Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

LỜI GIỚI THIỆU



Khác với nhiều cuốn sách về lịch sử nước Mỹ luôn nhìn nhận sự phát triển và tiến bộ thông qua những vĩ nhân, những sự kiện lớn, Howard Zinn (1920-2010), nhà sử học, nhà hoạt động xã hội, kịch tác gia người Mỹ đã viết về lịch sử của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ dưới một góc nhìn khác. Lịch sử dân tộc Mỹ theo quan điểm của Howard Zinn, phải là một lịch sử không lệ thuộc vào nhãn quan chính trị, quyền lực; không che giấu những xung đột lợi ích giữa kẻ đi chinh phạt và người bị xâm lược, giữa ông chủ và nô lệ, giữa các nhà tư bản và công nhân, giữa kẻ áp bức và người bị áp bức, cả về chủng tộc và giới tính…

Giống một người kể chuyện tài ba, ông đã dẫn dắt người đọc ngược thời gian, quay về thời điểm Christopher Columbus phát hiện châu Mỹ năm 1492. Sự kiện có sức ảnh hưởng thay đổi cả thế giới và tốn rất nhiều bút mực ấy đối với thổ dân Arawak chỉ là cuộc diệt chủng và chiếm hữu nô lệ không hơn không kém. Trong chương tiếp theo, viết về chế độ nô lệ của người Mỹ gốc Phi và người Anh nghèo tại mười ba thuộc địa, Zinn đã lý giải rằng “phương tiện” phân biệt chủng tộc được tạo ra là nhằm thực thi “mục đích” kinh tế. Bởi lẽ vấn đề phân biệt chủng tộc không phải “tự nhiên” khi có những bằng chứng rõ ràng về tình bạn và sự hợp tác giữa các nô lệ da đen và da trắng nhằm chống lại sự nô dịch.

Howard Zinn cũng miêu tả công cuộc chống đói nghèo và phong trào bình đẳng kinh tế tại các thuộc địa khi đó. Zinn cũng có cái nhìn khác về cội nguồn của cuộc Chiến tranh giành độc lập của Mỹ. Về những tác động của cuộc chiến đối với người Mỹ bản địa và sự bất bình đẳng tiếp tục tồn tại trong lòng Liên bang mới, Zinn chỉ ra “các chính phủ, bao gồm cả chính phủ liên bang, không hề trung lập, họ đại diện cho phía chi phối về lợi ích kinh tế, và hiến pháp của Mỹ được lập ra để phục vụ những lợi ích đó…”

Lần lượt, Zinn phác họa nên bức tranh chân thực về các cuộc tranh đấu: từ cuộc xung đột giữa chính phủ Mỹ với người Mỹ bản địa da đỏ khiến họ buộc phải di cư trong suốt thế kỷ XIX đến phong trào đấu tranh cho nữ quyền; cuộc chiến giữa Mexico và Mỹ, mà ông không ngần ngại kết luận rằng mục đích cuối cùng là nhằm bành trướng lãnh thổ; là những cuộc đấu tranh đòi chấm dứt chế độ nô lệ, mà theo ông, sau này sẽ phát triển thành phong trào chống lại chủ nghĩa tư bản; những lạm dụng và lũng đoạn quyền lực chính phủ của các tập đoàn và nỗ lực của giai cấp công nhân nhằm chống lại sự lũng đoạn đó; sự phát triển của các tập đoàn công nghiệp như đường sắt và ngân hàng đã chi phối nước Mỹ đồng hành với nạn tham nhũng của chính phủ…; những tranh đấu đòi đảm bảo mức lương tối thiểu, quy định ngày làm việc 8 giờ, cấm lao động trẻ em… Tất cả những cuộc đấu tranh đó đã góp phần định hình nên một nước Mỹ, một xã hội Mỹ như ngày nay.

Trong một bức thư trả lời phỏng vấn trên tờ New York Times, Zinn đã nói: “Tôi muốn những người trẻ tuổi hiểu rằng, chúng ta có một nước Mỹ tươi đẹp, nhưng nó đã được xây dựng từ những con người không được tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do trong Hiến pháp. Về cơ bản, người dân Mỹ được chăm sóc và bảo đảm, và lý tưởng cao nhất của chúng ta đã được chỉ rõ trong bản Tuyên ngôn Độc lập, rằng tất cả chúng ta đều có quyền bình đẳng trong ‘cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc’”…

Năm 2005, trên tờ The Progressive, Zinn viết: “Chúng ta không sinh ra để chỉ trích xã hội chúng ta đang tồn tại. Nhưng vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống của chúng ta (một tháng hay một năm), khi những sự kiện nhất định nào đó xuất hiện trước chúng ta, thức tỉnh và đưa ra cho ta câu hỏi về niềm tin vốn vẫn xác tín trong tâm trí, từ những thành kiến trong gia đình, nền giáo dục chính thống, các quan điểm của báo chí, truyền thông… Tất cả những điều đó dẫn đến một kết luận đơn giản rằng: chúng ta có một trách nhiệm lớn lao là phải đem lại sự thức tỉnh cho những người khác về thông tin mà họ không được biết, đó chính là tiềm năng giúp họ cân nhắc lại những ý tưởng vẫn tồn tại bấy lâu.”

Vì thế, Zinn cho rằng trong cuộc chiến tại Việt Nam, Hoa Kỳ đã vẽ ra một chiến thắng không tưởng, và kết quả tất yếu của những tham vọng chiến tranh đó, chính nhân dân Mỹ phải gánh chịu. Cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 cũng là hệ quả tất yếu từ những chính sách của chính phủ Hoa Kỳ tại nước ngoài, như việc chiếm đóng của quân đội Hoa Kỳ tại Arap Saudi, việc trừng phạt Iraq… Nhưng nỗi đau khổ và sự tàn bạo, như chính Zinn từng nói, đã thuộc về quá khứ, không phải là để xót thương nạn nhân và buộc tội những kẻ bạo tàn mà quan trọng là phải dành nước mắt và sự phẫn nộ cho hiện tại trước mắt, để tiếp tục sống, sáng tạo và phát triển không ngừng.

Lịch sử dân tộc Mỹ được đề cử cho giải thưởng American Book Award năm 1981, và kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1980, cuốn sách này đã được sử dụng làm giáo trình cho học sinh trung học và đại học Mỹ, đồng thời là một trong những tác phẩm đầy đủ nhất về lịch sử Mỹ. Lần theo dòng chảy lịch sử sống động trong cuốn sách, người đọc sẽ được tiếp cận lịch sử bằng thái độ quan sát của một người am hiểu, để biết thêm về những góc khuất trong lịch sử nước Mỹ, những điều người ta vẫn che giấu, lảng tránh hoặc bao phủ lên nó một bức màn bí ẩn… để hiểu rõ hơn về đất nước và con người Mỹ, để hiểu về Giấc mơ Mỹ chứ không chỉ là phán xét, bởi cả nước mắt, nỗi đau, căm hờn đều đã thuộc về quá khứ. Con đường từ dã man đến văn minh không bao giờ là con đường bằng phẳng. H. Balzac từng nói “Đằng sau mỗi gia tài vĩ đại bao giờ cũng là một tội ác lớn”, có lẽ đằng sau một quốc gia hùng mạnh là những khoảng tối chưa từng được biết đến. Và như chính Howard Zinn viết, nước Mỹ xây dựng trên máu và những tổn thương của người nghèo, người thiểu số… Với ông, nước Mỹ không chỉ được xây dựng bởi người da trắng mà cả người da đỏ, người da đen, người da màu; không chỉ được xây dựng bởi những vĩ nhân như George Washington, như Thomas Jefferson mà còn được xây dựng bởi cả những người dân bình thường… Quá khứ đau buồn đấy không mất đi, không bị quên lãng nhưng không phải là nỗi ám ảnh người Mỹ, và thử hỏi liệu có quốc gia nào không xây dựng trên những mất mát và đau thương đó? Sự khác biệt là, các thế hệ Mỹ đã xây dựng một đất nước trên tinh thần tiến bộ và phát triển: “Mỗi thế hệ Mỹ có một cam kết bất thành văn rằng, họ sẽ trao lại cho thế hệ sau một nước Mỹ tốt đẹp hơn mà họ nhận được từ thế hệ trước.”

Riêng với độc giả Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé hơn rất nhiều so với Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhưng có nhiều duyên nợ trong quá khứ, cuốn sách này sẽ là lời giải đáp cho những thắc mắc, hoài nghi, tò mò, kinh ngạc và cả nỗi sợ hãi, phẫn nộ của các thế hệ người Việt về nước Mỹ, xen lẫn những ảo tưởng và khát vọng… Để hiểu rằng, nước Mỹ không phải là một thiên đường nhưng cũng không phải là một địa ngục, mà là một vùng đất rộng lớn, có khả năng dung chứa nhiều số phận, nhiều con người, nhiều tham vọng để nuôi dưỡng họ và nuôi dưỡng giấc mơ của họ.

Tiếp cận văn hóa giữa hai quốc gia là một trong những con đường ngắn nhất để thiết lập mối quan hệ lâu dài và toàn diện, đồng thời, hiểu thêm về lịch sử dân tộc Mỹ sẽ góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách đồ sộ và giá trị này, chúng tôi hy vọng góp phần bắc thêm một cây cầu ra thế giới, nối bạn đọc với kho tàng tri thức của nhân loại, đó cũng là cầu nối giữa các nền văn hóa, bất chấp tôn giáo, sắc tộc, tín ngưỡng, thể chế.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2010

NGUYỄN CẢNH BìNH


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.