đất nước rộng lớn này… Thế thì điều gì đã khiến họ khác các em?

HỌC SINH: Tiền ạ!

GIáO VIêN: Nhưng điều gì đã khiến họ có được nhiều tiền? Họ đã kiếm tiền bằng cách nào?

HỌC SINH: Họ đã lấy của chúng ta, ăn cắp của chúng ta.

Phụ nữ da đen đã giúp đỡ rất nhiều trong việc xây dựng lại miền Nam sau Nội chiến. Frances Ellen Watkins Harper, vốn là người sinh ra trong tự do tại Baltimore, bà đã tự lập từ khi mới 13 tuổi, đầu tiên với công việc của một bảo mẫu, sau đó trở thành người diễn thuyết cho những người theo chủ nghĩa bãi nô. Sau khi Nội chiến kết thúc, bà đã sáng tác và phổ biến rất nhiều thơ ca, đi diễn thuyết ở khắp các bang miền Nam. Bà bênh vực bình quyền cho phụ nữ, tham gia Hội nghị về Quyền Phụ nữ năm 1866 và là sáng lập viên Hiệp hội Quốc gia của Phụ nữ da màu (National Association of Colored Women). Vào những năm 1890, bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của phụ nữ da đen Iola Leroy or Shadows Uplifted (Iola Leroy hay cái bóng không thể vượt qua). Năm 1878, bà đã mô tả lại những điều được chứng kiến ở miền Nam:

Một người quen của tôi, sống tại Nam Carolina, từng tham gia công tác truyền giáo cho hay rằng, để duy trì gia đình, nhiều phụ nữ đã phải đóng vai trò là chỗ dựa chính; hai phần ba công việc đồng áng sử dụng máy móc tại Nam Carolina là do phụ nữ đảm đương; ở thành phố phụ nữ cũng chăm chỉ hơn đàn ông rất nhiều…; khi đàn ông mất

việc do những sáp nhập về chính trị, phụ nữ thường đến bên cạnh họ và động viên:

“Hãy vững bước tiến lên”.

Thông qua tất cả các cuộc đấu tranh nhằm giành lại bình quyền cho người da đen, một số phụ nữ da đen đã lên tiếng về tình trạng đặc biệt của họ. Sojourner Truth, trong một cuộc họp của Hiệp hội Bình quyền Mỹ (American Equal Rights Association), nói:

Đã có những động thái kích động người đàn ông da màu giành lại quyền lợi của họ, nhưng không hề có một lời nào cho phụ nữ da màu; và nếu như những người đàn ông da màu giành được quyền lợi của họ, còn phụ nữ da màu không hề giành được quyền cho họ, bạn có thể nghĩ rằng những người đàn ông da màu trở thành ông chủ đối với những người phụ nữ của họ và mọi chuyện vẫn tồi tệ như trước. Do đó, tôi ủng hộ tiếp tục thúc đẩy mọi thứ diễn ra trong khi kích động mọi việc; bởi vì nếu chúng ta cứ chờ cho đến khi mọi chuyện ngã ngũ, thì sẽ mất rất lâu để khiến một số vấn đề chuyển biến trở lại…

Tôi đã hơn 80 tuổi; và sẽ đến lúc tôi ra đi. Tôi từng chịu kiếp nô lệ trong vòng 40 năm và đã được tự do 40 năm, cũng như hy vọng sẽ được sống thêm 40 năm nữa để đòi bình quyền cho mọi người. Tôi có cảm giác rằng tôi vẫn tồn tại trên trái đất này, bởi lẽ vẫn có những điều ràng buộc để tôi phải hành động; tôi có cảm giác là tôi vẫn chưa giúp gì nhiều cho việc phá vỡ sợi dây xiềng xích. Tôi từng làm việc ngoài đồng ruộng và chăm sóc lúa mỳ, rồi đưa nôi trẻ con, nhưng đàn ông dù không làm gì nhiều hơn cũng được trả gấp đôi… Tôi nghĩ mình là người phụ nữ da màu duy nhất đòi quyền lợi cho phụ nữ da màu. Tôi rất muốn điều đó được khuấy động lên, tảng băng đã bắt đầu rạn vỡ…

Các tu chính án Hiến pháp đã được thông qua, các bộ luật về bình quyền chủng tộc cũng đã được thông qua, người da đen đã bắt đầu đi bỏ phiếu, cũng như đảm nhiệm các chức vụ công sở. Nhưng chỉ không lâu sau khi chấm dứt việc người da đen phụ thuộc những người da trắng có nhiều đặc quyền vì việc làm và các nhu cầu cuộc sống, thì quyền bầu cử của người da đen đã bị mua trắng hoặc bị tước đoạt trước sự đe dọa

vũ lực. Chính vì thế, các bộ luật kêu gọi bình quyền trở nên vô nghĩa. Trong khi các lực lượng quân đội Liên bang – gồm các đội quân da màu – vẫn đồn trú tại miền Nam, tiến trình này vẫn bị trì hoãn. Nhưng cán cân quyền lực quân sự đã bắt đầu thay đổi.

Chính thể đầu sỏ của những người da trắng ở miền Nam đã sử dụng các quyền lực kinh tế của họ để tổ chức Đảng 3K (Ku Klux Klan) và các nhóm khủng bố khác. Các chính trị gia miền Bắc bắt đầu cân nhắc lợi thế của những hỗ trợ mang tính chính trị từ các nhóm người da đen bị bần cùng hóa đối phó với tình hình có vẻ ổn định hơn của các nhóm da trắng miền Nam có uy thế, sẵn sàng chấp nhận địa vị thống trị của Đảng Cộng hòa và các hệ thống lập pháp. Việc vị trí người da đen bị giảm sút không hơn nhiều thân phận nô lệ, chỉ còn là vấn đề thời gian.

Bạo lực bắt đầu nổ ra gần như ngay khi kết thúc Nội chiến. Tháng 5 năm 1866, những người da trắng trong một cơn cuồng nộ đã giết 46 người da đen, hầu hết các nạn nhân đều là cựu binh của quân đội Liên bang và hai người da trắng có thái độ bênh vực. Năm người phụ nữ da đen đã bị cưỡng hiếp. 90 nghìn ngôi nhà, 12 trường học, 4 nhà thờ bị thiêu trụi. Mùa hè năm 1866, một cuộc nổi dậy khác đã bùng nổ, khiến 35 người da đen và 3 người da trắng thiệt mạng.

Bà Sarah Song đã ra làm chứng tại một ủy ban điều tra của Quốc hội:

Bà có phải là một nô lệ không?

Tôi là một nô lệ.

Bà đã thấy cuộc nổi loạn diễn ra như thế nào?

Tôi nhìn thấy chúng giết hại chồng tôi; đó là vào tối thứ Ba, khoảng từ 10-11 giờ; chồng tôi đã bị bắn vào trán trong khi ông ấy đang ốm liệt giường,… chúng có chừng hai đến ba mươi tên… chúng tiến vào phòng… một tên lùi lại và đã bắn ông ấy ba phát… tiếp đó, một tên đá ông ấy và một tên khác lại bắn tiếp vào người ông ấy khi ông ấy đã ngã xuống… ông ấy không nói được một lời nào khi đã ngã xuống. Sau đó,

chúng biến đi và không bao giờ vác mặt quay trở lại…

Bạo lực gia tăng vào cuối những năm 1860 và đầu 1870 khi bọn Ku Klux Klan tổ chức các đợt tấn công, hành hình, đánh đập và đốt phá. Chỉ riêng bang Kentucky, từ năm 1867-1871, Cục Lưu trữ Quốc gia đã thống kê được 116 vụ bạo lực. Dưới đây là một số thí dụ:

1. Ngày 14 tháng 11 năm 1867, một đám đông tràn vào Harrodsburg thuộc Mercer và giải thoát cho một người đàn ông tên là Robertson đang bị giam giữ.

5. Ngày 28 tháng 5 năm 1868, Sam Davis bị một đám đông treo cổ tại Harrodsburg.

6. Ngày 12 tháng 7 năm 1868, Wm. Pierce bị một đám đông treo cổ tại Christian

7. Ngày 11 tháng 7 năm 1868, Geo. Roger bị một đám đông treo cổ tại quận Bradsfordville Martin…

10. Silas Woodford, 60 tuổi, bị một đám đông cải trang đánh đập dã man…

109. Ngày 14 tháng 1 năm 1871, một người da đen bị các thành viên Ku Klux Klan giết chết tại quận Hay.

Một người thợ rèn da đen tên là Charles Caldwell, sinh ra đã là nô lệ, sau này được bầu làm thượng nghị sỹ của Mississippi và từng bị người da trắng gọi là “một tên da đen ngỗ nghịch và xấu xa”, đã bị con trai của một quan tòa da trắng ở Mississippi bắn vào năm 1868… Caldwell bắn trả và giết chết gã kia. Khi bị đưa ra xét xử với một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng, ông ta lập luận đó là hành động tự vệ và đã được tuyên bố trắng án. Đó là người da đen đầu tiên giết chết một người da trắng ở Mississippi và đã được trả tự do ngay sau khi xử án. Nhưng đúng Ngày Giáng sinh năm 1875, Caldwell đã bị một tay da trắng bắn chết. Đây là một dấu hiệu rõ ràng. Những tay da trắng cầm quyền trước kia đã nắm lại các quyền lực chính trị tại Mississippi và ở các nơi khác của miền Nam.

Khi các hoạt động bạo lực của người da trắng gia tăng trong những năm 1870, dù dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Grant, chính phủ quốc gia vẫn kém mặn mà với việc bảo vệ người da đen và rõ ràng là không sẵn sàng trang bị vũ khí cho họ. Tối cao Pháp viện đã đóng vai trò hồi chuyển, khiến các bộ phận của chính phủ trở nên bảo thủ hơn, khi họ có những hành động đi quá xa. Điều này dẫn đến việc hiểu rằng Tu chính án số 14 – vốn đã được thông qua để bảo đảm bình quyền về sắc tộc – trở nên gần như không thể theo đuổi được mục đích này. Đến năm 1883, Đạo luật Dân quyền 1875, vốn cấm những hành động sử dụng các chế tài công để phân biệt đối xử chống lại người da đen, đã bị Tối cao Pháp viện vô hiệu hóa, đưa ra kết luận: “Sự xâm phạm quyền lợi cá nhân do cá nhân thực hiện không thuộc đối tượng của tu chính án”. Tối cao Pháp viện cho rằng Tu chính án số 14 chỉ nhắm đến hành động ở cấp bang mà thôi, “Không bang nào được phép…”

Một quan điểm bất đồng nổi tiếng của một thành viên Tối cao Pháp viện là John Harlan, bản thân từng là chủ nô lệ tại Kentucky, cho rằng Hiến pháp cần có điều chỉnh về việc cấm phân biệt chủng tộc giữa các cá nhân. ông nhận thấy Tu chính án số 13 cấm chế độ nô lệ chỉ được áp dụng cho cá nhân là chủ đồn điền, chứ không chỉ cấp bang. ông lập luận rằng, sự phân biệt đối xử đó chính là dấu hiệu của chế độ nô lệ và cũng đồng nghĩa với những hành động ngoài pháp luật. ông cũng nêu ra khoản đầu tiên trong Tu chính án số 14 rằng bất cứ ai sinh ra tại Hoa Kỳ đều là công dân; khoản được quy định tại Điều 4, Mục 2 nói rằng “Công dân của mỗi bang sẽ được hưởng tất cả các đặc lợi và quyền miễn trừ của công dân trong một số bang”.

Harlan đã đấu tranh với một thế lực lớn hơn rất nhiều so với tính logic hoặc công lý; thái độ của Tối cao Pháp viện phản ánh một liên minh mới được hình thành giữa các nhà công nghiệp miền Bắc và các chủ đồn điền − chủ doanh nghiệp miền Nam. Cực điểm của thái độ này đã được phản ánh trong quyết định năm 1896, vụ Plessy chống Ferguson, trong đó Tối cao Pháp viện đưa ra nguyên tắc rằng một tuyến đường sắt có thể tách người da đen và người da trắng, nếu như các các cơ sở được chia tách này bằng nhau:

Mục tiêu của tu chính án rõ ràng là nhằm thực thi sự bình đẳng tuyệt đối giữa hai chủng tộc trước pháp luật, nhưng xét về bản chất của sự việc, điều đó không có ý hủy bỏ sự phân biệt về màu da, hoặc nhắm tới việc thực thi bình đẳng về mặt xã hội tách khỏi công bằng về chính trị; hoặc trộn lẫn cả hai chủng tộc theo những điều khoản mà cả hai bên đều không hài lòng. Một lần nữa Harlan đã bày tỏ bất đồng: “Hiến pháp của chúng ta đã bị mù màu…”

Năm 1877 đánh dấu một số mốc rõ ràng và đáng nhớ. Đầu năm, cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm trước đã gây ra một số tranh chấp cay đắng. Samuel Tilden, ứng cử viên Đảng Dân chủ đã nhận được 184 phiếu bầu và phải cần đến một phiếu nữa để thắng cử: Số phiếu phổ thông ủng hộ ông ta vượt tới 250 nghìn. Rutherford Hayes , ứng cử viên của Đảng Cộng hòa nhận được 166 phiếu bầu. Có ba bang không kiểm phiếu với tổng số 19 phiếu bầu; nếu Hayes có thể giành nốt phần này, tổng số phiếu bầu cho ông ta sẽ lên tới 185 và đắc cử chức Tổng thống. Đây là cách mà các thành viên trong đảng của ông ta cố gắng sắp xếp. Họ chấp nhận một số nhượng bộ cho Đảng Dân chủ và những người da trắng miền Nam, bao gồm cả một thỏa thuận về việc rút quân Liên bang khỏi miền Nam, cản trở về mặt quân sự cuối cùng để tái lập uy quyền tối cao của người da trắng tại đó.

Các lợi ích về mặt kinh tế và chính trị của miền Bắc đòi hỏi phải có những liên minh vững chắc và sự ổn định trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với sự khủng hoảng. Quốc gia này phải trải qua sự suy yếu về kinh tế từ năm 1873 và đến năm 1877 đã có nhiều công nhân, nông dân bắt đầu nổi loạn. Trong cuốn Reunion and Reaction (Công đoàn và sự phản động), C. Vann Woodward đã miêu tả sự thỏa hiệp:

Đó là một năm suy sụp và có thể là năm suy sụp tồi tệ chưa từng có. Ở miền Đông, những người lao động và những người thất nghiệp đã phải đối mặt với tình trạng cay đắng và nhuốm màu bạo lực… Ở miền Tây xa xôi, một làn sóng cấp tiến về vấn đề ruộng đất bắt đầu nổi lên… Cả miền Đông và miền Tây đều xuất hiện các mối đe dọa chống lại cơ cấu phức tạp của các hệ thống thuế quan mang tính bảo hộ, các ngân hàng nhà nước, các khoản bao cấp cho ngành đường sắt và các thỏa thuận về tiền tệ

mà một trật tự kinh tế mới đã được hình thành dựa trên các cơ sở đó.

Đó là lúc để các nhóm cầm đầu miền Nam và miền Bắc hòa giải với nhau. Woodward đã đặt ra câu hỏi: “… liệu có thể thuyết phục được miền Nam kết hợp với những người bảo thủ ở miền Bắc để hình thành một cột chống, thay vì là một mối đe dọa, đối với trật tự của chủ nghĩa tư bản mới hay không?”

Với việc một lực lượng nô lệ có trị giá tới hàng tỷ đô-la đã biến mất, sự giàu có của miền Nam gần như mất sạch. Và giờ đây, họ trông mong ở chính phủ quốc gia sự giúp đỡ: các khoản tín dụng, các khoản trợ cấp, các dự án kiểm soát lũ lụt. Năm 1865, Mỹ dành 103.294.501 đô-la cho chi tiêu công, nhưng miền Nam chỉ nhận được 9.469.363 đô-la. Thí dụ, trong khi Ohio được tới một triệu đô-la, Kentucky – bang láng giềng nằm phía nam sông – chỉ nhận được 25 nghìn đô-la. Trong khi Maine nhận được 3 triệu đô-la, Mississippi chỉ được 136 nghìn đô-la. Trong khi một khoản trị giá 83 triệu đô-la được bao cấp cho các hệ thống đường sắt khu vực Thái Bình Dương thuộc về Liên bang và Trung Thái Bình Dương, giúp tạo ra các hệ thống đường sắt liên lục địa

ở miền Bắc, thì không có khoản trợ cấp nào cho miền Nam. Do đó, một trong những điều mà miền Nam tìm kiếm từ Liên bang đó là hỗ trợ hệ thống đường sắt Thái Bình Dương và Texas.

Woodward nói: “Thông qua việc phân bổ, các khoản trợ cấp, chuyển nhượng và trái phiếu, chẳng hạn như Quốc hội đã phung phí tiền cho các chủ tư bản ở miền Bắc, miền Nam vẫn chưa có được cơ hội để được hưởng những vận may đó – vận may dành cho các tầng lớp trên, vốn được hưởng nhiều đặc ân.” Các đặc quyền đặc lợi này cũng có tác động tới những nông dân da trắng nghèo, điều này tạo thêm đồng minh mới trong việc chống lại người da đen. Nông dân muốn có những cải thiện về đường sắt, bến cảng, việc kiểm soát lũ lụt và tất nhiên là cả đất đai – dù họ không hiểu rằng tất cả những đầu tư đó không phải là để giúp họ mà là để bóc lột họ.

Thí dụ, đạo luật về hợp tác tư bản đầu tiên giữa hai miền Nam-Bắc, Đạo luật Đất cấp cho người nhập cư miền Nam (Southern Homestead Act), tuyên bố dành tất cả đất đai của Liên bang, chiếm đến một phần ba tổng diện tích của Alabama, Arkansas, Florida,

Louisiana, Mississippi, để cho nông dân canh tác đã bị hủy bỏ. Điều này tạo cơ hội cho các tay đầu cơ và thợ rừng vắng mặt có thể tiếp cận và mua các khoảnh đất đó.

Mọi chuyện đã ngã ngũ. Một ủy ban do lưỡng viện Quốc hội đồng ý đã được thiết lập để quyết định các phiếu bầu thuộc về ai. Quyết định đã được đưa ra: Các phiếu đó về tay Hayes và ông ta đã trở thành Tổng thống.

Woodward đã tóm tắt lại:

Sự nhượng bộ năm 1877 không vãn hồi được trật tự cũ tại miền Nam… Nó đã tạo ra sự bảo đảm một quy chế tự trị về mặt chính trị do người da trắng chiếm vị trí chi phối và sẽ không có can thiệp gì về chính sách chủng tộc, cũng như hứa hẹn về việc được chia sẻ những lợi ích từ trật tự kinh tế mới. Bù lại, miền Nam sẽ trở thành một vệ tinh của vùng thống trị…

Tầm quan trọng của chủ nghĩa tư bản mới trong việc lật đổ quyền lực của người da đen, tồn tại ở miền Nam từ sau Nội chiến, đã được Horace Mann Bond xác nhận lại trong công trình nghiên cứu của ông về Sự tái thiết Alabama (Alabama Reconstruction), trong đó chỉ rõ, sau năm 1868 “đã có một cuộc đấu tranh giữa các nhà tài phiệt khác nhau”. Rõ ràng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một yếu tố, nhưng “sự tích lũy tư bản và những người kiểm soát quá trình đó đã không bị ảnh hưởng bởi các thành kiến về mặt thái độ lẽ ra phải có. Không thèm đếm xỉa đến tình cảm, tâm tư nguyện vọng, những người đang cố làm giàu từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Alabama đã biến những thành kiến và quan điểm của người khác thành của chính họ; và họ đã làm việc đó một cách tinh vi, khôn khéo tới mức tàn nhẫn”.

Đó là thời của than đá và năng lượng, và Bắc Alabama có cả hai. “Các chủ nhà băng tại Philadelphia và New York, thậm chí ở tận London và Paris cũng đã biết rõ điều này trong suốt gần hai thập kỷ. Cái thiếu duy nhất là hệ thống chuyên chở.” Và như Bond đã chỉ ra, giữa những năm 1870, tên của các chủ nhà băng miền Bắc bắt đầu xuất hiện trong danh bạ của các tuyến đường sắt phía Nam. Năm 1875, J. P. Morgan

xuất hiện, với vai trò giám đốc của một số tuyến đường sắt ở Alabama và Georgia.

Năm 1886, Henry Grady, biên tập viên tờ Atlanta Constitution, đã phát biểu trong một bữa ăn tối tại New York. Thính giả gồm J. P. Morgan, H. M. Flagler (một cộng sự của Rockefeller), Russell Sage và Charles Tiffany. Cuộc nói chuyện của ông ta được gọi là “Miền Nam mới” (The New South), với chủ đề trình bày là: Hãy để dĩ vãng trôi về dĩ vãng; chúng ta hãy cùng nhau xây dựng giai đoạn mới hòa bình và thịnh vượng; người da đen là tầng lớp lao động phát đạt; họ được hưởng một sự bảo vệ an toàn nhất của luật pháp cũng như một tình bạn thân thiện với người miền Nam. Grady đã chế giễu những người miền Bắc bán nô lệ cho miền Nam và nói rằng, giờ đây miền Nam đã giải quyết xong vấn đề chủng tộc. ông ta đã nhận được sự tung hô, trong khi dàn nhạc tấu vang bản “Dixie”.

Cùng tháng đó, tờ New York Daily Tribune có bài viết:

Những tay trùm than đá và sắt thép của miền Nam đã ở thành phố này trong 10 ngày qua, sẽ quay về nhà để nghỉ Giáng sinh, vẻ mặt đầy viên mãn với công việc làm ăn trong năm vừa qua và tràn đầy hy vọng trong tương lai. Họ có cơ sở cho những niềm tin đó. Cuối cùng cũng đã đến thời điểm họ chờ đợi suốt 20 năm nay, để cho những nhà tư bản miền Bắc hoàn toàn bị thuyết phục là không chỉ an toàn mà còn kiếm được bộn tiền từ những đầu tư của họ vào khai thác nguồn tài nguyên giàu có, như than đá và sắt thép, tại các vùng Alabama, Tennessee và Georgia.

Miền Bắc cần phải nhớ lại rằng họ không hề phải trải qua một cuộc cách mạng trong tư tưởng để chấp nhận sự lệ thuộc của người da đen. Khi Nội chiến kết thúc, 19 trong số 24 bang miền Bắc không cho phép người da đen đi bầu cử. Đến năm 1900, tất cả các bang miền Nam, với Hiến pháp và hệ thống luật pháp mới ghi rõ việc tước quyền bầu cử và sự chia tách người da đen, xã luận của tờ New York Times có đoạn viết: “Người miền Bắc… không còn lên án việc đàn áp quyền bầu cử của người da đen nữa… Sự cần thiết của nó dưới tác động của luật tự bảo toàn đã hiển nhiên thừa nhận điều đó.”

Dẫu không được ghi vào các bộ luật ở miền Bắc, các tư tưởng và cách hành xử mang tính phân biệt chủng tộc vẫn còn đó. Tờ Boston Transcript ra ngày 25 tháng 9 năm 1895 có đoạn viết:

Một người đàn ông da màu khai tên là Henry W. Turner đêm qua đã bị bắt giữ vì bị tình nghi là tên cướp trên xa lộ. Sáng nay, hắn ta bị mang đến phòng thu hình dành cho người da đen, tại đó hắn ta bị chụp ảnh để đưa vào bộ “Trưng bày những kẻ lừa đảo”. Điều này làm hắn ta tức giận và hắn ta đã tạo ra điệu bộ cáu kỉnh nhất đến mức mà hắn ta có thể. Vì hắn ta tìm cách chống lại cảnh sát trên đường bị đưa đến nơi chụp hình, hắn ta đã phải chịu đòn vọt.

Trong văn chương thời hậu Nội chiến, hình ảnh người da đen chủ yếu được miêu tả dưới ngòi bút của các nhà văn da trắng miền Nam. Trong tiểu thuyết Red Rock (Núi Đá đỏ), Thomas Nelson Page, mô tả một nhân vật da đen giống như “con linh cẩu bị nhốt trong lồng”, “loài bò sát”, “loài giun”, “loài súc vật hoang dã”. Và lác đác những lời rao giảng mang tính bề trên về tình bằng hữu với người da đen, chẳng hạn trong tập truyện Uncle Remus (Bác Remus), Joel Chandler Harris đã khắc họa hình ảnh Bác Remus với câu nói: “Nếu để một cuốn sách học cách đánh vần vào tay người da đen, lúc đó các ngươi sẽ mất một thợ cày… ”

Trong bối cảnh đó, không có điều gì đáng ngạc nhiên rằng những lãnh đạo người da đen hầu như đều được chấp nhận trong xã hội da trắng, giống như nhà giáo dục Booker T. Washington − từng là khách mời thường xuyên của Theodore Roosevelt tại Nhà Trắng, càng thúc đẩy thêm tính thụ động về mặt chính trị của người da đen. Năm 1895, khi được nhà tổ chức người da trắng thuộc hội Cotton States (Các bang trồng bông) và International Exposition (Triển lãm quốc tế) tại Atlanta mời nói chuyện, Washington đã thúc giục những người da đen ở miền Nam “hãy vứt bỏ hòm xiểng đi”

− điều đó có nghĩa là, cứ việc ở lại miền Nam để làm nông dân, thợ cơ khí, đầy tớ trong nhà, thậm chí theo đuổi những nghề đó đến độ chuyên nghiệp. ông ta cũng thúc giục giới chủ da trắng thuê người da đen hơn là thuê người mới nhập cư với “tiếng nói và thói quen rất khác biệt”. Người da đen “không đình công và xung đột trong lao

động”, là “những người kiên nhẫn, trung thành, tuân thủ pháp luật, luôn thể hiện bằng lòng nhất trên thế giới”. ông ta nói: “Những người khôn ngoan nhất trong chủng tộc chúng ta hiểu được rằng, việc theo đuổi những đòi hỏi về công bằng xã hội là hành động điên rồ nhất.”

Có lẽ Washington đã nhìn thấy đây là một sách lược cần thiết để tồn tại trong một thời điểm mà việc treo cổ và tấn công đốt phá người da đen diễn ra trên toàn miền Nam, đó là một bước lùi đối với người da đen ở Mỹ. Năm 1883, Thomas Fortune, biên tập viên trẻ tuổi của tờ New York Globe, đã ra điều trần trước một ủy ban của Thượng viện về tình trạng của người da đen tại Mỹ. Anh ta đã đề cập vấn đề “nạn đói nghèo ngày càng lan rộng” do hậu quả sự phản bội của chính phủ, do những người da đen liều lĩnh theo đuổi việc học hành.

Công nhật trung bình cho lao động tại trang trại ở miền Nam là khoảng 50 xu, Fortune kể lại. Và anh ta thường được trả bằng “các phiếu mua hàng”, chứ không phải bằng tiền mặt; với các phiếu này anh ta chỉ có thể mua sắm ở cửa hàng do chủ đồn điền quản lý – “một hệ thống lừa đảo”. Nông dân da đen, để có đủ tiền cần thiết để trồng cấy mùa màng của mình, phải đưa ra cam kết với cửa hàng; và khi các khoản chi chồng chất vào cuối năm, anh ta đã mắc nợ ai đó, anh ta bị gắn chặt với đất, nhưng hồ sơ đất đai do chủ đồn điền hoặc chủ cửa hàng nắm giữ, đến nỗi những người da đen “mãi mãi bị lừa bịp và rơi vào vòng xoáy nợ nần”.

Fortune còn kể về “hệ thống các trại cải tạo miền Nam, với các đoàn tù nhân bị xiềng xích một cách bỉ ổi… người da đen trở thành đối tượng của các hành động khủng bố và nạn nhân của các tay chủ thầu, những kẻ đã mua những người lao động khốn khổ này với giá… rẻ mạt… Người da trắng bắn chết người da đen thì được thả tự do, trong khi một người da đen nếu ăn trộm một con chó sẽ bị tống giam khoảng 10 năm tù”.

Nhiều người da đen đã bỏ trốn. Khoảng sáu nghìn người da đen đã rời bỏ Texas, Louisiana, Mississippi và đến định cư ở Kansas nhằm thoát khỏi bạo lực và đói nghèo. Frederick Douglass và một số nhà lãnh đạo khác cho đây là một chiến thuật sai lầm, nhưng những người di cư vẫn bác lại các lời khuyên đó. “Chúng tôi không có

vị lãnh đạo nào để đặt niềm tin, ngoài Chúa trời ở trên đầu,” một người nói. Henry Adams, một người di cư da đen khác, mù chữ, nhưng từng là cựu binh trong quân đội Liên bang, đã phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện vào năm 1880 về lý do tại sao ông ta rời bỏ Shreveport, Louisiana: “Chúng tôi đã gieo hạt giống cho cả miền Nam – tất cả các bang ở miền Nam – cuối cùng mọi thứ lại rơi vào tay chính những kẻ mà đã cầm giữ chúng tôi trong kiếp nô lệ.”

Thậm chí trong những giai đoạn tồi tệ nhất, những người da đen miền Nam vẫn tiếp tục gặp gỡ nhau, tổ chức tập hợp nhau lại nhằm phòng vệ. Herbert Aptheker đã cho in lại 13 tài liệu ghi lại các cuộc họp, kiến nghị và lời kêu gọi của người da đen vào những năm 1880 – tại Baltimore, Louisiana, Carolinas, Virginia, Georgia, Florida, Texas, Kansas − để chỉ ra tinh thần phản kháng của những người da đen khắp miền Nam. Cần nhớ, điều này đã diễn ra vào khoảng thời gian mà mỗi năm có tới hơn 100 vụ hành hình kiểu linsơ (lối hành hình của bọn phân biệt chủng tộc Mỹ đối với người da đen – ND).

Bất chấp tình hình vô vọng, vẫn có những nhà lãnh đạo da đen nghĩ rằng Booker T. Washington đã sai lầm trong việc vận động người da đen bình tĩnh và không hành động thái quá. John Hope, một thanh niên da đen tại Georgia, khi nghe bài phát biểu của Washington tại Triển lãm về Bông sợi (Cotton Exposition), đã nói với các học sinh khác tại một trường da đen Nashville, Tennessee:

Nếu chúng ta không đấu tranh để giành được bình quyền, nhân danh trời đất, chúng ta sống để làm gì cơ chứ? Tôi cho rằng thật là hèn nhát và giả dối nếu như bất cứ người da màu nào lại đi nói với người da trắng rằng chúng ta không đấu tranh vì bình quyền… Thưa các bạn, tôi muốn có bình quyền. Không hơn, không kém… Nào hãy nín thở, vì tôi sẽ sử dụng một tính từ: Tôi sẽ nói rằng chúng ta yêu cầu phải có công bằng xã hội… Tôi không phải là một con thú hoang, cũng không phải là một thằng nhọ.

Các anh em, hãy vùng lên! Hãy làm chủ mảnh đất này… Hãy bày tỏ sự bất bình. Hãy bày tỏ sự không hài lòng… Hãy vùng lên như những ngọn sóng mãnh liệt trong đại

dương bao la. Hãy để sự bất bình của các bạn phá tan ngọn núi cao, chống lại bức tường thành kiến và làm lung lay mọi nền tảng của bức tường đó…

Khi đến giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Atlanta, W. E. B. Du Bois – cũng là một người da đen − đã thấy rằng sự phản bội của người da đen vào cuối thể kỷ XIX là một phần của những gì diễn ra trên quy mô lớn hơn tại Mỹ, một số vấn đề xảy ra không chỉ đối với những người da đen, mà cả người da trắng nghèo khổ. Trong cuốn Black Reconstruction (Tái thiết người da đen), viết năm 1935, ông nói:

Chúa trời cũng đã động lòng, nhưng điều đó có rất ít ý nghĩa trong một giai đoạn không thể tin nổi; những gì có ý nghĩa nhất đó là thế giới đã và đang khóc than với cả máu và nước mắt. Còn với nước Mỹ năm 1876, đó là sự xuất hiện của một chủ nghĩa tư bản mới và nô dịch hóa người lao động.

Du Bois đã nhìn nhận chủ nghĩa tư bản mới này là một phần của quá trình bóc lột và mua chuộc, diễn ra ở tất cả các nước “văn minh” trên thế giới:

Lao động trong nhà ở các vùng đất đã được khai phá – vốn bị dỗ dành và đánh lừa bởi một hệ thống quyền lực độc tài chi phối nguồn vốn khổng lồ – được che đậy, được mua chuộc bằng các khoản lương bổng hậu hĩnh và hệ thống chính trị, nhằm tìm cách bóc lột cả người da trắng, da vàng, da nâu và da đen…

Liệu Du Bois có đúng khi nói rằng trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Mỹ, trước và sau cuộc Nội chiến, cả người da đen lẫn người da trắng đều trở thành nô lệ, ở khía cạnh nào đó?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.