Cha, điểm tựa đời con

ĐỒNG CẢM



Khi còn nhỏ, tôi không thể hiểu tại sao cứ đến tháng Mười Hai là bố lại xem bộ phim “Tora! Tora! Tora!” với đôi mắt đỏ hoe như vậy. Tôi biết bộ phim đó kể về trận đánh Trân Châu Cảng cùng cái chết của hàng ngàn con người trong trận đánh đó nhưng lại không thể hiểu tại sao nó lại khiến bố xúc động đến vậy. Với tôi, đó chỉ là điều tất yếu trong một cuộc chiến tranh mà thôi.

Sáu năm sau khi cha tôi mất, vào năm 1985, tôi gia nhập Hải quân, đúng như mong muốn của cha. Trước đó, cha tôi đã nhập ngũ năm 1955 và cũng tham gia lực lượng Hải quân. Tôi được đóng quân trên chiếc tàu USS George Washington[1] và chính trong những tháng ngày lênh đênh trên biển, tôi dần hiểu được những giọt nước mắt của cha.

[1] Tàu USS George Washington: Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, được ví như một căn cứ không quân nổi giữa Thái Bình Dương, có sức chứa khoảng 5.000 người, 67 phi cơ và 1,8 triệu kilogram bom.

Ngày mùng 10 tháng 9 năm 2001, chúng tôi nhận lệnh lên đường huấn luyện ờ xa. Ngày 11 tháng 9, mọi thứ dường như sụp đổ dưới chân chúng tôi khi biết tin về vụ khủng bố ở Trung tâm Thương mại Thế giới. Thật may là chúng tôi còn kết nối được với vệ tinh và biết được một số tin tức thông qua kênh truyền hình CNN trước khi quay lại trung tâm huấn luyện. Lúc đó, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về cảm xúc của mình. Công việc của tôi là ghi lại tên tuổi của nạn nhân để báo cho các đồng đội. Chúng tôi được chỉ định dẫn đầu những tàu ngầm khác lặn sâu ở phía dưới đại dương để bảo vệ tổ quốc. Khi tuần tra ngang qua cảng New York, tôi nhìn thấy khói vẫn đang bốc lên từ nơi đã từng là Trung tâm Thương mại Thế giới. Xung quanh tôi, mọi người đều nhìn thấy điều đó và rất nhiều người đã khóc.

Ngày 17 tháng 9, chúng tôi được lệnh trở về cảng. Mọi thứ ở New York thay đổi đến mức khiến tôi có cảm giác như mình đang đứng ở một đất nước khác vậy. Về đến nhà, tôi đọc lại những tờ báo ra ngày 12 tháng 9. Lúc đó, tôi thật sự hiểu vì sao cha lại xúc động mạnh đến như vậy khi xem bộ phim về một ngày tháng Mười Hai khi cha mới tám tuổi. Lúc đó, dù còn rất nhỏ nhưng cha hiểu về cái chết oan uổng của những người dân vô tội và sự vô nghĩa của các cuộc chiến tranh.

Tôi viết những dòng này khi sắp sửa bước vào một cuộc tập trận quy mô lớn và đang nghĩ đến đứa con trai mười một tuổi của mình. Tôi không biết liệu mình có thể giải thích cho con hiểu cảm xúc lúc này của mình hay không. Tôi chỉ hy vọng khi lớn lên, con trai tôi sẽ không trải qua những bi kịch nặng nề nào giống như cuộc chiến Trân Châu Cảng hay cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 vừa qua. Nhưng tôi cũng hiểu rằng lúc này đây, niềm tin vào một thế giới an bình của con trai tôi đã bị lung lay rồi..

Tất cả quân nhân chúng tôi đều mong muốn góp phần kiến tạo nên một thế giới yên bình cho con cháu về sau. Chiến hạm của chúng tôi nhận được một món quà ý nghĩa từ một trường tiểu học. Đó là một vòng hoa làm từ giấy bìa cứng có ghi những lời động viên của các học sinh. Có một cháu bé đã viết: “Cảm ơn các chú đã giúp cho em gái cháu được lớn lên trong một đất nước yên bình”. Tôi nhớ đến cha và sự kiện xảy ra năm 1941. Tôi tự tái hiện lại hình ảnh cuộc chiến đó theo cách của mình. Tôi bỗng ao ước được gặp cha ngay lúc này để nói với cha rằng tôi đã thấu hiểu cảm xúc của người. Nhưng có lẽ cha cũng đang đồng cảm với tôi; vì tôi có cảm giác cha đang rất gần mình.

– Robert Anderson


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.