VỤ ÁN PROTHÉRO

Chương V : Những suy luận của ông thanh tra



Phải gần đến 7h chứ không phải là 6h30, khi tôi quay về nhà từ Basse Ferme. Đúng lúc tôi chạm vào cửa hàng rào thì nó mở toang để Lawrence Redding lao ra. Nhìn thấy tôi, anh ta khựng lại, bộ dạng anh ta làm tôi sửng sốt. Trông anh ta như sắp phát điên. Cái nhìn của anh ta ngây dại một cách kỳ lạ, da tái xanh như người chết và tay chân thì run rẩy.
Tôi tự hỏi liệu có phải anh ta say rượu không, nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua.
– Thế nào! Anh đã đến gặp tôi à? Tôi rất tiếc là đã không ở nhà. Anh quay vào nhà chứ? Tôi cũng đã hẹn gặp Prothéro nhưng nhanh thôi.
– Prothéro? – Anh ta nói và bắt đầu cười – Prothéro? Vậy thì ông sẽ gặp ông ta. Chắc chắn đấy. Ôi, chúa ơi…
Tôi mở to mắt. Vô tình, tôi chìa tay cho anh ta. Anh ta lùi lại.
– Không! – Anh ta kêu lên – Để tôi đi. Tôi cần phải suy nghĩ. Đúng vậy.
Anh ta chạy mất hút trên con đường vào làng. Tôi đứng yên vài giây, choáng váng. Lawrence có lẽ say rượu…
Tôi đi tiếp vào nhà. Cửa ra vào luôn mở, thế nhưng tôi vẫn bấm chuông. Marie đi ra, tay chùi vào tạp dề.
– Ông về đấy à? – Cô ta hỏi.
– Đại tá Prothéro đã đến chưa? – Tôi hỏi.
– Ông ấy ngồi trong phòng làm việc từ 6h15.
– Cô có nhìn thấy ông Redding không? – Tôi nói thêm.
– Có, ông ta đã hỏi ông mấy phút trước. Tôi đã nói với ông ta rằng ông sắp về và ngài đại tá cũng đang đợi ông trong phòng làm việc, ông ta cũng nói là sẽ đợi ông. Có lẽ họ đang ngồi cùng nhau.
– Không phải, – Tôi nói – tôi vừa gặp anh ta, anh ta về rồi.
– Thế à? Tôi đã không nghe thấy khi anh ta về. Anh ta chỉ ở đây khoảng 2 phút. Bà vẫn chưa từ Luân Đôn về.
Tôi thờ ơ nghe. Marie lui vào trong bếp. Tôi đi qua hành lang và mở cửa phòng làm việc.
Từ bóng tối của hành lang bước vào căn phòng ngập tràn ánh sáng mặt trời buổi chiều tà, tôi bị chói mất vài giây, tôi bước thêm một vài bước rồi khựng lại.
Ngây người trong giây lát, tôi không thể hiểu nổi cảnh tượng trước mắt.
Đại tá Prothéro gục trên bàn làm việc trong tư thế rất ghê sợ. Một vũng chất lỏng thẫm màu tràn trên bàn từ đầu ra và nhỏ giọt xuống sàn nhà, tiếng tạch tạch rợn người.
Tôi định thần lại và lại gần cái xác. Làn da đã lạnh. Tôi cầm lấy bàn tay phải thõng xuống, cứng đờ; ông ta đã chết vì một viên đạn xuyên qua đầu.
Tôi đi ra cửa gọi Marie. Cô ta đến ngay. Tôi ra lệnh cho cô ta chạy càng nhanh càng tốt để tìm bác sĩ Haydock (ông ta sống ở góc phố). Tôi nói với cô ta rằng một tai nạn đã xảy ra.
Tôi quay vào khép cửa và đợi bác sĩ đến.
May mắn là Marie đã gặp bác sĩ tại nhà. Ông ta chạy đến. Haydock là một người can đảm, to béo, khỏe mạnh, nhanh nhẹn với khuôn mặt hơi thô và trung thực.
Không nói một lời, tôi giơ tay chỉ cái xác. Haydock luôn thực tế, không tỏ ra xúc động, ông ta cúi xuống xác chết và khám nhanh. Sau đó ông ta ngẩng lên nhìn tôi.
– Thế nào? – Tôi hỏi.
– Ông ta vừa mới chết khoảng nửa giờ.
– Tự tử à?
– Không thể nào! Ông hãy nhìn vết thương mà xem. Vả lại nếu ông ta tự sát thì súng đâu?
Đúng vậy, trong phòng không thấy một vũ khí nào.
– Tốt nhất là đừng sờ vào một thứ gì. – Haydock nói thêm – Tôi sẽ gọi điện cho cảnh sát.
Ông ta nhấc máy và nói, trình bày ngắn gọn, gác máy rồi lại gần tôi.
– Thật là một câu chuyện bẩn thỉu! Ông đã phát hiện ra vụ này như thế nào?
Tôi giải thích cho ông ta.
– Bẩn thỉu thật! Bẩn thỉu thật! – Ông ta nhắc lại.
– Đây là một án mạng à? – Tôi hỏi giọng nghẹt lại.
– Có vẻ thế! Thế ông cho là thế nào? Đây là một việc kỳ lạ. Tôi tự hỏi ai đã giết ông già? Tôi biết rằng ông ta không được lòng mọi người nhưng người ta không giết người vì lý do đó.
– Có việc làm tôi ngạc nhiên – Tôi nói – Chiều nay có người cầu xin tôi đi đến nhà một con chiên đang hấp hối. Nhưng khi tôi đến nhà thì gia đình họ rất ngạc nhiên, vì từ vài ngày nay người ốm đã khỏe lên trông thấy và vợ ông ta nói rằng bà ta không gọi điện thoại cho tôi.
Haydock nhíu mày.
– Tôi hiểu, người ta đã đẩy ông ra xa… Còn vợ ông đâu?
– Ngày hôm nay cô ta đi Luân Đôn.
– Còn cô hầu?
– Cô ta ở trong bếp hoặc phía bên kia ngôi nhà.
– Ừ, có thể cô ta đã không nghe thấy gì hết. Câu chuyện bẩn thỉu! Ai có thể biết là đại tá Prothéro đến đây tối nay?
– Ông ta đã báo cho tôi là sẽ đến ở giữa làng và gào lên như mọi khi.
– Như vậy là cả vùng Saint Mary Mead đều biết. Ông có biết ai có thể giết ông ta không?
Vẻ mặt tái xanh, ánh mắt ngây dại của Lawrence Redding hiện lên trong tôi. Nhưng tôi chưa kịp nói thì có tiếng bước chân trong hành lang.
– Cảnh sát. – Haydock đứng dậy.
Viên cảnh sát Hurst trông có vẻ nghiêm trang và lo lắng.
– Chào các ông! – Anh ta nói – Ông thanh tra sẽ đến ngay. Trong khi chờ đợi, tôi phải tuân lệnh ông ta. Nếu tôi hiểu đúng thì ông đại tá Prothero đã bị tìm thấy đã chết ở đây, ở nhà cha xứ.
Đến đây, ông ta dừng lại, liếc nhìn tôi một cách giận dữ và nghi ngờ và tôi đã phải cố gắng để giữ sự bình tĩnh của một người vô tội.
Viên cảnh sát đi lại phía cái bàn và nói:
– Không ai được động vào một thứ gì trước khi ngài thanh tra đến.
Sau đó anh ta rút ra một quyển sổ nhỏ, liếm đầu bút chì như sắp hỏi cung.
Một lần nữa, tôi phải kể lại việc tôi phát hiện ra xác chết của Prothéro như thế nào. Cũng phải mất khá lâu để viên cảnh sát ghi tất cả vào quyền sổ, anh ta quay sang bác sĩ:
– Theo ngài, bác sĩ Haydock, nguyên nhân của cái chết là gì?
– Một viên đạn trong đầu.
– Còn vũ khí?
– Tôi không thể nói chắc trước khi gắp viên đạn ra, nhưng tôi cho rằng đó là đạn của một khẩu súng lục cỡ nhỏ – một khẩu mauser chẳng hạn.
Tôi nghĩ đến câu chuyện tối qua và nhớ lại rằng Lawrence đã nói với chúng tôi rằng anh ta có một khẩu súng lục.
Viên cảnh sát hướng về tôi cặp mắt ủ ê và tròn như mắt cá:
– Ông thấy thế nào, thưa ông?
Tôi lắc đầu vẻ không biết. Tôi có thể nghi ngờ nhưng chỉ nghi một mình thôi.
– Ông cho là khoảng mấy giờ, thảm kịch đó xảy ra? – Viên cảnh sát nói tiếp.
Bác sĩ hơi lưỡng lự:
– Ông ta đã chết khoảng nửa giờ, không hơn.
Hurst quay lại tôi:
– Cô hầu của ông có nghe thấy cái gì không?
– Không, tôi cho là vậy. Nhưng tốt nhất là ông hãy hỏi cô ta.
Lúc đó, viên thanh tra Landormy đến, trong một chiếc ô tô nhỏ, đi từ Much Benham.
Không ai có thể đối nghịch với tên của mình như ông ta. Landormy [1] tóc đen, khỏe mạnh, luôn sôi sục. Cặp mắt đen linh hoạt khủng khiếp và cũng bất lịch sự và ngạo nghễ hơn bất kỳ ai.
Ông ta đáp lại lời chào của chúng tôi bằng một cái gật đầu mơ hồ, cầm lấy quyển sổ của cấp dưới đọc chăm chú và trao đổi với anh này vài câu ngắn gọn, sau đó đi những bước dài về phía xác chết.
– Người ta đã làm lung tung lên ở đây. – Anh ta bắt đầu
– Tôi đã không động vào gì cả. – Haydock nói.
– Tôi cũng vậy. – Tôi bổ sung.
Ông thanh tra ngắm nhìn một lúc lâu những đồ vật trên bàn, rồi chăm chú vào vũng máu như muốn tra cứu nó.
– A! – Anh ta kêu lên vẻ đắc thắng – Hãy xem cái mà chúng tôi đang tìm. Cái xác, khi đổ vật xuống đã làm đổ cái đồng hồ quả lắc. Chúng ta sẽ biết thời điểm của án mạng. Sáu giờ hai mươi hai phút. Ông nói là ông ta đã chết vào mấy giờ hả bác sĩ?
– Tôi nghĩ rằng anh ta đã chết được khoảng nửa giờ từ khi tôi đến đây, nhưng…
Ông thanh tra nhìn đồng hồ ở tay:
– Bảy giờ năm. Người ta báo cho tôi mười phút trước như vậy là 7h kém 5. Người ta đã phát hiện tử thi lúc 7h kém 15. Nếu tôi hiểu đúng thì người ta đã gọi ông ngay lúc đó. Cứ cho là ông khám tử thi lúc kém 10… Như vậy ta biết giờ gần đúng đến từng giây.
– Tôi không dám bảo đảm giờ chính xác – Haydock lại nói – Chỉ là gần đúng thôi.
– Được rồi! Được rồi! – Thanh tra nhắc lại.
Tôi cũng thử góp lời.
– Nói về chiếc đồng hồ thì…
– Xin lỗi ông, – Landormy cắt ngang – nhưng nếu tôi muốn biết điều gì thì tôi sẽ hỏi ông. Thời gian trôi nhanh lắm. Cái mà tôi muốn là im lặng tuyệt đối.
– Vâng, thế nhưng tôi muốn nói…
– Im lặng tuyệt đối! – Viên thanh tra nhắc lại và nhìn tôi hung dữ.
Tôi phải tuân theo, ông ta lại xem xét cái bàn.
– Tại sao ông ta lại ngồi vào chỗ này? – Ông ta lẩm bẩm – Ông ta muốn viết cái gì chăng? Ô! Mà cái gì thế này?
Ông ta chìa ra một cách đắc thắng một trang giấy từ một cuốn sổ. Ông ta hài lòng đến nỗi đã cho chúng tôi lại gần và xem xét cái mà ông ta đã tìm thấy. Đấy là một tờ trong tập giấy viết có in sẵn ký hiệu của nhà xứ, trên tờ giấy có ghi, phía bên trên, một chỉ số 6h20 và có mấy dòng sau:
“Ông Clément quý mến.
Tôi tiếc rằng không thể đợi thêm, nhưng tôi cần…”
Chữ viết đến đây thì chỉ còn là những nét nguệch ngoạc không đọc được.
Rõ ràng như ban ngày rồi, viên thanh tra đảm bảo. Ông ta đang ngồi đó để viết tờ giấy này, kẻ thủ bước vào, không một tiếng động, qua cửa sổ và bắn trong khi ông ta viết. Các ngài còn cần gì hơn?
– Tôi muốn nói với ông… – Tôi bắt đầu.
– Ông thì tôi không hỏi ông… Xem nào, có những dấu chân không?
Ông ta bò bằng tứ chi về phía cửa sổ thấp.
– Tôi cho rằng ông cần phải biết… – Tôi lại nói bướng bỉnh.
Landormy đứng lên, ông ta nói không giận dữ nhưng rất cương quyết.
– Chúng ta sẽ xem xét các chi tiết sau. Mời các ông ra khỏi cái phòng này ngay.
Chúng tôi đành phải đi ra như những đứa trẻ. Dường như hàng tiếng đồng hồ đã trôi qua, vậy mà mới 7h15.
– Thế đấy! – Haydock nói – Khi cái con lừa ấy cần đến tôi thì các vị hãy bảo hắn đến phòng mổ. Tạm biệt!
– Bà nhà đã về. – Marie đến thông báo.
Cặp mắt cô ta trông càng tròn xoe và cái nhìn thể hiện sự hoảng sợ.
– Bà ấy đã về được 5 phút rồi – Cô ta nói thêm – Tôi gặp Griselda trong phòng khách. Trông cô ta hoảng sợ và kích động cùng một lúc.
Tôi thông tin cho cô ta. Cô nghe một cách chăm chú.
– Lá thư bắt đầu bằng chữ: 6h20 – Tôi nói sau cùng – Vậy mà đồng hồ quả lắc dừng lại lúc 6h22.
– Vậy thì, – Griselda nói – anh có nói với ông ta là cái đồng hồ quả lắc đó luôn nhanh hơn 15 phút không?
– Không, anh không nói vì ông ta không cho anh nói, mặc dù anh đã cố.
Griselda nhíu mày vẻ suy tư.
– Nhưng, Len này, việc này làm cho sự việc lại càng kỳ lạ. Bởi vì khi đồng hồ chỉ 6h20 thì thực tế mới 6h5 và vào lúc 6h5 thì thậm chí ngài đại tá Prothéro vẫn chưa đến đây!
Chú thích:
[1] Dormir trong tiếng Pháp có nghĩa là ngủ – Ở đây cái tên Landormy có thể tạm dịch là người thích ngủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.