Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 14 (Phần 2)



Chàng không sợ; chàng đã nếm qua nỗi sợ chết giữa một đêm đông dưới hàng thông, khi móng vuốt gã Viên vồ lấy họng chàng, và sau này trong cơn giá lạnh và đói khát của những ngày điêu đứng. Thần chết đã đến khắc nghiệt như thế với những ai dám chống trả, dám tự vệ và chàng đã một mình tự vệ, với đôi tay và chân run rẩy, với bao tử há hốc và thân xác kiệt quệ. Chàng đã chống trả, chiến thắng và trốn thoát. Nhưng không ai có thể chiến đấu nổi với cái chết từ bệnh dịch; ta chỉ biết phó mặc và thúc thủ để nó hoành hành. Đan Thanh đã nhẫn nại từ lâu. Chàng không sợ, chàng xem như không thiết tha với đời sống lâu dài, kể từ lúc chàng đã bỏ Lan ở lại trong căn chòi lửa cháy, để đi vào cuộc hành trình không kết thúc qua những vùng đất đã bị tử thần tàn phá. Nhưng tính tò mò cố hữu đã dẫn dắt chàng và giữ chàng tỉnh thức; chàng không biết mệt, chàng nhìn ngắm lưỡi hái tử thần, lắng nghe bài hát phù du của vạn vật. Chàng không đi lạc khỏi con đường của chàng. Nơi nơi chàng vẫn giữ nguyên một nỗi đam mê thầm lặng để tham dự hết các từng địa ngục với đôi mắt mở rộng. Chàng đã ăn bánh trong nhiều căn nhà bỏ trống, ca hát và nâng ly trong những bữa tiệc cuồng loạn, hái từng cánh hoa nhục cảm sớm úa tàn, nhìn thẳng vào đôi mắt say khướt của các bà, trực diện với đôi mắt đứng yên ngây dại của gã say và lợt lạt của người hấp hối. Chàng yêu thương vẻ tuyệt vọng nôn nóng của người đàn bà, chàng giúp mang xác chết để đổi lấy bát canh, lấp đất chôn những thi thể trần truồng vì 2 đồng “pennies.” Tất cả đều trở nên đen tối và hoang dại trong thế giới này. Thần chết đã tru lên bài ca của hắn và Đan Thanh đã lắng nghe trong cơn mê lạc say bỏng. Mục đích của chàng là thành phố của thầy Không Lộ; nơi mà nhịp tim reo vang lôi chàng đến. Con đường thật dài với bệnh tật, điêu tàn và chết chóc tiếp diễn.

Chàng đi trong buồn bã, nhiễm độc vì bài ca của tử thần, hồn mở rộng tiếp đón tiếng kêu thét khốn khổ của nhân gian, tuy ưu tư nhưng hứng khởi, những cảm quan đều bừng tỉnh.

Trong một tu viện chàng đã đến trước một bức họa mới vẽ trên tường. Chàng đã nhìn ngắm khá lâu bức họa: một vũ khúc của tử thần. Thần chết xanh xao, trơ xương và cả một đám đông nhảy múa từ cõi sống vào cõi chết: nào là vua chúa, mục sư, thầy dòng, bá tước, hiệp sĩ, y sĩ, nông phu, binh sĩ – trong khi ấy những bộ xương nhạc sĩ tấu nhạc với những ống xương hông. Đôi mắt tò mò của Đan Thanh đã bị bức họa thu hút hết. Một đồng nghiệp vô danh, đã áp dụng bài học mà chàng đã chứng kiến từ bệnh dịch hạch, và qua ngọn bút vẽ, đã thét lên tiếng kêu chát chúa, thấu đến tai mọi người bài thuyết giảng về cái chết không sao tránh được. Đó là một bức họa đẹp, một bài giảng thuyết hay. Người bạn vô danh đã nhìn thấy và vẽ lên chủ đề ấy. Từ bức họa man dại ấy, ngân vang một dư âm ghê rợn của những bộ xương. Nhưng đó không phải là những gì Đan Thanh đã thấy và chứng nghiệm. Đó là cái chết bị ép buộc đã được vẽ lên, một số mệnh khắc nghiệt và tàn nhẫn. Nhưng Đan Thanh lại thích một bức họa khác hơn. Trong tâm hồn chàng, bài ca hoang dại của thần chết có một tiết điệu hoàn toàn khác hẳn; không khô khan những xương và sọ, nhưng mật ngọt và quyến rũ hơn, như tiếng mẹ hát ru con, như lời mời gọi trở về mái ấm gia đình. Nơi nào bàn tay thần chết với đến sự sống âm thanh không chỉ là chát chúa và hiếu sát mà còn là thâm trầm và trữ tình, man mác hơi thu, là cửa hồn mở rộng, là ngọn đèn leo lét giữa lòng đời; càng kề sát với tử thần, càng bừng lên sáng ngời. Đối với những người khác, một chiến sĩ, một quan tòa hoặc tên đao phủ, cái chết mang bộ mặt một người cha nghiêm khắc. Đối với chàng cái chết như một bà mẹ và một người tình, đó là tiếng gọi của hôn phối, là xúc cảm yêu đương. Sau khi xem bức họa vũ khúc tử thần, Đan Thanh cảm thấy bị lôi cuốn về thầy Không Lộ và xưởng mỹ nghệ bằng một hấp lực mới. Đâu đâu chàng đều dừng lại trước cảnh tượng và kinh nghiệm mới. Mũi chàng run lên vì hít thở mùi tử khí. Nơi nào chàng cũng phải mất một giờ hoặc một ngày để giúp đỡ vì thương xót và hiếu kỳ. Một đứa bé nhà quê lên năm hay sáu, khóc mếu máo vì sắp chết đói đã theo chàng suốt ba ngày. Chàng đã cõng nó trên vai nhiều giờ liền. Chàng khổ sở không biết làm sao dứt của nợ. Cuối cùng chàng giao nó cho vợ một người phu mỏ. Chồng bà ta đã chết và bà muốn nuôi một đứa trẻ để có người hủ hỉ. Có một con chó vô chủ cũng đã theo chàng mấy hôm. Chàng cho nó ăn, nhờ nó chàng ngủ được ấm áp hơn, nhưng một buổi sáng nó cũng bỏ đi mất. Đan Thanh rất tiếc vì chàng đã quen chuyện vãn với nó. Có khi hằng giờ liền chàng nói về tội ác của con người, về sự hiện hữu của Chúa, về nghệ thuật, về gò ngực và bờ hông của Liên Kiều, cô gái trẻ con nhà quý tộc mà chàng đã biết hồi còn trẻ. Hiển nhiên là Đan Thanh đã hơi muốn điên suốt cuộc hành trình trong vòng tay thần chết: bất cứ ai sống giữa vùng; bệnh dịch đều hóa điên, và nhiều người đã điên hẳn. Có thể Hương Vân cũng hơi điên dại – một cô gái đẹp tăm tối với đôi mắt bốc lửa, chàng đã theo nàng suốt hai ngày qua.

Chàng đã gặp nàng bên ngoài một thị trấn nhỏ, ngồi co rúm trên cánh đồng gần đống gạch vụn, khóc nức nở, tay vả vào mặt, bứt làn tóc đen huyền. Mái tóc nàng đã làm chàng động lòng. Một mái tóc tuyệt đẹp và chàng nắm lấy đôi tay hung dữ, giữ yên rồi nói với nàng, chú ý đến vẻ đẹp trên gương mặt và vóc dáng của nàng. Nàng đang khóc thương cha nàng đã bị đốt thành tro với 14 người Do Thái khác theo lệnh chánh quyền thị trấn. Nàng đã trốn thoát nhưng giờ đây lại tuyệt vọng quay về và tự kết án mình là đã không để đốt cháy với những người thân. Tuy nàng vẫn muốn giằng ra, chàng vẫn kiên nhẫn giữ lấy đôi lay nàng và dịu dàng nói với nàng, thỏ thẻ những lời êm ái và xin được giúp đỡ, bảo vệ nàng. Nàng nhờ chàng giúp chôn cất người cha. Họ gom tất cả xương từ đám tro còn ấm, mang đến một chỗ kín đáo rất xa trên cánh đồng và vùi xuống đất. Khi chiều buông xuống, Đan Thanh đi tìm một nơi để ngủ. Trong khu rừng sồi nhỏ chàng dọn một chỗ ngủ cho cô gái, và khi nàng đã nằm xuống, chàng hứa trông chừng nàng và lắng nghe tiếng nàng than thở, khóc tấm tức; cuối cùng nàng đi vào giấc ngủ. Rồi chàng cũng chợp mắt một lát, và sáng sớm chàng bắt đầu tán tỉnh nàng. Chàng nói rằng nàng không thể sống đơn độc như vậy, nàng Sẽ bị nhận diện là người Do Thái và bị giết chết, hoặc những khách bộ hành trụy lạc sẽ cưỡng đoạt nàng, rừng xanh không thiếu sói dữ và những tên giang hồ. Nếu chàng mang nàng theo dù sao đi nữa chàng cũng bảo vệ được nàng khỏi lũ sói và người. Vì chàng thương xót và yêu mến nàng, vì mắt chàng còn sáng để biết thưởng thức sắc đẹp – không bao giờ chàng cho phép làn mi thông minh hiền dịu và bờ vai tuyệt mỹ kia bị bầy thú nuốt sống hoặc để chết thiêu nơi cột dàn hỏa. Nàng lắng nghe, xịu mặt xuống rồi bổng nhảy vọt lên chạy mất. Chàng phải đuổi theo và tóm lấy nàng trước khi nói tiếp.

Vân ơi! Em có thấy là tôi có ý làm tổn hại em không? Em đang buồn, nhớ tiếc cha em, em chưa muốn nghe chuyện yêu đương lúc này. Nhưng ngày mai, ngày kia, hoặc sau này, tôi sẽ van xin em nữa. Cho đến khi tôi được bảo vệ em, mang thức ăn đến cho em và tôi không chạm đến người em. Hãy đau buồn đến lúc nào em muốn. Em có thể buồn hoặc vui với tôi. Luôn luôn em có thể làm những gì để mang nguồn vui đến với em.

Nhưng lời chàng nói đã bay theo gió. Nàng không muốn làm điều gì để tạo niềm vui, nàng vẫn nói chuyện giọng chua chát và quạu quọ. Nàng chỉ muốn làm điều gì mang đến sầu não. Không bao giờ nàng lại nghĩ đến một điều gì vui vẻ; chó sói sẽ nhanh chóng ăn thịt nàng có lẽ tốt hơn. Bây giờ chàng phải đi, chàng không thể làm điều gì được nữa, họ đã nói với nhau quá nhiều. Chàng nói:

Em à! Em có thấy chết chóc dẫy đầy khắp nơi? Trong bất cứ nhà nào, thị trấn nào, người ta đang chết, mọi vật đều khốn đốn. Sự tàn bạo của những kẻ ngu xuẩn đã đốt cháy cha em thật không nghĩa lý gì cả so với nỗi khốn khổ chung; đó là hậu quả của một sự thống khổ cùng cực. Hãy xem, rồi thần chết sẽ đến viếng chúng ta, và ta sẽ nát rữa ra trên cánh đồng và bầy chuột chũi sẽ chơi lúc lắc với những mành xương của ta. Ta hãy sống một chút trước khi đi đến như thế và hãy từ ái với nhau. Ôi! Vòng cổ trắng nõn nà và bắp chân thon nhỏ của em trông đáng thương làm sao! Hỡi em yêu dấu, hãy đến với tôi, tôi không chạm vào em. Tôi chỉ muốn nhìn em và lo lắng cho em.

Chàng van xin khá lâu. Bỗng nhiên chàng hiểu tại sao những lời nói và lý lẽ tán tỉnh nàng đều vô dụng. Chàng câm nín và nhìn nàng buồn bã, một gương mặt lộng lẫy kiêu sa, thẳng thắn từ khước.

Anh là người như thế đó, cuối cùng nàng lên tiếng, giọng căm hờn và khinh bỉ. Tâm địa một người Thiên Chúa giáo là như vậy đó! Ban đầu anh giúp đỡ một người con gái chôn cất cha của cô ấy, mà đồng bào anh đã giết chết, một móng tay của ông ấy còn đáng giá hơn tất cả con người anh, và khi mọi việc đã xong, người con gái phải thuộc quyền anh và đi giang hồ với anh. Anh như thế đó! Đầu tiên tôi nghĩ có lẽ anh là người tốt. Nhưng bây giờ anh lại ra như thế! Anh chỉ là một lũ heo!

Trong lúc nàng nói Đan Thanh nhận ra trong đôi mắt nàng, ẩn sau lòng căm hận, một cái gì lóe sáng khiến chàng xúc động tận đáy lòng và làm cho chàng hổ thẹn với chính mình. Chàng nhìn thấy trong ánh mắt nàng không phải thần chết đến ép buộc nàng từ bỏ cuộc đời mà chính nàng ao ước được chết, nàng lặng lẽ tuân phục và tự buông trôi theo tiếng gọi của người Mẹ đại thể.

Hương Vân, chàng nói giọng êm nhẹ, có lẽ em nói đúng. Tôi không phải là người tốt, tuy nhiên tôi có thiện ý đối với em. Hãy thứ lỗi cho tôi. Chỉ lúc này tôi mới hiểu được em.

Chàng cất mũ lên và cúi chào nàng kính cẩn như chào một bà công tước, và ra đi với trái tim se thắt; chàng phải để nàng chết. Một thời gian lâu dài chàng buồn bã và không nói lời nào. Ở vài khía cạnh nào đó, cô gái Do Thái kiêu sa đã nhắc đến Liên Đài, cô con gái nhà quý tộc, tuy hai người vẫn khác biệt nhau. Yêu loại phụ nữ này chỉ chuốc lấy khổ đau. Nhưng trong thoáng chốc chàng tưởng như chưa hề yêu người đàn bà nào, trừ hai người, Liên Đài đáng thương và Hương Vân chua chát. chúng ta đã nghĩ đến cô gái ngăm đen tươi tắn ấy nhiều ngày và nhiều đêm mơ đến vẻ đẹp mảnh mai bốc lửa của thân thể nàng, hương sắc ấy đáng lý chỉ đành riêng cho lạc thú nhưng lại từ khước để đi vào cõi chết. Ôi bờ môi và gò ngực ấy sẽ ngã xuống làm mồi cho lũ heo để rồi nát rửa giữa đồng hoang! Không có sức mạnh hoặc phép lạ nào để cứu thoát đóa hoa thơm quý ấy sao? Có sức mạnh và phép lạ ấy đang tiếp tục sống trong hồn chàng, được chàng dung hợp và mãi mãi duy trì hình đáng ấy. Chàng kinh hoàng và khoan khoái khi ý thức tâm tư chàng đã chất chứa bao hình ảnh, suốt cuộc hành trình dài đăng đẳng qua vùng đất chết chóc, biết bao ý niệm về hội họa và điêu khắc đã in sâu vào ký ức. Ôi, sao người chàng căng phồng đến mức gần như vỡ toang vì những ý niệm ấy. Chàng khát vọng trở về với chính mình, về với những hình ảnh nội tâm để rồi hiển lộ thành những tác phẩm bất tử, chàng tiến tới hăng hái hơn, khát vọng dâng cao, đồi mắt mở to, giác quan tò mò, chàng cần hơn bao giờ hết giấy trắng, viết chì, thạch cao, gỗ và xưởng điêu khắc.

Mùa hạ qua mau. Nhiều người phỏng đoán bệnh truyền nhiễm sẽ chấm dứt khi thu đến hoặc lập đông. Một mùa thu không được vui. Đan Thanh đã đi ngang qua những vùng đất không còn ai hết để hái trái, mặc cho nó chín mùi rồi tự rơi rụng và mục nát trên đồng cỏ. Ở những nơi khác từng lũ đã man từ thị trấn đến cướp bóc, đập phá.

Chậm chậm Đan Thanh tiến đến gần mục tiêu, đôi khi chàng bị xâm chiếm bởi lo sợ có thể nhiễm bệnh và gục chết trong một chuồng bò nào đó trước khi đến nơi mong ước. Từ lâu chàng đã không còn muốn chết trước khi thưởng thức lạc thú được đứng một năm nữa trong xưởng điêu khắc và lao mình vào sáng tác. Lần đầu tiên đối với chàng thế giới sao quá rộng, đế quốc Đức quá to lớn. Không còn thị trấn đẹp đẽ nào cám dỗ được chàng cư ngụ, không một thôn nữ xinh tươi có thể giữ chàng lại hơn một đêm. Ở một nơi chàng đã đi ngang qua một ngôi nhà thờ. Trên khung cửa an vị nhiều tượng dán nơi chỗ hủng sâu và được chống đỡ bởi hàng cột nhỏ chạm trổ nhiều hình ảnh: nhiều pho tượng của Thiên thần, Thánh tông đồ và Thánh tử đạo, giống như những pho tượng chàng đã trông thấy nhiều lần trong tu viện Thánh n. Lúc trước trong tuổi thiếu niên, chàng đã nhìn ngắm, nhưng không biết say mê, chàng chỉ thấy đẹp và đáng tôn kính, đôi chút trang nghiêm, đường nét cứng đơ và cổ lỗ. về sau qua chuyến phiêu du đầu tiên dai dẳng, khi đã thích thú vì pho tượng Đức Mẹ buồn êm ả của thầy Không Lộ, chàng thấy những bức tượng đá uy nghiêm cổ xưa quá nặng nề, cứng ngắt và ngoại lai. Chàng chê những pho tượng ấy và nhận thấy đường nét mỹ thuật tân kỳ của vị thầy dễ thương hơn, dũng mãnh và sống động. Bây giờ quay về từ một thế giới đầy hình ảnh tâm tư chàng in rõ dấu vết bao cuộc phiêu lưu và kinh nghiệm khốc liệt ngập tràn niềm đau hoài vọng về ý thức sáng tạo mới lạ, chàng chợt xúc động dữ dội vì những bức tượng uy nghiêm và cổ kính ấy. Chàng nghiêng mình trước những pho tượng sùng kính ấy mà bên trong vẫn sống mãi trái tim thời cổ đại. Trải qua bao thế kỷ ưu tư và lạc thú của những thế hệ đã tiêu hoại, được khắc sâu vào tượng đá để trở nên bất tử với dòng thời gian. Lòng kính tín của chàng bỗng lóe lên từ vùng tâm thức vừa trở lại an nhiên và hốt hoảng trước cuộc đời băng hoại của chính mình.

Chàng đi tìm một nơi để xưng tội và xin cứu chuộc, việc làm mà bấy lâu nay chàng không hề nhớ đến.

Có nhiều phòng xưng tội trong nhà thờ nhưng không còn cha sở. Các cha đã chết hết, nằm trong bệnh viện hoặc đã bỏ đi nơi khác tránh bệnh dịch khủng khiếp. Nhà thờ vắng tanh. Bước chân Đan Thanh vang lên trong lòng giáo đường dưới vòm cung bằng đá. Chàng quỳ trước phòng xưng tội trống trơn, nhắm mắt lại và thì thầm thú tội. “Lạy Chúa, xin chúa đoái thương xem con sẻ ra sao. Con đã trở về từ thế gian. Con đã biến thành kẻ hung ác, một tên vô dụng. Con đã phung phá tuổi thanh xuân và giờ đây gần như chẳng còn gì nữa. Con đã giết người, con đã ăn cắp, đánh đĩ đi hoang, lười biếng và ăn quịt bánh của kẻ khác. Lạy Chúa kính yêu, tại sao Chúa lại tạo ra chúng con, sao Chúa dẫn dắt chúng con đi vào con đường ấy? Chúng con không phải là con của Chúa hay sao? Có phải con của Chúa đã chịu chết thay chúng con? Không có Thánh thần nào dẫn dắt chúng con ư? Hoặc tất cả những chuyện vui lạ ấy được tưởng tượng ra để kể cho lũ trẻ nghe, để các thầy dòng cười nhạo? Con đã bắt đầu nghi ngờ Chúa. Chúa đã tạo dựng một thế giới không tốt lành, thế giới của Chúa đang sống trong một kỷ cương tội ác. Con đã thấy những ngôi nhà chất đống thây ma, những con đường trải dài xác chết. Con đã thấy người giàu ẩn nấp trong nhà hoặc chạy trốn nơi khác, người nghèo để mặc anh em nằm chết không mai táng. Họ nghi kỵ lẫn nhau, họ tàn sát người Do Thái như súc vật. Con đã thấy biết bao người vô tội rên siết, ngã chết và nhiều kẻ hung ác vênh váo trong nếp sống sung mãn. Có phải Chúa đã hoàn toàn quên hết và bỏ rơi chúng con, có phải Chúa đã ghê tởm các đứa con của Chúa tạo dựng? Hay là Chúa muốn chúng con đều phải diệt vong?”

Làm dấu xong, chàng bước ra ngoài dưới cánh cửa cao lớn và nhìn những pho tượng câm lặng, thiên thần và các thánh đứng hốc hác và cao lớn trong những chiếc áo thụng gấp nếp cứng đơ và bất động, trông thật xa vời và siêu phàm, những pho tượng được chính bàn tay và trí não con người sáng tạo. Uy nghiêm và câm điếc, họ đứng đó trong chỗ trũng chật hẹp, bỏ ngoài tai những lời thỉnh nguyện, băn khoăn. Nhưng họ vẫn là niềm an ủi vô biên, họ chiến thắng thần chết và tuyệt vọng trong hào quang chói lọi và phẩm hạnh trang nghiêm của họ vẫn đứng vững khi con người sinh ra rồi chết đi, thế hệ này nối tiếp thế hệ sau. Ôi! Nàng Hương Vân xinh đẹp đáng thương rồi cũng đứng trên ấy với các pho tượng, tội nghiệp cho Lan đã chết thiêu đốt với căn chòi, và Liên Đài diễm lệ, và thầy Không Lộ! Một ngày kia tất cả đều sẽ đứng chung trên ấy và trường tồn vĩnh cứu. Chàng sẽ đặt họ lên trên ấy, những pho tượng biểu hiện cho tình yêu, cho đam mê khắc khoải, và đang dằn vặt chàng hôm nay. Họ sẽ đứng vững cho đến những thế hệ đời sau, không tên tuổi, không lịch sử, họ là biểu tượng thầm lặng của kiếp người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.