Mật Mã Tây Tạng

CHƯƠNG 14: TUYỆT MẬT NGŨ SẮC



Thông đạo vừa dài vừa hẹp, tuy rất cao, song lại gây cho người ta cảm giác bức bối khó chịu cực độ, nếu không có những trận gió mang không khí trong lành từ bên ngoài thổi vào, sợ rằng chỉ riêng đường hầm chật hẹp này cũng đủ khiến người ta phát cuồng lên rồi. Lại cả những hình người điêu khắc thoạt trông giống hệt như nhau nhưng nhìn kỹ lại mỗi hình mỗi khác ấy, bất luận là mặt lõm hay mặt lồi, rốt cuộc đều gây nên một cảm giác chung…quái dị! Bọn họ hình như đang đi lòng vòng, nhìn gương mặt nào hiện ra cũng như thể đã trông thấy rồi, nhưng cảm giác lại giống đang đi theo đường thẳng. Theo kiểu phàn nàn của bọn lính đánh thuê thì đi thế này, không khéo đã băng qua cả dãy Himalaya từ đời nào chẳng rõ rồi.
Bọn họ không biết mình đang ở đâu, chỉ biết nơi này là một đường hầm dài, do rất nhiều cánh cửa dày chừng một mét hợp thành, hai bên rìa cửa chạm khắc lồi và lõm những hình người ở tư thế của thai nhi trong bụng mẹ. Thông đạo hẹp nhưng cao, càng đi về sau càng có cảm giác không biết lối vào ở đâu, tận cùng ở nơi nào, chỉ có thể bầu bạn cùng những hình điêu khắc, thoạt trông thì bức nào cũng như nhau, song nhìn kỹ lại khác hẳn. Nếu chẳng phải nơi này không có lối rẽ, bọn lính đánh thuê sớm đã tưởng rằng mình đi lạc mất rồi, thậm chí có kẻ còn hoài nghi cả bọn đã trúng thứ pháp thuật gì đó, gây ra ảo giác tập thể, rồi lại có kẻ kêu lên đòi quay trở lại. Những tên lính đánh thuê giết người trong chớp mắt, máu bắn cao ba mét cũng không sơ, tráng sĩ chặt tay không nhíu mày ấy, đứng trước thông đạo hẹp dài này, không ngờ đã bắt đầu sợ hãi. Có lẽ, đầu bên kia đường hầm chẳng hề tốt đẹp như những gì chúng tưởng tượng, là báu vật khắp nơi, hay là một cảnh tượng như Địa ngục A tỳ đây? Nhìn những đường hầm tối tăm mù mịt đi mãi không hết trước mắt, nhìn những hình người điêu khắc ở hai bên, ai có thể nói mình không sợ hãi?
Người trẻ tuổi kia bảo Khafu ra lệnh cho bọn lính đánh thuê không được chộn rộn lên nữa, đồng thời cũng không ngừng hứa hẹn về vật chất để cổ vũ tinh thần cho chúng. Y hiểu rõ, một khi xảy ra hiện tượng sụp đổ tinh thần, ở nơi chật hẹp chỉ cho phép người đi qua này, bất cứ ai phát điên nổ súng cũng sẽ gây ra tổn thất cực kỳ lớn. Đường hầm này rõ ràng là một khảo nghiệm của người Qua Ba dành cho hậu nhân. Người thời xưa chẳng biết đến hệ thống tâm lý học là gì, nhưng không nghi ngờ gì nữa, họ lại chính là những bậc đại sư về tâm lý học. Đại đa số các kiến trúc tôn giáo cổ đại đều có thể gây cho người ta những rung động về mặt tâm lý, hoặc khiến người ta bình tâm lại, hoặc trang nghiêm điển nhã, khiến mỗi người nhìn thấy đều bấc giác sinh lòng kính ngưỡng, hoặc khiến con người bỗng thấy hối hận giác ngộ. Những kiến trúc ấy hòa nhập vào giữa đất trời tự nhiên, hài hòa song cũng lại độc đáo, thâm nghiêm, to lớn, vượt qua cả không gian và thời gian, nối liền mảnh tâm linh của người xây dựng và người triều bái lại với nhau, làm nảy sinh viễn tưởng và cảm ngộ vô cùng vô tận trong tâm tưởng.
Huống hồ tòa kiến trúc được mệnh danh là đại thành tựu tập trung kiến trúc cổ điển Trung Quốc và Tây phương từ khi nhân loại có lịch sử đến giờ, chỉ riêng những vật thí nghiệm nằm rải rác trên tầng bình đài thứ ba thôi, đã đủ gây cho những người đặt chân đến đây cảm giác rung động tận đáy tâm hồn bởi sự tinh mỹ tuyệt luân của chúng rồi. Còn tòa thần miếu, tòa thần miếu nghìn năm nay vẫn chưa có người đặt chân đến này, sẽ kể lại tâm trạng gì của người kiến tạo ra nó đây? Gã trẻ tuổi cúi đầu trầm tư, trước đây y cũng lý giải theo mặt chữ, muốn tiến vào Bạc Ba La thần miếu phải đi qua Cánh cửa Chúng sinh, chứ chưa từng nghĩ Cánh cửa Chúng sinh lại là một cánh cửa tuyệt đối không đâu có thế này: dày đến chục cây số, vạn hình người là vạn gương mặt; sau khi vượt qua Cánh cửa Chúng sinh, lại đến dòng sông Phù sinh, dòng sông ấy sẽ như thế nào đây? Đột nhiên, phía trước chợt vang lên tiếng hô khe khẽ: “Đến rồi!”
So ra, thông đạo chỗ Trác Mộc Cường Ba và Merkin rộng hơn, sáng sủa hơn hẳn. Lúc này, họ nhận định, mình thực sự đã đến thánh đường của những báu vật nghệ thuật. Tuy mới ở hành lang bên ngoài cửa thánh đường, nhưng mỗi viên gạch dưới chân, mỗi mặt tường bàn tay họ chạm vào, đều xứng đáng được gọi là kết tinh của nghệ thuật. Bất luận là hội họa, điêu khắc, trang trí tường, trang trí hành lang, hay hiệu quả ánh sáng, đều khiến người ta sinh ra cảm giác mộng ảo mê ly. Theo lời Merkin, thì chỉ cần Trác Mộc Cường Ba tùy tiện nạy một viên gạch lát sàn mang về, cũng đủ để mua lại cả tập đoàn nuôi luyện danh khuyển Thiên Sư của gã rồi.
Điều khiến Trác Mộc Cường Ba thực sự kinh ngạc là thái độ của Merkin với những món đồ gốm sứ.
Đó là những bình sứ cao ngang tầm người, thoạt nhìn không giống như sản vật của Tây Tạng, chắc là được đưa tờ nơi khác đến, cứ đi khoảng trăm mét lại có một cái, lặng lẽ dựng ở chân tường. Tòa cung điện dưới đáy hồ này như thể đã bị người ta sử dụng loại ma pháp gì đó, xung quanh không thấy một hạt bụi, tinh khiết như bầu trời. Những bức bích họa và các đồ gốm sứ vẫn còn nguyên sắc màu tươi mới rực rỡ.
Bình sứ đầu tiên họ trông thấy có màu xanh lam, màu xanh lam như màu trời sau cơn mưa.
Có điều, theo Trác Mộc Cường Ba dạng thức của những bình gốm sứ này hết sức bình thường, trên phố lớn của những đô thị hiện đại, trước cửa một số cửa hàng gốm sứ hoặc tranh chữ, người ta thường thích đặt một đôi bình gốm cỡ lớn kiểu này, phần dưới tròn thon dài, trông như mỹ nữ yểu điệu, nhưng miệng bình, cổ bình lại hành hình bát giác.
Vì vậy, gã hết sức khó hiểu trước sự kích động của Merkin, chỉ một cái bình hoa như thế, sao có thể khiến người như Merkin kích động đến độ thất thố thế kia chứ?
Trác Mộc Cường Ba đang chầm chậm vừa bước đi vừa ngắm nhìn những bức bích họa đẹp tuyệt trần, bỗng thấy Merkin sáng bừng hai mắt, rảo chân chạy nhanh lên phía trước, mấy lần sém chút nữa loạng choạng ngã nhào, rồi đột nhiên dừng phắt lại trước cái bình hoa đó, nín thở tập trung hết tinh thần nhìn chằm chằm, bàn tay run rẩy đưa lên, lúc thì dùng đầu ngón tay phác theo đường nét của cái bình, lúc lại nhè nhẹ vuốt ve như thể đang mơn trớn làn da tình nhân, có lúc lại đưa ống tay áo cẩn thận lau chùi bề mặt vốn đã không bám một hạt bụi, cứ như làm vậy có thể khiến nó thêm sáng bóng.
Bộ dạng yêu mến không nỡ rời tay ấy, khác nào một người cha hiền lần đầu tiên nhìn thấy con mình xuất hiện trên đời, khao khát được ôm lấy nó trong lòng, áp mặt vào nó, hôn một cái, má chạm má, trán cọ vào trán.
“Quý giá lắm sao?” Đối với Trác Mộc Cường Ba, thứ duy nhất có thể thu hút sự chú ý của gã là màu sắc bình sứ, màu xanh lam tươi sáng ấy, thực sự rất hiếm thấy.
“Đây là bình sứ lớn đấy!”Merkin kích động đến nỗi lạc cả giọng, một phát hiện trọng đại thế này, y chỉ hận không thể cho cả thế giới này nghe thấy tiếng gào thét trong lòng mình.
Thấy bộ dạng bình thản chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì của Trác Mộc Cường Ba, lòng Merkin bất giác trào lên một thứ cảm giác thất bại, giữa thời khắc lịch sử quan trọng nhường này, ở bên cạnh y lại chẳng có người tri âm tri kỷ, nghĩ cũng thật buồn. Nhìn bộ dạng của Trác Mộc Cường Ba, chắc hẳn có đặt thứ đồ gốm sứ cổ lừng danh khắp thế giới của Trung Quốc bên cạnh đồ thủ công mỹ nghệ hiện đại, gã cũng chẳng phân biệt được thứ nào tốt thứ nào xấu nữa. Song rốt cuộc, Merkin cũng không kìm chế được run run giọng phổ biến kiến thức cho Trác Mộc Cường Ba. “Anh đừng nhìn mà tưởng tạo hình của nó giống với đồ phỏng chế ngày nay, anh phải đặt nó vào trong dòng sông dài lịch sử ấy, thử tưởng tượng xem, đây là kết tinh trí tuệ của người Trung Quốc cổ đại các anh từ một nghìn năm trước đấy! Có thể nung ra được bình sứ lớn thế này, đòi hỏi trình độ công nghệ cao đến mức nào chứ? Anh có thể tưởng tượng được không? Muốn nung được đồ sứ lớn thế này, cần phải có lò nung lớn hơn bản thân nó nhiều. Cái bình này nếu không được xuất hiện trên thế gian, người đời sẽ vĩnh viễn không bao giờ biết, người Trung Quốc các anh một nghìn năm trước đã có thể nung ra sản phẩm gốm sứ hoàn mỹ thế này rồi.”
Trác Mộc Cường Ba rốt cuộc cũng gật đầu: “Ý ông là, đây là một tác phẩm có thể viết lại lịch sử ngành gốm sứ?”
“Đâu chỉ đơn giản có thế!” Merkin đột nhiên cao giọng, bộ dạng càng thêm kích động: “Anh nhìn màu sắc của nó xem, đã bao giờ anh trông thấy đồ sứ có màu sắc thế này chưa? Hoàn mỹ quá thể! Đây chính là món đồ thuộc hàng truyền thuyết trong lịch sử ngành gốm sứ Trung Quốc các anh đấy, tuyệt mật ngũ sắc! Tôi nằm mơ cũng không thể ngờ được chúng thực sự tồn tại trên đời này, lại còn ở ngay trước mắt tôi nữa chứ, ha ha ha ha ha!” Nghe tiếng cười của y, dường như bắt đầu hơi mất lý tính rồi.
Trác Mộc Cường Ba chưa từng nghe nói đến tuyệt mật ngũ sắc, đương nhiên không thể đáp lời y, nhưng Merkin lúc này chỉ có gã là thính giả duy nhất, nên y cũng mặc kệ, chẳng quan tâm Trác Mộc Cường Ba có muốn nghe hay không, cứ thao thao bất tuyệt: “Tuyệt mật ngũ sắc anh chưa nghe nói bao giờ, nhưng đồ sứ bí sắc thì chắc là phải biết chứ? Không biết hả? Ok, vậy tôi hỏi anh, anh có biết gốm Nhữ thời Tống không?”
Thứ này thì Trác Mộc Cường Ba biết, gốm Nhữ thời Tống có thể nói là tinh phẩm trong các loại gốm sứ, bề mặt láng mịn trơn bóng, là con cưng được giới sưu tầm đồ gốm săn lùng ác liệt nhất, có điều, ngoại trừ trong viện bảo tàng, đồ gốm Nhữ xịn ngoài đời rất ít, chỉ xuất hiện trong các buổi đấu giá, mà thấp nhất cũng phải chi ra trên chục triệu mới mua được(8).
Thấy Trác Mộc Cường Ba gật gật, Merkin lại nói: “Thời Tống có năm lò gốm sứ lớn, Nhữ, Quan, Ca, Định, Quân. Gốm Nhữ đứng đầu. Anh có biết, lò gốm Nhữ xây phỏng theo cái gì không? Phỏng theo lò gốm Sài đấy! Tương truyền, trong năm lò gốm thời Tống, gốm Sài mới là đứng hàng đầu, chỉ là giờ không còn sản phẩm nào trên thế gian, cũng không tìm được di chỉ lò gốm, nên mới thay bằng gốm Quân cho đủ số. Lò gốm này được vị vua cuối cùng của thời Ngũ Đại Thập Quốc, Châu Thế Tông hạ lệnh xây dựng. Theo ghi chép trong bút ký tiểu thuyết, bấy giờ Châu Thế Tông hạ lệnh xây một lò gốm nung ra thứ đồ gốm sứ tốt nhất. Ông ta muốn màu sắc của sản phẩm giống y như trời xanh sau cơn mưa, mang theo niềm hy vọng quốc vận cũng như trời hửng sau mưa. Hậu thế đã đánh giá đồ gốm Sài thế này: xanh như trời, sáng như gương, mỏng như giấy, tiếng vang như khánh. Về sau, Tống Thái Tổ xây lò gốm Nhữ, ông ta chỉ đưa ra một yêu cầu, chính là làm sao giống được gốm Sài vậy. Nhưng rốt cuộc, các bậc sĩ đại phu trong triều hay đám văn nhân học sĩ, bất kể là ai, đều không thể thửa nhận, so với gốm Sài, thì gốm Nhữ thiếu đi cái linh khí của thiên địa! Thời Tống ấy, gốm Sài đã được tôn sùng là cảnh giới cao nhất của đồ gốm, là món kỳ trân cực kỳ hiếm gặp, người đời chỉ có nghe chứ chẳng mấy ai được tận mắt trông thấy. Từ thuở bấy giờ, người ta coi việc có thể sưu tầm được một món đồ gốm Sài, dẫu chỉ một mảnh nhỏ thôi cũng đã là vinh hạnh lớn trong đời. Đại văn hào Âu Dương Tu cũng từng kiếm được một mảnh vỡ của gốm Sài, anh biết ông ta gìn giữ mảnh gốm vỡ ấy thế nào không? Ông ta dùng vàng bọc nó lại, rồi bỏ trong hộp gấm khảm bảo thạch bên ngoài, dường như chỉ có làm như thế mới thể hiện được mức độ trân quý của mãnh vỡ gốm Sài ấy mà thôi.”
Merkin thao thao bất tuyệt nói một hơi dài rồi mới ngưng lại giây lát. Đúng như y dự đoán, Trác Mộc Cường Ba liền hỏi một câu: “Tuyệt mật ngũ sắc là tinh phẩm của gốm Sài? Không đúng, Bạc Ba La thần miếu này từ đời Đường đã…”
Merkin ngắt lời nói: “Đương nhiên không phải vậy, tôi hỏi anh tiếp, anh có biết, tại sao đồ gốm Sài được tôn làm chỉ tôn của đồ gốm thời Tống hay không? Tại sao lò gốm Nhữ sau này không thể nung ra được sản phẩm giống như thế? Điều này không hề được ghi lại trong chính sử và các tài liệu chính thức, chỉ từng được đề cập đến trong bút ký tiểu thuyết thôi. Đó là bởi, trong thời loạn thế Ngũ Đại Thập Quốc, các thợ gốm đã tình cờ có được tàn quyển của một pho sách tổng kết tinh yếu của nghề nung gốm. Dựa vào ghi chép trong tàn quyển ấy, rốt cuộc họ đã pha được màu lam thuần như thể sắc trời sau cơn mưa, đồng thời cũng nhờ vào hướng dẫn trong đó, họ mới nung ra được thứ gốm sứ mỏng như tờ giấy, tiếng vang như khánh đó. Về sau, thời thế đổi thay, triều đại cải biến, các thợ gốm ấy đều muốn chiếm phương pháp bí mật đó là của riêng, khiến cho tàn quyển biến mất, công nghệ thất truyền! Tôi nghĩ chắc anh đoán được, trong cuốn tinh yếu đó ghi chép lại những gì. Không sai, chính là loại gốm sứ thần bí nhất trong lịch sử đồ sứ Trung Quốc, ngay từ thời Tống đã trở thành truyền thuyết, thế nhân không ai trông thấy…gốm sứ bí sắc!”
Hai mắt Merkin sáng rực lên như có điện, y lại chăm chú nhìn cái bình sứ, lẩm bẩm một mình: “Đồ gốm sứ bí sắc được nung vào thời đại nào, đây cũng là câu đố nghìn năm trong lịch sử gốm sứ Trung Quốc các anh. Giống như gốm Sài, có rất nhiều nhà sưu tầm thời cổ đại mở mồm ra là khăng khăng khẳng định, nói như thật, nhưng không thể đưa ra vật chứng gì nên hồn cả, cho đến ngày nay, những nhà nghiên cứu gốm sứ Trung Quốc các anh cũng vẫn chưa biết thế nào mới gọi là tinh phẩm của gốm Sài. Còn về gốm bí sắc, đại đa số các học giả cho rằng, đó là sản phẩm của thời Ngũ Đại, cho đến khi khai mở địa cung ở chùa Pháp Môn(9), mới dám đẩy lùi niên đại đến cuối thời Đường, nhưng có một điểm mà đa số các chuyên gia đều nhận định giống nhau, gốm sứ bí sắc là do gốm Việt nung ra. Gốm Việt phát tích ở mạn Giang Chiết, các vùng Thiệu Hưng, Ninh Ba xưa có người Việt cư trú, nên được gọi là lò gốm Việt, dựa theo các di chỉ lò gốm đã phát hiện, có thể truy ngược lại thì thấy từ thời Hán, đến thời Đường gốm bí sắc được tiến cống vào cung đình, chỉ dành riêng cho giới quyền quý. Cửu thu phong lộ Việt dao khai, đoạt sắc thiên phong thủy sắc lai(10); Xảo uyển minh nguyệt nhiễm xuân thủy, khinh tuyển bạc băng thịnh lục vân(11), đó đều là những câu thơ của hậu nhân tán tụng vẻ đẹp của gốm sứ bí sắc.”
Càng nói càng xúc động, Merkin còn lẩy ra mấy câu thơ đường, rồi liền đó lại nghiêm mặt nói tiếp: “Nhưng thực ra, các sản phẩm được nung vào thời sơ Đường thịnh thế, thậm chí chỉ có triều vua khai quốc mới nung ra được. Dựa theo các bút ký tiểu thuyết ma tôi nghiên cứu, cuối thời Tùy đầu thời Đường, thiên hạ đại loạn, nhưng trước thời loạn thế ấy, Trung Quốc các anh có quốc lực rất vững chắc, rất nhiều ngành công nghệ đã đạt được những đột phá nhảy vọt. Có câu, loạn thế xuất anh hùng, loạn thế xuất thần khí, chính tông của gốm sứ bí sắc, ngũ sắc tuyệt mật, chính là xuất hiện trong thời loạn thế ấy! Các tiểu thuyết gia lại viết rằng, các sắc đó xanh như biển, vàng như hoàng kim, đỏ tựa lửa, trắng ngang tuyết, đen hơn mực, gọi là ngũ sắc tuyệt mật, thần khí giữa thời loạn thế. Tương truyền, chúng cực kỳ nổi bật, lung linh tuyệt thế, óng ánh hơn cả băng tinh, chỉ nên có ở trên trời chứ không nên giáng hạ xuống cõi phàm trần này, đến nỗi cung đình phải niêm phong, coi là tuyệt mật. Điều đáng tiếc nhất là, kỹ thuật chế tác loại gốm sứ này chưa từng được ghi chép lại, mà chỉ truyền miệng. Mà thời bấy giờ cũng chỉ có một người thợ gốm già có thể nung ra được đồ gốm ngũ sắc tuyệt mật, về sau tuy ông ta cũng có nhiều đồ đệ, song chưa ai học được cốt tủy chân chính cả. Sau khi người thợ gốm già vô danh ấy chết đi, các đồ đệ của ông ta dựa theo những gì sư phụ truyền miệng, cộng với lý giải của bản thân, đã nung ra thứ đồ gốm sứ mà người đời sau gọi là gốm sứ bí sắc. Rồi có người lại dựa theo phần lĩnh ngộ của các đồ đệ ấy, chỉnh lý biên soạn ra một quyển tinh yếu về thuật nung gốm sứ bí sắc. Quyển sách này đã lưu lạc qua tay nhiều người, trải qua vô số chiến tranh loạn lạc, trở nên tàn khuyết không còn toàn vẹn nữa. Về sau, các thợ gốm thời Ngũ Đại chỉ dựa vào tàn quyển này mà có thể nung ra được gốm Sài. Chỉ là thứ tàn phẩm như gốm Sài, mà đã được tôn xưng là đỉnh cao của gốm sứ đương thời rồi. Anh thử nghĩ xem, ngũ sắc tuyệt mật rốt cuộc phải gọi bằng danh xưng gì đây? Nếu nói trong đồ gốm sứ cũng có thần khí, vậy thì trước mắt chúng ta đây, chính là một trong số đó!”
Trác Mộc Cường Ba rốt cuộc cũng thay đổi nét mặt, nhưng nếu bảo gã bị Merkin thao thao bất tuyệt thuyết phục thì không chính xác lắm, phải nói là gã bị nét mặt Merkin làm cho cảm động thì đúng hơn. Khi nói đến mấy câu cuối cùng, giọng y đã trở nên nghẹn ngào, khóe mắt rưng rưng, ánh mắt long lanh như thể sắp rơi lệ đến nơi. Ánh mắt ấy toát lên một vẻ quyết liệt, tựa hồ “sáng nghe giảng đạo, tối chết cũng không hối tiếc” vậy, đồng thời, trong đôi mắt y cũng không giấu nổi vẻ thỏa mãn của người trải qua bao tang thương cuộc đời, cuối cùng cũng hoàn thành tâm nguyện. Cả tòa Bạc Ba La thần miếu rộng lớn, thậm chí còn chưa đặt chân bước vào điện đường thực sự, mới chỉ nhìn thấy một cái bình sứ ở ven đường, Merkin đã cảm thấy thỏa mãn, cảm thấy đáng giá, cảm thấy đủ đầy rồi. Trải qua cả hành trình đầy rẫy những khảo nghiệm sinh tử, đầy rẫy những cuộc đấu trí đấu sức cực kỳ khó khăn, để rồi được nhìn thấy, được chạm vào một món đồ sứ thế này thôi, y cũng thấy đủ lắm rồi.
“Hắn khóc à?” Trác Mộc Cường Ba thực sự không thể ngờ, một tên cố vấn huấn luyện lính đặc chủng thân thủ phi phàm, lạnh lùng tàn khốc, giảo hoạt đa đoan như Merkin, lại không kiềm chế được cảm xúc của mình trước một cái bình sứ. Chỉ riêng điểm này thôi đã khiến gã hiểu được giá trị của cái bình này to lớn đến nhường nào rồi.
“Sao ông hiểu rõ vậy?” Trác Mộc Cường Ba hỏi bâng quơ một câu.
Merkin vẫn đang si si mê mê, tựa như nhất thời đắc ý quên đi hết thảy, không nghĩ ngợi gì buột miệng đáp ngay: “Anh tưởng tôi là một tên lính biệt kích đặc chủng chắc, tôi lợi hại, bởi tôi là một giám thưởng sư!” Lời vừa ra khỏi miệng, y tức thì cảm thấy không được ổn cho lắm, có điều, tâm trí y nhanh chóng lại bị món đồ gốm ngũ sắc tuyệt mật kia xâm chiếm, thiết tưởng Trác Mộc Cường Ba cũng không thể nghe ra điều gì từ câu nói ấy cả.
“Nào, đến đây mà xem!” Bộ dạng của Merkin lúc này giống hệt như một gã nhà giàu mới nổi được thừa kế một món tài sản khổng lồ, chỉ nao nức muốn khoe khoang với người đời các vật báu mà mình sở hữu: “Nhìn thấy chưa?” Y chỉ ngón tay cách bề mặt bình sứ chừng mười xăng ti mét, hỏi Trác Mộc Cường Ba. Trác Mộc Cường Ba bèn gí mắt vào quan sát, cảm giác lớp men sáng trong lạ thường, như bọc bên trong một lớp băng mỏng, thậm chí có thể soi gương được. Song phía trên lớp băng tinh này lại tựa hồ như có một làn hơi sương mông lung mỏng mảnh, cảm giác như những luồng không khí biến ảo bốc ngùn ngụt trên sa mạc nóng giãy.
Merkin giải thích: “Xưa vốn có câu, ‘châu quang bảo khí’, phàm là bảo vật chân chính, bên ngoài đều hình thành một tầng khí trường thần bí, phảng phất có thể nhìn thấy, nhưng quan sát kỹ lại chẳng thấy gì, trong nghề gọi đó là “tôi hỏa”. Một món bảo vật quý giá, hỏa khí thu vào bên trong, ngưng tụ mà không phát ra, ấy mới là cảnh giới cao nhất.” Nói đoạn, y khẽ thở hắt ra một hơi, cũng thật lạ lùng, hơi thở phả ra từ miệng Merkin hoàn toàn không có hình sắc, nhưng vừa đến gần cái bình sứ, liền bắt đầu biến thành một quầng hơi sương trắng nhàn nhạt có thể trông thấy được, ẩn ẩn hiện hiện, rồi lại hóa thành vô hình vô ảnh.
“Nhìn thấy chưa!” Merkin hoan hỉ như sắp phát cuồng, lại nói tiếp: “Đây gọi là Ngưng khí thăng hàn yên, kỹ thuật cao nhất trong công nghệ nung gốm thứ thời cổ đại. Món đồ sứ này mùa đông thì ấm áp, mùa hè lại mát lạnh. Anh sờ thử mà xem, sờ đi, cứ sờ đi, có cảm giác gì không? Có phải như thể chạm vào mỡ đặc, trơn láng như mặt trẻ con hay không? Cảm giác mát rượi như thấm vào tận tâm can ấy có lan dần từ đầu ngón tay đi khắp toàn thân anh hay không?”
Merkin nhẹ nhàng áp tay vào hai bên chiếc bình, hít sâu một hơi, cực kỳ cẩn thận nâng lên một chút, sau đó nhè nhẹ đặt xuống, đoạn nói với Trác Mộc Cường Ba: “Anh thử xem sau đó cho tôi biết, có giống với mấy cái bình sứ chế tác bằng công nghệ hiện đại mà anh hay gặp trên phố hay không, cẩn thận…cẩn thận chứ!”
Trác Mộc Cường Ba vẫn chưa dồn chút sức nào, cái bình đã được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, cảm giác như thể trên tay gã không phải là cái bình to tướng cao ngang người trưởng thành vậy, gã cũng biết những bình sứ chế tác theo công nghệ hiện đại, muốn cao thế này ít nhất cũng phải hai đến ba chục cân chứ chẳng chơi. Gã ngạc nhiên liếc Merkin, chỉ thấy y nhếch mép cười cười nói: “Mỏng như giấy, tiếng vang như khánh”. Dứt lời y cong đốt thứ hai của ngón trỏ lại, khẽ gõ nhẹ một tiếng vào chỗ dày nhất trên bình.
“Coong…” âm thanh ngân dài, người xưa nói tiếng vang như khánh. Khánh là một loại nhạc cụ bằng đá, âm thanh phát ra trong vắt mà tao nhã vô cùng. Nhưng theo cú gõ nhẹ ấy của Merkin, bên tai Trác Mộc Cường Ba vang lên một thứ âm thanh mà đá không thể nào phát ra được, tưởng chừng như có ai lướt nhẹ trên sợi tơ đàn bằng kim loại, tiếng rung mảnh mai mà cao vút lên như tiếng rồng ngâm, ngân suốt hồi lâu chưa dứt. Càng lúc âm thanh đó càng cao, khí thế chừng như muốn vút lên tận mây trời. Dần dần, âm thanh từ khắp bốn phía vọng về, cả hành lang dài tựa như có rất nhiều con rồng đang ẩn mình tiềm phục lần lượt giật mình thức giấc khỏi giấc ngủ nghìn năm, tiếng ngân vang vang khắp các cõi đất trời.
Tiếng rồng ngâm ấy, từ khắp bốn phía trước sau phải trái vọng vào tai người ta, ánh dương lấp lóa, những nhân vật thần tiên trên các bích bức họa cũng nhờ tiếng rồng ngâm hổ gầm đó mà càng thêm sống động, đạp mây muốn bay vút ra khỏi bức tường, Trác Mộc Cường Ba và Merkin đưa mắt nhìn nhau, cả hai đều đã nhận ra được chút manh mối từ tiếng ngân vang vọng khắp bốn phía xung quanh ấy. Đó là …cộng hưởng!
Không thể tin đây là sự thật. Trên đời này, còn có thứ gì kích động lòng người hơn một nhà giám thưởng tác phẩm nghệ thuật nhìn thấy một tác phẩm tuyệt thế chứ? Đó chính là, một nhà giám thưởng tác phẩm nghệ thuật, nhìn thấy một tác phẩm tuyệt thế!
Trác Mộc Cường Ba bám sát theo Merkin chạy lên phía trước. Bọn họ đã trông thấy chiếc bình tuyệt mật ngũ sắc thứ hai…đỏ như lửa…
Chú thích
(8) Gần đây, có một chiếc bát gốm Nhữ đã được bán vơi sgias khoảng mười triệu đô la Mỹ.
(9) Chùa Pháp Môn ở tỉnh Thiểm Tây, được xây dựng vào cuối thời Đông Hán, phát tích vào thời Bắc Ngụy, hưng thịnh từ thời Tùy Đường, được gọi là chùa của Hoàng gia. Trong chùa có thờ Xá Lợi xương ngón tay của Thích Ca Mâu Ni, nên trở thành thánh địa Phật giáo của cả nước Trung Quốc.
(10) Lò Việt mờ, tựa sương cuối thu. Đoạt lấy cả sắc biết của đỉnh núi cao.
(11) Khéo cát trắng sáng nhuộm nước xuân, khẽ xoay băng mỏng tô mây xanh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.