Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

3.



Bằng cách đó, chúng tôi đã mở rộng các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Trong quá trình này, tôi luôn quan tâm đến những phản ứng của nước sở tại đối với khối lượng kinh doanh của chúng tôi, như ở Mỹ và ở Anh, chúng tôi thấy rằng, việc tạo thêm việc làm ở những nơi chúng tôi bán sản phẩm không những là điều hợp lý mà còn rất khôn ngoan. Đây là vấn đề chính của các nhà sản xuất của Nhật Bản ở nước ngoài. Thành công của họ trong việc chế tạo và marketing các sản phẩm tiêu dùng hấp dẫn đã gây ra rất nhiều vấn đề. Đôi khi, những người chỉ trích chúng tôi thường nói về tình trạng hàng Nhật Bản “tràn ngập” ở nước họ và than vãn là như thế thì họ khó mà cạnh tranh nổi. Đó là một vấn đề khá phức tạp, nhưng đã nhiều năm qua, chính tôi cũng chẳng vui gì với việc chúng tôi trở thành những nhà cung cấp duy nhất, hoặc chúng tôi thường vượt quá xa đến nỗi không một đối thủ nào ở nước ngoài có khả năng đuổi kịp.
Khi bắt đầu sản xuất máy ghi âm trên băng từ ở Nhật Bản, chúng tôi nắm trong tay tất cả các bằng sáng chế quan trọng và chiếm lĩnh tới 100% thị trường. Nhưng nếu cứ tiếp tục giữ độc quyền như vậy có thể dẫn chúng tôi tới thất bại. Chúng tôi bắt đầu cho phép các công ty khác sử dụng bằng sáng chế của Sony để sản xuất và như thế thị phần của chúng tôi chỉ còn 30%, nhưng lúc này thị trường đã lớn hơn rất nhiều. Chúng tôi cảm thấy không yên tâm khi không thấy có một nhà sản xuất nội địa của Mỹ nào trong lĩnh vực đầu máy video hay máy đĩa compact. Điều này làm tôi băn khoăn rất nhiều vì nếu có cạnh tranh, chúng tôi có thể mở rộng thị trường và đẩy nhanh việc chế tạo những mặt hàng mới. Nếu không có cạnh tranh, rất khó có động lực thúc đẩy cải tiến.
Thật tốt nếu được nói về vấn đề này với các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, nhưng đáng tiếc là luật chống độc quyền của Mỹ lại không cho phép những người đứng đầu các công ty đang cạnh tranh với nhau được gắp gỡ và bàn luận về các xu hướng tương lai và các vấn đề chung của họ. Ngược lại, ở Anh trong nhiều năm qua, chúng tôi vẫn làm việc này trong không khí rất thân thiện, hữu nghị. Ngài Thorneycroft, chủ tịch công ty Pye Electronics dẫn đầu phái đoàn Anh và ông Noboru Yoshii của Sony cầm đầu đoàn đại biểu đầu tiên của Nhật Bản.
Chúng tôi đã khởi xướng các hội nghị kiểu này vì tôi rất quan tâm đến nền công nghiệp một nước đã từng dẫn đầu khá lâu trong nền công nghiệp thế giới vào cuối những năm 60. Việc này càng trở nên quan trọng đối với tôi vào đầu những năm 70, khi chúng tôi bắt đầu công việc nghiên cứu về máy ghi băng video (VTR). Chúng tôi kết hợp với hãng Philips để cùng nhau thực hiện dự án đó. Đối với tôi, VTR là một sản phẩm tất yếu tiếp sau ti vi màu lúc đó đã tới đỉnh cao của nó. Tất nhiên, chúng tôi không phải là những người duy nhất nghiên cứu công nghệ mới. Nhiều công ty đã bắt đầu công việc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và có công ty đã gửi đơn xin công nhận bằng sáng chế đối với máy ghi. Mặc dù các nhà sản xuất Nhật Bản thấy khá rõ là VTR sẽ là một sản phẩm quan trọng, nhưng người Mỹ và châu Âu lại tỏ ra lưỡng lự. Chỉ có hãng Philips và một vài công ty khác tỏ ra quan tâm đến sản phẩm này. Hãng Philips dường như quá vội vàng khi đưa ra thị trường một loại máy không phù hợp với việc sử dụng trong gia đình và họ đã không thành công. Cuối cùng sản phẩm này thuộc về các công ty Nhật Bản. Chúng tôi đã hoàn thiện sản phẩm của chúng tôi và các công ty Nhật Bản khác cũng tiến bước theo sau. Sau đó, chính các công ty Mỹ trước đó đã không chịu bỏ công sức vào việc nghiên cứu cũng như đầu tư để đi vào thị trường này, đã bắt đầu tìm mua các sản phẩm OEM từ Nhật và một vài công ty trong số này đã lại than vãn với các nghị sĩ quốc hội Mỹ rằng hàng hóa Nhật Bản bắt đầu “tràn ngập” trên đất Mỹ.
Tôi đã cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp và đối thủ cạnh tranh của tôi rằng, để tránh các khó khăn về thương mại trong tương lai, chúng ta nên làm cho các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu hiểu rõ triển vọng tương lai và công nghệ hiện tại và phải dự đoán được nhu cầu của công chúng về các loại sản phẩm cụ thể trong thập kỷ tới. Với những kiến thức này, họ có thể tự mình tiến hành công việc R&D và sẽ có khả năng cạnh tranh. Nếu họ không thể cạnh tranh, họ cũng không có gì phải than vãn vì họ đã biết được những đánh giá của đối thủ cạnh tranh về xu hướng phát triển của thị trường.
Vậy nhu cầu của người tiêu dùng trong 10 đến 20 năm tới là gì? Tôi cảm thấy đây là điều mà các nhà quản lý chóp bu của các công ty cần quan tâm tới: xu hướng phát triển công nghệ trong tương lai, loại công nghệ nào sẽ có ích hoặc cần thiết và những tiêu chuẩn nào chúng ta cần nghĩ tới. Tôi cho rằng bàn bạc, thảo luận theo cách này chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà thôi.
Tôi đề xuất một cuộc họp như thế trong khi nói chuyện với Tử tước Etienne D’Avigno, lúc đó đang là phó chủ tịch Ủy ban Cộng đồng Châu Âu về các vấn đề công nghiệp. Ông đến thăm Tokyo và chúng tôi đã có dịp nói chuyện với nhau về các vấn đề thương mại và hợp tác trong công nghiệp. Tôi đã đưa ra một vài gợi ý. Tôi nói với ông là Nhật Bản đang nghiên cứu về các loại sản phẩm chưa có mặt trên thị trường trong khoảng 10 năm tới. Ví dụ về video, tôi nói: “Mười năm trước nhiều công ty ở Nhật đã nghiên cứu về video. Khi Sony chúng tôi ra mắt sản phẩm này, mọi người đều làm theo. Nhưng ngài hãy nhìn vào nền công nghiệp châu Âu lúc đó, hầu như không ai nào chịu nghiên cứu về video và vì vậy, không một công ty nào có loại sản phẩm đó bán ra thị trường khi các công ty Nhật đã đem bán video rộng rãi khắp nơi. Các nhà nhập khẩu của các ngài mua đầu máy video của chúng tôi với số lượng lớn nhưng sau đó lại tức giận la lối là hàng hóa của chúng tôi tràn ngập như mưa trút”.
Tôi nói với ông là tôi không muốn đào bới quá khứ, nhưng: “Các công ty của các ngài thật đúng là không biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng tôi đang suy nghĩ về phương hướng của 10 năm tới ngay từ bây giờ và ngành công nghiệp của các ngài cũng nên làm như vậy. Tại sao các ngài không chịu thu xếp với Nhật Bản để tổ chức các cuộc họp giữa những người đứng đầu các ngành công nghiệp hữu quan để cùng nhau bàn luận?” Ông đã đồng ý với tôi, cho đó là một ý kiến hay. Tôi cũng có dịp thảo luận với tiến sĩ Wisse Decker, lúc đó là chủ tịch hãng Philips, một hãng chế tạo đồ điện tử lớn nhất châu Âu. Ông ta cũng chia sẻ ý kiến của tôi.
Trở về Tokyo, tôi đã thảo luận ý kiến này với ông Shintaro Abe, một chính khách cấp cao, lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương quốc tế (MITI) và nêu rõ là không nên đả động đến giá cả hoặc thị phần trong các cuộc họp đó. Nhưng tôi cảm thấy một cuộc họp như vậy cần phải được chính phủ, chứ không phải các hiệp hội công nghiệp bảo trợ nhằm tránh mọi dính líu phức tạp đến luật chống độc quyền. Tôi đề nghị nên ghi âm các cuộc thảo luận và gửi cho các công ty không tham dự vào cuộc họp này. Abe đã chính thức đề nghị Keidanren (Hội liên hiệp các tổ chức kinh tế) tham gia thông qua một ủy ban hữu quan và họ đã đồng ý. Sau đó, Abe liên lạc với Tử tước D’Avignon và năm 1982, cuộc họp đầu tiên được được triệu tập ở Brussels. Cuộc họp thứ hai diễn ra ở Tokyo năm 1984 và cuộc họp thứ ba ở London năm 1985. Các cuộc họp này đã giúp chúng tôi hiểu nhau hơn. Nhưng tôi cũng chưa chắc chắn là nó có làm tổn hại đến các mô hình quan hệ truyền thống của giới kinh doanh ở châu Âu hay không.
Trước đây, một người bạn ở châu Âu có nói với tôi là, nếu anh có bản thảo của một cuốn sách hay và biết là nếu in anh có thể bán được 100 cuốn, thì nhà xuất bản ở châu Âu sẽ chỉ in 99 cuốn. In 101 cuốn sẽ trái với ý thức khuôn phép ở châu Âu. Quan điểm của người Nhật là như thế này: chúng tôi sẽ tiếp tục cho in thêm và bán được càng nhiều càng tốt. Càng in bao nhiều, giá càng rẻ bấy nhiêu và với giới thiệu và quảng cáo, chúng tôi có thể kích thích nhu cầu và ngày càng bán được nhiều sách hơn.
Quan điểm về kinh doanh của chúng tôi là, khi chúng tôi phát triển được một quy trình hay một thiết bị mới, chúng tôi muốn làm được một cái gì đó với nó. Nếu chúng tôi coi một phát minh chỉ đơn thuần là một bài tập của nhà trường thì nó ít có tác dụng đối với mọi người. Chúng tôi thấy cần thiết phải sử dụng công nghệ mới đó để làm ra các sản phẩm mà người dân có thể sử dụng.
Đây chính là lý thuyết ba sáng tạo của tôi: sáng tạo về công nghệ, sáng tạo về kế hoạch sản xuất và sáng tạo về marketing mà tôi đã có dịp nói đến ở trên.
Ngành công nghiệp điện tử có một thuận lợi đặc biệt: với những tiến bộ công nghệ, chúng tôi có thể tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới – các nhà sản xuất ô tô không thể làm được như chúng tôi, các nhà sản xuất nội thất hay các nhà chế tạo máy bay cũng không thể làm được như vậy. Chúng tôi có khả năng tạo ra những vật phẩm chưa từng có trước đó và thể hiện với người tiêu dùng là các vật phẩm đó có thể làm cho đời sống của họ thêm phong phú.
Nhưng tôi cũng phải nói rằng cuộc họp đầu tiên giữa các công ty cạnh tranh với nhau ở châu Âu đã có những lúc khá căng thẳng. Tại phiên họp thứ nhất, phía Nhật đưa ra những bản thuyết trình về các kỹ thuật công nghệ tương lai. Một đại biểu châu Âu đã cắt ngang: “Xin một phút, các ông chẳng nói gì về ngành điện tử dân dụng cả mà toàn nói về công nghệ cao. Thật chẳng có gì dính dáng tới người tiêu dùng cả”.
Tôi trả lời ngay ông ta: “Ồ, đó chính là mấu chốt của sai lầm. Các ông sẽ thấy điều mà ngày nay các ông gọi là công nghệ cao trong 10 năm nữa sẽ biến thành những vật dụng cho người tiêu dùng”. Ông ta còn chưa chịu và hỏi thêm:
– Ông nói trong 10 năm tới công nghệ cao và ngành công nghiệp tiêu dùng sẽ trở thành một ngành duy nhất phải không?
– Không, không hoàn toàn như vậy. Trong 10 năm tới, những gì mà chúng ta gọi là công nghệ cao sẽ khác hẳn với công nghệ cao của ngày hôm nay. Vì thế, cái chúng ta gọi là công nghệ cao hôm nay chẳng bao lâu sẽ trở thành công nghệ thông dụng, phục vụ rộng rãi cho người tiêu dùng, hay nói thẳng ra là những khách hàng của chúng ta. Chỉ vài năm trước đây thôi, không ai có thể hình dung được là họ sẽ sử dụng tia la-ze trong gia đình.
Qua những trao đổi tại phiên họp này, tôi nghĩ là họ đã hiểu ra vấn đề, cho nên các cuộc họp sau đã diễn ra suôn sẻ hơn. Tôi nhấn mạnh nhiều lần là ngành công nghiệp cần phải thúc đẩy thương nghiệp thông qua công nghệ mới và những người chủ của công nghệ cần phải phổ biến nó thông qua việc trao quyền sản xuất cho các công ty khác. Ngay trong trường hợp đĩa compact, Sony và Philips đã cùng đồng ý trao quyền sản xuất cho nhiều người khác nữa. Và chính vì thế, công việc kinh doanh về mặt hàng này đang được mở rộng, mặc dù có chậm hơn mức cần thiết do có sự ngần ngại ban đầu của một số giám đốc nhút nhát. Tôi cũng khuyến khích các nhà sản xuất thuộc các ngành công nghiệp khác tập trung vào nghiên cứu và phát triển như chúng tôi và mời họ cùng chúng tôi tạo ra một thị trường phát triển. Chúng tôi không nhận được nhiều hưởng ứng từ phía Mỹ và châu Âu, nhưng thực sự chúng tôi đã học được điều này từ Mỹ và Châu Âu, trong khi họ đã quên đi những bài học của chính mình.
Một ví dụ khác về những cản trở cho việc mở rộng thương mại là thứ thuế đơn nhất được ghi rõ trong sách luật ở một số bang của Mỹ. Thứ thuế này đòi hỏi một công ty con của một công ty ở nước ngoài phải báo cáo thu nhập của công ty mẹ trên toàn thế giới và được xem xét để tính thuế trên cơ sở toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ chứ không chỉ tính trên phần hoạt động được thực hiện tại bang đó. Mang nộp toàn bộ giấy tờ sổ sách kế toán này đã là một việc quá tốn kém, và đóng những khoản thuế cao cho một chi nhánh đang bị thua lỗ ngay cả khi công ty mẹ đang làm ăn có lãi là một điều không được công bằng, hợp lý lắm.
Tôi luôn nghĩ các nhà kinh doanh phải đóng thuế và tuân thủ mọi luật lệ của nước chủ nhà. Nhưng tôi cho rằng thứ thuế đơn nhất này, do ông Edmund Brown đề ra khi còn là thống đốc bang California, là một đòn đánh vào các nhà kinh doanh nước ngoài. Một số bang khác ở Mỹ cũng đã thông qua các đạo luật tương tự hoặc đang có kế hoạch áp dụng sắc thuế này. Một vài người trong Keidanren chúng tôi đã quyết định phải lên tiếng về vấn đề này. Một cuộc điều tra trong các công ty hội viên của Keidanren cho thấy khoảng 170 trong số 870 công ty đã có kế hoạch hoặc đang nghiên cứu việc mở rộng kinh doanh sang Mỹ, nhưng sắc thuế đơn nhất này đã làm nhiều nhà đầu tư tiềm năng phải tính toán lại trước khi quyết định thành lập nhà máy ở Mỹ.
Trong khi đó, có khoảng 20 đại diện các bang Mỹ có văn phòng giao dịch ở Tokyo và chúng tôi đã nói chuyện với họ về những suy nghĩ của chúng tôi khi muốn đầu tư các trang thiết bị vào Mỹ. Chúng tôi cũng thẳng thắn nói cho họ biết, chúng tôi thống nhất ý kiến với nhau là thứ thuế đơn nhất là một rào cản đầu tư và như thế có nghĩa là sẽ không có thêm công ăn việc làm hoặc hợp đồng xây dựng hoặc bất kỳ một nguồn thu thuế mới nào cho các bang. Chúng tôi đã viết thư trình bày ý kiến cho các thống đốc các bang có thứ thuế đơn nhất và vị nào cũng mời chúng tôi đến thăm bang của họ. Năm 1984, chúng tôi lập ra ba phái đoàn đi thăm Mỹ không phải với tư cách một lực lượng phản đối thuế đơn nhất mà là “một ủy ban điều tra của Keidanren về môi trường đầu tư”. Chúng tôi chia nhau đi thăm được 23 bang, tức là gần một nửa nước Mỹ.
Nhóm của tôi đi đến những bang gay cấn nhất, trong đó có Oregon, Indiana và California.
Thật hết sức ngạc nhiên là các bang đó đã tiếp đón chúng tôi rất nồng nhiệt, mặc dù khi ở Washington, chúng tôi đã nghe thấy khá nhiều chỉ trích của họ.
Ở Oregon, ông thống đốc bang cho tuyên truyền rộng rãi về chuyến thăm của chúng tôi qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả truyền hình. Bang này còn sử dụng 5 chiếc trực thăng đưa chúng tôi đi thăm các khu vực có thể đặt nhà máy và để xem phong cảnh xung quanh. Họ đối đãi chúng tôi như những thượng khách.
Tôi được yêu cầu phát biểu tại mỗi nơi dừng chân. Điểm chủ yếu mà tôi cố gắng trình bày ở tất cả những nơi này là chúng tôi đang làm hết sức mình để thúc đẩy thương mại thế giới và giảm bớt sự mất cân đối trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản một cách thiết thực. Tôi nói với họ rằng, khi chế tạo sản phẩm trên đất Mỹ thì tất nhiên hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ giảm và nhiều việc làm được tạo thêm ở Mỹ. Điều này có nghĩa là các bang sẽ thu được thêm nhiều thuế và như thế, đó là một điều tốt đáng được tất cả chúng ta hoan nghênh vì có lợi chung cho cả hai bên.
Tôi nói ở bang Orgon như sau: “Ủy ban của chúng tôi có mục đích thúc đẩy đầu tư. Thật là bất tiện nếu từng công ty phải đi sang Mỹ để điều tra về khả năng này, vì thế chúng tôi quyết định sẽ tổng hợp những gì chúng tôi thấy và báo cáo lại cho các công ty hội viên. Cho nên, tôi đề nghị các ngài cung cấp cho chúng tôi càng nhiều thông tin càng tốt. Về mặt này, tôi cần được biết ý kiến của các ngài về việc áp dụng thuế đơn nhất”. Tôi nói thẳng rằng đó là một thứ thuế không hợp lý.
Ông thống đốc bang Oregon Victor Atiyeh quay sang tôi và nói: “Tôi xin chia sẻ những suy nghĩ của ông về thứ thuế đơn nhất này. Tôi sẽ ủng hộ những gì ông nói, vậy xin ông hãy tiếp tục tìm cách đòi hủy thứ thuế đó”. Ông ta nói luật của Oregon nhất định sẽ được sửa đổi. Nhưng tôi nói với ông: “Lời nói của ông chưa đủ đảm bảo là thứ thuế đó sẽ bị loại bỏ vì tôi biết rằng ông còn phải nhận được sự đồng tình của ban lập pháp nữa. Tôi chưa thể báo cáo lại, với tư cách là trưởng nhóm này, rằng ông thống đốc bang Oregon đề nghị hãy tin ông ta là thứ thuế này sẽ không được áp dụng nữa”. Có lẽ tôi đã đánh giá thấp vai trò của vị chính khách bang Oregon này, nhưng trên thực tế, thuế đơn nhất ở Oregon đã được bãi bỏ không lâu sau chuyến thăm của chúng tôi.
Phải nói là chuyến đi Mỹ của chúng tôi đã đạt được nhiều thành công và ngày nay, chỉ còn California là còn cố bám giữ thứ thuế này. Họ là người khởi xướng ra thứ thuế đó, cho nên họ sợ mất mặt nếu loại bỏ nó. Cựu thống đốc Brown vẫn tỏ ý tin tưởng thứ thuế này là đúng và hợp lý. Ông còn nói ông biết chắc là các công ty lớn không muốn có thứ thuế này vì họ không muốn nói thật về tình hình kinh doanh của họ. Sự thật đơn giản hơn nhiều: các công ty đều không cho rằng thứ thuế này là công bằng và cũng không muốn trả tiền thuế dựa trên một tính toán không công bằng về lợi nhuận của họ chỉ để đổi lấy cái gọi là đặc quyền tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy môi trường kinh doanh ở nước ngoài. Ngài thống đốc bang California hiện nay, ông George Deukmejian tuyên bố, theo quan điểm lâu dài, thuế đơn nhất không có lợi đối với California. Nhưng thứ thuế này, cho tới thời điểm tôi viết cuốn sách này, vẫn chưa được bãi bỏ.
Ở một vài bang, như Massachusetts chẳng hạn, luật về loại thuế này cứ nằm im trong văn bản chứ chưa bao giờ được áp dụng trên thực tế và phái đoàn Keidanren khi tới thăm các bang này đều không nêu yêu cầu bãi bỏ thứ thuế này. Nhưng vào địa vị tôi, chắc chắn tôi đã phải yêu cầu như vậy vì tôi muốn được đảm bảo chắc chắn là sẽ không có sự mập mờ nào về vấn đề này. Không ai có thể biết trước những xoay chuyển trong chính trị hay trong tình cảm công chúng. Ở Mỹ, từ lâu tôi đã hiểu là cần phải ghi thành văn bản và lấy đủ chữ ký.
Vào giai đoạn cuối của chuyến công du, khi chúng tôi đến thăm các bang New Jersey và Missouri, tôi đã tách ra khỏi đoàn và bay đến Washington với một đồng nghiệp trong phái đoàn Keidanren. Chúng tôi đến Nhà Trắng, ở đó chúng tôi được Phó Tổng thống George Bush tiếp và sau đó được mời vào gặp tổng thống. Chúng tôi chụp ảnh chung với tổng thống và ông mời chúng tôi cùng ngồi vào đàm luận. Tôi mở đầu câu chuyện bằng việc trình bày mục đích của phái đoàn Keidanren sang thăm Mỹ lần này là để tìm hiểu môi trường đầu tư và nói thêm là các doanh nghiệp Nhật Bản đã quyết định chủ động cân bằng thương mại giữa hai nước. Tổng thống hỏi: “Có phải các ông đang quan tâm đến thứ thuế đơn nhất không?”
Tôi nói: “Phải, quả đúng là như vậy, thưa tổng thống” và tôi giải thích thêm vấn đề này đã được giải quyết ra sao tại một số bang. Tôi có mang theo bản cam kết đã được ký ở bang Indiana. Tôi nói: “Đó là kết quả đã đạt được”. Vì tôi biết rõ là thống đốc, phó thống đốc và nhiều quan chức khác ở Indiana là người thuộc Đảng Cộng hòa, nên tôi nói thêm: “Những vị này rất tốt” và mọi người đều cười rộ lên. Sau đó tôi lại nói: “Chắc sẽ có ngày bang California cũng làm như vậy”. Đây chính là bang quê hương của Reagan, nhưng tổng thống lặng im không nói gì.
Chúng tôi còn gặp Bộ trưởng Ngoại giao George Shultz, một người bạn quen từ lâu, ngay trong hành lang Nhà Trắng. Ông mời chúng tôi đến phòng làm việc của ông. Câu chuyện về thuế đơn nhất lại được bàn đến. Ông Shultz nói với chúng tôi: “Ở đây ai cũng biết là thuế đơn nhất gây nhiều phiền phức cho các ông, vậy tốt hơn hãy đến bang nào không có thứ thuế đó”.
Tôi đáp lại: “Đó là một ý kiến hay nhưng nó chẳng giúp gì cho công ty tôi cả, ông George ạ, vì khi chúng tôi vào bang California để tiến hành kinh doanh thì lúc đó họ chưa áp dụng loại thuế này. Ở Florida thì họ bắt đầu áp dụng nó khi chúng tôi đã kinh doanh được 1 năm. Nếu một bang thông qua một đạo luật sau khi chúng tôi đã đặt xong cơ sở kinh doanh thì chúng tôi còn làm gì được nữa. Chúng tôi thật chẳng bao giờ biết được những gì sẽ xảy ra sau đó”.
Ông Shultz cười và nói: “Này ông Akio, tôi có lời khuyên là lần sau ông có xây dựng nhà máy, ông nên đặt thêm bánh xe ở phía dưới. Hãy đặt tên chúng là ‘bánh xe đơn nhất’”.
Khi trở về Nhật Bản, mọi người trong Keidanren đều rất phấn khởi và ngạc nhiên trước những kết quả mà phái đoàn chúng tôi đã đạt được về vấn đề thuế đơn nhất. Tôi nghĩ là chúng tôi đã đóng góp vào việc tăng cường đầu tư vào Mỹ bằng cách tạo nên ở đó một bầu không khí mến khách hơn. Đồng thời, các công ty ngoại quốc cũng có những điều kiện dễ dàng hơn để đầu tư, sản xuất, chế tạo và kinh doanh ở Nhật Bản. Như vậy là rất hợp lý. Ngày càng nhiều công ty Nhật sang làm ăn tại Mỹ và châu Âu, nhưng họ vẫn còn lo ngại về tương lai cũng như chế độ bảo hộ ở các nước đó; chế độ này dường như vẫn là điểm nương tựa đầu tiên của những ai có khó khăn về mặt thương mại.
Trong một môi trường luôn luôn thay đổi với những giao tiếp mang tính quốc tế, mọi người cần phải học cách nói thành thật và biết điều với nhau.

Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn để hiểu được những thực tế về quan hệ thương mại giữa chúng ta, không bỏ qua những tranh chấp cũng như không cho phép chúng mau chóng trở thành những vấn đề nhuộm màu sắc chính trị.
Vì một cuộc chiến tranh về thương mại là một điều không thể tưởng tượng nổi trong thế giới ngày nay, mỗi một quốc gia đều phải đối mặt với những thay đổi đòi hỏi phải đi tới những quyết định khó khăn. Nhật Bản hiện nay đang trải qua giai đoạn điều chỉnh vất vả để định hướng lại cho nền kinh tế trước kia chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Các quốc gia khác cũng đã vấp phải những vấn đề kinh tế của riêng họ và chắc chắn còn nảy sinh nhiều vấn đề khác nữa. Chúng ta sẽ phải học cách chia sẻ khó khăn nếu chúng ta muốn điều chỉnh hệ thống kinh tế thế giới sao cho phù hợp với những thực tế mới và công bằng hơn.
Hệ thống kinh tế thế giới đã tuột ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta; các nền kinh tế của chúng ta ngày càng bị đặt dưới sự chi phối của các nhà tư bản tài chính cơ hội. Nhiều công ty đã trở thành đối tượng mua bán, trao đổi của các nhà buôn tiền tệ và các tập đoàn lớn và lâu đời đang gặm dần hết vốn cố định để kiếm cho nhanh các khoản lợi nhuận trước mắt. Một vài nước đang phải chịu gánh nặng về nợ nước ngoài và không có hy vọng trang trải nổi. Và do có một số nhà công nghiệp đang đầu tư vào trò buôn bán tiền tệ mà không đầu tư vào tương lai, cho nên khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp thiết yếu của một số nước đã giảm sút khá nhanh. Không một loại hoạt động nào nói trên có thể giúp chúng ta xây dựng một thế giới tốt đẹp và bền vững hơn, một thế giới như chúng ta hằng mong muốn.
Đã đến lúc cả thế giới đoàn kết lại để thay đổi tình hình. Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và cũng hơn 4 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Quỹ Tiền tệ quốc tế họp tại Bretton Woods, giúp thiết lập một thế giới tự do trên con đường xây dựng kinh tế mà qua đó, chúng ta đã giành được khá nhiều thắng lợi. Ngày nay, chúng ta cần phải xây dựng một hệ
thống kinh tế hiện đại giúp chúng ta tiếp tục tồn tại. Những người đứng đầu các chính phủ và quốc gia, với sự ủng hộ của khu vực tư nhân, cần phải nhận lấy cho mình phần trách nhiệm này. Việc xem xét và sửa đổi lại hệ thống này đòi hỏi phải có sự dũng cảm cả về mặt chính trị lẫn tinh thần.
Tôi tin là nhân loại đang đứng trước một tương lai tươi sáng, một tương lai của những tiến bộ công nghệ giúp cho cuộc sống của mọi người trên hành tinh ngày càng trở nên phong phú hơn. Chỉ bằng cách mở rộng thương mại thế giới và thúc đẩy nền sản xuất, chúng ta mới có thể tận dụng được những khả năng tiềm tàng đang còn ở phía trước. Trong một thế giới tự do, chúng ta có thể làm được nhiều việc lớn. Chúng tôi đã chứng minh được điều này ở Nhật Bản bằng cách thay đổi hình ảnh các từ ngữ “Sản xuất tại Nhật Bản” từ những sản phẩm xấu, kém phẩm chất thành những sản phẩm đẹp, chất lượng cao. Nhưng chỉ có một nước hoặc một vài nước làm được tốt là chưa đủ. Viễn cảnh tương lai mà tôi mường tượng phải là một thế giới tràn trề hàng hóa và dịch vụ thượng hạng, ở đó chứng nhận xuất xứ hàng hóa của mọi quốc gia đều là một biểu tượng của chất lượng và ai ai cũng cạnh tranh với nhau để giành được những đồng tiền khó kiếm của người tiêu dùng bằng hàng hóa với giá phải chăng và thể hiện được những tỷ giá hối đoái hợp lý. Tôi tin rằng một thế giới như vậy đang ở trong tầm tay của chúng ta. Thách thức thật là to lớn: THẮNG LỢI TÙY Ở SỨC MẠNH Ý CHÍ CỦA CHÚNG TA.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.