Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

3.



Trong tháng Bảy và tháng Tám năm 1945, các cuộc ném bom vào Tokyo và Yokohama hầu như diễn ra suốt ngày đêm. Chúng tôi có thể thấy rõ những máy bay ném bom lớn B-29 màu trắng bạc bay qua đầu sau khi trút hết bom tàn phá đất liền và những cụm pháo chống máy bay bắn trả. Đôi khi, từ cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy tận mắt một chiếc B-29 bị trúng đạn pháo
cao xạ rơi xuống biển. Ban đêm, ánh đèn pha quét ngang dọc bầu trời để phát hiện máy bay Mỹ còn vỏ đạn pháo cao xạ rơi khắp mọi nơi. Trong những vụ oanh tạc, chúng tôi thường cảm thấy mặt đất rung chuyển nhưng rồi chúng tôi cũng vẫn ngủ yên sau mọi trận ném bom. Tôi nghĩ rằng mình không nên thú nhận như vậy, nhưng nhiều năm đã trôi qua kể từ sự kiện đó, nên bây giờ, tôi nghĩ các đạo luật về sự hạn chế đã hết hiệu lực.
Điều làm tôi suy nghĩ và lo lắng nhất là giới quân sự không chịu chấp nhận thất bại trong cuộc chiến tranh này dù cho tình thế tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa. Bán đảo Miura, nơi chúng tôi đóng quân, rồi sẽ trở thành một chiến trường đẫm máu, một nơi tử thủ cuối cùng của những kẻ cuồng tín quân sự.
Chúng tôi cũng được biết một kế hoạch tấn công Nhật Bản mang tên “Olympic”, có những cuộc đổ bộ của các lực lượng đồng minh xuống Kyushu, một hòn đảo chính nằm ở phía cực nam nước Nhật. Nhưng chúng tôi biết rất rõ là có rất nhiều mục tiêu quân sự tập trung tại khu vực của chúng tôi nên khó có thể bỏ qua và điều tồi tệ nhất là nơi đây sẽ là một chiến trường ác liệt trên con đường quân đồng minh tiến vào Tokyo. Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử, tôi hiểu rằng chúng tôi đang rơi vào khủng hoảng. Những ngày sau khi Mỹ ném bom, nhiều quân nhân đã quyết định đi “công vụ” để thăm gia đình, nhưng riêng tôi, vì đang làm nhiệm vụ sĩ quan thường trực, tôi không thể bỏ đi mặc dù tình hình ngày càng trở nên lộn xộn và căng thẳng hơn. Một hôm, tôi nhận được lệnh đến thành phố Nagoya. Do gia đình tôi cũng ở gần đấy, nên tôi xin phép nghỉ một ngày để về thăm nhà. Đề nghị của tôi được chấp nhận.
Tôi nhớ là trước khi lên đường đi Nagoya, tôi có nói trước với các sĩ quan đồng nghiệp là trong khi tôi đi vắng, chiến tranh có thể sẽ chấm dứt. Nếu việc đó xảy ra, tôi nói thêm, không một ai có thể đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra với trạm nghiên cứu của chúng tôi, thậm chí bộ Hải quân có thể sẽ ra lệnh cho toàn bộ chúng tôi phải tự sát hàng loạt. Trong trường hợp đó, chắc chắn tôi sẽ không trở lại để cùng với họ thực thi lệnh tự sát đó. Câu nói đó thật ra không phải nói đùa và chẳng một sĩ quan nào của Hải quân Hoàng gia Nhật nên nói với cấp trên như vậy, nhưng tôi thấy mình phải nói điều đó. Một viên trung úy rất tức giận đã gầm lên “Trung uý Morita, anh nói gì vậy? Nếu anh không quay trở lại, anh sẽ bị truy tố về tội đào ngũ khi đối mặt với kẻ thù”. Đó là lời đe dọa tồi tệ nhất mà anh ta có thể nghĩ ra. Tôi quay lại phía anh ta và bình tĩnh nói: “Khi cuộc chiến tranh này chấm dứt, thưa trung uý, tội đào ngũ trước kẻ thù cũng sẽ chẳng còn tồn tại nữa”.
Sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ ở Nagoya, tôi vội vàng quay về quê hương tại làng Kosugaya, nơi gia đình tôi đang sống. Thành phố Nagoya và hầu hết tỉnh Aichi lúc đó là mục tiêu của các cuộc ném bom, đánh phá của lực lượng Không quân Mỹ vì ở đó có rất nhiều xí nghiệp công nghiệp, kể cả các nhà máy sản xuất máy bay, loại cường kích Zero nổi tiếng được chế tạo tại Nagoya và súng cao xạ. Cho đến tháng Bảy, các cuộc ném bom của không quân Mỹ đã phá huỷ và làm hư hỏng một nửa các công trình công nghiệp ở thành phố Nagoya. Những con số thống kê được đưa ra sau đó xác định là 32% số dân đã phải đi tản cư vì mất hết nhà cửa sau những trận bom. Dân thường sống trong thành phố không an toàn nên những người thấy mình không cần thiết ở lại thành phố đã lần lượt đi sơ tán, cũng giống như trường hợp gia đình tôi. Các cuộc ném bom đã khiến cho hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Thật ra, thành phố Nagoya bị thiệt hại còn ít hơn so với Yokohama, nơi 69% số dân bị mất nhà cửa, hoặc so với 58% ở Kobê hoặc Tokyo với con số là 46%. Điều này dẫn đến một gánh nặng cho người dân ở vùng nông thôn hay các thành phố nhỏ nơi có những người đi lánh nạn.
Người vợ tương lai của tôi lúc đó ở Tokyo cùng với cha mẹ và một người anh.
Những người khác trong gia đình cô đã sơ tán về quê với họ hàng. Tại Tokyo, cô và người thân thường tránh bom trong một cái hầm nhỏ bé xây ở vườn sau, nhưng một đêm, ngôi nhà cổ kính rất đẹp của họ bị bom cháy tàn phá nên họ buộc phải sinh sống ngay trong căn hầm chật hẹp đó suốt nhiều tuần liền bên cạnh đống gạch vụn trước đây là ngôi nhà. Căn nhà chứa khá nhiều sách vở cho nên cứ cháy âm ỉ mãi không tắt và Yoshiko đã lợi dụng những đống than hồng trong ngôi nhà cháy trụi để nấu ăn suốt nhiều ngày liền.
Đó là chiều ngày 14 tháng Tám, khi tôi gặp lại gia đình mình. Cuộc sum họp thật là đầm ấm nhưng cha tôi tỏ ra lo lắng. Ông nghĩ đến kết cục của cuộc chiến. Giống như hầu hết những người Nhật thời bấy giờ, từ nhiều tháng trước, ông đã cảm nhận được sự thất bại của cuộc chiến tranh mà nước Nhật đang tiến hành, nhưng ông không biết nó sẽ kết thúc ra sao và điều gì rồi sẽ xảy ra. Ông tâm sự với tôi rằng ông đang suy nghĩ xem có nên sơ tán đến một nơi khác xa xôi, hẻo lánh hơn không. Tôi nói rằng không cần phải tìm một nơi nào khác, bởi vì từ những điều tôi trông thấy, gia đình tôi đã an toàn, còn tương lai của mọi người làm sao mà biết được. Không ai có thể biết được người Mỹ sẽ làm gì nhưng tôi nói với cha tôi rằng cuộc chiến tranh này chẳng còn kéo dài nữa.
Chúng tôi đã nói chuyện cho đến quá nửa đêm và sau đó vì quá mệt, tôi đã ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng sớm ngày hôm sau, mẹ tôi đã đến đánh thức tôi dậy và tôi cảm thấy như mình chưa ngủ được chút nào. Với vẻ xúc động rõ rệt, mẹ tôi báo cho tôi biết là Hoàng đế Hirohito sẽ có một tuyên bố trên đài phát thanh vào buổi trưa. Đó là ngày 15 tháng Tám. Ngay cả việc thông báo là Hoàng đế sẽ có tuyên bố trước cả nước cũng đủ làm mọi người sửng sốt. Chắc phải có một sự kiện gì khác thường. Nhân dân Nhật chưa bao giờ được nghe Hoàng đế nói trên đài.
Thực vậy, dân thường không được nhìn Người khi Hoàng đế đi tuần du bằng xe hơi hoặc xe lửa, nhân dân ở hai bên đường phải quay mặt đi. Vì thế tất cả chúng tôi đều biết rằng một sự kiện lịch sử sắp diễn ra.
Vì là một sĩ quan hải quân, tôi đã phải mặc quân phục chỉnh tề, và đeo cả kiếm, đứng đợi nghe Hoàng đế tuyên bố trên đài phát thanh. Tuy đài phát còn có nhiều tạp âm xen vào, nhưng mọi người đều nghe rõ mọi lời tuyên bố của Hoàng đế được đọc với một giọng cao và nhỏ nhẹ.
Mặc dù người dân Nhật chưa bao giờ được nghe Hoàng đế nói, nhưng tất cả chúng tôi đều biết đó là Hoàng đế. Người sử dụng một loại ngôn từ rất cổ của triều đình và mặc dù có thể chưa hiểu hết mọi câu chữ nhưng chúng tôi đều hiểu toàn bộ nội dung của lời tuyên bố, nội dung đó làm cho mọi người hết sức sợ hãi nhưng cũng thấy như trút đi một gánh nặng.
Thế là chiến tranh đã qua đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.