Mật Mã Tây Tạng

CHƯƠNG 30 – HƯƠNG BA LA MẬT QUANG BẢO GIÁM



Không ai có thể ngờ được, bí ẩn suốt mấy nghìn năm nay về Shangri- la, lại bị giáo sư Phương Tân giải đáp chỉ bằng một lời trong một cuộc thảo luận như thế này. Đã có bao người tốn cả đời đi tìm Shangri- la trong truyền thuyết, nhưng thậm chí còn chẳng có cả cơ hội nhìn thấy Shangri- la từ xa xôi tít tắp dù chỉ một lần. Khi Hương Ba La mật quang bảo giám mở ra, đám người may mắn này liền bị hết đợt sóng mừng vui này đến đợt sóng mừng vui khác bao bọc lấy. Trong khoảnh khắc này đây, bọn họ đã hết sức tỉnh táo mà nhận ra rằng, Shangri- la không còn xa xôi diệu vợi nữa, nói không chừng, chỉ một chốc lát nữa thôi, họ sẽ lập tức tìm ra con đường duy nhất dẫn đến chốn thánh địa nhân gian này cũng nên.
Tấm gương đồng được cố định trên bệ, pháp sư Á La khom người quỳ một chân xuống, nhìn vào mặt sau tấm gương, quan sát các hoa văn, giải thích: “Ban đầu chúng tôi cho rằng hình thú ở vòng trong cùng này là mấy loài thú lành của Phật gia như Thiên xà, voi, khổng tước, hải trãi 1, nếu là vậy thì nó chẳng nói lên gì cả. Nhưng sau khi các vị trưởng lão nhiều lần cân nhắc kỹ, họ cho rằng những hình tượng này giống với Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ của nhà Đường hơn. Nếu lý giải như vậy, thì sẽ là biểu thị phương vị bốn phía. Ừm, nếu Chu tước ở góc trên bên phải, Bạch hổ ở góc trên bên trái, thì đối diện sẽ là hướng Tây Nam rồi.”
Nhạc Dương nôn nóng nói: “Vậy vòng ngoài thì sao? Có phải là mười hai con giáp không? “
Pháp sư Á La gật đầu nói: “Nếu dùng lý luận thời gian, mười hai hình trừu tượng ở vòng thứ hai có lẽ chính là mười hai con giáp, nhưng hình vẽ lại hoàn toàn không giống thế. Để tôi xem kỹ lại xem, phải rồi, giáo sư Phương Tân, có thể bật tấm bản đồ kia lên được không? “
Giáo sư Phương Tân liền cho tấm bản đồ như mạng nhện kia hiện lên trên màn hình máy tính. Pháp sư Á La đứng lên chỉ vào mấy điểm trên bản đồ, nói: “Phiền anh cho chỗ này, chỗ này, chỗ này… phóng to lên một chút, ấy, đừng to quá, cố giữ cho hình ảnh rõ nét, phóng đại một lần rưỡi là được rồi. Được, đúng đấy, đúng đấy…”
Trương Lập nôn nóng nói: “Sao rồi? Sao rồi? “
Pháp sư Á La một tay chỉ tấm gương đồng, một tay chỉ màn hình máy tính, nói: “Mọi người nhìn kỹ xem, hình vẽ trên bản đồ và trên tấm gương này như thế nào? “
Đường Mẫn thốt lên, giọng kinh ngạc pha lẫn mừng rỡ: “Ồ, trông giống thật đấy nhỉ.”
Pháp sư Á La nói: “Cũng may các vị trưởng lão đã làm bản rập của hoa văn trên mặt sau tấm gương, chúng tôi đã phải tốn rất nhiều công sức mới phân biệt được đó. Rất hiển nhiên, người Tây Tạng cổ đã thần hóa mười hai con giáp, hình vẽ mười hai con giáp ở đây so với những gì chúng ta vẫn thường thấy hoàn toàn khác biệt, đã biến hình một cách triệt để rồi. Đây có lẽ là “hổ” trong mười hai con giáp của người Tạng xa xưa, mọi người để ý mà xem, so với Bạch hổ trong Tứ thánh thú mà họ vẽ thực đúng là hai hình hoàn toàn khác nhau.”
Nhạc Dương nói: “Mười hai con giáp ở vòng này biểu thị thời gian như thế nào vậy? “
Pháp sư Á La giải thích: “Giống như cách tính giờ của Trung Quốc cổ đại, mười hai con giáp đại diện cho mười hai canh giờ mỗi ngày, mỗi canh giờ tương đương với hai tiếng đồng hồ hiện đại. Cụ thể như sau: Trời sáng là thỏ, mặt trời lên là rồng, giữa buổi sáng là rắn, giữa trưa là ngựa, giữa buổi chiều là dê, mặt trời ngả Tây là khỉ, mặt trời lặn là gà, trời tối là chó, nửa buổi tối là lợn, nửa đêm là chuột, nửa đêm về sáng là trâu, trời hửng là hổ. Điểm khác biệt là, người Tây Tạng cổ lấy thời điểm trời sáng làm bắt đầu một ngày mới, chứ không phải lúc nửa đêm.”
Trương Lập nói: “Vậy thời gian trên tấm gương đồng này biểu thị cái gì chứ? “
Pháp sư Á La nói: “Về điểm này thì cần phải xem đặc trưng toàn diện của tấm gương đã. Chúng ta tạm gác mười hai con giáp ở vòng thứ hai này lại, hãy xem hình vẽ ở vòng thứ ba trước. Mới ban đầu, chúng tôi đếm được hai mươi tư hình vẽ trong hoa văn hình sóng. Hai mươi tư hình vẽ này khiến chúng tôi cảm thấy rất khó khăn, mà trong tôn giáo quả thật có rất ít thứ liên quan đến con số này. Đầu tiên, chúng tôi giả thiết là Nhị thập tứ tổ, nhưng các hình ảnh này rất hung ác, ánh mắt tà dị, lại còn có cả thú lẫn người, hiển nhiên là không phù hợp với suy đoán ấy. Có điều, sau khi các vị trưởng lão quan sát kỹ bản rập, đã phát hiện ra mấy chỗ ẩn mật. Mọi người xem kỹ đi, chỗ vuốt rồng của Thanh long hướng về sóng biển này, có một chóp nhọn như cái sừng; bên dưới mỏ Chu tước, có bóng lưng thấp thoáng ẩn hiện; chỗ đuôi Bạch hổ, ngấm ngầm che giấu một móng vuốt; bên trên Huyền vũ không có gì, nhưng nếu quan sát kỹ, nhìn theo ánh mắt nó, sẽ thấy có hai đóa hoa sóng bắn tóe lên, nhưng lại không va vào nhau. Cộng với hai mươi bốn hình tượng còn lại, không khó để có thể lý giải rằng, ở đây còn một hình nữa, chẳng qua là đã bị giấu đi, ý chỉ rằng mắt người trần không thể nhìn thấy được. Nếu hiểu theo cách như vậy, vòng thứ ba của tấm gương này không phải chỉ có hai mươi tư hình, mà là hai mươi tám, mọi người có liên tưởng đến gì không? “
Nhạc Dương lẩm bẩm suy nghĩ: “Hai mươi tám, hai mươi tám? Hai mươi tám đại biểu cho cái gì nhỉ? “
Trác Mộc Cường Ba giật mình, buột miệng thốt lên: “Nhị thập bát tú? “
“Nhị thập bát tú! ” Nghe Trác Mộc Cường Ba nói, Nhạc Dương cũng đã nhớ lại, nói: “A, tôi có chút ấn tượng, hình như là Nhị thập bát tú chi quỷ trong Phật giáo phải không? “
Pháp sư Á La gật đầu: “Không sai, ban đầu, khái niệm nhị thập bát tú được truyền từ Phật giáo Ấn Độ sang, thời cổ đại được dùng để quan trắc thiên tượng, phân chia làm tứ tượng, mỗi tượng có bảy tinh tú. Nói theo kiểu hiện đại bây giờ, mỗi tinh tú tức là một chòm sao đấy. Những ghi chép sớm nhất cho rằng Nhị thập bát tú là những chòm sao phân định sự vận hành của nhật nguyệt, đồng thời chia ranh giới của bầu trời. Ma Đăng Gia kinh quyển thượng, Đại Tập kinh quyển bốn mươi mốt, Tú Diệu kinh… tất cả đều có đề cập, dùng Nhị thập bát tú để ghi lại ngày tháng năm, hoặc luận tính chất củacác tinh tú, hoặc kết hợp với ngày tháng giờ sinh của người mà suy đoán cát hung họa phúc. Trong Phật giáo, Nhị thập bát tú không chỉ đại biểu cho hai mươi tám chòm sao, mà còn dùng để biểu thị Luân hồi túc quỷ, vì vậy còn gọi là Nhị thập bát quỷ. Về sau, Nhị thập bát tú lại được Đạo giáo ở Trung Nguyên dẫn dụng, rồi sắp đặt lại thành Nhị thập bát tú tinh quân, vì vậy, nó có thể biểu thị rất nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, trong nghi thức tế bái Mạn Đà La, nó cũng có một vị trí nhỏ nữa.”
Pháp sư Á La chạm tay vào Nhị thập bát tú tinh đồ giữa làn sóng biển ở mặt sau tấm gương đồng, nói: “Đương nhiên, khi chúng tôi mới đếm được tổng cộng có hai mươi tám đồ hình khác nhau, cũng chưa dám đoán định đó chính là Nhị thập bát tú, bởi vì trong các kinh điển của Phật giáo, còn có cả Nhị thập bát tổ, Nhị thập bát thiên, Nhị thập bát bộ… nữa, mỗi tên gọi đều hàm nghĩa khác nhau. Cuối cùng, sau khi thẩm định nhiều lần, mới nhận định hai mươi tám đồ hình đó biểu thị cho Nhị thập bát tú. Có điều, những tri thức về thiên văn lịch pháp có liên quan tới Nhị thập bát tú quả thực quá nhiều, quá phức tạp, nên tôi chỉ có thể nói với mọi người một cách đơn giản là, ở trên phương Tây Nam, là sao Quỷ, thuộc phân khu quản hạt của Nam phương Chu Tước. Bảy sao dưới sự quản hạt của Nam phương Chu Tước là Cảnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn. Trong kinh sách gọi sao Quỷ này là An Tiểu Đề, đến ngày trực nhật, nó sẽ truyền bệnh dịch, khiến người ta nằm mơ giao hoan với một người đàn bà hoặc đàn ông, dẫn đến tinh thần suy kiệt. Bệnh dịch này đồng thời lây lan giữa những người trong một nhà, khiến cả nhà khô héo tiều tụy, không đầy ba năm, tất cả sẽ bị hút cạn tinh huyết màchết.”
Trương Lập ngạc nhiên nói: “Ồ, thì ra người ta hay nói tinh tận nhân vong chính là để chỉ nó hả! “
Pháp sư Á La mỉm cười điềm đạm nói: “Tóm lại, một hàng dọc theo hướng Tây Nam này, lần lượt chính là trâu trong mười hai con giáp và chòm sao Quỷ trong Nhị thập bát tú. Vậy là chúng ta có thể biết được một cách đại khái rồi, chòm sao Quỷ là tinh tú, đại biểu cho nguồn sáng, Chu tước và Bạch hổ đều là tứ tượng, đại biểu cho phương vị, trâu là một trong mười hai con giáp, đại biểu cho thời gian, cũng có nghĩa là, khi sao Quỷ vận hành đến giờ Sửu (trâu), chiếu ánh sáng từ phương Tây Nam xuống, sẽ có thể nhìn thấy hình ảnh rõ nét trên tường, nhưng tại sao chúng ta lại không thể nhìn thấy hình ảnh đó chứ? Tôi nghĩ, đáp án có lẽ nằm ở bên ngoài vòng thứ ba…”
“Đợi chút đã! ” pháp sư Á La còn chưa dứt lời, Nhạc Dương đã kêu ré lên, hai hàng lông mày nhíu chặt. Anh chàng vỗ vỗ trán, nói: “Tôi đã nghe thấy câu này ở đâu rồi ấy nhỉ, để tôi nhớ lại xem nào, nhất định là đã nghe thấy ở đâu rồi.”
Trương Lập ở bên cạnh nói: “Kỳ lạ thật, sao hình như tôi cũng từng nghe rồi thì phải? “
Bị vẻ thần bí của Nhạc Dương và Trương Lập ảnh hưởng, nhất thời tất cả những người trong phòng đều nảy sinh ra cảm giác tương tự, tựa như đã từng nghe thấy câu này ở đâu đó rồi, cùng lặng yên lục tìm trong ký ức, đã nghe thấy ở đâu rồinhỉ?
Nhạc Dương lẩm bẩm: “Quỷ? Ngưu? Quỷ… ngưu…, Quỷ vu kim ngưu! ” Anh và Trương Lập đồng thanh kêu lên!
“Đại hồng liên diệu! ” Trác Mộc Cường Ba cũng lập tức sực hiểu ra, tiếp một câu, đó là chuyện của hơn một năm về trước ở Cánh cửa Sinh mệnh. Hơn năm ròng bôn ba vất vả cơ hồ đã khiến họ quên sạch cả mấy câu kệ ấy.
“Văn Thù Bồ Tát, cầm đồng thủy trước ngực mở ra Vô Lượng Minh…” Giáo sư Phương Tân hết sức nhanh chóng tìm trong dữ liệu máy tính ra đoạn băng ghi hình đó, mọi ánh mắt lập tức được đưa trở về căn mật thất dưới lòng đất ở Cánh cửa Sinh mệnh: giáo sư Phương Tân đang chụp ảnh cái miệng cá tượng trưng cho núi Tu Di, còn pháp sư Á La ở bên cạnh thận trọng giải thích: “Thực ra, nội dung khắc trên tường, chắc là một phương pháp để xuất hiện hình ảnh. Quỷ ở đây không phải quỷ quái theo nghĩa truyền thống, mà là một trong Nhị thập bát tú. Kim ngưu là thời gian, ý tức là vào thời gian “kim ngưu”, sao Quỷ sẽ ở chính giữa phía trên Cánh cửa Sinh mệnh; Đại hồng liên diệu, rất rõ ràng chính là ánh sángsẽ chiết xạ qua viên hồng ngọc này, Đại hồng liên đồng thời cũng chính là thánh vật ở nơi sâu thẳm nhất trong Bát Đại Băng Đông địa ngục, mấy thứ này đều không quan trọng. Ừm… Văn Thù Bồ Tát… phải rồi, mọi người nhìn xuống sàn nhà xem, có mấy nơi hình dáng không theo quy tắc, mà có hình lá sen.”
Giáo sư Phương Tân, pháp sư Á La, Trác Mộc Cường Ba, Đường Mẫn, Trương Lập, Nhạc Dương, tất cả đều kinh ngạc đến bần thần, ngây người nhìn vào màn hình máy tính, tựa như đã trở lại hang động ấy… Ngoài bốn chữ “không thể tin được” ra, trong đầu họ chỉ còn là một vùng trắng trống rỗng.
“Sao có thể như vậy được, sao có thể như vậy được? ” Trương Lập lẩm bẩm hai ba lượt. Nhạc Dương cũng phụ họa theo: “Đúng thế, một thứ ở châu Mỹ, một thứ ở Cánh cửa Sinh mệnh, cách nhau cả mười vạn tám nghìn dặm, rốt cuộc là chuyện gì đây nhỉ? “
“Thật không dám tin nữa, đây có phải là trùng hợp không? Chắc không phải chứ? ” Đường Mẫn kêu lên.
“Đức Ma Hê Thủ La vạn năng, dưới ánh sáng thần thánh của Người, chúng con sẽ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác! ” pháp sư Á La chắp tay thầm khấn nguyện.
Trác Mộc Cường Ba cũng không sao hiểu nổi: “Rốt cuộc là chuyện gì đây? Sao lại như vậy? Sao lại đặt cùng một thứ ở hai nơi cơ hồ như vĩnh viễn không thể nhìn thấy nhau? Vị sứ giả hơn nghìn năm trước ấy rốt cuộc đã nghĩ gì vậy? “
Lúc này, người duy nhất vẫn còn giữ được sự tỉnh táo là giáo sư Phương Tân, ông kéo vạt áo Trác Mộc Cường Ba, lớn tiếng nói: “Cường Ba, Cường Ba, viên đá đó đâu rồi? Cậu để đâu rồi? Viên hồng bảo thạch ấy? “
Lữ Cánh Nam cũng nói: “Lúc đó sau khi giao cho cơ quan nhà nước nghiên cứu, tôi đã lấy về trả cho anh rồi mà.”
Trác Mộc Cường Ba giật mình sực tỉnh, vội vàng nói: “Trong tủ mật mã, trong tủ mật mã chuyên để tài liệu của chúng ta, tôi đi lấy ngay đây! “
Trác Mộc Cường Ba lấy trong tủ bảo hiểm ra viên hồng bảo thạch to bằng cái cúc áo, tất cả mọi ánh mắt đều bị hút vào đó, tựa hồ như viên đá đỏ như giọt máu ấy phát ra những tia sáng chói lòa rực rỡ.
Giáo sư Phương Tân kích động đến độ suýt chút nữa đã đứng dậy khỏi xe lăn, nhưng ông cố ghìm tinh thần đang hưng phấn của mình, đồng thời cũng để mọi người khắc chế bản thân, không ngừng nhấn mạnh: “Chớ nên gấp, chớ nên gấp, từ từ thôi, nghĩ đi, nghĩ trước đi đã, viên đá đỏ ấy đặt ở giữa, đóa sen của Văn Thù Bồ Tát đặt cách Tu Di sơn bao xa nhỉ? Trương Lập, cậu đứng lên, hướng Tây Nam, đúng đúng đúng, để mọi người nhìn, tượng Bồ Tát ấy có lẽ cao bằng người, đúng, để tôi đưa tấm gương đồng đến vị trí cao ngang ngực cậu, được… tiếp đó sẽ là viên hồng bảo thạch này, cần thêm một chiếc bàn nữa, Nhạc Dương, Cường Ba, kê cái bàn kia lại đây, nhanh lên, nhanh lên, cẩn thận, cẩn thận! …”
Dưới sự chỉ huy hết sức bình tĩnh của giáo sư Phương Tân, căn phòng lập tức biến dạng, viên hồng bảo thạch được đặt giữa bàn, dùng một cái đầu đũa chống lên, tấm gương đồng cũng đã được đặt lại phương vị. Giáo sư Phương Tân cầm một bộ điều khiển từ xa để bật tắt chùm sáng, ngón tay cái mân mê trên nút bấm tựa như trong tay ông là bộ điều khiển phát nổ của quả bom vậy.
Trương Lập nói: “Chẳng trách chúng ta chỉ có thể thấy cái bóng mờ mờ chứ không thể nhìn rõ hình ảnh, thì ra là bởi chúng ta chỉ sử dụng chùm sáng bình thường. Ánh sáng sau khi được viên hồng bảo thạch này chiết xạ sẽ biến thành một chùm sáng tán xạ, lúc chiếu lên gương chắc sẽ có hiệu quả khác, ừm, xem ra lại có kỳ tích rồi đây.”
Giáo sư Phương Tân nói: “Không chỉ có vậy, rất có khả năng cổ nhân đã sử dụng kỹ thuật trùng điệp ảnh, còn nhớ tấm ảnh chụp được ở Maya không? Rất có thể là một phần hình ảnh được khắc trên viên bảo thạch, một phần lại khắc trên tấm gương đồng, chỉ lấy được một trong hai vật ấy thì vĩnh viễn không thể nào có được tấm hình hoàn chỉnh, chỉ khi chồng hai hình ảnh lên nhau, mới có được ảnh phản chiếu hoàn chỉnh.”
Nhạc Dương lắp bắp: “Có… có khả năng vậy sao? Người… người xưa làm sao có được kỹ thuật đó chứ? “
Trác Mộc Cường Ba nói: “Có khả năng ấy lắm, từ thời Đường, kỹ thuật làm gương thấu quang đã đạt tới trình độ đỉnh cao rồi. Khi tra tìm sử liệu, chúng tôi đọc được một đoạn nói rằng, lúc Văn Thành công chúa nhập Tạng, để nàng không cảm thấy cô đơn nơi nước người, Đường Trung Tông đã lệnh cho các thợ khéo trong đại nội mài một tấm gương đồng đưa đến Tây Tạng. Khi công chúa nhớ nhà, có thể dùng tấm gương này chiếu ánh sáng hắt lên tường, trên đó sẽ hiện ra hình ảnh người thân. Còn có thuyết nói rằng, khi tấm gương thay đổi phương vị, trên tường sẽ hiện ra những hình ảnh khác nhau. Kỹ thuật tinh diệu thần kỳ ấy, được người Tạng gọi là ma kính. Kỹ thuật gương thấu quang này hình như lưu truyềnđược đến đời Tống thì mất dần.”
Pháp sư Á La nói: “Đừng thảo luận mấy chuyện lặt vặt đó nữa, giáo sư Phương Tân, ông bật đèn lên đi.”
Giáo sư Phương Tân trịnh trọng ấn nút trên điều khiển, một chùm sáng đỏ chiếu đúng vào viên hồng bảo thạch. Khi vị trí của nguồn sáng không ngừng thay đổi, dần dần, đã có một chùm sáng đỏ khác được viên bảo thạch chiết xạ bắn ra, từ phương thẳng chuyển thành phương ngang, tia sáng khuếch tán từ gần ra xa, giống như là quầng sáng của đèn pin, vừa khéo trùng với kích thước của gương đồng. Giáo sư Phương Tân lại ấn thêm một nút khác, cho tấm gương bắt đầu tiến dần lên đón lấy quầng sáng đỏ ấy, rồi điều chỉnh phương vị, khoảng cách cho phù hợp. Tất cả mọi người đều nín thở chờ đợi, nhìn chằm chằm vào mặt tường trắng đối diện với tấm gương, trên tường chỉ hắt ra một quầng sáng tròn cao bằng người.
Một bóng mờ bắt đầu xuất hiện, dần rõ nét hơn. Giáo sư Phương Tân cố đè nén tâm trạng kích động, giữ bộ điều khiển trong tay cho tốc độ di chuyển và xoay của gương đồng từ từ chậm lại. Cuối cùng, bức họa thần bí đã từ từ trải ra trước ánh mắt chờ đợi của tất cả mọi người, tựa như có dòng nước chậm chạp ngấm dần từ trên đỉnh bức tường xuống, lại như vầng thái dương mới nhú nâng dần đường phân giới của bóng ảnh trên tường lên cao, tất cả đều như mộng ảo, khiến mọi người có mặt ở đó đều mê mẩn.
Nơi đó có núi non vây quanh, vô số ngọn núi sừng sững trải rộng như cánh hoa sen, chính giữa đóa hoa là một vách núi dựng đứng cao ngất, từ đó vươn ngang ra ba bình đài, không phải dạng bậc thang mà lơ lửng ghim vào vách đá như răng cưa, thác nước, mây trời bao bọc tứ phía, vô số cung điện, đình đài, lầu các ẩn hiện thấp thoáng. Trong khung cảnh huyền ảo mơ hồ ấy, lại có cả chim hạc, chim ưng bay lượn, thật đúng là như chốn Thiên cung tiên cảnh, chỉ có màu nền vẫn là một quầng đỏ hồng, thoạt trông rất giống một tác phẩm thuộc trường phái hội họa trừu tượng.
Cả đám người đều nhìn đến thất thần, giáo sư Phương Tân cũng quên cả cố định tấm gương đồng, mãi đến lúc tấm gương xoay đi góc độ khác, hình ảnh dần dần trở nên mơ hồ mờ nhạt, mọi người mới giật mình sực tỉnh. Nhạc Dương cuống quýt kêu lên: “Giáo sư, qua rồi, qua rồi! “
Giáo sư Phương Tân giật thót người, vội vàng điều chỉnh tấm gương quay trở lại. Pháp sư Á La chợt lên tiếng: “Không đúng, ánh sáng này không đúng, các vì sao chiếu ra ánh sáng tự nhiên, thông qua hồng bảo thạch chiết xạ mới thành ánh sáng đỏ, nhưng đây chúng ta lại trực tiếp dùng ánh sáng đỏ, vì vậy hình ảnh vẫn chưa chính xác, phải đổi nguồn sáng khác đi.”
Giáo sư Phương Tân liền điều chỉnh lại quang phổ, sử dụng ánh sáng tự nhiên chiếu vào. Lần này, hình ảnh họ nhìn thấy đảo ngược lại, dần dần hình thành từ dưới lên trên, giống như một màn ảo thuật. Một cảnh tượng càng khiến người ta không dám tin vào mắt mình lại xảy ra, cả một vùng bên ngoài trần thế đào nguyên rực rỡ sắc màu, vô số lầu các đình đài rực rỡ ánh vàng lơ lửng trên không trung, từ từ trải hiện ra trước mắt đám người may mắn.
Sau khi đổi sang sử dụng ánh sáng tự nhiên, chùm sáng được viên bảo thạch chiết xạ không ngờ lại không biến thành rực rỡ bảy màu liên tiếp như cầu vồng, mà lại như ngòi bút của nhà danh họa, phân bố hết sức hài hòa thành trời xanh mây trắng, núi tuyết mênh mang, tùng xanh hoa đỏ, chim bay thú chạy, vệt ráng hồng kia vừa khéo tạo thành vầng dương đang lấp ló phía trời Đông. “Đây… rốt cuộc là… sao mà làm được vậy! ” Trương Lập đứng gần bức tường nhất, vươn tay ra chạm vào đó, trên mu bàn tay lập tức hiện lên một kiến trúc dạng cung điện, tường trắng đỉnh vàng, cột nhà màu đỏ rực, xà rường đều rực rỡ sắc màu, nhìn rõ cả những điêu khắc chạm trổ trên song cửa. Trên lưng con thú gắn trên nóc nhà có một con chim đang đậu, ánh sáng lấp lóa lướt qua như mộng như ảo. Trương Lập nín thở một hồi lâu, như chỉ sợ mình thở ra một hơi, sẽ khiến con chim nhỏ không bằng đầu kim kia sợ hãi mà bay đi mất.
Đợi đến lúc bức họa trải hết ra, chỉ thấy núi tuyết sừng sững, cây xanh mơn mởn, mây lành vấn vít rạng rỡ, khe núi mờ mịt, nhìn xa thấy tiên sơn lừng lững, núi non san sát, thanh sơn ngọc tuyền, khí thế hiên ngang, lầu đài dựa vào núi non, ẩn hiện tựa thiên cung vườn thánh, rộng rãi khoáng đạt, khí tượng dạt dào. Đến chỗ gần, càng có thể thấy lưu ly rực rỡ, hươu nai chạy nhảy…
Trước tác phẩm nghệ thuật tinh xảo hơn cả tạo hóa ấy, bất cứ hình dung nào cũng đều là vô nghĩa. Ánh mắt hút theo luồng sáng, tâm tình cũng theo cảnh vật mà dập dờn dao động, ở vòng ngoài cùng của cảnh tượng, vẫn là mấy ký hiệu mật mã Tạng cổ được phóng to lên mấy lần, lồ lộ như khắc trên tường “Hương Ba La mật quang bảo giám”.
Trong khoảnh khắc, thời gian không gian như ngưng đọng, đến hơi thở cũng ngừng theo, cả đám người ngây nhìn hình ảnh trên tường, cảnh đẹp mỹ diệu trên đó đã thu hút trọn linh hồn họ. Tiên cảnh trong truyền thuyết trải qua nghìn năm vùi lấp trong lịch sử, cuối cùng đã trùng hiện lên trước mắt người đời.
Chú Thích
1.Con vật trong truyền thuyết cổ, biết phân biệt phải trái, thấy người đánh nhau, nó dùng sừng húc kẻ gian.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.