Những Lời Dạy Từ Các Thiền Sư Việt Nam Xưa

42. Chân Thân



Như Lai thành chánh giác,

Tất cả lượng bằng thân.

Xoay lại chẳng xoay lại,

Trong mắt con ngươi nằm.

Chân thân thành vạn tượng,

Vạn tượng thành chân thân.

Cung trăng cành quế đỏ,

Quế đỏ tại một vầng.

Thiền sư Y SƠN (? – 1213) – Bản dịch HT Thanh Từ

BÌNH: Bạn có thể xoay tấm gương bất kỳ hướng nào, và thấy nó luôn luôn chiếu ảnh bình đẳng như nhau. Sau khi nhận ra chân tâm, bạn thấy rằng vạn pháp trở thành một với bạn. Vạn pháp là tâm bạn hiển lộ – bạn là những gì bạn suy nghĩ, bạn là những gì bạn cảm xúc, bạn là những gì bạn nghe…

Mặt trăng biểu tượng cho tâm; cây quế đỏ, để chỉ cho bản tánh của tâm. Nhiều thiền sư lại thích dùng biểu tượng cho mặt hồ an tĩnh – lặng lẽ phản chiếu cả bầu trời. Biểu tượng sau có thể dùng mô tả hai phẩm chất của tâm thiền định: vắng lặng, và tỉnh thức. Đức Phật nói thiền định có hai lối tiếp cận: chỉ, và quán. Thiền chỉ, còn gọi là thiền tĩnh lặng, giúp bạn giữ tâm cho an; Thiền quán, còn gọi là thiền chánh niệm, giúp bạn thấy các pháp như nó là nó. Cả hai nên tu tập cùng lúc để giúp bạn có tâm vừa vắng lặng, vừa tỉnh thức.

Nếu bạn thấy nhiều chữ rắc rối, bạn có thể chỉ cần nhớ tới mặt hồ tĩnh lặng. Hay chỉ cần nhớ hai chữ “lặng, tĩnh… lặng, lặng, tĩnh, tĩnh… lặng, tĩnh… lặng, lặng, tĩnh, tĩnh…”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.