Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 11 (Phần 1)



Đan Thanh bắt đầu một cuộc sống mới tại thành phố này với bao hình ảnh mới lạ chung quanh. Phong cảnh và phố xá đón nhận chàng với niềm vui, lòng bao dung và sức quyến rũ. Mặc dù tận tâm khảm, bức thành sầu vẫn còn nguyên vẹn, cùng với sự tỉnh giác, đời sống bề mặt của chàng luôn luôn vui nhộn, đầy màu sắc.

Đối với chàng đây là đoạn đời sung sướng và thoải mái nhất. Thế giới bên ngoài là các thú vui, đàn bà với những hình ảnh thú vị và biết bao tác phẩm mỹ thuật. Trong tâm chàng, ý thức nghệ thuật sống lại và gợi cho chàng nhiều kinh nghiệm và cảm giác mới mẻ. Ông thầy đã giúp chàng tìm được chỗ trọ nơi nhà người thợ kim hoàn trong khu chợ cá. Nơi đây và tại xưởng mỹ nghệ chàng đã học cách sử dụng gỗ, thạch cao, phẩm màu, vẹt ni và thếp vàng.

Đan Thanh không thuộc loại những nghệ sĩ có thiên tài bị bỏ quên vì không tìm được phương thức hay nhất để diễn đạt. Nhiều người có thể cảm nhận thật tinh tường và sâu xa vẻ đẹp của tạo vật, thể nhập dễ dàng những hình ảnh tráng lệ ấy nhưng không thể biểu lộ, sáng tạo để truyền thông đến người khác thưởng ngoạn. Đan Thanh không khổ tâm vì sự khiếm khuyết ấy, chàng sử dụng đôi tay rất dễ dàng, thích thú được học những kinh nghiệm nhà nghề của ngành thủ công, và sau giờ làm việc chàng cũng học đánh đàn với các đồng nghiệp và học khiêu vũ vào các chủ nhật, xuống phố. Chàng làm việc khá nhọc tại xưởng khắc gỗ, gặp nhiều khó khăn và chán nản, chàng đã làm hỏng vài mẫu gỗ quý, và nhiều lần đứt tay. Nhưng chàng đã nhanh chóng khắc phục và trở nên khéo léo. Ông thầy vẫn chưa vừa ý và đã nói với chàng: “May cho chúng tôi là cậu không phải người tập việc hoặc phụ tá. Và cũng may là chúng tôi biết trước đây cậu đã sống lang thang trong rừng và một ngày kia cậu sẽ quay về nơi đó. Nếu không biết cậu là gã phiêu bạt không nhà, không phải là dân thành thị hoặc thợ thủ công, tất nhiên sẽ ép buộc cậu vào khuôn khổ, điều mà mọi người thầy đều phải đòi hỏi nơi các môn đệ. Cậu sẽ làm việc không đến nỗi tệ khi nào cậu hứng thú. Tuần qua cậu đã bỏ đi chơi hai ngày. Hôm qua cậu lại ngủ hết nửa ngày trong sân trước xưởng thay vì đánh bóng hai bức tượng Thánh.”

Ông thầy đã nói đúng và Đan Thanh im lặng lắng nghe, không đính chính. Chàng biết rằng chàng không phải là người đáng tin cậy, chăm làm việc. Lúc nào mà công việc làm chàng say mê, nảy sinh nhiều khó khăn hoặc làm chàng thích thú vận dụng đến sự khéo léo, thì chàng rất hăng hái. Chàng không thích công việc thủ công loại nặng hoặc những việc vặt vãnh; tuy không khó nhưng đòi hỏi thời gian và cần mẫn. Chàng thường thấy khó chịu vì những khía cạnh trung thực bền chí của nghề thủ công. Đôi khi chàng cho là quái dị. Phải chăng những năm dài lang thang đã làm chàng sinh ra lười biếng và không đáng tin cậy? có lẽ những gì chàng thừa kế từ mẹ chàng đang nảy nở và xâm chiếm tâm hồn chàng? Hoặc vì, chàng thiếu thốn một điều gì khác? Chàng nhớ đến những năm đầu tiên ở tu viện, thuở ấy chàng là một cậu học sinh chăm và giỏi. Sao chàng kiên nhẫn thế? Và bây giờ không như trước được? Tại sao chàng đã học không biết mệt và rất khá cú pháp La Tinh, văn phạm Hy Lạp, chàng đã tận lực học hỏi để rồi tất cả trở thành vô nghĩa? Hơn một lần chàng đã nghĩ về vấn đề này. Tình yêu bạn đã rèn luyện ý chí và làm chàng mọc cánh. Trước kia mục đích đời chàng là chiếm cho được trái tim của Huyền Minh, một người chỉ có thể lôi cuốn bằng cách làm cho y phải khâm phục và thừa nhận mình. Thuở ấy chàng sẵn sàng dành hết ngày giờ làm nô dịch chỉ để đổi lấy một cái nhìn tán thưởng của vị thầy khả ái. Cuối cùng mục đích đã đạt: Huyền Minh trở thành bạn chàng, và thật lạ lùng, chính người ấy đã chứng tỏ cho chàng biết là chàng không có năng khiếu trong sự học và đã khơi dậy hình ảnh người mẹ khuất bóng. Thay vì sự học, đời khổ tu, đức hạnh, thì chính những thúc đẩy khác mãnh liệt hơn, thuộc bản năng đã trở thành vị thầy của chàng: dục tình, đàn bà, lòng thèm khát tự do và máu ưa thích giang hò. Chàng đã ngắm pho tượng Đức Mẹ và khám phá con người nghệ sĩ trong chính mình. Chàng đã rẽ qua một lối ngoặc mới và trở lại sống định cư. Hiện giờ chàng đang ở đâu? Lối rẽ mới này sẽ dẫn chàng đến đâu? Và đâu là những chướng ngại?

Lúc đầu chàng cũng không hiểu rõ. Chàng chỉ biết một điều là chàng ngưỡng mộ thầy Không Lộ, hoàn toàn khác hẳn so với lòng kính yêu Huyền Minh, và đôi lúc chàng thích thú làm cho thầy thất vọng, và bực bội. Điều này cũng có liên hệ với bản tính mâu thuẫn của thầy. Trong những pho tượng do thầy Không Lộ tạc nên, những pho nổi bật nhất là gương sáng cho Đan Thanh, nhưng chính cuộc đời của thầy thì không.

Ngoài con người nghệ sĩ đã tạc tượng Đức Mẹ, chiếc miệng đẹp u uẩn; ngoài sự hiểu biết, tài tiên tri và đôi bàn tay biết chuyển đổi một cách kỳ ảo những kinh nghiệm uyên thâm và trực giác bén nhạy thành đường nét, còn có con người khác trong thầy Không Lộ: như một người cha, một người giúp đỡ, vừa nghiêm khắc vừa đáng sợ, một người góa vợ sống câm lặng, hơi thu hẹp với cô con gái và bà lão giúp việc xấu xí trong ngôi nhà vắng vẻ, người đã chống lại những đam mê sôi bỏng của Đan Thanh tuy chàng đang tập dần, nếp sống yên tĩnh, tiết độ, trật tự và đứng đắn.

Tuy Đan Thanh rất tôn kính thầy, dù chàng chưa bao giờ tự cho phép thắc mắc hoặc phê phán thầy với một người nào khác, nhưng sau khoảng một năm, chàng hiểu Không Lộ hơn, biết từng chi tiết nhỏ. Thầy rất có ảnh hưởng đối với chàng. Chàng đã thương và ghét thầy ngang nhau. Với tình thương pha lẫn nghi ngờ, tính tò mò song song với dè dặt, cậu học trò từ từ xông vào những góc cạnh thầm kín trong bản chất và cuộc đời của thầy. Không Lộ chưa hề cho phép người tập việc hoặc phụ tá đến ở chung dù nhà có dư phòng. Thầy ít ra ngoài và cũng ít mời khách. Thầy thương cô con gái đẹp cộng thêm lòng ghen tuông do đó thầy muốn giấu nàng với mọi người. ̉n sau vẻ nghiêm nghị và đời sống tiết dục quá sớm của một người góa vợ, bản năng của thầy vẫn còn đó. Những chuyến đi xa vài ngày để nhận đặt hàng đã biến đổi tính tình và làm thầy trẻ ra.

Có lần khi đến dựng một giảng đường nơi một tỉnh nhỏ, một đêm chàng đã thấy Không Lộ lẻn đến nhà điếm và những ngày sau thầy có vẻ bồn chồn, như lâm bệnh.

Ngoài chuyện lạ lùng ấy, thời gian qua có một cái gì khác đã ràng buộc Đan Thanh với gia đình thầy và làm chàng bận tâm. Cô Ly Phương xinh đẹp đã lôi cuốn chàng mãnh liệt. ít dịp chàng được thấy nàng, không bao giờ nàng tới xưởng và khó biết được vẻ nghiêm nghị dè dặt đối với đàn ông là do cha nàng bắt buộc hay là bản tính nàng vẫn thế. Chàng để ý rằng mình chưa được mời đến dùng bữa lần thứ hai do đó thật khó gặp nàng. Ly Phương là cô gái được cưng chiều và kín đáo, chàng không dám hy vọng yêu và cưới nàng. Người nào muốn cưới nàng ít ra cũng phải môn đăng hộ đối, là hội viên của một hội đoàn cao sang và đương nhiên phải có tiền và nhà cửa.

Ngay hôm đầu tiên, Đan Thanh đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của Ly Phương, một vẻ đẹp khác xa bọn gái lang thang và thôn nữ. Có một điểm gì nơi nàng mà chàng khó nhận ra, điểm kỳ lạ đã làm chàng đảo điên và cũng làm chàng nghi ngờ, nhức nhối. Nét bình thản ngây thơ, phong thái trinh trắng vừa qua tuổi thơ dại. Một vẻ lạnh nhạt khiêm cung núp sau dáng thanh nhã thản nhiên. Sự ngây thơ của Ly Phương không làm chàng xao xuyến, ngã quỵ (chàng chưa bao giờ quyến rũ một đứa trẻ), nhưng đã khiêu khích và làm chàng thêm bực tức. Khi hình ảnh nàng trở nên thân mật như xuất phát tận đáy tim, chàng cảm thấy bị thôi thúc phải tạc một bức tượng của nàng, không phải theo dáng dấp hiện hữu mà phải là gương mặt khêu gợi cảm giác, đau khổ, tượng thánh Magdalene, không mang nét trinh trắng. Chàng đã thường mơ đến một khuôn mặt thanh thản duyên dáng, bất động, nhăn nhíu vì khoái lạc hoặc đau đớn, một khuôn mặt phơi bày tất cả bí ẩn.

Còn có một khuôn mặt khác sống động trong tâm tư chàng, mặc dù chàng không hoàn toàn nắm giữ. Một khuôn mặt mà chàng đã ao ước chiếm đoạt và mong nhờ nghệ thuật tái tạo, nhưng luôn luôn lẩn khuất và tự lịm tắt: khuôn mặt của mẹ chàng. Khuôn mặt ấy không còn là khuôn mặt ngày xưa, sau buổi nói chuyện với Huyền Minh, đã hiện lên từ vực sâu ký ức. Khuôn mặt ấy đã biến đổi dần theo những ngày phiêu lãng, những đêm ân ái; những giờ phút say mê thèm khát khi sự sống đang bị đe dọa hoặc cái chết kề cận; khuôn mặt ấy càng trở nên phong phú, xa vời và đằm thắm hơn. Người mẹ của riêng chàng không tồn tại lâu, đường nét và màu sắc đã thoát đi để cấu tạo một người mẹ chung, Eva, người mẹ của muôn người. Nhân dáng trong pho tượng Đức Mẹ do thầy Không Lộ tạc đã diễn tả thật sống động đến mức tuyệt kỷ người mẹ đau khổ của Thiên Chúa; thật vượt quá sức của Đan Thanh, chàng mong rằng một ngày nào, tài nghệ vững vàng và điêu luyện hơn chàng sẽ đủ năng lực tạo được hình ảnh một người mẹ của nhân loại, người mẹ Eva, một bóng hồng ngự trị trong tâm tưởng thật xưa và trìu mến. Hình bóng ấy trước đây là ký ức về người mẹ của riêng chàng, là tình mẫu tử, nhưng hiện giờ đang chuyển biến không ngừng và thêm nhiều đường nét. Khuôn mặt của Liên, cô gái giang hồ, của Liên Đài con gái nhà quý tộc, của biết bao người đàn bà khác đều gia hợp với hình ảnh nguyên sơ. Thêm một người đàn bà, một kinh nghiệm, một cuộc phiêu lưu mới là tạo thêm đường nét vào pho tượng. Khuôn mặt mà chàng mong ước hình thành một ngày nào sẽ không tượng trưng cho một mẫu phụ nữ nào, mà đích thực là mạch sống, là người mẹ sơ khôi. Nhiều khi chàng tưởng đã nhìn thấy hoặc hiển hiện trong giấc mơ. Nhưng chàng không thể nào nhận rõ một điểm gì về gương mặt Eva, hầu diễn đạt tương quan mật thiết giữa khoái lạc, đau khổ và chết chóc.

Đan Thanh đã học được rất nhiều, trong một năm chàng trở thành một họa viên khá, thỉnh thoảng Không Lộ dạy chàng nắn tượng đất ngoài việc khắc gỗ. Thành công đầu tiên của chàng là một chân dung bằng đất, khuôn mặt hiền dịu và quyến rũ của… em gái Liên Đài, cao hai gang tay. Thầy ngợi khen nhưng không chấp thuận để Đan Thanh lên khuôn kim loại; vì trông có vẻ dâm đãng trần tục, và rồi Đan Thanh bắt đầu tạc tượng Huyền Minh bằng gỗ mang hình ảnh Thánh Gioan. Nếu khá Không Lộ sẽ xếp loại vào các tượng Thập tự giá mà thầy đã nhận thực hiện từ lâu với hai người phụ tá riêng chuyên trách, và những nét cuối cùng sẽ dành cho thầy tô chuốt.

Đan Thanh đã tạc tượng Huyền Minh với một tình yêu sâu đậm. Chàng đã khám phá trở lại chính chàng, tìm lại sự khéo léo và tâm hồn của chính mình, có những lúc dường như chàng lạc mất dấu vết. Những chuyện tình, những buổi khiêu vũ, uống rượu với đồng nghiệp, chơi xúc xắc và nhiều chuyện cãi vã đã làm chàng vướng bận quay cuồng, chàng đã bỏ xưởng đi xa một vài ngày, hoặc lơ đễnh cau có ngay lúc làm việc. Nhưng với tượng Thánh Gioan của chàng, hình ảnh người bạn trìu mến và trầm mặc, đã đến với chàng từ mẩu gỗ đường nét trinh nguyên rõ dần, chàng chỉ làm việc khi nào hăng hái, với lòng sùng kính và khiêm cung. Trong những giờ phút ấy, chàng không vui cũng không buồn, không biết đến ham muốn xác thịt và cũng quên bẵng thời gian. Một lần nữa, chàng cảm nhận trong tâm khảm sự cung kính, thanh thoát, trong suốt như pha lê, khi tự buông thả cho người bạn, sung sướng được bạn dìu dắt. Không phải là chàng đang đứng đây để sáng tạo một hình ảnh theo ý muốn của chính mình. Đây là một con người khác hẳn, là Huyền Minh đang sử dụng đôi tay nghệ sĩ để bước ra khỏi dòng đời nhất thời chuyển biến, để biểu lộ hình ảnh tinh khôi và tự mình hiện hữu.

Đó là con đường mà chân nghệ thuật phải đạt tới. Chàng đã rùng mình khi nghĩ đến điều ấy. Không Lộ đã tạo nên pho tượng Đức Mẹ bất hủ cũng trong tinh thần ấy, pho tượng mà chàng đã đến xem những ngày chúa nhật ở tu viện. Trong phòng khách của thầy có nhiều pho tượng cổ nhưng rất ít bức thể nhập được bí ẩn trên, một trạng thái thiêng liêng. Và sẽ có một ngày, hình ảnh độc nhất vô nhị mà chàng chôn kín và tôn thờ, người mẹ của nhân loại, cũng sẽ được thể nhập cùng một trạng thái. A! Chỉ có bàn tay con người mới sáng tạo được những sáng tác nghệ thuật như vậy, những hình ảnh thánh thiện tinh khôi, không hoen ố bởi ý muốn và khoe khoang. Nhưng không phải lúc nào cũng được. Nhiều hình ảnh khác đã được tạo ra: xinh đẹp, vui sướng, những nghệ phẩm điêu luyện được trang hoàng trong thánh đường, tòa đô sảnh, niềm vui của những người hâm mộ mỹ vật, những sản phẩm tuy có đẹp, nhưng không thiêng liêng, không chân thật, phát tiết từ đáy tim. Chàng biết nhiều về những loại nghệ phẩm ấy, không riêng của Không Lộ hoặc những thầy khác, không tinh xảo mỹ thuật, thật không đáng gì nếu không muốn nói là chỉ để mà chơi. Chàng hổ thẹn và buồn chán khi cảm nghiệm điều trên. Chàng hiểu rằng, với đôi tay người nghệ sĩ dễ dàng dâng tặng những nghệ phẩm xinh đẹp kiểu trên cho đời để thỏa mãn tính háo danh và tham vọng.

Và điều trên đã làm chàng buồn muốn chết được. Thật không có gì giá trị để trở thành nghệ sĩ nếu chỉ để tạo những tượng thiên thần nho nhỏ hoặc những gì tầm phào tương tự. Những kẻ khác, thợ thủ công hoặc dân thành thị mộc mạc, dễ tính, có thể nhận thấy giá trị, nhưng chàng thì không. Đối với chàng, nghệ thuật và mỹ thuật phải chiếu rực như ánh dương, uy vũ như sấm sét. Chàng không ích lợi trong việc mang đến tiện nghi, ưa thích, những trò vui nhỏ bé. Chàng đang lên đường đi tìm những gì khác hơn. Chạm trổ hợp thời và dát vàng một vương miện xinh xắn cho tượng Đức Mẹ. Không phải là việc của chàng dù được trả công cao. Tại sao thầy Không Lộ lại nhận thực hiện những việc trên? Tại sao thầy có đến hai phụ tá? Thầy chịu ngồi hàng giờ để nghe các nghệ sĩ, giám mục, tay phe phẩy cây thước đo đặt làm cánh cổng hoặc giảng đường? Thầy có hai lý do, hai lý do hèn hạ: thầy muốn trở thành nghệ sĩ nổi tiếng đông khách hàng, chồng chất nhiều tiền của, không phải cho một việc gì lớn lao hoặc để ăn chơi, mà cho cô con gái thầy làm của hồi môn, mua sắm vòng cổ, áo gấm và một chiếc giường hợp cẩn bằng cây bồ đào, trải chăn mền đắt giá. Như thể cô con gái không tìm được tình yêu trên đống cỏ khô vậy.

Dòng máu người mẹ luân chuyển sâu xa trong người Đan Thanh khi chàng có những ý nghĩ trên. Chàng cảm thấy niềm kiêu hãnh pha lẫn khinh thị của kẻ không nhà đối với người định cư, giàu có. Quá chán mỹ nghệ và ông thầy, nhiều lần chàng đã toan bỏ đi rong. Hơn một lần thầy đã giận và lấy làm tiếc đã gặp phải một người bạn rắc rối không tin cậy, đã làm thầy hết chịu đựng nổi, thầy đã biết nhiều về cuộc sống của Đan Thanh, thờ ơ với tiền bạc của cải, ưa hoang phí, tình ái lăng nhăng, cãi vã lung tung, những điều không giúp Đan Thanh được cảm tình, thầy đã mang vào nhà một gã lang thang, một kẻ lạ lùng. Đến mức thầy phải tảng lờ trước cái nhìn của tên lưu lạc trên cô con gái. Thầy đã cố gắng chịu đựng, ngoài giới hạn bổn phận bắt thầy phải lo lắng, chỉ vì bức tượng Thánh Gioan đã bắt đầu sống động với lòng thương yêu thân thiết, dù không muốn nhìn nhận, thầy dò xét gã lang thang đã đến với thầy từ rừng xanh, đang đẽo gọt tượng thánh bằng gổ, tuy nét vẽ vụng về nhưng khuôn mặt khá đẹp và cảm động, vì bức vẽ này mà thầy đã giữ Đan Thanh lại. Dù tánh ý Đan Thanh bất thường, làm việc hay gián đoạn, thầy nhìn nhận bức tượng đã vượt quá khả năng của hai người phụ tá, cả những vị thầy nổi tiếng cũng khó làm nổi. Cậu học trò đã làm thầy phật ý nhiều điều, thầy đã không tiếc lời la mắng những cơn nổi xung của cậu ta, nhưng đối với tượng Thánh Gioan, thầy chưa hé môi lần nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.