Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang
Chương 10 (Phần 1)
Còn một lần nữa những tảng băng trôi theo dòng nước, còn một lần nữa những cánh hoa tím xông hương dưới đám lá khô mục. Đan Thanh tiếp tục lang thang suốt mọi mùa, đôi mắt thèm thuồng không bao giờ thỏa mãn, ghi đủ cảnh rừng núi, mây trời, bước chân qua từ trại này sang trại khác, khu làng này qua khu làng khác, người đàn bà này qua người đàn bà khác. Đôi khi trong ngày chiều mát, ngồi dưới chân cửa sổ, lòng chàng se lại: bên kia ánh lứa lung linh, quyến rũ, tất cả những cái gì cổ thể gọi là hạnh phúc, là thân mật êm ấm, là an bình trên trái đất, tất cả đều hiện ra, tất cả đều không thuộc về chàng.
Những gì chàng tưởng đã biết rõ, tất cả đều hiện ra một lần nữa, bắt đầu lại, và mỗi lần mỗi biến đổi: những chuyến đi dài qua những cánh đồng, những bãi đất hoang hoặc trên những con đường lởm chởm đá, những giấc ngủ trong núi rừng mùa hạ, những buổi rong chơi vào các làng xóm, theo sau bầy con gái dắt tay nhau cắt cỏ trở về hoặc hái những cành hoa hốt bốt về nấu bia, cơn chớm lạnh đầu thu, những ngày đầu giá rét, tất cả đều trở lại một hai lần, trước mắt chàng khúc phim muôn màu mở ra liên miên không dứt. Đan Thanh đã trải qua nhiều ngày mưa rơi, nhiều ngày tuyết đổ, đến một hôm, chàng leo lên đỉnh của một ngọn núi cao, băng một khu rừng dẻ gai đã đâm chồi nẩy lộc xanh um, một cảnh sắc mới mẻ ngoạn mục đã đánh thức những làn ý nghĩ mù mờ hỗn tạp trong lòng chàng, những ước ao cùng hy vọng. Từ mấy hôm nay chàng biết mình đang lại gần miền này và chàng chờ đợi, vào giữa trưa, chàng bất chợt thấy nó. Những gì con mắt chàng thu nhận, những ý nghĩ trước đây của chàng và tăng thêm hy vọng. Giữa những thân cây xám và đám lá nhẹ lay, tia nhìn của chàng hướng xuống thấp, một thung lũng xanh, nâu lẫn lộn, một dòng sông rộng ở giữa, lóng lánh phản chiếu màu xanh lơ của cỏ cây. Giờ đây chàng đã vượt hết đoạn đường dài không có lối đi của những vùng đất mới, băng qua những bãi truông, những khu rừng và những hoang vu, họa hoằn lắm mới gặp một căn trại hay một xóm nghèo nàn khốn khổ. Dòng sông cuộn chảy dưới chân chàng và dọc theo hai bên bờ là một trong những con đường nổi tiếng nhất, ở đó trải dài một vùng đất trù phú, ở đó tàu bè qua lại dập dìu, con đường đưa tới những khu làng xinh xắn, những đền đài, những tu viện và những thành phố sung túc, ở đó ai muốn có thể đi lên trên nhiều ngày mà không sợ thình lình chúng biến mất như những con đường khốn nạn miền quê của những bác nông phu thường vạch ra bất cứ nơi đâu trong một khu rừng, nơi một bãi đầm lầy nước đọng. Đó là điều mới lạ làm Đan Thanh vui thích.
Ngay tối hôm đó, chàng đã ở trong một khu làng xinh xắn, ở ngay sông có những vườn nho đỏ dọc theo con lộ chính, những ngôi nhà với những cây cột đầu hồi sơn đỏ tuyệt đẹp, những vòm cổng uốn cong, những đường nhỏ có từng bậc thang bằng đá, một lò rèn chiếu ra đường chùm tia sáng đỏ rực, tiếng nện trên đe nghe chan chát. Người khách lạ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thở hít men rượu mùi trong các thùng chứa nơi các cửa hầm, mùi cá tươi mát ở bến sông, chàng đi thăm nhà thờ, rồi nghĩa trang, không quên tìm kiếm một vựa lúa thích hợp để có thể trú đêm. Nhưng trước tiên chàng muốn thử xin ăn ở nhà người mục sư, chàng gặp được một người to béo hồng hào. Lão cật vấn chàng một lúc, và chàng kể cho lão nghe cuộc đời chàng, giấu chuyện này, bày đặt thêm chuyện kia, rồi sau đó người ta nồng nhiệt tiếp đãi chàng. Đan Thanh tán chuyện gẫu với người chủ nhà suốt buổi tối ấy trước bữa cơm thật ngon, rượu ngọt tràn đầy trong tiệc. Hôm sau chàng tiếp tục con đường dọc theo dòng sông. Những chiếc bè gổ trôi qua, những con tàu chở khách, chàng bắt kịp những chiếc bè, có chiếc đã cho chàng quá giang một đoạn đường. Những ngày mùa xuân trôi đi với biết bao hình bóng, những khu làng, những thành phố nhỏ đón tiếp chàng, những người đàn bà cười tươi bên hàng giậu, những người đàn bà quỳ gối trên đất nâu để cấy những cây nhỏ, những người con gái hát vang trong phố chiều.
Trong một trại xay lúa, một cô bé đã làm chàng say mê và đã giữ chàng lại suốt hai ngày quanh quẩn bên nàng. Cô gái cười giỡn và trò chuyện cùng chàng: Đan Thanh có cảm tưởng chàng thích hơn hết được làm thằng thợ xay phụ để được ở đấy mãi mãi. Chàng cũng nhập bọn với đám dân chài, giúp những người chủ xe chăm sóc đánh chải con vật, đổi lại chàng được bánh và thịt, được quá giang xe. Sau một thời gian lâu sống cô đơn, giờ đây chàng sống với xã hội, với mọi kẻ đi đường, sau thời gian nghiền ngẫm những ý nghĩ đen tối, giờ đây chàng tìm ra niềm vui với đám người vui vẻ cởi mở. Sau những ngày dài thiếu đói, giờ đây chàng được thỏa thuê ngày này sang ngày khác. Mọi thứ đều thuận tiện cho chàng và chàng bỏ mặc niềm vui đưa đẩy mình đi, nó kéo chàng về phía nó và càng ngày chàng càng đi gần tới những thành phố lớn, những con đường càng đông hơn và vui vẻ hơn.
Đêm vừa buông, chàng đến một khu làng và đi dạo bên bờ nước có tàng cây phủ. Dòng sông mạnh mẽ trôi trong im lặng, nước rì rào kêu réo trong những đám rễ cây. Trăng đã lên đỉnh đồi chiếu sáng dòng nước, và những bóng đen của đám lá hiện ra. Chàng thấy một cô gái đang ngồi kia, cô nàng vừa cãi lẫy với người tình, y đã bỏ đi để cô gái ở lại một mình. Chàng đến ngồi một bên nàng, vuốt ve bàn tay cô gái và nghe những lời than thở, chàng kể chuyện rừng núi, những con mang, an ủi, làm nàng cười một chút, và nàng nhận một nụ hôn. Nhưng kìa người chồng đã tìm đến với nàng, y đã nguôi ngoai và hối hận về cuộc cãi vã. Khi thấy Đan Thanh ngồi cạnh cô gái, y nhảy xổ lại và đấm chàng; Đan Thanh khó mà né tránh, nhưng sau cùng chàng cũng thắng y, chàng trai kia bỏ chạy vào làng miệng chửi rủa, người con gái đã biến mất từ lâu. Nhưng Đan Thanh không tin là được bình yên như thế. Chàng bỏ dự định ngủ lại và lên đường ngay giữa đêm trăng sáng, chàng đi trong một phong cảnh yên lặng và sáng ngời như chạm bạc. Rất thích thú với đôi chân tốt của mình, chàng đi mãi cho đến khi sương đêm rửa sạch bụi giày. Cho đến khi bất chợt thấy mình mỏi mệt, chàng nằm xuổng ngay nơi gốc cây đầu tiên và ngủ vùi. Trời sáng đã lâu. Đan Thanh thấy nhồn nhột ở mặt đang ngái ngủ, chàng đưa tay lên dụi mắt và ngủ lại, một thoáng sau chàng lại choàng tỉnh vì cũng bị nhột trên mặt giống lúc nãy. Chàng mở mắt: một người con gái quê đang đứng đấy nhìn chàng và trêu chọc chàng bằng một cành liễu trên tay. Đan Thanh lảo đảo đứng dậy, cả hai cùng cười, tỏ vẻ đồng ý và cô gái dẫn chàng vào một căn trại để chàng có chỗ ngủ tốt hơn. Cả hai nằm bên nhau cùng ngủ. Một lát sau cô gái đi ra và trở lại với một thùng sữa tươi nóng hổi. Chàng tặng cô gái dải băng xanh để cột tóc mà chàng đã nhặt trên đường phố trước đó, rồi họ hôn nhau lần cuối trước khi chàng tiếp tục đường mình. Nàng tên Phượng và chàng thật buồn khi phải chia tay. Tối hôm đó, chàng trọ ngủ trong một tu viện và dự lễ sáng, hàng ngàn kỷ niệm khuấy động lòng chàng, không khí mát lạnh dưới vòm nhà bằng đá, tiếng dép lách cách ngoài hành lang, tất cả như thân thiết quen thuộc, chàng thấy lòng mình thắt lại.
Buổi lễ đã xong, gian nhà thở lại chìm trong im lặng. Đan Thanh vẫn quỳ gối, tim chàng cảm động dị thường. Đêm đó chàng mơ thật nhiều, chàng thấy mình cần phải thay đổi lối sống, tìm cách vứt bỏ quá khứ đi, chàng chẳng hiểu tại sao; có lẽ kỷ niệm ở Thánh n và lòng kính tín thuở nhỏ đã làm chàng xúc động. Chàng thấy mình cần phải xưng tội và cần phải rước mình Thánh. Những tội lỗi nặng nhẹ chàng đều cần thú nhận, nhưng đè nặng lên hồn chàng vẫn là cái chết của Viên, cái chết do chính tay chàng vấy máu. Chàng tìm một vị linh mục xưng tội, thú nhận tất cả và nhất là những nhát dao trên kẻ bạc mệnh. Đã lâu năm chàng chưa xưng tội, tội lỗi chàng không ít và cũng không phải là nhỏ. Chàng chờ được cứu chuộc bằng một hình phạt nặng nề nhưng vị linh mục tỏ vẻ cảm thông với kiếp
Sống lang thang, cha không giận dữ, ngồi bình lặng uy nghi như một người bạn, chả chê trách chàng, khuyến dụ chàng, nhưng không phải là không dung thứ. Đan Thanh đứng lên như đã trút được gánh nặng theo hình phạt do cha chỉ định, chàng cầu nguyện trước bàn thờ và sắp sửa bước ra, thì một tia sáng xuyên qua cánh cửa sổ. Chàng nhìn theo và trong một giáo đường nhỏ cạnh đấy, chàng thấy một pho tượng. Pho tượng đã làm chàng hồi hộp xúc động, đã kéo chàng phải xoay hẳn người về phía ấy với đôi mắt đầy thương yêu, chàng quan sát với vẻ trầm tư và một xúc cảm sâu xa. Đó là một pho tượng Đức Mẹ bằng gỗ nghiêng nghiêng một cách thật dễ thương trong một dáng điệu nhẹ nhàng, tấm áo choàng buông lơi từ đôi vai nhỏ nhắn, bàn tay trinh bạch đưa ra dưới vầng trán kiều diễm, đôi mắt ngước nhìn chàng, miệng lộ rõ nét thương đau. Tất cả đều thật sống động, thật đẹp như tràn đầy sinh khí luân lưu, pho tượng thật có hồn đến nỗi chàng tưởng chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt diệu đến thế. Chàng chiêm ngưỡng chiếc miệng ấy say mê không chán, vẻ duyên dáng quen thuộc của chiếc cổ. Chàng có cảm tưởng như điều chàng thấy trong mơ nay đã thành tựu, điều mà nhiều lần chàng hiểu rõ hay thoáng qua trong mơ, điều mà chàng đã xiết bao khao khát. Nhiều lần chàng quay lưng định đi nhưng hình ảnh ấy lại lôi kéo chàng.
Lúc chàng sắp rời pho tượng, vị linh mục mà chàng xưng tội đến đứng sau chàng. Bằng một giọng nhân hậu, người hỏi:
– Con thấy đẹp?
– Đẹp không thể tả, thưa cha.
– Đã có nhiều người khen như thế, cũng có kẻ bảo đấy không hẳn là Đức Mẹ đồng trinh, pho tượng có vẻ thế tục và kim thời quá, cái gì cũng quá đáng và giả tạo. Người ta bàn cãi nhiều về vấn đề đó, với con, cha rất sung sướng thấy con tỏ vẻ thích pho tượng, nhà thờ ta chỉ mới có một năm nay do một ân nhân, thầy Không Lộ, đã tạc ra và mang tặng.
– Không Lộ là ai thế cha? Ông ta ở đâu? Cha có quen với ông ta không? ồ, xin cha nói về người ấy cho con nghe đi! Hẳn phải là người tuyệt diệu, đầy tràn những thiên bẩm, mới đủ khả năng tạo nên một tác phẩm như thế.
– Cha không biết ông ta nhiều lắm. Ông ta là một điêu khắc gia nổi tiếng trong tỉnh ở cách đây một ngày đường, một nghệ sĩ rất được quý trọng, thường thì nghệ sĩ không phải Thánh, và ông ta cũng không phải Thánh nốt, dĩ nhiên, nhưng đó là một con người có tài, có bộ óc cao cả, cha đã gặp ông ta nhiều lần.
– Ồ! Cha đã gặp người ấy rồi sao? Ông ta như thế nào, thưa cha?
– Này, hình như con bị ổng thu hút hoàn toàn rồi đấy. Nào, con hãy tìm gặp ông ta đi và bảo cha Bách gởi lời chào nhé!
Đan Thanh cảm tạ không cùng. Vị linh mục cười và bỏ đi nhưng chàng vẫn còn đứng đó trước mặt pho tượng một hồi lâu, khuôn mặt huyền bí ấy, lòng ngực như phập phồng hơi thở, khuôn mặt đầy vẻ đau thương và hiền dịu làm lòng chàng se thắt.
Chàng rời nhà thờ, hoàn toàn đổi khác, những bước chân đưa chàng băng qua một thế giới đã thay đổi dáng hình. Từ khi nhìn thấy pho tượng dịu dàng, Đan Thanh bắt đầu có một cái gì chàng chưa bao giờ có , điều chàng vẫn luôn luôn chế giễu hoặc thèm muốn nơi những người khác: đó là một mục đích. Bây giờ chàng đã có một mục đích và có lẽ chàng sẽ đạt được, có lẽ toàn thể cuộc đời chàng, một cuộc đời phân tán, sẽ tìm ra ý nghĩa, một giá trị: cảm tưởng mới mẻ ấy khiến chàng vừa hân hoan vừa lo ngại, và như chắp thêm đôi cánh cho chàng. Con đường xinh đẹp vui tươi chàng đang tiến bước không còn là con đường của ngày hôm qua, nó không chỉ là nơi chơi đùa của đám người vui vẻ, không chỉ là nơi người ta dừng lại để cảm thấy vui thú, con đường đó dẫn vào thành phố, con đường đưa đến một vị thầy. Trong lúc hăm hở đến đích, chàng cắm đầu chạy. Đến nơi trời đã về chiều. Chàng thấy những đỉnh tháp hiện ra sau những bức thành, những huy hiệu chạm trổ vẽ trên cửa thành, chàng vượt qua, lòng hồi hộp không chú ý đến những tiếng ồn ào vui nhộn của đám đông trong đường phố, những tay kỵ sĩ đang ngất ngưỡng trên yên ngựa, những chiếc xe song mã lượn ngang, tất cả đối với chàng đều không quan trọng. Chàng hỏi thăm ngay người đầu tiên chàng gặp dưới cổng thành, và thất vọng vì ông ta chẳng biết gì về Không Lộ cả.
Đan Thanh đi đến một nơi chen chúc những ngôi nhà, phần đông đều vẽ vời trang hoàng lộng lẫy. Đi đến dưới một cánh cửa có vẽ một người lính đánh thuê bóng loáng, màu sắc thật sống động tươi vui, tuy không đẹp bằng pho tượng ở nhà thờ, nhưng nó có một dáng điệu độc đáo, một bắp chân lộ rõ, chiếc cằm đầy râu thật hiên ngang, và Đan Thanh tự nhủ có lẽ cùng một vị thầy đã tạc ra tượng ấy. Chàng bước vào nhà gõ cửa, rồi leo lên thang, cuối cùng chàng gặp một người đàn ông mặc một chiếc áo choàng lụa lót lông. Chàng hỏi thăm về Không Lộ. Anh muốn gặp ông ta làm gì? Ông ta hỏi lại thay vì trả lời. Đan Thanh phải dằn lòng và phải nói rằng chàng mang tin đến cho ông ta. Người đàn ông chỉ đường đi, sau một hồi hỏi thăm đường, chàng đã đến trước ngôi nhà vị thầy chàng ngưỡng mộ. Trời đã tối. Chàng thấy lòng mình se lại nhưng thật sung sướng. Khi đứng trước ngôi nhà, mắt nhìn lên cửa sổ. Chàng đã muốn vào ngay, nhưng nghĩ vì đã tối, mồ hôi và bụi đường bám đầy người sau một ngày vất vả, chàng cố nén chờ đợi nhưng vẫn đứng yên một lúc lâu trước ngôi nhà. Chàng thấy một khung cửa sổ sáng lên và ngay khi vừa dợm bước đi chàng thấy một bóng người lại gần cửa, một cô gái tuyệt đẹp tóc hung hiện ra, ánh sáng mờ dịu của cây đèn phía sau chảy dài trên suối tóc.
Sáng hôm sau, khi thành phố đã tấp nập ồn ào, Đan Thanh tắm rửa trong một tu viện đã cho chàng trọ qua đêm, giũ sạch bụi trần trên áo trên giày, và chàng trở lại con đường hôm trước, gõ vào cánh cửa lớn của ngôi nhà. Một bà già giúp việc bước ra nhưng không chịu dẫn chàng lên gặp ông thầy ngay. Chàng phải tìm cách nói khéo khiến bà ta phải xiêu lòng và dẫn chàng vào. Trong một gian phòng nhỏ dùng làm xưởng, nhà điêu khắc đáng kính khoác chiếc áo làm việc đang đứng đấy, đó là một người đàn ông to lớn, râu ria, chừng bốn năm mươi tuổi, ông ta nhìn người khách lạ bằng đôi mắt sắc như dao và lạnh lùng hỏi chàng muốn gì. Đan Thanh chuyển lại lời chào của cha Bách.
– Xong chưa?
– Thưa thầy ở tu viện kia, tôi đã thấy Đức Mẹ của thầy. Chàng nghẹn giọng nói tiếp, ồ, xin thầy đừng nhìn tôi cau có như thế, tôi chỉ đến đây với lòng yêu kính thầy. Tôi không nhút nhát, tôi đã sống cuộc đời lang thang khá lâu, tôi đã cọ sát cùng núi rừng, tuyết giá và cơn đói khát, không kẻ nào có thể làm cho tôi sợ. Nhưng với thầy tôi đã sợ. Tôi chỉ có một ước mong lớn lao, lòng tôi đã tha thiết với nó đến khổ sở.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.