Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 08 (Phần 1)



Đan Thanh đi đã nhiều ngày, ít khi chàng ở đến hai đêm trong cùng một nơi, đâu đâu cũng được đàn bà khao khát và hưởng nơi họ nhiều cuộc ân ái chan chứa. Da sạm nắng, chàng gầy đi vì cuộc hành trình và ăn uống kham khổ. Nhiều người đàn bà đã giã từ chàng, ngay khi trời hé sáng, có nhiều cô gái đã khóc khi chia tay. Hơn một lần chàng tự hỏi: sao chẳng có ai chịu ở lại cùng mình? Tại sao các nàng yêu ta, cam tội ngoại tình để đổi một đêm ân ái, rồi lại vội vã quay về với chồng khi ở đấy đòn vọt đang chờ họ? Không một ai thực lòng xin cùng chàng ở lại, không một ai có ý muốn đi theo, sẵn sàng vì tình yêu, cùng chàng chia bùi xẻ ngọt trong kiếp sống lang thang. Đúng ra chàng chưa bao giờ đề nghị cùng ai một điều tương tự, chưa bao giờ chàng gợi ý đó cho một nàng nào, khi tự xét lòng mình, chàng thấy tự do đối với mình thật thân thiết quá. Trong những kỷ niệm qua, không một người đàn bà nào còn làm chàng ước ao thèm muốn khi đã có một cô gái khác trong đôi tay. Tuy nhiên chàng hơi buồn nhận thấy thật lạ lùng, đâu đâu tình yêu cũng là một cái gì thoáng chốc, ở người đàn bà cũng như chính chàng, người ta vội nhàm chán nhau. Cũng như vội mê say nhau. Tình đời là thế đấy sao? Có phải lúc nào và ở đâu cũng thế? Hay đó là lỗi tại chàng? Phải chăng là điều tự nhiên khi đàn bà, mặc dù vẫn theo đuổi chàng và thấy chàng đẹp trai, họ vẫn không mong muốn một độ thân mật nào khác hơn là cuộc đụng chạm xác thịt ngắn ngủi không lời, trong đám cỏ khô hay trên rêu rong? Phải chăng điều đó nguyên do vì chàng là kẻ lang thang và những người định cư thường rùng mình trước kiếp sống của kẻ giang hồ phiêu bạt? Hay điều đó chỉ do chính chàng, con người chàng, khi những người đàn bà thèm khát, ôm chặt chàng vào lòng như ôm một con búp bê xinh xắn để rồi lập tức quay về cùng chồng, dù bị đánh đập? Chàng không sao hiểu nổi.

Đan Thanh học hỏi về đàn bà không chán. Những thiếu nữ lôi cuốn chàng hơn cả, những cô bé chưa có gia đình và không từng trải, với những cô gái đó chàng có thể si mê đến điên dại. Nhưng thường thường bọn họ thật khó với tới, những đứa con cưng rụt rè và lại kín cổng cao tường kia. Chàng cũng muốn học thêm kinh nghiệm nơi đàn bà đã có gia đình. Từ người nào Đan Thanh cũng học được một vài điều: một cử chỉ, một nụ hôn mới, một kiểu làm tình đặc biệt khi hiến dâng hay cự tuyệt. Đan Thanh thích ứng với tất cả, háo hức và mềm mại như một đứa bé, sẵn sàng cho mọi quyến rũ và cũng chính nhờ đó chàng tự luyện tập một sức hấp dẫn đàn bà như thế. Chỉ riêng bề ngoài đẹp trai của chàng không đủ dễ dàng chiếm đoạt bọn đàn bà thế ấy, đúng ra là do vẻ khờ khạo trẻ con, tính thụ động, vẻ ngây thơ đầy tò mò nơi chàng trước dục tình, do sự chiều theo một cách tuyệt đối với tất cả những gì người đàn bà ao ước nơi chàng. Cạnh mỗi nàng tình nhân và điều chính chàng cũng không tự biết, chàng là hình ảnh đúng hệt như nàng mong mỏi và mơ tưởng: với nàng này chàng tỏ ra dịu dàng kiên nhẫn, với nàng kia chàng nóng nảy táo bạo, hôm nay, chàng trông ngây ngô như thằng bé, lần đầu biết gái, ngày mai chàng đã là kẻ sành sỏi lịch duyệt. Đan Thanh sẵn sàng cho trò chơi, cho cuộc tấn công, sẵn sàng thở dài hoặc cười lớn, sẵn sàng tỏ ra bẽn lẽn hay mặt dày mày dạn. Chàng không làm điều gì mà người đàn bà không muốn, không làm điều gì đã không do người đàn bà gợi cho chàng… Những người đàn bà có cảm quan hơi tinh một chút là có thể thấy ngay điều đó, chính điều đó đã khiến chàng thành cục cưng của họ.

Nhưng Đan Thanh vẫn nhận thêm kinh nghiệm, chàng không những chỉ học hỏi trong một thời gian ngắn ngủi, mọi cách làm tình, mọi thủ đoạn của tình ái, chàng thấy vẫn chưa đủ với kinh nghiệm mình có được cùng đám đàn bà kia. Chàng còn học cách nhìn đàn bà, ngửi, sờ họ, “đánh hơi,: ra họ trong vô số vẻ khác nhau. Đôi tai thính của chàng phân biệt đủ loại thanh âm, chỉ cần nghe giọng nói chàng cũng có thể đoán biết chính xác bản chất và mức độ yêu đương của một người đàn bà. Đan Thanh thưởng ngoạn với một niềm say sưa luôn luôn mới, muôn ngàn thế đứng của một cái đầu trên chiếc cần cổ, muôn ngàn vầng trán nổi bật khác nhau dưới đám tóc, muôn ngàn cách chuyển động của một chiếc xương đầu gối. Trong bóng tối nhắm mắt lại, chàng tập phân biệt bằng cách dùng những ngón tay sờ nhẹ, những bộ tóc đàn bà khác nhau, những làn da. Chàng nhận ra có lẽ đó là ý nghĩa của kiếp sống lang thang, có lẽ sự thay đổi từ người đàn bà này sang người đàn bà khác đã luyện cho chàng khả năng hiểu biết và phân biệt càng ngày càng tinh vi, đầy đủ, sâu sắc hơn, bằng những bài học sống động. Định mệnh của chàng có lẽ là chứng nghiệm đàn bà và tình ái, đạt cho được kinh nghiệm toàn hảo bằng muôn ngàn phương cách, với muôn nghìn đàn bà khác nhau, cũng như có những nhạc sĩ không chỉ biết chơi một nhạc khí mà còn biết sử dụng ba bốn thứ nhạc khí khác hay hơn nữa. Điều đó ích gì và đưa chàng đến đâu? Thành thực mà nói, chàng chẳng biết tại sao như vậy, chàng chỉ thấy mơ hồ hình như đó là con đường của mình. Đan Thanh cũng có khả năng về tiếng La Tinh và luận lý học nhưng không đặc sắc lắm, với đàn bà chàng mới có nhiều thiên khiếu, học hỏi thật dễ dàng, nhớ hết mọi chuyện, các kinh nghiệm nhận được như đã tự sắp xếp cho chàng hội ý-

Giang hồ được một hai năm, một hôm Đan Thanh đến một trang viện của một nhà quý tộc giàu có ở với hai cô con gái trẻ đẹp. Bấy giờ khoảng đầu tiết thu, trời bắt đầu trở rét. Mùa thu và mùa đông năm ngoái chàng đã thăm dò nơi đó, chàng lo cho chuỗi ngày sắp tới, mùa đông thật cam go với kiếp sống lang thang. Chàng ngỏ ý xin một chỗ ngủ trọ và một bữa cơm. Người ta tiếp đãi tử tế và khi nhà quý tộc biết ông khách trẻ là học trò biết tiếng Hy Lạp, ông mời chàng lên bàn trên và tiếp đãi ngang hàng. Hai cô gái cúi đầu ăn, không nói một lời. Cô chị Liên Đài mười tám, cô em Liên Kiều mười sáu tuổi.

Hôm sau Đan Thanh sửa soạn lên đường, chàng không hy vọng gì chinh phục được một trong hai nàng tiên tóc nâu xinh đẹp, cũng chẳng có lấy một người đàn bà thứ ba để giữ chàng lại nơi đấy. Nhưng khi điểm tâm xong, vị quý tộc gọi chàng ra và đưa vào phòng làm việc của ông ta.

Ông già nói cho chàng nghe cái đam mê của ông đối với kiến thức và sách vở, chỉ cho chàng thấy cả một tủ đựng đầy bản thảo và một bàn viết trữ sẵn nhiều loại giấy đẹp. Dần dần Đan Thanh biết được rằng ông già đó rất mộ đạo, lúc trẻ có đi học nhưng sau đó đã hoàn toàn lao vào binh nghiệp và nếp sống phù hoa. Sau một trận ốm kịch liệt, ông theo tiếng gọi thiêng liêng lên đường hành hương để chuộc tội lỗi lúc thiếu thời. Ông đã đến tận Rome, la cà đến cả Constantinople; khi trở về thì cha già đã mất, nhà cửa vắng tanh, ông ở lại đấy, kiếm một người vợ, và khi vợ chết, ông phải nuôi hai đứa con gái. Bây giờ tuổi già gần kề, ông bắt đầu viết hồi ký thuật lại chuyến hành hương xưa. Ông đã viết được vài chương, nhưng như ông đã thú nhận vốn liếng La Tinh của ông tệ quá đã làm cản trở ông luôn. Ông hứa sẽ tặng chàng một bộ y phục mới và nuôi ăn ở nếu chàng chịu ở lại sửa chữa những chương ông đã viết và giúp ông tiếp tục công việc ấy. Mùa thu đã đến, Đan Thanh biết rõ nó sẽ mang lại gì cho một kẻ giang hồ. Bộ quần áo mới không phải là đồ bỏ và hơn nữa viễn ảnh được ở dưới một mái nhà cùng hai cô gái xinh đẹp trong một thời gian khá lâu đã là một cái gì thật quyến rũ đối với chàng thanh niên. Đan Thanh gật đầu không lưỡng lự. Vài hôm sau, bà quản gia được lệnh mở tủ đựng vải, lựa một thứ dạ nâu thực đẹp để may cho chàng một bộ y phục và một chiếc mũ. Gia chủ đã nghĩ đến một bộ y phục của ông thầy dạy trẻ bằng dạ đen, nhưng chàng không ưa và nói khéo làm ông ta đổi ý. Thế là một bộ y phục xinh xắn nữa kiếm đồng, nữa hiệp khách được cắt may rất hợp với chàng.

Tiếng La Tinh của chàng cũng không đến nổi tệ. Cả hai cùng đọc lại những chương đã được thảo từ trước, Đan Thanh không những chỉ chữa một số lớn chữ dùng sai và không được chỉnh lắm, đôi khi chàng còn thay các câu cụt ngủn và vụng về bằng những câu thật văn hoa, già dặn, rất đúng văn pháp. Người quý tộc già rất đẹp lòng, chàng cũng không khách sáo, đón nhận lời khen một cách tự nhiên. Hai người bỏ ít ra là hai tiếng đồng hồ để làm việc.

Lâu đài to lớn ấy gồm cả một trang trại rộng, Đan Thanh không thiếu những trò giải trí. Chàng dự vào các cuộc đi săn, tập bắn súng hỏa mai cùng anh thợ săn Hiếu, đùa nghịch với mấy con chó và cưỡi ngựa thì tha hồ. Ít khi người ta thấy chàng ở một mình, nếu không trò chuyện với một con chó, con ngựa nào, thì cũng có Hiếu hoặc mụ quản gia Lê, một người đàn bà phì nộn có giọng ồ ồ như đàn ông, cười đùa như máy. Chàng cũng trò chuyện với đứa bé giữ chó hoặc với một gã mục đồng. Đan Thanh bắt tình dễ dàng với cô con gái ông chủ nhà máy xay cạnh lâu đài, nhưng giữ ý không thân mật lắm, xử sự như một chàng trai tân. Hai cô gái con nhà quý tộc già đã làm chàng mê mẩn. Cô em xinh hơn, nhưng quá bộ điệu, không trao đổi cùng chàng một lời nào. Đan Thanh lại gần hai cô một cách rất dè dặt lịch sự, nhưng chàng làm cho cả hai đều có cảm tưởng chàng luôn luôn theo đuổi mình. Cô em hoàn toàn khép kín con tim, và tỏ vẻ tự kiêu vì e thẹn. Còn Liên Đài thì có thái độ độc đáo, xem chàng như một hiện tượng đặc biệt, một nhà thông thái, cô ta giữ một giọng vừa có vẻ lễ độ vừa có vẻ chế giễu, thường tò mò hỏi về nếp sống tu viện, nhưng vẫn một thái độ nhạo báng và cao sang của một người đàn bà thượng lưu. Đan Thanh hợp với cả hai, coi Liên Đài như một mệnh phụ phu nhân, Liên Kiều như một nữ tu be bé. Trong những bữa cơm chiều, những câu chuyện của chàng đã giữ hai chị em lại lâu hơn, những cuộc dạo chơi trong vườn, Liên Đài chuyện trò và chịu cho chàng chòng ghẹo, Đan Thanh rất đắc ý và tự coi mình đã có tiến bộ. Mùa thu ấy, cây trần bì to lớn ngoài sân vẫn chưa rụng lá trong một thời gian dài, những khóm cúc và hồng trong vườn vẫn còn nở hoa. Một hôm chủ nhân một lâu đài bên cạnh cùng vợ cưỡi ngựa đến chơi, anh mã phu cũng đi theo. Không khí êm ả ngày hôm đó đã kéo cuộc du ngoạn của họ xa hơn mọi khi, và giờ đây họ được mời ngủ đêm tại nhà. Khách được tiếp đón nồng hậu, chiếc giường của Đan Thanh được mang từ phòng khách sang phòng làm việc để sửa soạn phòng ngủ cho vợ chồng ông khách quý. Chủ nhà cho người mổ gà, bắt cá để dọn tiệc. Đan Thanh vui thích góp tay vào sự rộn ràng đó: chàng đã nhận ra ngay bà khách để ý đến mình. Ngay khi chàng vừa đọc thấy – trong giọng nói và một một vẻ gì trong tia nhìn bà ta – nỗi thích ý và thèm khát, chàng thích thú khi bắt gặp đồng một lúc một thay đổi nơi Liên Đài: cô nàng bỗng nhiên trở nên nhát gừng và lơ đãng, bắt đầu quan sát chàng và bà khách bằng đôi mắt dò xét. Trong buổi tiệc tối, khi người đàn bà buông thả đôi chân để vầy nghịch cùng chàng dưới gầm bàn, Đan Thanh thật vui thích, không phải vì trò chơi ấy mà còn vì nét mặt sa sầm của Liên Đài, cô nàng im lặng theo dõi trò chơi giữa hai người với đôi mắt tò mò và dữ dội. Sau cùng chàng cố ý đánh rơi con dao, nghiêng người xuống bàn, nhặt lấy và vuốt ve nguyên đôi chân của người đàn bà. Chàng thấy Liên Đài tái người đi, môi cắn chặt, chàng điềm nhiên tiếp tục những mẩu chuyện nhỏ ở tu viện, thấy rõ là bà khách thật ra nghe chuyện thì ít, mà nghe cái điệu cố công tán tỉnh của chàng thì nhiều. Mọi người đều nghe chàng kể chuyện, từ nhà quý tộc nhân từ đến ông khách có khuôn mặt thản nhiên nhưng không hẳn là không rung động trước nhiệt tình nồng cháy nơi chàng thanh niên. Chưa bao giờ Liên Đài nghe chàng nói say sưa như thế: mặt mày tươi rói, khoái trá, đôi mắt sáng long lanh, lời nói âm vang hạnh phúc, tình yêu mở ngỏ đón mời.

Cả ba người đàn bà đều nhận biết điều đó, nhưng mỗi người phản ứng một cách khác. Cô bé Liên Kiều kháng cự và tự vệ, bà khách thì đầy thích thú, còn Liên Đài thì giận run, nàng có một cảm giác đau đớn pha lẫn ham muốn sâu xa, nàng chống cự một cách yếu đuối, để cơn ghen mãnh liệt làm khuôn mặt nàng cau có, ngọn lửa tình bùng lên trong ánh mắt. Đan Thanh thấy được cả ba làn sóng tình ấy, những đợt sóng tới tấp đưa đẩy họ đến chàng như để trả lời cho cuộc săn đuổi tình yêu. Những ý tưởng tình ái bay lượn quanh chàng như những cánh chim, có con ngoan ngoãn, có con cứng đầu, có những con cùng nhau phấn đấu.

Sau bữa ăn, Liên Kiều cáo lui. Trời đã tối từ lâu. Lạnh lùng như một nữ tu, nàng rời phòng, cây nến đế sành cầm tay. Mọi người còn ngồi lại đó, hai người đàn ông bàn chuyện gặt hái, chuyện đức vua và các vị giám mục, trong khi Liên Đài đang bị lửa tình nung nấu. Nàng lắng nghe Đan Thanh và bà khách trao đổi những câu chuyện vu vơ. Vở kịch đã đến hồi gay cấn, bắt đầu những trao đổi dịu ngọt, những ánh mắt đưa duyên, những nhỏ to, những cử chỉ vụn vặt mà nồng thắm đầy yêu đương. Liên Đài thở hít bầu không khí ấy, vừa cảm thấy ghê tởm, và cảm thấy lửa dục nổi lên, khi nàng nhìn thấy, cảm giác rằng đôi đầu gối của Đan Thanh và bà khách đang chạm nhau dưới gầm bàn. Nàng run bắn người như chàng động tới chính chân nàng. Sau đó, nàng không chợp mắt suốt nửa đêm, nàng phập phồng lắng nghe, nàng tin chắc đôi tình nhân sẽ lại tìm đến nhau. Nàng tưởng tượng ra đủ điều, nàng thấy họ ôm nhau, hôn nhau nghe rõ cả tiếng. Nàng đợi chờ trong run rẩy, vừa phập phồng lo sợ, vừa cầu mong cho ông chồng mọc sừng tóm được cả đôi và cắm sâu con dao vào ngay tim anh chàng Đan Thanh khả ố.

Sáng hôm sau trời xấu, từng làn gió ẩm thổi ngang; người khách không muốn ở lâu hơn, khước từ những lời mời mọc và xin về ngay. Liên Đài cũng có mặt khi khách lên yên. Nàng lơ đễnh bắt tay và từ biệt họ, cả tâm hồn nàng đều để vào đôi mắt hướng về bà khách đang đặt chân lên tay Đan Thanh, chàng giúp bà ta lên ngựa, bàn tay nắn quanh chiếc giày và siết mạnh chân người đàn bà một hồi. Tiễn khách xong, Đan Thanh phải vào làm việc trong phòng khách. Nửa giờ sau chàng nghe tiếng Liên Đài sai bảo gì ở nhà dưới, rồi nghe tiếng con ngựa được dắt ra. Người quý tộc già đến gần cửa sổ, lắc đầu mỉm cười nhìn xuống sân, và cả hai cùng nhìn cô nàng Liên Đài đang xa dần trên lưng ngựa. Cả ngày hôm ấy, bài văn La Tinh của họ không sửa chữa được bao nhiêu. Đầu óc Đan Thanh để tận đâu đâu, và ông chủ đáng mến đã cho chàng nghỉ sớm.

Đan Thanh tránh mọi người, chàng lén cưỡi con ngựa băng qua sân chạy thẳng một mạch ngược chiều với ngọn gió thu ẩm ướt và mát lạnh, chàng không ngừng thúc ngựa phi nhanh trong cánh đồng vàng úa. Chàng cảm thấy dưới mình con ngựa nóng ran, người chàng cũng nóng bừng.

Con ngựa băng qua những túp lều tranh, những đám rừng hoang, những đầm lầy đầy cây rong nước và mộc tặc. Chàng hít thở những luồng hơi dài trong ngày xám, vượt qua một thung lũng nhỏ có những cây trăn mọc rải rác, những khu rừng thông đầy nhựa, để đến một vùng truông vắng vẻ, đất màu nâu.

Trên đỉnh một ngọn đồi, chàng chợt thấy bóng Liên Đài hiện rõ trên đám mây trắng xám, và vội vàng thúc ngựa đến. Vừa thấy có người theo, Liên Đài liền quất ngựa chạy trốn, người nàng khi ẩn, khi hiện, tóc lòa xòa bay tung trước gió. Đan Thanh đuổi theo nàng như một anh thợ săn theo mồi, lòng vui như mở hội, chàng dịu dàng khuyến khích con vật vừa sung sướng đưa mắt nhìn cảnh vật: những cánh đồng nằm dưới thung lũng, từng đám cây trăn và phong, những bờ ao đất sét, và xa kia, một cô gái xinh đẹp đang chạy trốn tình yêu. Trong giây lát chàng đã đuổi kịp.

Khi Liên Đài biết chàng đã phóng gần mình, nàng thôi chạy, cho ngựa đi bước một và không hề nhìn lại phía sau. Nàng kiêu hãnh làm như không hay biết, cứ đi thẳng, như không hề có chuyện gì xảy ra, như chỉ có một mình nàng riêng ở đấy. Đan Thanh cho ngựa lại bên nàng, hai con vật bình thản sóng đôi nhưng hai tay kỵ mã thì nóng ran vì cuộc đuổi bắt. Chàng khẽ kêu: – “Liên Đài!”

Không có tiếng đáp. – “Liên Đài!” Cô gái vẫn làm thinh.

– Liên Đài, trông em phóng ngựa từ đàng xa thật đẹp, tóc em bay tung về sau như một dải sáng vàng óng. Đẹp làm sao! A, thật là tuyệt diệu, khi em chạy trốn anh, anh mới hiểu rằng em cũng có yêu anh đôi chút. Vậy mà anh không biết gì cả, chiều qua anh vẫn còn nghi ngờ, mãi đến khi em cố tránh anh, anh mới chợt hiểu. Cưng ơi, người đẹp của tôi ơi, chắc là em đã nhọc lắm, chúng ta xuống ngựa đi nào. Đan Thanh gọn gàng nhảy xuống ngựa, đồng thời nắm lấy cương ngựa của cô gái để nàng không còn chạy nữa. Mặt nàng trắng toát, nàng ngồi yên trên ngựa nhìn xuống, và khi được Đan Thanh bồng xuống, nàng òa khóc. Cẩn thận, chàng đưa cô gái ra cách đó một vài bước, dìu nàng ngồi trên cỏ úa và quỳ xuống cạnh nàng. Nàng cố nén những cơn thổn thức, và khi đã tự chủ lại nàng liền bảo:

– Anh ác lắm.

Nàng khó nhọc thốt từng tiếng: “Anh là một chàng họ sở, tôi muốn quên đi những gì anh vừa nói. Anh thực không biết trơ trẽn, anh không đáng nói với tôi những lời ấy chút nào. Làm sao anh có thể tin là tôi yêu anh được chứ? Anh nên quên điều đó đi! Làm sao tôi có thể quên được những gì tôi phải thấy đêm qua!

– Đêm hôm qua à? Em thấy gì lúc đó?

– Thôi anh đừng làm bộ như thế. Đừng chối nữa! Anh làm dáng với người đàn bà đó trước mắt tôi thật khả ố và trơ trẽn. Anh không biết hổ ngươi một chút nào cả sao, anh lại còn vuốt ve chân bà ta dưới gầm bàn nữa, ngay dưới bàn của tôi! ngay trước mắt tôi! Giờ đây người đàn bà ấy đi rồi, anh lại tính theo tôi! Thật đáng xấu hổ!

Từ nãy giờ Đan Thanh hối tiếc đã thốt lời trước khi bồng nàng xuống ngựa. Ngu ngốc quá, tình yêu không cần gì đến ngôn ngữ, đúng ra chàng nên im lặng.

Đan Thanh không nói nữa, chàng quỳ xuống một bên Liên Đài, và khi nàng nhìn chàng với đôi mắt đẹp tuyệt vời và đầy đau khổ, nỗi buồn của người thiếu nữ lan qua chàng, chàng cũng thật tình cảm thấy trong vụ này có chuyện đáng buồn khổ.

Nhưng dù cô gái nói gì đi nữa, chàng cũng khám phá ra tình yêu hình thành trong tia mắt, ngay cả niềm đau làm run rẩy đôi môi, tất cả đều do ái tình mà ra. Chàng tin nơi đôi mắt của Liên Đài hơn lời lẽ của cô gái, nhưng Liên Đài, nàng vẫn chờ câu giải đáp, vì thế nàng còn chua chát lặp lại:

– Anh thật đã mất hết xấu hổ rồi ư? Nàng vừa nói vừa nhìn chàng bằng đôi mắt đẫm lệ.

– Anh xin lỗi, chúng ta đã nói đến những điều không nên nói. Đó là lỗi của anh. Em hỏi anh có xấu hổ không? Vâng, dĩ nhiên là có. Nhưng dù sao, anh yêu em, và tình yêu thì không biết xấu hổ. Đừng giận anh nữa, em.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.