Người Giỏi Không Bởi Học Nhiều

29. Học thêm một chuyên ngành hay ngành phụ



Học thêm một chuyên ngành hay ngành phụ!? Bạn đang đùa đúng không!? Tôi không có từng ấy thời gian! Ngốc ạ! Đây là những phản ứng thường thấy đối với lời đề nghị ít thấy này. Học thêm một chuyên ngành hay ngành phụ là một việc tốt bởi những lý do hết sức hiển nhiên. Bạn sẽ tốt nghiệp với kiến thức chuyên sâu không chỉ của một ngành học. Nó cũng sẽ giúp bạn luôn tập trung trong những năm tháng học tại trường. Và quan trọng nhất, học thêm một ngành nữa sẽ giúp bạn gây được ấn tượng khi xin việc, nộp đơn vào cao học, hay ứng cử cho các giải thưởng và học bổng. Và mặc dù nhiều người cho rằng học thêm một ngành nào đó sẽ tốn thời gian kinh khủng, tin tốt lành đó là: điều đó không đúng đâu.

Học thêm một lĩnh vực nào đó không có nghĩa là bạn cần phải học nhiều môn hơn bình thường. Giả sử bạn đã học một chuyên ngành, và trong một kỳ học thông thường bạn học năm môn: hai môn của chuyên ngành, và ba môn bất kỳ nào đó. Và nếu bạn học thêm một ngành phụ, hãy nghĩ xem, trong một kỳ bạn cũng chỉ học 5 môn. Chỉ khác ở chỗ bạn đổi một môn bất kỳ thành một môn chuyên ngành phụ. Điều này thật đơn giản! Thực sự môn học tùy chọn và môn học bắt buộc của chuyên ngành thứ hai hay ngành phụ về bản chất không khác nhau chút nào. Chúng đều là các môn học, chúng có số tín chỉ như nhau, chúng đều khiến bạn hứng thú, và chúng buộc bạn hoàn thành khối lượng công việc tương đương. Trái lại, đó chỉ là một cách để tập trung quyết định của bạn về các lớp học bạn muốn đăng ký tham gia. Và tập trung là rất tốt. Nó sẽ nhắc nhở bạn và những người khác rằng, bạn là một sinh viên nghiêm túc với những mối quan tâm thực sự.

Bí quyết để học thêm một chuyên ngành nào đó mà không vất vả là: lên kế hoạch sớm và tỉ mỉ. Ngay khi bạn quyết định chuyên ngành thứ hai của mình, hãy bỏ ra một buổi tối để tìm hiểu những yêu cầu và các môn học cụ thể. Viết ra kế hoạch rõ ràng về những môn học bạn sẽ đăng ký và thời điểm tham gia những lớp học này. Mỗi khi lựa chọn lớp học vào đầu kỳ, bạn chỉ cần làm theo kế hoạch. Đó là tất cả những gì bạn phải làm.

Mặt khác, nếu bạn đang ở những năm cuối trong trường đại học, vẫn chưa hẳn mất hết hy vọng đâu. Rất nhiều sinh viên gần như hoàn thành các môn học của chuyên ngành thứ hai mà không mệt mỏi. Hãy xem bảng điểm của mình. Có lĩnh vực nào mà bạn đã học nhiều môn bên cạnh các môn chuyên ngành không? Đối với hầu hết sinh viên, câu trả lời là có. Có sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh nhưng lại sở hữu khá nhiều tín chỉ tiếng Pháp do tham dự một kỳ học ở nước ngoài, một sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính theo học nhiều môn thuộc ngành Lịch sử trong suốt hai năm nay, hay một sinh viên kỹ thuật lại tham dự nhiều hội thảo về tâm lý học. Đối với các nhóm môn phụ trong bảng điểm, hãy xem xem bạn cần bao nhiêu tín chỉ nữa để hoàn thành một ngành phụ hoặc một chuyên ngành thứ hai. Kết quả của việc này thường khá bất ngờ. Đối với một sinh viên năm thứ ba hoặc đầu năm thứ tư, việc nhận ra rằng mình chỉ cần học thêm hai hay ba môn để hoàn thành một chuyên ngành nữa mà mình vốn không định theo đuổi là hoàn toàn bình thường.

Nếu bạn dự định theo học một lượng vừa vừa trong suốt bốn năm, thì dù bạn quyết định theo đuổi ngành nào đi chăng nữa, bạn cũng sẽ rất thiếu tập trung trong trải nghiệm học tập của mình. Thay vì học những môn học tự chọn dễ ợt, những sinh viên thành công thường tận dụng tối đa các trải nghiệm ở trường. Vì vậy, hãy học thêm một chuyên ngành hoặc ngành phụ để tối đa hóa những thành công của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.