Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản
4.
Chúng tôi đã suy nghĩ từ lâu làm thế nào để công ty Tokyo Tsuhin Kogyo chiếm lĩnh được thị trường thế giới: Để làm việc đó tất nhiên là Ibuka và tôi phải thay nhau đi khảo sát thị trường các nước. Năm 1952, công việc sản xuất kinh doanh mặt hàng máy ghi âm ngày càng phát đạt nên Ibuka muốn sang Mỹ xem xét việc sử dụng máy ghi âm ở nước này và học tập thêm kinh nghiệm cải tiến việc chế tạo băng từ. Anh hầu như không nói được tiếng Anh, nhưng cũng tìm cách đi thăm một số nơi và xem xét cung cách làm ăn của người Mỹ. Khi về, anh tỏ vẻ thất vọng, vì thấy ít phòng học ngôn ngữ sử dụng máy ghi âm và hơn nữa các trường học ở Nhật còn sử dụng máy ghi âm phổ biến hơn nhiều so với các trường ở Mỹ. Ibuka lại càng thất vọng hơn khi không có một nhà chế tạo băng từ nào cho phép anh vào thăm các xưởng sản xuất của họ. Nhưng dù sao thì chuyến đi Mỹ đó của Ibuka cũng rất có lợi cho công ty. Năm 1948, cả hai chúng tôi đã đọc công trình của William Shockley và một vài người khác tại viện thí nghiệm Bell trong cuốn Các thành tựu của viện Bell, và từ đó chúng tôi rất chú tâm đến các phát kiến của họ. Năm đó, có các bài báo nhỏ viết về công trình này được đăng trên báo chí Mỹ và ở nhiều nơi khác nói về một loại thiết bị điện tử – bóng bán dẫn do phòng thí nghiệm Bell phát minh, và khi Ibuka đi thăm Mỹ, anh biết được giấy phép sản xuất thiết bị tuyệt diệu này chẳng bao lâu nữa sẽ được chính thức công nhận. Anh bắt tay ngay vào kế hoạch sử dụng thử thiết bị đó.
Thứ thiết bị vi điện tử này hoàn toàn mới mẻ với chúng tôi. Nắm được công dụng của nó và đưa ra quyết định nên sử dụng nó vào mục đích gì không phải là việc một hay hai kỹ sư điện tử có thể làm được. Trong một đêm mất ngủ tại một căn phòng ồn ào ở khách sạn Tart gần quảng trường Thời đại, lbuka chợt nghĩ rằng đội ngũ làm việc trong công ty hiện giờ là 120 người mà 1/3 là kỹ sư tốt nghiệp đại học, trong đó có đủ loại kỹ sư: điện tử, luyện kim, hóa học, cơ khí, và việc ứng dụng bóng bán dẫn vào công việc sản xuất chế tạo của công ty là một thách thức đối với tay nghề của mọi người. Chính Ibuka cũng chưa biết nên làm gì với bóng bán dẫn khi nắm được công nghệ chế tạo nó, nhưng anh lại rất thích thú với phát kiến kỹ thuật này. Anh tìm cách đến phỏng vấn viên giám đốc phụ trách việc cấp giấy phép sử dụng bằng phát minh của công ty điện Miền Tây ngay ngày hôm sau, vì công ty này nắm bằng phát minh của phòng thí nghiệm Bell nhưng bị từ chối vì ông này bận. Anh đành phải nhờ một người bạn tên là Shido Yamada đang sống ở New York và đang làm việc cho một công ty thương mại Nhật để đến tìm hiểu giúp một số vấn đề. Sau đó, Ibuka quay về nước.
Tôi phải nói rõ là loại bóng bán dẫn được chế tạo thời đó không phải là thứ mà chúng tôi có thể xin giấy phép, sản xuất và dùng thẳng ngay vào việc được. Loại thiết bị kỳ diệu này là một bước đột phá trong công nghệ điện tử và nó mới chỉ được dùng để xử lý tần số âm thanh. Trên thực tế, khi tôi cuối cùng đã ký được một bản thỏa thuận sử dụng bằng phát minh này một năm sau đó, người của công ty điện Miền Tây nói với tôi nếu công ty của chúng tôi muốn sử dụng tranzito trong công việc chế tạo các đồ tiêu dùng thì máy nghe dành cho người điếc là sản phẩm duy nhất mà chúng tôi có thể kỳ vọng. Vào thời đó, không có loại tranzito nào được tạo ra cho ngành chế tạo máy thu. Tất nhiên, chúng tôi đã không quan tâm đến thị trường máy nghe dành cho người điếc vì nó rất hạn chế. Chúng tôi muốn chế tạo một thứ sản phẩm được mọi người sử dụng. Chúng tôi vạch ra những kế hoạch đưa các nhà khoa học nghiên cứu và những kỹ sư của công ty vào việc phát triển một loại tranzito cao tần dùng cho máy thu thanh.
Chúng tôi đã bắt đầu cân nhắc loại máy thu thanh nào chúng tôi có thể tạo ra với các loại tranzito. Vào thời bấy giờ, xu hướng chung của thế giới trên thị trường máy thu thanh là tiến tới một khái niệm mới về lĩnh vực này. Cụm từ mới “hifi” (độ trung thực cao) sớm được mọi người ưa chuộng. Người ta sẽ nghe vì sự thuần khiết của âm thanh, sự tái tạo âm thanh một cách trung thực hoặc ít nhất là sự tái tạo âm thanh bằng tần số. Một số người say mê hifi thuở ban đầu đã mua những đĩa ghi tiếng đầu tàu hỏa, máy bay cất cánh, ngựa phi, còi cảnh sát, tiếng những loại vũ khí bắn ra và tất cả các loại khác để khoe các hệ thống âm thanh mới của họ. Loa ngày càng lớn, âm thanh ngày càng to và các từ như “woofer” (loa loại trầm); “tweeter” (loa loại bổng); “distortion” (loại biến dạng ) và “feedback” (loại hồi tiếp) bắt đầu xuất hiện trong ngôn ngữ. Bộ khuếch đại sử dụng nhiều đèn chân không được xem như có thể đem lại những âm thanh thuần khiết nhất. Chúng tôi mường tượng tranzito sẽ thay thế cho đèn chân không vừa to, vừa nóng lại chưa đáng tin cậy lắm. Nó có thể tạo ra cơ hội cho chúng tôi không những thu nhỏ các sản phẩm điện tủ mà còn giảm được lượng điện năng tiêu thụ. Nếu chúng tôi có khả năng phát minh ra một loại tranzito có âm tần đủ cao, chúng tôi sẽ có thể chế tạo được loại radio rất nhỏ chạy bằng pin. Chúng tôi hy vọng đạt được một độ âm thanh trung thực với một lượng điện năng tối thiểu. Sự thu nhỏ và sự gọn nhẹ luôn hấp dẫn người Nhật. Do đó, chúng tôi đã tạo ra những cái hộp chỉ nhỏ như cái tổ chim, quạt thì gấp lại, các đồ trang trí cuộn thành những cuộn gọn gàng; các tấm ngăn to được gấp và xếp lại rất gọn hoặc dùng để thắp sáng, giải trí, giáo dục hoặc có khi ngăn đôi một phòng. Chúng tôi đã đặt mục tiêu chế tạo một loại radio thật nhỏ để bỏ trong túi áo sơmi. Tôi đã nói không chỉ “có thể mang đi được” mà còn “có thể bỏ túi”. Ngay vào thời kỳ trước chiến tranh, RCA đã tạo ra loại máy thu thanh cỡ trung bình có thể mang đi được, sử dụng các đèn chân không chỉ nhỏ bằng ‘hạt đậu’, nhưng một nửa chiếc radio này dùng để chứa một cục pin khá đắt tiền mà chỉ chạy được trong khoảng 4 giờ. Tranzito có thể giúp chúng tôi giải quyết vấn đề kích cỡ và năng lượng.
Tất cả chúng tôi háo hức bắt tay vào làm việc về linh kiện tranzito, và khi có tin là chúng tôi có khả năng được cấp phép sử dụng công nghệ này, tôi đã đi ngay New York để hoàn tất bản hợp đồng năm 1953. Tôi cũng muốn đi tham quan để xem xét tình hình thế giới ra sao và công ty mới của chúng tôi liệu có thể làm ăn ở đâu là thích hợp. Vì thế tôi có kế hoạch đi thăm châu Âu sau khi công việc làm ăn ở New York được hoàn tất. Tôi hết sức xúc động khi lên chiếc máy bay có tên là Khổng lồ Vượt Đại dương tại sân bay Haneda ở Tokyo, với một cái vali xách tay và một cái túi du lịch khoác trên vai.
Bây giờ phải thú thật là ban đầu tôi thấy thất vọng trước tầm cỡ của nước Mỹ.
Cái gì cũng lớn, khoảng cách lại quá xa, những khoảng không gian rộng mở bao la và những khu vực quá khác biệt. Tôi có ý nghĩ là không thể bán nổi những sản phẩm của công ty chúng tôi ở đất nước này. Nước Mỹ làm tôi choáng ngợp. Nền kinh tế ở đây lại đang rất thịnh vượng, và đất nước này hình như có tất cả mọi thứ.
Khi tôi gửi cho lbuka bản thỏa thuận cấp giấy phép với công ty điện Miền Tây, tôi tràn đầy tin tưởng. Tuy nhiên, ở Nhật, ngoại tệ thời đó hãy còn bị kiểm soát rất chặt chẽ và chúng tôi cần được Bộ Công thương quốc tế cho phép chuyển một khoản ngoại tệ là 25.000 đô la sang Mỹ để trả số tiền ban đầu cấp giấy phép công nghệ tranzito. Nhưng công nghệ tranzito lại quá mới mẻ và ngoại tệ ở Nhật quá khan hiếm đến mức các quan chức của Bộ Công thương quốc tế không thể chấp nhận việc sử dụng ngoại tệ cho một thiết bị như vậy và cũng chẳng thiết tha cho phép chi khoản ngoại tệ này vì đất nước mới chỉ bắt đầu tăng tốc độ phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh. Hơn nữa, họ còn nghĩ rằng một công ty nhỏ bé như Totsuko của chúng tôi không thể đảm trách một nhiệm vụ lớn lao là làm việc với những loại công nghệ mới toanh này. Trên thực tế, mới đầu họ đã nhất quyết chống lại việc này. Mặc dầu lbuka đã hùng biện rất diễn cảm về những lợi ích có thể của thứ thiết bị ít người biết đến này nhưng anh cũng phải mất sáu tháng để thuyết phục các vị quan chức tại Bộ Công thương quốc tế. Bộ Công thương quốc tế thực ra cũng không giúp gì nhiều lắm cho ngành điện tử của Nhật như nhiều người đã lầm tưởng.
Trong khi Bộ Công thương quốc tế xem xét yêu cầu của chúng tôi, tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Tôi đáp máy bay sang châu Âu, đi thăm rất nhiều công ty và nhà máy và cảm thấy tin tưởng hơn một chút vào tương lai của chính công ty chúng tôi cũng như vào nước Nhật. Tôi tới thăm các công ty như Volkswagen, Mercedes, Siemens và cả một số công ty nhỏ hơn, một vài công ty trong số này sau đó cũng đã biến mất. Tất nhiên, đối với ngành điện tử, tôi thích thú được tới thăm công ty Philips ở Hà Lan, một công ty điện tử rất nổi tiếng trên thế giới. Chính cuộc thăm viếng công ty Philips đã mang lại cho tôi niềm tin và một cách nhìn sâu sắc.
Tôi cảm thấy hơi nản chí khi rời nước Đức. Mặc dù nước này cũng bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, nhưng tình hình đang được cải thiện rất nhanh chóng. Trong khi đó ở Nhật, sự tàn phá của chiến tranh đã khiến cho những bước tiến dường như quá chậm chạp. Một hôm, tôi gọi một cốc kem trong một nhà hàng trên đường Koenigsstrasse ở Dusseldorf, và người phục vụ mang kem đến với một vật trang trí là chiếc dù nhỏ bằng giấy gắn vào cốc kem. Anh ta cười và nói: “Thứ này đến từ đất nước ông”, tôi cho rằng có lẽ để khen ngợi. Tôi nghĩ đó là mức độ hiểu biết của anh ta về Nhật và khả năng của Nhật, và có thể anh ta là điển hình. Con đường chúng tôi phải đi còn dài lắm.
Tôi đi tàu hỏa từ Dusseldorf tới Eindhoven và khi qua biên giới Đức – Hà Lan, tôi thấy một sự khác biệt khá lớn giữa hai nước này. Trong khi Đức, dù mới thoát khỏi chiến tranh, đã có trình độ cơ giới hóa cao, ví dụ, công ty Volkswagen lúc đó đã sản xuất 700 ô tô một ngày và ai ai dường như cũng đang tái tạo và sản xuất ra hàng hóa cũng như những sản phẩm mới rất nhanh chóng. Trái lại ở Hà Lan, rất nhiều người dân còn đi lại bằng xe đạp. Đó còn là một đất nước khá nhỏ bé và đơn thuần chỉ làm nông nghiệp vào thời đó. Bạn có thể thấy những chiếc cối xay gió cũ kỹ ở khắp mọi nơi như đã được miêu tả trong những tranh phong cảnh của nước Hà Lan cổ. Mọi thứ dường như quá kỳ lạ đối với tôi. Nhưng cuối cùng khi tới Eindhoven, tôi hết sức sửng sốt lúc nhìn thấy công ty Philips đồ sộ như thế nào, mặc dù tôi đã được biết trước là công ty này rất thành đạt về các mặt hàng điện tử ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới. Tôi không biết mình đã mong chờ điều gì nhưng thật đáng ngạc nhiên khi hãng Philips vĩ đại trong trí tưởng tượng của tôi lại nằm trong một thị trấn nhỏ ở một vùng nhỏ trên một đất nước nông nghiệp nhỏ bé như thế này.
Tôi ngắm khá lâu tượng tiến sĩ Philips dựng ở trước sân ga và tôi liên tưởng ngay tới ngôi làng Kosugaya của chính chúng tôi mà ở đó cũng đã dựng tượng cụ tổ tôi. Tôi đi loanh quanh thị trấn nhưng vẫn nghĩ tới tiến sĩ Philips, và khi tôi tới thăm nhà máy, tôi hoàn toàn xúc động với suy nghĩ rằng một con người sinh ra ở một nơi nhỏ bé và hẻo lánh, trong một đất nước nông nghiệp như thế này lại có thể xây dựng nên một công ty to lớn có trình độ kỹ thuật cao và được nổi tiếng trên toàn thế giới như công ty Philips. Tôi nghĩ chúng tôi có thể làm được như thế ở nước Nhật. Đó thật là một giấc mơ nhưng tôi nhớ rằng tôi đã viết thư cho lbuka vì câu nói của người Hà Lan rằng: “Nếu ông Philips đã làm được điều đó, chúng ta cũng có thể làm được”. Thời đó, tôi nói rất ít tiếng Anh và tôi chỉ đi thăm các nhà máy này như một khách du lịch mà thôi. Tôi không phải là một quan khách cỡ bự và cũng không gặp ai trong ban quản trị các công ty tôi tới thăm. Tôi chỉ đại diện cho một công ty vô danh, nhưng chỉ bốn thập kỷ sau đó, hai hãng Sony và Philips, cùng xuất xứ từ những nơi nhỏ bé và dường như hẻo lánh, đã cùng nhau hợp tác trong việc xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế và những công trình hợp tác dẫn đến nhiều tiến bộ về mặt công nghệ, kể từ băng ghi âm tiêu chuẩn đến phát minh mới nhất mang tính bước ngoặt trong việc tái tạo âm thanh là đĩa compact (đĩa ghi âm kỹ thuật số), trong đó, chúng tôi đã kết hợp sức mạnh trong nghiên cứu về sự biến điệu mã xung của chúng tôi với công nghệ tiên tiến dùng tia la-ze của hãng Philips. Ngoài ra, còn có những công trình phát triển hợp tác khác trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển.
Ngay sau khi tôi từ châu Âu trở về nước, công việc khó khăn là phải tạo ra một loại tranzito mới đã được bắt đầu tại phòng thí nghiệm nghiên cứu của công ty, dựa trên công nghệ mà công ty điện Miền Tây đã cấp giấy phép cho chúng tôi. Chúng tôi phải nâng công suất của loại tranzito này, nếu không nó không thể dùng được ở máy thu thanh vô tuyến. Đây là một công việc hết sức phức tạp, tổ nghiên cứu công trình này đã phải trải qua không biết bao nhiêu thử thách gay go cùng những thất bại cay đắng khi sử dụng những vật liệu mới hoặc ít nhất vật liệu khác để làm sao đạt được mức tần số tăng hơn trước mà chúng tôi cần. Họ phải chế tạo và phát minh lại tranzito.
Những tranzito đầu tiên của phòng thí nghiệm Bell sử dụng một phiến germani, hai bên gắn thêm hợp kim indium. Germani là phần âm và indium là phần dương. Nhưng chúng tôi đưa ra lý do vì electron âm chuyển động nhanh hơn electron dương, cho nên chúng tôi có thể đạt được tần số cao hơn bằng cách đảo ngược cực tính. Như thế là thay vào việc phải dựng một cấu hình dương-âm-dương, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra cấu hình âm-dương-âm. Chúng tôi dường như không có trong tay những vật liệu thích hợp để thực hiện được việc này. Ví dụ như indium có điểm nóng chảy quá thấp so với mục đích của chúng tôi, vì thế, chúng tôi không sử dụng các vật liệu trước đây nữa và bắt đầu thử nghiệm bằng gallium và antimony, nhưng cũng không đem lại kết quả. Có lúc chúng tôi đã tưởng khó mà thành công, chúng tôi đã nghĩ đến dùng phốt pho thay cho antimony, nhưng trong một trong nhiều cuộc họp lấy ý tưởng của chúng tôi, có người đã cho biết rằng phòng thí nghiệm Bell đã thử nghiệm loại hóa chất này nhưng chẳng có kết quả gì.
Chủ nhiệm phòng thí nghiệm nghiên cứu của chúng tôi, ông Makoto Kikuchi, là một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bán dẫn, nhớ lại rằng vào thời đó, trình độ nghiên cứu và cơ khí của Mỹ cao đến nỗi người ta thường coi “tiếng nói của phòng thí nghiệm Bell là tiếng nói của Thượng đế”. Tuy vậy một người trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi vẫn tiếp tục thí nghiệm phương pháp kích thích bằng phốt pho, sử dụng liều lượng phốt pho ngày càng nhiều trong quá trình, và cuối cùng anh ta đã bắt đầu thấy kết quả. Anh ta báo cáo những điều anh ta đã tìm thấy tại một cuộc họp một cách thận trọng. Không một ai khác, trừ anh báo cáo thành công của nghiên cứu. Kazuo Iwama, trưởng nhóm phát triến tranzitor (bóng bán dẫn) và là anh rể của tôi, người sau này trở thành chủ tịch một công ty và cũng là một nhà khoa học thực sự. Anh ta nói với nhà nghiên cứu trên rằng: “Nếu anh cảm thấy bắt đầu thu được những kết quả thú vị, tại sao anh không tiếp tục công việc nghiện cứu đó để xem cái gì sẽ xảy ra?”. Phương pháp dùng phốt pho cuối cùng đem lại kết quả, và khi phát triển nó, chúng tôi hoàn thành việc chế tạo thiết bị cao tần mà chúng tôi đang hướng tới.
Một năm sau, chúng tôi đã khiến các nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm Bell, chính những người đã phát minh ra tranzito, phải kinh ngạc khi đưa tin đã chế tạo ra được tranzito thông qua việc kích thích bằng phốt pho, một việc mà chính họ đã có lần thử nghiệm và sau đó đã bỏ dở quá sớm. Và cũng trong thời gian nghiên cứu tranzito, đặc biệt qua việc dùng liều lượng lớn phốt pho, Leo Esaki, một nhà nghiên cứu vật lý của chúng tôi, và các nhân viên của chúng tôi đã tìm ra và mô tả tác dụng xuyên đường hầm của điot, làm thế nào các hạt nguyên tử nhỏ có thể di động thành các làn sóng qua một lớp chắn dường như không thể xuyên qua nổi. Esaki được giải thưởng Nobel về công trình nghiên cứu này năm 1973.
Bây giờ chúng tôi đã có trong tay tranzito, nhưng để tiếp tục và tạo ra được những bộ phận hết sức nhỏ cho máy thu thanh loại bỏ túi là một sự thách thức khác nữa đối với chúng tôi. Chúng tôi phải tự thiết kế lại tất cả hoặc hầu như tất cả. lbuka tìm ra được một công ty nhỏ ở Tokyo chuyên chế tạo các loại tụ điện điều chỉnh rất nhỏ và chúng tôi đặt luôn công ty đó sản xuất hàng phục vụ chủ yếu cho chúng tôi. Công trình này biến chuyển rất chậm, trong khi đó chúng tôi tiếp tục hoàn chỉnh máy ghi âm trên băng và các công việc khác. Chúng tôi phải hoàn thiện tranzito, đưa vào sản xuất hàng loạt và thiết kế nó thành những sản phẩm mới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.