VỤ ÁN PROTHÉRO
Chương XVIII : Kết luận của ngài tư pháp
Vào 2 giờ chiều hôm đó, tại khách sạn Cá Xanh người ta đã dựng lại hiện trường vụ án. Không cần phải nói là điều này đã làm náo động cả làng. Thử nghĩ xem! Từ hơn mười lăm năm nay chưa có một tội ác nào xảy ra ở Saint Mary Mead. Lại còn thanh danh của nạn nhân nữa chứ, địa điểm nơi nạn nhân đã bị giết và người ta đã có ý nghĩ rất hay là một phi vụ như vậy cần được trưng ra cho dân chúng ở xứ đạo nhỏ bé của chúng tôi.
Giữa các nhóm người truyền đi những suy nghĩ rõ là không dành cho tôi, rồi tôi nghe thấy:
– Trông ông mục sư kìa. Sao ông ta trông tái xanh thế! Cũng nên hỏi xem nếu ông ta đã… Trời! Chuyện đó còn xảy ra ở nhà cha xứ nữa…
– Sao mà bà có thể nói như vậy hả Marie Adam? Khi chuyện đó xảy ra, ông ấy đi đến thăm Henri Abbott.
– Vâng, vậy… nhưng người ta nói là ông ấy đã cái vã với ông đại tá. Này! Xem Marie Hill kìa. Cô ta đang uốn éo đấy! Bởi vì cô ta phục vụ ở đây và tưởng mình là quan trọng… Suỵt! Ông tư pháp đã đến.
Viên tư pháp của Much Benham là bác sĩ Roberts. Ông ta ho, đeo kính lên và lấy điệu bộ trịnh trọng. Nhưng tôi sẽ không kể lại tất cả các chi tiết của nghiệp vụ tư pháp này. Điều đó sẽ làm các bạn buồn chán. Tất nhiên là Lawrence vẫn giữ ý kiến là đã phát hiện tử thi và công nhận khẩu súng là của anh ta. Những gì anh ta nhớ lại được là anh ta vẫn nhìn thấy khẩu súng ở nhà anh ta vào thứ ba, trên giá sách nhưng anh ta không bao gờ khóa túp lều của anh ta cả. Bà Prothéro lại kể lại một lần nữa là bà ta đã thấy chồng lần cuối vào 6 giờ kém 15 phút như thế nào, vào lúc họ chia tay nhau trong làng. Bà ấy sẽ phải đến đón ông ở nhà cha xứ một lúc sau đó. Vậy là bà ta đã đi đến nhà cha xứ vào khoảng 6 giờ 15, và đi qua con đường phía cuối vườn. Không nghe thấy tiếng nói nào trong phòng làm việc, bà ta cho rằng không có ai ở đó, nhưng người ta có thể nghĩ rằng ông đại tá đã ngồi vào bàn giấy của tôi, nếu vậy, thì bà ta không thể nhìn thấy ông ấy. Theo bà ta thì đại tá ở trong tình trạng sinh lý và tâm lý hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, bà ta không biết kẻ thù nào có thể gây ra cho ông ấy việc quá quắt đến thế!
Rồi đến lượt tôi khai. Tôi nhớ lại rằng tôi có cuộc hẹn với Prothéro ở nhà tôi và bỗng nhiên tôi lại bị gọi đến nhà Abbott. Tôi kể lại đã tìm thấy tử thi trong điều kiện nào và đã phải gọi bác sĩ Haydock.
– Ai có thể biết được rằng đại tá Prothéro phải đến nhà cha xứ, tối hôm đó? – Viên tư pháp hỏi.
– Nhiều người, chắc là vậy. Vợ tôi biết, cả cháu tôi nữa; và buổi sáng hôm đó thậm chí, khi tôi gặp ông ta trong làng, đại tá đã nhắc tôi về chuyến đến thăm của ông ta. Người ta đều có thể nghe thấy vì ông hơi bị điếc và luôn nói rất to.
– Nói cách khác là cả làng đều biết.
Tôi đồng tình.
Người ta nghe lời khai của Haydock. Đây là một nhân chứng quan trọng. Anh ta miêu tả tỉ mỉ về mặt kỹ thuật, vị trí của xác chết và những vết thương mà anh ta đã thấy. Ý kiến của anh ta rất rõ ràng: người ta đã bắn đại tá khi ông này đang ngồi viết. Theo anh ta thì thời điểm chết có thể xác định gần đúng giữa 6h20 và 6h30, những chắc chắn không thể sau 6h35. Anh ta khẳng định chắc chắn và rất dứt khoát điểm này. Mặt khác việc tự tử không thể được tính đến: vì rõ ràng là người chết không thể tự gây cho mình một vết thương như thế được.
Lời khai của viên thanh tra kín đáo và ngắn gọn. Anh ta nói đơn giản anh ta đã bị gọi đến nhà cha xứ như thế nào và trong hoàn cảnh nào anh ta đã thấy cái xác.
Sau đó người ta đã xem xét bức thư và nhận biết giờ mà lá thư đã chỉ ra. Họ cũng lưu tâm đến sự chạy nhanh của đồng hồ quả lắc và họ đồng ý xác định giờ chết là 6h22. Cảnh sát đã giữ lại tất cả các bằng chứng. Anne Prothéro kể với tôi, sau đó là họ đã yêu cầu bà ta chỉ ra rằng bà đã đến đó trước 6h20 một chút.
Nhân chứng tiếp theo là Marie của chúng tôi. Cô ta đã khai rất kỳ lạ. Cô ấy đã không nghe thấy gì và cũng không muốn nghe thấy gì hết. Người ta thường không có thói quen giết những người đến nhà cha xứ. Cô ta có việc phải làm, chấm hết. Đại tá Prothéro đã đến nơi, chính xác vào 6h15. Không, cô ta đã không nhìn đồng hồ quả lắc nhưng đã nghe thấy chuông đồng hồ nhà thờ điểm 6h15, vào lúc cô vừa mời đại tá vào phòng làm việc. Cô vẫn giữ ý kiến là không nghe thấy tiếng súng và nếu phát súng đã nổ thì cô ta đương nhiên phải nghe thấy. Tất nhiên, cô ta hiểu là một phát súng phải được bắn ra vì ông kia đã bị giết, nhưng cô ta lại không nghe thấy gì cả!
Vìên tư pháp cũng không gặng hỏi nữa. Tôi nhận thấy quan tòa và Melchett làm việc rất ăn ý.
Bà Lestrange cũng đã được gọi đến nhưng bà ta đã gửi đến một giấy chứng nhận do Haydock ký nói rằng tất cả mọi sự di chuyển đều bị cấm đối với bà ta.
Chúng tôi chẳng còn nhân chứng nào ngoài bà già giúp việc nhà cho Lawrence Redding. Bà ta tiến lên, run rẩy từ đầu đến chân. Người ta đưa ra khẩu súng, bà ta nhận ra nó ngay. Nó vẫn thường ở trong phòng khách của ông chủ.
– Ông ấy luôn để nó trên giá sách. – Bà ta nói.
Bà Archer đã nhìn thấy khẩu súng lần cuối cùng ngay trong ngày xảy ra tội ác. Bị hỏi thúc ép hơn, bà ta nói chính xác là vào thứ Năm, lúc 1h kém 15 khi bà ta rời chỗ đó.
Tôi hơi sửng sốt vì lời khẳng định dứt khoát đó vì tôi nhớ lại là bà già giúp việc này đã rất lưỡng lự khi bị Lawrence thẩm vấn.
Viên tư pháp tóm tắt những lời khai với vẻ thận trọng nhất. Ông ta đã đánh giá tội ác như sau: “Vụ giết người được thực thi bởi một người lạ hoặc những người lạ”.
Tất nhiên là thế!
Khi rời phòng, tôi đi qua một đám thanh niên mà mặt mũi không hiểu có vẻ gì rất giống nhau. Chắc chắn là tôi biết họ. Tôi đã thường xuyên thấy họ lượn quanh nhà xứ từ vài hôm naỵ. Tôi chỉ muốn tránh xa họ. Thế là tôi lại quay vào quán Cá Xanh và gặp ngay nhà khảo cổ. Tôi bám lấy ông ta.
– Có một số nhà báo ở đây, – Tôi nói – ông có thể giúp tôi thoát khỏi họ được không?
Ông ta mời tôi trèo lên một cái cầu thang hẹp dẫn đến phòng của ông. Cô Cram đánh máy chữ thoăn thoắt. Cô ta cười hồ hởi chào tôi và nhân cơ hội này để nghỉ tay một lát.
– Thật kỳ lạ là người ta vẫn chưa biết ai là hung thủ. Vụ điều tra này thật đáng thất vọng. Cuộc đối chất chẳng được tích sự gì, từ đầu đến cuối.
– Cô cũng đã ở đó à cô Cram?
– Tất nhiên rồi. Hơi lạ là ông đã không trông thấy tôi. Ông không trông thấy tôi thật à? Tôi thấy phật ý vì một người đàn ông, kể cả là mục sư, cũng phải có mắt chứ.
– Và ông cũng đã ở đó chứ? – Tôi hỏi ông tiến sĩ để thoát khỏi câu nói đùa đó.
(Những phụ nữ trẻ như cô Cram làm tôi khó chịu thật sự).
– Không, – Stone nói – vì tôi không quan tâm đến câu chuyện đó. Ý thích của riêng tôi là đủ rồi.
– Một ý thích thú vị thật!
– Ông biết à?
Tôi đành phải thú nhận là tôi không hiểu biết gì về khảo cổ học cả.
Nhưng Stone không phải loại người đầu hàng sự dốt nát. Và kết quả đúng như là nếu tôi trả lời rằng sự khai quật là nỗi đam mê của tôi. Ông ta rất cao hứng! Khai quật sâu, khai quật theo vòng tròn, thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, thời đại đồ đá cũ và mới…, ông ta nói không ngừng. Tôi chỉ có thể thỉnh thoảng gật đầu ra vẻ hiểu biết và cái đó vượt quá sức tôi. Đúng ra thì Stone gào lên. Ông ta bé nhỏ. Cái đầu tròn và hói, mặt tròn và hồng hào. Mắt ông ta tươi cười dưới cặp kính dày. Tôi chưa hề biết và tin rằng có người có thể nhiệt tình về điều này đến thế mà không cần phải kích thích anh ta. Ông ta nói không sót một luận điểm nào có lợi cho lý thuyết của ông và cũng không bỏ qua những luận điểm ngược lại. Tóm lại là tôi chẳng hiểu một tí gì cả.
Cuộc diễn thuyết kết thúc, ông ta thấy có nhiệm vụ phải giải thích cho tôi, kể cả những chỉ tiết nhỏ nhất rằng tính cách của Prothéro thật khác xa ông ta.
– Một người cục cằn, bướng bỉnh! – Ông ta kêu lên – Đúng, đúng, tôi biết, ông ta đã chết và chúng ta không nên nói xấu người chết. Nhưng cái chết cũng không thay đổi được sự thật. Một người cục cằn, bướng bỉnh, câu đó miêu tả chính xác ông ta. Chỉ vì ông ta đã giở vài quyển sách ra, ông ta tưởng rằng là người tinh thông về khảo cổ học à. Tinh thông đối điện với một người đã dùng cả đời mình đế cặm cụi làm cái nghề bạc bẽo này! Vâng, thưa ông Clément, tôi đã hiến trọn đời mình cho nó.
Sự xúc động làm ông ta lắp bắp. Cô Cram kéo ông ta quay về hiện thực bằng một câu vô tội:
– Nếu ông không cẩn thận, ông sẽ nhỡ tàu đấy.
– A!
Người đàn ông bé nhỏ đứng ngay lại giữa bài thuyết trình, rồi rút cái đồng hồ ra khỏi túi.
– Trời ơi! Kém mười lăm rồi, không thể như vậy được!
– Khi ông bắt đầu nói thì ông luôn quên giờ. A! Không biết là ông sẽ ra sao nếu không có tôi.
– Thật vậy (ông ta thân ái vỗ vai cô gái). Gladys là một cô gái trẻ tuyệt vời, ông Clément. Cô ấy chả bao giờ quên gì cả. Tôi rất hạnh phúc vì đã gặp được cô ấy.
– Ông nói gì vậy, tiến sĩ, ông tốt với tôi quá. – Cô Cram nói.
Tôi nghĩ thầm rằng những người đã nói trước về đám cưới của ông tiến sĩ và cô Cram quả thật là những nhà tiên tri đại tài. Dù sao thì cô ta cũng rất khôn khéo.
– Ông phải đi thôi. – Cô ta lại nói.
– Đúng, đúng, tôi đi đây.
Ông ta đi sang phòng bên cạnh một lát rồi quay lại với chiếc va-li.
– Ông đi à? – Tôi hỏi hơi ngạc nhiên.
– Vâng, tôi phải đi Londres hai ngày. Ngày mai tôi sẽ đi thăm bà mẹ già của tôi. Thứ Hai tôi có mấy việc phải điều chỉnh với các công chứng viên của tôi: tôi sẽ quay về vào thứ Ba. À mà tôi nghĩ rằng cái chết của đại tá không làm thay đổi điều gì trong việc khai quật. Bà Prothéro chắc sẽ thấy không phiền nếu chúng tôi tiếp tục công việc.
– Tôi cũng nghĩ thế!
Trong khi ông ta nói như vậy thì tôi tự hỏi ai sẽ điều hành công việc ở Old Hall từ nay về sau. Có khả năng là Prothéro đã sắp đặt công việc có lợi cho Lettice. Sẽ rất thú vị được biết về chúc thư của ông ta bởi vì ông ta đã viết di chúc.
– Cái chết mang lại nhiều rắc rối cho một gia đình. – Cô Cram buồn bã nhận xét.
– Đi nào! Tôi phải đi thôi! – Stone nói.
Ông ta cố gắng một cách vô ích cầm lấy cái va-li, cái áo khoác đi đường và một cái ô khổng lồ. Tôi định giúp ông ta nhưng ông ta phản đối.
– Không cần đâu ạ, không cần đâu ạ. Tôi sẽ sắp xếp được. Tôi sẽ tìm thấy ai đó dưới kia.
Nhưng dưới kia chẳng có một anh hầu nào, chẳng có ai cả. Tất cả nhân vìên đang phải phục vụ đám nhà báo. Đã đến giờ. Chúng tôi cùng đi ra ga, Stone xách cái va-li, tôi, cái áo khoác và cái ô. Chúng tôi đi nhanh, ông tiến sĩ nói hổn hển:
– Ông thật tốt bụng quá. Tôi xin lỗi đã làm phiền ông như vậy. Miễn là chúng ta không bị nhỡ tàu… A! Gladys thật là tốt. A! Đó là một cô gái tuyệt vời, một sinh linh tuyệt diệu. Tôi nghĩ rằng cô ấy không được hạnh phúc lắm ở nhà cô ấy! Cô ấy có trái tim của một đứa trẻ. A! Một trái tim trẻ con, tôi nói với ông rằng mặc dù khoảng cách tuổi tác giữa chúng tôi… vẫn có giữa chúng tôi, a!… rất nhiều điểm chung.
Giá như cô Marple ở đây thì cô ta sẽ không tha, mà sẽ nói bóng gió về chủ đề này với những người quen của tôi.
Khi chúng tôi rẽ để đi ra ga, chúng tôi nhìn thấy túp lều của Lawrence Redding. Nó hoàn toàn biệt lập. Tôi thấy hai người trên ngưỡng cửa và hai người khác đang nhìn qua cửa sổ. Thật là một ngày bận rộn với các phóng viên.
– Đó là một chàng trai tốt, anh chàng Redding ấy. – Tôi nói để xem ông bạn đồng hành trả lời thế nào.
Ông ta thở dài như khi cần kéo dài thời gian trước khi nói. Tuy nhiên, ông ta buột ra một từ mà đầu tiên tôi không hiểu.
– Nguy hiểm! – Ông ta thốt lên đứt cả hơi khi tôi yêu cầu ông ta nhắc lại điều vừa nói. – Rất nguy hiểm! Anh ta là thần tượng của các cô gái trẻ. Làm sao các cô lại để cho gã trai loại đó mê hoặc nhỉ? Anh ta cứ lượn quanh phụ nữ. Đấy không phải là dấu hiệu tốt.
Tôi kết luận từ những lời đó là chàng trai trẻ duy nhất của làng cũng đã được cô gái tóc vàng Gladys để ý.
– Trời ơi! – Stone kêu lên – Tàu đến rồi!
Chúng tôi bắt đầu chạy. Một đoàn tàu đến đã ở trong ga và tàu đi Londres thì đang vào ga. Gần quầy bán vé chúng tôi va phải một chàng trai trẻ dễ thương mà tôi nhận ra là cháu của cô Marple. Đó là một quí ông không thích bị chen lấn. Anh ta tự hào về bản thân và cần nói rằng đi lại trong đám đông rất bất lợi cho vẻ đẹp của trang phục. Anh ta suýt ngã. Tôi nhanh mồm xin lỗi anh ta rồi chúng tôi đi vào sân ga. Ông tiến sĩ trèo lên chỗ ngồi, tôi đưa hành lý cho ông ta đúng lúc đoàn tàu khởi hành. Tôi vẫy tay chào tạm biệt ông ta rồi quay về.
Raymond West đã đi khỏi và tôi gặp ông dược sĩ. Ông rất phù hợp với cái tên dịu ngọt – Chérubin! Và chúng tôi cùng đi.
– Suýt nữa thì ông ta bị nhỡ tàu. – Anh ta nói để bắt đầu câu chuyện.
Và ngay sau đó:
– À này, ông Clément, cuộc điều tra đã diễn ra như thế nào.
Tôi nói cho anh ta kết luận của viên tư pháp.
– Vậy thì, đó là tất cả những gì họ tìm thấy ư? Cái đó cũng không khó đoán ra. Nhưng ông Stone đi đâu đấy?
Tôi nói cho anh ta biết.
– Ông ta đã rất may không bị nhỡ tàu. Ở cái đoạn đường sắt quỷ quái này chẳng có gì là chắc chắn cả. Tôi nói với ông, đó là điều xấu hổ.
– Vâng, xấu hổ! Đoàn tàu mà tôi vừa đi về đã chậm mười phút và vào thứ Bảy, ngày không ai đi lại cả! Và thứ Tư, không, thứ Năm… đúng! Đó là thứ năm. Tôi nhớ rằng, đó là ngày của tội ác: tôi đã muốn khiếu nại với Công ty và vì cái câu chuyện đó, tôi đã quên làm. Vậy là thứ Năm, tôi đã đi họp với Hội các dược sĩ. Ông có biết tàu lúc 6h55 chậm bao lâu vào ngày hôm đó không? Nửa giờ! Đúng nửa giờ. Mười phút thì còn tạm được. Nhưng một đoàn tàu chỉ đến bến lúc 7h20 thì tôi tự hỏi tại sao họ vẫn gọi là tàu lúc 6h55!
– Ông nói đúng! – Tôi nói và muốn thoát khỏi cuộc độc thoại vô tận đó – Nhưng, xin lỗi ông tôi vừa trông thấy Lawrence Redding và tôi cần nói với anh ta.
Tôi để ông dược sĩ lại với những lời kêu ca của ông ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.