Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản
2.
Có lẽ chính vì nhu cầu phải tìm biện pháp để tồn tại mà nền khoa học Nhật Bản có xu hướng tập trung vào ứng dụng hơn là lý thuyết. Chúng tôi đã tiếp thu nhiều sáng kiến cơ bản và biến chúng thành những sản phẩm
thực tế, thậm chí trong nhiều trường hợp, người đề xướng ra kỹ thuật công nghệ cơ bản còn không hề nghĩ là họ định chế tạo một sản phẩm nhất định nào đó.
Tất nhiên, điều này là khó tránh khỏi. Một ví dụ tiêu biểu trong lịch sử tập đoàn Sony là việc chúng tôi đã cải biến máy bán dẫn (transitor) để dùng trong radio. Ngày nay, chúng tôi đang phát triển những vật liệu mới để dùng cho các máy móc hiện không được ghi trong bản vẽ nhưng chúng tôi biết là sẽ cần thiết trong suốt quá trình sản xuất.
Điều khó khăn nhất là đưa một kỹ thuật công nghệ mới vào phục vụ đời sống của con người. Chỉ một khi mọi người thấu hiểu và công nhận thế lợi của kỹ thuật này thì họ mới muốn sử dụng chúng. Vậy các bà nội trợ muốn gì khi không muốn quay trở lại sử dụng miếng ván để giặt quần áo ? Một ví dụ khác, cho đến khi máy tính và các máy vi xử lý đã trở thành phổ biến, vẫn rất ít người hiểu rõ rằng họ có thể có những chiếc xe hơi sử dụng rất ít nhiên liệu và rất tiện nghi như vậy, và rằng họ lái xe an toàn hơn chính là nhờ có những máy móc được điều khiển bằng máy tính. Để đảm bảo an toàn, hiện nay nhiều kiểu xe được trang bị máy cảm ứng tự động để có thể tự bật đèn khi trời sẩm tối hoặc để cần gạt nước có thể tự hoạt động ngay từ khi có những giọt mưa đầu tiên rơi xuống kính xe. Người ta có thể chế tạo được những động cơ nhỏ và tiết kiệm năng lượng hơn là vì họ đặt trong đó những máy tính điều khiển nhỏ, điều này làm cho động cơ hoạt động có hiệu quả hơn rất nhiều. Càng ngày, người ta càng lắp đặt nhiều chi tiết bằng gốm trong động cơ ô tô để tăng sức chịu nhiệt và tăng độ bền. Nhiều loại chất dẻo đang dần thay thế thép, và sợi quang học dần thay thế cho dây nhôm và dây đồng trong các động cơ điện. Chúng tôi chế tạo được những chiếc xe hơi có khả năng cảnh báo cho người lái xe bằng lời nói khi máy móc hay một bộ phận nào đó bị trục trặc có thể gây nguy hiểm, hay khi sắp hết xăng và khi cánh cửa xe đóng chưa chặt… Chúng tôi có những máy tìm phương hướng tự động phối hợp với một bản đồ trên ống tia ca tốt đặt tại bảng đồng hồ. Chúng tôi có một bộ CD-ROM có khả năng lưu trữ hàng ngàn bản đồ có thể xác định vị trí của xe trên bản đồ, vị trí này cũng thay đổi theo hướng chạy của xe. Với những phương tiện này thì người lái xe khó có thể bị lạc đường. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có những loại máy móc giúp tránh gây tai nạn, và mọi thứ đều có thể thực hiện được với một bộ máy vi xử lý đa tính năng cài đặt trong xe.
Tuy nhiên, cho dù cơ cấu và tính năng của xe ô tô đã và sẽ được cải thiện rất nhiều thì bản chất cơ bản của xe ô tô hầu như vẫn không thay đổi: bốn bánh xe, một động cơ và một khung xe vẫn sẽ là một mô hình chuẩn cho việc đi lại, vận chuyển trên mặt đất của con người. Tất cả những cải tiến là nhằm mục đích làm cho xe ô tô đạt được độ an toàn và tăng độ tin cậy lên mức cao nhất, nhưng bề ngoài của xe sẽ không khác nhau nhiều lắm. Theo quan điểm của một người rất chú trọng đến mặt thương mại, tôi tin rằng người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi những tiến bộ hơn nữa về khía cạnh tự động hóa, và kiểu dáng xe sẽ trở thành yếu tố chủ yếu trong sự lựa chọn của người tiêu dùng. Cải tiến kỹ thuật công nghệ là một điều được coi là tất yếu phải làm, và đó chính là một phần trong cuộc sống của chúng tôi.
Khi tôi mới bắt đầu lái xe ô tô, chính hành động đó dường như cũng là một loại kỹ thuật đặc biệt. Để qua được kỳ thi lấy bằng lái xe, tôi đã phải học để biết về những máy móc, động cơ và các bộ phận truyền động của xe. Ngày nay, người ta không cần thiết phải làm như vậy nữa. Khi xe gặp trục trặc, họ thường mang ra tiệm sửa xe. Đôi khi tôi cũng cảm thấy tiếc vì mình không thể sửa một cái động cơ ô tô, nhưng bù lại, tôi không phải mang xe lên trên một quả đồi rồi hì hục sửa suốt đêm để sáng hôm sau có thể lái xe đi làm. Tôi còn rất nhiều việc phải làm. Những người tầm tuổi tôi hoặc thậm chí trẻ hơn có thể vẫn nhớ rằng, trước đây, chúng tôi thường rất hay bị nổ lốp, nhưng ngày nay thì rất hiếm bị như vậy nữa.
Tôi còn nhớ trước đây, người ta thường phải thay thế những ống chân không cũng như các bộ phận khác của máy thu thanh và vô tuyến truyền hình, tôi cũng nhớ ở các cửa hàng bách hóa ở Mỹ thường có những máy móc để kiểm tra những ống chân không mà khách hàng nghi ngờ là bị hỏng, và khách hàng có thể mua đồ thay thế nếu cần thiết. Với sự ra đời của tranzitor, đi ốt, chất bán dẫn, mạch tổ hợp và dây chuyền lắp ráp hoàn thiện hơn, những việc này không còn tồn tại nữa. Bên cạnh những vật liệu mới bền hơn, có độ tin cậy hơn, chính những máy hàn tự động, những dụng cụ kiểm tra chất lượng tinh vi hơn là yếu tố làm giảm đáng kể nhu cầu về dịch vụ sửa chữa.
Nhưng khi chất lượng cũng như độ tin cậy của sản phẩm mới và tiến bộ kỹ thuật đã trở thành thông thường thì những nhà sản xuất công nghiệp như chúng tôi lại phải đối mặt với thách thức mới, đó là phải chế tạo được những sản phẩm mới hấp dẫn để thu hút khách hàng. Thực vậy, nếu chúng tôi không luôn luôn cải tiến sản phẩm thì chúng tôi khó có thể tồn tại được trên thương trường, và điều đó đòi hỏi kỹ thuật công nghệ mới.
Nhờ kỹ thuật la-ze sử dụng trong các máy quay đĩa compắc loại mới mà thứ âm nhạc được ghi phát lại người ta có thể nghe ngay tại nhà riêng của mình được coi là chính xác nhất từ xưa đến nay. Kỹ thuật làm đĩa compắc bằng nhôm tráng chất dẻo, ghi thông tin trên đĩa bằng tia la-ze (mà không cần phải để kim máy hát chạy trên các đường rãnh như trong ghi âm kiểu cũ) đã mở ra một thời đại mới và thính giả có thể nghe thấy những âm thanh giống y như khi các nhạc công chơi nhạc sống vậy. Tất cả những gì ta nghe thấy chỉ còn là âm nhạc, không còn có những tiếng sột soạt khi băng ghi âm bị xước và bụi bẩn và những tạp âm trong quá trình thu thanh. Nhạc trưởng Herbert von Karajan có những ấn tượng rất sâu sắc về tiến bộ đó, cho nên ông đã cùng tôi ra mắt các nhà báo quốc tế ở Salzburg rồi sau đó ở Tokyo để giới thiệu sản phẩm mới này và tầm quan trọng của nó trước khi đem bán rộng rãi trên thị trường cũng như trong các cửa hiệu bán máy hát và đĩa compact.
Một vài bạn đồng nghiệp trong ngành điện tử nói rằng tia la-ze là một trong những phát minh lớn nhất của thế kỷ, có tầm quan trọng không kém tranzitor, mạch tích hợp và những tổ hợp vi điện tử gần đây. Không có gì nghi ngờ là kỹ thuật la-ze đã làm thay đổi và sẽ còn tiếp tục làm thay đổi cuộc sống của loài người trong nhiều thập kỷ tới. Ứng dụng kỹ thuật la-ze đầu tiên và hiệu quả nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và y học. Việc sử dụng tia la-ze trong phẫu thuật thực sự là một bước nhảy vọt so với trước đây, khi các nhà phẫu thuật chỉ có thể sử dụng con dao mổ mà thôi. Những người nhìn xa trông rộng đã đưa
la-ze từ phòng thí nghiệm và bệnh viện ra phục vụ cho đời sống hàng ngày. Ngày nay người ta sử dụng la-ze trong các thiết bị số, thiết bị quang học và nghe nhìn. Việc sử dụng la-ze giúp cho con người tạo nên những âm thanh tối ưu và những hình ảnh sắc nét, nhưng đây mới chỉ sự mở đầu cho một cuộc cách mạng trong lĩnh vực đồ gia dụng, la-ze sẽ là chiếc chìa khóa mở cửa một loạt các thiết bị, từ thiết bị báo động khi có trộm đến các hệ thống thông tin và chỉ huy.
Sử dụng la-ze để đọc một đĩa kỹ thuật số là một tiến bộ trong lĩnh vực lưu trữ vì với một đĩa nhỏ có đường kính khoảng 4,7 inch (1 inch = 2,54cm), người ta có thể ghi được một lượng thông tin tương đương với khoảng 275.000 trang giấy. Toàn bộ cuốn từ điển bách khoa Grolier có thể được chứa đựng trong một chiếc đĩa nhỏ, và chỉ cần ấn nút trên bàn phím là bạn có thể đến được bất cứ trang nào bạn muốn trong cuốn từ điển đó. Ngày nay, có thể đưa tất cả lượng thông tin cần thiết vào một chiếc đĩa và lưu trữ cho đến khi cần dùng. Điều này giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, các thư viện cũng như những nhà xuất bản. Đối với các đơn vị kinh doanh, ứng dụng loại đĩa này thật sự là không có giới hạn, họ có thể lưu các dữ kiện về hàng hóa tồn kho cũng như lượng thông tin khổng lồ thuộc mọi lĩnh vực và có thể lấy ra sử dụng bất cứ khi nào.
Loại thiết bị này còn có một ứng dụng tuyệt vời nếu nó là một bộ phận của máy vi tính được nối bằng đường dây điện thoại tới bất kỳ trung tâm cung cấp dữ liệu nào trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ ứng dụng kỹ thuật la-ze, máy vi tính và các phương tiện thông tin liên lạc ở bề rộng chứ chưa đi vào chiều sâu.
Masao, con trai tôi, hiện đang phụ trách các loại máy tính dùng cho gia đình và cá nhân ở tập đoàn Sony, đôi khi tỏ ra sốt ruột khi thấy những người lãnh đạo cao nhất tập đoàn chưa chú trọng đầy đủ đến mặt hàng này. Cháu tâm sự với tôi: “Con đang cố gắng đưa ra những ý tưởng mới nhằm đưa máy tính vào sử dụng trong gia đình, nhưng đây là một việc làm khó. Người ta thường mường tượng một máy tính đơn độc với một ổ ghi và một bàn phím chẳng khác gì một cái máy đánh chữ. Có thể sẽ khó thuyết phục mọi người là họ cần phải có riêng một bộ máy tính, nhưng một chiếc máy tập hợp và xử lý thông tin lại là một điều hoàn toàn khác, và đó chính là mục tiêu của tập đoàn chúng ta”.
Hầu như ai cũng có ti vi và điện thoại, nếu như họ có thêm một chiếc máy tính, chỉ cần cài thêm một số phần mềm, họ sẽ có cả một hệ thống thông tin. Không còn nghi ngờ gì là đây sẽ là xu hướng của toàn thế giới.
Đôi khi, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy rằng ngày nay, những người trẻ tuổi cấp dưới nhiều khi lại chỉ trích chúng tôi – những người lãnh đạo cao nhất công ty và có nhiều hiểu biết về kỹ thuật tiên tiến – rằng chúng tôi còn quá chậm chạp trong việc nắm bắt những công nghệ mới. Tôi cho rằng, trước kia chúng tôi cũng đã từng làm như vậy. Masao, con trai tôi nói rằng: “Một vài chục năm trước đây, những người lớn tuổi trong một công ty thường là người truyền kinh nghiệm và bí quyết làm việc cho những người trẻ hơn. Những nhà quản lý lớn tuổi hiểu biết rất rõ về kỹ thuật công nghệ và thường được coi là thần tượng.
Nhưng ngày nay, một vài người trong số nhân viên của chúng con dù vừa mới tốt nghiệp đại học nhưng lại hiểu biết rất rộng về công nghệ kỹ thuật số hơn hẳn những người thuộc thế hệ trước, và họ lại truyền những hiểu biết đó ngược lại cho những người lớn tuổi. Đây là một sự phát triển hoàn toàn mới”.
Một trong những thế mạnh của tập đoàn Sony là chúng tôi không áp dụng một cơ chế cứng nhắc đến nỗi cho phép hội chứng NIH (Not Invented Here – không phải là phát minh ở đây) được áp dụng. Cụm từ này ám chỉ sự miễn cưỡng của một số nhà quản lý khi họ phải chấp nhận ý kiến nào mà họ cảm thấy chưa thật sự tin tưởng. Đây chỉ là căn bệnh của những công ty Nhật Bản truyền thống có cơ cấu cứng nhắc. Mặc dù ở tập đoàn Sony, một số sáng kiến tốt nhất là do những nhà quản lý cao niên nghĩ ra, nhưng chúng tôi đã tìm thấy sức mạnh chính ở những cán bộ cấp dưới và tìm mọi cách khuyến khích họ phát huy khả năng sáng tạo cũng như khen thưởng họ, và chúng tôi sẽ chú trọng đến vấn đề này nhiều hơn trong những năm tới. Những đột phá mà chúng tôi đạt được trong lĩnh vực công nghệ, từ tranzitor và Trinitron cho đến hệ thống vô tuyến truyền hình, đều là sáng kiến của những nhân viên trẻ kiên trì, miệt mài làm việc và học hỏi, tìm tòi sáng tạo.
Chúng tôi đang hướng tới việc chế tạo các hệ thống thông tin mới. Ở Mỹ, ăng ten đĩa vệ tinh đã được sử dụng khá phổ biến và điều này làm thay đổi các chương trình phát sóng, vì chỉ với một ăng ten parabol nhỏ người ta cũng có thể thu nhận được khối lượng thông tin khổng lồ từ những nguồn phát sóng khác nhau. Chính điều này sẽ khiến cho nhu cầu về đầu máy video hoặc thiết bị ghi đĩa la-ze để lưu giữ thông tin tăng lên. Nó sẽ có ảnh hưởng lớn không chỉ đến các chương trình phát sóng, đến những người làm chương trình mà còn ảnh hưởng đến cả những người làm quảng cáo nữa.
Một số công ty truyền thông cáp ở Mỹ bắt đầu thay đổi tần số các tín hiệu để những người sử dụng ăng ten đĩa vệ tinh nếu không có máy tách tín hiệu hợp pháp sẽ không thể nhận được hình ảnh. Tuy nhiên, biện pháp này không được hiệu quả vì những kỹ thuật điện tử cơ bản rất phổ biến, và những kỹ thuật viên khéo léo đã tìm ra cách chế tạo các loại máy tách tín hiệu trái phép.
Chúng tôi đã từng thấy, vào thời kỳ máy tính mới ra đời, nhiều người trẻ tuổi tài cao đã tìm cách đột nhập vào dữ liệu của những máy tính được bảo mật cẩn thận nhất, vì vậy, tôi tin rằng bí mật thông tin sẽ là một vấn đề lớn khi chúng ta bước sang thế kỷ thứ XXI, đặc biệt khi mà những loại máy tính nhỏ hơn có khả năng hoạt động với tốc độ rất nhanh và có thể thực hiện hàng nghìn phép tính chỉ trong vài giây.
Có thể nói hiện nay đĩa hát chuẩn bằng nhựa đen đang phải nhường chỗ cho đĩa compắc. Đây cũng là một sự thay đổi tất yếu, giống như loại đĩa hát quay 78 vòng/phút được thay thế bằng đĩa hát quay 33 vòng/phút.
Máy quay phim loại nhỏ dùng cho gia đình với cỡ băng 8mm chẳng bao lâu sẽ chỉ là loại máy chuẩn của những nhà quay phim nghiệp dư và bị thay thế bằng máy quay phim VHS và Betamovie sử dụng phim có kích cỡ lớn hơn.
Ngày nay, với một máy quay phim công suất lớn nhưng chỉ nhỏ đến mức có thể đặt trong một góc cặp của một tuỳ viên báo chí, cùng với một máy cát xét nhỏ hơn loại máy cá nhân cũng có thể thu được những hình ảnh sắc nét, thậm chí ngay cả khi quay trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đây cũng chỉ là một sự phát triển giống như sự chuyển đổi từ máy ảnh chụp cảnh tĩnh với phim nằm trong khuôn sang máy quay phim 35mm hiện đang được sử dụng rất rộng rãi. Nhưng những máy quay phim 35mm sẽ được thay thế bằng loại máy không cần phim Mavica của chúng tôi. Máy Mavica sử dụng một loại thiết bị nạp điện để số hóa các hình ảnh thu được vào một đĩa tròn nhỏ không xử lý bằng hóa chất. Mavica và các loại máy quay không dùng phim tuy chưa được bán rộng rãi trên thị trường nhưng đã được sử dụng làm công cụ nghề nghiệp hữu hiệu, như dịp Asahi Shimbun quay những hình ảnh của thế vận hội Thái Bình Dương. Và càng ngày, người ta càng thấy rõ sự đa năng của loại máy này.
Về mặt hàng video, chúng tôi hiện có ti vi với độ phân giải cao, với 1.125 dòng quét, (so với 525 dòng quét ở Mỹ và 626 dòng quét ở châu Âu), do đó hình ảnh phát ra có độ nét và chất lượng cao giống như ảnh chụp tĩnh. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không chỉ cung cấp cho các gia đình loại ti vi phát ra được hình ảnh đẹp nhất và gây ít tác hại nhất cho người xem, mà chúng tôi còn tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này. Những máy ti vi thông thường có độ sáng quá thấp, không đủ cho các bộ phim. Với những tiến bộ mà tập đoàn Sony đạt được, sẽ đến một ngày máy quay phim truyền hình và băng video thay thế cho các máy quay phim 35mm cỡ lớn và cũ kỹ, cũng như các máy quay điện tử sử dụng băng hình nhỏ thu lượm tin tức đã thế chỗ cho máy quay phim 16mm mà đoàn làm phim dùng để lấy tin tức cho chương trình truyền hình, và giống như máy video U-matic thay thế máy chiếu phim 16mm tại các đài phát sóng.
Đạo diễn Paul Shrader đã dùng băng video quay một đoạn trong phim Mishima để thử nghiệm và ông rất hài lòng với kết quả thu được. Không giống như phim thông thường phải xử lý bằng hóa chất, băng video sau khi quay có thể được chiếu lại ngay lập tức trên màn ảnh. Một số đạo diễn thường quay một cảnh phim rồi cho chiếu lại ngay sau đó để xác định xem có nên quay lại cảnh này hay không, nhờ vậy mà họ tiết kiệm được rất nhiều. Đạo diễn Francis Ford Coppola ước tính ông có thể giảm tới 30% chi phí sản xuất phim nếu sử dụng băng video chưa kể đến tiết kiệm về mặt thời gian. Tuy hình ảnh thu vào băng video chưa thể chiếu thẳng lên các màn hình khổ lớn và cần phải chuyển thành phim, nhưng những khả năng to lớn của phim video đã kích thích các kỹ thuật viên ở Nhật Bản cũng như ở các nước khác trên thế giới. Hiệu ứng đặc biệt, lồng tiếng, tách âm thanh và xóa hình ảnh được thực hiện dễ dàng hơn khi xử lý băng bằng điện tử. Sử dụng kỹ thuật điện tử và kỹ thuật số bạn có thể làm cho một siêu nhân bay được mà không cần đến dây buộc. Tôi tin rằng trước khi bước sang thế kỷ mới XXI, công nghệ của Sony sẽ được sử dụng rộng rãi trong ngành điện ảnh.
Những ai đã từng xem các hình ảnh chuyển động chậm về Thế vận hội năm 1984 sẽ hiểu rõ hiệu quả của máy video siêu đẳng do tập đoàn Sony chế tạo dựa trên công nghệ truyền hình với độ phân tích cao. Với loại máy này, người ta có thể đạt được những hình ảnh với tốc độ chuyển động chậm chỉ bằng 1/3 tốc độ thông thường và không bị nhoè.
Năm 1984, tập đoàn Sony đã được tặng giải thưởng Emmy cho những tiến bộ khác về mặt công nghệ trong lĩnh vực chế tạo video, và tôi đã vinh dự thay mặt cho công ty nhận giải thưởng là một máy video với tốc độ cao, có khả năng thu giữ hình ảnh đặc biệt thích hợp cho việc lập đồ thị trên máy tính. Đây là lần thứ tư chúng tôi được tặng giải thưởng này (lần thứ nhất dành cho máy Trinitron vào năm 1973, lần thứ hai dành cho máy U-matic năm 1976 và lần thứ ba cho băng 1 inch ghi hình quét theo đường xoắn ốc vào năm 1979). Năm 1985, tạp chí Billboard tặng cho tập đoàn Sony phần thưởng Trendsetter dành cho loại máy quay đĩa compact D-5. Tại Triển lãm khoa học năm 1985 tổ chức tại Tsukuba – Nhật Bản, chúng tôi còn trưng bày máy JumboTRON với màn ảnh khổng lồ có kích cỡ 82×31 foot (1 foot = 0,3048 m), và đã bắt đầu lắp đặt những kiểu máy đó với màn ảnh nhỏ hơn ở Mỹ. Chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất các máy thu thanh, kể cả loại mỏng nhất thế giới AM – FM độ dày chỉ có 4 mm và nặng có 33 gam, tức là chỉ hơn 1 ounce (ao-xơ) một chút. Hiện nay chúng tôi đang cung cấp cho rất nhiều công ty ở Mỹ (như Công ty Vật liệu điện Monsato), ở Nhật Bản và ở Italy giải pháp công nghệ mới MCZ sản xuất tinh thể silic chất lượng cao dùng cho các tổ hợp vi điện tử lớn. Chúng tôi cũng đang thỏa thuận với Công ty Điện tử vũ trụ RCA để tập đoàn Sony quảng bá các vệ tinh thông tin tại Nhật Bản, và chúng tôi cũng đã chiếm được thị phần ở thị trường Bắc Mỹ cho mặt hàng linh kiện máy tính, ti vi và công nghệ thông tin.
Thực vậy, khi hướng về thế kỷ tới, tôi cho rằng chúng tôi đang sử dụng những công nghệ có rất nhiều hứa hẹn đảm bảo cho sự sinh tồn của con người. Ở tập đoàn Sony, chúng tôi không có loại kỹ thuật chuyên dụng cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, cho dù có rất nhiều công ty Nhật Bản đã đầu tư cho lĩnh vực này. Một số bộ phận của máy bay phản lực khổng lồ Boeing đã bắt đầu được chế tạo tại Nhật Bản, việc thiết kế và chế tạo các loại động cơ mới đang được tiến hành nhanh chóng với sự hợp tác của nhiều công ty Anh và châu Âu. Sang những năm 1990, tên lửa đẩy 3 tầng mới thuộc loại H sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng để đẩy các loại vệ tinh nặng 2 tấn lên quỹ đạo địa tĩnh. Phải nói rằng chuyên môn đặc trưng của chúng tôi là lĩnh vực điện tử quang học, kỹ thuật số, kỹ thuật video và la-ze. Những lĩnh vực này sẽ đưa tập đoàn Sony đi tới đâu, việc đó còn nằm trong mường tượng của chúng tôi, nhưng tôi không nghĩ là có một công ty nào khác cũng đang tập trung vào tất cả các lĩnh vực này như chúng tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn luôn nhắc nhở các đồng nghiệp của mình rằng có nhiều công ty cũng đang đi vào các lĩnh vực này, và công ty nào có công nghệ tốt nhất sẽ chiếm được thế thượng phong. Không nên nghĩ một cách đơn giản là Sony đang nắm trong tất cả những công nghệ này, thế là mọi việc đều ổn cả. Mà một khi đã có lợi thế đó thì phải tìm biện pháp để mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng tôi đã đầu tư hàng tỉ yên cho việc Nghiên cứu và Phát triển (R&D), có nhiều công ty đã theo dõi, trông chờ chúng tôi đi tiên phong trong lĩnh vực này để lợi dụng vốn đầu tư của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm khác được. Tôi không có ý định than phiền với ai cả. Chúng tôi đã từng hãnh diện về khả năng của mình trong những lĩnh vực quan trọng đó, và hiện nay, ban quản trị phải xem xét nên làm gì và làm như thế nào trong vòng 15 năm tới. Nếu như không thể thu hoạch được trái ngọt từ vườn cây tươi tốt như thế này thì thực sự là chúng tôi quá kém cỏi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.