Tuyển Tập Arsene Lupin

ARSÈNE LUPIN ĐỐI ĐẦU SHERLOCK HOLME – PHẦN THỨ NHẤT – VIÊN KIM CƯƠNG XANH



Tối ngày 27 tháng 3, tại số nhà 134 đại lộ Hăngri Máctanh, trong một toà biệt thự nhỏ do người em để lại sáu tháng trước đây, ông đại tướng già, nam tước Hôtơrếch, cựu đại sứ ở Béclin dưới Đệ nhị đế chế, ngồi ngủ thoải mái trong một chiếc ghế bành. Trong khi đó, cô tùy tùng đọc truyện và bà xơ Ôguxtơ đang sưởi nóng giường nằm và chuẩn bị đèn ngủ cho nam tước.
Mười một giờ, do đến buổi phải về ngủ bên xơ bề trên ở tu viện, nhà nữ tu hành bèn thông báo cho cô tuỳ tùng biết:
– Cô Ăngtoanét này, công việc của tôi xong rồi, tôi về nhé.
– Vâng.
– Xin cô nhớ cho là chị bếp đã nghỉ. Ở biệt thự chỉ còn mình cô với bác gia nhân Sáclơ.
– Xin đừng lo cho ngài nam tước. Như đã thoả thuận tôi ngủ ở phòng bên và sẽ để ngỏ cửa.
Nhà nữ tu hành ra về. Mội lát sau bác gia nhân Sáclơ vào phòng chờ nam tước sai bảo. Nam tước thức giấc nói:
– Bác Sáclơ này, vẫn những nhiệm vụ mọi ngày. Bác kiểm tra xem chuông tới phòng bác kêu có tốt không nhé. Hồi chuông đầu tiên, bác phải chạy xuống đi báo bác sĩ ngay đấy, thế thôi.
– Thưa, đại tướng vẫn thấy khó ở ạ?
– Không được khỏe cho lắm! Nào, cô Ăngtoanét, truyện đọc đến đâu rồi nhỉ?
– Thưa, nam tước không lên giường đi nằm ạ?
– Khoan đã, tôi còn thức khuya. À mà thôi, cô để cho tôi yên tĩnh một mình, tôi muốn vậy.
Hai mươi phút sau, ông già lại thiu thiu ngủ. Cô Ăngtoanét nhón chân bước ra khỏi phòng.
Đúng lúc ấy, bác gia nhân Sáclơ cẩn thận đóng chặt tất cả cửa sổ ở nhà dưới như thường ngày.
Trong bếp, bác đẩy then ngáng cửa thông ra vườn và ở phòng ngoài bác móc sợi xích an toàn nối giằng hai cánh cửa lại với nhau. Xong xuôi, bác trở lên căn buồng sát mái của bác ở tầng ba, nằm xuống giường rồi ngủ thiếp đi.
Có lẽ một giờ đã trôi qua, bỗng một hồi chuông réo vang. Chuông reo một thôi đều đều đến bảy, tám tiếng liền. Bác Sáclơ bật dậy khỏi giường.
Quanh bác vẫn tĩnh mịch, một sự tĩnh mịch nặng nề khiến bác rùng mình. Bác Sáclơ dấn tới hai bước nữa: chân bác bỗng vấp phải một cái ghế đổ vật dưới sàn gác. Và ngay lập tức bác quơ phải mấy đồ vật khác: một cái ghế đẩu rồi một tấm bình phong. Bác lo lắng dò dẫm quay trở lại bên vách, lần tìm núm điện và… bật đèn lên.
– Trời! Bác ấp úng kêu lên, sao đến nông nỗi này!
Cơ thể ngài nam tước Hôtơrếch, ông chủ của bác, nằm sóng sượt giữa phòng, ở giữa tủ gương và bàn.
Bác Sáclơ lúng túng. Bác ngây người ra, trợn mắt kinh hãi nhìn cảnh xáo trộn trong phòng: mấy chiếc ghế tựa đổ lỏng chỏng, cây đèn bằng pha lê vỡ tan tành, đồng hồ quả lắc nằm vật trên mặt đá hoa của lò sưởi. Toàn bộ khung cảnh nói lên ở nơi đây vừa diễn ra một cuộc vật lộn dã man khủng khiếp. Cán một con dao găm nhọn hoắt bằng thép sáng loé gần thi thể ngài nam tước. Từ lưỡi dao máu đỏ nhỏ giọt xuống mặt thảm sàn gác. Một vuông khăn tay dính máu vương trên mặt bàn.
Bác Sáclơ rú lên kinh hoàng: cái thi thể như gắng hết sức tàn ưỡn lên, sau đó co rúm lại, giật mấy cái rồi im hẳn.
Bác cúi xuống. Từ một vết thương nhỏ ở cổ, máu đang tia ra loang đen tấm thảm, vẻ kinh hãi khủng khiếp vẫn còn đọng lại trên nét mặt xác chết.
– Lạy Chúa! Người ta đã giết chết ngài nam tước. Bác Sáclơ lắp bắp nói, ngươi ta đã giết chết ngài nam tước rồi!
Bỗng bác Sáclơ rùng mình nghĩ: biết đâu ở phòng bên cũng có án mạng, biết đâu kẻ đã giết nam tước lại chẳng nhảy sang đâm chết cô Ăngtoanét đang ngủ ở trong phòng ấy.
Bác Sáclơ đẩy cửa phòng của cô tuỳ tùng. Trong phòng vắng tanh. Bác kết luận cô Ăngtoanét đã bị bắt cóc hoặc đã ra phố trước khi xảy ra án mạng.
Bác gia nhân quay về phòng của nam tước. Bác nhận thấy cái bàn giấy nhiều ngăn kéo của chủ vẫn nguyên vẹn không bị kẻ gian phá vỡ. Trên bàn, ngay bên chùm chìa khóa và cái ví tiền mà tối nào ngài nam tước cũng đặt ở vị trí ấy, bác Sác lơ phát hiện một nắm tiền Luis vàng, bác liền cầm ví tiền và mở ra. Trong ví có một xấp giấy bạc. Bác đếm được mười ba tờ 100 phờ-răng.
Thế rồi không thể cưỡng được, một cách hết sức máy móc, theo bản năng, không nghĩ ngợi gì về hành động của mình, bác Sác-lơ rút lấy 13 tờ giấy một trăm phờ-răng giấu luôn vào trong túi áo véttông rồi lao xuống cầu thang, kéo chốt cửa, gỡ móc xích, đóng sập cửa sau lưng và chạy băng qua vườn.
Bác Sác-lơ là một người lương thiện. Cho nên, vừa ra khỏi cổng, không khí thoáng đãng và những hạt mưa lạnh phải vào mặt khiến bác đứng sững lại: bác đã nhận rõ thực chất và thấy kinh tởm hành động vừa qua của bác.
Một chiếc xe ngựa chạy ngang qua, bác liền hét gọi xà ích:
– Này ông bạn, phóng ngay tới sở cảnh sát và chở gấp ông cẩm lại đây…. Mau lên, có vụ giết người đấy!
Người xa ích ra roi quất ngựa. Bác Sác-lơ toan quay vào nhà nhưng cánh cổng song sắt đã bị chính bác đóng sập lại rồi, mà cánh cổng ăn ra phố này không thể mở được từ bên ngoài. Mặt khác có bấm chuông cũng vô ích vì chẳng có ai ở trong biệt thự cả.
Bác Sáclơ đành lững thững đi men theo vườn xanh tươi, cây cối xén tỉa đẹp mắt ở dọc đại lộ.
Và phải đến gần một tiếng đồng hồ sau, bác mới trình bày được với ông cẩm những chi tiết của vụ án mạng và trao tận tay nhà chức trách mười ba tờ giấy bạc.
Trong khi đó, người ta đã tìm được một ông thợ khoá. Vất vả lắm ông thợ khoá mới bung được cổng chấn song và mở được cửa phòng ngoài, ông cẩm lại nói với bác gia nhân Sáclơ:
– Này, sao bác bảo căn phòng bị xáo trộn lung tung cả lên cơ mà?
Bác Sáclơ đứng ngây người ra ở ngưỡng cửa như bị thôi miên: mọi đồ vật trong phòng của ngài nam tước đã được sắp xếp và kê lại ngay ngắn đúng vị trí cũ. Cái ghế đẩu được đặt vào chỗ của nó ở giữa hai cửa sổ. Hai cái ghế tựa được dựng lên và cái đồng hồ quả lắc được đặt lại nghiêm chỉnh trên mặt lò sưởi. Những mảnh vỡ của cây đèn thuỷ tinh đã biến đâu hết sạch.
Bác Sáclơ há hốc mồm, bàng hoàng mãi mới lắp bắp nói được:
– Còn xác… à thi thể ngài nam tước…
– Ừ nhỉ, ông cẩm cũng kêu lên, nạn nhân biến đâu rồi?
Ông vội tiến đến bên giường và lật tấm khăn trải giường lên,
Nằm ở bên dưới lần vải trắng ấy là ngài đại tướng nam tước Hôtơrêch, cựu đại sứ của nước Pháp ở Béclin. Trên người ông già phủ tấm áo choàng đại tướng với tấm huân chương Danh dự lấp lánh.
Ngài nam tước nằm nhắm mắt như đang ngủ, vẻ mặt bình thản.
Bác gia nhân lắp bắp:
– Có người nào vào đây!
– Vào bằng lối nào hả bác?
– Tôi không rõ, nhưng chắc chắn có ai đó đã vào phòng này trong khi tôi ở ngoài phố… Vâng, lúc nãy ở ngay chỗ sàn gác này là một con dao găm nhọn rất mỏng bằng thép… Và trên bàn kia là một chiếc muxoa dính máu… Thế mà bây giờ, chẳng thấy gì nữa… Người ta đã lấy đi hết, rồi sắp xếp lại tất cả.
– Nhưng ai mới được chứ?
– Kẻ giết người chứ ai!
– Nhưng rõ ràng cửa ngõ đều đóng chặt cả cơ mà!
– Chắc là hắn đã ở lại trong biệt thự.
– Nếu vậy hắn vẫn còn ở trong nhà vì bác có rời xa vỉa hè đâu.
Bác Sáclơ suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói:
– Vâng… đúng thế… tôi chỉ đi quanh quẩn bên cổng song sắt thôi… Tuy nhiên…
– Bác Sáclơ này, ai là người cuối cùng mà bác trông thấy ở gần ngài nam tước?
– Cô Ăngtoanét, cô tuỳ tùng của đại tướng.
– Điều gì đã xảy ra với cô ấy rồi?
– Theo tôi, giường, nệm, chăn, gối vẫn y nguyôn, chắc là tranh thủ lúc vắng xơ Ôguxtơ, cô đã đi ra phố. Tôi cũng chỉ ngờ ngợ thế thôi, vì cô ấy đẹp… lại còn trẻ…
– Nhưng cô Ăngtoanét đã ra khỏi biệt thự bằng lối nào?
– Bằng lối cổng ạ!
– Nhưng cửa ngõ bác đã tra then gài chốt cả rồi kia mà?
– Vâng, nhưng mãi sau tôi mới đóng cửa. Chắc cô ấy đã thừa cơ lúc cửa mở.
– Như vậy án mạng đã xảy ra sau khi cô Ăngtoanét đi?
– Đương nhiên thế rồi!
Người ta sục sạo khắp nhà, từ trong ra ngoài, từ hầm rượu tới những buồng sát mái, song không thấy tăm hơi kẻ giết người. Hắn đã trốn khỏi biệt thụ bằng lối nào? Bao giờ? Phải chăng chính hung thủ hoặc tòng phạm của hắn đã quay trở lại hiện trường đúng lúc để thủ tiêu mọi dấu vết có thể buộc tội hắn? Đó là những vấn đề khiến nhà chức trách đau đầu.
Bảy giờ, ông bác sĩ pháp y đến. Tám giờ ông chánh mật thám có mặt. Rồi lần lượt đến các ông chưởng lý và thẩm phán, dự thẩm, các thầy cảnh sát, thanh tra, nhà báo rồi đến người cháu của ngài nam tước Hôtơrếch và các người thân trong gia đình.
Các nhà chức trách khám xét, nghiên cứu tư thế của tử thi theo sự nhớ lại của bác Sáclơ. Rồi sau đó, họ chất vấn xơ Ôguxtơ cũng vừa đến. Rốt cục họ chẳng phát hiện them được điều gì ngoài sự ngạc nhiên của xơ Ôguxtơ về việc cô Ăngtoanét Brêha mất tích. Xơ Ôguxtơ lấy cô Ăngtoanét vào làm tuỳ tùng cho ngài nam tước do tin vào những giấy chứng chỉ rất tốt của cô. Xơ cũng không thể tin rằng cô Ăngtoanét lại đang tâm bỏ mặc người ốm để đi ra phố một mình trong đêm hôm khuya khoắt.
Ông thẩm phán dự thẩm nhấn mạnh:
– Ngay cả trong trường hợp cô Ăngtoanét có hành động đi ngang về tắt thì muộn gì cô ấy cũng đã phải về đây rồi chứ. Tóm lại chúng ta vẫn trở lại điểm ban đầu: điều gì đã xảy ra với cô ấy rồi?
– Theo tôi, – bác Sáclơ nói, – cô Ăngtoanét đã bị chính thủ phạm bắt cóc rồi!
Giả thuyết xem ra phù hợp với một số biểu hiện và có thể chấp nhận được. Ông chánh mật thám nói:
– Bác bảo cô Ăngtoanét bị bắt cóc ấy à? Ý kiến này của bác cũng có vẻ đúng đấy!
Bỗng có tiếng phản đối:
– Sai! Sai bét! Hoàn toàn ngược với những sự kiện, với những kết quả điều tra! Tóm lại hoàn toàn trái với sự thực hiển nhiên.
Lời nói sỗ sàng cộc lốc ấy là của thầy chánh thanh tra Ganimar. Mà chỉ có Ganimar mới ăn nói kiểu ấy cho nên không ai ngạc nhiên cũng chẳng ai để bụng làm gì.
– À, thầy Ganimar đấy à? – ông chánh mật thám Đuđuy reo lên. – Sao lúc nãy tôi không thấy thầy, hả?
– Báo cáo sếp, – thầy thanh tra già đáp, – tôi có mặt ở đây đã hơn hai tiếng đồng hồ rồi ạ!
– Thế ra thầy cũng quan tâm đến những vụ việc ngoài chuyện tấm vé số 514 – xêri 23, ngoài vụ phố Clapêrông, vụ người Đàn bà tóc hoe và Arxen Lupanh cơ à?
– Thưa sếp, đã chắc đâu trong vụ án này lại không có bàn tay của hắn? Nhưng thôi, ta hãy gác chuyện tấm vé số lại đã. Nên xoáy vào vụ này thì hơn.
Ganimar không thuộc loại thám tử có hạng mà phương pháp điều tra đã trở thành kinh điển, tên tuổi đã được nêu trong sử sách hình sự. Thầy còn thiếu cái tài hoa của những thám tử lừng danh kiểu Đupanh, Lơ Cốc hoặc Séclốc Hôm. Nhưng trời lại phú cho thầy một loạt những đặc tính thông thường như khiếu quan sát, sự khôn ngoan, tính kiên trì và cả trực giác nhạy bén nữa. Ngoài ra thầy còn có cái tài là hoạt động một cách độc lập tuyệt đốì. Tóm lại chẳng có cái gì có thể làm thầy lúng túng hoặc ảnh hưởng trừ phi gặp chàng… vâng, trừ phi gặp chàng Arxen Lupanh ma mãnh!
Nhưng dù sao trong buổi sáng hôm ấy, sự có mặt của thầy cũng đã gây được tiếng vang và cũng đóng góp được nhiều điều đáng kể cho sự điều tra vụ án.
– Trước hết, Ganimar bắt đầu đặt vấn đề, – xin ông Sáclơ xác định hộ tôi điểm này: có đúng tất cả những đồ vật trong phòng bị xê dịch hoặc lật đổ lúc ông trông thấy lần đầu, đã được kê lại ngay ngắn đúng vị trí thường ngày khi ông quay trở lại.
– Đúng ạ.
– Rõ ràng những đồ vật này chỉ có thể được đặt trở về chỗ cũ của chúng bởi một người đã quen thuộc với vị trí của từng đồ vật.
Nhận xét của Ganimar khiến mọi người sửng sốt.
– Ông Sáclơ, xin hỏi ông một câu nữa; ông bị một hồi chuông đánh thức. Theo ông, ai đã bấm chuông gọi ông?
– Ai đã bấm chuông ấy à? Tất nhiên là ngài nam tước, chứ còn ai nữa!
– Cứ cho là thế. Nhưng ông nam tước bấm chuông vào lúc nào?
– Sau cuộc vật lộn… lúc hấp hối ạ!
– Không thể thế được vì chính ông đã phát hiện ông nam tước nằm bất động ở cách xa nút chuông điện hơn bốn mét cơ mà!
– Thế thì ông chủ tôi đã bấm chuông trong lúc vật lộn.
– Cũng không thể được vì ông đã chẳng bảo hồi chuông réo một thôi liền đều đặn đến bảy, tám giây, làm gì có chuyện hung thủ để yên cho ông nam tước muốn bấm chuông thế nào thì bấm!
– Thế thì ngài đã bấm chuông gọi tôi trước lúc đó, ngay lúc bị tấn công!
– Lại càng không thể được! Ông đã chẳng nói với tôi khoảng thời gian giữa hồi chuông và lúc ông bước vào nơi xảy ra án mạng chỉ vẻn vẹn có hơn ba phút. Giả thiết ông nam tước bấm chuông ngay khi hung thủ sắp hành động, thì tất cả chỉ xảy ra trong khoảng ba phút ngắn ngủi ấy: ông nam tước vật lộn với hung thủ, hung thủ đâm chết ông nam tước, ông nam tước hấp hối và hung thủ tẩu thoát.
Đấy, tôi xin nhắc lại: Giả thiết ông Hôtơrếch bấm chuông gọi ông Sáclơ trước lúc thủ phạm hành hung là hoàn toàn không có khả năng.
– Nhưng dù sao cũng phải có người bấm chuông chứ! – Ông phẩm phán dự thẩm nói. – Nếu không phải ông nam tước thì là ai?
– Theo tôi, chính hung thủ đã bấm chuông!
– Hắn bấm chuông nhằm mục đích gì?
– Cái đó thì chịu. Nhưng ít ra việc hung thủ bấm chuông cũng chứng tỏ hắn biết rất rõ chuông có liên lạc với buồng của gia nhân, vả lại, ai có thể biết tường tận chi tiết này hơn là chính người nhà này.
Vòng những giả thiết ngày càng thít chặt lại. Bằng vài câu mau lẹ, minh bạch và lôgic, Ganimar đã phanh phui vấn đề, đã trình bày ý nghĩ của mình một cách mạch lạc khiến ông thẩm phán dự thẩm đã đi đến kết luận một cách hết sức tự nhiên:
– Tóm lại, thầy nghi Ăngtoanét Brêha?
– Tôi không nghi mà tôi buộc tội.
– Thầy buộc tội Ăngtoanét là tòng phạm à?
– Tôi buộc tội ả là kẻ đả giết ông đại tướng nam tước Hôtơrếch.
– Thầy nói thế nào ấy chứ, vậy bằng chứng đâu?
– Đây! Tôi đã tìm được nắm tóc này ở trong bàn tay phải của nạn nhân. Những sợi tóc đã bị chính những đầu móng tay bấm lút vào trong da thịt.
Ganimar giơ nắm tóc ra. Nhìn thấy những sơi tóc vàng chói lọi, óng ánh như kim tuyến, bác Sáclơ thì thào:
– Đúng tóc của cô Ăngtoanét Brêha rồi. Không thể lầm được!
Ngẫm nghĩ một lát, bác nói tiếp:
– Với lại… còn điều này nữa… con dao mà tôi không thấy lại lần sau ấy mà, đúng là của cô ta. Cô Ăngtoanét vẫn dùng con dao này để rọc sách.
Im lặng rất lâu và nặng nề, cứ như án mạng càng thêm rùng rợn khi hung thủ là một người đàn bà. Ông thẩm phán dự thẩm tranh luận:
– Cứ cho là chính Ăngtoanét Brêha đã giết ông nam tước, tất nhiên còn phải điều tra nhiều, ta còn giải thích hung thủ đã theo đường nào để ra khỏi nhà sau khi gây án mạng, để trở vào sau khi ông Sáclơ bỏ chạy ra phố và một lần nữa để tẩu thoát trước khi các nhà chức trách đến. Ông Ganimar, ông có ý kiến gì không?
– Không.
– Không à? Ông không có ý kiến gì à?
Ganimar có vẻ lúng túng một lúc. Cuối cùng thầy cũng cố gắng phát biểu:
– Tất cả những gì tôi có thể nói ra ở đây là: trong vụ này, phương pháp hành động cũng như hiện tượng mà ta có thể gọi là “tài tẩu thoát” của thủ phạm, y hệt trong vụ vé số 514 – xêri 23. Ăngtoanét Brêha xuất hiện rồi biến mất khỏi biệt thự cũng bí ẩn như trường hợp Arxen Lupanh đột nhập nhà luật sư Đơtinăng rồi thoát ra cùng với người Đàn bà tóc hoe.
– Ông nói thế nghĩa là thế nào?
– Nghĩa là tôi không thể không nghĩ tới sự trùng hợp kỳ lạ của hai vụ này. Ăngtoanét Brêha được xơ Oguxtơ lấy vào làm tuỳ tùng cho ông nam tước ngay trước cái hôm mà ả tóc hoe lọt khỏi tay tôi. Thứ hai là tóc của người Đàn bà tóc hoe ấy cũng có màu vàng rực rỡ, có ánh kim giống hệt những sợi tóc này.
– Thế… theo thầy thì Ăngtoanét Brêha…
– Ăngtoanét Brêha chính là người Đàn bà tóc hoe.
– Có nghĩa Lupanh đã nhúng tay vào cả hai vụ này à?
– Đúng!
Ông chánh mật thám khoái chí cười phá lên:
– Lupanh! Lúc nào cũng Arxen Lupanh. Lupanh ở khắp nơi khắp chốn! Lupanh chõ mũi vào mọi vụ việc!
– Ối dào, Ganimar tự ái vặc lại, chỗ nào mà chẳng có HẮN!
– Hắn ở đâu thì cũng phải có lý do chứ! – Ông Đuđuy nhận xét, – mà lý do ở đây xem ra bí ẩn quá! Cái bàn giấy nhiều ngăn kéo không bị phá vỡ. Ví tiền không mất. Vàng vẫn y nguyên ở trên mặt bàn.
– Vâng! Ganimar nói, nhưng thưa sếp, còn viên kim cương trứ danh đâu?
– Viên kim cương nào?
– Dạ, viên kim cương xanh nổi tiếng đã từng nạm trên vương miện của hoàng gia nước Pháp ấy ạ! Viên đá quý này quận công A… đã tặng Lêônit L.. Khi Lêônit qua đời, nam tước Hôtơrêch mua lại để tưởng nhớ cô diễn viên hài kịch xuất sắc mà ông đã thầm yêu trộm nhớ. Đó là một kỷ niệm mà bất kỳ người dân Pari nhiều tuổi nào như tôi không thể quên.
– Thế là đã rõ! – Ông thẩm phán dự thẩm nói, – hiển nhiên là nếu tìm thấy viên kim cương xanh, mọi chuyện sẽ được giải thích. Nhưng tìm đâu cho ra bây giờ?
– Ở ngón tay ngài nam tước ạ! – Bác Sáclơ đáp. – Viên kim cương xanh này luôn nằm ở bàn tay trái của ông chủ tôi.
– Tôi đã xem bàn tay này rồi, – Ganimar vừa nói vừa bước tới bên nạn nhân, – chỉ thấy một cái nhẫn vàng bình dị thôi. Các ông có thể kiểm tra lại.
– Ông thử nhìn trong lòng bàn tay xem! – Bác gia nhân góp ý.
Ganimar mở những ngón tay co quắp của nạn nhân ra. Mặt nhẫn được quay vào phía lòng bàn tay, và ở chính giữa mặt nhẫn, Ganimar nhìn thấy viên kim cương xanh sáng rực lên.
– Quái lạ! – Ganimar sửng sốt thốt lên. – Thế là thế nào?
– Hà, hà! – Ông Đuđuy cười giễu, – thầy hết nghi ngờ Lupanh rồi chứ hả?
Suy nghĩ một lát, Ganimar lên tiếng giọng đầy ngụ ý:
– Thưa sếp, chính những lúc khó hiểu như thế này tôi mới càng nghi Arxen Lupanh tợn!
Đó là những nhận định đầu tiên của các nhà chức trách trong cái buổi sáng sau cái đêm xảy ra vụ án mạng kỳ lạ. Những nhận định mơ hồ, rời rạc này không đem lại manh mối gì. Người ta vẫn hoàn toàn không giải thích được những hành vi ẩn hiện của Ăngtoanét Brêha cũng như của người Đàn bà tóc hoe, vẫn không hình dung nổi con người bí ẩn có mái tóc vàng óng ấy thế nào và ai đã giết nam tước Hôtơrếch nhưng lại không lấy viên kim cương xanh nổi tiếng đã từng nạm trên vương miện của hoàng gia nước Pháp.
Cuối cùng sự tò mò đến cao độ của dư luận đã làm cho vụ án mạng này nổi bật lên như một tội ác lớn.
Những người thừa kế của ngài nam tước Hôtơrếch đành lạm dụng sự chú ý đó của công chúng để mưu lợi cho mình. Họ bèn tổ chức ngay tại biệt thự đại lộ Hăngri Máctanh một cuộc trưng bày những đồ đạc sẽ được bán ở phòng bán đấu giá Đruô. Rặt những đồ tập tàng không chút giá trị thẩm mỹ nào… nhưng ở chính giữa phòng, trên một kệ phủ nhung đỏ, trong một cái chụp hình bán cầu bằng thủy tinh được hai thầy cảnh sát đứng bảo vệ, viên kim cương xanh trên mặt nhẫn sáng lóng lánh.
Viên kim cương to đẹp tuyệt vời, có độ ròng không thể so sánh, có ánh biêng biếc khó tả của bầu trời in nơi đáy nước trong, có màu xanh phơn phớt thấp thoáng trong cái nõn nà của lụa trắng. Người ta khâm phục. Người ta mê li… Rồi người ta kinh hãi ngó vào căn phòng của nạn nhân, lấm lét liếc nhìn khoảng sàn gác trống trơn do tấm thâm đẫm máu của người chết đã được dọn đi và nhất là người ta nhìn như xoáy vào những bức vách tường kiên cố mà hung thủ đã đi xuyên qua! Người ta kiểm tra xem đá hoa lò sưởi có bập bềnh không, đường chỉ mép giường có ẩn tàng một cái lò xo nào nhằm làm quay mặt gương không. Và người ta tưởng tượng đủ kiểu cửa hầm, miệng hố thông ra những cống ngầm, những hầm mộ…
Việc bán đấu giá viên kim cương xanh được tổ chức ở biệt thự Đruô.
Phải nói rằng cả Pari đã dồn về đây trong những dịp như thế này, tất cả những kẻ mua và tất cả những người làm ra vẻ có khả năng mua: những nhà buôn chứng khoán, những nghệ sĩ, những phu nhân thuộc mọi giới, hai ngài bộ trưởng, một ngài có danh tiếng người Ý… Một ông vua lưu vong đã oang oang tố giá viên kim cương xanh lên đến một trăm nghìn phrăng. Với nhà vua, ngài có thể quăng ra số tiền ấy dễ như bỡn. Ngài người Ý đánh liều trả một trăm năm mươi nghìn. Một bà hội viên hội nghệ sĩ Pháp nâng giá lên một trăm bảy mươi lăm nghìn.
Khi viên kim cương xanh được nâng lên tới giá hai trăm nghìn phrăng thì nhiều tay chơi đã ngãng ra. Và khi lên tới hai trăm năm mươi nghìn thì chỉ còn lại hai người: nhà tài chính Hécsman nổi tiếng, vua mỏ vàng và bà bá tước Đơ Crôgiông, nhà triệu phú người Mỹ và bộ sưu tập kim cương và đá quý đã từng lừng danh thế giới.
– Hai trăm sáu mươi nghìn… hai trăm bảy mươi nghìn… bảy mươi lăm… tám mươi…, – người nhân viên vừa xướng giá vừa đưa mắt dò hỏi hai vị đấu thủ, – Thưa bà, hai trăm tám mươi nghìn ạ? Có ai trả thêm không nào?
– Ba trăm nghìn, – ông Hécsman khẽ nói.
Im lặng! Mọi người nhìn chằm chằm vào bà bá tước Đơ Crôgiông đang đứng tì vào lưng một chiếc ghế tựa đặt phía trước. Nữ bá tước tuy tươi cười nhưng sắc mặt nhợt nhạt của bà đã biểu lộ sự xúc động trong lòng. Thực tế bà bá tước cũng như những người có mặt trong phòng đấu giá bữa ấy đều thừa hiểu kết cục tất yếu hầu như định mệnh của cuộc quyết đấu này sẽ nghiêng về phía nhà tài chính, chủ một tài sản hơn nửa tỷ phrăng đủ thỏa mãn những ham muốn thất thường nhất! Tuy nhiên bà Đơ Crôgiông vẫn tố:
– Ba trăm linh năm nghìn.
Lại im lặng. Mọi người quay cả về phía ông vua mỏ vàng chờ đợi. Sự nâng giá lần nay chắc chắn sẽ diễn ra mãnh liệt, tàn bạo và quyết định.
Nhưng điều đó lại không diễn ra! Nhà tài chính Hécsman vẫn thản nhiên, mắt dán vào một mẩu giấy cầm ở tay phải. Còn tay trái, ông nắm cái phong bì vừa bóc.
– Ba trăm linh năm nghìn! – Nhân viên bán đấu giá nhắc lại. – Lần thứ nhất?… Lần thứ hai?… Thưa quý vị, hãy còn kịp đấy? Không ai trả thêm à? Tôi xin nhắc lại: lần thứ nhất?… lần thứ hai?…
Ông Hécsman vẫn lặng yên. Giây phút im lặng cuối cùng rồi tiếng búa đập xuống! Ông Hécsman giật mình, hô to:
– Bốn trăm nghìn phrăng!
– Chậm mất rồi! Không thể khiếu nại được nữa!
Người ta xúm lại quanh nhà tài chính. – Có chuyện gì thế? Tại sao ông không nói sớm hơn một chút?
Ông vua mỏ vàng cả cười.
– Có điều gì xảy ra ấy à? Tôi cũng chẳng biết nữa? Chỉ ngãng đi có một tý…
– Thật vậy sao?
– Vâng. Người ta vừa trao cho tôi một bức thư…
– Bức thư ấy đã khiến ông…
– Khiến tôi lúng túng! Đúng thế đấy! Ít ra là lúng túng mất mấy phút!
Ông chánh thanh tra Ganimar có mặt trong phòng đấu giá. Thầy đã chứng kiến cuộc bán đấu giá viên kim cương xanh ngay từ đầu. Ganimar lại gần một nhân viên phục vụ:
– Có phải anh đã đưa bức thư cho ông Hécsman không?
– Vâng.
– Bức thư ấy của ai?
– Dạ, của một bà.
– Bà ta đâu rồi?
– Ông hỏi bà ta ấy à? Dạ, cái bà mang tấm khăn quàng dài kia kìa!… đấy!
– Bà đang đi ra cửa ấy, phải không?
– Vâng.
Ganimar chạy ù ra cửa và nhìn thấy người đàn bà đang đi xuống cầu thang. Thầy lao theo, đám đông bỗng dưng ở đâu kéo đến đứng ùn ở cổng chính, cản chân thầy. Khi Ganimar lách ra được tới ngoài phố thì thầy đã mất hút người đàn bà choàng tấm khăn quàng dài.
Thầy Ganimar vội quay vào phòng, lại gần ông Hécsman, tự giới thiệu và hỏi ông về bức thư. Nhà tài chính trao bức thư cho Ganimar. Bức thư vẻn vẹn có hai câu được tháo vội bằng bút chì, nét chữ lạ lẫm:
“Viên kim cương xanh đem lại tai hoạ đấy. Hãy nhớ tới vụ nam tước Hôtơrếch”.
Những vụ bất hạnh do viên kim cương xanh chưa phải đã chấm dứt. Sau vụ giết ngài nam tước Hôtơrếch và những sự cố xảy ra ở biệt thự Đruô, sáu thắng sau công chúng lại bàn tán ầm ỹ về nó. Thật vậy, mùa hè năm sau, bà bá tước Đơ Crôgiông bị lấy cắp mất viên kim cương xanh mà bà đã phải bỏ bao công của mới giành được.
Tôi xin mạo muội hé đôi chút ánh sáng và lược tóm câu chuyện kỳ lạ này với những diễn biến sối động bi thảm khiến chúng ta say mê.
Buổi tối ngày 10 tháng tám, khách khứa của ông bà bá tước Đơ Crôgiông tề tựu cả trong phòng khách tráng lệ của toà lâu đài bên sông Xem. Họ chơi nhạc. Bà bá tước ngồi vào trước cây đàn pianô, đặt lên mặt bàn con kê liền bên những đồ nữ trang của bà, trong đó có chiếc nhẫn của nam tước Hôtơrếch.
Khoảng một giờ sau, ông bá tước rút lui, sau đó lần lượt, hai người anh họ của bá tước, ông bà Angclen rồi đến bà Đơ Rêan, bạn thân của nữ bá tước. Cuối cùng chỉ còn lại bà chủ nhà với hai vợ chồng ông lãnh sự Áo Blaikhen.
Họ trò chuyện với nhau, rồi nữ bá tước tắt ngọn đèn lớn đặt trên bàn tiếp khách. Cũng đúng lúc ấy ông Blaikhen tắt phụt hai ngọn đèn ở đàn pianô. Trong phòng bỗng tối om một lát. Mọi người hơi hốt hoảng, sau đó ông lãnh sự châm được một cây nến và cả ba người ai về phòng nấy. Nhưng vừa về tới phòng mình, chợt nhớ tới những đồ nữ trang, bà bá tước bèn sai cô hầu phòng đi lấy. Cô gái mang về đặt cả lên mặt lò sưởi. Bà chủ cũng không xem xét lại. Sớm hôm sau, bà Đơ Crôgiông mới nhận thấy mất một chiếc nhẫn: chiếc nhẫn có viên kim cương xanh.
Bà liền báo cho ông bá tước biết. Hai ông bà bá tước khẳng định ngay: cô hầu phòng không dính dáng gì đến chuyện này, thủ phạm chỉ có thể là ông Blaikhen.
Ông bá tước liền đi báo cảnh sát thành phố Amiêng. Nhà chức trách lập tức mở cuộc điều tra, kín đáo tổ chức theo dõi một cách chặt chẽ sao cho ông lãnh sự Áo không thể đem bán hoặc tẩu tán chiếc nhẫn.
Cảnh sát canh gác ngày đêm quanh lâu đài.
Hai tuần lễ trôi qua không xảy ra chuyện gì. Ông Blaikhen xin phép ra về. Hôm ấy nhà chức trách nhận được một lá đơn khiếu nại ông lãnh sự Áo. Cảnh sát được lệnh chính thức can thiệp, khám xét hành lý của ông Blaikhen. Trong một cái túi mà chìa khoá ông lãnh sự giữ, người ta tìm thấy một cái lọ đựng bột xà phòng chải răng, trong lọ lẫn trong bột xà phòng là chiếc nhẫn kim cương xanh.
Bà Blaikhen ngất xỉu đi. Ông chồng bà lập tức bị tống giam.
Người ta nhớ lại cách biện bạch của người bị buộc tội: ông lãnh sự chỉ giải thích sở dĩ cái nhẫn nằm ở trong hành lý của ông là do sự trả thù của ông Đơ Crôgiông: “ông bá tước là người thô bạo đã làm vợ khổ sở nhiều. Tôi đã có dịp chuyện trò lâu với nữ bá tước và hết sức khuyên bà nên li dị. Biết được chuyện này, ông bá tước liền trả thù bằng cách lấy trộm chiếc nhẫn của vợ đem bỏ vào đồ dùng rửa mặt của tôi”, ông bá tước và bà bá tước vẫn một mực ra sức khiếu nại. Giữa những lời giải thích của ông bà Đơ Crôgiông và của ông lãnh sự, công chúng không biết ngả về bên nào, vì cả hai xem ra đều có thể xảy ra, đều có khả năng đúng cả. Không thêm một sự kiện mới nào làm cán cân công lý nghiêng hẳn về một bên. Suốt một tháng trời bàn ra tán vào, rồi ước đoán, rồi dò xét nhưng cũng không đem lại được một yếu tố khẳng định nào cả.
Bực mình vì tất cả những chuyện ầm ỹ ấy, bất lực trong việc đưa ra một bằng chứng tội lỗi hiển nhiên đặng xác minh lời buộc tội của họ, ông bà Đơ Crôgiông yêu cầu sở mật thám Pari phái đến một nhân viên có khả năng gỡ được mối bòng bong này. Người ta cử Ganimar đến.
Trong bốn ngày liền, ông chánh thanh tra già lục lọi, ngồi lê đôi mách, đi dạo trong công viên, trao đổi chuyện trò với cô hầu phòng, anh lái xe, các bác làm vườn và với những nhân viên các phòng bưu điện lân cận, vào thăm các phòng trong lâu đài dành cho vợ chồng ông Blaikhen, hai anh em ông Angđen và bà Đơ Réan. Rồi một Sôm, Ganimar đi mất không một lời từ biệt chủ nhân.
Một tuần lễ sau, ông bà bá tước Đơ Crôgiông bỗng nhận được một bức điện báo, nội dung thế này:
NGÀY MAI THỨ SÁU, NĂM GIỜ CHIỀU, MỜI ÔNG BÀ ĐẾN PHÒNG TRÀ NHẬT BẢN, PHỐ BOAXY ĐANGGLA.
GANIMAR
Đúng năm giờ chiều ngày thứ sáu, ôtô của ông bà Đơ Crôgiông đỗ trước số nhà 9 phố Boaxy Đănggla. Ông thanh tra già không giải thích nửa lời, dẫn ngay họ lên lầu một của phòng trà Nhật Bản.
Ông bà Đơ Crôgiông thấy trong một phòng có hai người lạ. Ganimar liền giới thiệu:
– Ông Giécboa, giáo sư toán trường trung học Vécxay, người đã từng bị Arxen Lupanh ăn cắp cái bàn trong đó có tấm vé số 514 – xêri 23, chắc ông bà có nhớ. Và ông Lêôngnơ Hôtơrếch, cháu và người thừa kế duy nhất của cố nam tước Hôtơrếch.
Bốn người được Ganimar mời ngồi. Vài phút sau, một người thứ năm bước vào phòng. Đó là ông chánh mật thám Đuđuy.
Ông Đuđuy có vẻ cắm cảu lắm. Ông chào mọi người rồi nói:
– Thế nào, thầy Ganimar, có chuyện gì thế hả? Ở sở Cảnh sát người ta đệ trình lên tôi thông báo điện thoại của thầy. Nghiêm trọng lắm không?
– Báo cáo sếp, rất nghiêm trọng ạ! Không đến một giờ nữa, mọi chuyện rắc rối sẽ được cởi nút tại đây. Đó là lý do cuộc tập hợp này. Theo tôi, không thể vắng mặt sếp.
– Và cũng không thể thiếu Phốlăngphăng và Điơgi đang loanh quanh ngoài cửa kia?
– Thưa sếp, đúng thế ạ!
– Thầy định bắt giữ ai mà bày binh bố trận ghê thế? Nào, nói đi Ganimar, tôi nghe đây!
Ganimar lưỡng lự mấy giây rồi phát biểu, cố ý làm mọi người phải kinh ngạc:
– Trước hết tôi xin tuyên bố, khẳng định ông Blaikhen không dính dáng gì đến vụ lấy cắp cái nhẫn kim cương xanh.
– Chà chà! Ông Đuđuy nói, sự khẳng định của thầy giản đơn và… nghiêm trọng lắm đấy!
– Xin lỗi, – ông bá tước nói – Chẳng lẽ bao nhiêu vất vả mà ông chỉ phát hiện được có vậy thôi sao?
– Thưa ông bá tước, không ạ! Ngay sau hôm xảy ra vụ mất cắp, tình cờ một chuyến dạo chơi bằng ôtô đã đưa ba vị khách quý của ông tới thị trấn Crêxi. Trong khi hai vị đi thăm chiến trường nổi tiếng (chiến trường xưa giữa Anh và Pháp, 26.8.1346, vua Pháp Philippe VI thua vua Anh Edouard IV) thì vị thứ ba vội tạt vào phòng bưu điện và gửi đi một bưu phẩm nhỏ “đáng giá một trăm phrăng”.
– Thưa ông thanh tra, ông Đơ Crôgiông lắc đầu nói, như vậy thì có gì là lạ cơ chứ?
– Tôi tin ông sẽ có ý kiến ngược lại nếu ông biết được rằng người gửi đáng nhẽ phải ghi tên thật của mình lại để mạo là Rútxô và người nhận, một ông Bơlu nào đó ở Pari, ngay tối hôm nhận được bưu phẩm đã dọn nhà di nơi khác. Còn nội dung bưu phẩm, thưa ông bá tước, là cái nhẫn mặt kim cương xanh.
– Phải chăng người gửi “bưu phẩm” là một trong hai ông anh họ Angđen của tôi? – ông bá tước hỏi.
– Thưa ông hoàn toàn không phải.
– Vậy là… bà Đơ Rêan?
– Đúng!
Bà bá tước sửng sốt kêu lên:
– Ông buộc tội bà bạn Đơ Rêan của tôi à?
– Xin bà cho hỏi, – Ganimar nói, – bà Đơ Rêan có dự buổi bán đấu giá viên kim cương xanh không?
– Có, nhưng hai chúng tôi không ở gần nhau.
– Bà Đơ Rêan có xui bà mua cái nhẫn không?
Nữ bá tước Đơ Crôgiông cố nhớ lại:
– Phải… đúng… đúng bà Đơ Rêan là người đầu tiên nói với tôi về viên kim cương xanh.
– Thưa bà, tôi xin ghi nhớ lời của bà. Vấn đề đặt ra là chính bà Đơ Rêan đã đề cập tới viên kim cương xanh đầu tiên và đã xui bà mua nó.
– Tuy nhiên… bà bạn của tôi không thể…
– Xin lỗi! Xin lỗi! Bà Đơ Rêan chỉ là một người bạn tình cờ chứ không phải thân thiết như báo chí đã đăng mà ta có thể không đặt vấn đề nghi ngờ. Bà mới quen biết bà ta từ mùa đông vừa rồi. Vả lại, tôi có thể chứng minh tất cả những gì bà ấy kể về quá khứ, về những mối quan hệ riêng tư hoàn toàn là giả dối, rằng trước khi có sự quen biết giữa bà và bà ấy thì không có ai tên là Blansơ Đơ Rêan và hiện giờ cũng chẳng có cái con người mang tên ấy.
– Thưa ông, rồi sao nữa ạ?
– Rồi… sao… nữa ấy à? Ganimar gật gù nói.
– Vâng, tất cả câu chuyện này kỳ lạ thật, nhưng nó ăn nhập gì với trường hợp của chúng ta? Nếu như bà Đơ Rêan lấy cái nhẫn, điều này hoàn toàn không có chứng cớ, thì tại sao đã lấy lại đem giúi vào trong bột xà phòng chải răng của ông Blaikhen làm gì? Mà cùng kỳ quái thật, thật mất công lấy được viên kim cương xanh thì giữ lấy chứ lại! Đấy, ông thử giải đáp xem nào?
– Tôi thì tôi chịu! Phải chờ bà Đơ Rêan trả lời.
– Ơ! như vậy là vẫn có bà Đơ Rêan à?
– Vâng, có… mà là không rõ! Đại để thế này: cách đây ba bốn hôm, tôi đọc thấy ở đầu mục danh sách những khách lạ đăng trên một tờ báo hàng ngày ở Tơruvin: “Khách sạn Bôrivagiơ: Bà Đơ Rêan v.v…”. Các vị hiểu chứ, ngay chiều tối hôm ấy, tôi đã có mặt ở Tơruvin và chất vấn ông chủ khách sạn Bôrivagiơ. Qua dấu hiệu nhận dạng và một số dấu hiệu khác mà tôi đã thu thập được thì bà Đơ Rêan này đúng là người tôi đang tìm. Nhưng bà ta đã rời khách sạn và để lại địa chỉ ở số nhà 3 phố Côlidê – Pari. Hôm kia tôi tìm đến địa chỉ này và được biết là chỉ có một bà tên là Rêan không thôi chứ chẳng có “đờ” có “điếc” gì cả. Bà Rêan ở lầu hai, làm nghề môi giới kim cương, hay đi vắng luôn. Bà ta vừa mới đi về tối hôm trước. Hôm qua dưới một tên giả, tôi đến gõ cửa nhà bà ta, tự giới thiệu là một người trung gian muốn mách giùm bà với mấy khách hàng cần mua đá quý. Trong cái ápphe đầu tiên này, chúng tôi hẹn gặp nhau ở đây.
– Sao? Ông hẹn gặp bà ta ở phòng trà Nhật Bản này à?
– Vâng, năm giờ rưỡi chiều hôm nay.
– Ông có chắc không?
– Có chắc đúng là bà Đơ Rêan, khách quý của lâu đài Đơ Crôgiông bên sông Xen không ấy à? Tôi có bằng chứng không cãi được. Nhưng… kìa… tín hiệu của Phônlăngphăng!
Một hồi còi rúc lên. Ganimar đứng bật dậy.
– Không nên để mất thời giờ, ông bà Đờ Crôgiông, mời ông bà tạm lánh sang phòng bên. Ông nữa, ông Lêôngxơ Hôtơrếch và cả ông Giécboa nữa, xin mời ông… Tôi sẽ để cửa ngỏ. Khi nghe tín hiệu của tôi, mời tất cả quý vị trở lại đây ngay cho. Sếp, xin sếp cứ ngồi yên!
– Nhỡ có ai khác đến thì sao? – Ông Đuđuy nhận xét.
– Không đâu ạ. Phòng trà này mối, ông chủ là một người bạn của tôi. Ông ấy sẽ không để bất cứ ai lên đây ngoài người Đàn bà tóc hoe.
– Người Đàn bà tóc hoe? Thầy bảo sao hả?
– Thưa sếp, chính người Đàn bà tóc hoe, tòng phạm và “nhân tình” của Arxen Lupanh, đúng người Đàn bà tóc hoe bí ẩn mà tôi có những chứng cớ chắc chắn, mà tôi muốn rằng trước mặt sếp tập hợp những lời chứng của tất cả những người bị lấy cắp.
Gammar nghiêng đầu ra cửa sổ.
– Ả đang đi tới… Ả bước vào trong nhà… Phônlăngphăng và Diơgi đã đứng chận cửa. Hết đường tẩu thoát rồi. Thưa sếp, người Đàn bà tóc hoe đã rơi vào tay chúng ta.
Vừa lúc một người đàn bà dừng chân ở ngưỡng cửa: người cao, gầy, nước da tái xanh, tóe vàng rực rỡ.
Ganimar xúc động đến nghẹt thở. Thầy lặng người đi không thốt lên được lời nào. Ả đứng kia, ngay ở trước mặt thầy, tùy thầy xử lý. Thù! Thầy đã trả được thù, đã thắng Arxen Lupanh một keo hết sức kỳ cục! Tuy nhiên, thầy có cảm giác trận thắng này dễ dàng quá. Thầy tự hỏi liệu người đàn bà tóc hoe kia có lọt khỏi tay thầy như lần nào nhờ phép lạ của Lupanh không?
Không, người đàn bà vẫn đứng chờ, ngạc nhiên vì sự yên lặng của thầy. Bà nhìn quanh, không giấu được vẻ lo lắng.
– Ả sắp đi, sắp biến mất đây này! Ganimar hoảng hốt nghĩ thầm.
Bất thình lình Ganimar đi nhanh ra, đứng ngáng giữa người đàn bà và cửa ra vào. Bà ta ngập ngừng quay lại, toan đi ra cửa.
– Không! Không được! – Thầy Ganimar nói. – Tại sao bà lại đi ra thế?
– Nhưng thưa ông, tôi không sao hiểu nổi thái độ kỳ cục của ông. Mong ông để cho tôi…
– Thưa bà, bà không có lý do gì để rời khỏi đây cả. Ngược lại, tốt hơn hết là mời bà ở lại!
– Nhưng…
– Không nhưng gì cả! Bà không được ra!
Người đàn bà tái mét mặt, quỵ xuống một cái ghế và lắp bắp nói:
– Ông muốn gì vậy?…
Ganimar đắc thắng. Thầy đã tóm được người Đàn bà tóc hoe. Thầy vững tin ở mình, nói rành rọt:
– Như đã có dịp thưa chuyện với bà, tôi xin giới thiệu ông bạn đây là người muốn mua những đồ nữ trang… nhất là kim cương. Bà có tìm hộ cho viên kim cương ấy không?
– Không… không… tôi không biết… tôi không nhớ gì cả!
– Có đấy… Bà nghĩ lại xem. Một chỗ quen biết của bà phải đưa lại cho bà một viên kim cương màu, “đại để là một viên kim cương màu xanh”, tôi vừa cười vừa nói thì chính bà đã cướp lời: “May quá, có lẽ tôi sẽ có món hàng ông cần!”. Nào, bà đã nhớ ra chưa?
Người đàn bà im lặng. Chiếc túi lưới tuột khỏi tay bà rơi bịch xuống sàn gác. Bà vội nhặt lên rồi ôm chặt vào lòng. Những ngón tay bà run run.
– Bà Rêan, – Ginimar nói, tôi thấy bà có vẻ không tin ở chúng tôi. Đây, tôi sẽ đưa bà xem những cái này.
Ganimar rút trong ví một tờ giấy gấp đôi, mở ra rồi chìa cho bà Rêan một dúm tóc:
– Trước hết, đây là mấy sợi tóc của Ăngtoanét Brêha do ông nam tước bứt khi vật lộn với hung thủ mà tôi đã lấy dược ở trong bàn tay của nạn nhân. Tôi đã gặp cô Xugian Giécboa. Cô đã xác nhận đây là màu tóc của người Đàn bà tóc hoe, cùng màu… hay nói chính xác hơn… đúng màu tóc của bà, thưa bà Rêan.
Bà Rêan ngây người nhìn Ganimar, không hiểu thầy định nói gì. Ganimar nói tiếp:
– Và đây, hai lọ nước hoa không nhãn hiệu và đã hết nhưng mùi thơm vẫn còn đọng lại đủ để cô Xugian Giécboa, ngay sáng nay thôi, nhận ra hương thơm của người Đàn bà tóc hoe, bạn đồng hành của cô suốt hai tuần lễ. Một lọ lấy ở buồng của bà Đơ Rêan tại lâu đài Đơ Crôgiông, còn lọ kia là ở chính phòng trọ của bà tại khách sạn Bôrivagiơ.
– Ông bảo sao?… Người Đàn bà tóc hoe… lâu đài Đơ Crôgiông…
Ganimar lặng lẽ đặt lên bàn bốn tờ giấy.
– Cuối cùng, Ganimar nói, đây là bốn tờ giấy, một tờ là mẫu chữ viết của Ăngtoanét Brêha. Một tờ là bức thư của người Đàn bà viết cho ông bá tước Hécsman trong buổi bán đấu giá viên kim cương xanh, một tờ nữa của bà Đơ Rêan trong thời gian ở lâu đài Đơ Crôgiông, còn tờ thứ tư… thưa bà. chính là của bà… đó là tên và địa chỉ của bà do chính tay bà viết cho người gác cổng khách sạn Bôrivagiơ ở Tơruvin. Bây giờ tôi mời bà so sánh bốn nét chữ này. Chúng giống hệt nhau.
– Nhưng, ông điên mất rồi, thưa ông! Thế nghĩa là thế nào ạ?
– Thưa bà, – Ganimar hùng hổ nói. – thế có nghĩa là người Đàn bà tóc hoe, bạn và tòng phạm của Arxen Lupanh không phải ai khác mà chính là bà!
Thầy Ganimar lao sang phòng bên cạnh, đẩy vai ông Giécboa, rồi lôi ông đến trước mặt bà Rêan.
– Ông Giécboa, ông có nhận ra người đã bắt cóc con gái ông mà ông đã gặp ở nhà luật sư Đơtinăng không?
– Không!
Ai cũng thấy như mình bị choáng. Ganimar lảo đảo.
– Không à? Không thể như thế được! Nào, ông giáo, ông hãy nhớ kỹ lại xem nào!
– Tôi nhớ rõ lắm. Bà đây cũng tóc vàng như người đàn bà tóc hoe, nước da cũng tái nhợt… nhưng không giống bà kia chút nào!
– Không thể tin được… Làm gì có chuyện lầm lẫn như vậy! Ông Nam tước Lêôngxơ Hôtơrếch, ông nhận ra Ăngtoanét Brêha chứ?
– Tôi đã gặp Antoanét Brêha ở nhà chú tôi, song đây không phải cô ta…
– Và bà đây cũng không phải là bà Đơ Rêan. – bá tước Đơ Crô-giống xác định.
Đúng là một đòn chí mạng. Ganimar choáng váng, mặt cúi gầm, mắt lấm lét, không thốt lên được lời nào nữa. Mọi ý đồ của thầy tan ra mây khói.
Ông Đuđuy đứng dậy, nói:
– Thưa bà Rêan, xin bà thứ lỗi cho chúng tôi và quên đi chuyện lầm lẫn đáng tiếc này. Tuy nhiên tôi vẫn không hiểu tại sao từ khi bước vào đây, bà lại có vẻ lúng túng đến lạ lùng.
– Lạy Chúa! Tôi sợ quá, thưa ông. Trong túi lưới này có hơn trăm nghìn phrăng nữ trang… mà thái độ của ông bạn của ông lại khả nghi quá.
– Nhưng sao bà hay vắng nhà luôn thế?
– Dạ, cái nghề cái nghiệp của tôi bắt phải vậy, thưa ông.
Thấy không còn gì đáng nói nữa, ông Đuđuy quay lại bảo cấp dưới:
– Thầy Ganimar này, công việc điều tra của thầy tiến hành hời hợt quá. Hơn nữa vừa rồi thầy lại xử sự rất không phải với bà Rêan. Ngày mai, thầy lên sở gặp tôi.
Cuộc gặp gỡ kết thúc. Ông chánh mật thám toan ra về thì lại xảy ra một sự việc hết sức kinh ngạc. Bà Rêan tới gần ông thanh tra già và hỏi:
– Xin ông, hình như ông tên là Ganimar?
– Vâng.
– Nếu vậy, có lẽ bức thư này là gửi cho ông. Tôi vừa nhận được sáng nay, ngoài bì có đề: “Nhờ bà Rêan chuyển giúp cho ông Giuxtanh Ganimar”. Tôi nghĩ rằng đây là một trò đùa vì quả thực tôi không được biết ông dưới cái tên ấy. Nhưng chắc người gửi bức thư này có biết đến cuộc gặp gỡ của chúng ta.
Bằng linh cảm đặc biệt, Giuxtanh Ganimar những muốn giằng lấy lá thư và xé tan nó ra từng mảnh. Nhưng trước mặt quan thầy, Ganimar không dám. Thầy dằn lòng bóc bì thư rồi lúng búng đọc. Nội dung thư như sau:
“Ngày xửa ngày xừa, có một người Đàn bà tóc hoe, một Arxen Lupanh và một Ganimar. Lão Ganimar độc ác định làm hại người Đàn bà tóc hoe nhưng chàng Lupanh tốt bụng lại không muốn có chuyện ấy. Do dó, chàng Lupanh tốt bụng đã quyết định đưa người Đàn bà tóc hoe đến làm bạn với nữ bá tước Đơ Crôgiông dưới cái tên là Đơ Rêan. Cái tên này gần giống tên một người đàn bà lương thiện làm nghề môi giới nữ trang, nước da cũng tái, tóc cũng vàng. Và chàng Lupanh tự nhủ: “Nếu một khi lão Ganimar độc ác muốn theo dõi người Đàn bà tóc hoe thì ta phải đánh lạc hướng lão, làm cho lão tưởng nhầm người đàn bà lương thiện kia là con mồi mà lão đương săn. Sự lo xa khôn ngoan đã đem lại kết quả. Một dòng thông báo nhỏ được đăng trên nhật báo mà lão Ganimar độc ác thường đọc. Một lọ nước hoa người Đàn bà tóc hoe thật cố ý để quên ở khách sạn Bôrivagiơ, tên và địa chỉ bà Rêan cũng do chính người Đàn bà tóc hoe thật viết vào sổ lưu của khách sạn… và thế là bẫy cò ke đã đặt xong! Được đấy chứ hả, ông bạn Ganimar? Tôi muốn kể đầu đuôi câu chuyện cho ông nghe vì biết rằng ông vốn có tính hài hước, thích vui cười lắm. Thực ra câu chuyện cũng buồn cười đấy chứ. Về phần tôi, tôi đã cười đến vỡ bụng!
Ông bạn thân mến, xin cảm ơn ông và làm ơn cho tôi gửi lời thăm hỏi tới ngài Đuđuy”.
“Arxen Lupanh”
Ganimar không còn bụng dạ nào để cười nữa. Thầy rên rỉ:
– Đúng là hắn biết tuốt. Hắn biết những điều mà tôi không hề hé răng nói với ai. Thưa sếp, làm sao hắn biết được tôi mời sếp đến đây? Làm sao hắn biết được việc tôi phát hiện cái lọ nước hoa thứ nhất? Làm sao hắn biết được…
Ganimar bị thất bại thảm hại. Thấy giậm chân, vò đầu, bứt tai.
Ông Đuđuy cũng thấy thương hại cho thầy bèn an ủi.
– Thôi, thầy Ganimar, đừng buồn bực nữa. Thua keo này, ta bày keo khác, lo gì!
Nói đoạn, ông chánh mật thám cùng bà Rêan ra về.
Đến hai mươi phút, Ganimar cứ đọc đi đọc lại mãi bức thư của Arxen Lupanh. Trong một góc phòng, hai vợ chồng bá tước Đơ Crôgiông, nam tước Lêôngxơ Hôtơrếch cùng ông giáo Giécboa chuyện trò rôm rả. Cuối cùng ông bá tước lại gần ông chánh thanh tra và nói:
– Thưa ông Ganimar, như vậy tất cả những chuyện vừa qua không dem lại kết quả gì hơn.
– Xin lỗi, sự điều tra của tôi đã chứng minh được người Đàn bà tóc hoe là tay chân của Arxen Lupanh và là nhân vật chính trong những chuyện rắc rối này. Như vậy, chúng ta cũng đã tiến được một bước khổng lồ rồi đấy chứ!
– Nhưng không đi đến đâu cả, thưa ông! Vấn đề vẫn còn bí ẩn lắm. Người Đàn bà tóc hoe hạ sát ông nam tước mục đích để lấy cắp viên kim cương xanh nhưng rút cục lại không lấy… và khi lấy được rồi lại quẳng cho người khác hưởng?
– Tôi chịu bó tay rồi, thưa ông.
– Hẳn là thế. Nhưng có lẽ có một người có khả năng…
– Ông định nói gì?
Ông bá tước còn đang ngập ngừng thì bà vợ đã lên tiếng một cách rành rọt:
– Theo tôi, sau ông chỉ có một người duy nhất có khả năng xỏ mũi và hạ được Lupanh: đó là Ông Héclốc Sôm. Chúng tôi định cầu cứu ông ấy. Liệu như vậy có phiền ông không, ông Ganimar?
Ganimar bối rối đáp:
– Không ạ… nhưng… tôi không rõ là…
– Thưa ông Ganimar, tất cả những điều bí ẩn này làm tôi tức tối lắm. Tôi muốn nhìn cho tỏ. Ông Giécboa và ông Hôtơrếch cũng nhất trí với tôi như thế. Chúng tôi đồng tình liên lạc với nhà thám tử lừng danh người Anh.
– Thưa bà, bà làm thế là đúng, – ông thanh tra thành thực nói, – Ganimar già nua này không đủ sức chống chọi với Arxen Lupanh. Héclốc Sôm có thể thành công chăng? Tôi mong như vậy, vì tôi cũng rất mến tay thám tử kỳ tài này. Tuy nhiên… tôi thấy cũng mong manh lắm!
– Héclốc Sôm ít có khả năng chiến thắng ạ?
– Theo tôi thì như thế. Tôi xem cuộc đấu tay đôi giữa Héclốc Sôm và Arxen Lupanh là một việc đã rồi. Anh chàng người Anh sẽ bị hạ thôi.
– Dù thế nào đi nữa, liệu có thể trông cậy vào ông được không.
– Hoàn toàn được, thưa bà. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng hợp tác với ông ấy.
– Ông có biết địa chỉ của ông Héclốc Sôm không?
– Có, 219 phố Parkơ. Luân Đôn.
Ngay tôi hôm ấy, ông bà Đơ Crôgiông rút đơn khiếu nại ông lãnh sự Áo Blaikhen, đồng thời thảo chung một bức thư gửi ông Héclốc Sôm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.