Cha, điểm tựa đời con
VÒNG TRÒN CUỘC SỐNG
Một buổi chiều mùa đông, Luke, đứa con trai nhỏ của tôi, rón rén bước lại gần chiếc ghế nơi tôi đang ngồi đọc sách. Thằng bé đứng phía sau cái đèn đọc sách hình bán nguyệt bằng đồng thau mà tôi rất quý, chiếc đèn đã từng dùng làm đèn chiếu sáng phòng khám của bố tôi.
Mỗi khi tôi đọc sách, Luke rất thích lại gần để hỏi xin ý kiến về những “vấn đề nghiêm trọng” của nó. Dường như thằng bé cảm thấy an tâm hơn mỗi khi ở bên cạnh bố và luôn thích học theo những điều bố làm. Năm ngoái, thằng bé cũng thường quanh quẩn bên tôi khi tôi làm vườn. Tôi còn nhớ một lần, thay vì phải chôn những hạt mầm sâu xuống dưới đất, thằng bé đã rải chúng trên nền đất để có thể quan sát chúng lớn lên mỗi ngày. Gần đây Luke đang tập đọc sách một mình, mặc dù thằng bé vẫn chưa đọc thành thục.
Tôi ngừng đọc, ngẩng lên và thấy con trai mình đang cười toe toét. Luke vừa nói vừa chìa món đồ chơi từ sau lưng ra:
– Con làm gẫy cái cưa rồi bố ơi. Nó đây này.
Luke không hỏi xem tôi có thể sửa được món đồ chơi hay không bởi lẽ trong suy nghĩ của nó, bố luôn sửa chữa được mọi thứ, từ xe đạp ba bánh, xe goòng đến đủ loại đồ chơi. Có lẽ lúc này, Luke chỉ nghĩ đơn giản rằng: “Cái cưa nhựa màu xanh này gẫy rồi, nhưng cha tôi có thể sửa nó ngay.”
Tôi hỏi con:
– Cái cưa bị thiếu mất mấy miếng rồi. Con còn giữ chúng không?
Thằng bé xòe những mảnh vụn đang nắm trong tay ra. Tôi băn khoăn làm thế nào để gắn nó lại như cũ được.
Luke chăm chú nhìn tôi với ánh mắt hoàn toàn tin tưởng. Ánh mắt của thằng bé khiến tôi nhớ lại những tháng ngày thơ ấu của mình. Tôi cẩn thận xem xét cái cưa, lật qua lật lại những mảnh vụn nhưng tâm trí lại nhớ về những kỷ niệm ngày xưa…
Hồi đó, tôi bảy tuổi và sau mỗi giờ tan học, tôi lại chạy đến phòng khám của cha. Cha tôi là một bác sĩ khá nổi tiếng ở thị trấn Ohio. Tôi luôn ngạc nhiên về những việc mà cha đã làm. Cha không những có thể chữa lành bệnh cho mọi người mà còn biết tập cho tôi cưỡi ngựa, đẽo con quay và điều khiển dây cương để chiếc xe trượt tuyết của tôi phi xuống đồi. Tôi thích quanh quẩn trong phòng khám để nghe những bệnh nhân của cha gọi mình là “bác sĩ nhí”. Tôi cũng rất thích được nhìn bệnh nhân của cha khỏe mạnh và tươi tỉnh rời phòng khám.
Một hôm, tôi đến phòng khám để gặp Jimmy Hardesty – người bạn thân nhất của tôi. Jimmy nghỉ học ba ngày và mẹ Jimmy sẽ đưa bạn ấy đến phòng khám của cha tôi vào hôm nay.
Thế nhưng, khi bệnh nhân sau cuối đã ra về, tôi vẫn không thấy Jimmy đâu. Cuối cùng, hai cha con tôi đành đến thăm một số bệnh nhân tại nhà riêng như đã hẹn. Cha thường dẫn tôi theo trong những chuyến thăm bệnh tại gia như thế này bởi ông rất thích nghe tôi líu lo kể chuyện suốt đoạn đường. Chuyến thăm bệnh của cha kết thúc khi đồng hồ chỉ gần bảy giờ tối. Trong lúc sắp xếp đồ đạc, bỗng nhiên cha đề nghị: “Ta ghé qua thăm Jimmy một lúc xem sao.” Tôi sung sướng gật đầu. Khi xe vừa chạy đến ngôi nhà cổ bằng đá xám của Jimmy, chúng tôi nhìn thấy một ngọn đèn ở cửa sổ trên tầng lầu và một ngọn đèn khác ở mái vòm sau nhà – dấu hiệu của điều không hay.
Cha tôi lái xe vào tận sân rồi mới dừng lại. Alice, chị của Jimmy, chạy ra ôm chầm lấy cha, vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc:
– Bác sĩ ơi, em Jimmy của cháu sắp chết rồi! Bố cháu đã tìm bác khắp nơi. May quá bác đã đến.
Cha tôi vốn là một người rất điềm tĩnh. Ông bảo rằng vội vã chẳng thể giúp ta giải quyết được điều gì. Thế nhưng lúc đó, cha bảo Alice buông tay ra và lao thẳng vào nhà. Tôi chạy theo cha băng qua căn bếp trống trải và leo lên chiếc cầu thang tối tăm. Jimmy đang thở dốc và chốc chốc lại rên lên vài tiếng. Dưới ánh sáng hiu hắt của chiếc đèn dầu, tôi chỉ thấy gương mặt của Jimmy xanh xao trong khi mắt thì nhắm nghiền. Mẹ Jimmy nắm lấy tay cha tôi, van nài:
– Thưa bác sĩ, xin hãy giúp chúng tôi. Jimmy chỉ bị cảm lạnh nhẹ thôi, nhưng chẳng hiểu sao từ chiều đến giờ thằng bé lại đổ mồ hôi dữ dội như thế này.
Lần đầu tiên tôi trông thấy mẹ của Jimmy không đeo tạp dề trên người. Cô đứng phía sau, đặt tay lên vai tôi trong lúc cha nghe nhịp tim của Jimmy. Cha bơm một mũi thuốc và giơ chiếc kim tiêm lên dưới ánh đèn. Tôi chắc chắn rằng đây là liều thuốc đặc biệt chỉ dùng cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Cha tiêm mũi thuốc vào người Jimmy. Sau đó cha đè tay lên ngực Jimmy và hô hấp cho bạn ấy. Căn phòng chìm vào im lặng, không có bất kỳ tiếng động nào ngoài hơi thở đều đều của cha và tiếng khò khè đáp lại của Jimmy.
Thế rồi chỉ trong phút chốc, tôi nhận ra căn phòng chỉ còn lại một tiếng thở của cha tôi. Tôi cảm thấy bàn tay mẹ Jimmy bấu chặt lấy đôi vai mình. Và rồi tôi biết, và cô ấy cũng biết, rằng có điều gì đó đã vỡ tan rồi. Nhưng cha vẫn cứ tiếp tục thổi không khí vào phổi của Jimmy. Tôi có cảm giác như thời gian đang ngừng trôi, cho đến khi mẹ Jimmy bước đến bên giường, đặt tay lên vai cha tôi và nói rất khẽ:
– Thằng bé đi rồi bác sĩ ạ. Không cần cố gắng nữa. Con trai tôi đã đi rồi!
Nhưng cha tôi vẫn ngồi im bất động.
Cô Hardesty nắm lấy tay tôi và chúng tôi đi xuống nhà bếp. Cô ấy ngồi khóc nức nở còn chị Alice, với gương mặt đau đớn, cũng nép vào vạt váy của mẹ mà khóc. Tôi bước ra ngoài, ngồi bệt xuống bậc thang đầu tiên giữa màn đêm lạnh lẽo.
Tôi không muốn ai nhìn thấy hoặc nghe thấy mình khóc vào lúc này cả.
Khi chú Hardesty về nhà và nhìn thấy xe hơi của cha con tôi, chú vội vã bước vào và tôi nghe thấy tiếng trò chuyện của cha và chú. Cuộc trò chuyện gián đoạn trong giây lát rồi lại tiếp tục. Cuối cùng cha tôi trở ra xe và tôi theo cha về nhà. Suốt quãng đường về cha không nói gì với tôi cả. Tôi cũng không dám nói gì với cha vào lúc đó. Có một điều gì đó đã đổ vỡ trong trái tim tôi. Thay vì về nhà, cha chở tôi quay trờ lại phòng khám. Cha lục lọi tất cả những quyển sách, tìm kiếm xem lúc đó lẽ ra cha phải làm gì mới cứu được Jimmy. Tôi nhìn theo cha, chẳng biết nên làm gì cả. Thời gian cứ chậm chạp trôi qua, chốc chốc tôi lại bật khóc khi nghĩ đến chuyện vừa xảy ra. Cuối cùng, tôi mừng rỡ khi nghe có tiếng ai đó đang đi vào. Những tin tức về sự ra đời cũng như qua đời của bất kỳ ai trong vùng này đều được loan truyền nhanh chóng. Mẹ tôi biết tin và đã đến đây.
Mẹ quỳ xuống, ôm tôi vào lòng và xoa nhẹ lưng tôi. Tôi dụi đầu vào mẹ, khóc nấc lên:
– Mẹ ơi, tại sao bố lại không thể cứu sống Jimmy?
Mẹ im lặng một lúc rồi trả lời:
– Cha lớn hơn con, nhưng cha không lớn hơn Thượng đế con ạ. Mẹ và con yêu cha vì những việc cha có thể làm, nhưng chúng ta cũng không bớt yêu cha vì những điều cha không làm được, đúng không con. Khi yêu một ai đó, chúng ta sẽ chấp nhận tất cả những gì thuộc về họ.
Mặc dù ngay lúc đó tôi không hiểu tường tận lời mẹ nói nhưng tôi vẫn cảm nhận được tầm quan trọng của chúng. Sau đó mẹ bước vào phòng và an ủi bố. Mùa đông năm đó đã trôi qua rất lâu rồi nhưng giờ đây, nó lại trở lại trong tâm trí của tôi.
Tôi ngồi lật qua lật lại những mảnh vụn từ cái cưa gẫy của Luke. Tôi nói với con trai:
– Bố không sửa được nó, Luke ạ!
– Không! Con biết là bố sửa được mà.
– Không! Bố không sửa được. Bố xin lỗi con.
Thằng bé nhìn tôi và sự tự tin trên khuôn mặt nó biến mất. Miệng Luke trễ xuống và thằng bé cố hết sức để không bật khóc.
Tôi kéo Luke vào lòng, dỗ dành thằng bé hết mức để nó không buồn vì món đồ chơi đã gẫy và một hình tượng đã sụp đổ. Dần dần con trai tôi cũng vui lên. Có lẽ Luke cũng biết được rằng tôi đang buồn nên thằng bé rúc vào lòng tôi và vòng tay ôm lấy cổ tôi.
Khi con trai nhìn tôi bằng ánh mắt thân thiện và bước ra khỏi phòng, tôi như nghe thấy lời mẹ năm nào. Khi xưa tôi là đứa con, giờ tôi đã là một người cha và vòng tròn đã được lặp lại. Tôi hiểu ra rằng tình yêu thương luôn luôn vô điều kiện cũng như cuộc sống luôn mang đến cho chúng ta rất nhiều thử thách cam go. Thế nhưng, chính những trải nghiệm đó sẽ giúp ta trưởng thành.
– W. W. Meade
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.