Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản
2.
Cuộc cạnh tranh mạnh mẽ và liên tục ở Nhật Bản đã buộc chúng tôi phải nhìn nhận lại cách thức làm việc ở công ty. Trước đây, điều quan trọng đối với chúng tôi là phải sản xuất ra một số lượng sản phẩm với giá thành thấp nhất để dự trữ trong kho. Nhưng bây giờ thì khác. Chu kỳ sản xuất sản phẩm của chúng tôi đã được rút ngắn lại còn chi phí sản xuất thì tăng lên. Nếu chúng tôi dự trữ một khối lượng lớn hàng hóa trong kho thì có thể chúng tôi sẽ lâm vào tình trạng ế ẩm vì sản phẩm dự trữ không còn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Giờ đây, ưu tiên hàng đầu là với cùng một dây chuyền sản xuất, làm sao để có thể sản xuất nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trước đây, chúng tôi thường chỉ thay đổi kiểu cách, mẫu mã sản phẩm sau khoảng từ 1,5 đến 2 năm. Nhưng ngày nay, chúng tôi phải cố gắng đổi mới sản phẩm chỉ trong thời gian khoảng nửa năm hoặc thậm chí ngắn hơn thế. Đôi khi chúng ta cảm thấy thật lãng phí khi đầu tư quá nhiều vốn, công nghệ hiện đại và những thủ tục phức tạp vào việc chế tạo một sản phẩm có chu kỳ quá ngắn. Nhưng nếu chúng ta cứ cố tìm cách kéo dài chu kỳ tồn tại của sản phẩm bằng cách cứ dập khuôn theo thiết kế cũ thì chắc chắn chúng ta sẽ bị các sản phẩm mới của các đối thủ cạnh tranh cướp mất thị trường tiêu thụ. Do đó, chúng ta phải hết sức khéo léo trong việc thiết kế và ứng dụng công nghệ mới. Ngoài ra, cần phải đào tạo nhân viên để họ có thể nhanh chóng nắm vững cách chế tạo các sản phẩm mới mà không bị nhầm lẫn với các mặt hàng trước đây.
Năm 1985, tại một cuộc hội nghị lớn với sự tham gia của đại diện các chi nhánh Tập đoàn Sony từ nhiều nước trên thế giới, tôi đã nhắc nhở các cán bộ quản lý rằng một đối thủ của tập đoàn đã sản xuất và đưa ra thị trường mặt hàng máy quay đĩa từ compắc chỉ 7 tháng sau khi Tập đoàn Sony giới thiệu công nghệ mới với máy quay đĩa CD-5 rất nhỏ gọn. Thậm chí, sản phẩm của họ còn có hình dáng nhỏ hơn sản phẩm của Sony một chút. Thoạt đầu, chúng tôi chưa sản xuất đủ số lượng máy quay đĩa CD-5 này để bán cho khách hàng. Do được người tiêu dùng ưa thích nên máy bán rất chạy, và hơn nữa, trên thị trường lúc này chưa xuất hiện những sản phẩm tương tự. Chúng tôi không có đủ hàng để bán, và cảm thấy rất tiếc vì đã không có một lượng hàng dự trữ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cũng may là nhiều người tiêu dùng do không mua được những chiếc máy quay đĩa CD-5 kiểu mới nhỏ gọn đó nên đã tìm mua những sản phẩm đắt tiền hơn của Sony để thay thế. Nhờ vậy, chúng tôi đã thu được những kết quả hết sức tốt đẹp. Sau đó chúng tôi lại sáng chế ra một kiểu máy quay đĩa mới với hình dáng còn nhỏ gọn hơn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh với rất nhiều phụ kiện kèm theo, bao gồm cả thiết bị để máy quay có thể chạy các đĩa CD thông qua một nguồn phát sóng FM nhỏ của chiếc radio được lắp trên xe ôtô. Người ta thường nói và nói rất đúng rằng, các ngành công nghiệp ở Nhật vào những năm 70, 80 thường hướng vào việc chế tạo những sản phẩm nhỏ, mỏng, ngắn và nhẹ. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, xu hướng này vẫn được tiếp tục.
Tôi luôn luôn đòi hỏi và khuyến khích các nhân viên trong công ty là phải tìm mọi cách đối phó với tốc độ của sự thay đổi và biến nó thành thế mạnh cạnh tranh của công ty. Bởi vì thay đổi là hiển nhiên và tất yếu, bạn không thể đảo ngược nó, không thể ngăn chặn hay chống lại nó. Vấn đề mà sự thay đổi đặt ra đối với bộ phận sản xuất của một công ty là bạn phải luôn luôn đào tạo những nhân viên sản xuất. Đồng thời, bộ phận marketting cũng phải chịu áp lực trong việc giới thiệu những sản phẩm hoặc mẫu mã chưa từng xuất hiện trên thị trường.
Trong cuộc cạnh tranh để giành được thị phần lớn nhất, nhiều công ty không ngần ngại sử dụng rất nhiều biện pháp, thậm chí cả những biện pháp không được “ngay thẳng”, chẳng hạn như hoạt động gián điệp công nghiệp. Trong thời đại ngày nay, một số công ty, ngay ở Nhật Bản, rất dễ bị do thám và ăn cắp thông tin. Khi xã hội ngày càng trở nên được tin học hóa thì các nguồn thông tin lại càng dễ bị tiết lộ. Chẳng hạn như chưa có một phương pháp chắc chắn nào để bảo vệ các phần mềm máy tính. Một khi các phần mềm được chế tạo và đưa vào sử dụng, chúng rất dễ bị đánh cắp. Chúng ta thường cho rằng bằng sáng chế có thể sử dụng để bảo vệ các phần mềm máy tính. Chính phủ Nhật cũng đã thảo luận với chính phủ Mỹ về vấn đề này và đã phải bất đắc dĩ công nhận rằng các phần mềm máy tính nên được coi là tài sản trí tuệ chứ không phải là tải sản công nghệ, và vì thế, nên áp dụng các điều luật về quyền tác giả chứ không phải là các luật lệ về đặc quyền sáng chế. Nhưng trên thực tế, làm thế nào để có thể chỉ ra cái gì đã bị mất cắp trong khi cái đó lại là một sản phẩm vô hình? Tôi tin rằng các phần mềm máy tính là các sản phẩm độc nhất, và cần phải có một hình thức bảo vệ mới mà theo tôi đó không thể là những luật về bằng sáng chế hay quyền tác giả. Đây là một lĩnh vực khó nhưng tôi thấy cần phải có những khái niệm mới đề giải quyết vấn đề này.
Tại thung lũng Silicon thuộc bang California, việc buôn bán thông tin diễn ra rất sôi động với sự trợ giúp của hàng trăm tờ tạp chí và bản tin. Trong giai đoạn phát triển đầu tiên của máy tính, nhiều nhà sáng chế cũng đã nổi tiếng với một số hành động mà họ đã làm như hối lộ những người gác đêm để được phép thâm nhập vào các phòng thí nghiệm và các trạm nghiên cứu nơi họ có thể xem xét hệ thống mạch điện trong máy của đối thủ.
Tại bang Caliromia, chúng ta có thể gặp rất nhiều người sẵn sàng bán các loại thông tin kỹ thuật. Các chuyên viên của chính phủ thì dành thời giờ vào việc khai thác nội dung những hợp đồng của chính phủ, các công trình nghiên cứu đạt giải thưởng, các tài liệu về các cuộc họp chuyên môn kỹ thuật và nhiều nguồn khác nữa để cung cấp hoặc bán thông tin cho các nhà sản xuất. Một vài nhà kinh doanh ám muội thì lại tìm cách mua dữ liệu từ các nhân viên đang làm việc tại các công ty đang phát triển mạnh, và những khoản tiền lớn luôn luôn sẵn sàng để trả cho những nhân viên nào bán bí mật của công ty cho họ. Rất nhiều công ty Nhật cũng đã liên quan đến những vụ mua bán thông tin bí mật như vậy. Một số công ty đã bị Cục điều tra Liên Bang Mỹ FBI phát hiện ra vào năm 1982, khi đó đại diện của hai hãng sản xuất máy tính của Nhật Bản và 12 đại diện các hãng của Hoa Kỳ được coi là có liên quan đến một vụ mua bán dữ liệu về một bản thiết kế máy tính mới của IBM. Riêng tôi, tôi tự định cho mình những nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt là không tham gia bất cứ hành động nào như vậy.
Điều làm tôi cảm thấy hết sức phi lý là hàng năm ở Mỹ có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân viên kỹ thuật, nhà nghiên cứu, và thành viên ban quản trị ở các công ty công nghệ cao của Mỹ đã nhận được những thông báo tạm nghỉ việc, thông báo sa thải hoặc họ tự xin thôi việc. Khi đến làm cho một công ty mới, họ tất phải chứng minh lòng trung thành và tiết lộ những điều bí mật họ biết về công ty cũ. Nếu không có chế độ tuyển dụng và đãi ngộ để nhân viên trung thành với công ty thì theo tôi, khó có thể ngăn chặn được những vụ rò rỉ hoặc ăn cắp thông tin kiểu như các công ty Mỹ đang hàng ngày gặp phải do sự thiếu trung thành và trung thực gây ra.
Chúng tôi rất cẩn thận gìn giữ những bí mật của công ty và luôn luôn nhắc nhở công nhân viên là không được nói chuyện về công việc nhà máy ở nơi công cộng. Đây là một vấn đề quen thuộc ở Nhật Bản, nơi đã hình thành một thói quen là trưởng phòng, quản đốc… thường cùng ngồi ăn, uống cùng với đồng nghiệp của mình. Người xưa đã nói, rượu vào lời ra, và những tình bạn có được từ những nơi như vậy thật là có giá trị. Nhưng những thông tin mà họ để lộ ra cho người ngoài biết có thể sẽ rất tai hại.
Trong tập đoàn Sony, chúng tôi có một tiệm rượu riêng phục vụ cho nhân viên không lấy lãi, Câu lạc bộ Sony. Mặc dù được thành lập nên không nhằm mục đích ngăn chặn sự rò rỉ thông tin, nhưng thực sự tiệm rượu này đã có tác dụng rất tốt trong việc bảo mật thông tin. Tôi cho mở tiệm rượu này vì hiểu rõ là các cán bộ quản lý thường phải khá tốn kém trong việc chiêu đãi nhân viên. (Tất nhiên chúng tôi ủng hộ và khuyến khích loại hình giải trí này vì nó gắn bó họ với nhau bằng tình thân gia đình). Câu lạc bộ Sony là một ngôi nhà không có gì nổi bật nằm liền kề trụ sở chính của công ty và chỉ có cán bộ công nhân viên của công ty mới được phép vào. Tất cả mọi người có mặt trong đó, kể cả nhân viên phục vụ quầy bar, đầu bếp, bồi bàn và các nhân viên dịch vụ khác đều là nhân viên của tập đoàn Sony. Không một người lạ nào, cho dù người đó có quan trọng đến đâu, được phép vào câu lạc bộ. Các cán bộ quản lý từ cấp trưởng phòng trở lên có một thẻ tín dụng của câu lạc bộ. Do đó, mọi khoản chi tiêu của họ tại câu lạc bộ sẽ được tự động trừ thẳng vào lương tháng. Ngoài việc có lợi trực tiếp cho vấn đề tiết kiệm và tăng cường tình đoàn kết trong công ty, chúng tôi còn xây dựng được một hàng rào để ngăn chặn sự thất thoát thông tin bí mật của công ty ra bên ngoài.
Từ lâu, tôi học được ở nước Mỹ một điều là không nên nghe những ý kiến từ bên ngoài. Một vài công ty do muốn có thêm sức mạnh cạnh tranh, nên đã sử dụng ý kiến của người ngoài. Tôi luôn luôn cảm thấy đó là một sai lầm và có thể dẫn đến những vấn để pháp lý nghiêm trọng. Cho dù sau khi chúng ta được nghe thông tin tức rồi nói với người bán tin rằng: “Tôi biết điều đó rồi, tôi đã và đang làm như vậy từ lâu rồi”, thì chúng ta ít hay nhiều vẫn có thể gặp rắc rối.
Ông Edward Rosiny, người thầy giảng dạy về pháp luật đầu tiên của tôi đã từng yêu cầu tôi phải hứa là không bao giờ được nghe ý kiến của người ngoài. Ông nhấn mạnh, điều duy nhất nên làm là tìm ý tưởng từ các sáng chế phát minh.
Nếu như sáng chế đó đã được cấp bằng, chúng ta có thể yêu cầu người được cấp bằng cho xem các dữ liệu chi tiết, vì có thể các dữ liệu này được giữ bí mật. Sau đó nên đánh giá và quyết định xem có nên sử dụng sáng chế đó hay không.
Ông Rosiny kể cho tôi biết về một công ty ở New York đã điêu đứng vì bị một nhân viên cũ kiện ra tòa. Anh ta nói với Giám đốc công ty rằng anh ta có một kế hoạch táo bạo có thể giúp cho công ty tăng gấp đôi doanh số. Tuy nhiên, vì kế hoạch bị cho là không bình thường nên anh ta đã bị sa thải. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, công ty quyết định tăng giá bán hàng loạt các sản phẩm của mình. Và anh chàng “không bình thường” này đã đưa đơn kiện công ty cũ vì đó chính là sáng kiến của anh ta. Kế hoạch của anh ta là để tăng gấp đôi doanh số của công ty thì phải tăng gấp đôi giá bán. Tất nhiên, sau đó anh ta thua kiện.
Nhưng rõ ràng là công ty đó cũng đã phải tốn thời gian và tiền bạc để theo kiện. Tôi không muốn bị dính líu đến những vụ kiện phiền toái như vậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.