Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 09 (Phần 1)



Trong những cuộc cưỡi ngựa, Đan Thanh đã làm quen được vùng đất đó; chàng biết, vượt qua cánh đồng băng giá kia sẽ có một vựa lúa của người quý tộc già, xa hơn nữa, thì đến một khu trại chàng quen biết; chàng có thể nghỉ chân và ngủ đêm một trong hai nơi đó, ngày mai sẽ tính sau. Dần dần Đan Thanh lại bị thu hút bởi không khí tự do và khung cảnh xa lạ mà trong một thời gian dài chàng đã lãng quên, vẻ thu hút ấy, có một vị đắng cay, vào một ngày đông quạu quọ và băng giá này, nó có một mùi gay gắt của khốn đốn, đói khát và buồn thảm; tuy nhiên sau những ngày sống dễ dãi, bị phiền nhiễu, nay lại được nhìn sự vĩ đại vô bờ của thiên nhiên, cả sự gan lì và rắn rỏi, Đan Thanh có một cảm giác bình lặng gần như an ủi.

Đan Thanh mệt vì đi bộ. Thế là từ đây hết cưỡi ngựa, chàng thầm nhủ khi nghĩ đến thế giới bao la. Tuyết rơi thưa thớt xa xa, chóp rừng mất hút vào đám mây xám. Yên lặng mênh mang, cùng khắp. Cái gì sẽ đến với Liên Đài, với con tim khốn khổ và ưu tư của người con gái ấy? Vừa nghĩ đến, chàng thấy đau đớn chua cay. những ý nghĩ êm ái về người yêu đã đến với chàng khi chàng một mình ngồi dưới gốc cây trần bì, cô đơn giữa một cánh đồng biệt lập. Về sau, cơn lạnh đã kéo Đan Thanh lên đường; chàng đứng dậy đôi chân tê cóng, phải dần dần chàng mới lấy lại được dáng đi cũ. Ánh sáng của ngày trời xám hình như đang giảm dần cường độ. Đoạn đường dài băng qua những cánh đồng trụi lũi đã làm chàng tê cóng với bao ý nghĩ. Bây giờ điều phải làm, không phải là những ý kiến hay những tình cảm, dù đẹp, dù êm dịu đến đâu đi nữa, mà là phải giữ mình ấm, tìm một chỗ qua đêm trong một thời gian giới hạn, để thu mình như một loài bướm đêm hoặc một chú chồn trong cái thế giới lạnh lẽo, lãnh đạm này và cố sức giữ mình đừng ngã quỵ ngay giữa đồng – còn thì không có gì đáng kể nữa.

Bất chợt, Đan Thanh chăm chú nhìn về phía chân trời tai vẳng nghe tiếng vó ngựa. Có thể lắm, ai đang theo mình chăng? Chàng nắm lấy con dao trong túi và rút ra khỏi vỏ, một chiếc vỏ bằng gỗ. Người cưỡi ngựa vừa vào tầm mắt, chàng nhận ra con vật quen thuộc trong tàu ngựa nhà hai cô gái đang đi về phía chàng. Có trốn cũng mất công, chàng ngừng lại chờ đợi, không sợ hãi nhưng tò mò và nghe tim đập nhanh hơn, một ý nghĩ táo bạo dữ dội lướt nhanh: “Nếu ta giết được người cưỡi ngựa kia thì thật may mắn; ta sẽ có một con ngựa và thế giới chỉ còn nằm trong bàn tay.” Nhưng khi thấy rõ người cưỡi ngựa, thằng Hân, một đứa bé chăn ngựa có đôi mắt xanh trong suốt, khuôn mặt rụt rè trẻ nít, chàng không nín cười được, giết thằng bé hiền lành và trung hậu như thế người ta hẳn phải có một trái tim bằng đá. Chàng thân mật chào Hân, âu yếm chào luôn cả chú ngựa Nga Mi, con vật đã nhận ra chàng ngay, chàng vuốt ve cần cổ nóng và hâm hấp của nó.

– Mày đi đâu thế Hân?

– Đi kiếm cậu đây, thằng bé cười nhe hai hàm răng trắng toát, cậu đã đi bộ một đoạn thật phi thường! Tôi không dám làm trễ cậu, tôi chỉ đến gửi lời chào cậu và gửi cậu vật này.

– Ai gửi lời chào tao?

– Cô Liên Đài. Ồ này, cậu giáo, cậu làm chúng tôi điêu đứng suốt cả ngày hôm nay đấy, may mà tôi xoay xở cũng khá. Dù cho cụ chủ không biết tôi đã đi đưa tin cho cậu, cái đầu tôi cũng không chắc được ở yên trên cổ đâu. Nào cậu cầm lấy.

Thằng bé chìa ra một gói nhỏ và Đan Thanh nhận lấy.

Này Hân, trong túi mày còn một chút bánh nào không? Cho tao đi.

Bánh ư? Có lẽ còn một mẩu.

Thằng bé thọc tay lục lọi trong túi rồi lôi ra một miếng bánh mì đen. Xong nó dợm lên ngựa quay về. Đan Thanh vội hỏi:

Cô Liên Đài làm gì ở nhà? Chẳng gửi em gì nữa à? Một bức thư cũng không có sao?

Chẳng có gì cả. Tôi chỉ thấy cô có một lát, ở nhà đang có chuyện lộn xộn, cậu cũng biết, cụ chủ hầm hầm đi tới đi lui như một ông vua. Thôi tôi chỉ phải đưa gói đó cho cậu và chẳng còn gì nữa, tôi phải trở lại bây giờ.

– Này Hân, còn một phút nữa. Mày có thể để lại cho tao con dao rừng của mày không? Tao chỉ có một con dao nhỏ. Nếu có chó sói, có con dao của mày trong tay chắc chắn tốt hơn rồi đó.

Nhưng Hân không muốn biết, nó nói nó cũng buồn khi thấy cậu giáo xảy ra chuyện gì, nhưng con dao săn của nó, nó không thể cho, dù đổi lấy tiền hay vật gì cũng thế, dù thánh Geneviève hỏi xin nó cũng không cho. Vâng, bây giờ nó phải về gấp, nó rất tiếc về chuyện đó và chúc cậu được nhiều may mắn.

Cả hai bắt tay nhau rồi thằng bé lên ngựa, Đan Thanh dõi mắt trông theo, buồn bã. Rồi chàng mở gói, sung sướng thấy có sợi dây bằng da bê cột gói. Bên trong chàng thấy một chiếc áo len thật tốt màu xám, hẳn là công trình của Liên Đài để dành riêng cho chàng, lần trong áo chàng thấy có một vật cứng thì ra một miếng dăm bông và một đồng tiền vàng óng ánh nhét trong đó. Không một chữ viết. Đan Thanh đứng đó trong tuyết rơi với món quà tặng trên tay, không biết làm gì. Chàng cởi áo ngoài, choàng chiếc áo len vào mình và cảm thấy ấm áp dễ chịu. Vội vàng chàng khoác chiếc áo ngoài, cất đồng tiền vàng vào túi thật chắc chắn, thắt chặt dây lưng và tiếp tục con đường của mình, hướng về những cánh đồng tuyết. Đã đến chỗ trú chân, chàng thấy mình thật mệt, nhưng không muốn đến nhà bác nông phu, dù rằng sẽ được ấm và hy vọng có chút sữa. Chàng không muốn nói chuyện với ai và để ai hỏi han điều gì. Đan Thanh ngủ đêm trong vựa lúa và lên đường lại từ sáng tinh sương, gió tạt giá lạnh vào mặt, vun vút như kim châm. Trời lạnh buốt như khuyến khích chàng đi xa. Trong nhiều đêm chàng mơ thấy hai chị em Liên Đài. Trong nhiều ngày, nỗi cô đơn và buồn vời vợi đã bóp thắt con tim chàng trai phiêu bạt.

Một buổi chiều sau đó, chàng tìm được một chỗ trọ trong nhà một bác nông phu, bữa ăn không có bánh mà có cháo kê, những phiêu lưu mới đang chờ chàng ở đấy. Tối hôm đó vợ bác nông phu cho ra đời một đứa bé và chàng đã chứng kiến cảnh ấy. Người ta đã ra vựa lúa mời chàng vào giúp, dù chàng chẳng biết gì hơn là soi đuốc cho cô mụ làm việc – lần đầu tiên chàng thấy cảnh một người đàn bà lâm bồn – chàng nhìn sững vào gương mặt người đàn bà, một kinh nghiệm mới bỗng nhiên đến với chàng. Ít ra những gì chàng thấy trên nét mặt người đàn bà, đối với chàng thật là quan trọng. dưới ánh sáng lù mù của ngọn đuốc dăm bào, đôi mắt chàng tò mò đến cùng độ dán chặt vào gương mặt người sản phụ đang trong những cơn đau quằn quại, và chàng khám phá một điều bất ngờ: những nét mặt nhăn nhúm trong tiếng thét trên khuôn mặt đàn bà đó không khác mấy với khuôn mặt những người đàn bà trong cơn say cuồng dục lạc. Sự biểu lộ đau đớn cùng cực trên khuôn mặt nàng tuy mạnh bạo hơn nhưng nhìn cho thật kỹ chúng vẫn không khác nhau, cũng một sự co thắt hơi nhăn nhúm, cũng bừng cháy lên rồi lịm tắt. Đan Thanh ngạc nhiên một cách kỳ lạ, không hiểu tại sao cơn đau và sảng khoái lại có thể giống nhau đến thế, giống như một cặp chị em.

Chàng còn qua một kinh nghiệm khác. Sáng hôm sau chàng gặp một người đàn bà bên cạnh, vừa gặp chàng đã liếc mắt đưa tình. Chàng liền ở lại trong làng một đêm thứ hai, người đàn bà hưởng được nhiều lạc thú vì sau một thời gian dài bị kích thích và thất vọng, bây giờ xác thịt chàng mới tìm thấy toại lòng mãn nguyện. Sự chậm trễ này đã gây ra một biến cố mới. Chàng làm quen với một người trong khu làng quê này, đó là Viên, một tên du thủ du thực, nửa như ông mục sư nửa như kẻ vô lại. Gã chào chàng và tuôn ra một tràng tiếng La Tinh và tự giới thiệu mình là một thằng học trò lang bạt dù gã đã quá tuổi đi học từ lâu.

Gã đàn ông có một bộ râu nhọn, biết cách chào hỏi thân tình, pha lẫn hài hước của dân giang hồ, gã chiếm được cảm tình của người bạn trẻ. Khi Đan Thanh hỏi về trường học của gã và mục đích của cuộc hành trình, gã đáp bằng một giọng khoe khoang rỗng tuếch.

– Ối giời, toàn là những trường lớn tôi đã đi học ở Cologne và Paris. Trong luận đề tôi đã làm ở Leyden chưa có ai lý luận vững chắc như tôi về vấn đề siêu hình của chiếc xúc xích nhồi gan. Từ đây, này huynh tôi lăn như một con heo khốn nạn qua Saint Empire, tâm hồn bị dằn vặt vì đói, vì khát, người ta gọi tôi, đặt tên cho tôi là Nỗi kinh hoàng của đám nông dân. Nghề của tôi là giảng dạy La Tinh cho những bà vợ trẻ và làm bùa phép cho những khúc dồi treo trên lò sưởi chui vào bụng. Mục đích của tôi là trên giường của một vị phu nhân; nếu tôi không bị quạ rỉa thây trước thì sau chắc tôi cũng không tránh được phải đảm đương trách vụ nặng nề của một vị giám mục. Này huynh, sống qua ngày đoạn tháng là tốt hơn cho một chú thỏ quay bằng cái dạ dày khốn khổ của tôi. Vị chúa lang thang là huynh đệ tôi và chính đấng cha chung của chúng ta nuôi hắn cũng như nuôi tôi, ổng bắt tôi phải làm công việc nặng nhọc nhất, hôm kia ổng còn nghiêm khắc như một người cha toan dùng thân tôi để cứu lấy mạng sống của một con sói đang lả đói. Nếu tôi không giết nổi con vật, hẳn là bạn không được vinh dự và sung sướng làm quen với tôi rồi. In soecula soeculorum. Amen.

Đan Thanh chưa quen với cách hài hước du côn và tiếng La Tinh du đãng ấy, chàng thấy hơi lo trước con người thô lậu kia có giọng cười khả ố kèm theo mỗi câu pha trò. Nhưng trong anh chàng du đãng dày dạn này có một cái gì khiến chàng ưa thích nên chàng dễ dàng chịu nhận cùng lên đường với gã. Dù câu chuyện gã đánh ngã chó sói thật hay chỉ là khoác lác bề gì thì hai người cũng vẫn mạnh hơn và đỡ lo sợ. Nhưng trước khi lên đường tiếp tục, Viên còn muốn xổ La Tinh với mấy bác nông phu, gã nói thế và muốn ở lại nhà một bác làm vườn. Gã không ở yên một nơi như Đan Thanh, khi được tiếp đãi trong một căn trại hoặc một khu xóm mà lại đi từ chòi này sang chòi khác, tán chuyện với mọi người đàn bà, cho mũi vào mọi chuồng bò và hình như chẳng chịu rời làng trước khi mỗi nhà đều có một cái gì nộp đưa. Gã kể cho những bác nông phu nghe những chuyện chiến tranh ở xứ man rợ và hát bên bếp lửa những bài ca thánh ở chiến trận Pavie, chỉ bày cho những bà già phương thuốc chống phong và chữa rụng răng, gã có vẻ cái gì cũng biết và gã đã đi khắp nơi, độn trong áo phía bên trong thắt lưng nào là bánh mì, hạt dẻ, từng miếng lê người ta cho chật cứng đến nứt áo. Đan Thanh trố mắt kinh ngạc nhìn gã điều khiển chiến trận khi thì làm họ sợ sệt, khi thì lấy lòng họ bằng những lời tán tĩnh, ba hoa chích chòe trước đám thính giả ngẩn ngơ, xổ tiếng La Tinh thật chói tai và làm ra vẻ trí thức, lôi kéo mọi người chú ý bằng những tiếng lóng trơ tráo, hoa hòe. Khi kể chuyện hoặc thuyết về thần học gã không quên liếc mắt ghi nhận từng khuôn mặt, từng ngăn kéo mở ra, một chiếc thìa một mẩu bánh mì. Đan Thanh thấy rõ rệt đó là một tên mất gốc, một tên vô gia cư, dạn dày chai đá, một kẻ đã thấy nhiều và đầy kinh nghiệm, kẻ luôn luôn sống trong đói rét, trong đấu tranh gian khổ để có một cuộc sống thảm thương và không ngớt bị đe dọa, một kẻ đã biến thành láu lỉnh và trân tráo. Kiếp sống lang thang sẽ tận cùng giống thế chăng? Và một ngày kia, ta sẽ cũng như kẻ đó, phải vậy không?

Ngày hôm sau họ tiếp tục lên đường. Lần đầu tiên Đan Thanh thưởng thức cuộc giang hồ tay đôi. Họ đi suốt ba ngày qua và Đan Thanh cũng đã học được nhiều điều ở Viên. Thói quen đã biến thành bản năng, tất cả đều dẫn đến ba nhu yếu căn bản của một kẻ giang hồ, đó là đề phòng những nguy hiểm chết người, hai là tìm một chỗ trú qua đêm, ba là phải tự kiếm lấy đồ ăn. Thói quen đó đã dạy bảo nhiều cho gã giang hồ lang bạt từ mấy năm nay. Viên còn đáng là bậc thầy về nhiều nghệ thuật nữa; khám phá những dấu hiệu thật nhỏ nhặt báo hiệu sắp đến nơi có người ở dù vào mùa đông hay đêm tối; còn về khả năng kiếm chỗ ngủ hoặc nơi nghỉ chân, gã nhận xét rất chính xác mỗi cánh đồng, mỗi khu rừng khả dĩ tạm trú.

Khi bước vào một căn trại, gã luôn luôn đánh hơi được mức độ sung túc hay khốn khó của chủ nhà, cùng với sự ban phát có được rộng rãi không, có tò mò thích thú hay khiếp hãi, chán chê. Gã truyền cho Đan Thanh những bí mật nghề nghiệp rất đáng giá. Đã một lần Đan Thanh phản đối gã, chàng cho rằng không cần phải theo sát chủ nhà với những tính toán như thế, chưa khi nào chàng bị từ chối cả dù không biết đến những thứ nghệ thuật đó, mọi người đều niềm nở tiếp chàng. Gã to lớn phá lên cười và thật thà bảo:

Đúng thế, chú bé ơi, nhưng đó là với cậu; cậu còn trẻ, còn đẹp, còn dáng ngây thơ, đó là giấy thông hành tốt nhất để xin trọ ngủ. Đàn bà ưa thích mày thôi không cần nói, còn đàn ông thì tự bảo: thằng này hiền lành không hại ai đâu trời ạ. Nhưng cậu nghĩ coi, con người sẽ già đi, và trên khuôn mặt ngây thơ râu ria sẽ mọc kín, nếp nhăn hiện rõ, áo quần sẽ rách bươm và trong thoáng giây họ đã thành một ông khách ghê tởm không ai ưa. Đôi mắt long lanh đầy ngây thơ của cậu bấy giờ không còn nữa chỉ còn vẻ háu đói phản chiếu, cậu sẽ phải dạn dày và tập hiểu đời chút ít, bằng không cậu sẽ nằm trên phân cho chó đói trêu mình. Nhưng tớ nghĩ là cậu không cực nhọc thế này lâu lắm đâu. Cậu có bàn tay thật thon đẹp, những lọn tóc xinh xinh, cậu sẽ mau tiến tới đời sống dễ chịu hơn trên một chiếc giường ấm của một người đàn bà đã có chồng, trong một tu viện nhỏ béo bở, hoặc trong một phòng làm việc ấm cúng. Cậu sẽ có áo đẹp và người ta xem cậu như một nhà quý phái, vương giả.

Gã vẫn cười và đưa tay vuốt chiếc áo của Đan Thanh. Chàng thấy gã sờ nắn từng đường viền chỉ và lục lọi khắp các túi, chàng giật mình lùi ra khi chợt nghĩ đến đồng tiền vàng trong ấy. Chàng kể về ngày mình ở lâu đài của người quý tộc và chuyện chàng nhận chiếc áo đẹp này nhờ viết La Tinh. Nhưng gã muốn biết tại sao chàng lại rời nơi êm ấm ấy vào giữa lúc trời mùa đông giá buốt thế này. Chàng không quen nói dối, kể loáng thoáng cho gã nghe câu chuyện tình giữa mình cùng hai cô gái và cuộc cãi cọ đầu tiên xảy ra từ đó. Gã cho rằng chàng ngu như một con lừa, bỏ đi như thế mà chịu phó mặc ngôi lâu đài cùng hai cô gái cho trời che chở lấy. Phải vớt vát lại mới xong, có gã tình nguyện giúp một tay. Cả hai sẽ quay trở lại, dĩ nhiên Đan Thanh sẽ không ra mặt, mọi việc cứ giao cho gã. Chàng phải viết một lá thư cho Liên Đài, nói này kia kia nọ, và gã sẽ đến lâu đài, nhờ Chúa gã sẽ không trở về không và sẽ có tiền bạc này nọ và nhiều thứ khác… Đan Thanh không chịu làm thế, xong chàng giận dữ tuyên bố không còn muốn nghe một tiếng nào về vấn đề ấy nữa, chàng từ chối không tiết lộ tên người quý tộc già và con đường đưa đến lâu đài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.