Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 12 (Phần 2)



Đan Thanh thấy rõ tình trạng của chàng hiện tại và chàng đâm ra lo sợ phải quyết định. Đối với chàng thật khó dứt khoát như lúc chàng phải từ biệt Huyền Minh và tu viện. Một lần nữa, chàng đang đứng trên ngã rẽ quan trọng: ngã rẽ dẫn đến Mẹ chàng. Rồi đây người Mẹ này sẽ thành hình, là tác phẩm do chính bàn tay chàng sáng tạo cho mọi người trông thấy? Có lẽ đó là mục đích đời chàng, là lẽ sống tiềm ẩn trong chàng. Có lẽ chàng chưa hề biết. Nhưng một điều mà chàng nhận biết: chàng phải đi đến Mẹ chàng, phải hướng về sự lôi cuốn của Mẹ, theo tiếng gọi của Mẹ. Chàng cảm thấy mình đang sống. Có thể chàng không đủ tài để tạc hình Mẹ, Mẹ vẫn chỉ là một giấc mơ, một trực giác, là ánh sáng vàng ảo, là huyền diệu thiêng liêng. Với bất cứ tốc độ nào, chàng phải theo kịp Mẹ, đặt vào tay Mẹ định mệnh đời chàng. Mẹ chính là ánh sao đời chàng.

Và bay giờ chàng đã quyết định, tất cả đều rõ ràng. Nghệ thuật thật đẹp, nhưng không là thánh thần, không có mục tiêu – hoàn toàn không đối với chàng. Không phải chàng chạy theo nghệ thuật nhưng chính là theo lời gọi của Mẹ chàng. Thầy Không Lộ là ví dụ của sự thành công và rồi sẽ dẫn đến đâu? Đến tiếng tăm, tiền bạc và một đời sống ổn định, đến một sự khô héo dần, thu hẹp dần những cảm quan tận cùng nhất, đến nơi mà chỉ riêng sự huyền bí đạt tới hạn. Và còn dẫn đến nhiều món đồ xinh xắn quý giá, các loại trang hoàng đền thờ và giảng đường, tượng thánh Sebastians mớ tóc thiên thần uốn quăn với giá bốn đồng “guilders” một bức. Ôi! Màu vàng trong mắt con cá chép, đường viền mong manh ngọt ngào lấp lánh ánh bạc trên cánh bướm đẹp vô hạn, tràn nhựa sống và cũng thật quý báu, hơn cả căn phòng đầy ắp những nghệ phẩm kiểu trên.

Một cậu bé vừa đi vừa ca hát trên con đường ven bờ sông. Thỉnh thoảng giọng ca bị ngắt quãng vì nó phải ăn miếng bánh mì trắng cầm nơi tay. Đan Thanh trông thấy nó và hỏi xin một mẩu bánh nhỏ, chàng cào phần ruột mềm với hai ngón tay và vò thành viên nho nhỏ. Chàng tựa lưng vào thành hàng rào và ném từ từ những viên bánh mì xuống nước, chàng nhìn mỗi viên bánh trắng chìm trong bóng mát, những đầu cá xô đẩy nhau và tụ lại chung quanh cho đến khi viên bánh biến hẳn vào một trong những chiếc miệng. Rất thỏa thích chàng nhìn viên bánh này đến viên bánh khác lăn tòm xuống nước rồi mất hút. Thấy đói chàng tìm đến một trong những cô nhân tình đang giúp việc cho một bác bán thịt, mà chàng đặt tên là “phu nhân thịt dồi.” Chàng gọi cô ta bằng tiếng huýt sáo thường lệ Trước cửa sổ nhà bếp, mong cô ta sẽ dúi vào túi chàng dăm miếng thực phẩm để chàng ăn ở ngoài. Thật cao bên kia sông là ngọn đồi trồng toàn nho, lớp đất đỏ rất dày chiếu óng ánh thật trong lành dưới tàng lá nho sum sê, từng chùm cây dạ hương lan nho nhỏ xanh lơ đơm hoa trái giữa tiết xuân, hương thơm tỏa ngát.

Tất cả như cùng đi vào một ngày của quyết định và thực hiện. Khi Ngọc đến bên cửa sổ, mỉm cười ngó xuống chàng, với dấu hiệu quen thuộc chàng dơ tay ra, chợt chàng nhớ đến bao lần khác chàng cũng đã đứng chờ như thế. Sự phiền toái đến thật đúng lúc, chàng đoán trước việc gì sẽ xảy ra trong vài phút sắp đến: cô ta sẽ nhận thấy dấu hiệu của chàng, dừng chân lại, đi đến ngay cửa sau với một miếng gì đó trong tay, có thể là một khúc dồi un khói, chàng sẽ đón nhận và không quên ve vuốt cô ta một lúc, ôm chặt cô ta như cô ta hằng ưa thích. Thật ngu xuẩn vô cùng và thật xấu xa khi khêu gợi cả một chuỗi trò chơi máy móc mà chàng phải đóng tuồng để nhận lãnh thịt dồi, để tìm khoái cảm khi ép chặt bộ ngực căng tròn của cô ta vào người chàng. Đột nhiên chàng nhận ra một thói quen vô hồn lộ rõ từ gương mặt thô kệch này một cái gì máy móc và mất hết vẻ huyền bí trong nụ cười thân thiết, một cái gì làm chàng bị tước mất phẩm giá. Động tác của chàng cứng ngắt giữa khoảng không với nụ cười giá lạnh dừng lại trên môi. Chàng có còn yêu cô ta không? Thật sự chàng còn ham muốn cô ta không? Chàng đã đến đây quá nhiều lần, quá nhiều đến nỗi những nụ cười đều giống nhau và chàng cũng cười đáp lễ nhưng lòng vẫn trơ trơ. Những gì mà hôm qua chàng còn hăng say, ngày nay chàng lại không thể. Cô gái vẫn đứng kia, nhìn chờ đợi, nhưng chàng quay đi, biến mất cuối đường, tự quyết định không bao giờ đến đây nữa. Hãy để kẻ: khác mơn trớn bộ ngực cô ta! Hãy để kẻ khác ăn miếng dồi ngon lành kia! Sao những tên trưởng giả bụng bự lại làm biếng, hư đốn, khó tánh; vì chúng mà biết bao heo bò bị làm thịt, biết bao đàn cá dễ thương khốn khổ bị lưới lên từ lòng sông! Sao thành phố vui nhộn này tiêu thụ và tống thải hằng ngày bao nhiêu món béo bổ, lãng phí thế kia! Và chàng sao lại trở nên hư hèn, và đốn mạt; thật ghê tởm như những tên ở thành thị béo phị kia! Đối với một gã lang thang trên cánh đồng phủ tuyết, một trái mận chín cây hoặc một miếng vỏ bánh mì cũ còn ngon hơn cả bữa tiệc của những người trong hội đoàn giàu sụ như ở đây. Ôi! Đời sống phiêu bạt, sự tự do, bãi đất hoang dưới ánh trăng, vết chân bầy thú in dấu thật rõ trên ngọn cỏ đọng sương mai u ám! Tại đây, trong thành phố này, trong đám dân thành thị sung túc, việc gì cũng dễ và giá lại rẻ, kể cả yêu đương. Chàng đã quá đủ đối với chúng. Bất chợt chàng lại muốn gây gỗ với chúng. Cuộc sống ở đây đã mất hết ý nghĩa. Chỉ còn trơ lại một khúc xương đã cạn hết tủy. Khi nào vị thầy còn là gương sáng, Ly Phương còn là cô tiểu thư hương sắc gợi cảm thì chàng còn chịu đựng được và nhất là nếu chàng tiếp tục tạc tượng Thánh Gioan. Giờ đây đã hết, hương thơm thoảng mất hoa tươi đã úa tàn. Chàng như bị cuốn trôi vào lượn sóng đời dũng mãnh. Chàng thoát nhiên thức tỉnh trước cuộc đời vô thường. Một cảm giác ray rứt, nhiễm độc tuôn chảy và trào dâng trong lòng chàng. Thế gian này không có gì tồn tại, khát vọng rồi cũng khô kiệt, tất cả đều trở về với cát bụi. Duy trường tồn là người Mẹ muôn thuở, thật xa xưa mãi mãi tươi trẻ, phảng phất nụ cười u buồn của tình yêu và bạo lực. Một lần nữa chàng thấy Mẹ trong giây lát: một khuôn mặt cao vĩ đính muôn sao trên mái tóc. Mẹ ngồi mộng bên mép bờ trần thế, hái từng đóa hoa, ngắt từng mầm sống, bóp chặt và đùa cợt trong lòng bàn tay, và chậm rãi nhỏ từng giọt vào hư không vô tận.

Suốt những ngày hôm ấy, Đan Thanh lượn quanh phố xá quen thuộc trong cơn say chán chường vì sắp phải từ biệt, chàng ngắm mảnh đời tàn tạ đang úa dần. Thầy Không Lộ đã phải khó nhọc để lo tương lai và giúp chàng, người khách hiếu động, được định cư vĩnh viễn. Thầy đã thuyết phục hội đoàn cấp cho Đan Thanh một văn bằng và cũng trù tính một kế hoạch để buộc chàng ở lại làm việc với thầy mãi mãi, không phải như một thuộc viên mà là một người cộng sự, sẽ cùng thầy thảo luận và thực thi mọi việc quan trọng và sẽ chia đều lợi nhuận. Kể ra thầy cũng hơi liều vì còn có Ly Phương và có thể gã thanh niên sẽ chóng trở thành con rể trong nhà. Người thợ phụ giỏi nhất của ông cũng không tạc nổi một pho tượng cỡ tượng Thánh Gioan của Đan Thanh. Một lẽ khác, vì thầy sắp già, không còn bao nhiêu sáng kiến, năng lực sáng tác cũng suy yếu, và thầy không muốn thấy xưởng điêu khắc danh tiếng của thây phải hạ xuống mức thấp của những xưởng tầm thường. Không dễ gì uốn nắn Đan Thanh, nhưng thầy phải đánh liều.

Thầy vẫn lo lắng và suy tính. Thầy muốn nới rộng cái chái phía sau thành phòng làm việc cho Đan Thanh, và cho chàng căn phòng trên gác thượng, tặng chàng nhiều quần áo mới để chàng dự lễ gia nhập hội đoàn. Thầy cẩn thận thăm dò thái độ của Ly Phương. Nàng cũng đang mong chờ một việc gì tương tự kể từ bữa cơm trưa. Và Ly Phương không chống đối chuyện thầy dự tính. Nếu người bạn của nàng bị thuyết phục để chịu ở lại lập nghiệp và trở nên bực thầy trong nghề điêu khắc, nàng không bác bỏ. Không có gì trở ngại về phía nàng. Và nếu thầy Không Lộ và nghề nghiệp chưa thể thuần hóa hoàn toàn tên lãng tử, Ly Phương chắc chắn sẽ hoàn tất phần còn lại.

Mọi sự đã chuẩn bị chu đáo, miếng mồi dụ dỗ được nhử trước khi chiếc bẫy dàn ra cho con chim chui vào. Thầy đi tìm Đan Thanh và chàng đã đến không chậm trễ. Một lần nữa chàng được mời ăn tối. Lại chải chuốt, lại được ngồi trong căn phòng lộng lẫy và trọng thể, lại uống mừng thầy và cô con gái, sau hết, chàng rời khỏi phòng và Không Lộ dự thảo chương trình lớn lao của ông và đề nghị với Đan Thanh:

– Tôi nghĩ là cậu đã hiểu tôi, và tôi cần nói để cậu biết là rất hiếm người trẻ nào được thầy nâng đỡ nhanh chóng, dù chưa đắc lực trong thời gian tập việc đòi hỏi, mà còn được đặt để vào một tổ ấm. Sự nghiệp của cậu đã thành đạt, Đan Thanh.

Đan Thanh nhìn thầy, bối rối pha lẫn kinh ngạc, tay đẩy chiếc cốc rượu ra xa dù còn đầy một nửa. Chàng đã tưởng rằng Không Lộ sẽ quở trách chàng đôi chút vì có những ngày chàng bỏ việc rong chơi; nhưng bây giờ thầy lại để chàng đến ở với ông ta như một người phụ tá. Và bây giờ đã đến lúc. Chàng cảm thấy buồn bã và khó chịu vì phải ngồi đối diện với thầy. Chàng không có sẵn câu trả lời.

Gương mặt của thầy từ từ trở nên căng thẳng và thất vọng khi lời đề nghị vinh dự ấy lại không được Đan Thanh vui vẻ chấp thuận ngay. Thầy đứng lên và nói:

– Thôi được, đề nghị của tôi có lẽ hơi đột ngột. Và cậu cần suy nghĩ thêm. Không có gì mích lòng cả, tôi nghĩ rằng tôi đã mang đến cậu niềm vui lớn. Nhưng không sao, hãy dành thời gian suy nghĩ tiếp.

– Thưa thầy, Đan Thanh nói miệng lắp bấp, xin thầy đừng giận tôi, tôi xin cảm tạ lòng tốt của thầy với tất cả chân thành, luôn cả tính nhẫn nại của thầy đã dạy bảo tôi. Không bao giờ tôi có thể quên là tôi đội ơn thầy sâu xa. Nhưng tôi không cần thời gian để suy nghĩ, từ lâu tôi đã quyết định.

– Cậu đã quyết định gì?

– Tôi đã quyết định trước khi nhận lời mời dùng cơm của thầy và trước khi tôi biết đến đề nghị vinh hạnh được làm việc với thầy. Tôi không định ở lại đây lâu dài, tôi tính lên đường ra đi lần nữa.

Không Lộ tái xanh và nhìn chàng buồn bã. Đan Thanh van lơn:

– Thưa thầy, tôi không muốn làm buồn lòng thầy, hãy tin tôi, tôi đã nói quyết định của tôi. Không có gì lay chuyển nổi. Tôi phải ra đi, đi phiêu du, tôi phải được tự do. Một lần nữa, xin cảm ơn thầy, chúng ta hãy trao nhau lời từ biệt thân ái.

Chàng đưa tay ra, cố ngăn giọt lệ. Không Lộ không bắt tay chàng. Mặt thầy trắng bệch. Thầy bước quanh phòng, càng lúc càng nhanh, gót chân nện mạnh vì giận dữ. Chưa bao giờ Đan Thanh thấy thầy như thế.

Bỗng thầy dừng bước, cố gắng kinh khủng để tự kiềm chế, nhìn Đan Thanh và nói qua kẽ răng:

– Cũng được, đi nếu cậu phải đi! Nhưng đi ngay đi! Đừng bao giờ để tôi nhìn lại cậu! Tôi không muốn làm gì hoặc nói gì để sau này phải hối hận. Thôi cậu hãy đi đi!

Một lần nữa Đan Thanh chìa tay ra. Không Lộ nhìn như muốn đâm thủng bàn tay. Bây giờ chính Đan Thanh cũng tái cả mặt, chàng bước rất nhẹ ra khỏi phòng. Đến ngoài chàng đội mũ lên, lết xuống bực thang, để tay chạm phớt lên đầu cầu thang có chạm hình đầu người; chàng đi vào xưởng làm việc nhỏ giữa sân, đứng yên một hồi để từ biệt tượng Thánh Gioan của chàng, và rời ngôi nhà với niềm đau thấu tâm can; lòng chàng buốt giá hơn cả khi phải rời tòa lâu đài của nhà quý tộc và cô gái Liên Đài đáng thương.

Cuối cùng đã đến lúc chàng phải ra đi thật nhanh để không cần phải nói nhiều. Chàng được một an ủi độc nhất khi băng ngang ngạch cửa bỗng khám phá đường phố đổi dạng. Bộ mặt thân thuộc ngày nào chợt trở nên khác lạ khi ta phải xa lìa bao kỷ vật thân thiết.

Chàng nhìn trở lại khung cửa tòa nhà: một khung cửa xa lạ mà đối với chàng từ đây sẽ đóng chặt.

Trở về phòng, Đan Thanh bắt đầu chuẩn bị cho cuộc hành trình. Cũng không cần phải chuẩn bị; chàng chỉ cần chào từ giã. Có một bức họa trên tường do chàng vẽ ảnh Đức Mẹ thật dễ thương và vài món lỉnh kỉnh mà chàng thường dùng: chiếc mũ đội ngày chúa nhật, đôi giày khiêu vũ, một cuộn giấy vẽ, cây đàn nhỏ, một số tượng thạch cao do chàng nặn, vài quà tặng của các cô nhân tình gồm một bó hoa nhân tạo, một chiếc cốc màu hồng ngọc, cái bánh kẹp cứng hình trái tim, và những món lụn vụn tương tự. Mỗi món đều mang một ý nghĩa và kỷ niệm; chàng rất quý mến nhưng giờ đây lại là những thứ bận bịu choán chỗ; chàng không thể mang theo một món nào cả. Chàng đổi cho ông chủ nhà chiếc cốc màu hồng ngọc lấy con dao thợ săn thật tốt và mang ra mài bén trên tảng đá giữa sân. Chàng bẻ vụn bánh kẹp rải cho đám gà trong sân bên kia phố, tặng bức họa Đức Mẹ cho bà chủ nhà và được bà tặng lại một món rất tiện dụng: một túi da cũ đầy ắp lương khô đi đường. Chàng gói vài chiếc áo sơ mi bỏ vào túi da và hai cuộn giấy vẽ với cây cọ rồi để lương khô vào. Những thứ khác đành để lại.

Chàng phải chào từ giã nhiều cô trong thành phố, chàng đã ngủ với một trong các cô ấy hôm qua nhưng chẳng buồn hé môi về chương trình của chàng. Những kỷ niệm trữ tình đều biết cách tự ràng buộc vào kẻ ra đi, nhưng chàng không muốn hệ lụy. Chàng không đến chào một cô nào cả mà chỉ từ giã ông bà chủ nhà vào chiều tối để sáng hôm sau có thể lên đường thật sớm.

Và rồi có một người dậy rất sớm mời chàng vào bếp uống ly sữa nóng ngay vào lúc chàng vừa lẻn ra ngoài. Đó là cô gái con ông bà chủ nhà, một cô bé tuổi mười lăm, vẻ bệnh hoạn, có đôi mắt đẹp, và tật nơi hông nên dáng đi khập khiễng. Cô bé tên Mai. Tuy mệt mỏi và xanh xao, nhưng ăn mặc rất đường hoàng. Cô bé dọn sửa nóng và bánh mì cho chàng trong bếp, nàng lộ vẻ buồn rầu khi biết chàng sắp ra đi. Chàng cảm ơn cô bé và thương hại đặt một nụ hôn lên chiếc miệng nho nhỏ. Thật kính cẩn, cô bé đã nhắm mắt khi nhận chiếc hôn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.