Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang
Chương 11 (Phần 2)
Những năm gần đây, Đan Thanh đã mất dần nét duyên dáng niên thiếu, vẻ trai trẻ đã được nhiều người ưa thích, chàng trở nên một người đàn ông mạnh khỏe, đẹp trai, được nhiều phụ nữ thèm muốn, nhưng ít thiện cảm với nam giới.. Từ ngày Huyền Minh đánh thức chàng giữa cơn ngủ say hạnh phúc trong thời gian ở tu viện, ý nghĩ và tâm tư chàng biến chuyển rõ rệt. Tình đời và nếp sống phiêu linh đã uốn nắn chàng. Từ một cậu học sinh tuấn tú, dễ thương, mộ đạo, nhiều ý chí trong tu viện, một con người khác vừa nảy sinh. Nếu Huyền Minh đã thức tỉnh chàng, thì đàn bà và nếp sống lang thang đã làm chàng hiểu biết mùi đời. Chàng không có bạn, tim chàng chỉ dành riêng cho phái yếu. Đàn bà chiến thắng chàng dễ dàng, chỉ cần họ liếc nhìn thèm khát. Rất khó mà cự tuyệt các nàng. Với thị hiếu ưa đẹp, tuy biết chọn những thiếu nữ mơn mởn đào tơ, chàng vẫn không bỏ qua những bà tuổi xế chiều, đẹp dưới mức trung bình. Trên sàn nhảy, đôi lúc chàng đã kết thúc với một thiếu phụ trọng tuổi mà ai cũng chê vì chàng tội nghiệp và hiếu kỳ. Ngay lúc chàng lăn xả vào tình yêu với một nàng nào, dù kéo dài cả tuần hoặc chỉ trong vài giờ, nàng ta trở nên đẹp không tả, và chàng cho nàng thật hết mình. Với kinh nghiệm chàng biết rằng bất cứ người đàn bà nào cũng đẹp và cũng có thể mang đến lạc thú. Một người tầm thường có thể là lửa tình tuyệt vời dâng hiến, càng lớn tuổi họ âu yếm càng đậm đà như người mẹ, họ là nuối tiếc ngọt ngào êm mát, mỗi người đàn bà có một bí ẩn. một mê lực riêng biệt, và khai mở được là nguồn vui đến với chàng. Trong tương quan trên mọi người đàn bà đều không khác nhau. Thiếu tươi trẻ hoặc kém sắc diện sẽ được bù đắp bằng những động tác kỳ thú. Nhưng không phải người nào cũng đều giữ được chàng lâu. Chàng chỉ biết yêu thương và biết ơn không phân biệt xấu, trẻ hoặc đẹp, không bao giờ chàng yêu đương nửa chừng. Có người càng quấn quít chàng hơn sau ba hoặc mười ngày, có người ngay đêm đầu tận hưởng đã quên đi.
Duy có ân ái và khoái cảm mới là sự thật êm đềm nhất mang ý nghĩa đến cho cuộc đời. Chàng không có tham vọng, không phân biệt vị giám mục với kẻ ăn xin. Tạo ra và chiếm hữu của cải không đất đứng trong đời chàng, chàng khinh rẻ chúng. Một hy sinh nhỏ nhoi cho tiền của chàng cũng từ chối; chàng kiếm được khá tiền nhưng đối với chàng chỉ là con số không. Đàn bà và trò chơi dục tình đứng hàng đầu, trong cuộc đời chàng, kinh nghiệm trong dục lạc đã nhiều lần đưa chàng vào nổi buồn nhờm gớm vì nhận rõ tính mong manh vô thường. Ngọn lửa khoái lạc thèm khát rất ngắn ngủi, bốc lên thật nhanh rồi tàn lụn mau chóng, chàng tưởng đó là nhân tố của mọi kinh nghiệm sống nhưng sự thật chỉ là hình ảnh vui, khổ của cuộc đời. Rùng mình trước đổi thay, chàng tự buông thả trôi lăn vào nỗi buồn giống như lúc chàng đi sâu vào cuộc tình. Nỗi buồn cũng là một hình thái của tình yêu, dục vọng. Trạng thái ngây ngất trên đỉnh hạnh phúc căng phồng chắc chắn phải tan loãng và mất hút ngay hơi thở sắp tới. Sau khi trôi lăn vào nỗi buồn, vào niềm cô đơn vô tận, dục lạc sẽ đột khởi trở lại trong sự buông thả mới theo bến bờ rực sáng của dòng đời. Lịm chết và say ngất là một, người mẹ của cuộc đời còn có tên là ái tình, dục vọng, là thần chết, mộ huyệt hoặc đồi trụy, Eva là Mẹ. Nàng là suối nguồn hạnh phúc, là suối nguồn tử vong; muôn đời nàng ban bố sự sống, muôn đời nàng hủy diệt, tình yêu của nàng bốc lửa song song với ác tính. Hình ảnh nàng ấp ủ lâu dài trong Đan Thanh sẽ biến thành ngụ ngôn, trở nên biểu tượng thiêng liêng của chàng.
Không phải bằng ngôn ngữ hoặc tri giác, mà chính bằng nhận thức từ bên trong mạch máu luân lưu mà Đan Thanh rõ biết con đường của chàng sẽ dẫn đến người Mẹ, đến khoái lạc và sự chết. Khuôn mặt người cha trong cuộc đời, biểu trưng của tâm linh và ý chí, không phải là nơi để chàng an trú. Nơi ấy đã dành cho Huyền Minh, và đến bây giờ chàng mới thấu hiểu và thấm thía lời nói của chàng. Qua Huyền Minh chàng đã nhận rõ bản chất của mình và tâm thái mâu thuẫn giữa hai người sẽ được chàng biểu lộ vào pho tượng Thánh Gioan. Chàng có thể khóc thật lâu vì Huyền Minh, nghĩ đến bạn với bao giấc mơ tuyệt diệu, nhưng tầm tay chàng không thể với tới bạn, chàng không thể là bạn được.
Đan Thanh cũng nhìn thấy khuynh hướng nghệ sĩ nơi Huyền Minh, y vừa ái mộ vừa oán ghét nghệ thuật. Không do suy nghĩ mà chính bằng cảm xúc, Đan Thanh có thể phân biệt rõ rệt nghệ thuật chính là sự kết hợp của thế giới người cha và thế giới người mẹ, giữa linh hồn và máu thịt. Nhục thể vật chất ban đầu sẽ dẫn đến ý niệm trừu tượng hoặc ngược lại. Tác phẩm nghệ thuật thực sự cao đẹp không phải chỉ do tài khéo mà còn bao trùm bí ẩn muôn thuở như pho tượng Đức Mẹ, một khuôn mặt vừa âu sầu vừa tươi cười, biểu lộ nam và nữ tính, một sự hòa lẫn của bản năng trong lý trí. Một ngày kia, nếu chàng thành công, khuôn mặt người Mẹ Eva sẽ mang cả hai sắc thái ấy.
Theo quan điểm của Đan Thanh, nghệ thuật có thể hòa hợp những mâu thuẫn sâu đậm nhất, hoặc ít nhất cũng thể hiện mới lạ và tuyệt diệu hơn bản chất đối nghịch của chàng. Nhưng nghệ thuật không chỉ là thiên khiếu, không mang tính cách cho không, giá trị của nghệ thuật cao hơn và đòi hỏi phải hy sinh. Hơn ba năm nay, Đan Thanh đã hy sinh nhu cầu khẩn thiết nhất của chàng sau dục lạc, đó là tự do. Chàng đã từ bỏ tất cả nếp sống tự do, trôi nổi khắp nơi, lang thang bất kể, sống cô đơn và độc lập. Khi chàng bỏ mặc công việc với xưởng làm để sống phóng túng triệt để, nhiều người phê phán chàng là bất thường, vô kỷ luật, tùy tiện. Đối với chàng cuộc sống như thế là nô lệ, chàng nổi xung đến mức không chịu nổi. Chưa bao giờ tương lai của chàng bắt chàng phải tuân phục, chỉ có nghệ thuật. Nghệ thuật tuy là vị nữ thần vô hình nhưng đòi hỏi biết bao điều nhỏ nhặt. Ai cũng cần có một mái nhà, dụng cụ, gỗ, thạch cao, phẩm màu, vàng, nỗ lực và kiên trì. Chàng đã hy sinh cho nghệ thuật cái tự do hoang liêu giữa núi rừng, sự say mê khung trời bao la, niềm vui thô bạo trong hiểm nguy, lòng tự phụ vì đói khát và chàng còn phải cắn răng tiếp tục hy sinh thêm nữa.
Một phần những hy sinh trên được đền bù. Vài chuyện tình phiêu lưu, đánh nhau với tình địch là những trận phục thù nho nhỏ đối với cuộc sống hiện tại nô lệ, cố định và trật tự. Cá tính hoang dại càng bị giam hãm khóa kín càng thoát nhanh như làn hơi bốc khỏi chiếc van an toàn, chàng trở thành nổi tiếng và đáng sợ vì tài đánh lộn. Bị tấn công đột ngột trong con hẻm tối, trên đường tìm gái hoặc trở về từ tiệm nhảy, bị nện cho vài gậy, nhanh như chớp từ thế thủ chàng chuyển sang thế công, đè chặt kẻ thù đang thở hổn hển, tống một cú đấm dưới cằm hắn, níu tóc hoặc chẹn cổ hắn. Đan Thanh thích thú vì cá tính man dại của chàng được thỏa mãn trong chốc lát. Và đàn bà họ cũng thích xem.
Những việc trên đã lấp bớt khoảng trống và làm chàng tiêu khiển suốt thời gian dài tạc tượng Thánh Gioan. Chàng rất chú trọng vào những mài dũa tinh vi cuối cùng trên gương mặt và hai bàn tay. Vào một buổi sáng, chàng đã hoàn thành bức tượng trong cái chái bằng gỗ phía sau xưởng của người phụ tá. Chàng tìm cái chổi quét thật sạch bóng, nhẹ nhàng chải hết mạt cưa trên tóc Thánh Gioan, và trầm ngâm trước bức tượng có lẽ một giờ hoặc lâu hơn, lòng dâng trào cảm giác trang nghiêm của một sự thử thách lớn lao hiếm có hơn một lần đã xảy đến trong đời chàng hoặc đây là lần duy nhất, chỉ một người trong ngày cưới hoặc ngày thụ phong tước vị, một bà mẹ vừa sinh đứa con đầu lòng mới xúc động như chàng hiện thời: lòng kính cẩn thâm ân và trang trọng song song với nỗi lo âu kín đáo vì phút giây rung cảm siêu thoát duy nhất sẽ trôi qua, bị xếp vào ngăn tủ thời gian để rồi rơi vào đĩ vãng.
Chàng đứng nhìn Huyền Minh, người dìu dắt chàng trong tuổi niên thiếu, gói kín trong chiếc áo thụng của người môn đệ khả ái và được ân sủng, gương mặt nổi bật vẻ yên lặng, dâng kính, tôn nghiêm và hé nở nụ cười. Trên khuôn mặt khôi ngô, mộ đạo và thánh thiện ấy phảng phất đôi nét đau khổ và chết chóc, hai tay dài vươn lên như tỏ lòng biết ơn và kính tín; tất cả như chan hòa tuổi trẻ trong nhạc điệu nội tại; sự thất vọng và nổi loạn hoàn toàn vắng bóng. Bên trong dáng dấp thanh nhã ấy, dù vui hoặc buồn, Huyền Minh vẫn cao vòi với tất cả sự tinh khiết và hòa điệu.
Đan Thanh đứng yên và lặng ngắm tác phẩm của mình. Chàng trầm tư trước kỳ công của tuổi trẻ và tình bạn, rồi rơi vào cơn bão phiền muộn, tâm tư trĩu nặng. Trong bức tượng này vị Thánh cao nhã kia sẽ tồn tại, nét tươi đẹp không bao giờ tàn. Nhưng đối với chàng người sáng tạo, người dự phần vào pho tượng, ngày mai chàng không còn ở đây nữa, sẽ không cần đến hai bàn tay này để tô điểm và diễn bày, không còn là nơi trú ẩn, niềm an ủi, một ý nghĩa cho cuộc đời chàng cũng không. Chàng không giữ lại chút gì, hoàn toàn trống rỗng. Có lẽ chàng nên từ biệt ngay ngày hôm nay, không những chỉ riêng bức tượng Thánh Gioan mà cả ông thầy, thành phố và nghệ thuật, ở đây không còn gì dành cho chàng nữa, không còn hình ảnh nào ấp ủ trong tim để chàng có thể điêu khắc nửa. Hình ảnh mà chàng thường ao ước, hình ảnh người mẹ của nhân loại đã xa rời khỏi tầm với, và còn rất lâu chàng mới bắt giữ được. Hay là chàng quay sang đẽo gọt những thiên thần bé nhỏ hoặc chọn khắc đồ vật trang hoàng?
Đan Thanh ngưng không nghĩ tiếp và bước sang xưởng làm việc của thầy: chàng rón rén đi vào khung cửa cho đến khi Không Lộ thấy và gọi chàng:
– Gì đấy Đan Thanh?
– Bức tượng của tôi đã xong. Nếu tiện xin thầy đến xem trước khi dùng bữa.
– Được rồi tôi đến ngay.
Cả hai cùng đi sang bên chái, cửa vẫn mở cho sáng. Từ lâu Không Lộ không theo dõi pho tượng, thầy để Đan Thanh làm việc một mình. Bây giờ thầy mới lặng ngắm thật tỉ mỉ. Khuôn mặt kín đáo của thầy trở nên rạng rỡ. Đan Thanh thấy đôi mắt nghiêm khắc của thầy vui hẳn lên.
– Đẹp lắm, thầy khen, đây là một tác phẩm của một người thợ phụ, Đan Thanh cậu đã học xong. Tôi sẽ giới thiệu bức tượng với hội đoàn và yêu cầu họ cấp cho cậu một chứng chỉ, cậu rất xứng đáng.
Đan Thanh không đánh giá hội đoàn cao lắm nhưng chàng hiểu rõ giá trị lời khen của thầy nên rất sung sướng.
Không Lộ bước chung quanh pho tượng, gật gù:
Bức tượng đầy nét thành kính và tươi sáng. Tuy uy nghi nhưng an vui. Người ta sẽ nghĩ rằng người được tạc tượng tấm lòng chỉ chứa đựng ánh sáng và niềm vui.
Đan Thanh mỉm cười:
– Thưa thầy tôi đã không miêu tả con người của tôi trong bức tượng này, đây chính là người bạn thân yêu nhất đời tôi. Chính bạn tôi đã mang ánh sáng và an bình đến chớ không phải tôi. Không phải tôi sáng tạo nên pho tượng mà chính bạn tôi đã thể nhập trong tôi.
– Có lẽ như vậy. Đấy là bí ẩn làm một nghệ phẩm trở nên sống động. Tôi không khiêm tốn lắm, nhưng tôi phải nói rằng tôi đã sáng tác nhiều nhưng tất cả đều phải đứng sau tuyệt tác của cậu, không phải thua vì kém mỹ thuật hoặc ít điêu luyện mà vì tính chất thật, và có lẽ cậu cũng đồng ý là những tác phẩm như thế không thể nào làm lại được. Đây là một bí ẩn.
– Vậy, Đan Thanh trả lời, khi bức tượng vừa xong, ngắm nhìn hồi lâu tôi có ý nghĩ là tôi không thể tạc được như vậy nữa và rồi tôi nghĩ tiếp: thưa thầy tôi sắp trở lại cuộc sống lang thang.
Kinh ngạc và tức giận, Không Lộ nhìn chàng đôi mắt trở nên nghiêm khắc:
– Ta sẽ nói chuyện này sau. Đối với cậu, công việc mới bắt đầu từ bây giờ. Không phải là lúc cậu chạy rong. Hôm nay cậu nghỉ làm và trưa nay mời cậu đến dùng cơm.
Đan Thanh trở lại giữa trưa với bộ cánh ngày chủ nhật trông bảnh bao và sạch sẽ, lần này chàng hiểu rõ ý nghĩa và vinh dự hiếm có khi được mời dự tiệc tại nhà thầy. Bước lên nấc thang vào căn phòng lớn chứa đầy ảnh tượng, tim chàng không còn dâng trào lòng tôn kính niềm vui pha lẫn lo ngại như lần đầu tiên chàng dừng bước tại gian phòng tráng lệ và yên tĩnh này.
Ly Phương đã mặc áo thật đẹp, cổ đeo xâu chuỗi ngọc. Trong bữa ăn ngoài cá chép và rượu vang, còn thêm một bất ngờ: thầy tặng chàng một túi da đựng hai nén vàng, tiền lương cho chàng hoàn thành bức tượng.
Lần này chàng không ngồi im để mặc hai cha con đối đáp. Cả hai đều nói chuyện với chàng và cùng uống mừng. Đôi mắt Đan Thanh không ngớt liếc nhìn. Chàng thừa dịp tìm tòi tách bạch vẻ đẹp cô gái, chàng phân biệt một gương mặt khỉnh khỉnh, đôi mắt không thể che giấu những điểm chàng yêu thích. Nàng thật dễ thương nhưng không biết e thẹn và cũng không thể kích thích nổi chàng, vì vậy chàng thất vọng. Một lần nữa chàng muốn bắt gương mặt bất động ấy thố lộ hết mọi bí ẩn.
Sau bữa ăn chàng cảm ơn thầy và Ly Phương, tần ngần giây lát trước các bức tượng trong phòng. Suốt bữa trưa đó, chàng thơ thẩn qua các phố như một người rảnh rang không mục đích. Chàng được thầy ban cho một vinh dự lớn ngoài mong đợi. Tại sao điều này không làm chàng vui sướng? Có phải những vinh dự kiểu trên đều không mang lại hân hoan?
Chàng mướn một con ngựa và phóng đến tu viện nơi mà chàng biết đến tên thầy qua bức tượng của ông đã tạc. mới có mấy năm mà chàng tưởng như xa lắm. Chàng đến viếng pho tượng Đức Mẹ đã từng chinh phục và làm chàng say mê. Đẹp hơn tượng Thánh Gioan. Cùng một vẻ sâu kín và bí ẩn nhưng nổi bật hơn, tinh xảo và thanh thoát hơn. Bây giờ chàng mới nhận thấy được những chi tiết trong tác phẩm mà chỉ người nghệ sĩ mới nhìn ra, tà áo lay động rất tinh tế và thướt tha, đường nét táo bạo cấu tạo bàn tay với các ngón thon dài; những thớ gỗ đã được vận dụng với nguồn cảm hứng. Những nét đẹp chi tiết ấy không thể so sánh với vẻ đẹp toàn thể được, vì cái nhìn của người nghệ sĩ tuy đơn giản nhưng sâu sắc. những nét đẹp mà người dù được ân phước phải rành nghề mới tạc được. Muốn sáng tạo một tác phẩm như vậy, ngoài thể nhập hình ảnh tận tâm khảm còn phải có tay và mắt thật điêu luyện. Có phải hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật, phải trả giá bằng sự tự do, kinh nghiệm lớn lao, chỉ để một lần trong đời sáng tạo được một nghệ phẩm đẹp, một nghệ phẩm không những được đưa vào nhãn thức bằng tình thương mà còn được chú mục đến những đường nét nhỏ với tất cả mỹ thuật. Đây là một vấn đề trọng đại.
Đêm đã khuya, Đan Thanh trở về thành phố trên lưng con ngựa mệt nhoài. Một quán ăn còn mở cửa, chàng vào dùng bánh mì và rượu. Rồi chàng lên phòng trọ trong khu chợ cá, không tìm thấy an bình, chỉ có muôn vàn thắc mắc và nghi vấn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.