Bên dưới gốc cây thần đó còn có một điềm trắng nhỏ, thoạt trông giống như chú ngựa con. Không hiểu sao, lúc ngước mắt lên nhìn cái cây ấy, Trác Mộc Cường Ba và Merkin đều không hẹn mà cùng tiến đến gần gốc cây. Mới đầu, hai người còn đề phòng cơ quan, sau khi thấp thỏm đi được một đoạn, mới bắt đầu sải rộng bước chân, càng đi càng nhanh.
Lúc đến gần, họ mới phát hiện, thứ màu trắng kia hóa ra chẳng phải ngựa con, mà là một con voi trắng sáu ngà, cao mười mấy mét. Bên dưới cái cây cao chọc trời, những cây nhỏ hơn trong rừng xếp thành hai hàng, tựa hồ chừa ra một con đường cho voi trắng tiến bước, một dòng nước trong vắt như gương roognj chừng bốn, năm mét lặng lẽ dập dờn chảy qua phía trước mặt con voi.
Con voi trắng đó đầu đội mũ miện, lưng chở tòa sen không tâm, bộ dạng hân hoan sung sướng, tựa như đang nghỉ giấc trưa, lại giống như đang hút nước tắm rửa vào buổi sáng sớm, ở nó toát lên một vẻ khoan khoái nhẹ nhàng khó tả. Voi trắng, suối nước, rừng cây, kết hợp với nhau một cách hài hòa, hoàn toàn tự nhiên. Cảm ngộ phát xuất tự nội tâm Trác Mộc Cường Ba càng lúc càng trở nên rõ rêt. Cảnh giới này, thật tự do tự tại, vô ưu vô lự biết bao!
Chợt nghe Merkin lẩm bẩm đọc: “Độc bộ thiên hạ, tâm ta sách trong, không cầu không dục, như voi trong rừng!”
Trác Mộc Cường Ba tức thì đốn ngộ trong khoảnh khắc, đúng vậy, chính là thứ cảm giác này, một mình sải bước giữa đất trời, không cầu không dục, con voi trắng và nơi này, tạo thành một không gian khiến người ta không còn ham muốn, không còn sở cầu gì nữa. Cảm giác nâng chén đứng trước gió, vinh nhục thấy đều quên, hẳn cũng chỉ như vậy mà thôi, thậm chí dường như cảnh giới ở đây còn cao hơn một bậc. Trác Mộc Cường Ba hơi ngạc nhiên nhìn Merkin, gã thực không thể ngờ, Merkin cũng đạt đến cảnh giới này, một lời đã chỉ ra được.
“Đây là một câu kệ trong Nam Truyền Ngũ Bộ kinh bằng tiếng Pali(17), Merkin bị Trác Mộc Cường Ba nhìn như vậy cũng thấy ngượng ngùng, bèn giải thích: “Voi là thánh vật trong Phật giáo, trước nay vẫn được coi là thần thú có đại pháp lực và đại từ bi, chúng có thể hình to lớn, không dễ bị các sinh vật khác làm thương tổn, cũng không bao giờ chủ động làm tổn thương các sinh vật khác. Ngoại trừ con người, voi không có thiên địch, một mình một cõi trong chốn rừng sâu. Voi là loài động vật đầu tiên có tư cách ấy!”
Cách giải thích này của Merkin, Trác Mộc Cường Ba chỉ chấp nhận được phần đầu, còn câu cuối cùng lại cho rằng y đã lý giải hơi lệch lạc. Gã cũng nhớ lại một câu trong Đại Tạng kinh: “Tốt hơn sống độc hành, hơn chung bước bạn xấu, một mình không ác hạnh, sống tự tại thong dong, như voi giữa rừng già.”(18) Nghĩ đoạn gã bèn nói: “Voi có uy lực vô biên mà tính cách lại ôn hò, khi làm tọa kỵ cho Bồ tát, voi tượng trưng cho pháp thân có thể gánh vác trách nhiệm, khi làm hóa thân của Bồ tát, voi tượng trưng cho đại từ bi và đại thế lực. Phật có tám mươi tướng lành, tiến bước và dừng lại như Tượng vương, bước đi như Hạc vương, dung mạo như Sư tử vương, vô lậu vô nhiễm, tựa như thân voi trắng ngần tinh khiết. Sáu ngà biểu thị cho lục độ: bố thí, giữ giới, ẩn nhẫn, thiền định, tinh tiến, trí tuệ. Người nào có được lục độ, thời có thể vượt qua biển sinh tử, đến được bờ vĩnh sinh bất từ; đồng thời cũng chỉ sáu loại thần thông siêu độ nhân gian của Bồ tát.”
Merkin không hứng thú lắm với những thứ thuộc về kinh kệ đó, y hướng ánh mắt lên chiếc mũ miện đội trên đầu con voi trắng. Bên trên chiếc mũ miện đó khảm vàng dát bạc, châu ngọc bảo thạch gắn chi chít, viên nhỏ như trứng cút, viên lớn phải to bằng quả trứng gà. Merkin đã quen nhìn vàng bạc châu báu, vậy mà vừa liếc thấy chiếc mũ miện này, đã không thể rời được ánh mắt đi đâu được nữa.
Ánh mắt Trác Mộc Cường Ba cũng rời khỏi thân voi, dịch chuyển xuống dòng nước lặng lẽ phía trước. Nước suối sáng như gương, dòng chảy chậm rãi như dải lụa, chỉ gờn gợn lên một chút như nếp nhăn trên mặt. Lần ngược lên nguồn, Trác Mộc Cường Ba ngạc nhiên nhận ra, dòng suối nông không ngờ lại chảy từ gốc cây thần kia ra.
Lúc này, do khoảng cách quá gần, thân cây thần đã không còn giống như thân cây nữa, mà giống một bức tường hơn. Bề mặt của thân cây, song hình dáng lại giống như tường, muốn đi vòng quanh bức tường này e phải mất mấy trăm bước. Lại gần nhìn kỹ hơn nữa, sẽ phát hiện ra, các cục u, các đốt cây, những chỗ gồ ghề lồi lõm trên thân cây, đều là các sinh vật khác nhau do người xưa điêu khắc, ngoài ra con có cả thần tiên chư Phật nữa. Họ hòa lẫn vào các đường vân trên vỏ cây, nhìn lướt qua sẽ thấy Phi Thiên hiện hình, nét mặt mỗi vị mỗi khác, nhưng nếu chăm chú nhìn, trước mắt sẽ chỉ thấy thân cây mà thôi.
Trác Mộc Cường Ba đi một vòng quanh thân cây, rốt cuộc cũng nhận ra chỗ ảo diệu của cây thần này. Khi nhìn lên thân cây, không thể tập trung vào một điểm, mà phải phóng mắt nhìn toàn thể, để tầm nhìn rộng mở, các vị thần Phật sẽ tự hiện lên trong chốn mông lung mờ ảo, cứ quan sát như vậy một lúc, những hình điêu khắc thần Phật và các loại sinh vật sẽ càng lúc càng trở nên rõ ràng, tựa như sống lại giữa chốn hư không, người quan sát cũng có cảm giác như thể mình đang ở giữa khung cảnh đó vậy. Nếu chớp mắt, hoặc tập trung tinh thần, những hình ảnh thần Phật và muông thú ấy sẽ lại đột nhiên biến mất, lẩn khuất vào trong thân cây.
Dòng suối trong vắt ấy chảy ra từ ngọn cây thần, nơi cành lá um tùm rậm rạp. Tổng cộng có bốn mạch suối, người xưa đã khoét bốn rãnh ngầm hình xoáy ốc trên thân cây, chĩa ra làm bốn hướng, cắt ngang cắt đọc toàn bộ đại sảnh. Hay là… những dòng nước này tạo thành một hình chữ vạn ngược khổng lồ? Trác Mộc Cường Ba chỉ có thể suy đoán. Bốn đường rãnh ngầm này giống như bốn dòng sông chảy qua cây thần, hai bên bờ là đủ loại sinh vật ẩn hình. Kỳ quái nhất là những sinh vật ẩn hình này, người xưa không chỉ điêu khắc một loại hình thái duy nhất, mà đa số đều biểu thị bằng ba hình thái: sinh ra, lớn lên và già đi. Men theo dòng nước từ trên xuống, hình thái của các sinh vật càng lúc càng phức tạp Còn những hình khác thần Phật lại ở xa dòng nước hơn một chút, như thể lơ lửng giữa chốn hư không, lặng lẽ quan sát quá trình sinh lão bệnh tử của tất thảy sinh vật trên đời vậy. Có tượng trầm tư, có tượng hờ hững, có tượng thiền định, có tượng mỉm cười, hình thái đều rất phức tạp đa dạng.
Trác Mộc Cường Ba đến giờ vẫn chưa hiểu được ảo nghĩa của Mật tông, dĩ nhiên cũng không thể lý giải được hàm nghĩa mà những hình ảnh thoạt ẩn thoạt hiện này biểu đạt. Gã chỉ cảm thấy hết sức huyền diệu, không sao diễn tả được bằng lời.
Hai người đều tĩnh tâm ngẫm nghĩ về những gì trông thấy, đều chìm vào cảnh giới vô nhân vô ngã(19), thậm chí quên cả sự tồn tại của thời gian, không biết bao lâu sau, một âm thanh đột nhiên bật lên từ tận sâu đáy lòng Trác Mộc Cường Ba: “Cường Ba, giờ không phải lúc mày mê đắm với kỹ nghệ tinh xảo của người xưa, việc quan trọng trước mắt là tìm thấy Pháp sư, Cánh Nam và Mẫn Mẫn!”
Trác Mộc Cường Ba giật thót mình, lập tức không còn cảm giác ngờ ngợ như ngộ ra được điều gì đó nữa, nhìn lại gian đại điện, thấy hùng vĩ thì hùng vĩ thật đấy, song đã không thể đưa tinh thần gã vào thế giới cảm quan thần hồn phiêu diêu được nữa. Đây có phải nơi pháp sư Á La muốn tìm kiếm hay không nhỉ?
“Ông nói xem, chỗ nãy có phải là đại diện trung tâm của Bạc Ba La thần miếu không nhỉ?” Trác Mộc Cường Ba hỏi.
Merkin lập tức phủ định: “Sao có thể được! Dù là thần thoại truyền thuyết hay ghi chép trong lịch sử, hoặc chỉ là chúng ta nghiên cứu suy luận ra, trong thần miếu phải chất đống như núi đủ thứ báu vật tuyệt thế, càng không cần nhắc đến những món vàng bạc châu báu thông thường, nhưng đây là thứ quái gì chứ?” Tuy châu ngọc gắn trên mình con voi trắng đều rất lớn, lại không chút tì vết, nhưng dù sao cũng là khoáng vật tự nhiên, chỉ được con người gia công mài giũa thêm một chút, so với những thứ báu vật trong long Merkin mơ tưởng vẫn còn kém xa. Vả lại, con voi trắng kia uy nghi tự tại, các thứ châu ngọc và tượng voi đã dung hợp thành một thể thống nhất, chỉ cần bong ra một viên thôi cũng đã khiến con voi trắng này có tì vết rồi. Merkin không muốn mà cũng không dám đụng vào những viên đá có sức hấp dẫn mê người ấy. Ngoài ra, đối với Merkin, đại điện này chỉ có một rừng cây rậm rạp, mà lại còn là đồ giả nữa.
Trác Mộc Cường Ba chau mày, lấy làm lạ tại sao Merkin không cảm nhận được sự huyền diệu của nơi này? Lẽ nào y không cảm thấy thần hồn phiêu diêu đặng như thoát ra khỏi thân thể giống gã? Nghxi đoạn, gã bèn hỏi: “Nếu nơi này không phải đại điện trung tâm,vậy còn nơi nào khác nữa ư?”
Merkin gật đầu, Trác Mộc Cường Ba lại nói: “Vậy chúng ta phải tìm lối ra thôi, chắc chắn có cửa thông sang nơi khác nữa.”
Merkin thoáng do dự, nhưng rốt cuộc vẫn gật đầu nói: “Được.”
Mặc dù không trực tiếp nắm bắt được ý cảnh siêu phàm ấy, song Merkin cũng lờ mờ có chút cảm giác. Khi đứng dưới cây thần và tượng voi trắng, y chỉ thấy trời đất bao la, vạn vật nhỏ bé, dòng không khí lưu động chừng như hóa thành thực thể, từ đó cũng nảy sinh một tâm trạng khó tả, chỉ là cảm giác ấy của y không được rõ ràng như Trác Mộc Cường Ba mà thôi. Sợ rằng ngay cả pháp sư Á la và Lữ Cánh Nam cũng không ngờ được, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, Trác Mộc Cường Ba lại có thể tự lĩnh ngộ được quá trình xuất thế và nhập thế.
Có rất nhiều chuyện, nói dễ hơn làm rất nhiều. Hai người rốt cuộc cũng đạt được sự đồng thuận, bắt đầu tìm kiếm lối ra khỏi rừng rậm bên trong đại sảnh dường như không có cạm bẫy này. Thế nhưng, vừa bắt đầu tìm kiếm, cơ quan liền lập tức hiện ra.
Hai người nhanh chóng phát hiện, dù họ đi thế nào thì cũng chỉ vòng vèo trong đại điện hoặc có thể nói là trong khu rừng này. Những cây cối bố trí so le nhau, ngăn cản tầm nhìn của họ, khiến hai người chỉ có thể quan sát được khoảng một hai chục mét phía trước. Họ vòng qua những thân cây lớn ấy, tự nhủ rằng mình đang đi theo đường thẳng, song dù đi thế nào, cuối cùng nhất định vẫn trở lại phía trước thân cây thần và tượng con voi trắng kia.
Merkin bắt đầu cáu tiết. Họ đã đánh dấu lên thân cây, song vẫn không thấy hiệu quả. Y định lấy lựu đạn ra cho nổ tung đám cây cối này lên, nhưng Trác Mộc Cường Ba đã ngăn lại: “Đừng lặp lại sai lầm, chúng ta không rõ tình hình ở đây, ông mà cho nổ, có trời mới biết sẽ dẫn dộng cơ quan cạm bẫy gì nữa.”
Merkin nổi giận gầm lên: “Tôi không tin, chẳng lẽ mấy cái cây này biết chuyển động? Dù là mê cung thì cũng có quy tắc tay phải chứ!”
Trác Mộc Cường Ba trầm ngâm nghĩ ngợi, những thân cây lớn này và mặt sàn dưới chân họ là một thể, được điêu khắc từ nham thạch thiên nhiên, hai đầu trên dưới đều mọc rễ, chắc chắn không thể chuyển động được. Vấn đề mấu chốt là ở vị trí của những thân cây này, thoạt nhìn tưởng chừng như đi thế nào cũng có đường thênh thang rộng mở, song trên thực tế những cái cây này có lớn có nhỏ. muốn tiến lên nhất định phải đi vòng vèo qua các thân cây. Kỳ diệu nhất chính là, bọn họ đi kiểu gì thì cũng vòng một vòng trong rừng, cuối cùng lại trở về. Thêm vào đó, thân cây đều có hình trụ tròn, quy tắc tay phải trong mê cung căn bản không thể áp dụng ở đây được.
Mới đầu họ còn gửi gắm hy vọng vào bốn dòng chảy kia. Không ngờ mấy dòng nước đó chảy được nửa chừng liền lặn xuống đi ngầm dưới đất, không thấy bóng dáng đâu nữa. Merkin tự tin thính lực hơn người, liền dẫn đường theo tiếng động, khi nghe tiếng nước chảy thay đổi, y mừng ra mặt thốt lên: “Ra rồi!”, rồi ngước mắt nhìn lên, liền trông thấy cây thần uy nghi hùng vĩ, voi trắng ung dung tự tại lù lù trước mắt. Trác Mộc Cường Ba cũng chán chẳng buồn nói câu nào nữa.
Sau mấy vòng, Trác Mộc Cường Ba đề nghị nghỉ ngơi giây lát, đằng nào thì đi kiểu gì cũng vẫn trở lại dưới gốc cây thần này, tại sao không thử tìm đầu mối ở xung quanh đây xem, hà tất phải đi bừa trong rừng như thầy bói xem voi cho mất công. Merkin vui vẻ đồng tình, bắt đầu tìm kiếm manh mối xung quanh cây thần và tuợng voi trắng, tìm một hồi cũng không phát hiện được gì cả, một chữ hay ký hiệu để lại cũng không. Trác Mộc Cường Ba lại nói cho y biết cách làm cho hình ảnh thần Phật điêu khắc ẩn trên thân cây hiện hình, rồi chia nhau tìm kiếm đầu mối trên những hình ảnh phiêu hốt bất định đó. Hai người nhìn đến hoa mắt, cũng nhận ra được khá nhiều chủng loại sinh vật và tên các vị thần Phật, song đầu mối thì vẫn chẳng thấy đâu.
Merkin không khỏi cằn nhằn oán trách: “Không phải đến chỗ nào cũng có vài lời của người xưa để lại à? Ở đây sao không thấy có?”
Trác Mộc Cường Ba nói: “Những chỗ người xưa để lại lời cảnh báo đều là chốn hiểm nguy tột cùng, thà không có còn hơn.”
Merkin nói: “Tuy là hiểm nguy tột cùng, nhưng ít nhất chúng ta cũng dựa vào những lời đó mà suy đoán ra được một chút ý đồ của họ, còn thế này là thế nào? Chẳng lẽ bảo chúng ta ở đây mãi với con voi này à?”
“Voi trắng!” Trác Mộc Cường Ba sực nhớ ra điều gì đó, câu nói “nếu cậu muốn có thứ gì, cậu mới tìm thấy được thứ ấy.” của đội trưởng Hồ Dương chợt lóe lên trong óc gã. Gã bất giác hồi tưởng lại những phần liên quan đến voi trắng trong các tư liệu về Mật tông mấy năm nay gã và mọi người thu thập được, phần nào không nhớ ra nổi, gã liền mở máy tính của giáo sư Phương Tân ra tìm. Thập lực hương tượng(20)? Bạch tượng bồ tát? Hương tượng độ hà(21)? Thần trí tuệ của Ấn Độ giáo? Long tượng(22)? Cuồng tượng? Tượng chủ? Từng đoạn thông tin hiện lên trên màn hình máy tính, rồi lần lượt bị Trác Mộc Cường Ba loại bỏ, thình lình, một đoạn thông tin về Tượng vương đập vào mắt gã. Trác Mộc Cường Ba kiểm tra lại rồi cả mừng reo lên: “Thì ra là vậy, tìm được đường rồi!”
Merkin vốn không hiểu ngữ nghĩa tiếng Trung cho lắm, đối với các thuật ngữ của Phật gia, Đạo gia lại càng dốt đặc cán mai, vội vàng hỏi gã: “Đường ở đâu vậy?”
Trác Mộc Cường Ba nói: “Đường ở dưới chân.”
Merkinc có cảm giác mình đang bị bỡn cợt, mặt hầm hầm tức giận, nhưng ngay sau đó Trác Mộc Cường Ba đã giải thích: “Trong Kinh Nghiêm hoa có một câu rằng ‘Tượng vương hành xứ hoa lạc hồng’(23), chúng ta đã bỏ qua mất những bông hoa đỏ kia, ông nhìn phía sau lưng voi trắng xem.”
Merkin nhìn về phía đó, trên thảm cỏ hoa trắng hoa đỏ đan xen điểm xuyết, chỗ nào cũng có, thoạt nhìn chẳng có gì khác biệt, nhưng nếu nhìn kỹ lại sẽ thấy, ở sau lưng voi trắng, một số hoa đỏ dường như ghép lại thành hình hoa sen, từng đóa từng đóa, khoảng cách vừa khéo khớp với bước chân voi. Nếu Trác Mộc Cường Ba không nhắc, chẳng ai có thể nghĩ những bông hoa đỏ này lại có gì khác vớ những bông hoa đỏ khác ở quanh chúng cả.
“Thần đi tới đâu, mỗi bước đều có sen nở dưới chân.” Trác Mộc Cường Ba nói, “chính là đây rồi.”
Hai người cẩn thận lần ngược theo những bông sen ấy, chỉ thấy từng đốm hoa đỏ khi ở bên trái, lúc lại ở bên phải, lúc thì theo hình chữ chi(24), lúc lại quay ngoắt gần một trăm tám mươi độ, không lâu sau, rốt cuộc họ cũng ra khỏi khu rừng. Hai người đều ngấm ngầm lấy làm lạ.
Lúc này, trước mắt hợ, thảm cỏ đã biến mất, trên nền nham thạch xuất hiện một bàn cờ. Không phải là mặt đất nứt nẻ, rãnh ngang rãnh dọc như bàn cờ, mà là một bàn cờ khổng lồ thực sự. Trác Mộc Cường Ba và Merkin dùng bước chân ước lượng, bàn cờ này mỗi bên dài khoảng trăm bước, quân cờ sừng sững bên trên, nhưng chưa được điêu khắc, toàn là những hình khối lập phương mỗi cạnh dài chừng một mét. Bốn mặt dựng đứng của mỗi khối lập phương này đều có khắc ký hiệu biểu thị thân phận của chúng trên bàn cờ. Hai mặt phía trên và phía dưới cũng có ký hiệu tương đồng, chỉ khác là không đục lõm vào, mà lại chạm nổi gồ lên.
Hai người không biết bàn cờ khổng lồ này nằm ở đây để làm gì, bèn vòng qua tìm cửa. Cánh cửa lớn đó nằm ở ngay sau bàn cờ, đóng kín tựa như một bông sen đang khép, nhưng nhìn đường trượt ở hai bên cánh cửa và các cánh hoa sen, hiển nhiên cánh cửa này có thể mở ra được. Hai bên cửa vẫn là câu “một người trí tuệ tuyệt luân, một người thân thủ tuyệt thế” kia, nhưng lại thiếu mất câu đầu. Bên dưới hai hàng chữ ấy là một câu kệ khác.
Câu ở bên dưới hàng “một người trí tuệ tuyệt luân” được Trác Mộc Cường Ba dịch ra thành “mười loại thông minh”, còn câu bên dưới “một người thân thủ tuyệt thế” là “mười con voi lớn”. Sau đó, hai người đối chiếu với thông tin trên máy tính, mới hiểu ra, đó lần lượt là “thần chỉ thập lực” và “tượng chi thập lực” trong tôn giáo.
“Thần chi thập lục” là mười loại trí tuệ thần lực của Như Lai, gồm: biết cổ kim, hành vi không có sai sót, biết số mệnh, biết hết thảy mọi thứ trên đời…, còn “tượng chi thập lực” hẳn là chỉ sức mạnh của mười con voi, tượng trưng cho sự uy mãnh vô song. lần này, tư duy cả hai đều hết sức nhạy bén, không hẹn mà cùng thốt lên: “Bàn cờ kia có liên quan gì không?”
Hai người liền quay lại xem xét, chỉ thấy những đường ngang dọc trên bàn cờ đều thấp hơn mặt đất chừng mười xăng ti mét, cơ hồ có rãnh kim loại. ở một số chỗ các đường ngang dọc cắt nhau, còn có một khay kim loại hình tròn, xem chừng có thể chuyển động được. Trên khay tròn có ký hiệu được chạm lõm vào. Merkin vừa liếc nhìn những khay kim loại hình tròn ấy liền lập tức hiểu ra, lẩm bẩm: “Thì ra là vậy!”
Trác Mộc Cường Ba chư từng gặp loại cơ quan này bao giờ, vội hỏi: “Ông biết loại cơ quan này à?”
Merkin không đáp mà hỏi ngược lại: “Anh… đã bao giờ chơi trò đẩy thùng bao giờ chưa? Trò chơi điện tử ấy.”
“Đẩy thùng?” Trác Mộc Cường Ba ngẩn người, rồi ngập ngừng nói, “ý ông là, cái trò trong điện thoại di động ấy hả?”
“Đúng, đúng.” Merkin gật đầu.
“Sao có thể được? Từ xưa người ta đã chơi trò ấy rồi à?” Trác Mộc Cường Ba lấy làm khó tin.
Merkin nói: “Tuy đẩy thùng là phần mềm trò chơi do người Nhật lập trình ra, nhưng anh có biết phần mềm này lấy cảm hứng từ đâu không? Nó là sự kết hợp của trò ‘Hoa Dung Đạo’(25) của Trung Quốc với một số trò chơi cổ khác. Mà trò ‘Hoa Dung đạo’ ấy, là một biến thể của Suy diễn Cửu Cung rồi. Chó chết, chẳng trách lại yêu cầu cái gì mà thập thần chi lực với cả thập tượng chi lực.”
Trác Mộc Cường Ba nhớ lại, Lữ Cánh Nam đúng là đã từng nhắc đến sách Cửu Cung Suy diễn thời Đường, nhưng lúc đó cô cũng nói, vì Suy diễn Cửu Cung quá phức tạp, nên chỉ thịnh hành một thời gian rồi dần thất truyền. Hiện giờ, dựa vào sách vở điển tịch chưa thể hoàn nguyên được Suy diễn Cửu Cung. Đồng thời, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đến nay cũng chưa phát hiện được hiện vật nào có giá trị tham chiếu, nên vẫn chưa thể khảo chứng.
Merkin giải thích qua loa cho Trác Mộc Cường Ba “Những khay kim loại trên các giao điểm này có thể chuyển động, nhưng chúng nằm ngang với rãnh kim loại, mà bên trong lại khắc lõm xuống, đường khắc trơn tuột, với sức hai tay của chúng ta, thực sự không thể nào chuyển động được các khay tròn này vì không dồn sức xuống được. Còn các hình lập phương kia, phần gồ ra ở mặt trên và mặt dưới…”
Nói tới đây, Trác Mộc Cường Ba đã hiểu ra, bèn tiếp lời: “Phần gồ lên vừa khéo khớp với phần đục lõm trên mặt khay tròn, cũng có nghĩa là, chỉ cần chúng ta đẩy những khối lập phương này lên trên khay tròn, liền giống như dùng chìa khóa tra vào lỗ khóa vậy. Chúng ta chuyển động các khối lập phương, cũng bằng như chuyển động khay tròn! Thì ra đây chính là Suy diễn Cửu Cung!”
Merkin bổ sung thêm: “Làm gì có chuyện đơn giản như vậy chứ! Anh nhìn cho rõ đi, ký hiệu trên mỗi khay tròn đều khác nhau, một khay chỉ có thể khớp với một khối lập phương mà thôi. Một khi khối lập phương khớp vào trên khay tròn, nó sẽ chặn những đường rãnh cắt nhau trên bàn này lại, các khối lập phương ở phía sau cũng không thể đi qua điểm này được nữa. Đây mới chính là tinh yếu của Suy diễn Cửu Cung. Anh cần phải tính toán kỹ càng trước khi dịch chuyển những khối lập phương này, khối nào đẩy trước, khối nào đẩy sau, chỉ cần sai một bước thôi là phiền phức to rồi. Nếu may mắn, có thể chỉ bít kín 1ối đi này, nếu xúi quẩy, có thể sẽ khiến các cơ quan cạm bẫy khác khởi động cũng không chừng.”
Trác Mộc Cường Ba hiểu ra, chẳng trách Merkin lại nói cơ quan này giống trò chơi đẩy hòm, quả đúng là như vậy.
Merkin lại tiếp lời: “Ở đây bao hàm lý luận về số đối chiếu trong tô pô học, đồng thời cũng chứa cả thuật vu hồi trong trò chơi Hoa Dung đạo, anh coi nó như phiên bản nâng cao của trò đẩy hòm và Hoa Dung đạo là thấy dễ hiểu ngay thôi.”
Trác Mộc Cường Ba nói: “Tôi hiểu rồi, chỉ là bàn cờ này lớn như vậy, chúng ta sao có thể nhìn được toàn cảnh, không nhìn được toàn cảnh thì biết bắt đầu từ đâu đây?”
Merkin chỉ vào cánh cửa như nụ sen chưa nở kia nói: “Chúng ta leo lên cánh cửa đó là nhìn được toàn cảnh thôi. Nhưng điều tôi lo là, dù nhìn được toàn cảnh, sợ rằng cũng khó lòng suy diễn ra được. Chính vì quá phức tạp nên suy diễn Cửu Cung chỉ thịnh hành một thời gian rồi sau đó thất truyền.”
“Vậy sao ông lại khẳng định đây bàn cờ này phải áp dụng Suy diễn Cửu Cung mới giải được?”
“Ừm, chuyện này… chúng tôi từng gặp thứ tương tự trong một ngôi mộ cổ thời Đường.” Merkin vò vò mái tóc vàng, bộ dạng không được tự nhiên lắm: “Có điều, lần đó hết sức đơn giản, dù có năm sáu toán tử cần suy diễn, ừm, những khối lập phương kia gọi là toán tử, tạo hình của các toán tử mỗi nơi mỗi khác, nếu không tôi đã nhận ra ngay từ đầu rồi. Anh xem bàn cờ này đi, sợ rằng phải có đến mấy chục toán tử cần suy diễn ấy chứ, không khéo lên đến hàng trăm, dù chúng ta tính toán đến bạc đầu cũng chưa chắc ra được kết quả đâu.”
Trác Mộc Cường Ba ngẫm nghĩ giây lát. rồi nói: “Không ngại, chúng ta cứ trèo lên xem sao, nói không chừng lại rất đơn giản cũng nên.” Dứt lời. gã vỗ vỗ lên ba lô, nói: “Dù chúng ta không tính toán ra được, thì vẫn còn máy tính mà.”
Chú thích
(17) Nam Truyền Ngũ Bộ kinh: Trong thời nguyên thủy của Phật giáo, các vị đệ tử Phật sau khi nghe pháp, đã dùng hình thức kệ tụng để khẩu truyền cho nhau, và những gì được khẩu truyền, đều y cứ vào trí nhớ. Nhưng, những vị đệ tử Phật, tùy căn cơ mà lãnh thọ giáo pháp của Phật mỗi người mỗi khác, từ đó mà nảy sinh những tư tưởng không giống nhau. vậy, khi giáo đoàn đã chính thức xác lập, thì việc chỉnh lý, thống nhất tất cả giáo thuyết của đức Phật, nghiễm nhiên trở thành một nhu cầu bức thiết. Kết quả là, tất cả những lời dạy của đức Phật trong suốt cuộc đời hóa độ, dần dần phát triển thành một loại hình thức văn học nhất định; cuối cùng đã hình thành toàn bộ THÁNH ĐIỂN, được gọi là KINH A HÀM, tức KINH TẠNG trong Ba Tạng.
Như vậy, Kinh A Hàm đã được truyền thừa từ giáo đoàn nguyên thủy; đến thời kỳ Phật giáo bộ phái, nó lại được truyền thừa trong từng bộ phái. Các tài liệu hiện có cho thấy, vào thời đó, ít ra thì Nam Phương Thượng Tọa bộ, Hữu bộ, Hóa Địa bộ, Pháp Tạng bộ, Đại Chúng bộ, Ẩm Quang bộ và Kinh Lượng bộ, đều có kinh điển truyền thừa; nhưng cho đến ngày nay thì chỉ thấy có kinh điển của Nam Phương Thượng Tọa bộ là được bảo tồn trọn vẹn; gồm có 5 bộ kinh: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ. Tất cả đều được viết bằng chữ Pali, và được gọi là Năm Bộ Kinh Nam Truyền (Nam Truyền Ngũ Bộ), cũng tức là Năm Bộ Kinh A Hàm Nam Truyền (Nam Truyền Ngũ A Hàm)
(18) Bản dịch của Như Khanh
(19) Vô nhân vô ngã: Không có người mà cũng không có ta.
(20) Hương tượng (Gandhahastin): Theo luận Đại Tỳ Bà Sa, hương tượng là con voi đực trong thời kỳ động dục, nách nó tỏa mùi thơm hăng nồng nên gọi là hương tượng; sức nó mạnh bằng mười con voi thường.
(21) Hương tượng độ hà: Trong kinh Niết Bàn có từ ngữ “hương tượng độ hà”: Thỏ, ngựa, hương tượng cùng vượt sông. Thỏ qua sông thì nổi, ngựa qua sông nhập nửa thân, còn hương tượng chân đạp đến tận đáy sông. Kinh luận dùng hình ảnh này để tỷ dụ sự chứng đắc sâu cạn khi nghe giáo pháp.
(22) Long tượng: Được dịch từ chữ Naga trong tiếng Sankrit. Thường chỉ một con voi khổng lồ, hoặc dùng để chỉ sự dũng mãnh và đại lực của các vị đại Thánh, chư Bồ Tát hay chư Phật.
(23) Tượng vương hành xứ hoa lạc hồng: Tượng vương đi tới đâu thì hoa rụng đỏ tới đó để cung nghênh.
(24) Chữ chi
(25) Hoa Dung đạo: một trò chơi cổ của Trung Quốc, gồm một khay vuông, và các hình vuông hoặc chữ nhật bên trên có vẽ Tào Tháo, Trương Phi, Quan Vũ… xếp gần kín khay, chỉ để ra một ô trống. Người chơi có nhiệm vụ lợi dụng ô trống này để dịch chuyển các hình nhân vật sao cho Tào Tháo có thể đi từ vị trí cao nhất đến vị trí thấp nhất của khay. Trò này tương tự như trò xếp hình vậy.