Tại Sao Em Ít Nói Thế?
Hướng nội & tối giản
Một người hướng nội thì không phù hợp với những gì nhiều về số lượng, rộng về quy mô và đều đều về nhịp độ. Người hướng nội luôn cần được nghỉ ngơi và nuôi dưỡng cảm xúc từng ngày. Đó là lí do khi bắt gặp lối sống tối giản khởi nguồn từ những cuốn sách của một vài tác giả người Nhật, tôi đã vồ lấy và ngấu nghiến nó một cách say mê.
Có một cách đơn giản, nhanh gọn và đầy hạnh phúc để nơi ở của chúng ta luôn đẹp và gọn ghẽ, đó là: vứt hết những gì không phải là nhu cầu thực sự của mình. Nói cách khác, đó chính là việc thực hành lối sống và tư duy tối giản.
Đầu tiên, tôi dọn sách. Những quyển sách và tài liệu cũ vẫn còn được giữ lại từ khi tôi còn là giáo viên. Một số được gửi lại cho đồng nghiệp, một số khác chuyển cho những người bạn có ý định làm thư viện cộng đồng. Phần khác đem cho tất cả những ai có nhu cầu nhận.
Cho sách đi tức là từ nay tôi vứt đi cái tấm khiên sĩ diện trí thức, chữ nghĩa mà trước nay vẫn quàng lên cổ. Cũng là giải phóng hẳn một giá sách to vừa cũ vừa tăm tối, lấy chỗ cho con gái ngồi viết những nét chữ đầu tiên trong đời.
Sau sách là quần áo. Sao tôi lại mua nhiều váy đến thế? Vốn biết hình thể mình chẳng được ưa nhìn, lại không điệu đà nên mỗi lần buồn chán tôi lại đi mua váy với suy nghĩ mua về để thay đổi tâm trạng và số phận. Nhưng đâu phải thế, sáng hôm sau tôi lại quay về với những phục trang thân thuộc hàng ngày. Giá đồ nặng thêm một phần và tiền bạc thì hao hụt đi một lượng lớn không thể bù đắp.
Vài ba bao váy áo được tôi giảm tải trong ngày đầu tiên. Nhưng đến 2 tuần sau đó, tôi vẫn tiếp tục giảm đồ. Và cuối cùng tôi – thay vì trước đây treo hết 1 tủ gỗ, 1 tủ nhựa và 2 giá treo inox thì bây giờ thu gọn lại toàn bộ số quần áo đi làm chưa hết 1 chiếc giá treo đồ. Gồm 2 đồng phục cho 2 ngày đầu và cuối tuần. 2 váy liền cho 2 ngày giữa tuần.
Ngoài ra còn 1 quần dài, 1 chân váy và 4 áo sơ mi. Với tôi, như thế là dư dả. Nó giúp tôi không phải bí bách và khó chịu khi chọn đồ. Vậy mà đã có lúc, tôi tìm khắp cả 2 tầng nhà vẫn không biết lấy cái gì ra để mặc. Bỏ đi để tôi có cơ hội phân tích từng món đồ mình có, điều gì nên áp dụng, nhân rộng ra cho món đồ sau và điều gì cần phải “stop”. Ví như nếu lần sau đi mua, tôi không nên chọn váy liền có cổ quá hẹp vì nó sẽ làm cổ tôi trông rụt vào trong. Tôi bỏ đi đến 3 – 4 cái váy vì lí do cổ áo không phù hợp. Vậy mà khi mua, tôi đã nhảy cẫng lên xuýt xoa chỉ vì màu áo hay chiếc nơ trên túi…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.