Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản
2.
Đài bán dẫn đầu tiên chúng tôi sản xuất năm 1955 có kích cỡ khá nhỏ và rất thuận tiện cho việc sử dụng, tất nhiên là chưa nhỏ bằng những loại máy sản xuất sau này – nhưng dù sao chúng tôi cũng đã rất tự hào về sản phẩm này. Tôi thấy nước Mỹ là một thị trường khá hấp dẫn, vì ở đó hoạt động kinh doanh rất sôi động, tỷ lệ lao động cao, con người rất tiến bộ và rất thích những cái mới, giao thông quốc tế lại thuận tiện.
Tôi mang chiếc đài radio nhỏ có giá 29,95 đô la Mỹ tới New York và đi một vòng chào bán mặt hàng này cho những người bán lẻ. Nhiều người tỏ ra hững hờ với sản phẩm mới này. Họ nói: “Tại sao ông lại chế tạo loại radio nhỏ xíu như vậy? Tại Mỹ, người ta chỉ ưa những loại radio lớn mà thôi. Chúng tôi có nhà lớn, có nhiều không gian nên ai cần loại radio nhỏ như thế này cơ chứ?”.
Tôi giải thích cho họ bằng những điều tôi đã mục kích ở ngay trên đất nước Mỹ. Tôi nói: “Chỉ riêng ở thành phố New York đã có tới hơn 20 đài phát thanh. Và đúng là nhà cửa ở đây khá rộng, thậm chí đủ rộng cho mỗi thành viên trong gia đình có một phòng riêng để có thể bật nghe bất kỳ cái gì tuỳ thích với chiếc đài nhỏ xíu này mà không làm phiền đến người khác. Tất nhiên, độ trung thực về âm thanh của chiếc radio nhỏ này không cao bằng những máy cỡ lớn, nhưng thế cũng đã là rất tuyệt vời so với cỡ của nó”. Nhiều người thấy lý lẽ của tôi cũng rất logic, do đó họ đã đề xuất một số hàng đơn đặt hàng hấp dẫn, nhưng tôi tỏ ra rất thận trọng và đã từ chối không ít đơn đặt hàng như vậy, dù cho chúng có thể đem lại lợi nhuận lớn cho công ty. Thấy tôi từ chối như vậy, những người đặt hàng tưởng tôi bị điên, nhưng mặc dù công ty chúng tôi còn bé nhỏ và bản thân tôi cũng còn thiếu kinh nghiệm bán hàng nhưng thời gian đã chứng minh là tôi đã quyết định đúng đắn.
Những người ở công ty Bulova khi xem mặt hàng tôi chào bán tỏ vẻ rất thích thú và nói một cách rất bỗ bã rằng: “Chúng tôi nhất định sẽ mua một số máy kiểu này. Ông bán cho chúng tôi 100.000 chiếc”. Tôi đã rất sửng sốt trước con số họ đưa ra, những 100.000 chiếc. Thật là một đơn đặt hàng quá sức tưởng tượng trị giá gấp nhiều lần tổng số vốn của công ty chúng tôi. Hai bên đi vào thảo luận chi tiết, lúc đó đầu óc tôi suy nghĩ và làm việc rất nhanh khi đối tác đặt ra một điều kiện, đó là phải in nhãn hiệu Bulova lên trên máy. Điều kiện đó buộc tôi phải từ chối đơn đặt hàng rất hấp dẫn này. Tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi không làm người sản xuất thiết bị ban đầu cho các công ty khác. Chúng tôi muốn xây dựng danh tiếng cho công ty bằng chính những sản phẩm chất lượng của mình. Tôi nói với ông ta là sẽ hỏi ý kiến của công ty chúng tôi về đề nghị này của các ông. Sau đó, tôi đã gửi điện về Tokyo nói qua về đơn đặt hàng này và điều kiện kèm theo. Bức điện trả lời của công ty rất ngắn gọn: “Hãy chấp nhận đơn đặt hàng”. Tôi không hề thích lời đề nghị này càng không đồng ý với ý kiến của công ty. Sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, tôi quyết định từ chối đơn đặt hàng với điều kiện đặt ra vì chúng tôi sẽ không sản xuất radio dưới một cái tên khác.
Khi tôi quay trở lại gặp người phụ trách công ty Bulova, ông này có vẻ không cho là tôi đang nói chuyện nghiêm túc bởi ông nghĩ rằng làm sao tôi có thể từ chối được một đơn đặt hàng lớn như vậy. Ông ta đã tin chắc tôi sẽ chấp nhận đơn đặt hàng đó. Khi tôi cương quyết không thay đổi quyết định, ông ta phát cáu và nói với tôi rằng: “Tên tuổi công ty chúng tôi là một thương hiệu nổi tiếng với truyền thống hơn 50 năm hoạt động kinh doanh, còn ở Mỹ không một ai biết đến tên tuổi công ty ông. Vậy tại sao lại không tận dụng tên tuổi của công ty chúng tôi?”
Tôi hiểu những gì ông ta nói, nhưng tôi có quan điểm của riêng tôi. Tôi nói với ông ta rằng: “50 trước, tên công ty ông chắc cũng đã từng vô danh tiểu tốt như tên tuổi công ty chúng tôi bây giờ. Tôi đến đây để chào bán một sản phẩm mới, đây cũng chính là bước đi đầu tiên của công ty chúng tôi để xây dựng tiếng tăm cho công ty 50 năm sau này. Trong vòng 50 năm tới, tôi xin hứa với ông là tên hiệu của công ty chúng tôi chắc chắn sẽ nổi tiếng không kém gì tên tuổi công ty các ông bây giờ”.
Tôi không bao giờ hối tiếc đã quyết định từ chối một đơn đặt hàng với tư cách là người sản xuất thiết bị ban đầu như vậy. Ngược lại, quyết định này càng làm cho tôi tự tin hơn và thấy kiêu hãnh hơn mặc dù khi tôi kể lại cho Ibuka và các uỷ viên trong ban quản trị công ty về quyết định của mình ở Mỹ sau khi trở về Tokyo, cũng có người đã cho tôi là xuẩn ngốc. Nhưng tôi đã tuyên bố rằng: đó là quyết định sáng suốt nhất của tôi và tôi vẫn luôn tin là như vậy.
Khi tiếp tục mang sản phẩm mới đi chào bán ở những nơi khác, tôi đã gặp một đối tác người Mỹ khác. Ông ta ngắm nghía chiếc máy radio mẫu và nói ông rất thích kiểu máy này. Ông cho biết ông có khoảng 150 cửa hàng, do đó, ông sẽ cần mua với số lượng lớn. Điều này làm tôi thấy rất hài lòng và cũng thật may mắn là ông ta không đòi phải in nhãn hiệu hãng của ông trên sản phẩm của công ty chúng tôi. Ông chỉ yêu cầu tôi cung cấp một bản báo giá cho mỗi số lượng mua từ 5.000, 10.000, 30.000, 50.000 và 100.000 máy. Thật là một đơn đặt hàng béo bở! Tôi đã có thể bù đắp lại những mối lợi đã mất do từ chối đơn đặt hàng của công ty Bulova theo điều kiện của họ. Nhưng khi trở về khách sạn, tôi bắt đầu suy nghĩ, cân nhắc về những ảnh hưởng của những đơn đặt hàng lớn có thể tác động tới các cơ sở sản xuất nhỏ bé của công ty chúng tôi ở Tokyo. Chúng tôi đã mở rộng cơ sở sản xuất của chúng tôi rất nhiều kể từ khi sửa chữa nâng cấp “chiếc lán tồi tàn” trên đồi Gotenyama trước kia. Chúng tôi đã chuyển đến tòa nhà mới, lớn và vững chãi hơn ở gần cơ sở ban đầu và rất chú trọng đến việc trang bị thêm máy móc, thiết bị. Nhưng thành thực mà nói, lúc đó chúng tôi vẫn chưa có khả năng sản xuất 100.000 máy radio bán dẫn một năm trong khi còn phải kiêm sản xuất một số mặt hàng khác nữa trên cùng một dây chuyền sản xuất còn nhỏ bé. Năng lực sản xuất thực tế của công ty mới ở mức chưa tới 10.000 máy radio một tháng. Nếu chúng tôi nhận đơn đặt hàng
100.000 máy, chúng tôi sẽ phải thuê và đào tạo thêm công nhân viên mới và mở rộng cơ sở sản xuất hơn nữa. Điều đó có nghĩa là phải tăng thêm vốn, đầu tư mở rộng sản xuất và cũng có nghĩa đó là một canh bạc.
Thú thực là tôi còn thiếu kinh nghiệm và vẫn còn hơi ngây thơ, nhưng tôi vẫn có cách làm của riêng mình. Tôi xem xét tất cả những hậu quả mà tôi có thể nghĩ được. Sau đó, tôi ngồi vạch ra một đường cong giống như chữ U nguệch ngoạc. Giá của 5.000 máy sẽ là mức giá thông thường. Mức giá này sẽ là điểm đầu của đường cong. Nếu đặt mua với số lượng 10.000 máy, chúng tôi tất nhiên sẽ có chiết khấu, và mức giá đó sẽ nằm ở đáy đường cong. Nếu đặt mua với số lượng 30.000 máy, giá bán sẽ bắt đầu nâng lên. Nếu mua tới 50.000 máy, giá bán trên một đơn vị sản phẩm tất yếu phải cao hơn giá bán với số lượng 5.000 chiếc và với số lượng 100.000 chiếc, giá bán trên mỗi đơn vị sản phẩm thậm chí còn cao hơn nhiều so với giá bán trên mỗi đơn vị sản phẩm với số lượng 5.000 chiếc ban đầu.
Tôi biết điều này nghe có vẻ lạ lùng, khó hiểu, nhưng lập luận của tôi là nếu công ty chúng tôi tăng gấp đôi năng lực sản xuất của mình để thực hiện đơn đặt hàng 100.000 máy và nếu năm sau chúng tôi không nhận được đơn đặt hàng tương tự nữa thì chúng tôi sẽ gặp khó khăn lớn, có thể dẫn đến phá sản vì khi đó làm sao chúng tôi có thể duy trì công ăn việc làm cho số nhân công tăng thêm và chi trả các chi phí cho các cơ sở mới mở không sử dụng đến?
Đây là một cách tiếp cận vấn đề rất dè dặt và thận trọng. Nếu chúng tôi nhận một đơn đặt hàng khổng lồ, chúng tôi phải kiếm được đủ lợi nhuận từ đơn đặt hàng đó để trả cho mọi chi phí về phương tiện máy móc mới sắm trong suốt thời gian thực hiện. Mở rộng sản xuất không phải là một điều đơn giản, huy động thêm vốn đầu tư sẽ rất khó khăn và tôi cũng cho là kiểu mở rộng sản xuất như vậy không phải là một ý kiến hay nếu chỉ dựa trên lợi nhuận từ một đơn đặt hàng duy nhất. Hơn nữa, ở Nhật chúng tôi không thể cứ thuê thêm nhân công khi có việc rồi lại sa thải họ khi hết việc được. Chúng tôi có trách nhiệm lâu dài với họ và ngược lại họ cũng có trách nhiệm tận tuỵ đối với chúng tôi.
Tất nhiên, tôi cũng hơi băn khoăn về việc nếu tôi đặt một mức giá rất thấp đối với đơn đặt hàng 100.000 máy, đối tác có thể đồng ý đặt mua một số lượng lớn như vậy, nhưng bước đầu chỉ đặt mua thử 10.000 máy theo giá bán tính theo đơn đặt hàng 100.000 máy, rồi sau đó rất có thế họ sẽ không tiếp tục đặt mua nữa.
Ngày hôm sau, tôi quay lại gặp đối tác mang theo bản báo giá. Ông ta xem xét bản báo giá chớp chớp mắt như thể không tin vào mắt mình. Ông ta đặt bản báo giá xuống bàn và nói với một giọng rất điềm tĩnh: “Thưa ông Morita, tôi đã làm nghề đại lý mua bán trong gần 30 năm nay và ông là người đầu tiên đến đây và nói với tôi rằng càng mua nhiều thì giá bán trên mỗi đơn vị sản phẩm càng cao. Điều này thật là phi logic”. Tôi giải thích cho ông ta lập luận của tôi, và ông ta rất chăm chú lắng nghe tôi nói. Khi hết bàng hoàng, ông ngừng lại suy nghĩ trong giây lát rồi cười thoải mái và đặt mua 10.000 máy radio với mức giá đơn vị tính cho số lượng 10.000, cách đặt hàng này có lợi cho ông ta và cho cả chúng tôi nữa.
Hồi đó, tôi đã rất may mắn. Tôi không có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh buôn bán và cũng không bị ông sếp nào giám sát công việc của mình, cho nên khi tôi quyết định các vấn đề giá cả, không ai trong công ty phản đối tôi cả. Tôi hoạch định mọi chính sách của công ty trong quá trình tiến hành các thương vụ. Tất nhiên, sau đó chúng tôi cũng có khả năng tiếp nhận những đơn đặt hàng lớn.
Tôi không phải là người Nhật duy nhất kinh doanh tại New York hay Mỹ vào giữa những năm 50. Nhiều người khác, nếu không muốn nói là phần lớn, thường dựa dẫm vào các công ty thương mại lớn của Nhật. Những công ty này đã thông hiểu thị trường nước ngoài và đã đặt các văn phòng giao dịch tại các nước đó. Với tôi, việc nhờ vả các công ty đó chưa đủ tin cậy vì họ chẳng hiểu gì về các sản phẩm của công ty chúng tôi cũng như triết lý kinh doanh của chúng tôi.
Tôi nghĩ thật nực cười khi giờ đây các nhà kinh doanh Mỹ lại kêu ca, phàn nàn về hệ thống phân phối phức tạp của Nhật Bản vì khi lần đầu tiên lên kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ, tôi đã rất ngạc nhiên và nản lòng trước sự phức tạp khi tiến hành marketing tại thị trường Mỹ. Nhưng khi tôi nói điều đó với các thương nhân Mỹ thì họ cũng tỏ ra ngạc nhiên. Vào thời đó, cách duy nhất được chấp nhận để xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản vào Mỹ là thông qua một công ty thương mại của Nhật có văn phòng tại Mỹ. Công ty này sẽ chuyển hàng bằng tàu biển tới một hải cảng tại Mỹ. Ở đó đại lý của họ sẽ làm thủ tục thông quan hàng hóa và chuyển đến một công ty phân phối để đưa hàng đến các đại lý bán buôn, rồi sau đó, xuống các cửa hàng bán lẻ. Thời gian vận chuyển bằng tàu biển và những nhu cầu dịch vụ tại một nước lớn đã làm cho tôi choáng váng.
Nhưng dù sao cũng chẳng bao giờ tôi xem quy mô của nước Mỹ hay tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp, Đức) là một hàng rào phi thuế quan.
Bây giờ tôi mới cảm thông được hết nỗi nản lòng của các thương nhân Mỹ và của các nước khác khi họ phải đối mặt với một hệ thống phân phối phức tạp của Nhật và cả sự phức tạp của tiếng Nhật bởi vì vài chục năm về trước chính tôi cũng cảm thấy điều đó ở nước Mỹ. Nhưng nhiều người trong số họ đã tìm được cách thức thích hợp để vượt ra khỏi hệ thống phân phối rắc rối theo kiểu truyền thống đó của Nhật. Đó cũng là điều tôi đã từng nghĩ mình phải làm khi muốn kinh doanh trên thị trường nước Mỹ. Chúng tôi cần một kênh phân phối mà qua đó chúng tôi có thể truyền tải được bức thông điệp về công nghệ mới và các lợi ích của nó trực tiếp tới người tiêu dùng. Điều đó đã làm chúng tôi tốn khá nhiều thời gian mày mò tìm kiếm và cũng đã dạy cho chúng tôi những bài học khá cay đắng.
Tôi khá may mắn được anh Shido Yamada, một người bạn cũ giới thiệu với ông Adolph Gross. Ông Gross là người đại diện cho một nhà sản xuất đồng thời cũng là chủ một công ty riêng tên là Agrod Company đặt tại số nhà 514 đại lộ Broadway. Khi tôi giới thiệu với ông Gross về công ty của chúng tôi và về những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện, ông ta đã nói rằng ông thích âm thanh của chiếc máy radio này và lập tức đồng ý làm đại diện cho công ty chúng tôi. Ông còn chấp thuận cho chúng tôi đặt một bàn giao dịch ngay tại văn phòng công ty ông. Quan hệ cá nhân cũng như quan hệ kinh doanh giữa chúng tôi ngày càng trở nên thân thiết và gắn bó hơn. Ông không những là một người bạn tốt mà còn là một người thầy đối với tôi. Tôi thật may mắn đã có được nhiều người thầy tốt trên đất Mỹ này. Tôi đã gặp một trong số những người thầy đó ở Tokyo, ông Yoshinobu “Doc” Kagawa, một người Mỹ gốc Nhật sinh ở đảo Hawai. Ông đã từng đến Nhật với tư cách là một luật sư kinh tế cùng với lực lượng chiếm đóng. Khi thời kỳ chiếm đóng chấm dứt vào năm 1952, ông xin ở lại Nhật và làm đại diện cho một số công ty Nhật, trong đó có cả công ty điện ảnh Toho. Tôi đã đề nghị ông làm cố vấn cho công ty chúng tôi và trong những chuyến đi đầu tiên đến nước Mỹ, ông đã cùng đi với tôi. Vì thế, tôi đã có những người thầy tốt như Adolph Gross, “Doc” Kagawa và tiếp đó là ông Edward Rosiny, người thầy tốt nhất của tôi. Ông là luật sư của ông Gross và sau đó cũng trở thành luật sư của tôi.
Tôi và ông Adolph Gross đã trở thành một đôi bạn rất thân thiết mặc dù ông Gross đã gần 60 còn tôi mới ngoài 30. Ông là một người tốt bụng, thông minh, khiêm tốn, ăn nói rất nhẹ nhàng, thích nói chuyện hài hước và vô cùng liêm khiết. Ông rất chú trọng kinh doanh quốc tế, và trên thực tế, ông cũng đã nhập vào Mỹ một số mặt hàng điện tử có chất lượng cao của châu Âu, trong đó có cả máy quay đĩa ELAC của Đức rất được những người thích nghe nhạc ưa chuộng. Ông đã nói chuyện với tôi khá lâu ngay từ buổi đầu gặp mặt, ông muốn tìm hiểu về tôi, công ty của chúng tôi, kể cả triết lý kinh doanh của công ty. Chỉ trong một thời gian ngắn tôi đã được ông mở mang rất nhiều về thực tiễn kinh doanh tại Mỹ. Ông đã giải thích cho tôi hiểu về nước Mỹ và giới kinh doanh Mỹ, kể cả những thông tin thực tiễn về hình ảnh và những đặc điểm của các cửa hàng khác nhau và những cách thức tốt nhất khi muốn tiến hành kinh doanh ở Mỹ. Ông cũng tìm cách Mỹ hóa lối sống của tôi, hoặc ít nhất cũng làm cho tôi trở thành một con người tinh tế và sành sỏi ở tầm cỡ thế giới.
Một hôm ông hỏi tôi một cách rất thân mật rằng có thích xem vở kịch My Fair Lady (Người yêu xinh đẹp của tôi) vừa mới bắt đầu trình diễn ở Broadway và trở thành một vở diễn hay nhất trong mùa diễn đó. Tôi đã nói rằng: “Tất nhiên là tôi muốn xem vở đó chứ Adolph, nhưng tôi không mua được vé, vì vé của những buổi diễn vở kịch này đã bán hết”. Ông ta bảo rằng “Không phải lo”, và chẳng bao lâu sau ông đã mua được ngay một đôi vé. Có lẽ, ông đã phải mất tới 100 đô la cho mỗi vé bởi vì giá của một chỗ ngồi tại rạp hát lúc nào cũng đắt, còn đối với tôi, nó đáng giá bằng cả một gia tài chí ít là vào thời điểm năm 1957. Vào tối hôm đi xem vở kịch này, chúng tôi đã làm việc với nhau khá muộn rồi sau đó đi thẳng đến nhà hát Mark Hellinger. Đó là một cảm giác rất mới lạ và thích thú đối với tôi khi ngồi cùng những vị khán giả ngày ấy xem vở kịch hay nhất trong mùa diễn. Còn ông Adolph thì đã quá quen rồi. Vì thế khi ánh đèn trên khán phòng mờ dần và khi ban nhạc chơi khúc mở màn thì ông Adolph quay sang tôi nói: “Akio này, tôi ngủ đây”. Thế là ông ta đánh một giấc ngon lành trên chỗ ngồi trị giá tới 100 đô la tại rạp hát trong suốt buổi biểu diễn tuyệt vời đó.
Khi ông Adolph Gross mất khá đường đột do một cơn đau tim tại London vào năm 1958, chúng tôi đều cảm thấy bàng hoàng, đau xót. Tôi luôn luôn vô cùng biết ơn ông và coi ông như một người cha Mỹ. Bà Gross vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với “gia đình” Sony chúng tôi và chúng tôi luôn mời bà tới dự tất cả những buổi kỷ niệm của chi nhánh Sony tại Mỹ.
Kể từ sau khi ông Gross mất đi, tôi đã gặp ông Edward Rosiny, luật sư của ông Gross, và sau đó tôi cũng gặp cả ông Irving Sagor, nhân viên kế toán của công ty Gross. Qua hai vị này, tôi hiểu biết hơn về luật pháp và kế toán doanh nghiệp tại Mỹ. Khi chúng tôi nghĩ tới việc thành lập chi nhánh Sony tại Mỹ, tôi cần những người mà tôi có thể tin cậy, và hai vị này chính là những ông thầy giỏi nhất và là những người trợ giúp đắc lực nhất cho tôi. Với trình độ chuyên môn của mình, Sagor đã giúp tôi giải quyết trôi chảy mọi vấn đề liên quan đến thuế. Còn ông Eddie Rosiny đã trở thành một người bạn thân thiết, một người anh em với tôi. Chúng tôi cùng đi ăn với nhau, cùng làm việc với nhau, cùng đi chơi gôn với nhau (chính ông là người đã đưa tôi vào câu lạc bộ chơi gôn tại Thung Lũng Mùa Xuân, thành phố New York) đồng thời cùng nhau bàn bạc, giải quyết các vấn đề kinh doanh. Ngoài ra, Eddie còn chỉ dẫn cho tôi cách lập những hợp đồng kinh tế ở Mỹ, điều mà hiếm có người nào ở Nhật biết đến.
Trong những chuyến đi Mỹ đầu tiên, tôi thường đến New York và thuê phòng ở một khách sạn rẻ tiền. Do trình độ tiếng Anh còn kém và cũng do ít tiền nữa nên tôi thường ăn ở máy bán thức ăn tự động hay đến một quán ăn tự phục vụ mà ở đó tôi không cần phải nói với ai vì còn quá vụng về với vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Trong lần đầu tiên cùng đi với ông Doc Kagawa sang Mỹ, tôi cũng lại đưa ông tới chiếc máy bán thức ăn tự động và thuê phòng ở một khách sạn rẻ tiền, ông liền cho tôi biết rằng làm như thế là không được, vì cần phải giữ thể diện của bản thân mình và uy tín của cả công ty. Ông khuyên tôi tốt hơn nên thuê một phòng rẻ nhất trong một khách sạn sang trọng thay vì một phòng đắt tiền nhất trong một khách sạn rẻ nhất. Ông còn khăng khăng thuyết phục tôi nên ăn ở những nhà hàng sang trọng để biết cách đánh giá sự khác biệt về thức ăn và phong cách phục vụ. Khi chúng tôi đi vòng quanh nước Mỹ với một ngân quỹ eo hẹp, đôi khi chúng tôi phải ở chung một phòng nhưng lúc nào cũng trong những khách sạn sang trọng.
Ở New York, tôi thôi không đến ăn ở nhà hàng Horn & Hardart nữa mà chuyển sang ăn ở nhà hàng Stouffer cao cấp hơn. Nhà hàng này nằm trên tầng thượng của tòa nhà cao tầng 666 trên Đại lộ số 5 ở trung tâm thành phố lúc đó còn là tòa nhà mới xây. (Khi cả gia đình đến sống ở New York, lúc đó Naoko, con gái của chúng tôi còn nhỏ. Cô bé rất thích ăn ở nhà hàng này và được nhìn toàn cảnh thành phố. Mới chỉ một vài năm trước đây, khi tôi thuê một căn hộ trên tầng thứ 48 của tòa nhà chọc trời Museum Tower, qua cửa sổ, cháu Naoko đã nhận thấy ngay tòa nhà cao tầng 666 nơi mà ở đó cháu đã được thưởng thức nhiều bữa ăn ngon. Giờ đây, Naoko có thể ghi nhớ được quang cảnh từ cửa sổ căn hộ của gia đình nhìn xuống thành phố như thế nào còn lúc bé, Naoko lại thấy như mình đang ở trên các tầng mây so với toàn bộ thành phố New York ở phía dưới).
Có được những người thầy tuyệt vời như ông Doc Kagawa thì không có gì có thể sánh nổi. Hầu hết các doanh nhân người Nhật khi đến Mỹ hồi bấy giờ thường có khuynh hướng co mình lại và chỉ tìm hiểu đất nước Mỹ qua những người Nhật đã đi trước họ. Có thể thấy ngay rằng như vậy là không khôn ngoan. Mặc dù đã ở nước ngoài một vài năm nhưng những doanh nhân người Nhật đó vẫn như những người xa lạ; nếu nghe theo lời khuyên của họ thì chẳng khác nào người mù lại dắt người mù. Về phần tôi, tôi lại tìm hiểu nước Mỹ qua những người Mỹ thực sự và hiểu biết sâu rộng.
Với tư cách là phó chủ tịch ban quản trị công ty tại Tokyo, tôi phải phụ trách rất nhiều việc hơn nữa, việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Mỹ một mình tôi không thể làm xuể được. Tôi đã thảo luận vấn đề đó với Gross, và theo lời khuyên của ông, tôi đã chỉ định công ty Delmonico Intemational làm công ty phân phối máy radio của chúng tôi. Ban đầu, quan hệ làm ăn với công ty này khá tốt đẹp, nhưng chẳng được bao lâu, tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó bất ổn.
Khi tên tuổi của công ty ngày càng được nhiều người biết đến và được ưa chuộng, doanh số cũng ngày một tăng lên, những người điều hành công ty Delmonico lntemational lntenational vẻ hứng thú với phương châm giá rẻ hơn là chất lượng sản phẩm. Tình trạng này tồi tệ tới mức chúng tôi phải tranh cãi cả về giá cả của bao giả da bọc ngoài xem có thể bớt đi được vài xu hay không. Họ còn thường xuyên yêu cầu chúng tôi sản xuất những loại radio rẻ tiền để họ có thể bán số lượng lớn và chiết khấu nhiều hơn. Tôi đã nói thẳng với họ rằng đó không phải là lề lối sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ muốn sản xuất những loại sản phẩm kém chất lượng chỉ để kiếm tiền.
Khi chúng tôi tuyên bố với thế giới rằng công ty chúng tôi đã chế tạo thành công ti vi bán dẫn đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 1959, công ty Delmonico Intemational đã vội quảng cáo là họ sẽ phụ trách việc phân phối loại ti vi bán dẫn này mà chẳng hề thương lượng trước với công ty chúng tôi. Điều này thực sự đã làm tôi thức tỉnh, vì tôi không thích kiểu làm ăn như thế và vì tôi cũng nhận thấy những mối tai họa ở phía trước nếu còn tiếp tục quan hệ làm ăn với công ty này. Ngay khi chiến dịch quảng cáo của công ty này còn chưa ráo mực, tôi đã thông báo cho Delmonico biết rõ ý định của công ty chúng tôi là không muốn họ làm đại lý phân phối máy vô tuyến truyền hình bán dẫn của chúng tôi. Tôi rất lo ngại là loại máy ti vi mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, sẽ lại bị mua đi bán lại trên thị trường với giá rẻ, hay thậm chí bán giá chiết khấu. Trong ý tưởng của tôi, dòng sản phẩm mới này sẽ là biểu tượng của đẳng cấp và chất lượng sản phẩm của công ty chúng tôi mà sản phẩm này là đại diện.
Chúng tôi đã phải đấu một trận gay go trong vụ này. Nhờ có ông Ed Rosiny mà chúng tôi tránh được một vụ kiện cáo tốn kém thời gian và tiền của ở tòa, nhưng chúng tôi đã phải thương lượng khá lâu và cũng đã tiêu tốn khá nhiều tiền. Chúng tôi đã nói rõ cho công ty Delmonico biết là khi chúng tôi ký hợp đồng cho phép họ làm đại lý phân phối các loại máy radio bán dẫn của công ty, chúng tôi thật sự đang nghiên cứu và thử nghiệm chế tạo máy ti vi bán dẫn nhưng chưa biết lúc nào mới thành công, cho nên trong bản hợp đồng chúng tôi không đề cập cụ thể tới mặt hàng này. Tôi đã sớm biết trước rằng một ngày nào đó công ty chúng tôi sẽ mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh ti vi, do vậy tôi đã đưa ra ngày đăng ký bản quyền để chứng minh luận điểm của mình. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không hề có ý định trao quyền phân phối loại ti vi bán dẫn này cho công ty Delmonico và thực tế là chúng tôi đã cố ý loại bỏ mặt hàng TV ra khỏi hợp đồng đại lý với công ty Delmonico.
Những người điều hành công ty Delmonico lại không muốn vậy. Cho nên chúng tôi bắt buộc phải cắt đứt quan hệ với công ty này. Họ đòi chúng tôi khoản tiền bồi thường vi phạm hợp đồng là 300.000 đô la. Do chúng tôi kháng nghị, họ dần dần giảm đi đôi chút. Đến một mức độ mà tôi nghĩ rằng Delmonico sẽ không thể giảm hơn được nữa thì tôi đồng ý trả số tiền mà họ yêu cầu. Nhưng ông Ed. Rosiny không đồng tình và tôi theo ý kiến ông. Ông nói: “Hãy cho tôi thêm một ngày, tôi sẽ vận động để công ty đó chỉ đòi chúng ta
100.000 đô la mà thôi”. Quả là như vậy, ông ta đã khiến cho công ty Delmonico đồng ý hạ mức đòi bồi thường xuống còn 75.000 đô la. Tôi hỏi ông muốn lấy bao nhiêu tiền thù lao cho công việc thương lượng đó, ông nói ngay: ‘Tôi chỉ lấy 25.000 đô la. Đó là số tiền mà tôi lấy được của công ty kia”. Điều đó càng làm cho tôi thêm quý mến ông. Thật ra đối với công ty chúng tôi khi đó thì đây cũng vẫn là một số tiền lớn phải trả cho công ty Delmonico, nhưng mục tiêu quan trọng đối với tôi khi đó là dù cho có tốn kém bao nhiêu đi chăng nữa, chúng tôi cũng phải rút ra khỏi hợp đồng này bằng được và điều tôi tâm đắc nhất là những người thầy Mỹ của tôi cũng đồng tình với cách giải quyết của tôi. Cuối cùng, chúng tôi đã mua lại từ công ty Delmonico tất cả số radio bán dẫn tồn kho, vào khoảng 30.000 chiếc, như là một phần của việc thanh lý hợp đồng với họ.
Khi đọc các số liệu sản xuất, số liệu của các lô hàng hay doanh số thì 30.000 máy không phải là một số lượng lớn trong lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng. Nhưng trong những ngày giá lạnh của tháng Hai năm 1960, số nhân viên ít ỏi của tập đoàn Sony Hoa Kỳ sắp thành lập tại thành phố New York đã phải đối phó với những chuyến xe tải chở đầy ắp những kiện hàng radio, mỗi chiếc lại được đựng trong một hộp các-tông được trang trí rất bắt mắt càng làm tăng thêm gánh nặng của công việc. Lúc đó, chúng tôi cảm tưởng như con số 30.000 này ngang với hàng triệu. Vì không lường trước được tình huống phức tạp xảy ra nên chúng tôi đã không thuê thêm người phụ giúp.
Ông Irving Sagor ngỏ ý sẵn sàng dành nhà kho của công ty Agrod để chứa những chiếc máy radio này. Do đó, khi các xe tải đến vào một buổi sáng tháng Hai lạnh giá, chúng tôi lúc đó không còn cách nào khác là thay quần áo lao động và bắt tay ngay vào bốc dỡ và vận chuyển hàng vào kho. Khoảng 5 người trong số chúng tôi đã phải làm việc cật lực từ mờ sáng hôm đó đến khoảng 4 giờ sáng ngày hôm sau. Sau khi đã chất xong 30.000 chiếc máy radio vào trong kho, chúng tôi cảm thấy kiệt sức và phải lê bước về văn phòng để uống một chút cà phê. Ông Charlie Farr, người quản lý kho đến nay vẫn làm việc cho chúng tôi đã từ chối lời mời uống cà phê để về nhà ở thị trấn Brooklyn nghỉ ngơi cho lại sức. Một người trong nhóm chúng tôi, quyết định quay lại kho để kiểm tra lại các kiện hàng. Khi đếm lại xong các kiện hàng, anh ta trở lại văn phòng. Nhưng khi mở cửa, anh ta vô tình đã kích hoạt hệ thống báo động khi có trộm.
Các nhân viên an ninh lập tức đến ngay hiện trường và bắt quả tang là có một nhóm người Nhật và một người Mỹ quần áo bẩn thỉu, lôi thôi, dáng vẻ mệt nhọc, đang uống cà phê ở đó. Họ cũng không hẳn tin rằng đây là bọn trộm cắp nhưng vẫn tỏ ra nghi ngờ. Irving Sagor là một trong những người cùng lao động trong nhóm chúng tôi. Vì ông là người Mỹ duy nhất ở đó, nên ông tìm mọi cách giải thích cho các nhân viên an ninh rằng chúng tôi là những người trong ban quản lý công ty. Các nhân viên an ninh tỏ ý không tin lời ông nói, vì họ thấy chúng tôi ăn mặc khá lôi thôi, lếch thếch. Charlie Farr, người quản lý kho, lúc đó lại về nhà ngủ, cho nên chúng tôi cũng không biết làm thế nào, chỉ ngồi đó mà nhìn nhau. May thay, Irving Sagor nảy ra ý nghĩ mở tủ sắt và đưa cho họ xem những giấy tờ để trong két sắt của công ty, điều đó chứng tỏ ông là người của công ty và biết mã số mở tủ két. Các nhân viên an ninh đành phải công nhận sự có mặt chính đáng của chúng tôi tại văn phòng và rút lui. Sự kiện đó càng làm cho chúng tôi thêm gắn bó với nhau và coi nhau như những người thân trong gia đình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.