Cha, điểm tựa đời con

SỰ HOÀN HẢO



Chush là ngôi trường dành cho trẻ em thiểu năng ở Brooklyn, New York. Nhiều học sinh của Chush phải ở lại trong trường suốt thời niên thiếu; một số khác thì học ở Chush một thời gian rồi được gửi đến những trường học chính quy bên ngoài. Trong khi đó, có một số em học ở Chush vào các ngày trong tuần và cuối tuần thì đi học tại các trường dòng.

Một lần, trong chương trình từ thiện ở Chush, cha của một em học sinh ở đây đã có một bài phát biểu rất xúc động. Sau khi ngỏ lời cám ơn ngôi trường và đội ngũ giáo viên tận tâm cống hiến cho nghề nghiệp, ông òa khóc:

– Thượng đế sáng tạo ra mọi vật trong sự hoàn hảo. Nhưng đâu là sự hoàn hảo trong Shaya – một đứa trẻ không thể suy nghĩ bình thường như những cậu bé khác? Nhiều năm nay, tôi luôn hỏi sự hoàn hảo của Thượng đế nằm nơi đâu khi Người sáng tạo nên đứa con trai của tôi?

Tất cả đều lặng người đi khi nghe câu hỏi ấy. Họ đồng cảm với nỗi đau quá lớn của người cha này.

– Thế nhưng giờ đây, – Người cha nói tiếp. – tôi đã tìm thấy câu trả lời cho mình. Tôi tin rằng khi Thượng đế mang tặng thế giới một đứa trẻ như Shaya, sự hoàn mỹ sẽ thể hiện trong cách mà mọi người đối xử với nó.

Và ông bắt đầu kể câu chuyện về cậu con trai của minh:

– Cả tuần Shaya học ở Chush nên vào ngày chủ nhật, tôi thường đưa thằng bé đến trường Dòng Darchei Torah ở Far Rockaway. Vào một chủ nhật nọ, chúng tôi đến Darchei Torah khi các bạn của thằng bé đang chơi bóng chày. Lúc đó Shaya nhìn tôi và nói: “Bố có nghĩ con chơi với các bạn được không?”.

Lúc ấy, tôi chẳng biết nên trả lời con trai mình như thế nào. Shaya không phải là một cậu bé bình thường và hẳn các cậu bé kia sẽ chẳng muốn có Shaya trong đội của mình. Nhưng tôi biết chắc rằng nếu được chơi chung với các bạn, Shaya sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.

Thế rồi tôi tìm đến cậu bé đeo băng đội trướng của một trong hai đội và hỏi: “Cháu có nghĩ Shaya của bác có thể tham gia trận đấu cùng các cháu được không?”. Sau khi hội ý với các bạn, cậu bé kia quay lại thông báo: “Đội cháu đang thua sáu điểm và trận đấu đang ở lượt thứ tám rồi. Cháu nghĩ bạn ấy có thể tham gia và chúng cháu sẽ để bạn ấy đánh bóng ở lượt thứ chín.”

Trong khi Shaya cười mừng rỡ thì tôi hồi hộp đến mức không dám nhìn vào sân. Shaya đeo găng tay và bước vào vị trí đã được chỉ định trước.

Vào cuối hiệp tám, đội của Shaya ghi thêm được vài điểm nhưng vẫn bị dẫn trước tới ba điểm. Tới cuối hiệp chín, đội của Shaya lại ghi điểm và đội sẽ thắng nếu cú đánh cuối cùng thành công. Và Shaya được giao trọng trách đánh quả này. Liệu đội bóng có nên để Shaya đánh bóng trong tình huống này không? Liệu Shaya có làm mất cơ hội chiến thắng của đội không?

Thế nhưng, thật kinh ngạc, cả đội đều bảo Shaya hãy cầm lấy gậy và cố gắng đánh trúng. Tất cả đều biết điều đó gần như là không thể với Shaya vì thằng bé thậm chí còn không biết cầm gậy ra sao, nói gì đến chuyện đánh trúng bóng. Tuy nhiên, khi Shaya bước đến vị trí của cầu thủ đánh bóng, một đồng đội đã tiến lên vài bước và giao bóng nhẹ nhàng để Shaya làm quen với bóng.

Ở cú ném đầu tiên, Shaya đón hụt bóng và một cầu thủ trong đội phải giúp Shaya cầm lại gậy. Sau đó, cả hai đứng bên nhau cùng chờ đợi cú ném tiếp theo. Lần này cầu thủ ném bóng bước lên thêm vài bước nữa để quăng bóng cho Shaya nhẹ hơn.

Cú ném thứ hai bắt đầu, Shaya cùng người bạn tung gậy lên và đánh quả bóng đang bay khá thấp về phía cầu thủ bắt bóng của đội bạn. Lúc đó, nếu cầu thủ bắt bóng ném bóng về phía chốt một thì trận đấu sẽ kết thúc và đội của Shaya sẽ thua. Thế nhưng, cầu thủ đó lại ném bóng hình vòng cung để cầu thủ giữ chốt một không thể với tới. Trên khán đài, mọi người bắt đầu la ó: “Shaya, chạy tới chốt thứ hai! Shaya mau chạy tới chốt thứ hai.”

Shaya chạy về phía chốt thứ hai khi những người chạy phía trước nó chạy quanh các chốt để về phần sân nhà. Khi Shaya tới được chốt thứ hai, người chặn ngắn của đội bạn chạy về phía nó, chỉ Shaya hướng về chốt thứ ba và la lên: “Shaya, chạy về chốt thứ ba!”. Và khi Shaya vòng qua chốt thứ ba, cầu thủ cả hai đội chạy phía sau la lần nữa: “Shaya, chạy về sân nhà!”.

Khi Shaya chạy về đạp vào dĩa nhà, toàn bộ mười tám cầu thủ của hai đội nâng thằng bé lên vai như một anh hùng, tựa như thể thằng bé vừa mang về chiến thắng cho đội mình vậy.

– Chính ngày hôm ấy, – Người cha nói, giọng nghẹn ngào. – cả mười tám cầu thủ đều đã trở thành những người hoàn hảo. Họ giúp tất cả chúng tôi – những người may mắn được xem trận đấu đó – hiểu rằng không chỉ những người có tài mới được công nhận mà tất cả những ai đã nỗ lực hết mình đều đáng được tôn vinh. Tất cả chúng ta đều có xúc cảm và đều muốn cảm thấy mình quan trọng.

– Rabbi Paysach J. Krohn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.