Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

4.



Hàng năm, chúng tôi có tổ chức một hội chợ kỹ thuật công nghệ, gọi là Hội nghị trao đổi kỹ thuật công nghệ. Tại hội chợ này, toàn bộ các phòng ban của công ty và các nhóm chuyên trách các công trình nghiên cứu đều có những gian hàng trưng bày riêng của họ, giống như ở một phòng trưng
bày thương mại. Chỉ có những nhân viên của tập đoàn Sony mới được phép vào hội chợ này và giấy mời được kiểm tra khá nghiêm ngặt. Năm ngoái, 6000 nhân viên tập đoàn Sony ở Nhật và hải ngoại đã thăm các gian trưng bày. Ở đây, họ có thể thấy rõ tình hình nghiên cứu, phát triển của công ty và thường là họ tìm thấy những vật phẩm có thể sử dụng được cho chính công việc của họ.
Chúng tôi cho trưng bày ở đó các thiết bị xử lý cũng như các loại vật liệu và thể hiện chúng ở góc độ nghiên cứu. Kỹ sư và kỹ thuật viên túc trực ở đó, sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà người xem đặt ra. Đôi khi khách đến thăm hội chợ còn để lại danh thiếp, nhận các cuốn catalogue và có các cuộc hẹn với người của công ty để trao đổi về các thông tin họ quan tâm, chẳng khác gì tại các phòng trưng bày thương mại.
Hội nghị trao đổi kỹ thuật công nghệ đã giúp chúng tôi tránh được lãng phí kỹ thuật và thật khó để nói hết được lợi ích to lớn mà nó mang lại. Qua đó, chúng tôi rút được kinh nghiệm là phải theo dõi sát sao mọi công trình nghiên cứu- phát triển và hết sức tránh mọi sự trùng lặp có thể có trong khi điều hành công việc này, trừ trường hợp chúng tôi thấy thật cần thiết phải thử nghiệm tới lần thứ hai để giải quyết vấn đề, và tới lần này, chúng tôi có thể cấp vốn một cách có hiệu quả hơn trước. Sẽ rất tốt nếu như những mục tiêu tương lai được đặt ra rõ ràng và đơn giản, như làm thế nào để chế tạo ra một loại đầu video mới chẳng hạn. Nhưng khi bắt tay vào việc thì vấn đề đặt ra là làm sao để chế tạo được những loại máy mới ấy, thậm chí ngay cả khi chúng tôi đã bắt đầu những công đoạn đầu tiên với ý nghĩ rằng loại máy sắp ra đời này sẽ là cái tốt nhất, thì chúng tôi vẫn có thể mắc sai lầm, vì thực sự là chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy loại máy đó. Đối với các công ty máy tính cũng thế, họ luôn gặp phải những vẫn đề kiểu này. Khi bạn thiết kế một máy tính, bạn không thể chỉ đơn giản tính đến việc chế tạo một loại máy móc có tính năng sử dụng hạn chế và không phục vụ thiết thực cho cuộc sống con người. Như tôi đã nói ở trên, trong một tương lai không xa, máy tính sẽ được nối thẳng vào những hệ thống thông tin rộng lớn hơn, vào các hệ thống bảo đảm an ninh cho gia đình, dự báo thời tiết, công việc tài chính, mua bán v.v… Nếu chỉ tính đến việc sản xuất, chế tạo những dụng cụ, máy móc rời rạc như thế thì không thể phục vụ tốt cho công việc kinh doanh của công ty; muốn làm ăn thắng lợi, lẽ tất nhiên là công ty phải đi vào sản xuất được những hệ thống hoàn chỉnh. Trong tương lai, chúng tôi sẽ không thể chỉ tiến hành kinh doanh theo cách chúng tôi vẫn làm với ý nghĩ là đang làm ra những sản phẩm mà tự bản thân nó đã rất hữu ích như đầu video và máy ghi âm. Chúng tôi cũng đã chế tạo ra những sản phẩm với niềm tin là người tiêu dùng sẽ thấy có ích và cần thiết, mà sự thực đã là như vậy, và chúng tôi cũng tin rằng mọi người sẽ thực sự khám phá được nhu cầu của họ đối với những sản phẩm của chúng tôi. Dù thế, những ý nghĩ này vẫn chưa đủ cho tương lai, nó cần phải được mở rộng hơn nữa.
Tôi mong chờ một ngày gần đây được thấy tất cả những thông tin về bằng phát minh, sáng chế trên toàn thế giới tập trung trong một ngân hàng dữ liệu. Hiện nay, mỗi công ty vẫn có nhiệm vụ nặng nề là phải theo dõi mọi thông tin về các bằng phát minh, sáng chế của các công ty khác. Họ đưa các thông tin nhận được vào đĩa quang và luôn luôn phải cập nhật những thông tin này. Sẽ là một thuận lợi lớn đối với các công ty ở bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu họ có thể tiếp cận với hệ thống thông tin thế giới, và như thế, các bằng sáng chế mới đều có thể được chuyển thẳng tới người nào quan tâm đến nó.
Thật khó có thể dự đoán được chiều hướng phát triển của hệ thống thông tin vào cuối thế kỷ này. Nhưng rõ ràng là hệ thống thông tin mà chúng ta đang bắt đầu xây dựng, bao gồm vô tuyến truyền hình, máy vi tính, và các phương tiện truyền thông khác, sẽ trở thành những thứ đồ dùng thông thường tại gia đình. Hiện nay, chúng ta đang ở giữa thời đại cách mạng văn hóa – xã hội. Có thể việc gây ấn tượng với người tiêu dùng sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, bởi hiện nay, mặc dù việc người ta có thể cầm lấy điện thoại và quay số để liên lạc trực tiếp với bất kỳ nơi nào trên thế giới đang còn là một điều kỳ diệu với thế hệ chúng tôi, nhưng đối với thế hệ trẻ, họ coi đó là một điều bình thường.
Ông Makoto Kikuchi, giám đốc phụ trách các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Sony, nói rằng sáng chế ra thiết bị vi điện tử mở đầu cho điện tử hiện đại thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ. Những bước tiến triển từ thiết bị vi điện tử đến tổ hợp quy mô rất lớn (VLSI) ngày nay là con đường tất yếu mà cuộc cách mạng công nghệ phải trải qua. Đã đến lúc cần có một bước đột phá thứ hai về điện tử và đó cũng là điều mà chúng tôi đang bận tâm suy nghĩ. Vậy cái gì sẽ tiếp theo sau tổ hợp quy mô rất lớn (VLSI) này, và chúng tôi sẽ đi vào thế hệ thiết bị mới này ra sao đây để nó có thể giữ cho chúng ta cùng tồn tại?
Tổ hợp quy mô lớn rất hấp dẫn đối với chúng tôi. Là những nhà vật lý, chúng tôi hiểu là có một giới hạn nhất định cho mọi cuộc thăm dò, tìm kiếm về mặt kỹ thuật, công nghệ, mặc dù chúng tôi hiện đang có trong tay công nghệ mới để chế tạo mạch tích hợp và các loại linh kiện khác, và hiện đang bán các loại thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm trên và hơn nữa, còn cung cấp cũng như cho phép các công ty khác sử dụng công nghệ của công ty chúng tôi. Tôi đã nói ở trên, chúng tôi đã tìm thấy một phương pháp mới chế tạo tinh thể đơn silic có chất lượng rất cao và trông chờ đạt được những kết quả tốt hơn nữa khi mang thử nghiệm loại tinh thể này trong tình trạng không có trọng lượng trên chuyến bay vũ trụ trong tương lai. Chúng tôi đã đạt được những kết quả khả quan về mạch tích hợp và có người còn cho rằng chúng tôi có thể đạt tới đỉnh cao trong việc phát triển lĩnh vực này. Khi chế tạo các thiết bị này, chúng tôi sử dụng kỹ thuật khắc a-xít bảng mạch bằng thuật in đá, thuật in ảnh li tô, thuật in ảnh li tô làn sóng và thuật in ảnh li tô bằng chùm điện tử. Chúng tôi đã làm được các bảng mạch thu nhỏ tối đa. Vậy bước tiếp theo chúng tôi nên làm gì?
Chúng tôi cần phải bọc trên tấm silic nguyên chất bao nhiêu nữa cho vừa ?
Ông Kikuchi tin rằng mạch tích hợp thế hệ mới phải là một thứ gì đó được mở rộng hoặc phát triển hơn nhiều so với những gì chúng tôi hiện có. Ông cho rằng cần phải tiến một bước lớn: sắp xếp thiết bị thành từng lớp, làm cho lớp thứ nhất có tính bắt sáng và chuyển lớp thứ hai thành một vật có khả năng truyền tín hiệu giống như mắt người truyền hình ảnh cho bộ óc; lớp sau đó chứa đựng một thứ mạch lô gíc nào đó và lớp sau cùng chứa đựng đặc tuyến mẫu. Nói cách khác, thiết bị mới này không khác gì một bộ óc đơn giản. Ông Kikuchi còn nói: “Loại tổ hợp quy mô rất lớn VLSL mà chúng ta hiện có sẽ trở nên quá thô sơ đối với những việc mà chúng ta phải làm trong tương lai”.
Ông đặc biệt bị cuốn hút bởi sáng kiến về chíp điện tử và công việc về điện tử học phân tử. Ông đã đi được một nửa bước theo hướng này với sự thúc đẩy của một nghiên cứu của Hải quân Mỹ. Ông bị kích thích bởi những khả năng to lớn mà phát minh về hiệu ứng đổi màu theo ánh sáng có thể mang lại. Nếu ta lấy một phân tử hữu cơ trong suốt, không màu đưa vào dưới tia cực tím mà mắt thường không thể nhìn thấy được, những lượng tử ánh sáng của tia cực tím này sẽ đẩy bật một trong những electron của phân tử, và khi đó, phân tử này sẽ có màu xanh. Khi chiếu ánh sáng mắt thường nhìn thấy được vào phân tử, nó sẽ mất đi màu xanh và quay trở về trạng thái thông thường. Như thế, ta sẽ có một bộ nhớ cơ bản hai trạng thái (mở hoặc tắt). Đó chính là kỹ thuật điện tử cơ bản.
Kikuchi cho rằng công nghệ hiện tại chỉ có thể còn được sử dụng tốt trong khoảng 10 năm tới, cho nên ông ta đang xúc tiến công việc trong rất nhiều lĩnh vực để có thể sẵn sàng đối phó với những gì cần thiết sau này. Ông luôn lo lắng là sẽ không có nhiều nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu cơ bản.
Nhưng tôi và ông vẫn rất lạc quan. Một trong những lý do khiến chúng tôi lạc quan là các bài báo có thể dùng để tham khảo đăng trên tạp chí Vật lý Ứng dụng đã tăng lên khá nhanh, từ 2 – 3% trong những năm 1960 nay đã là 30%.

Ông tỏ ý bi quan là mặc dù Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng trong công nghệ xử lý như kỹ thuật khắc a-xít khô, tia la-ze… nhưng khi mở ra những lĩnh vực hoàn toàn mới thì các nhà khoa học Nhật Bản vẫn phải cố gắng để theo kịp trào lưu tiến bộ kỹ thuật trên thế giới. Tôi không hoàn toàn đồng ý với ý kiến này của Kikuchi. Mặc dù chúng tôi rất tự hào đã được tặng một giải thưởng Nobel về Vật lý cho thành tích của những phòng thí nghiệm thuộc tập đoàn Sony, nhưng tính chung cả nước Nhật Bản mới chỉ có 3 lần được giải thưởng này trong lĩnh Vật lý mà thôi. Dù thế nào đi nữa thì chúng tôi đã rất thành công và sáng tạo khi biến các ý tưởng thành hiện thực.
Nhiều năm trước đây, chúng tôi tổ chức một Hội nghị khoa học quốc tế định kỳ tại phòng thí nghiệm ở Atsugi gần Yokohama. Các đại biểu đến từ nước Anh trình bày một ý tưởng mang tính lý thuyết về chế tạo máy quay video kỹ thuật số. Và đến Hội nghị được tổ chức chỉ sáu tháng sau đó, một kỹ sư của tập đoàn Sony làm việc tại phòng thí nghiệm Atsugi đã đưa ra một mô hình hoạt động theo thiết kế của người Anh. Các đồng nghiệp quốc tế tỏ ra rất ngạc nhiên. Một người nói: “Ở nước Anh không hề có chuyện như vậy, chúng tôi có thể phải mất tới 10 năm để làm được một điều tương tự”. Kikuchi cho biết ngay cả ở phòng thí nghiệm Bell, khi người ta có một sáng kiến, trước hết người ta thử nghiệm trên máy tính đã. Ở Nhật Bản, phản ứng thông thường của các nhà nghiên cứu nếu cảm thấy một ý kiến có vẻ được là câu nói: “Hãy thử làm một cái để xem nó hoạt động như thế nào!”
Loại công nghệ sẽ được sử dụng để giúp cho con người tồn tại trên thế giới lại không nằm toàn bộ trong tay các nhà khoa học và các kỹ sư, nhưng chúng tôi có nhiều khả năng phát triển công nghệ này. Chúng tôi đã chứng minh được điều ấy trong thời kỳ khủng hoảng dầu lửa. Từ bao nhiêu năm nay, dầu lửa luôn luôn là một cơn khát đối với nước Nhật. Tôi đã có lần mường tượng đến việc cần phải xây dựng một đội tàu chở dầu khổng lồ nối nước Nhật với vịnh Ba Tư. Tôi đã từng ngồi trên trực thăng nhìn xuống xưởng đóng tàu Nagoya, nơi người ta đang xây dựng một xưởng đóng tàu chở dầu cực lớn, trọng tải 1 triệu tấn. Một xưởng đóng tàu khác chuyên đóng các tàu trọng tải 1 triệu tấn cũng đã được xây dựng tại cảng Nagasaki. Người ta dự đoán là với đà phát triển như vậy, các giếng dầu sẽ bị hút cạn ngay trong thế hệ chúng ta. Nhưng trước khi chiếc tàu chở dầu khổng lồ được đóng xong thì đã diễn ra việc cấm vận dầu lửa, mọi sự đều thay đổi và như tôi đã nói ở trên, lệnh cấm vận này cũng là một cơ hội cho chúng tôi. Bởi vì chúng tôi đã học được cách tự bảo tồn, đã vượt qua được cuộc khủng hoảng dầu lửa, thịnh vượng hơn, và còn biết làm thế nào để tiến lên trong tình trạng khan hiếm dầu lửa hơn trước.

Chúng tôi hiện đang sử dụng nhiên liệu hạt nhân để sản xuất khoảng 26% tổng số năng lượng điện cần dùng của nước Nhật. Tỷ lệ này nhỏ hơn nhiều so với ở Pháp nhưng lại lớn hơn so với ở Mỹ. Chúng tôi vẫn sản xuất năng lượng hạt nhân mặc dù ai nấy đều biết đến tình trạng “dị ứng hạt nhân” ở Nhật, và dễ hiểu nỗi khiếp hãi của nhân dân Nhật đối với thứ năng lượng phi thường này, khi nó đã từng phá huỷ hoàn toàn hai trong số những thành phố lớn của chúng tôi cùng với hàng trăm ngàn người trong chớp mắt. Nước Nhật có ba nguyên tắc phi hạt nhân: không sản xuất, tàng trữ, hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có đóng một loại tàu thuỷ chạy bằng năng lượng nguyên tử nhưng đó lại là một thất bại về thương mại nên đã không sử dụng nó nữa.
Trước đây, các tàu chiến Mỹ chạy bằng năng lượng nguyên tử khi ghé thăm hải cảng Nhật Bản thường bị nhân dân biểu tình phản đối. Ngày nay, sự phản đối của nhân dân vẫn còn, tuy không còn gay gắt như trước và rất ít xảy ra bạo động. Ngay cả sau khi xảy ra tai nạn ở Chernobyl, Liên Xô, mọi người vẫn khẳng định việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào những mục đích hòa bình vẫn là một điều hết sức hữu ích và cần thiết. Khi các nhà máy điện nguyên tử được xây dựng ở Nhật Bản, người ta đã la ó, phản đối nhưng cuối cùng các nhà máy đó vẫn được hoàn thành vì mọi người đều hiểu rằng, năng lượng này rất cần thiết cho cuộc sống và đóng góp vào sự tồn tại của chính nhân dân Nhật Bản.
Năm 1985, tôi đã có mặt tại buổi biểu diễn nhạc rock từ thiện tổ chức tại Nhật Bản, tôi đã kêu gọi trợ giúp cho những người dân đang bị chết đói ở châu Phi. Không chỉ ở châu lục này mà còn ở nhiều nơi khác trên trái đất, vẫn còn những người đang bị thiếu ăn và chết đói. Tuy nhiên, tôi biết có một thứ công nghệ có khả năng nuôi sống con người. Tại Triển lãm Khoa học 1985, người ta đã trưng bày một cây cà chua có tới hơn 20.000 quả. Cây này mọc từ một hạt giống duy nhất và chỉ cần rất ít nước trong suốt quá trình sinh trưởng. Cây được nuôi bằng những chất dinh dưỡng đặc biệt được tái tạo trong một vòng khép kín gọi là “Hyponica”.
Tôi không nghĩ rằng cả thế giới này có thể sống được chỉ bằng cà chua, nhưng cũng giống như nhiều cuộc triển lãm mà tôi đã từng thấy, cuộc triển lãm này cho thấy người ta có thể làm được nhiều điều kỳ diệu nếu như họ thực sự quan tâm bỏ công sức ra. Nếu chúng ta tìm biện pháp để giải quyết nhu cầu lương thực cho cả thế giới, chúng ta có thể còn vấp phải vấn đề dân số cũng như vấn đề nhà ở, và những vấn đề này lại dẫn tới nhu cầu về lương thực. Tuy nhiên, tôi khá lạc quan rằng kỹ thuật công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết được mọi vấn đề.

Một số người nói rằng đây chính là xã hội hậu công nghiệp, và có người còn dự đoán rằng chúng ta không thể đạt được thêm một cải tiến công nghệ nào, rằng chúng ta sẽ phải sống một cuộc sống thu nhỏ và ít đòi hỏi hơn về vật chất cũng như đồ dùng xa xỉ. Tôi không tin điều đó. Dự đoán của tôi là chúng ta có thể sống thoải mái trong khi sử dụng ít năng lượng hơn, ít vật liệu cũ, ít tài nguyên hơn nhưng tái chế nhiều hơn và sẽ có đủ các đồ dùng cần thiết cho một cuộc sống sung túc hơn bao giờ hết. Nhiều người trên thế giới, đặc biệt là người Mỹ sẽ phải học và hiểu rõ ý nghĩa của từ mottainai. Dần dần, từng bước một, năm này qua năm khác, chúng ta cần phải học cách sử dụng các nguồn tài nguyên thật tiết kiệm và hiệu quả. Chúng ta cần phải tái chế các nguyên vật liệu nhiều hơn nữa. Còn vấn đề gia tăng dân số sẽ là một thách thức với tất cả mọi người, vì số dân tăng thêm đó cũng cần phải được nuôi dưỡng, được ăn mặc và học hành. Khi mức sống của con người tăng lên thì dân số có xu hướng chững lại, mọi người có lối sống khác nhau, có sở thích và thị hiếu khác nhau và phát triển những kỹ thuật công nghệ riêng thích hợp để tồn tại.
Ở Mỹ và châu Âu, các hãng chế tạo thép hay sản xuất máy tính và ô tô cứ định kỳ lại than phiền là họ không thể cạnh tranh nổi với kỹ thuật công nghệ của các công ty nước ngoài và lấy đó làm cớ để giãn thợ hoặc thậm chí sa thải nhân viên. Tôi đã giải thích tại sao các công ty Nhật Bản luôn tìm cách để tránh việc sa thải bất cứ nhân viên nào và thay vào đó là khuyến khích họ giúp công ty vượt qua khó khăn. Khi kỹ thuật điện tử bắt đầu nhường bước cho kỹ thuật số, chúng tôi sa thải những kỹ sư điện tử và cũng không đăng quảng cáo tuyển dụng kỹ sư chuyên về kỹ thuật số. Chính những kỹ sư của chúng tôi đã hào hứng học hỏi kỹ thuật mới. Và điều đó là bắt buộc để có thể tồn tại. Đối với người Nhật Bản chúng tôi, học hỏi kỹ thuật công nghệ mới là một lối sống, và những người khác cũng sẽ phải làm như vậy. Sẽ không ai muốn và cũng không thể cứ bám lấy quá khứ mãi được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.