Tại Sao Em Ít Nói Thế?
VIẾT VỀ TRẦM CẢM
Tôi nhận thấy rất nhiều người bước qua tuổi 20 với căn bệnh trầm cảm. Nó thật sự rất gần gũi, gần gũi một cách nguy hiểm vì khi nếu nó trở nên nghiêm trọng, nó có thể lấy đi cả tính mạng của bạn, không đùa.
Trầm cảm theo tôi có 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1:
Ở mức nhẹ nhất của trầm cảm, bạn sẽ không nghĩ mình đang bị trầm cảm. Bạn chỉ nghĩ, ồ, đây chỉ là tâm trạng buồn nhất thời, một buổi chiều u ám, vài suy nghĩ tiêu cực thôi mà… mình chỉ cần ngủ một giấc dậy hôm sau sẽ lại ổn thôi. Nghe quen không? Tôi nghĩ ai trong chúng ta đều có những ngày tâm trạng tồi tệ cả, nhưng trầm cảm thì lại khác.
Đó là những suy nghĩ tiêu cực kéo dài. Bạn sẽ có xu hướng bộc lộ sự tiêu cực rõ ràng, bạn bè bạn sẽ thấy sao dạo này bạn toàn đăng những bài hát buồn thảm trên facebook thế, những dòng trạng thái chán nản, những suy nghĩ bi quan…
Bạn mất sự hứng thú và hầu như tất cả mọi thứ, những món ăn bạn thích, chương trình truyền hình bạn hay xem, những thói quen từng làm bạn vui. Bạn cảm thấy mọi thứ thật nhạt nhẽo như chính bạn vậy. Bạn cảm thấy chán ghét bản thân mình.
Tiếp theo, lối sống và cách sinh hoạt của bạn cũng tự dưng bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Trầm cảm làm bạn mất ngủ, hoặc ngủ rất nhiều ( chỉ muốn ngủ cho qua ngày tháng ), biếng ăn (không còn cảm giác thèm ăn), hoặc ăn uống vô độ. Bạn sẽ không còn kiểm soát được cân nặng của mình và lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi uể oải với đôi mắt thâm quầng.
Gọi đó là mức độ nhẹ nhất, vì trong giai đoạn này dù bạn có tiêu cực và mệt mỏi, nhưng bạn vẫn có ý thức về tình trạng của mình và mong muốn được thoát khỏi nó. Vì vậy, bạn sẽ có xu hướng tìm cách thay đổi bản thân, thử một vài cái mới, hoặc bỏ bớt vài cái cũ, với hi vọng sẽ làm lòng mình nhẹ bớt đi, hoặc mới mẻ hơn. Với người này đó là cắt phăng mái tóc đang suông dài của mình ( như Hannah trong 13 reasons why), với người kia đó là bắt đầu hút thuốc, hay bắt đầu tham gia một lớp học mới, nghiện rượu, cuồng mua sắm…
Ở giai đoạn này, bạn trở nên khép kín hơn, bạn không còn muốn gần con người, kể cả những người rất thân quen. Bạn chỉ cảm thấy thật sự thoải mái khi ở một mình, bạn quanh quẩn một mình nhiều hơn bao giờ hết, và điều đó càng khiến sự trầm cảm của bạn trở nên nặng hơn.
Thế rồi bạn bước qua giai đoạn 2 lúc nào không hay.
Giai đoạn 2 của trầm cảm:
Sau một quá trình trầm cảm dài của giai đoạn 1, cơ thể bạn đã bị ảnh hưởng cực kì tệ bởi những đêm trằn trọc không ngủ, những ngày liên tiếp cảm thấy buồn bã, những bữa ăn không điều độ. Cơ thể bạn trở nên trì trệ.
Não bộ bắt đầu giảm đến ngừng sản xuất hormone gây hạnh phúc – serotonin. Một ngày kia, bạn không còn nhớ cảm giác hạnh phúc nó ra làm sao cả, bạn không nhớ nổi lần cuối mình cảm nhận hạnh phúc là bao giờ.
Bạn không còn niềm tin, ước mơ, hi vọng về một tương lai hạnh phúc như bạn đã từng. Những điều đẹp đẽ trở nên thật xa vời với những người trầm cảm giai đoạn 2. Nếu bạn từng mất mát, bạn sẽ cảm thấy như mình sẽ không bao giờ có thể vượt qua được.
Sự mất ngủ và sự đình trệ của cơ thể ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ, bạn không còn suy nghĩ thấu đáo và minh mẫn như bạn đã từng. Bạn thậm chí không còn cảm thấy lo âu, vì không có bất cứ điều gì trên thế giới này có thể chạm đến bạn thêm được nữa. Bạn xa rời với mọi điều xung quanh.
Đó là lúc bạn bắt đầu nghe thấy những tiếng nói trong đầu. Những suy nghĩ tiêu cực ngày càng lớn và nó dần được nuôi dưỡng thành một con quỷ bên trong bạn. Bạn có thể từng là một người rất điềm tĩnh và hiền lành, kiêu hãnh và yêu đời, nhưng ở giai đoạn 2 của trầm cảm, những phần tốt đẹp đó dần trở nên yếu ớt đến không thể cứu vãn, đến dần mất đi và bị thay thế. Con quỷ trong đầu bạn ngày càng mạnh mẽ, nó khiến cách hành xử của bạn trở nên kì quặc trong mắt mọi người. Bạn dễ nổi nóng, cáu giận, bạn có thể nói những lời khó nghe mà không thể kiểm soát được. Công việc, học tập và các mối quan hệ dần trở nên giảm sút. Điều này khiến bạn càng sợ giao tiếp hơn nữa và có xu hướng tách biệt hơn.
Bạn bắt đầu nghĩ đến những điều rất vĩ mô và cao siêu, như mục đích của cuộc sống, chúng ta được sinh ra đời để làm gì, nguyên lí của cuộc đời… Bạn nghĩ rất nhiều nhưng thường không đâu vào đâu và kết thúc một cách tiêu cực, thiếu logic, vì não bộ của bạn đã không còn hoạt động trôi chảy từ lâu rồi. Ví dụ như một người bạn trầm cảm của tôi từng kể với tôi, cô cảm thấy sự có mặt trên đời này của mình không còn ý nghĩa gì cả, cô không tìm thấy một lí do nào để tiếp tục sống. Lúc đó tâm trí tôi minh mẫn, tôi không hiểu nổi tại sao một người đang sống một cuộc sống gần như trọn vẹn, đầy đủ và khỏe mạnh lại có thể nghĩ như thế. Cuộc sống vốn dĩ luôn tươi đẹp và đầy ý nghĩa mà, tương lai còn dài và rộng cơ mà. Nhưng với cô bạn tôi lúc đó, mọi thứ chỉ có thế, cô không thể nào thoát ra khỏi suy nghĩ trên.
Ở giai đoạn này, cuộc đời bạn cứ như một bài nhạc sầu thảm bi đát mà bạn dần trở nên chán ghét.
Con quỷ trong đầu bạn cứ ngày một lớn dần hơn, nó bắt đầu thì thầm vào tai bạn những luồng suy nghĩ tiêu cực liên tục và liên tục. Và một ngày nọ, nó bắt đầu nói với bạn về cái chết, về những bạo lực, làm đau mình hoặc làm đau người khác. Đó là lúc tinh thần bạn đã quá mệt mỏi, bạn rã rời với cơ thể suy nhược và những đấu tranh tinh thần, và tự sát, hoặc tự làm đau bản thân lúc đó xuất hiện như những lối thoát duy nhất khỏi sự bế tắc, giằng xé mà bạn đang phải chịu. Bạn muốn tất cả nỗi đau này dừng lại, nhưng bạn không thể khóc, bạn không thể ngủ yên, bạn không thể làm gì khác, bạn hoàn toàn bế tắc.
Đó là lúc bạn bắt đầu có ý nghĩ tự sát, và rạch tay. Sự đau đớn khiến bạn tỉnh táo và khiến những bế tắc tinh thần được giải toả một cách kì lạ. Đây là thời điểm của những vết cắt và sự bế tắc.
Giai đoạn 3: Tự Sát.
Gần 50% người mắc bệnh trầm cảm sẽ có nguy cơ tự sát. Đó là sự thật. Cho dù bạn yêu đời thế nào, từng ngập tràn sức sống như thế nào, nếu bạn đã đến giai đoạn này của trầm cảm, bạn sẽ không đủ tỉnh táo để nhớ cuộc đời vốn đáng yêu thế nào đâu. Điều duy nhất bạn nghĩ đến là làm sao để thoát khỏi cuộc sống bi thương này, nơi toàn nỗi buồn, mất mát, tăm tối và khổ đau. Bạn không còn tin và ngày mai và tương lai, bạn không còn tin là mình có thể hạnh phúc trở lại, vậy thì tại sao phải chiến đấu mệt mỏi như thế, chỉ để sống thêm một ngày không ra gì cả.
Bạn sẽ không tự sát ngay lập tức. Bạn sẽ chỉ tìm đến cái chết khi nào những phần tốt đẹp và mạnh mẽ của bạn đã bị con quỷ bên trong bạn đánh bại hoàn toàn. Trong thời gian đó, nó sẽ là sự tra tấn dai dẳng. Bạn bắt đầu tin cái chết là một lối thoát, chết là dễ dàng hơn sống. Bạn bắt đầu tự hỏi nếu mình chết thì sẽ ra sao, bạn bắt đầu nghĩ đến những hậu quả, nhưng bạn không còn sợ nó nữa. Bạn đã quá xa rời với những gì bạn coi trọng, bạn không còn quá quan tâm về bất kỳ ai xung quanh nữa, bạn tiêu cực đến nỗi bạn cho rằng họ sẽ nhẹ nhõm hơn khi không còn sự tồn tại của bạn.
Những người tự sát, họ không chết ngay ngày đầu tiên họ nhen nhóm ý định tự sát. Họ sẽ dành vài tháng đến vài năm để cố gắng sống với sự tra tấn đó, với suy nghĩ bất tận về mong muốn được chết. Nhưng có lẽ bản thân họ đã thật sự bỏ cuộc với cuộc sống từ những ngày đầu tiên họ muốn được chết rồi. Những tháng năm còn lại chỉ là sự tồn tại lay lắt mà thôi.
—————–
Nếu bạn nhận ra mình đã đến giai đoạn 2, đó là lúc bạn cần đi tư vấn tâm lí, nơi bạn sẽ có những chuyên gia lắng nghe và hướng bạn đến những suy nghĩ tích cực hơn. Mà thật ra, điều dễ dàng nhất bạn nên làm và phải làm, đó là chia sẻ. Đừng chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, sẽ chẳng ai quan tâm đâu khi bạn post một status trên facebook rằng bạn “cảm thấy trầm cảm” đâu, người ta sẽ còn nghĩ bạn mong muốn sự chú ý, và bạn sẽ còn tủi thân hơn.
Hãy chọn ra 1 vài người bạn thật sự thân và hiểu bạn, tâm sự với họ một cách thật lòng những gì bạn đang trải qua. Nói với họ rằng bạn cần giúp đỡ, đừng ngại nhờ sự giúp đỡ, vì khi bạn đã ở bờ vực của giai đoạn 2 và 3, sẽ không có cách nào để bạn tự thoát khỏi trầm cảm một mình cả, bạn cần rất nhiều sự giúp đỡ.
Đừng xem thường những người thân thiết đó, luôn có những người bạn nghĩ họ không mấy quan tâm đâu, nhưng thật sự họ LUÔN quan tâm bạn nhiều, và họ sẽ giúp bạn nhiều hơn bất cứ gì bạn có thể tưởng tượng. Đừng ôm lấy sự trầm cảm một mình, hãy tự cứu lấy bản thân trước khi quá muộn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.