Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

NHẬT BẢN VỚI THẾ GIỚI Bạn và thù 1.



Quan hệ giữa Nhật Bản với thế giới nhiều khi rất căng thẳng. Không có gì ngạc nhiên khi ngày nay nước Mỹ và khối cộng đồng châu Âu đang bị cuốn vào vòng xoáy thương mại với Nhật Bản. Tôi nghĩ chúng ta nên lấy làm mừng là các vấn đề của đất nước ta chưa bị chính trị hóa sâu sắc đến nỗi chúng ta không thể ngồi vào bàn hội nghị và thảo luận những vấn đề đó một cách có lý trí được. Nhưng tình hình này chẳng khác gì một căn bệnh mãn tính. Do vậy, chúng ta cần phải tìm ra một giải pháp để khắc phục. Một điều rõ ràng là Mỹ và Nhật Bản đang chia sẻ hơn 80 tỷ đô la kim ngạch thương mại, chiếm tới hơn 30% tổng số hàng hóa và dịch vụ trên thế giới. Do đó, tất yếu cả hai nước sẽ có những vấn đề cần được giải quyết do quy mô và sự đa dạng của nền thương mại hai nước tạo ra.
Thật dễ dàng để đổ lỗi cho người khác hơn là tự soi vào lỗi lầm của chính mình. Điều này luôn đúng đối với cả hai nước.
Chúng tôi có suy nghĩ khác nhau và cả cách nhìn nhận các vấn đề đang gây ra những mâu thuẫn bất tận giữa hai cường quốc này nhiều khi cũng rất khác nhau. Dĩ nhiên là còn tồn tại những sự khác biệt quan trọng giữa hai chế độ.
Những phương thức mang tính truyền thống, dù đúng hay sai, đều vẫn đang tồn tại ở cả hai nước. Có những vấn đề không liên quan tới chủng tộc, văn hóa, lịch sử hay truyền thống nhưng lại có liên quan đến thái độ của con người. Đó cũng là điều dễ hiểu.
Trước khi Ronald Reagan nhậm chức tổng thống Mỹ, một trong những cố vấn của ông đến thăm Nhật Bản để tìm hiểu nhằm đề ra chính sách của Reagan đối với châu Á, đặc biệt là chính sách quốc phòng. Ông này đã nói chuyện với một vài nhân vật lãnh đạo Nhật Bản và trong một cuộc hội đàm với một chuyên gia kinh tế ở Tokyo, ông đã gắn các vấn đề thương mại với quốc phòng và cho rằng Nhật Bản nên chế tạo một số tàu chiến và có thể cho thuê hoặc tặng hẳn cho hải quân Hoa Kỳ. Vị chuyên gia đó trả lời viên cố vấn Mỹ rằng việc này khó có thể thực hiện được vì điều 9 trong Hiến pháp Nhật ghi rõ nước Nhật từ bỏ chiến tranh và không cho phép bất kỳ ai duy trì tiềm lực chiến tranh hoặc xuất khẩu nó. Viên cố vấn của Reagan nói: “Được rồi, vậy thì hãy sửa đổi lại Hiến pháp”.
Nói thì rất dễ nhưng làm thì lại rất khó, đặc biệt là đối với một nước dân chủ như Nhật Bản hay thậm chí là Mỹ. (Thực ra, người Mỹ khi viết bản Hiến pháp của Nhật mong rằng sau khi quân đội Mỹ hết thời hạn chiếm đóng nước Nhật, nước này sẽ tự viết một bản Hiến pháp của chính họ, nhưng bản Hiến pháp hiện có đã ăn sâu vào trí óc người Nhật đến mức, họ thường nhìn nhận với con mắt ngờ vực mọi cuộc trao đổi về thay đổi Hiến pháp, vì họ sợ rằng bất cứ một thay đổi nào cũng có thể đưa đất nước trở về những ngày tồi tệ trước đây dưới sự cầm quyền của giới quân phiệt Nhật. Tôi nghĩ đây là một sự thiển cận của các chính khách Nhật Bản, những người này cần phải có sự can đảm thay đổi những gì cần thiết. Hơn nữa, bản Hiến pháp lại không phải do người Nhật viết).
Người Mỹ và người châu Âu hình như không nghĩ rằng ý kiến của họ về cách thức hoạt động của các hệ thống tiền tệ và thương mại ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai cần phải được toàn thế giới công nhận, nhất là trong thế giới kinh doanh, và hơn nữa, họ còn tin rằng họ đã hoạch định ra những hệ thống này thì tất yếu các quy tắc và luật lệ họ đặt ra không bao giờ cần sửa đổi. Các hệ thống này cho tới nay đã phục vụ tốt cho ý đồ của họ và như thế không cần thiết phải thay đổi nữa. Ngoài ra, một số nhà kinh doanh Mỹ và châu Âu còn coi người Nhật là những người mới nhập cuộc, chưa có kinh nghiệm, cần phải học tập thêm nhiều mới có thể đạt được trình độ quốc tế. Điều mà họ không muốn công nhận là chúng tôi không những đang ở cùng trường với họ, mà còn học trong cùng một khoa với họ.
Cơ quan hoạch định kế hoạch kinh tế Nhật Bản gần đây đã nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ lưỡng các chiều hướng kinh tế quan trọng cho đến năm 2000. Theo tính toán của cơ quan này, Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới và sẽ chiếm 19,6% tổng sản phẩm quốc dân của thế giới. Liên Xô sẽ đóng góp 12,5% và Nhật Bản sẽ là nước đứng hàng thứ ba với 11,9%. Tây Đức sẽ là nước đứng hàng thứ tư với 5,9% và sau đó là Trung Quốc với 5,3%. Pháp chiếm 4,3% và Anh 2,9%. Bản đồ kinh tế thế giới đã có những thay đổi lớn kể từ năm 1960 khi Mỹ chiếm 33,4% tổng sản phẩm thế giới và Liên Xô 15% trong khi Nhật Bản mới chỉ đạt được 1,8%. Nhưng ngày nay, Mỹ đã bị tụt xuống còn 22,4% và ngược lại Nhật Bản đã tăng lên 10,1%. Điều này rõ ràng cho thấy là thành tích công nghiệp hóa cũng như sức mạnh kinh tế của Nhật không thể không được coi trọng trong hệ thống thương mại thế giới và rất đáng để các dân tộc tìm hiểu xem Nhật Bản đang có ý định làm gì và lắng nghe những ý kiến của họ.
Trong một thế giới đang có những biến chuyển nhanh chóng và phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, chúng ta cần tìm kiếm mọi cách thức để hiểu biết nhau nhiều hơn; chúng ta phải nói chuyện, trao đổi ý kiến với nhau cũng như phải cố gắng thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta có thể tranh luận và bàn cãi nhưng chúng ta phải coi trọng nhau, với mục đích học hỏi lẫn nhau nhằm tìm cách giải quyết nhưng vấn đề chung. Tôi hiểu rõ rằng người phương Tây khó có thể tin được một nước phương Đông đã đạt được tới những đỉnh cao kinh tế như vậy. Thật vậy, cho đến nay Nhật Bản là nước duy nhất đã đạt được trình độ này, nhưng những thành tích của nó không phải là ảo ảnh, cho nên hệ thống này cũng không thể nhanh chóng sụp đổ được. Nhật Bản sẽ mãi mãi nằm trong cộng đồng thế giới và đóng góp đáng kể vào phúc lợi của nhân dân thế giới. Vì thế, tôi đã bỏ rất nhiều thì giờ tham gia vào các hội thảo song phương và đa phương để cố tìm ra những biện pháp nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Ở Nhật Bản, chúng tôi sống trong điều kiện mật độ dân số cao và chúng tôi hiểu là phải tạo cho các đối thủ cạnh tranh một sự tự do nhất định. Chúng tôi phải thỏa hiệp với nhau. Ý thức thỏa hiệp là một yếu tố chủ yếu của chế độ pháp luật của nước chúng tôi và cũng là cơ sở cho quan hệ giữa các nước.
Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ là phải hy sinh một số nhu cầu riêng trong nhiều trường hợp. Ở Mỹ, theo như tôi biết, ý thức thỏa hiệp này rất hạn chế. Người Mỹ nói chung, hoặc ít nhất là những người tôi đã gặp trong vòng 40 năm qua, thường rất bảo thủ. Họ luôn khăng khăng rằng ý kiến hay cách làm của bản thân họ là đúng. Lịch sử chứng minh là họ rất giỏi trong nhiều lĩnh vực và thực ra, chúng tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều từ nước Mỹ. Nhưng tôi nghĩ người Mỹ cũng nên học cách thỏa hiệp và nên lắng nghe nhiều hơn.
Ở Nhật Bản, người lãnh đạo thành công nhất trong kinh doanh không phải là người đưa ra những chỉ thị chi tiết cho người làm việc dưới quyền mình, mà chính là người đề ra phương châm, đường lối chung cho nhân viên, tạo cho họ ý thức tin tưởng vào bản thân và hỗ trợ họ làm tốt công việc. Với một người lãnh đạo như vậy, nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn và đưa ra được nhiều ý tưởng mới.
Nếu như bạn tin rằng cách làm của mình luôn luôn là tốt nhất thì bạn chẳng bao giờ tiếp thu được ý kiến gì mới mẻ cả. Người Mỹ có chiều hướng cho rằng chế độ Mỹ là một khuôn mẫu chuẩn cho toàn thế giới thì tất nhiên họ không chịu lắng nghe và xem xét những gì đang xảy ra ở các nước khác. Khá nhiều công ty Mỹ, do đã nghiên cứu một cách nghiêm túc những phương pháp làm việc ở các nơi khác, đã nâng cao được năng suất và ổn định được lực lượng lao động bằng cách kết hợp những điều đã học được từ nước ngoài với những ý tưởng riêng của họ.
Khi hãng General Motors liên doanh với công ty Toyota Motor để chế tạo loại xe hơi nhỏ tại bang California, bản thỏa thuận đầu tiên được ký kết đã cho phép phía Nhật Bản được quyền điều khiển mọi hoạt động của nhà máy, từ đó hãng General Motors có thể học được cách quản lý của người Nhật và xem họ làm ăn như thế nào ở Mỹ. Đây là một cách làm khôn ngoan.
Thông thường, khi thấy có cái gì sai sót thì ta lại đổ lỗi cho người khác, rất ít khi tự soi vào bản thân mình. Tôi cho đây là một điều hoàn toàn tự nhiên.
Trong thời kỳ mà người Mỹ than phiền rất nhiều về việc Nhật Bản đóng cửa thị trường thiết bị viễn thông, tôi có dịp được cùng họp với Bill Brock tại Hawai, ông này lúc đó là đại diện thương mại đặc biệt của Mỹ. Hai chúng tôi bắt đầu câu chuyện về vấn đề đó và ngay lập tức, ông nói: “Hiện nay đang có một sự mất cân đối rất lớn về mặt hàng thiết bị viễn thông. Phải nói Nhật Bản đã bán ở Mỹ một số lượng thiết bị viễn thông gấp 11 lần so với số hàng Mỹ bán cho Nhật Bản”.
Ông tỏ ra rất thất vọng về con số chênh lệch quá lớn đó và muốn biết: “Tại sao người Nhật lại không mua thiết bị của chúng tôi?”.
Năm 1985, thị trường thiết bị viễn thông ở Nhật Bản chưa thật sự mở cửa đối với các hãng sản xuất nước ngoài như thị trường Mỹ. Đó là thực tế. Nhưng tôi cảm giác thị trường Nhật cũng sắp sửa mở rộng cửa cho mặt hàng này vì tập đoàn độc quyền điện thoại quốc gia Nhật Bản đang trong quá trình tư nhân hóa. Tôi đã dự đoán đúng. Mặc dù còn tồn tại một vài vấn đề, Nhật Bản và Mỹ hiện là hai thị trường rộng mở nhất về thiết bị viễn thông trên thế giới. Thực vậy, xin đơn cử một thí dụ, Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới ngoài Mỹ mà ở đó, bạn có thể mua một máy điện thoại Mỹ để sử dụng tại nhà. Nhưng điều đáng buồn là hầu hết các máy điện thoại Mỹ hiện đang được chế tạo ở Singapore.
Nhưng tôi cũng phải thành thật nói với ông bạn Brock là loại thiết bị mà chúng ta đang bàn luận đây không phải là thứ đồ dùng của người dân thường, đó là thứ hàng dành riêng cho những chuyên gia về thiết bị công nghệ cao và họ rất thông thạo về lĩnh vực này. Họ chẳng bao giờ mua theo sở thích nhất thời, hoặc do bốc đồng hoặc bị hấp dẫn bởi hình thức bên ngoài hay giá rẻ.
Vậy nếu ông cho là thiết bị viễn thông của Mỹ là tốt và do đó người Nhật cần phải mua thì tại sao những người phụ trách viễn thông Mỹ lại không mua thiết bị của Mỹ mà lại cứ mua thiết bị Nhật? Ông nên hỏi ngay các công ty Mỹ chứ không nên đổ lỗi cho chúng tôi là đã bán quá nhiều sản phẩm ở Mỹ? Tôi còn nhắc nhở ông ta là người ta không thể bán được những gì mà người mua không thích.
Khi tôi giúp hãng General Motors tiến hành đầu tư lần đầu vào Nhật Bản, tôi nghĩ là hãng này tất sẽ sử dụng các đối tác người Nhật để bán xe GM tại Nhật Bản, thay vì chỉ sử dụng một đại lý duy nhất trên toàn nước Nhật như họ đã làm cho đến ngày nay. Nhưng ngược lại, họ lại đề nghị bên liên doanh Nhật Bản chế tạo các động cơ để gửi sang bán tại Mỹ và thậm chí họ còn yêu cầu gửi một chiếc xe hơi nhỏ sang Mỹ. Sau đó, họ lại muốn có một ngoại lệ ghi vào bản hiệp định tự nguyện hạn chế xuất khẩu mà các nhà chế tạo Nhật đã ký để giúp nền công nghiệp Mỹ và như thế, họ có thể mua nhiều xe của Nhật hơn. Ông Lee Iacocca của hãng Chrysler cũng đã làm như vậy mặc dù đã có một thời gian, ông này là một trong những người kêu gọi phải giảm mạnh việc Nhật Bản xuất hàng sang Mỹ (như mọi người đã thấy, loại xe hơi nhỏ model 1986 do hãng General Motors nhập vào Mỹ đã giành được tỷ lệ ưa chuộng cao nhất do mức tiêu thụ xăng thấp hơn so với bất kỳ xe hơi nào bán ở Mỹ).
Tôi nghĩ đây không phải là cách hay để nền công nghiệp Mỹ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của mình và giải quyết vấn đề mất cân đối cán cân thương mại. Trong buổi nói chuyện tại Viện Công nghệ Massachusetts, tôi nêu rõ là nhà máy của Sony tại bang California sản xuất tới 85% tổng số máy ti vi của chúng tôi bán trên đất Mỹ, số còn lại là những loại máy cỡ nhỏ được gửi từ Nhật Bản. Và thậm chí chúng tôi còn xuất ống thu hình sản xuất tại Mỹ cho các nhà máy của chúng tôi ở Nhật Bản. Hàng chục công ty Nhật Bản hoạt động ở Mỹ để chế tạo xe hơi, xe tải và các loại phụ tùng ô tô, các loại nhạc cụ, máy công cụ, thiết bị điện tử, máy thu hình, khóa kéo, nước chấm đậu tương v.v… Đối với các công ty này, việc sản xuất ở Mỹ cũng phần nào đó giống như một sự thỏa hiệp. Chúng tôi đã phải hy sinh một phần lợi nhuận đối với những hàng hóa sản xuất tại Mỹ để bán ở Mỹ so với hàng xuất khẩu từ Nhật Bản. Tất nhiên, chúng tôi có lợi thế giao hàng nhanh và một số lợi thế khác, nhưng các hãng Nhật Bản sản xuất tại Mỹ lại đóng góp khá nhiều cho nền công nghiệp Mỹ như: giảm số lượng hàng hóa nhập từ Nhật Bản, tạo thêm việc làm cho người Mỹ, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy phát triển các hệ thống dịch vụ.

Đồng thời, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Mỹ ở Nhật Bản lại gửi những khối lượng hàng lớn về Mỹ để cung cấp cho chính những công ty của họ (như hãng Texas Instruments và hãng Motorola chẳng hạn) hoặc để bán cho các công ty khác. Chính những chuyến hàng đó đã làm tăng thêm kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản và góp phần làm mất cân đối cán cân thương mại.
Khoảng 1/3 tổng số sản phẩm các công ty Nhật Bản bán cho Mỹ là hàng công nghiệp do chính các công ty Mỹ đặt mua chứ không phải bán thẳng cho người tiêu dùng Mỹ. Trên thực tế, các con số của năm 1985 cho thấy 19 tỷ đô la hàng xuất khẩu, tức là khoảng 1/3 tổng hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ là những thiết bị và phụ tùng do các công ty Mỹ sản xuất tại Nhật Bản với nhãn hiệu Mỹ. Nhiều công ty thuộc khối Cộng đồng Kinh tế Châu Âu cũng có những thỏa thuận lớn với các công ty Nhật Bản để sản xuất thiết bị tại Nhật Bản và tất nhiên các chuyến hàng như thế đều được tính trong kim ngạch xuất khẩu chung của Nhật Bản. Đó là chưa kể đến nhiều công ty ở Tây Đức, Anh, Pháp, Bỉ và Hà Lan thường bán các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất, chẳng hạn như máy photocopy, trên đất nước của họ nhưng lại dán nhãn hiệu của họ. Mỹ và Italia cũng có nhiều công ty bán máy công cụ của Nhật theo cách đó. Mỹ, Pháp, Anh và Tây Đức có khá nhiều công ty đứng tên đại lý bán trên thị trường nước họ những thiết bị xây dựng do Nhật Bản chế tạo. Ngoài ra còn có ba nhà chế tạo Rô bốt Mỹ đã xây dựng nhà máy sản xuất Rô bốt trên đất Nhật.
Tôi nghĩ cũng cần phải nói rõ một điều là, trái với nhận thức của mọi người, thực tế có hàng nghìn công ty Mỹ và châu Âu đang hoạt động kinh doanh trên đất Nhật. Chỉ riêng Phòng thương mại Mỹ có gần 600 công ty thành viên và 114 trong số 200 công ty lớn nhất thuộc danh sách Fortune 500 giữ cổ phần đa số tại các công ty chi nhánh Nhật Bản. Con số thống kê của Bộ Công thương quốc tế Nhật (MITI) cho thấy số lãi kinh doanh, tính theo phần trăm doanh thu của các Công ty ngoại quốc ở Nhật Bản luôn luôn cao hơn các công ty Nhật Bản thuộc cùng một ngành kinh doanh.
Theo tôi, nếu như các công ty nước ngoài gặp khó khăn trong cạnh tranh với Nhật Bản, nhiều khi cũng do việc kinh doanh của họ thất bại chứ chưa hẳn là do thành công của các công ty Nhật Bản. Do đó, người Mỹ hay châu Âu không nên oán trách người Nhật vì đã chế tạo ra những sản phẩm tốt và hấp dẫn. Tôi biết, đã có một thời kỳ việc lập một công ty 100% vốn nước ngoài, hoặc thậm chí là công ty liên doanh tại Nhật Bản là hết sức khó khăn. Nhưng dù lịch sử có như thế nào thì thời gian cũng đã trôi qua và những chống đối của một số người Nhật Bản cũng chẳng còn tác dụng gì nữa. Tôi đã nói ở trên là không một công ty Mỹ nào quan tâm đến công nghệ chế tạo máy đĩa CD của chúng tôi, tuy nhiên, đó lại là một công nghệ đầy triển vọng của tương lai với những tiêu chuẩn đã được chấp nhận rộng rãi tại Nhật Bản và châu Âu.
Trong khi chúng tôi đang tiến tới một thế hệ sản phẩm mới thì các công ty Mỹ vẫn còn bám lấy loại đĩa tương tự màu đen 12 inch, loại này chẳng bao lâu sẽ trở thành thứ đồ lỗi mốt, giống như việc máy quay đĩa 78 vòng/phút ngày nay cũng đã trở nên lạc hậu. Khi không ai nhìn thấy cơ hội và nắm bắt nó thì tất nhiên chúng tôi giành được lợi thế. Nhưng tôi cũng không thích thú gì với lợi thế này, vì khi có một người nào khác biết nhìn xa đã nhảy vào một ngành kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường thì sẽ lại có những lời phàn nàn. Các công ty Mỹ không nên quay lưng lại với loại công nghệ này vì nó sẽ mở ra nhiều triển vọng áp dụng khác nữa, chứ không đơn thuần chỉ là sự sao chép âm nhạc .

Thật mỉa mai khi những công nghệ mở đường cho phương pháp ghi âm mang tính đột phá này lại do chính nước Mỹ tìm ra đầu tiên. Nhưng các công ty Mỹ ngày nay hình như quan tâm nhiều tới các ngành dịch vụ hơn là áp dụng các kỹ thuật công nghệ mới để chế tạo ra những sản phẩm hấp dẫn đối với đa số những người tiêu dùng. Một vấn đề tôi thấy cần phải nói đi nói lại nhiều lần ở đây là mối nguy hiểm cho chính nước Mỹ khi họ chuyển việc sản xuất của mình ra nước ngoài. Đáng lẽ phải chú trọng đến việc sản xuất các vật phẩm có khả năng cạnh tranh về lâu dài thì nhiều nhà quản lý Mỹ lại thiên về tìm kiếm các mặt hàng có giá thành thấp để nhanh thu được lợi nhuận. Điều này đã dẫn đến việc ngày càng có nhiều công ty Mỹ dựa vào các nhà sản xuất ở Nhật Bản và các nước khác để cung cấp cho họ những sản phẩm với nhãn hiệu Mỹ. Cách tạo nguồn sản phẩm như vậy chỉ nên tiến hành ở một chừng mực nhất định vì điều đó có thể giúp ích cho công việc làm ăn của một công ty và thậm chí cho nền thương mại thế giới, nhưng nguy hiểm nằm ở chỗ, nhà sản xuất có thể sẽ mất đi quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Trong khi nhiều người Mỹ dường như không muốn nhìn nhận sự xuất hiện của một thời đại mới, người Pháp thậm chí còn có cái nhìn hằn học đối với nó. Phải thú thật rằng tôi rất khâm phục sự khôn ngoan, sắc sảo và trí thông minh của họ khi họ quyết định nước Pháp sẽ giảm thiểu số lượng đầu máy video nhập khẩu của Nhật Bản năm 1983. Pháp đã chọn cửa khẩu nhập mặt hàng này tại thành phố Poitiers nhỏ bé trong nội địa nơi người Pháp đã từng chặn đứng được cuộc xâm lược của người Saracen cổ. Pháp chỉ đặt ở đó 9 nhân viên hải quan. Các nhân viên này được giao nhiệm vụ phải kiểm tra rất chặt chẽ từng đầu máy trước khi qua cửa khẩu. Như thế, họ đã giảm số lượng đầu máy của Nhật Bản nhập vào Pháp tới mức còn ít hơn nhỏ giọt. Tất nhiên, chính phủ có quyền kiểm tra hải quan ở bất kỳ nơi nào họ muốn nhưng đặt trạm hải quan ở nơi này, trên bãi chiến trường Tours, nơi Pháp đã chặn đứng cuộc xâm lược năm 732 là một thông điệp tế nhị gửi tới nước Nhật Bản và thể hiện rõ đặc tính của người Pháp.
Trong thời gian này, các nhà chế tạo ở Pháp và các nước châu Âu khác vẫn đang nhập khẩu máy OEM (chế tạo ở Nhật nhưng mang nhãn hiệu châu Âu), nhưng họ vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc chế tạo những loại máy của chính mình, trừ một vài công ty. Với nhiều năm kinh nghiệm, tôi không hề ngạc nhiên khi thấy phản ứng đầu tiên của họ đối với hàng Nhật là nâng thuế nhập khẩu, và khi việc làm này cũng không ngăn chặn được luồng hàng nhập, họ đã gần như đóng cửa đối với hàng nhập khẩu thông qua kế hoạch Poitiers. Người Đức thực sự bất bình về việc làm này vì họ không muốn hàng của họ bị chặn lại ở cửa khẩu Poitiers. Họ tuyên bố thẳng thừng rằng nếu hàng hóa của các nước thuộc khối EEC cũng phải qua Poitiers, các chuyến hàng này sẽ bị lẫn với các sản phẩm Nhật Bản và chịu phạt giống như hàng của Nhật. Thật ra, tuyên bố tất cả các sản phẩm đều phải qua cửa khẩu Poitiers chỉ là ý định ban đầu của Pháp. Dưới áp lực của Đức, Pháp đã phải nhượng bộ và quyết định chỉ có sản phẩm của các nước ngoài khối EEC mới phải qua cửa khẩu Poitiers. Điều đó có nghĩa là chỉ có Nhật Bản là mục tiêu. Tất nhiên, chúng tôi hiểu rõ điều đó.
Thực ra, tôi cảm thấy rất thích thú với cách làm của Pháp ở Poitiers. Sự ngang ngược của Pháp chính là một sức mạnh lớn và tôi nghĩ Nhật Bản cũng cần phải có một chút bạo dạn như vậy trong các quan hệ kinh tế và ngoại giao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Pháp lúc đó đã không khôn ngoan chút nào khi tuyên bố: “Chúng ta có thể sống không cần tới các sản phẩm của Nhật Bản”. Còn tôi thì cho rằng nước Nhật có thể tồn tại mà chẳng cần đến rượu cognac và sâm banh Pháp, kể cả 1,2 tỷ đô la Mỹ hàng hóa nhập của Pháp năm đó. (Cũng trong năm này, Nhật Bản xuất sang Pháp 1,9 tỷ đô la Mỹ hàng hóa). Nhưng quan chức chính phủ Pháp lại tuyên bố như vậy thì chẳng khôn ngoan chút nào. Vào lúc đó, tôi đang trò chuyện với ông Oho Lamsdorff, Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông ta đã nói đùa: “Tại sao người Nhật không trả đũa bằng cách đặt một trạm kiểm soát rượu cognac ở ngay trên đỉnh núi Phú Sĩ?”.
Nhật Bản còn duy trì một vài rào cản thương mại khá phức tạp nhưng lại là một nước công nghiệp hóa lớn duy nhất tích cực mở rộng thị trường. Tuy chúng tôi tiến hành mở cửa từng bước, nhưng luôn tiến lên chứ không lùi, trong khi một số nước khác lại vẫn đang tăng cường các biện pháp bảo hộ của họ. Tôi thấy nhiều người Mỹ cho là ở nước họ không có bất kỳ rào cản thương mại nào, nhưng trên thực tế lại có rất nhiều – gần một nửa số hàng chúng tôi nhập vào Mỹ phải chịu một hình thức kiểm soát nào đó. Nhìn chung, cũng phải công nhận Mỹ là một thị trường rộng mở nhất thế giới và theo tôi, tương lai của nền thương mại thế giới vẫn cần đến một thị trường Mỹ mở rộng như vậy. Tôi đã nói điều này với Tổng thống Ronald Reagan năm 1985, trong một chuyến công du thành công tới Mỹ để thuyết phục một số bang của nước Mỹ xóa bỏ cách đánh thuế đơn nhất đối với các chi nhánh công ty nước ngoài hoạt động trên đất Mỹ. Tất nhiên, Tổng thống Reagan không cần đến lời khuyên của tôi vì ông đã nổi tiếng là một người chủ trương thương mại tự do. Và tôi đã hứa làm mọi việc có thể để góp sức vào công cuộc đó, như tôi đã từng làm trong hơn 40 năm qua.
Nếu chúng ta tìm cách tránh né hoặc làm dịu sự cạnh tranh bằng các biện pháp can thiệp chính trị, chúng ta sẽ phủ nhận khái niệm tự do thương mại và hệ thống kinh doanh tự do. Ở Nhật Bản, tôi thường xuyên kêu gọi thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh bằng việc loại bỏ sự can thiệp của chính phủ thông qua các quy định cũ còn đang tồn tại. Chỉ cạnh tranh mới giúp duy trì sự năng động của hệ thống kinh doanh tự do. Vì thế, các nhà quản lý không nên lạm dụng cách giải quyết dễ dãi là nhờ vào sự giúp đỡ của chính phủ để ngăn chặn cạnh tranh. Chúng ta cần phải thấy cạnh tranh là công bằng và cần cố gắng thẳng thắn với nhau để hiểu rõ hơn tình hình của cả hai bên. Điều này không có nghĩa là khi người ta “hiểu rõ” quan điểm của người Nhật, họ sẽ luôn luôn nhất trí quan điểm đó là đúng. Tốt hơn hết là phải đưa mọi vấn đề ra công khai bàn bạc, thảo luận, không nên cho rằng ta luôn đúng và không cần phải nghe thêm bất kỳ một ý kiến nào khác. Chúng ta cần nhớ đây không phải là chiến tranh; chúng ta đang kinh doanh và người ta không thể tiến hành kinh doanh với một kẻ thù hiếu chiến, vì vậy, tất cả chúng ta cần phải cố gắng đối thoại với nhau một cách bình thường.
Kể cả những người có thiện chí cũng không chịu cố gắng tìm hiểu những gì đang xảy ra trên thế giới. Tôi đã được nghe chính những nghị sĩ Mỹ và châu Âu nói rằng, họ hiểu rõ vấn đề và thậm chí đồng tình với người Nhật về một số điểm, nhưng họ phải đối mặt với thực tế chính trị và phải tỏ ra cứng rắn trước mặt cử tri, những người có thể đã bị mất công ăn việc làm do “hàng xuất khẩu của Nhật Bản”. Một thượng nghị sĩ Mỹ có thể dễ dàng tuyên bố sẽ để cho xe ô tô Nhật Bản nằm chết gí tại cảng Yokohama, nhưng ngay từ năm 1983, đã có tới 111.550 người Mỹ làm việc tại các chi nhánh của Nhật Bản ở Mỹ, trong khi con số này ở châu Âu là 21.700 người và 27.000 ở châu Á. Đó chưa kể tới những người làm đại lý bán ô tô hoặc hàng điện tử và những người tự mở công ty bán hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản. Tất nhiên, những nhân công này có thể không nằm trong khu vực bầu cử của vị thượng nghị sĩ này.
Vài năm trước, tại Hội nghị các doanh nhân Nhật Bản và Mỹ họp ở Hakone nằm dưới chân núi Phú Sĩ, tôi và ông Mike Blumenthal, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, sau này làm chủ tịch tập đoàn Burroughs đã quyết định không dự bữa tiệc đứng tổ chức vào một buổi tối. Tôi đón vợ tôi và mời thêm ông Orville Freeman, cựu bộ trưởng nông nghiệp Mỹ và phu nhân cùng đi đến một tiệm thịt nướng để ăn bữa tối và nói chuyện với nhau. Ngày hôm sau tại hội nghị, ông bạn Blumenthal của tôi đã đưa ra một tuyên bố hết sức phi lý mà tôi chưa nghe đến bao giờ về tỉ giá hối đoái giữa đồng yên và đồng đô la. Ông ta nhắc lại một luận điệu cũ và sai lệch là người Nhật đang dùng thủ đoạn sau cánh gà để thao túng tỷ giá đồng yên nhằm giữ đồng yên ở giá thấp. Tôi đã phát biểu rất mạnh mẽ và tranh luận với ông Blumenthal về vấn đề này.
Cuộc điều tra do Bộ Tài chính Mỹ tiến hành sau đó đã không tìm ra một chứng cứ nào về việc Nhật Bản thao túng đồng yên và chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời bấy giờ là ông Donald Regan đã công khai thừa nhận điều này.
Tại cuộc gặp gỡ ở Hakone này, những người đồng hương của tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe thấy những tranh luận gay gắt trong một hội nghị ôn hòa và dễ chịu này. Tại các hội nghị tương tự, người Nhật thường ngồi nghe và nói rất ít hoặc không nói gì cả, cho nên họ thường không có thêm những người bạn mới. Tôi cho rằng đó là một nhược điểm lớn của người Nhật chúng tôi. Vào giờ giải lao, một vài người Nhật trẻ tuổi đến chỗ tôi, nói rằng họ đánh giá cao việc tôi tranh cãi để bảo vệ lập trường của Nhật Bản, nhưng một vài người Nhật nhiều tuổi hơn lại lắc đầu tỏ vẻ không đồng tình. Họ nói: “Ông đã tỏ ra khiếm nhã với những vị khách của chúng ta, họ đã vượt một chặng đường dài để đến với chúng ta kia mà”.
Tối hôm đó, người Nhật lại chứng kiến một cảnh làm khó hiểu đối với họ.
Một buổi chiêu đãi khách dự hội nghị được tổ chức trên một chiếc tàu trên hồ Ashi. Một nhóm phóng viên đài truyền hình Nhật Bản lên tàu và đề nghị được phỏng vấn tôi về hội nghị. Họ muốn có một người Mỹ cùng tham gia cuộc phỏng vấn với tôi. Vì vậy, trong khi nhóm này bố trí máy quay thì vợ tôi chạy đi tìm ông Mike Blumenthal và đề nghị ông cùng tôi trả lời cuộc phỏng vấn này.
Ông đồng ý, thế là chúng tôi lại thảo luận về sự bất đồng ý kiến giữa chúng tôi trên vô tuyến truyền hình. Một vài người Nhật rất ngạc nhiên trước việc hai chúng tôi vẫn là bạn bè sau cuộc tranh luận trong hội nghị. Đối với người Nhật, bất đồng ý kiến thường đồng nghĩa với việc chấm dứt quan hệ. Nhưng người phương Tây lại tranh luận với nhau chỉ vì họ là bạn bè. Khi họ lặng im và từ chối thảo luận một vấn đề nào đó, điều đó có nghĩa là hiểm nguy thực sự đã nảy sinh. Nếu người phương Tây và người Nhật muốn hiểu biết nhau, người Nhật cần phải thẳng thắn như người Mỹ trong việc thảo luận mọi vấn đề và thẳng thắn đưa ra quan điểm của riêng mình. Thực ra, người Nhật Bản chúng tôi vẫn rất yếu về mặt này, cả các doanh nhân lẫn các chính khách, và hình như chúng tôi học hỏi điều này cũng khá chậm chạp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.