Cha, điểm tựa đời con

BÀI HỌC TỪ BỐ



Các bậc cha mẹ không nuôi những anh hùng, nhưng họ nuôi dưỡng những đứa con trai. Và với tình thương yêu các con hết lòng, chúng sẽ trở thành những anh hùng, dù đôi khi chỉ là anh hùng trong mắt bố mẹ.

Walter M. Schirra

Đó là một trong những ngày cảm động nhất trong cuộc đời làm cha của tôi – ngày tiễn con trai của mình lên đường nhập ngũ. Trên đường trở về nhà, tôi bồi hồi nhớ lại những ký ức về cậu con trai mười chín tuổi của mình.

Sau sinh nhật thứ mười chín, Tim – cậu con trai út của tôi – muốn gia nhập quân đội. Thằng bé nhờ tôi chở xuống trạm đăng tuyển và hỏi tôi có muốn đến dự buổi tuyên thệ của nó không.

Tất nhiên là tôi trả lời có và hứa sẽ sắp xếp công việc để có mặt cùng con.

Việc đăng tuyển nhanh chóng có kết quả. Tôi tranh thủ thời gian chỉ còn ít ngày trước khi con lên đường để dặn dò con những điều cần chú ý trong quân ngũ. Rồi ngày Tim lên đường cũng đến; hai cha con tôi quay trở lại nơi thằng bé đã đăng ký. Tôi nhìn quanh, căn phòng có khoảng ba mươi đến bốn mươi thanh niên, có cả nam lẫn nữ, trạc tuồi Tim. Tôi nhận ra một số phụ huynh cũng đang ngồi đợi cùng con họ.

Cô gái trẻ ngồi bên cạnh Tim quay sang bắt chuyện với thằng bé. Cô hỏi Tim từ đâu đến và dự định sẽ đóng quân ở đâu. Tim trả lời rồi giới thiệu cô bé với tôi. Cô bé kể với tôi rằng cô cũng rất muốn mẹ có mặt ớ đây hôm nay nhưng hai mẹ con đã có một trận cãi vã gay gắt trước khi cô ra khỏi nhà. Cô bé muốn gia nhập quân đội nhưng mẹ cô thì phản đối kịch liệt. Cô bé kể về việc chia tay mẹ bằng giọng cứng cỏi và lạnh lùng. Thế nhưng, tôi biết đó không phải là giọng điệu thật sự của cô bé. Có lẽ lúc này cô bé rất muốn mẹ có mặt ở đây để hãnh diện về việc gia nhập quân đội của con gái mình. Tôi rất muốn nói với cô bé rằng tôi tự hào về cô nhưng rồi tôi im lặng vì cho rằng nơi này không phải là chỗ thích hợp để bày tỏ điều đó.

Buổi lễ tuyên thệ được cử hành đúng như dự kiến. Con trai tôi cùng các đồng đội của nó được chuyển sang căn phòng nhỏ hơn bên cạnh để đọc lời tuyên thệ. Người chi huy giải thích về nghi thức cũng như lời thề mà các tân binh sẽ tuyên bố. Ông hỏi từng người rằng có phải họ hoàn toàn tự nguyện đến đây hay không; tất cả đều trả lời: “Đúng vậy, thưa ngài!”. Mỗi tân binh đều giơ bàn tay phải lên, trịnh trọng đọc lời thề phục vụ đất nước. Tôi xúc động đến mức không nói nên lời khi nhìn thấy cậu con trai bé bỏng của mình đứng trước lá cờ tổ quốc. Vậy là từ giờ phút này, thằng bé đã trở thành một người lính thực thụ.

Sau nghi thức tuyên thệ, hai bố con tôi chụp hình kỷ niệm. Tấm hình này sẽ theo tôi trong suốt tám tuần lễ sắp tới. Tôi sẽ không được nhìn thấy con trai mình cho đến khi nó từ trại huấn luyện tân binh tại Fort Knox, Kentucky, trở về.

Quãng đường về nhà là một trong những quãng đường dài nhất cuộc đời tôi. Ngồi một mình trên xe, bao kỷ niệm về Tim trở về trong tôi. Tôi có cảm giác như vừa đánh mất đứa con trai thân yêu của mình. Những câu hỏi nối tiếp hiện ra trong đầu tôi: “Liệu mình đã dặn dò thằng bé đủ chưa?”, “Nó có ghi nhớ hết không?”, “Thằng bé sẽ trở thành người thế nào sau khi nhập ngũ?”, “Liệu thằng bé có biết mình rất thương yêu nó không?”… Tim là con út nên từ nhỏ, nó đã được vợ chồng tôi cưng chiều hết mực. Thế mà bây giờ, thằng bé chẳng còn thuộc về chúng tôi nữa. Sau ngày hôm nay, nó đã thành người con của tổ quốc.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi lên đường, Tim đã gửi e-mail cho tôi. Trong thư, thằng bé viết:

Bố thân yêu!

Hôm nay con được trung đoàn trưởng thưởng một huy hiệu vì đã sửa được cái máy phát điện trong chuyến hành quân kéo dài ba ngày. Người thợ máy của trung đoàn đã không sửa được nên con đã đề nghị sửa thử xem sao. Con tìm thấy một sợi dây bị hư phía dưới bảng điều khiển và thay nó. Khi cái máy hoạt động bình thường trở lại, họ ngạc nhiên hỏi vì sao con lại biết làm những thứ này. Con trả lời họ rằng bố con là một thợ máy. Trung đoàn trưởng của con đã nói: “Ồ, chắc bố cậu đã dạy cậu rất cẩn thận”. Bố ạ! Con cảm ơn bố vì đã dạy cho con biết cách sửa chữa những vật dụng trong nhà, ngay cả khi con không muốn học. Chiếc máy phát điện đó rất cần thiết cho chuyến hành quân của chúng con nên việc sửa được nó là điều rất tuyệt vời. Chiếc huy hiệu này rất có ý nghĩa với con. Con là người thứ ba trong tiểu đội được nhận huy hiệu đấy bố ạ. Con hy vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Con muốn nói rằng con nhớ bố nhiều!

Yêu bố!

Tim

Tôi ngồi tại bàn làm việc của mình, nhớ đến những bài học ông nội Tim đã dạy cho tôi ngày trước. Tôi mỉm cười khi nhớ rằng ngày ấy bố tôi cũng đã bắt tôi phụ giúp ông mỗi khi ông sửa chữa đồ đạc. Ngày hôm nay, những bài học của bố đã được thực hành thông qua đôi bàn tay của con trai tôi, dù nó đang ở rất xa. Có thể nói, chưa khi nào tôi thấy tự hào như lúc này.

– William Garvey


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.