Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang
Chương 04 (Phần 1)
Rất lâu, công trình của Huyền Minh để phanh phui bí mật của Đan Thanh vẫn không kết quả. Rất lâu, chàng đã cố dường như vô vọng đánh thức cậu, dạy cho cậu ngôn ngữ mà với ngôn ngữ ấy, sự bí mật có thể phát lộ.
Từ những gì đã cho biết về gốc tích và quê hương của cậu lúc ấu thời, chàng không thấy được một hình ảnh nào cả. Chàng đang đứng trước một người cha mà bóng dáng đã lu mờ, đường nét không rõ rệt, nhưng đứa trẻ lại kính trọng, và chuyện hoang đường về một người mẹ đã biến mất hay chết từ lâu, và bây giờ chỉ còn là một cái tên không có gì nổi bật. Vốn khéo léo đọc được tâm hồn người, Huyền Minh dần dần nhận chân rằng bạn chàng thuộc vào hạng người bị mất đi một phần dĩ vãng, hạng người mà, dưới áp lực của một sự ép uổng, một sự thư ếm nào đó, đã đành phải quên đi một đoạn đời quá khứ. Chàng hiểu rằng trong trường hợp như thế, những câu hỏi thông thường hay những khích lệ thông thường sẽ vô hiệu. Chàng cũng thấy chàng cũng đã quá tin tưởng vào năng lực của lý trí và nói quá nhiều để không được lợi ích gì.
Nhưng điều không vô ích ấy là tình yêu mến đã liên kết chàng với bạn và thói quen của đời sống chung. Mặc dù bản tính họ có tất cả những dị biệt sâu xa, cả hai đã học được nhiều điểm của nhau. Giữa họ, ngoài ngôn ngữ của lý trí dần dần thành hình của một thứ tiếng nói của tâm linh, một ngôn ngữ bằng ký hiệu, cũng như giữa hai bộ lạc có một con đường cho xe ngựa chạy, nhưng bên cạnh còn chằng chịt nhiều đường nhỏ, đường tắt, đường quanh, những con đường cho trẻ nhỏ, những con đường cho những đôi tình nhân, những con đường chỉ chó và mèo thấy được.
Trí tưởng của Đan Thanh đã dần dần tìm cách len lỏi theo những con đường thần kỳ vào trong tâm hồn và ngôn ngữ của bạn, và Huyền Minh, về phần chàng, cũng đã học dần cách hiểu và cảm không cần lời, những lối nhìn và tư thái của Đan Thanh. Dần dà dưới ánh sáng của tình yêu những mối liên lạc mới được thiết lập từ tâm sang tâm, mà những danh từ chỉ đến sau. Bởi thế, vào một ngày nghỉ, một cuộc đàm thoại đã diễn biến trong thư viện giữa đôi bạn, một cuộc đàm thoại đã làm họ đi vào trọng tâm của tình bằng hữu đã mở bày cho họ thấy ý nghĩa của tình bạn ấy, và phóng chiếu ra xa những tia sáng mới.
Họ đã nói về chiêm tinh học, một môn không còn lưu hành ở tu viện và bị cấm. Huyền Minh đã giải thích rằng chiêm tinh học là một nỗ lực sắp đặt thành hệ thống muôn ngàn tính khí của con người đồng thời với số phận và định mệnh của họ. Khi ấy Đan Thanh ngắt lời:
-Anh bao giờ cũng nói đến những dị biệt, em đã nhận chân rằng cuối cùng đây là điều đặc biệt nhất của anh. Khi anh nói về sự dị biệt lớn lao giữa anh và em chẳng hạn, em luôn luôn cảm tưởng rằng dị biệt ấy không ở chỗ nào khác hơn là ở chỗ anh cứ khăng khăng một cách kỳ quái vào việc đi tìm những dị biệt ở khắp nơi.
Huyền Minh:
-Dĩ nhiên em đúng. Những khác biệt đối với em quả thật không quan trọng, nhưng đối với tôi, đây là điều quan trọng nhất. Bằng tất cả con người tôi, tôi là một trí giả, phần số của tôi chính là học thuật. Và học thuật ấy, để nói với em không có gì khác hơn là khăng khăng tìm ra những dị biệt. Người ta không thể định nghĩa bản chất nó cách nào tốt hơn. Với chúng tôi, những người của tri thức, không có gì quan trọng hơn là thiết lập những dị biệt: khoa học chính là nghệ thuật về những dị biệt. Như thế, khám phá ra nơi mỗi người những tính chất phân biệt họ với những người khác, chính là học cách biết rõ người ấy.
Đan Thanh:
-A! Phải. Người này mang đôi guốc nhà quê: đấy là một nông dân; người đội một vương miện, đấy là một vì vua. Đấy dĩ nhiên là những dị biệt, nhưng chúng đều vừa tầm của một đứa trẻ, không cần đến tất cả học thuật của anh.
Huyền Minh:
-Nhưng khi ông vua và người nông dân cùng mặc một thứ áo , thì đứa trẻ không thể phân biệt được nữa.
Đan Thanh:
-Học thuật cũng không phân biệt được.
Huyền Minh:
-Thế mà có lẽ được, Khoa Học không khôn ngoan gì hơn đứa trẻ, ta phải công nhận, nhưng kiên nhẫn hơn. Khoa học không chỉ chú ý riêng những tính cách nổi bật nhất.
Đan Thanh:
-Thì một đứa trẻ thông minh cũng thế. Nó nhận biết ông vua nhờ tia nhìn hay dáng đi của ông ta. Tóm lại, những người trí thức như anh, các anh đều kiêu ngạo, các anh luôn luôn nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều ngu đần hơn. Người ta có thể rất thông minh mà không cần học thuật giúp sức.
Huyền Minh:
-Tôi sung sướng thấy em bắt đầu nhận ra điều ấy. Không lâu nữa em sẽ thấy rằng, khi tôi nói về dị biệt giữa em và tôi, tôi không nghĩ đến trí thông minh. Tôi không bảo rằng em thông minh hay ngu đần hơn, tốt hơn hay xấu hơn: tôi chỉ nói rằng em khác tôi.
Đan Thanh:
Chuyện đó dễ hiểu. Nhưng anh không chỉ nói về dị biệt giữa những cá tính, mà anh còn ám chỉ đến những dị biệt trong định mệnh, trong số phận dành cho chúng ta. Tại sao anh lại có một phần số khác em? Anh cũng là tín đồ Kitô giáo như em. Anh cũng như em, quyết định sống đời tu sĩ. Anh cũng như em là một đứa con của đấng Cha cao cả của chúng ta. Mục đích chung cho cả hai chúng ta cùng là một cõi: hạnh phúc về với Thiên Chúa.
Huyền Minh:
Tốt lắm, trong giáo lý cương yếu thì người này cũng như người kia, quả thế, nhưng không phải trong cuộc đời. Người đồ đệ tựa đầu trên ngực đấng Cứu Thế và người đồ đệ phản Chúa, cả hai người ấy đối với tôi dường như không cùng chung một số phận.
Đan Thanh:
Anh là một nhà ngụy biện, Huyền Minh. Không phải theo con đường đó mà chúng ta sẽ đến gần nhau đâu.
Huyền Minh:
-Không có con đường nào theo đó chúng ta có thể lại gần nhau được.
Đan Thanh:
-Anh đừng nói thế!
Huyền Minh:
Tôi nói thế cũng như tôi nghĩ thế. Chúng ta không cần phải tiến gần nhau hơn như là mặt trời và mặt trăng, đại dương và lục địa. Hai chúng ta, bạn ơi, chúng ta là mặt trời và mặt trăng, biển và đất. Mục đích chúng ta không phải là tan hòa vào nhau, mà là tìm thấy ở nhau nguyên tính của chúng ta và học cách nhìn thấy và tôn trọng những gì đích thực của mình: cái ngược lại và bổ túc cho bạn.
Đan Thanh nín lặng sững sờ, cúi gầm xuống. Nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt cậu. Cuối cùng cậu nói lên:
-Có phải vì thế mà anh vẫn thường không xem ra gì những ý tưởng của em không?
Huyền Minh do dự một lúc không đáp, đoạn chàng nói bằng một giọng rõ ràng và cứng rắn:
Chính thế. Đan Thanh thân mến, em phải quen với điều ấy vì tôi chỉ chú tâm đến con người của em mà thôi. Em hãy tin đi, tôi chú ý từng giọng nói của em, từng dáng điệu, từng nụ cười của em. Nhưng những ý tưởng của em, tôi ít chú tâm bằng. Tôi chỉ chú tâm đến con người của em mà thôi. Em hãy tin đi, tôi chú tâm ở em những điều mà tôi xem là cốt tủy và cần thiết. Tại sao em lại muốn rằng chính những ý tưởng của em tôi cần phải xem xét kỹ, trong khi em có bao nhiêu năng khiếu khác?
Đan Thanh mỉm một nụ cười chua chát:
-Em đã nói không sai, anh vẫn luôn luôn xem em là một đứa trẻ.
Huyền Minh không nao núng:
-Tôi xem một phần tư tưởng của em là trẻ con. Ban nãy chúng ta đã bảo em còn nhớ không, rằng một đứa trẻ với tri thức của nó tuyệt nhiên không thua gì một nhà bác học. Nhưng khi đứa trẻ ấy muốn lên tiếng về khoa học thì nhà bác học sẽ không chú trọng đến nó lắm.
Đan Thanh hăng hái trả lời:
-Anh còn chế nhạo em khi chúng ta không nói gì về khoa học. Cứ thế anh luôn luôn làm như tất cả sự sùng tín của em, tất cả nỗ lực của em để tiến bộ trong việc học, tất cả sự khao khát sống đời tu sĩ của em chỉ là những trò con trẻ.
Huyền Minh nhìn cậu bằng một dáng điệu nghiêm trọng:
-Tôi chú trọng đến em khi em là Đan Thanh, nhưng em không luôn luôn là thế. ước ao tha thiết nhất của tôi là làm sao cho em hoàn toàn là Đan Thanh. Em không phải là một nhà thông thái, em không phải là một thầy tu. Một nhà thông thái và một thầy tu được chế tạo bằng một chất gỗ rẻ tiền lắm. Em cứ tưởng rằng đối với tôi, em có quá ít kiến thức, quá ít luận hoặc sự sùng tín của em không đủ nhiệt tình. Nhưng không! Em chỉ quá ít là em!
Mặc dù sau cuộc đàm luận, Đan Thanh trở về đầy hoang mang và lại còn bị thương tổn, vài ngày sau cậu lại tỏ ý muốn tiếp tục. Lần này Huyền Minh thành công trong sự trình bày cho cậu thấy những dị biệt giữa hai người, một hình ảnh vừa trình độ của Đan Thanh khiến cậu dễ dàng chấp nhận hơn.
Huyền Minh đã hăng tiết trong cuộc thảo luận để vạch rõ cho bạn thấy. Chàng cảm thấy rằng hôm nay Đan Thanh cởi mở hơn trước những lời lẽ của chàng và sẵn sàng đón nhận. Chàng nhận ra rằng chàng đã thắng. Chàng tự để mình bị lôi cuốn bởi sự thành công này và nói nhiều hơn đã định. Chàng để những lời mình tự do tuôn chảy.
-Em thấy chứ – chàng nói – chỉ có một điểm tôi hơn em. Tôi có đôi mắt mở lớn trong khi em chỉ nửa mê nửa tỉnh, hoặc đôi khi em ngủ hoàn toàn. Tôi gọi một người hoàn toàn thức tỉnh khi họ tự biết rõ mình bằng tất cả ý thức lý trí họ, biết rõ mình với tất cả những sức mạnh và nhược điểm thầm kín lọt ra ngoài hiểu biết của lý trí, biết đối trị với chúng. Em có học được điều ấy thì sự gặp gỡ của chúng ta mới đem lại cho em một ý nghĩa. Nơi em, Đan Thanh, thiên tính và ý nghĩ, thế giới ý thức và thế giới mộng mị bị chia cách bởi một hố sâu. Em đã quên tuổi hoa niên của em. Tự đáy sâu của hồn em tuổi thơ ấy đang cố chiếm lại em bằng được. Nó sẽ làm cho em đau khổ cho tới khi em nghe theo tiếng gọi của nó. Chỉ cần có thế! Như tôi đã bảo em, tôi tỉnh thức hơn em nhiều, về điểm đó tôi vượt xa em nhiều lắm và chính vì thế tôi có thể giúp em. về mọi thứ còn lại, Đan Thanh yêu dấu, chắc chắn là em vượt xa tôi. Hay đúng hơn em sẽ vượt xa tôi một khi em đã tìm được chính em.
Đan Thanh đã lắng nghe với sự ngạc nhiên, nhưng đến đoạn “em đã quên tuổi hoa niên”, cậu giật bắn người như bị trúng một mũi tên, nhưng Huyền Minh không nhận thấy vì như thói quen, chàng vẫn hạ đôi mắt hay nhìn thẳng đằng trước mỗi khi nói. Chàng không để ý rằng mặt Đan Thanh bỗng nhiên nhíu lại và bắt đầu tái nhợt.
Vượt hơn anh! Em! Cậu lắp bắp chỉ để nói cho có chuyện. Và nét mặt cậu rắn lại.
Dĩ nhiên – Huyền Minh nói tiếp – những thiên tư như của em, những người được thiên phú những cảm quan tinh tế, những người có tâm hồn, những thi nhân, những người mà đối với họ tất cả cuộc sống là tình yêu – những người ấy hầu như luôn luôn cao hơn chúng tôi, những kẻ có tri thức thắng lướt. Từ nguồn gốc em, em ở về phía người mẹ. Em sống trong sung mãn của bản thể. Sức mạnh tình yêu, khả năng sống hết mọi sự một cách nồng nhiệt là phần số của em. Còn chúng tôi, những người của tri thức mặc dù chúng tôi thường có vẻ như điều khiển các em, chúng tôi không sống trong toàn vẹn của bản thể, chúng tôi sống trong những cái trừu tượng.
Phần của em là sự sống tròn đầy mật ngọt hoa trái, phần của em ngôi vườn tình yêu, xứ sở diễm kiều của Nghệ Thuật. Em đang ở quê hương em trên mặt đất, tôi lạc loài trong thế giới tâm tư. Em dễ gặp mối nguy đắm chìm trong nhục cảm, tôi dễ chết ngạt giữa hư vô. Em là nghệ sĩ, tôi người tư duy. Em ngủ mê trên lòng mẹ, tôi tỉnh thức trong sa mạc.
Cho tôi là vừng dương soi chiếu cho em là lấp lánh trăng sao. Giấc mơ của em là bóng hồng thấp thoáng, giấc mơ của tôi là những cậu học trò…
Đan Thanh mở mắt lớn lắng nghe Huyền Minh mải miết nói gần như say sưa trong ý lời. Hơn một lời nói kia đã chạm đến cậu như một làn gươm. Những lời cuối cùng làm cậu tái nhợt, cậu nhắm nghiền mắt. Khi Huyền Minh trông thấy và lo ngại đặt những câu hỏi, cậu liền trả lời, bơ phờ, giọng nói tắt nghẹn:
Em đã có một lần suy sụp trước mặt anh, và không ngăn được cho khỏi khóc, anh còn nhớ chứ? Chuyện ấy không thể lặp lại lần nữa. Em sẽ không bao giờ tự tha thứ chuyện ấy, em cũng không tha thứ cho anh, cả anh nữa. Hãy đi ngay đi và để em một mình. Anh đã nói với em những điều ghê gớm!
Huyền Minh vô cùng xúc cảm. Chàng đã để mình nói quá đà. Chàng có cảm tưởng đã nói hay hơn thường lệ. Bây giờ với một sự kinh ngạc sâu xa chàng nhận ra rằng một lời nói đó của chàng đã động chạm mạnh đến một phần nào đó trong tâm khảm bạn. Chàng thấy khổ tâm để bạn một mình trong một lúc như thế, và chàng do dự vài giây. Vừng trán nhíu lại của Đan Thanh cho chàng biết ý muốn quyết liệt của cậu và chàng bỏ đi, vô cùng bối rối vì phải để bạn lại với niềm cô đơn mà bạn đang cần.
Lần này sự kích thích tột độ trong tâm hồn Đan Thanh không được trút bỏ bằng nước mắt. Ý thức rằng cậu đã bị một vết thương sâu xa và khó hàn gắn, như thể bạn đã thình lình đâm một mũi dao vào ngực mình, Đan Thanh dừng lại, thở rất mệt nhọc, tim nhói đau cùng độ, mặt trắng bệch, bàn tay mất hết cảm giác. Lần này lại cũng là nỗi khổ đau như lần trước, chỉ mãnh liệt hơn đôi phần. Lần này cậu lại cảm thấy nghẹt thở, bị bắt buộc phải nhìn tận mặt một cảnh tượng ghê gớm, một cái gì tuyệt đối không thể chịu được. Nhưng lần này trận khóc nức nở giải thoát đã không đến giúp cậu qua khỏi cơn biến. Lạy Thánh Mẫu Đồng Trinh! Thế thì cái gì đây? Có phải người ta đã bóp cổ mình? Mình đã bị giết? Những lời ghê gớm nào đã được thốt nên kia?
Cậu hổn hển thở ra. Như người bị ngộ độc, Đan Thanh đầy ứ một cảm giác phải trút bỏ một cái gì tử nguy đã thấm sâu vào người cậu. Với những cử động như đang bơi, cậu chạy vội ra khỏi phòng và chạy trốn một cách vô ý thức, vào những góc lặng lẽ nhất, tịch liêu nhất của tu viện, qua những hành lang và bực cấp, ra giữa trời rộng, giữa khoảng không. Cậu đã đến nơi trú ẩn sâu kín nhất của tu viện, ở chỗ đi dạo, trên những luống cây xanh lục mặt trời chiếu ánh chói lọi, qua không trung nơi mà những tảng đá còn giữ vẻ tươi mát, nơi mà hương hồng thoang thoảng dịu và mơ hồ.
Không hồ nghi gì nữa, Huyền Minh biết chàng vừa làm những gì chàng đã định từ lâu. Chàng đã gọi tên con quỷ đã ám bạn chàng; chàng đã nắm được đầu nó. Bị đánh thức bởi một lời nào đó của Huyền Minh, bí mật đã lồng lên, gây nên một cơn đau đớn mãnh liệt. Rất lâu Huyền Minh lang thang trong tu viện tìm bạn, nhưng chàng không thấy bạn đâu.
Đan Thanh đang đứng dưới một trong những vòm cung bán nguyệt dẫn từ chỗ đi dạo đến khu vườn nhỏ. Từ trên mỗi chiếc cột chống khum vòm, ba chiếc đầu thú vật, những đầu chó hay sói bằng đá, cúi xuống nhìn cậu với những đôi mắt tròn. Mối khổ đau làm cậu tiều tụy một cách khủng khiếp, cậu cố gắng vô vọng để tự mở một con đường hướng về ánh sáng, về lý trí. Khi nhìn một cách máy móc phía trên đầu, cậu thấy một trong những đỉnh cột với ba chiếc đầu súc vật, và lập tức có cảm giác rằng ba con vật ấy đã vào trong cậu, trong ruột gan cậu, vừa sủa vừa long lanh những đôi mắt hung dữ.
Mình sắp chết, cậu cảm thấy, và vô cùng kinh hãi. Và liền sau đó, run rẩy hoảng hốt, cậu tự nhủ: “Thế là ta mất hết óc não, ba họng súc vật đã cấu xé ta.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.