Tại Sao Em Ít Nói Thế?

ƯỚC MUỐN THẦM KÍN CỦA NGƯỜI HƯỚNG NỘI!



1. Không gian làm việc yên tĩnh
Như đã nói về ảnh hưởng môi trường liên quan đến yếu tố nghề nghiệp, sự yên tĩnh vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người hướng nội. Về yếu tố môi trường, sự yên tĩnh giúp họ rất nhiều trong việc tái tạo năng lượng sau mỗi cuộc đàm thoại với đồng nghiệp, bạn bè cũng như giúp họ có sự tập trung cao độ hơn để hoàn thành công việc. Khi đó, bất kỳ lời tán gẫu hay tiếng động nào phát ra trong căn phòng sẽ khiến người hướng nội cảm thấy bất an và mất đi sự tập trung vào công việc.
2. Những cuộc họp hay các dự án trong nhóm nhỏ
Năng lượng của người hướng nội rất dễ tái tạo bằng cách nói chuyện, thảo luận trong nhóm nhỏ từ khoảng hai đến ba người. Một nhóm nhỏ thế này vẫn khiến họ lắng nghe được tất cả mọi ý kiến, đề xuất từ đồng nghiệp khác. Sự kiểm soát có phần tích cực như vậy là điều quan trọng nhất, vì họ quan sát rất tốt toàn cảnh buổi họp diễn ra thế nào và mọi sáng kiến, ý kiến trong dự án đó ra sao. Cùng với trí tưởng tượng và óc quan sát của mình, người hướng nội sẽ liên kết toàn bộ ý kiến của mọi người và sau cùng sẽ làm việc với toàn bộ dữ liệu đã được đưa ra ngày hôm đó.
Ngược lại, một buổi họp đông người lại được xem là “cơn ác mộng” với họ. Trong buổi họp có số lượng từ khoảng hơn mười người trở lên thường xuất hiện cảnh tranh luận gay gắt khiến họ mất đi óc quan sát hàng ngày để ghi chép lại toàn bộ ý kiến của đồng nghiệp lúc ấy. Về mặt thể chất mà nói, các sự việc này “giúp” họ chỉ muốn về nhà, chui vào góc phòng ngủ lấy lại sức.
3. Nhu cầu không mong muốn được thảo luận các chủ đề không liên quan
Trong các buổi họp quan trọng, người  hướng  nội vẫn rất thích chia sẻ ý kiến đóng góp của mình vì mục đích chung, lợi ích chung của tập thể. Sau đó, họ sẽ trở về bàn làm việc của mình hoặc nếu không có việc gì họ sẽ xin phép về nhà nghỉ ngơi. Giờ nghỉ trưa tại công ty là thời gian quý báu để họ chợp mắt lấy lại sức trước khi tiếp tục chiến đấu với hàng loạt giấy tờ chất như núi trên mặt bàn làm việc vào buổi chiều. Ngược lại, những kiểu tán gẫu như: anh chàng này mua nhà vài tỉ, cô ca sĩ kia ăn bánh tráng dính răng  hay có cậu kia phẫu thuật thẩm mỹ bỗng nhiên đẹp trai hẳn lên… Không phải họ không biết đến chủ đề này, mà bởi họ không thấy hứng thú nên chẳng mấy khi bạn thấy họ sôi nổi thảo luận mà thay vào đó họ thường im re. Tuy nhiên nếu chủ đề thảo luận mang tính hàn lâm bạn sẽ thấy người hướng nội “mồm mép tép nhảy” đấy nhé.
Cho nên nếu bạn thấy một người hướng nội không lấy làm hứng thú ở các cuộc tán gẫu như thế, mong bạn đừng hiểu lầm là họ đang xa cách hay tự cô lập mình hoặc không hòa đồng với nhóm. Chỉ là họ không muốn nói chuyện hay tranh luận các chủ đề không liên quan đến mình mà thôi.
4. Góc làm việc một mình
Hầu như các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty thiết kế vị trí làm việc theo kiểu bàn sát bàn, người sát người theo phòng ban chức năng. Ở một góc cạnh nào đó, mọi người dễ dàng kết nối với nhau và thời gian truyền tải lời nói trao đổi công việc sẽ rút ngắn lại. Tuy nhiên khi ở gần nhau như vậy thì mọi người rất dễ rơi vào tình trạng nói chệch hướng thảo luận, tức là họ sẽ chuyển qua các cuộc tán gẫu ngoài lề.
Do đó, một bàn làm việc “độc nhất” có vị trí sát tường hoặc tách biệt một chút với bàn làm việc nhóm luôn khiến người hướng nội cảm thấy thoải mái. Cũng xin đừng hiểu lầm đến về vấn đề này, người hướng nội thích làm việc mà không bị ai quấy rầy hoặc phải nghe những câu chuyện tối nay ăn gì ở đâu. Sự yên tĩnh đáng khích lệ này giúp họ kết nối với chính bản thân mình tốt hơn rất nhiều, tái tạo năng lượng liên tục để có thể “trụ vững” dưới áp lực công việc hàng ngày, dù cho khối lượng công việc có nặng đến đâu chăng nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.