VỤ ÁN PROTHÉRO
Chương XVI : Hai thám tử không chuyên và một kẻ thứ ba
Trên ngưỡng cửa tôi chạm phải Haydock. Ông ta đưa mắt theo Landormy vừa đi qua hàng rào, hỏi:
– Anh ta đã thẩm vấn à?
– Vâng. – Tôi nói.
– Anh ấy đã lịch sự chứ, tôi hy vọng thế?
Lịch sự là một nghệ thuật mà viên thanh tra không học nhiều. Tôi cho rằng ít nhất anh ta cũng chấp nhận được, theo quan điểm của anh ta và mặt khác tôi cũng không muốn phản đối Haydock về chủ đề này. Thế cũng đủ ưu phiền rồi. Tôi nói rằng Landormy đã rất tuyệt!
Haydock ngẩng đầu lên và đi vào trong nhà. Khi đi xuống phố của làng, tôi lại gặp lại ngay viên thanh tra. Anh ta chậm rãi bước, rõ ràng là cố tình. Mặc dù anh ta không ưa tôi, nhưng anh ta không phải là loại người để bụng và nhất là khi anh ta cần có một lời chỉ dẫn có ích:
– Ông biết gì về bà ấy? – Anh ta hỏi tôi sỗ sàng.
Tôi trả lời là không biết gì hết.
– Bà ta có bao giờ bóng gió đến lý do tại sao đến sống ở đây không?
– Không.
– Nhưng ông thỉnh thoảng vẫn gặp bà ấy?
– Thăm các con chiên là một trong những nghĩa vụ của tôi.
Tôi không muốn anh ta biết là bà ta đã cho gọi tôi.
– Vâng, tất nhiên.
Anh ta im lặng một hai phút rồi tính hay nói đã mạnh hơn:
– Tất cả cái đó làm tôi thấy ám muội.
– Anh thấy thế à?
– Nếu ông muốn biết ý kiến tôi, thì đây, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đây là một vụ tống tiền.
Một giả thiết như vậy có vẻ phi lý nếu ta nghĩ đến thanh danh của đại tá Prothéro, thế nhưng không nên nói trước điều gì. Cuối cùng thì ông ta cũng không phải là người đầu tiên có hai cuộc sống cũng một lúc. Mặt khác, chẳng phải cô Marple đã đưa ra những nhận xét đúng như vậy sao?
– Anh thấy điều đó là có thể à?
– Tôi không biết có phải như vậy không, ông Clément, nhưng cái đó rất phù hợp với những điều chúng ta biết. – Tại sao một phụ nữ sang trọng như vậy lại đến nhốt mình trong cái hang nhỏ bé của chúng ta? Tại sao bà ta lại đến nhà Đại tá vào cái giờ không thích hợp như vậy? Tại sao bà ta lại phải tránh mặt bà và cô Prothéro? Đúng, tất cả những cái đó cần phải nắm vững. Rõ ràng là rất khó thú nhận. Và tội tống tiền thì bị trừng phạt rất nặng. Nhưng cuối cùng chúng ta cũng phải làm cho bà ta nói ra sự thật. Cái này có thể có tầm quan trọng lớn cho đoạn tiếp theo của vụ điều tra. Nếu như đại tá Prothéro có một bí mật trong đời, một việc đáng xấu hổ… ông có thể hiểu được điều đó mở ra cho chúng ta hướng mới như thế nào không?
Thật ra, Landormy lý luận khá là logic.
– Tôi đã thử hỏi người hầu, anh ta có thể nghe lỏm vài lời của câu chuyện giữa đại tá và bà Lestrange. Ông biết bọn người hầu… nhưng anh ta đã thề độc là không nghe thấy gì. Ông có biết rằng anh ta đã bị đuổi việc về cái chuyến thăm quái quỷ đó. Phải, đại tá đã mắng anh ta, ông ta rất giận dữ vì anh ta đã để cho bà ấy vào nhà. Còn anh ta trả lời là anh ta xin thôi việc, vị trí này không làm anh ta thích và anh ta đã định bỏ việc từ lâu.
– Thật ư?
– Vậy là thêm một người nữa ghét ông đại tá!
– Ông cũng nghi ngờ người ấy à? Tên anh ta là gì nhỉ?
– Anh ta tên là Rives. Tôi không nói là tôi nghi ngờ anh ta, mà là không thể lường trước được. Và tôi cũng không thích luận điệu ngọt xớt của anh ta.
Về phần tôi, tôi hỏi liệu Rives nghĩ gì về điệu bộ của vìên thanh tra!
– Bây giờ đến lượt tên tài xế. – Anh ta nói tiếp.
– Vậy thì, – Tôi nói – ông có dành cho tôi một chỗ nhỏ trên xe của ông không. Tôi cần nói vài lời với bà Prothéro.
– Về việc gì?
– Về tang lễ?
– Ra thế! (Landormy có vẻ thất vọng). Cuộc điều tra sẽ tiếp tục vào ngày mai, thứ Bảy.
– Vâng. Đám tang chắc chắn sẽ tổ chức vào thứ Ba.
Viên thanh tra có vẻ bối rối vì sự thô thiển của anh ta. Anh ta chìa cho tôi một cành ô liu và mời tôi tham dự cuộc thẩm vấn anh tài xế.
Manning là một chàng trai dễ thương độ 25, 26 tuổi. Sự có mặt của Landormy làm anh ta hơi e dè và kính trọng.
– Hãy nói cho tôi, anh bạn… ông này bắt đầu, tôi cần có một chỉ dẫn nhỏ.
– Vâng, thưa ông… dĩ nhiên, ông… kẻ bất hạnh lắp bắp.
Nếu anh ta có gây tội ác thì cũng chỉ lúng túng đến thế!
– Anh đã lái xe đưa ông chủ vào làng, phải không?
– Vâng, thưa ông.
– Vào mấy giờ?
– Vào năm rưỡi.
– Bà Prothéro cũng cũng đi phải không?
– Vâng, thưa ông.
– Anh đi thẳng tới làng chứ?
– Vâng, thưa ông.
– Anh đã không dừng lại giữa đường chứ?
– Không, thưa ông.
– Sau khi đến nơi các vị đã làm gì?
– Ông đại tá xuống xe, ông ấy nói với tôi là không cần đến xe ô-tô nữa và ông sẽ đi bộ khi quay về. Bà chủ đã mua vài thứ. Bà ấy đã để các gói hàng vào ô-tô. Tôi quay về nhà một mình.
– Thế anh để bà Prothéro ở lại làng à?
– Vâng, thưa ông.
– Lúc đó mấy giờ.
– 6h15, thưa ông, đúng 6h15.
– Anh đã để bà ta lại ở chỗ nào?
– Trước mặt nhà thờ, thưa ông.
– Ông đại tá có nói với anh là đi đâu không?
– Ông ta làm cho mọi người hiểu là đến bác sĩ thú y vì một con ngựa bị ốm.
– Thôi được rồi. Anh về thẳng nhà chứ?
– Vâng, thưa ông.
– Hừm! – Landormy càu nhàu – Tôi nghĩ là hết rồi… kìa, cô Prothero.
Lettice đi về phía chúng tôi, cô đi rất chậm rãi.
– Ra khỏi xe đi Manning – Cô nói – Khởi động xe cho tôi với.
– Vâng, thưa cô.
Anh ta lại gần xe và mở capot lên.
– Một giây thôi, thưa cô. – Viên thanh tra nói – Tôi phải rà soát lại lịch trình thời gian của tất cả mọi người chiều hôm qua. Cô đừng phật ý nhé.
Lettice nhìn thẳng vào mặt anh ta:
– Tôi chả bao giờ biết giờ giấc gì hết.
– Xem nào: tôi nghĩ rằng cô đã ra ngoài sau bữa trưa.
Cô ta gật đầu đồng ý.
– Cô đã đi đâu ạ?
– Đi chơi tennis.
– Chơi với ai?
– Với gia đình Hartley Napiers.
– Ở Much Benham à?
– Vâng.
– Và cô đã về nhà vào mấy giờ?
– Tôi không biết gì cả. Tôi đã nói với ông là tôi chả bao giờ biết những việc này.
– Cô đã về nhà, – Tôi nói – vào bảy giờ rưỡi.
– Vậy đấy, – Lettice nói – khi tôi về nhà thì Anne vừa lên cơn thần kinh và Griselda đỡ bà ta.
– Cảm ơn cô – Viên thanh tra kết luận – Đấy là tất cả những gì tôi muốn biết.
– Cũng lạ thật! – Lettice lại nói – Cái đó chẳng có ích lợi gì cả!
Và cô ta đi về phía xe ô-tô.
Viên thanh tra vỗ tay vào trán:
– Cô ta còn thiếu một cái gì đó! – Anh ta nói.
– Không phải đâu, – Tôi chữa lại – nhưng cô ta thích tỏ ra độc đáo.
– Tôi sẽ phải thẩm vấn cô hầu bây giờ. – Landormy quyết định.
Tôi nghĩ là người ta không ưa gì viên thanh tra, nhưng phải nghiêng mình trước nghị lực và sự bền bỉ của anh ta.
Chúng tôi chia tay nhau. Tôi hỏi Rives liệu có gặp bà Prothéro được không?
– Bà ấy đang nghỉ, thưa ông. – Anh ta trả lời.
– Vậy thì, tốt nhất là tôi không nên phiền bà ấy.
– Ông có thể đợi một chút. Tôi biết rằng bà chủ rất muốn gặp ông. Bà đã nói thế vào bữa trưa.
Anh ta mời tôi vào phòng khách và bật đèn vì các rèm cửa đều kéo xuống.
– Trông buồn bã quá. – Tôi nói.
– Vâng, thưa ông.
Anh ta trả lời tôi với vẻ lễ độ nhưng lạnh nhạt. Liệu tình cảm nào có thể lay động con người này, với vẻ ngoài lãnh đạm? Anh ta liệu có biết điều gì không? Anh ta có nói ra không? Không có cái gì ít nhân tính hơn là cái mặt nạ của một người hầu tốt.
– Có gì mới không, thưa ông? – Anh ta hỏi.
Sau cái câu ngắn gọn đó, có thể đoán ra một chút lo lắng.
– Không, – Tôi nói – chúng tôi không biết gì hơn.
Tôi đã không phải đợi Anne Prothéro lâu. Chúng tôi bàn luận và đã rút ra mấy quyết định, rồi đột nhiên:
– Thật là một người đáng mến, bác sĩ Haydock ấy!
Bà ta kêu lên.
– Haydock là người tốt nhất mà tôi quen.
– Ông ta cũng rất tốt với tôi. Nhưng, trời, sao ông ta buồn bã thế!
Tôi chưa bao giờ nghĩ là Haydock buồn bã. Tôi nói cho Anne.
– Tôi cũng chưa bao giờ nhận thấy điều đó trước ngày hôm nay. – Bà ta giải thích.
– Bất hạnh thỉnh thoảng đem lại sự sáng suốt.
– A! Thật đúng như vậy!
Bà ta ngừng lời, sau lại nói:
– Ông Clément, có một việc mà tôi không thể hiểu. Nếu chồng tôi bị giết ngay sau khi tôi rời ông ta thì tại sao tôi lại không nghe thấy tiếng súng.
– Chúng tôi có lý do để cho rằng phát súng đã nổ ra muộn hơn.
– Nhưng giờ chỉ ra trong bức thư là 6h20?
– Cái chỉ số đó đã được viết thêm vào bằng một bàn tay khác, bàn tay của kẻ giết người, ai biết được?
Bà tái mặt:
– A! Thật là ghê sợ!
– Bà không nhận ra là giờ đó không phải do ông ta viết?
– Phần còn lại của lá thư cũng không giống chữ ông ta hơn gì cả.
Nhận xét này là thật. Đó chỉ là những chữ nguệch ngoạc không đọc nổi, không rõ ràng như chữ của Prothéro.
– Ông chắc rằng người ta không nghi ngờ Lawrence nữa chứ?
– Tôi nghĩ rằng anh ta đã ở bên ngoài chuyện này.
– Ông Clément, có thể là ai được nhỉ? Lucius không được người ta ưa lắm, nhưng tôi không nghĩ là ông ấy có những kẻ thù thật sự. Và nhất là những kẻ thù loại đó.
Tôi ngẩng đầu lên:
– Thật là bí hiểm.
Tôi nghĩ thầm về bảy người mà cô Marple đã nói. Liệu cô ta nghĩ về ai nhỉ?
Khi tôi tạm biệt Anne, tôi đi thực hiện kế hoạch mà tôi đã suy tính từ trước.
Tôi đi theo con đường mòn nhỏ, nhưng khi đến hàng rào thì tôi lại quay lại và chọn một góc mà tôi cảm thấy rằng các bụi cây đã bị xáo động, tôi mở lối qua các bụi rậm. Ở góc này rừng thật rậm rạp. Tôi tiến lên từ từ và ngay sau đó nghe thấy tiếng động, không xa chỗ tôi lắm. Tôi vừa dừng lại thì nhìn thấy Lawrence. Anh ta cầm một hòn đá to trong tay. Có lẽ trông tôi có vẻ ngơ ngác lắm vì anh ta phá lên cười.
– Không, – Anh ta nói – đây không phải là để làm cột mốc mà là một món quà để ký hòa ước.
– Ký hòa ước?
– Nếu ông muốn, đây là một cơ sở để thỏa thuận. Tôi cần có một cái cớ để đến thăm cô Marple và người ta bảo tôi rằng cô ta không thích gì hơn một tảng đá cho khu vườn kiểu Nhật của cô ta.
– Đúng vậy, – Tôi nói – nhưng anh muốn gì ở bà ta?
– Nghe đây. Nếu có điều gì đáng trông thấy tối qua thì cô Marple đã thấy. Tôi không chỉ nói đến những việc có thể liên quan đến tội ác mà tôi nói đến những sự kiện hơi khác lạ dù nhỏ nhất, những sự kiện nhỏ nhất có thể đưa chúng ta đến con đường tìm ra sự thật. Kể cả những việc mà thậm chí bà ta cho là vô ích, không cần báo cho cảnh sát.
– Đúng thế, rất có thể.
– Đằng nào thì thử một chút cũng không hại gì. Ông Clément này, tôi muốn theo dõi vụ án này cho đến cùng vì tình yêu với Anne! Vì tôi không hề tin tưởng ở Landormy: anh ta hăng hái đấy, nhưng hăng hái không thể thay thế cho thông minh được.
– Này! Này! – Tôi nói – Anh là một thám từ nghiệp dư như người ta vẫn nói đấy. Trong các tiểu thuyết thì họ rất giỏi. Nhưng trong cuộc sống thực tế thì không hiểu họ có đủ sức để chiến đấu với các thám tử chuyên nghiệp không.
Anh ta nhìn tôi ranh mãnh và bắt đầu cười.
– Còn ông, ông mục sư, ông làm gì trong rừng?
Tôi đỏ mặt.
– Tôi cuộc rằng ông cũng làm một việc như tôi. Chúng ta có cùng một sáng kiến, phải không? Tên giết người đã đi đến phòng làm việc như thế nào? Có hai giả thiết: đi qua con đường nhỏ và hàng rào hoặc là đi qua cổng chính. Một giả thiết thứ ba… nhưng có loại thứ ba không? Tôi muốn biết các bụi cây quanh tường có bị xáo trộn không?
Tôi vui vẻ công nhận là tôi cũng đã có ý nghĩ như vậy.
– Tôi vẫn chưa bắt đầu những tìm kiếm của tôi – Lawrence tiếp tục – Tôi muốn gặp cô Marple trước để chắc chắn rằng không có ai đã đi qua con đường mòn tối qua, trong khi chúng tôi đang ở trong xưởng vẽ.
Tôi gật đầu:
– Bà ta đã xác nhận rằng không có ai đi qua lối đó.
– Vâng, không ai đáng giá dưới con mắt của bà ta. Có vẻ ngu ngốc cái điều tôi nói nhưng ông hiểu tôi rất đúng. Có thể có ai đó đã đi qua như, ai được nhỉ, người đưa thư, người đưa sữa hay là chú bé bán bánh mì, người nào đó mà hiện diện của họ là đương nhiên nên bà ta nghĩ là không cần phải nói ra.
– Anh đã đọc Chesterton chưa? – Tôi hỏi.
Lawrence không phòng bị gì cả.
– Ông có tin là tìm ra cái gì đấy theo cách này?
– Có chứ. Sao lại không?
Chúng tôi cùng đi trên con đường dẫn đến nhà cô Marple. Bà ta đang làm vườn và gọi chúng tôi ngay từ khi thấy chúng tôi đến bên hàng rào.
– Này, – Launrence nói – bà ta thấy tất cả mọi người!
Cô Marple tiếp đón chúng tôi rất nhã nhặn và tỏ ra rất thích hòn đá to mà Lawrence tặng một cách trịnh trọng thích hợp.
– Ông thật tốt. Ông Redding.
Được khích lệ bởi cách tiếp đón dó. Lawrence tiến hành ngay cuộc thẩm vấn. Bà già lắng nghe anh ta rất chăm chú.
– Vâng, tôi hiểu ông muốn nói gì và thực tình tôi thú nhận là đã không để ý đến những sự kiện nhỏ. Nhưng tôi đảm bảo với ông rằng: Chẳng có ai đi qua cả, không một ai.
– Cô chắc chứ, cô Marple?
– Hoàn toàn chắc chắn!
– Cô có nhìn thấy ai đi trên con đường qua rừng chiều hôm đó không? – Tôi hỏi.
– Có, có, nhiều người. Tiến sĩ Stone và cô Cram: đấy là con đường ngắn nhất đi đến chỗ khai quật. Lúc đó khoảng 2 giờ, và ông tiến sĩ cũng quay lại theo lối đó, hơn nữa, ông biết rõ điều đó, ông Redding, bởi vì ông ta đã gặp ông, ông và bà Prothéro.
– Nhân đây, – Tôi nói – tiếng nổ mà cô đã nghe thấy thì ông Redding và bà Prothéro chắc cũng phải nghe thấy phải không?
Tôi nhìn Lawrence.
– Vâng – Anh ta nói và nhíu mày – Tôi cảm thấy đã nghe mấy tiếng nổ, nhưng mấy tiếng?… một? hai?
– Tôi chỉ nghe thấy một tiếng nổ. – Cô Marple nói.
– Ôi! Tôi chỉ nhớ lơ mơ về việc này – Lawrence nói – Tôi muốn nhớ lại biết bao. Nếu như tôi có thể đoán ra… nhưng tôi đã bị thu hút bởi…
Anh ta dừng lại, lúng túng.
Tôi ho vẻ nhắc khéo. Cô Marple chuyển câu chuyện:
– Ông thanh tra đã yêu cầu tôi xác định chính xác là tôi đã nghe thấy tiếng nổ sau hay trước khi ông Redding và bà Prothéro ra khỏi xưởng vẽ. Tôi không thể trả lời ông ta chắc chắn được nhưng càng nghĩ thì tôi càng cảm thấy rằng đã nghe sau đó.
– Vậy thì, – Lawrence thở dài – tiến sĩ Stone nổi tiếng cũng đã được loại ra ngoài. Mặt khác cũng chẳng có lý do gì để nghi ông ta đã giết ông già Prothéro tội nghiệp.
– Tôi, – Cô Marple nói – tôi thấy thận trọng hơn là nên nghi ngờ tất cả mọi người. Không thể lường trước được…
Nét này đúng là của cô Marple. Tôi hỏi Lawrence liệu anh ta có đồng ý về tiếng nổ không.
– Tôi không thể trả lời ông: đấy chỉ là một tiếng động rất bình thường. Tôi lại có xu hướng tin rằng hắn ta đã bắn trong khi chúng tôi còn ở trong xưởng vẽ vì có thể tiếng nổ đã bị những bức tường chặn lại và chúng tôi thì đã không để ý.
– Và có thể vì những lý do khác nữa. – Tôi nghĩ thầm.
– Tôi cần hỏi lại Anne, – Lawrence nói – có thể cô ấy nhớ lại được. À, những ngày gần đây xảy ra một việc rất kỳ lạ và cần được giải thích, bà Lestrange, người đàn bà bí ẩn ở Saint-Mary Mead đã đến gặp ông già Prothéro, tối thứ tư, sau bữa tối. Về việc gì? Ông già đó đã không nói gì với vợ và Lettice cả.
– Có thể ông mục sư biết điều gì chăng? – Cô Marple nói cạnh khóe.
Làm thế nào mà bà già đó biết rằng tôi đã đi đến nhà bà Lestrange chiều hôm đó? Cái kiểu biết hết mọi thứ đó thật là bí hiểm đối với tôi.
Tôi lắc đầu xác nhận rằng tôi không có thể đem lại một tí ánh sáng nào về việc này.
– Thế ông thanh tra nghĩ sao? – Cô Marple lại hỏi.
– Ông ta đã định dọa dẫm anh hầu buồng nhưng anh này không hề tò mò rình nghe ở cửa. Chả ai biết gì cả về việc này.
– Tôi ngạc nhiên là chả ai nghe thấy gì cả. Lúc nào cũng có người nghe trộm ở cửa chứ! Theo ý tôi thì hy vọng duy nhất là ông Redding sẽ biết được điều gì đó.
– Nhưng, – Lawrence nói – bà Prothéro không biết gì cả.
– Tôi không ám chỉ bà Prothéro – Cô Marple tiếp tục – Tôi muốn nói đến các cô hầu. Bọn họ sợ nói ra với cảnh sát. Nhưng một chàng đẹp trai đã từng bị nghi ngờ như ông Redding… thì tôi chắc rằng các cô ấy sẽ kể cho ông ta.
– Tôi sẽ thử ngay tối nay – Lawrence nói quả quyết – Cảm ơn cô Marple đã gợi ý!
Tốt nhất là chúng tôi nên dừng ở đây. Tôi chào cô Marple và chúng tôi quay lại con đường qua rừng…
Chúng tôi đi theo con đường mòn cho đến chỗ thấy rõ ai đó đã rời nó để rẽ sang phải. Lawrence nói với tôi rằng anh ta cũng đã dõi theo dấu vết này vì nó chẳng dẫn tới đâu cả, nhưng chúng tôi cứ thử vận may xem sao.
Anh ta đã không lầm. Đi được vài mét thì dấu vết biến mất. Và từ đó Lawrence đã đi xuống con đường mòn mà tôi đã gặp anh ta lúc nãy. Chúng tôi lại đi theo con đường nhỏ. Cách xa một quãng chúng tôi nhận thấy các bụi cây đã bị xáo động. Điều đó rất khó nhận ra nhưng cũng không còn nghi ngờ gì nữa. Dấu vết mới này có hứa hẹn nhiều hơn: quanh co một hồi, nó đi đến nhà xứ. Chúng tôi đi tới gần bức tường nơi các bụi cây rắt rậm rạp. Cái tường này rất cao và người ta đã cắm những mảnh chai vỡ lên trên. Nếu ai đó trèo vào bằng thang ở góc đó thì chúng tôi sẽ thấy ngay.
Chúng tôi đang đi dọc theo bức tường thì tiếng một cành cây gãy văng đến tai. Tôi mở đường hăng hái qua đám cây cối nhằng nhịt và đối mặt với viên thanh tra.
– Kìa, ông đấy à? Ông và ông Redding. Hai ông làm gì vậy?
Chúng tôi giải thích cho anh ta.
– Các ông có lý – Landormy nói – Tôi cũng nghĩ như vậy. Vậy là tôi đã tìm kiếm một giờ ở đây. Các ông có muốn tôi cho biết một việc không?
– Việc gì?
– Cái người đã giết đại tá Prothéro đã không đi qua con đường này. Không có dấu vết gì trên tường, cả hai mặt. Cái người đã giết đại tá Prothéro đã đi vào bằng cổng chính. Hắn không thể đi đường khác được.
– Không thể thế được! – Tôi kêu lên.
– Tại sao lại không? Ông luôn để cửa mở. Ai cũng có thể vào nhà ông. Hắn ta đã không thấy gì trong bếp. Hắn biết rằng ông đi vắng và bà Clément thì ở Londres, hắn cũng biết rằng Denis được mời đi uống trà ở bên ngoài. Rõ như ban ngày rồi. Và như vậy thì chẳng cần đi qua làng. Ngay trước hàng rào có một con đường nhỏ để cho hắn đi vào rừng, rất bình thản. Chỉ cần bà Price Ridley đừng đi ra vào chính lúc đó thì hắn không chẳng còn sợ gì cả, ắt nguy hiểm hơn trèo tường nhiều. Và đừng quên là cửa sổ nhà bà Ridley trông ra bức tường. Tôi nói với các ông rằng: không nghi ngờ gì nữa, chính là hắn đã vào nhà qua cửa chính.
Vâng, có thể mọi việc đã xảy ra như vậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.