Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ Biện pháp để tồn tại 1.



Người Nhật Bản chúng tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi làm thế nào để có thể tồn tại. Ngày này qua ngày khác, chúng tôi luôn có cảm giác mặt đất đang rung chuyển dưới chân. Chúng tôi sống trên những hòn đảo đầy rẫy núi lửa với nỗi lo sợ thường trực không chỉ về một cuộc động đất lớn sắp xảy ra, mà còn về những cơn bão, những trận sóng triều dâng, những cơn bão tuyết và những cơn đại hồng thuỷ mùa xuân. Đất nước Nhật Bản hầu như không có bất cứ loại tài nguyên thiên nhiên nào, ngoại trừ nước, và không đến 1/4 đất đai ở Nhật Bản là nơi có thể sinh sống, trồng trọt được. Vì thế, chúng tôi rất quý trọng những gì thiên nhiên đã dành cho chúng tôi. Và đó cũng là lý do khiến chúng tôi phải học cách tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên và tìm kiếm những kỹ thuật công nghệ để giúp chúng tôi tồn tại trên mảnh đất này. Người Nhật Bản chúng tôi thường không tự cho mình là những người mộ đạo, mặc dù trên thực tế đúng là như vậy. Chúng tôi tin rằng Chúa có mặt ở khắp mọi nơi. Ở Nhật Bản, có những người theo đạo Phật, đạo Khổng, đạo Thần và đạo Thiên chúa, tuy nhiên, người Nhật Bản cũng rất thực tế. Chúng tôi thường đùa với nhau rằng, hầu hết người Nhật Bản sinh ra theo đạo Thần, sống cuộc sống của những người theo đạo Khổng, lập gia đình theo nghi lễ của đạo Thiên chúa và khi chết thì được ma chay theo nghi lễ của đạo Phật. Chúng tôi có những lễ nghi, phong tục và lễ hội mang đậm tính chất tôn giáo được truyền qua bao thế kỷ. Nhưng chúng tôi không bị giới hạn bởi những điều cấm kỵ và cảm thấy tự do, thoải mái khi muốn làm một công việc gì đó. Chúng tôi cũng luôn tìm những cách thức tốt nhất, thực tế nhất để thực hiện ý muốn.
Một trong những khái niệm từ thời xa xưa truyền lại có giá trị nhất về mặt ý nghĩa mà chúng tôi rất mực trân trọng, đó là từ mottainai, một từ không chỉ dịch đơn giản theo nghĩa đen. Từ này có cách phát âm giống như từ “moat-tie- nigh” trong tiếng Anh. Đây là một khái niệm quan trọng có thể giải thích cho chúng ta rất nhiều về đất nước, con người và cả nền công nghiệp của Nhật Bản. Từ mottainai bao hàm ý nghĩa rằng tất cả những gì có trên trái đất này đều là quà tặng của Tạo hóa, chúng ta cần phải trân trọng và không được phép phí phạm. Theo nghĩa đen, mottainai có nghĩa là “thiếu lòng tôn kính”, là “không có tín ngưỡng”, nhưng sâu xa hơn, nó có nghĩa là sự báng bổ thánh thần.
Người Nhật Bản cho rằng tất cả mọi vật chỉ được ban phát theo kiểu trao giữ và thực ra chỉ là cho mượn để chúng tôi tìm cách sử dụng hiệu quả nhất. Phí phạm bất cứ thứ gì đều bị coi là một tội lỗi. Chúng tôi cũng dùng từ mottainai để nói đến sự hoang phí đối với những thứ đơn giản nhất, chẳng hạn như nước và giấy. Không có gì lạ khi người Nhật Bản đã phát triển quan điểm này vượt qua ranh giới của sự căn cơ, tiết kiệm hoặc duy trì, gìn giữ; đó còn là khái niệm về mặt tôn giáo.
Tôi biết rằng khái niệm này đã xuất hiện ở một mức độ nào đó ở phương Tây và một vài nơi ở phương Đông, nhưng ở Nhật Bản, khái niệm này mang một ý nghĩa đặc biệt. Đấu tranh cho sự sinh tồn trước sự đe dọa thường xuyên của những thời kỳ ác nghiệt và thiên tai, tìm mọi cách để sản xuất ra hàng hóa với số lượng nguyên vật liệu tiêu hao tối thiểu, cả hai điều này đã trở thành lối sống của người Nhật, nên việc phí phạm bất cứ thứ gì đều bị coi là một điều hổ thẹn, thậm chí còn là một tội ác.
Trước đây, khi Nhật Bản vẫn còn hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, người dân Nhật phải tự mình đối phó với thiên tai bằng chính những nguồn lực mà họ có. Họ đã trải qua nhiều trận động đất, bị thiếu lương thực thực phẩm, những đám cháy đã thiêu huỷ nhiều ngôi nhà bằng gỗ ở nhiều thành phố. Điều này khiến nhiều người dân phải tự mình tái thiết cuộc sống từ hai bàn tay trắng. Đó là lý do khiến chúng tôi trở nên thành thạo trong việc thu xếp, đối phó với những thời kỳ khủng hoảng.
Rất nhiều người đến nước Nhật ngay sau khi Chiến tranh Thế giới II chấm dứt đã vô cùng ngạc nhiên trước những thành phố được người Nhật Bản xây dựng lại từ đống đổ nát do sự tàn phá của bom đạn trong chiến tranh. Nhiều người đã viết rằng người dân Nhật Bản đã bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh như họ đã từng làm trước đó khi cuộc động đất lớn Kanto đã phá huỷ dữ dội thành phố Tokyo vào tháng Chín năm 1923, làm sụp đổ nhiều nhà cao tầng và gây nên những đám cháy thiêu huỷ hàng trăm nghìn nhà ở của người dân. Những cuộc ném bom cháy và bom có sức công phá lớn trong cuộc đại thế chiến lần thứ II cũng đã gây nên những thiệt hại tương tự như vậy.
Tôi còn nhớ vào năm 1946, mỗi buổi chiều khi hết giờ làm viêc, tôi đi bộ từ nhà máy tạm thời đặt tại khu bách hóa Shirokiya đến nhà ga Tokyo, trên quãng đường dài khoảng một dặm Anh này, tôi thấy hai bên đường chỉ là những đống gạch vụn, không một tòa nhà nào còn đứng vững, chỉ thấy một vài ống khói và những bộ khung thép của các cửa hàng và nhà máy trước kia vốn phủ kín khu vực này. Đi một dặm đường về bất kỳ hướng nào, người ta chỉ thấy những đống tro tàn và đổ nát. Hàng ngàn pháo đài bay B-29 đã ném bom xuống những thành phố lớn nơi tập trung nền công nghiệp Nhật Bản – có lẽ đó là một sai lầm về thiết kế của Nhật Bản. Hầu như gần một nửa động cơ máy bay của Nhật được chế tạo tại một thành phố. Toàn bộ máy bay được lắp ráp tại hai thành phố và 90% các ống điện tử được chế tạo tại ba thành phố.
Nhưng ở cả hai thời kỳ, ngay sau khi xảy ra thảm họa, dù do thiên nhiên hay con người gây ra, các thành phố đã được xây dựng lại với tốc độ chóng mặt khiến ngay cả một số người Nhật Bản cũng phải ngạc nhiên. Do đã quen sống trong thiếu thốn, gian khổ và luôn luôn phải đối phó với thiên tai nên ngay khi chiến tranh kết thúc, một số gia đình đã tìm cách sắp xếp nơi ở ngay trong hầm trú ẩn tránh bom của ngôi nhà đã bị đạn bom thiêu huỷ của họ, một số gia đình khác lại tìm cách dựng nơi ở tạm thời bằng những tấm các tông, những tấm ván và tôn lá để che mưa nắng. Họ chấp nhận những điều không may xảy ra đối với mình, coi đó là những điều cần thiết phải chịu đựng và sau đó bắt tay ngay vào việc xây dựng lại nhà ở lâu dài cho gia đình. Họ đã chế tạo bếp nấu ăn với những miếng kim loại được nhặt nhạnh trong đống sắt vụn, chắp vá đồ dùng gia đình bằng những vật liệu còn sót lại từ những đống đổ nát đã bị cháy sém. Trong khi tiến hành xây dựng lại thành phố, người ta đã tìm ra những phương cách và những kỹ thuật mới để có thể giảm thiểu được tổn thất của những tai họa có thể xảy ra trong tương lai, bất kể như thế nào và ở nơi đâu.
Khách sạn Imperial do kiến trúc sư đại tài người Mỹ Frank Lloyd Wright thiết kế đã đứng vững trong trận động đất năm 1923, (thực tế là, khách sạn này chỉ được đưa vào sử dụng một vài giờ trước khi xảy ra động đất). Kỹ thuật xây dựng của ông đã được nhiều kiến trúc sư khác học tập và cải tiến. Khách sạn này đứng vững được là kết quả của kỹ thuật thiết kế xây dựng tiên tiến, cho nên kỹ thuật này luôn luôn được nghiên cứu cải tiến tại các phòng thí nghiệm chống tác hại của động đất thuộc trường Đại học Tsukuba và ở nhiều nơi khác trên đất nước Nhật Bản ngày nay. Tại các phòng thí nghiệm này, người ta tạo ra những cuộc động đất giả để thử nghiệm các loại móng nhà cũng như các phương pháp xây dựng. Với sự hỗ trợ của máy tính, người ta đã tạo ra được những trận động đất giả mà trước đây không thể thực hiện được, và vì thế, kỹ thuật xây dựng của Nhật Bản được coi là tiên tiến nhất trên thế giới. Điều này là đương nhiên, vì đó chính là vấn đề quyết định sự tồn tại của chúng tôi.

Chúng tôi chủ trương tiết kiệm mọi mặt chứ không phải chỉ tiết kiệm chi tiêu, mặc dù về mặt này, chúng tôi thực hiện cũng khá tốt. Lần đầu tiên tôi sang thăm nước Mỹ, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy người Mỹ sẵn sàng quẳng những tờ báo vào sọt rác sau khi họ lướt qua các dòng tiêu đề trong lúc dùng bữa sáng. Một vài người giữ những tờ báo này lại cho đến khi chất thành đống thì lại mang vứt vào đống rác. Họ thường chỉ giữ lại chương trình ti vi hàng ngày và quẳng đi phần lớn tờ báo. Tôi còn ngạc nhiên về khổ báo và số trang của các tờ báo Mỹ. Ở Nhật Bản, tờ báo thường có ít trang hơn. Tôi chưa từng thấy tờ báo nào lại dày như tờ New York Times, số ra ngày Chủ nhật, đôi khi cân nặng đến vài Pound (một pound tương đương với khoảng 450 gram).
Nhưng chỉ sau một thời gian sống ở Mỹ, tôi thấy hình như quăng bỏ báo chí vào thùng rác là một điều tự nhiên.
Khi ở New York, tôi gặp một người Nhật đã sinh sống ở Mỹ khá lâu. Ông này tâm sự với tôi là ông cảm thấy bối rối về một vấn đề khá nan giải và đề nghị tôi giúp đỡ. Tôi hỏi ông ta: “Vậy đó là chuyện gì?”. Ông nói không thể trả ngay với tôi được và mời tôi đến phòng chơi. Khi vào phòng ông, tôi nhận ra ngay vấn đề đang làm phiền lòng ông ta. Gian phòng nhỏ xíu này hầu như chất đầy các loại báo chí, kể cả dưới gầm giường và trong phòng vệ sinh. Một mình ông ta không thể mang đống báo đó vứt đi được, và ông ta cũng không biết phải làm gì với chúng. Tôi sắp xếp để chở đống báo đó đi và ông ta cảm thấy thật dễ chịu như vừa trút được một gánh nặng. Tôi giải thích cho ông ta rằng có thể khái niệm mottainai không được người Mỹ thấm nhuần sâu sắc như người Nhật Bản.
Tạp chí, sách báo ở Nhật Bản được xuất bản rất nhiều do tỷ lệ người dân Nhật biết đọc, biết viết ở một mức độ cao. Người Nhật sử dụng giấy để chế tạo rất nhiều vật dụng, từ đồ thờ cúng, đồ mỹ thuật, in sách đến việc chế tạo các loại chao đèn, trang trí cửa sổ, sản xuất các loại bao bì đóng gói và giấy trang trí, cho nên Nhật Bản đã trở thành nước sản xuất giấy lớn thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) với sản lượng hơn 190 triệu tấn giấy mỗi năm.
Nhật Bản cũng là nước có tỷ lệ tái chế giấy cao nhất thế giới. Năm 1984, 50% số giấy tiêu thụ ở Nhật đã được thu hồi để tái chế (ở Mỹ con số này là 27%; Pháp 34%; Tây Đức 38%; Hà Lan 46% và Anh 28%). Một phương pháp quen thuộc và rất có hiệu quả thường được sử dụng ở Nhật là theo định kỳ, người thu mua giấy, báo cũ đi rong qua các phố phường bằng xe tải hoặc xe ngựa có gắn loa báo cho người dân mang giấy, báo cũ ra bán hoặc đổi lấy giấy vệ sinh. Trên đường phố New York, đây có thể là một điều kỳ quặc, nhưng dù sao thì đó cũng là một việc nên làm. Nhật Bản còn tái chế số lượng lớn nhôm, thép, thuỷ tinh, kẽm, đồng và chì. Người dân Nhật Bản rất có ý thức phân loại rác thải để cho công việc tái chế được dễ dàng hơn.
Do luôn luôn ý thức được rằng cần phải thực hiện tiết kiệm để tồn tại, với chúng tôi, việc sử dụng một lò than hay lò sưởi điện loại nhỏ để sưởi ấm cơ thể có ý nghĩa hơn và tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc hao phí nhiệt năng để sưởi ấm toàn bộ căn phòng hay ngôi nhà với mục đích chỉ để làm cho một hay hai người nào đó đỡ cảm thấy lạnh giá. Ngay cả nhà tắm nước nóng của một gia đình người Nhật cũng thường được dành để phục vụ cho tất cả mọi người (việc rửa ráy thường được thực hiện bên ngoài phòng tắm) nhằm giúp họ giữ được thân nhiệt trong những ngày đông giá lạnh, giúp họ có thể dùng bữa tối một cách yên lành trong những ngôi nhà xây dựng theo kiểu Nhật trước khi sà vào chăn ấm nệm êm nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc.
Ở Mỹ người ta có thói quen sưởi ấm cả một tòa nhà lớn vào mùa đông và làm cho nó lạnh mát vào mùa hè chỉ để làm cho một vài người cảm thấy thoải mái. Với những người Nhật Bản thuộc thế hệ trước như chúng tôi, việc này thực sự là quá lãng phí, thế nhưng hiện nay, ở Nhật Bản điều này cũng không phải là hiếm. Đôi khi, vào mùa đông, chúng tôi phải cởi bỏ áo khoác vì trong phòng làm việc quá nóng, còn vào mùa hè, chúng tôi lại phải mặc áo khoác vì người ta để điều hòa quá lạnh. Sau khi lệnh cấm vận dầu lửa lần thứ hai được ban hành, thủ tướng Nhật Masayoshi Ohira đã khuyến nghị các doanh nhân, các quan chức chính phủ mặc một loại áo vét tông mùa hè đã được biến thể giống như áo của người đi trên sa mạc thay thế cho áo sơ mi, cà vạt, áo vét tông thông thường nhằm hạn chế việc giảm nhiệt độ quá thấp tại các văn phòng. Chính ông cũng sử dụng loại áo này, thậm chí ông còn chụp ảnh đăng báo và gọi đó là “kiểu áo tiết kiệm năng lượng”. Tuy nhiên, người Nhật rất câu nệ về hình thức nên hầu như ít ai mặc loại áo đó. Dù sao thì người ta cũng phải điều chỉnh lại nhiệt độ ở phòng làm việc cho thích hợp nhằm tránh hao phí năng lượng. Tại tập đoàn Sony, chúng tôi chủ tâm không bao giờ để điều hòa quá nóng hoặc quá lạnh trong phòng làm việc, và còn treo biển tại văn phòng chính để khách giao dịch biết rõ chính sách này của chúng tôi.
Phải nói rằng cho đến trước thời kỳ cấm vận dầu lửa lần thứ nhất, nhiều người Nhật vẫn cho rằng sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản dựa trên giả thuyết rằng nguồn dầu lửa là vô tận, chỉ cần ra nước ngoài nhập về, và với nguồn dầu lửa như vậy đất nước chúng tôi hoàn toàn có khả năng mở rộng các ngành công nghiệp theo ý muốn. Vì thế, khi cuộc khủng hoảng dầu lửa xảy ra, chúng tôi một lần nữa lại hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ mottainai. Chúng tôi cũng học hỏi được cách áp dụng các nguyên tắc ẩn ý trong từ ngữ đó, cho nên ngày nay, dù nền kinh tế được mở rộng hơn rất nhiều, chúng tôi thậm chí còn sử dụng ít dầu thô và khí đốt hơn cho với năm 1973, vì chúng tôi đã biết làm thế nào để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất.
Chính khả năng phối hợp với nhau trong công việc đã giúp Nhật Bản vượt qua được cuộc khủng hoảng dầu lửa. Từ trước tới nay, Nhật Bản luôn phải phụ thuộc 100% vào nguồn dầu lửa từ bên ngoài. Với người Nhật Bản, dầu lửa là thứ rất quý hiếm, cho nên họ luôn phải nghĩ cách giữ gìn, bảo quản tốt dầu lửa. Các ngành công nghiệp Nhật Bản đều có trách nhiệm bảo quản năng lượng và tìm biện pháp để hạn chế tối đa tiêu hao năng lượng trong chế tạo sản phẩm.
Đó cũng chính là mục tiêu của tập đoàn Sony chúng tôi. Ibuka rất say mê tìm kiếm phương pháp giảm tiêu hao điện năng, và đó là một trong những nguyên nhân khiến anh muốn sử dụng các thiết bị bán dẫn.
Chúng tôi xem xét kỹ mọi hoạt động của nhà máy và các sản phẩm của công ty, chúng tôi tìm cách thay đổi thiết kế sản phẩm nhằm tiết kiệm dù chỉ một chút năng lượng. Chỉ vài tháng sau khi cuộc cấm vận dầu lửa bắt đầu, chúng tôi đã sửa đổi thiết kế ống thu hình Trinitron từ nung gián tiếp phần tử ca-tốt sang nung trực tiếp, nhờ vậy mà tiết kiệm được 12% điện năng. Chúng tôi cũng nghiên cứu lại các hình thái tiêu thụ điện năng tại các nhà máy, văn phòng cũng như trong từng sản phẩm của tập đoàn Sony. Năm 1969, khi hai vợ chồng tôi xây dựng ngôi nhà mới tại khu Aobadai ở Tokyo, tôi cũng đã áp dụng cách phân tích sự tiêu hao năng lượng như vậy. Tôi muốn xây một bể bơi nước nóng trong tầng hầm, nhưng có hai vấn đề phải xem xét: thứ nhất là nó sẽ làm tăng độ ẩm ở các tầng trên, thứ hai là nhiệt độ tỏa ra từ bể bơi sẽ thất thoát gây lãng phí. Đến 90% nguồn nhiệt bị thất thoát là do sự bốc hơi. Tôi đã giải quyết cả hai vấn đề trên bằng cách căng một tấm màng bằng chất dẻo trên toàn bộ diện tích bể bơi, tấm màng này sẽ giữ lại hơi ẩm và nóng trong bể bơi. Tôi đã đăng ký sáng kiến này ở Mỹ và ở Nhật Bản.
Năm 1973, các hãng sản xuất đồ dùng gia đình đều cố gắng cắt giảm tiêu thụ điện năng, và nỗ lực tìm cách chế tạo những sản phẩm tiêu hao ít điện năng nhất. Điều này trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng trong cạnh tranh. Vào thời điểm đó, tôi rất thất vọng khi thấy ở các nước khác hầu như không có tiến triển gì trong việc tái thiết kế sản phẩm, và tôi nghĩ rằng có thể là do ở những nước có nguồn dầu lửa, cuộc khủng hoảng không gây ra những tác động sâu sắc đến từng người dân như ở đất nước Nhật Bản. Chúng tôi hiểu rằng nếu Nhật

Bản bị cắt mọi nguồn cung cấp dầu lửa thì chúng tôi không còn phương kế để làm ăn sinh sống. Thậm chí một số người bi quan nhất đã lên tiếng cảnh báo là Nhật Bản cần phải chuẩn bị để quay trở về sản xuất nông nghiệp nếu như tình trạng tồi tệ nhất xảy ra. Chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể có được dầu lửa, nhưng tất nhiên là phải trả giá cho người cung cấp. Sự trao đổi là tất yếu. Nhưng chúng tôi không thể phung phí như trước được, và giấc mơ về sự tăng trưởng kinh tế liên tục có thể bị tiêu tan. Sự thật là cuộc cấm vận dầu lửa lần thứ nhất đã làm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội giảm từ 8,8% năm 1973 – mức cao nhất trong các nước công nghiệp hóa – xuống còn 1% năm 1974
– mức thấp nhất trong số các nước này.
Cũng do tác động của cuộc khủng hoảng này mà chúng tôi đã trở thành những nhà sản xuất có hiệu quả nhất. Sử dụng những công nghệ hiện đại nhất, chúng tôi đã thiết kế lại hệ thống chiếu sáng tiêu thụ ít điện năng hơn, và sản xuất ra các máy phát điện công suất lớn hơn nhưng tiết kiệm hơn. Những khách đến thăm Ginza trông thấy ánh sáng điện rực rỡ ở đó và ở nhiều khu vực khác đã cảm thấy thật khó tin rằng chúng tôi tạo ra nguồn ánh sáng đó với điện năng tiêu thụ ít hơn trước kia rất nhiều. Các nhà máy tìm cách tái sử dụng nhiệt và hơi đốt bị thất thoát và tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Công nghệ mới giúp chúng tôi chế tạo các loại xe ô tô tiêu thụ ít xăng dầu hơn.
Chẳng bao lâu chúng tôi cảm nhận rằng chúng tôi có thể sử dụng mỗi thùng dầu thô hiệu quả hơn bất cứ đất nước nào khác.
Một mặt khá thuận lợi là vì Nhật Bản là một đất nước khá nhỏ, cho nên ngành giao thông vận tải tiêu thụ hết ít dầu lửa hơn so với các ngành công nghiệp, trong khi ở Mỹ lại hoàn toàn trái ngược. Ở đây, cứ mỗi thùng dầu thì hơn một nửa được sử dụng cho vận tải. Đã có lúc chúng tôi ghen tị với nước Anh vì quốc gia này có những giếng dầu ở Biển Bắc, nhưng vào thập kỷ 80, khi giá dầu hạ xuống nhanh chóng và trên thế giới xảy ra tình trạng thừa dầu lửa thì những thùng dầu lửa đắt đỏ khai thác ở vùng Biển Bắc đã trở thành một gánh nặng cho nước Anh. Hiện nay, Nhật Bản vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài tới 99,7% lượng dầu lửa tiêu thụ trong nước, 100% nhôm, quặng sắt, và ni-ken, hơn 95% đồng, và hơn 92% khí đốt tự nhiên. Chúng tôi khó có thể thoát ra khỏi nỗi lo lắng là sẽ bị cắt các nguồn cung cấp dầu, chính vì thế, chúng tôi luôn luôn phải dự trữ một số lượng lớn dầu lửa bằng khoảng 100 ngày tiêu thụ tại các kho chứa dầu để đề phòng trường hợp xấu xảy ra đột xuất. Tất nhiên đó là một sự thận trọng, khôn ngoan cần thiết nhưng cũng là một di sản do quá khứ nông nghiệp để lại và là kết quả của tâm lý luôn cảm thấy dễ bị tổn thương.

Nếu như ngay từ khi bạn còn là một đứa trẻ, người ta đã nói với bạn rằng những vật bằng kim loại mà bạn cầm trong tay được làm từ quặng sắt khai thác tại những vùng mỏ ở một đất nước xa xôi nào đó, được vận chuyển đến Nhật Bản với tiền cước khá cao, và được chế tạo tại những lò luyện kim sử dụng khí đốt và than mua từ những nước rất xa nước Nhật thì chắc chắn bạn sẽ coi những vật đó rất có giá trị. Ở Mỹ có một thực tế là người ta cứ cho sản xuất hàng loạt sản phẩm, chẳng hạn như trục xe ô tô, rồi sau đó mới lựa chọn và loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Ở Nhật Bản, kinh tế học đơn giản cũng không cho phép làm như vậy. Triết lý chung của nền công nghiệp Nhật Bản là mỗi người sản xuất phải tự kiểm tra sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định cho bất kỳ khâu thao tác nào. Đối với chúng tôi điều này hoàn toàn tự nhiên. Có thể đây là một triết lý bảo thủ và thận trọng nhưng nó đã giúp chúng tôi hoàn thành tốt công việc. Ở Mỹ có thể người ta đương nhiên chấp nhận một số phế phẩm nhất định, nhưng ở Nhật Bản, chúng tôi tìm mọi cách để hạn chế tối đa phế phẩm. Các bạn có thể hình dung chúng tôi đã lo lắng như thế nào vào những năm 1950, vì thời kỳ này chúng tôi có rất ít nguyên liệu, và vì trong số những máy bán dẫn đầu tiên chúng tôi sản xuất ra chỉ có 5% là có thể sử dụng được. Nhiệm vụ đặt ra cho mọi người trong công ty là phải làm thế nào để hơn 90% sản phẩm sản xuất ra có thể sử dụng được. Và chúng tôi đã thực hiện được điều này chỉ trong vòng một vài tháng. Tôi đã nhận thấy từ rất sớm là, với tập đoàn Sony, chi phí về sửa chữa, bảo quản sản phẩm ở nước ngoài rất tốn kém, cho nên cần phải đảm bảo chất lượng tại mỗi khâu sản xuất, và như vậy về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí hơn nhiều.
Tôi cũng được biết rằng người Mỹ có thái độ dễ dãi hơn người Nhật trong việc sử dụng nguyên vật liệu. Nước Mỹ có rất nhiều nguồn tài nguyên: dầu lửa, than đá, đồng, vàng, uranium và gỗ… cho nên đến ngày nay, dường như người Mỹ vẫn không hề chú ý đến vấn đề giữ gìn, bảo tồn các nguồn tài nguyên.
Người ta cho tôi biết một câu thành ngữ của Mỹ: “Dùng hết lại có”. Ở Nhật Bản không có câu thành ngữ nào như vậy.
Người Nhật Bản rất coi trọng sự chính xác. Có thể một lý do là chúng tôi luôn phải cẩn thận và tỉ mỉ từ khi tập viết những nét chữ khá phức tạp của ngôn ngữ Nhật. Nhưng cho dù trong trường hợp nào, khi chúng tôi yêu cầu một nhân viên rằng sai số của một bộ phận nào đó của sản phẩm không được vượt quá 5, thì tự anh ta sẽ có ý thức tìm cách để sai số đó về gần 0. Khi tiến hành xây dựng một nhà máy ở Mỹ, chúng tôi nhận thấy rằng công nhân ở đây cũng chấp hành quy định rất nghiêm chỉnh. Nhưng nếu chúng tôi yêu cầu họ phải đạt độ dung sai cho phép là trên dưới 5 chẳng hạn, thì họ cũng thực hiện đúng yêu cầu, nhưng ít khi họ đưa độ dung sai về con số 0 giống như những công nhân Nhật Bản. Chúng tôi đã thảo luận và khuyên họ nên làm như công nhân Nhật Bản, nhưng chưa bao giờ chúng tôi được họ hưởng ứng. Tìm hiểu về nét đặc trưng này của người Mỹ, chúng tôi rút kinh nghiệm và đưa ra độ dung sai cho phép đối với công nhân Mỹ là trên dưới 2. Với mức độ này, những công nhân người Mỹ đã đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi. Và chúng tôi biết rằng nếu như chúng tôi đặt ra yêu cầu độ dung sai là không thì họ cũng có thể thực hiện được điều đó.
Chưa bao giờ tôi tỏ ý coi thường công nhân người nước ngoài. Đôi khi, người ta phải có những cách xử thế khác nhau đối với những người có những quan điểm khác nhau. Tôi tin chắc là những nhà quản lý Mỹ cũng có kinh nghiệm khá tốt trong cách đối xử với công nhân Nhật Bản. Khi chúng tôi mở xưởng lắp ráp các máy Trinitron ở San Diego, chúng tôi phải làm việc với những công nhân thiếu kinh nghiệm và tất nhiên, chúng tôi cảm thấy rất lo lắng về chất lượng sản phẩm do những công nhân này chế tạo. Chúng tôi phải làm cho họ hiểu chúng tôi yêu cầu điều gì ở họ và lý do chúng tôi yêu cầu như vậy. Chúng tôi bàn bạc với các uỷ viên ban quản trị phụ trách xưởng lắp ráp, đó là ông Mike Morimoto, ông Junichi Kodera và ông Ron Dishono. Chúng tôi tìm ra biện pháp thật đơn giản: hãy chỉ cho mỗi công nhân điều gì sẽ xảy ra với sản phẩm của họ nếu như họ không thực hiện đúng mỗi thao tác. Ví dụ các máy Trinitron có mối hàn không chắc chắn sẽ có hình ảnh rất xấu, và người công nhân này sẽ phải dò tìm nguyên nhân xem mình đã thao tác sai ở chỗ nào.
Chẳng bao lâu, chúng tôi đạt được chất lượng sản phẩm hoàn toàn giống như ở Nhật Bản. Khi chúng tôi xây dựng nhà máy ở Bridgend thuộc xứ Wales, đã có lúc chúng tôi phải chuyển những chi tiết máy sản xuất tại đây về Nhật Bản để kiểm tra rồi lại chuyển trở lại Anh để lắp rắp. Việc này tiếp diễn cho đến khi chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mọi chi tiết đã được chế tạo theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Người Nhật Bản luôn tìm mọi cách phát triển một nền kỹ thuật công nghệ của riêng mình, đồng thời tiếp thu công nghệ tiến bộ của nước ngoài một cách có chọn lọc và thay đổi chúng cho phù hợp với thực tế. Chúng tôi vẫn dùng chữ Hoa trong ngôn ngữ Nhật song song với bảng âm tiết rất đơn giản của tiếng Nhật, kết hợp ngữ pháp khá giản đơn của tiếng Hoa với ngữ pháp phức tạp của ngôn ngữ Nhật Bản. Các âm tiết trong tiếng Nhật được sáng tạo để dễ dàng phát âm các từ tiếng nước ngoài. Bất kỳ từ nước ngoài nào cũng có thể được đưa vào ngôn ngữ Nhật theo cách này. Người Nhật Bản có cách phát âm riêng đối với từ ngữ nước ngoài mà không cần phải sử dụng tiếng Hoa để phiên âm.

Ngôn ngữ viết của Nhật Bản cũng khá đơn giản. Để nắm bắt nhanh được nội dung của một văn bản, người ta chỉ cần nhìn lướt qua những từ ngữ tiếng Hoa trong đó là có thể hiểu được. Đây cũng là một công nghệ của chúng tôi.
Một điều ngẫu nhiên là năm 1543, một số người Bồ Đào Nha đi trên một chiếc tàu buôn Trung Quốc (thậm chí chúng tôi cũng không chắc đó có phải là tàu họ cướp trên biển hay không) đã ghé vào hòn đảo nhỏ Tanegashima ở ngoài khơi phía nam đảo Kyushu để mua thực phẩm. Họ mang theo hai khẩu súng hỏa mai. Trong khi tàu đỗ lại để lấy đồ ăn, họ đi săn bắn trên đảo. Khi nhìn thấy loại vũ khí mới này, vị chúa đảo Tokitaka đã yêu cầu những người Bồ Đào Nha cho xem. Sau đó, họ đồng ý dạy ông cách bắn súng, và khi họ sửa soạn rời đảo lên đường, ông Tokitaka quyết định phải có được cả hai khẩu súng này. Ông đã trả giá rất cao cho hai khẩu súng. Sau đó, những người thợ đúc súng giỏi nhất đã được Tokitaka triệu tập để đúc súng theo mô hình khẩu súng hỏa mai mà ông đã mua được của người Bồ Đào Nha. Súng đã được đưa vào Nhật Bản như vậy đấy. Tương truyền rằng chỉ vài năm sau, những khẩu súng đúc tại Nhật Bản (nay gọi là Tanegashima) theo mô hình khẩu súng của người Bồ Đào Nha đã tốt hơn rất nhiều so với nguyên bản. Điều này thì tôi không thể chứng minh được là đúng hay sai.
Nước Nhật từ lâu vốn rất say mê súng đạn, và sự say mê đó chấm dứt một cách bi thảm vào năm 1945. Ngày nay Nhật Bản là nước ít vũ trang nhất trong các nước công nghiệp hóa trên thế giới. Hòn đảo nhỏ của vị chúa tể Tokitaka ngày xưa nằm liền kề hòn đảo chính về phía Nam của Nhật Bản nay trở thành một vị trí thuận tiện về mặt địa lý để thiết lập một bệ phóng của Cơ quan hàng không vũ trụ Quốc gia, nơi phóng các vệ tinh thông tin hoặc vệ tinh dự báo thời tiết lên không trung. Thật là sự mỉa mai của lịch sử, Tanegashima đã hai lần mở đường cho Nhật Bản phát triển những công nghệ mũi nhọn. Kỹ thuật khai thác từ hòn đảo nhỏ này giúp chúng tôi có được những phát minh có ý nghĩa quan trọng với sự sống còn, chẳng hạn như các vệ tinh địa tĩnh giúp chúng tôi có thể liên lạc được với các nơi khác trên thế giới, hay các vệ tinh khí tượng giúp chúng tôi thu nhận những thông tin quan trọng về khí tượng và thái dương hệ để chia sẻ với các nước khác trong khu vực Đông Thái Bình Dương.
Vào thế kỷ thứ XVI, dưới sự chỉ huy của Toyotomi Hideyoshi, quân đội Nhật Bản xâm lược Triều Tiên. Trong số những người bị bắt làm tù binh về Nhật Bản có cả những thợ đồ gốm và thợ thủ công nhiều nghề khác. Những người này đã dạy cho người dân Nhật Bản cách làm đồ gốm và đồ dùng kim khí bằng những kỹ thuật chưa từng được biết đến ở Nhật.
Người Nhật luôn luôn khát khao học tập kỹ thuật công nghệ mới. Như tôi đã từng đề cập, vào thời kỳ Minh Trị, người Nhật Bản tìm mọi cách để học hỏi kỹ thuật mới của phương Tây, từ cách may một chiếc váy cho đến cách chế tạo những đầu máy xe lửa.
Nhưng quan điểm của tôi về kỹ thuật công nghệ và lợi ích của nó đối với nhân loại không phải bắt nguồn từ những phát minh vĩ đại nhất của mọi thời đại. Có khi bạn có một công nghệ tốt nhất, nhưng bạn lại không biết sử dụng nó như thế nào cho hữu ích nhất. Cũng có khi một công nghệ, một kỹ thuật đơn giản lại có thể giúp bạn tồn tại được.
Một ngày tháng Giêng năm 1974, hai ngư dân đi qua những bụi lau sậy tại một nơi vắng vẻ gần sông Talofofo trên đảo Guam. Khi đang đặt bẫy bắt tôm hùm, họ thấy ở gần đó có gì đang chuyển động một cách bất thường. Họ dừng lại và chờ đợi. Mấy phút sau bỗng có một người đàn ông có râu quai nón, thấp đậm có vẻ khỏe mạnh lao ra từ giữa bụi lau sậy. Nhìn thấy hai ngư dân, anh ta có vẻ hoảng hốt, vứt cái bẫy xuống đất và giơ hai tay lên trời với dáng điệu cầu khẩn, rồi sau đó anh ta bất thình lình lao vào tấn công một trong hai ngư dân. Anh ta lập tức bị hai người giữ chặt và trói tay lại. Tại trạm cảnh sát địa phương, anh ta khai mình là hạ sĩ Yoichi Yokoi đã từng phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Nhật Bản. Kể từ khi quân đội Mỹ tái chiếm đảo Guam, anh ta đã phải lẩn trốn trong suốt 28 năm trời. Câu chuyện về cuộc trốn chạy vì sự sống sót của anh ta thật là khó tin.
Khi chưa nhập ngũ, Yokoi là một thợ may. Anh ta phục vụ trong một đơn vị hậu cần ở Trung Quốc, đến tháng Ba năm 1944, không lâu trước khi đảo Guam bị tái chiếm, anh được chuyển đến nơi đây. Sau khi đảo Guam lại rơi vào tay quân đội Mỹ, Yokoi bị coi là đã hy sinh, anh được phong hàm trung sĩ. Cha mẹ anh đặt một bài vị trên bàn thờ Phật, nhưng cả cha mẹ anh cho đến khi từ trần vẫn tin là anh còn sống. Và anh vẫn còn sống, hoàn toàn khỏe mạnh ngoại trừ bệnh thiếu máu. Khi được đưa đến bệnh viện, tất cả những gì anh muốn là “được ăn một thứ gì mằn mặn”. Đã 28 năm, anh không được nếm vị mặn của muối. Đã 28 năm, anh tắm và uống nước từ con suối nhỏ ngay cạnh cái hang mà anh ẩn nấp. Anh tự đào cho mình một cái hang sâu đến 8 feet dưới lòng đất chỉ bằng một mảnh vỏ đại bác. Anh che chắn cửa hàng bằng một mái che làm bằng tre trúc, và anh tạo một cái ống thoát nước để làm chỗ đi vệ sinh.
Anh được lệnh phải đốt bỏ bộ quân phục khi quân đội Mỹ tái chiếm đảo Guam. Yokoi cùng hai người nữa đã rút lui và ẩn náu ở một nơi hẻo lánh phía cuối của hòn đảo. Hai người kia tìm nơi ẩn náu riêng, và họ đã chết vài năm trước khi Yokoi được tìm thấy. Để may quần áo, anh tước vỏ cây pago mọc rất nhiều trên đảo lấy sợi và dệt vải bằng một khung dệt tự tạo. Anh cắt vải bằng một cái kéo thợ may anh thường mang theo mình để may quần, áo và cả áo khoác. Anh đã tự tạo kim khâu từ những vỏ đạn đồng mà anh tìm được. Anh ta nhặt được một hộp đựng đạn mà người Mỹ bỏ đi và một số vỏ súng máy đã sử dụng. Anh còn nhặt được một ít đồ đồng nát trôi nổi trên sông, một mảnh vải, một ít dây và một cái can. Với những vật liệu này, anh làm khóa thắt lưng, làm khuy áo. Anh còn ép dầu từ cùi dừa và dùng vỏ dừa để làm gáo nước.
Yokoi còn tìm cách nhóm lửa bằng cách cọ xát những cành cây khô với nhau và giữ lửa bằng cách đốt một cuộn dây sơ dừa, nó cứ âm ỉ cháy từ ngày này sang ngày khác, khi cần ngọn lửa lớn để nấu ăn thì anh thổi vào cuộn dây đó.
Thỉnh thoảng Yokoi lại bẫy được một vài con chuột rừng hay bắt được một con hươu. Anh nướng thịt thú rừng bằng một cái lò đắp theo hình cái rổ, có ống thông gió để tránh khói. Anh ta còn bắt tôm cá, thậm chí trồng được cả rau xanh để ăn.
Yokoi được đón tiếp về nhà như một anh hùng. Anh được truy lĩnh toàn bộ tiền lương. Anh viết một cuốn sách về cuộc đời mình, và hiện nay, anh còn đi diễn thuyết về cuộc sống với thiên nhiên của mình.
Chúng ta khó mà có dịp sống và trải qua những thử thách gay go ác liệt như trường hợp hạ sĩ Yokoi. Sở dĩ tôi kể lại câu chuyện này chính là để chứng minh rằng kỹ thuật có thể giúp cho con người tồn tại ngay cả trong những điều kiện thô sơ nhất. Kỹ thuật không phải chỉ là những gì có thể mang lại điều kỳ diệu làm cho cuộc sống của con người dễ chịu, thoải mái như hiện nay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.