VỤ ÁN PROTHÉRO
Chương XII : Câu chuyện càng rắc rối thêm
Khi Lawrence tới nơi, người ta mời tôi đến xưởng vẽ. Tôi thấy anh ta có vẻ hoảng hốt và dè chừng. Tuy nhiên, Melchett tiếp đón anh ta rất thân tình.
– Chúng tôi mời anh đến tại chỗ để hỏi vài câu.
Lawrence nhếch mép.
– Dựng lại hiện trường vụ án, đúng là một sáng kiến của người Pháp.
– Cậu bé thân mến! – Melchett nói – Đừng nói với chúng tôi bằng giọng như vậy. Hãy tin tôi, sẽ tốt cho anh thôi. Hãy trả lời ngay các câu hỏi của tôi. Anh có biết ai đã tự thú là hung thủ của vụ án mà cũng chính anh cũng đã nhận là tội phạm không?
Mấy câu đó gây ảnh hưởng lập tức và khủng khiếp với Lawrence.
– Có người à? – Anh ấp úng – Ai? Là ai cơ?
– Bà Prothéro. – Melchett dằn giọng và nhìn xoáy vào anh ta.
– Nhưng thật là vô lý. A! Bà ấy không làm điều đó. Bà ta không có khả năng! Không, không thể thế được.
– Dù rằng rất bất ngờ thì chúng tôi cũng không tin câu chuyện của bà ta. Chuyện kia cũng vậy, tôi có thể nói với anh rằng chúng tôi cũng không tin anh. Bác sĩ Haydock đã dứt khoát rằng: tội ác không thể xảy ra vào giờ mà anh đã nêu lên.
– Bác sĩ Haydock đã nói thế à?
– Đúng! Và anh có muốn hay không thì cũng đã bị loại ra ngoài cuộc. Chúng tôi chỉ muốn một việc là anh hãy giúp chúng tôi và nói chính xác điều gì đã xảy ra.
Lawrence hơi lưỡng lự:
– Ông không đánh lừa tôi về chuyện bà Prothero đấy chứ? Có thật là các ông không nghi ngờ bà ấy không?
– Tôi thề danh dự đấy. – Đại tá nói.
Lawrence thở phào một hơi dài.
– Tôi đã hành động như một thằng điên, điên thật sự. Sao mà tôi lại có thể tưởng rằng chính cô ấy đã làm chuyện đó?
– Anh có thể giải thích một chút cho chúng tôi không? – Cảnh sát trưởng gợi ý.
– Cũng chẳng có gì to tát cả. Tôi đã gặp Prothéro vào buổi chiều hôm đó.
Anh ta dừng lại.
– Phải, phải, chúng tôi biết cả rồi, – Melchett nói – anh tưởng rằng những tình cảm của anh với bà Prothéro và tình cảm của bà ta với anh vẫn là bí mật ư? Mọi người đều đã biết, người ta bàn tán khắp nơi. Và bây giờ…
– “Ông nói đúng, đại tá. – Tôi tiếp tục – Tôi đã hứa với ông mục sư đây là sẽ ra đi, đi vĩnh viễn. Vì thế tôi gặp bà Prothéro tối hôm đó vào 6h15 để nói về quyết định của tôi. Bà ấy cũng đồng ý.
Đấy là phương sách phù hợp duy nhất. Vì vậy là chúng tôi đã nói lời từ biệt. Chúng tôi ra khỏi xưởng vẽ và gần như ngay lúc đó tiến sĩ Stone đã gặp chúng tôi. Anne đã cố hết sức để tỏ ra bình thản. Còn tôi thì không thể. Tôi đi cùng tiến sĩ Stone đến quán Cá Xanh và ở đó chúng tôi cùng uống với nhau. Rồi tôi quyết định về nhà nhưng đến góc phố tôi lại đổi ý. Tôi chợt nghĩ là nên gặp mục sư: tôi cần phải tâm tình với ai đó về những việc vừa xảy ra.
Đến nhà cha xứ, cô hầu nói rằng ông Clément đi vắng, nhưng sẽ quay về ngay và rằng ông đại tá đang đợi ông ấy trong phòng làm việc từ nãy. Tôi không muốn đi ngay vì không muốn tỏ ra tránh mặt ông đại tá nên tôi nói là sẽ đợi và đi vào phòng làm việc”.
Anh ta ngừng lại.
– Rồi sao nữa? – Melchett hỏi.
– Prothéro đang ngồi trước bàn làm việc… đúng trong tư thế mà các ông đã thấy. Tôi đi về phía ông ta, sờ vào ông ta. Ông ta đã chết. Tôi nhìn quanh và thấy trên sàn, bên cạnh ông ta, một khẩu súng.
Tôi nhặt lên: đó là súng của tôi.
Tôi như bị một đòn choáng váng. Súng của tôi!
Ngay tức khắc, một ý nghĩ chợt đến trong đầu tôi. Có thể là Anne, một hôm nào đó, đã lấy khẩu súng, với mục đích tự kết liễu đời mình, khi cuộc sống trở nên không chịu đựng nổi nữa. Đúng, có thể như thế. Và không nghi ngờ gì nữa là hôm nay, cô ấy đã mang súng theo và quay lại đây sau khi chúng tôi đã chia tay nhau, ở trong làng… và… Nhưng tôi thật là điên vì đã tưởng tượng ra một điều kinh khủng đến thế! Tuy nhiên, tôi phải nói bởi vì tôi đã nghĩ như vậy.
Sau đó, tôi đút khẩu súng vào túi và bỏ đi. Đến hàng rào, tôi gặp ông linh mục. Ông ta nói với tôi một cách thân mật và bình thản về Prothéro. Tôi tự nhiên thấy buồn cười không cưỡng lại được: Ông mục sư can đảm này, thật là bình thản và tự nhiên trong khi tôi lại bối rối hơn bao giờ hết. Tôi đã thốt ra mấy lời ngu ngốc, thấy ông ta biến sắc mặt. Tôi gần như mất trí, tôi cứ đi đi mãi… Cuối cùng, tôi không chịu được lâu hơn, vì nếu Anne đã làm cái việc kinh khủng đó thì chính tôi phải chịu trách nhiệm, ít ra về mặt tinh thần. Trong hoàn cảnh đó mà tôi đã tự nộp mình.
Lawrence đã kết thúc lời xưng tội. Anh ta im lặng một lúc lâu. Chính Melchett đã phá vỡ sự im lặng và nói ngắn gọn:
– Tôi muốn hỏi anh vài câu, rất đơn giản. Một là: Anh đã sờ vào cái xác? Vậy anh có làm nó đổi chỗ không?
– Không, tôi không đụng chạm gì cả. Tôi thấy rõ ràng là ông ta đã chết.
– Anh có nhận thấy trên tờ giấy thấm có một mảnh giấy mà một nửa bị cái xác che lấp?
– Không.
– Anh có động tới cái đồng hồ quả lắc không?
– Không hề. Tôi nhớ rằng đã thấy cái đồng hồ quả lắc đổ nhào lên bàn nhưng tôi nói lại là không động đến nó.
– Và khẩu súng của anh, anh đã nhìn thấy lần cuối khi nào?
Lawrence nghĩ ngợi.
– Khó mà nói chính xác. – Anh ta nói.
– Anh để nó ở đâu?
– Bên cạnh một đống tượng nhỏ trên giá sách trong phòng khách của tôi.
– Anh để nó bất cẩn như vậy à?
– Vâng. Và thú thật tôi không để ý đến nó. Nó ở đó, thế thôi.
– Như vậy nếu ai đó vào nhà anh thì tất sẽ nhìn thấy nó?
– Đúng vậy.
– Và anh không nhớ là vào ngày nào anh nhìn thấy nó lần cuối à?
Lawrence nhíu mày cố gắng nhớ lại.
– Tôi chắc rằng nó vẫn còn ở nguyên chỗ cũ ngày hôm kia. Tôi nhớ lại rằng nó đã làm vướng khi tôi muốn lấy một cái tẩu thuốc cũ. Tôi nghĩ rằng đó là vào ngày kia… hoặc cũng có thể là ngày trước nữa.
– Những ai đã vào phòng khách nhà anh những ngày đó?
– Ồ. Một đống người. Luôn có ai đó ở nhà tôi. Hôm kia cũng vậy, tôi đã mở một tiệc trà, có Lettice Prothéro, Denis và tất cả bạn bè của họ. Thỉnh thoảng tôi cũng mời một trong các bà già.
– Khi anh ra ngoài thì anh khóa cửa lại chứ?
– Không, sao phải khóa lại chứ? Chả có gì đáng lấy cắp ở chỗ tôi. Chẳng ai có thói quen khóa cửa ở đây cả.
– Ai làm việc nhà cho anh?
– Một bà già tốt bụng, mẹ Archer.
– Anh có cho là bà ta có thể nhớ việc gì đó về khẩu súng không?
– Tôi không rõ… có thể… nhưng tôi biết là bà ta thích lau chùi bụi bậm. Vậy thì…
– Tóm lại, ai cũng có thể lấy súng của anh phải không?
– Tôi cũng nghĩ như vậy.
Đến đây thì cửa mở cho bác sĩ Haydock và Anne Prothéro bước vào.
Anne tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi thấy Lawrence. Còn anh ta thì tiến một bước về phía cô ta.
– Xin tha lỗi, Anne, xin tha lỗi, – Anh ta nói – thật là tồi tệ khi tôi đã tưởng tượng ra một việc như vậy.
– Tôi… (cô ta lưỡng lự và nhìn về phía Melchett vẻ cầu khẩn). Có khả năng là những điều bác sĩ Haydock nói với tôi là thật ư?
– Rằng ông Redding đã bị gạt ra ngoài cuộc. Đúng, đó là sự thật. Và bây giờ hãy quay lại câu chuyện mà bà đã kể cho chúng tôi. Bà Prothéro, nói đi.
Bà ta nở một nụ cười ngượng nghịu.
– Chắc ông thấy câu chuyện đó kinh khủng lắm.
– Kinh khủng à, ừ và ngớ ngẩn nữa. Nhưng thôi đủ rồi. Cái mà chúng tôi quan tâm bây giờ, bà Prothéro, chỉ là sự thật, tất cả sự thật.
Bà ta nghiêm trang gật đầu.
– Tôi sẽ nói cho ông biết. Tôi nghĩ rằng ông đã biết cả rồi…
– Bà không nhầm đâu.
– Được rồi. Thế đấy: Tôi đã hẹn gặp Lawrence, tức là ông Redding ấy vào 6h15 ở xưởng vẽ. Chồng tôi và tôi, chúng tôi đã đến làng bằng ô tô. Tôi cần mua sắm một vài thứ. Khi chúng tôi chia tay nhau, ông ta nói rằng sẽ tới nhà ông mục sư, tôi không thể báo trước cho Lawrence và điều đó làm tôi phiền lòng. Hẹn hò trong vườn của nhà xứ trong khi chồng tôi đang ở trong nhà, ông có hiểu không…
Bà ta đỏ mặt một chút, thú nhận như vậy thật không thích thú gì. Bà ta tiếp tục:
– Tôi đã nghĩ rằng có thể chồng tôi không ở lại lâu. Để cho chắc chắn, tôi đến bằng con đường nhỏ phía sau, đi qua vườn. Tôi tưởng rằng không ai trông thấy tôi nhưng đương nhiên là tôi đã quên tính đến cô Marple. Cô ta chặn tôi lại và chúng tôi nói chuyện vài lời. Tôi nói với cô ta rằng tôi đi tìm chồng tôi, vì tôi cần phải nói một cái gì đó. Không biết cô ta có tin không vì tôi thấy cô ta có vẻ nghi ngờ.
Vậy là tôi đi về phía phòng làm việc của nhà xứ. Tôi đi rất nhẹ nhàng, nghĩ rằng sẽ nghe thấy tiếng người nói chuyện. Nhưng thật ngạc nhiên, tôi chẳng nghe thấy tiếng gì cả. Tôi liếc nhìn vào bên trong và tôi thấy trong phòng không có ai. Thế là tôi vội vã đi về phía xưởng vẽ để gặp Lawrence.
– Bà nói là căn phòng trống không? – Melchett hỏi.
– Vâng, chồng tôi không có ở đó.
– Thế thì lạ thật.
– Bà muốn nói là đã không trông thấy ông ấy phải không? – Viên thanh tra tham gia.
– Đúng thế, tôi đã không trông thấy ông ấy.
Landormy nói thầm vài lời vào tai ông đại tá và ông này gật đầu.
– Thưa bà Prothéro, – Melchett nói – bà có vui lòng cho chúng tôi thấy lại chính xác những gì bà đã làm không?
– Rất vui lòng.
Bà ta đứng dậy: Landormy mở cửa sổ và bà ta đi ra sân. Bà ta rời xa nhà về phía bên trái. Với giọng như ra lệnh, viên thanh tra yêu cầu tôi đến ngồi vào bàn. Điều đó làm tôi rất khó chịu và lo lắng nữa. Nhưng đương nhiên là tôi làm theo. Tôi nghe thấy ngay tiếng bước chân bên ngoài, dừng lại một thoáng rồi đi ra xa. Viên thanh tra nói rằng tôi có thể trở về chỗ cũ. Và bà Prothéro quay vào, vẫn qua cửa sổ thấp.
– Đúng là thế à? – Melchett hỏi.
– Vâng.
– Bà có thể chỉ cho chúng tôi, bây giờ, thưa bà, chỗ ngồi của ông mục sư trong phòng khi bà nhìn vào phía trong lúc nãy?
Chính viên thanh tra hỏi.
– Ông mục sư ư? Tôi… Không… tôi không thể trả lời ông vì tôi đã không trông thấy ông ấy.
Landormy ngẩng đầu lên:
– Vậy đó, tại sao bà không thấy chồng bà. Ông ấy đã ngồi trong góc, trước bàn giấy.
– Ồ!
Bà ta ngừng lại, mắt đầy sợ hãi.
– Ôi! Ôi! Và ở đó mà… mà…
– Vâng, bà Prothéro. Điều đó xảy ra khi ông ấy đang ngồi đó.
– Ôi! – Bà rùng mình.
Viên cảnh sát tiếp tục thẩm vấn.
– Bà có biết là ông Redding có một khẩu súng?
– Vâng, anh ta đã nói với tôi.
– Bà có cầm khẩu súng đó không?
Bà ta lắc đầu rằng không.
– Bà biết anh ta để nó ở đâu không?
– Tôi không thể khẳng định được, nhưng, tôi cho là đã thấy nó trên giá sách ở nhà anh ta. Có phải anh để nó ở đó không, Lawrence?
– Lần cuối bà đến nhà ông Redding là khi nào?
– Cách đây ba tuần, tôi và chồng tôi đã đến đó uống trà.
– Bà không quay lại từ hôm đó à?
– Không, tôi hầu như không đến đó bao giờ. Điều đó sẽ gây tai tiếng trong làng.
– Đúng vậy, không nghi ngờ gì nữa, – Melchett nói khô khan – nhưng xin hãy cho phép tôi hỏi một câu, tôi xin lỗi: bà thường gặp ông Redding ở đâu?
Bà ta lại đỏ mặt.
– Anh ta thường đến nhà tôi. Anh ấy vẽ chân dung Lettice. Rồi chúng tôi hẹn nhau trong rừng.
Và khi thấy Melchett lại ngẩng đầu lên:
– Thế vẫn còn chưa đủ ư? – Bà nói bằng giọng như vỡ ra – Thật là khủng khiếp phải nói cho các ông tất cả những cái đó! Và tôi thề rằng không có gì là đáng chê trách giữa chúng tôi. Chúng tôi là bạn và chúng tôi không thể đừng yêu nhau được.
Bà Prothéro nhìn Haydock nài nỉ đến nỗi người đàn ông với trái tim nhân hậu này không thể không can thiệp.
– Tôi cho là bà Prothéro đã nói đủ rồi. Bà ấy vừa bị sốc như thế.
Cảnh sát trưởng tán thành:
– Tôi không còn điều gì để hỏi bà nữa và xin cảm ơn bà vì đã trả lời chân thật các câu hỏi của tôi.
– Vậy thì… tôi có thể đi chứ?
– Vợ ông có nhà không ạ? – Haydock hỏi tôi – Bà Prothéro chắc sẽ vui mừng được gặp bà ấy!
– Vâng, Griselda có nhà. Bà sẽ gặp cô ấy ở phòng khách.
Anne ra khỏi phòng cùng với bác sĩ và Lawrence. Melchett vừa bĩu môi vừa nghịch cái rọc giấy. Landormy nhìn chăm chú lá thư nổi tiếng. Tôi tranh thủ cho họ biết về giả thiết của cô Marple, viên thanh tra nghe rất chăm chú.
– Tôi thề rằng bà gái già ấy có lý! Hãy nhìn xem và cho tôi biết có phải là các chữ được viết bằng mực khác nhau không? Ngày tháng đã được viết bằng một cái bút máy.
– Tất nhiên rồi, – Melchett nói – anh đã xem xét lá thư để tìm dấu vân tay chăng?
– Ông nghĩ gì vậy đại tá? Chẳng có dấu vân tay nào trên lá thư cả và dấu vân tay mà chúng ta thu được trên khẩu súng là của ông Redding. Có thể đã có dấu vân tay trên súng, trước khi ông ta đã làm cái việc điên rồ là cho súng vào trong túi, cho nên bây giờ không thể tìm ra chúng được nữa.
– Từ đầu thì vụ án có vẻ rất bất lợi đối với bà Prothéro – Đại tá vẻ đăm chiêu nói – Các bằng chứng có vẻ chống lại bà ta nhiều hơn là Redding. Tuy rằng có lời khai của cô Marple rằng bà ta không mang súng, nhưng các cô gái già này hay nhầm lẫn lắm.
Tôi im lặng, nhưng tôi không đồng ý với Melchett. Cả tôi cũng cho rằng Anne không có súng, cô Marple không phải là loại gái già hay lầm lẫn. Cô ta có năng khiếu kỳ lạ là luôn luôn có lý.
– Cái mà tôi cảm thấy kỳ lạ là không ai nghe thấy tiếng súng cả. – Melchett nói – Nếu anh ta đã bắn thì không thể chấp nhận được là không ai nghe thấy tiếng súng. Nghe tôi đi Landormy, hãy thẩm vấn cô hầu.
Viên thanh tra vội vã đi về phía cô hầu.
– Nếu tôi là anh, – Tôi nói – thì tôi sẽ không hỏi là có nghe thấy tiếng súng trong nhà không, vì cô ấy sẽ nói là không. Hãy nói với cô ta về tiếng súng ở trong rừng.
– Tôi biết phải làm gì với nhân chứng này. – Landormy gắt lên rồi biến mất.
– Ông thấy đấy – Melchett nói – Cô Marple nói là đã nghe thấy một tiếng nổ nhưng muộn hơn. Xác định chính xác thời điểm đó là rất quan trọng. Mặt khác cũng có thể là tiếng súng đó chẳng liên quan gì đến vụ án của chúng ta.
– Có thể. – Tôi nói.
Đại tá đi lại dọc ngang gian phòng.
– Clément, – Đột nhiên ông ta nói – tôi càng ngày càng cảm thấy rằng câu chuyện này đang trở nên rắc rối và khó khăn hơn chúng ta nghĩ. Mọi chuyện đều không rõ ràng: Có điều gì nằm dưới câu chuyện này. (ông ta hít hơi) Có việc gì đó mà chúng ta không biết. Chúng ta mới bắt đầu thôi. Cái đồng hồ quả lắc, lá thư, khẩu súng, đối với chúng ta, đều là những điều bí ẩn cả.
Tôi đồng ý vì tôi cũng nghĩ như vậy.
– Nhưng, – Ông ta lại tiếp tục – tôi sẽ đi đến tận cùng và sẽ biết phần kết của vụ án. Tôi chẳng cần nhờ Scotland Yard giúp. Landormy cũng rất giỏi. Đấy là một dạng chồn tinh khôn đấy. Tài đánh hơi của anh ta sẽ phát hiện ra hướng đi đúng. Anh ta đã phá được nhiều vụ án quan trọng rồi, nhưng vụ này là loại cao thủ nhất. Ừ, tôi biết chứ. Có người sẽ nhờ cậy Scotland, nhưng không phải tôi. Chúng ta sẽ đi đến tận cùng ở đây, ở Devonshire.
– Tôi cũng mong và tin như thế. – Tôi nói.
Tôi định nói một cách nồng nhiệt hơn nhưng tôi rất ác cảm với viên thanh tra và viễn cảnh về thành công của anh ta không làm tôi vui.
Một Landormy chiến thắng sẽ còn đáng ghét hơn một Landormy thất bại.
– Ai ở trong ngôi nhà bên cạnh kia?
– Ở cuối phố à? Nhà bà Price Ridley đấy.
– Khi Landormy làm việc xong với cô hầu của ông thì chúng ta sẽ đi gặp bà ta. Có thể bà ta đã nghe thấy cái gì đó. Bà ta không điếc chứ?
– Tôi cho rằng tai bà ta còn rất thính nữa, tôi đoán thế dựa vào số vụ tai tiếng mà bà ta đã đưa ra và nói rằng bà ta đã vô tình nghe thấy.
– Đấy đúng là nhân chứng mà chúng ta cần. Ô! Landormy đây rồi.
Viên thanh tra đang nóng. Có thể nói rằng ông ta vừa đánh nhau một trận dữ dội.
– Được rồi Clément, tôi đã tìm được người đáng nói là cô hầu của ông.
Marie là một cô gái rất độc đáo.
– Tuy vậy cô ta chẳng thích gì cảnh sát cả. Tôi đã làm tất cả để gợi lên lòng tôn trọng pháp luật của cô ấy, nhưng không làm gì được. Cô ấy đã chống lại tôi.
– Cô ấy không thiếu can đảm đâu. – Tôi nói và cảm thấy có thiện cảm với Marie.
– Có thể, nhưng tôi cũng đã dồn được cô ta. Cô ta có nghe thấy một tiếng nổ, một thôi. Có thể vào một lúc lâu sau khi đại tá Prothéro đến. Tôi đã không làm cho cô ta xác định chính xác giờ được, nhưng cô ta đã nhớ lại là tối hôm đó, cá đã được đưa đến muộn, và người bán cá đã nói với cô ta là lúc đó vào khoảng 6h30. Lúc đó cô ta vừa nghe thấy tiếng nổ xong. Tất nhiên, đây cũng chưa chính xác nhưng dù sao cũng là một chỉ số!
– Hừm! – Melchett nói.
– Tôi sẽ phải cho rằng bà Prothéro không dính dáng đến vụ này – Landormy kết luận với vẻ tiếc rẻ – Trước hết là bà ta không có đủ thời gian và sau đó thì phụ nữ không thích dạo chơi với vũ khí gây tiếng nổ. Họ ưa dùng thuốc độc hơn. Không, không phải là bà ta. Tức thật.
Anh ta thở dài.
Melchett thông báo là sẽ đi đến nhà bà Price Ridley. Viên thanh tra đồng tình.
– Các ông có cho phép tôi đi cùng không? – Tôi hỏi.
Tôi bắt đầu thấy thật sự quan tâm đến câu chuyện này.
Họ vui vẻ bằng lòng và chúng tôi cùng đi. Đến hàng rào chúng tôi nghe thấy tiếng gọi to. Đó là Denis vừa từ làng về và chạy đến gặp chúng tôi.
– Thế nào! – Nó kêu lên với viên thanh tra – Ông nói gì về vết chân tôi đã chỉ cho ông ở trong vườn?
– Đấy là vết chân của người làm vườn. – Landormy thản nhiên trả lời.
– Nếu như ai đó đã lấy giày của người làm vườn thì sao?
– Không, điều đó không có thật. – Viên thanh tra nói xẵng làm Denis chưng hửng.
Nhưng anh ta còn làm cho Denis mất can đảm hơn.
Anh ta chìa ra hai que diêm đã bị đốt.
– Tôi đã tìm thấy chúng ở cổng nhà xứ.
– Cảm ơn! – Landormy nói rồi cho diêm vào túi.
Thế là hết chuyện.
– Các ông không bắt ông Len đấy chứ? – Denis lại đùa.
– Bắt ư? Tại sao? – Viên thanh tra hỏi.
– Trời! Có hàng đống suy luận chống lại ông ta. Hãy hỏi Marie mà xem. Trước ngày tội ác xảy ra, ông ta đã mong cho đại tá Prothéro biến mất khỏi thế giới này. Phải không bác Len?
– Hừm…
Nhưng Landormy đã liếc về phía tôi đầy nghi ngờ và tôi cảm thấy một cơn rùng mình chạy khắp toàn thân. Denis thật là đáng ghét! Nó phải biết rằng một cảnh sát không phải bao giờ cũng biết đùa.
– Đừng làm trò ngu ngốc, Denis. – Tôi bực mình nói.
Thằng bé tội nghiệp trợn tròn mắt.
– Nhưng chỉ là đùa thôi mà, – Nó nói – bác Len đã chỉ nói rằng ai làm biến mất Prothéro thì sẽ phụng sự đắc lực cho đời.
– A! – Viên thanh tra nói – Tôi bắt đầu hiểu cô hầu định nói gì.
Cả những người hầu cũng ít khi có tính hài hước. Và tôi ngầm oán Denis, nó nhắc lại chuyện đó làm gì cơ chứ? Cùng với câu chuyện về chiếc đồng hồ quả lắc thì tôi sẽ vĩnh viễn bị nghi ngờ dưới con mắt của Landormy.
– Đến đây nào, Clément. – Melchett nói.
– Các ông đi đâu? Tôi có đi theo được không? – Denis hỏi.
Tôi nói ngay:
– Không.
Chúng tôi để nó lại đấy. Nó buồn rầu nhìn theo chúng tôi. Chúng tôi đến ngay trước ngôi nhà sạch sẽ, sáng sủa của bà Price Ridley. Viên thanh tra gõ cửa rồi lại bấm chuông theo cách mà tôi nghĩ là đúng luật.
Cô hầu, một cô gái xinh xắn hiện ra trên ngưỡng cửa.
– Bà Price Ridley có nhà không? – Đại tá hỏi.
– Không, thưa ông.
Cô hầu ngừng một lát rồi nói:
– Bà ấy vừa đi đến Sở Cảnh sát.
Thật là bất ngờ. Khi chúng tôi quay lại, Melchett nắm lấy tay tôi và nói nhỏ.
– Miễn là bà ta không đến để tự thú là đã giết Prothéro, cả bà này nữa. Đã đủ điên đầu lắm rồi!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.